- Đang online: 2
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 15815
- Tổng truy cập: 3,369,036
Hoàn thành Khu tưởng niệm vương triều Mạc: Tri ân với nguồn cội
- 658 lượt xem
Trên nền móng điện Tường Quang, điện Phúc Hưng của kinh đô Dương Kinh xưa, nay sừng sững công trình Khu tưởng niệm vương triều Mạc. Giữa đồng lúa biếc xanh nổi bật quần thể di tích bề thế, uy nghiêm mang kiến trúc cổ kính. Từ khi khánh thành nhà chính điện đến nay, Khu tưởng niệm vương triều Mạc trở thành điểm đến của nhiều người dân Hải Phòng và du khách gần xa.
Về đích trước 1 năm
Phó chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Đỗ Xuân Trịnh báo tin vui: “Quần thể di tích Khu tưởng niệm vương triều Mạc xây dựng trên diện tích 2,5 ha đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trước thời hạn quy định đúng 1 năm. Trong đó, công trình nhà chính điện được khánh thành đúng dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Giai đoạn 1 của dự án, các đơn vị thi công đã hoàn thành và bàn giao cho huyện từ tháng 9-2010. Ngay sau đó, chủ đầu tư và các đơn vị quyết tâm triển khai đồng loạt các công trình và hạng mục công trình thuộc giai đoạn 2 của dự án. Đến đầu tháng 12, các công trình ở vị trí trung tâm của khu tưởng niệm gồm chính điện, nhà giải vũ, bia, tượng đá, nhà tả- hữu mạc, nhà che văn bia, nghi môn nội, nghi môn ngoại, lan can, tường rào, cổng phụ, cầu đá- hồ sen, đã hoàn thành. Có thể nói, được sự đồng thuận từ huyện, xã đến người dân, công trình được thực hiện nhanh gọn với tốc độ “thần tốc”.
Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại xã Ngũ Đoan (Kiến Thụy). Ảnh: Duy Lân |
Trên diện tích 2,5 ha, Khu tưởng niệm vương triều Mạc đã hình thành tất cả hạng mục, thành một quần thể di tích quy mô lớn và hài hoà với công trình trung tâm là chính điện, nơi thờ các vị vua nhà Mạc. Hình thức và các chi tiết kiến trúc công trình mang nét truyền thống của công trình lịch sử văn hóa thời nhà Mạc. Bố cục mặt bằng theo kiểu chữ công bao gồm chính điện, ống muống và hậu cung. Chính điện tổng thể toà nhà 4 mái gồm 7 gian, 2 chái, 6 hàng chân cột, diện tích 378,36 m2. Hệ thống cột đều bằng gỗ lim, tạo hình theo quy cách truyền thống. Phần mái nhà chính điện lắp ngói mũi hài phục chế, ngói chiếu có hoa văn chữ thọ, các nóc bờ chảy đều đắp lưỡng long chầu nguyệt và các con giống, hoa, lá theo chuẩn mực cổ. Nối tiếp nhà chính điện và hậu cung là ống muống với diện tích xây dựng hơn 40 m2 là toà nhà 2 gian, 4 hàng chân cột. Phần hậu cung rộng 167,39 m2, bao gồm nhà 4 mái, 5 gian, 2 chái, 4 hàng chân cột…Chung quanh khu vực nhà chính điện là hàng loạt công trình phụ trợ như hồ nước, lầu bát giác, nhà trưng bày, cầu đá và hồ sen, sân tổ chức lễ hội, nghi môn nội, nghi môn ngoại, tả vu, hữu vu, thiên long tỉnh, nhà che văn bia – tượng thú, nhà sắm lễ, bái đường…tất cả đều được xây dựng mang kiến trúc cổ thời nhà Mạc với vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ lim và đá xanh nguyên khối. Hệ thống cây xanh đã trồng trong khu tưởng niệm chủ yếu là cây ngọc lan, đại, đa, cau bẹ, Cau ăn quả, thảm cây chuỗi ngọc… càng tạo nên vẻ đẹp hữu tình cho toàn bộ công trình. Tổng giá trị xây dựng công trình cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 là hơn 59 tỷ đồng.
Kết nối vùng di tích
Bằng tấm lòng tri ân với nguồn cội và các bậc tiên tổ, ngay sau khi công trình khu tưởng niệm được khởi công xây dựng, con cháu họ Mạc, gốc Mạc trên toàn quốc đã góp công sức, kinh phí, để đẩy nhanh tốc độ xây dựng dự án. Ngoài kinh phí hàng chục tỷ đồng và vật liệu xây dựng, toàn bộ đồ thờ tự trong khu vực nhà chính điện gồm 5 pho tượng dát vàng các vua nhà Mạc, hoành phi, câu đối, ban thờ, võng, khán, trống, đại hồng chung nặng 1,5 tấn,…trị giá hơn 3 tỷ đồng, đều do con cháu họ Mạc, gốc Mạc công đức. Dòng họ Phạm gốc Mạc ở thôn Ngọc Tỉnh, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định cung rước thanh long đao gần 500 tuổi của Mạc Thái tổ về trưng bày tại thái miếu nhân dịp 469 năm ngày mất của đức Mạc Thái tổ và Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội…Hiện nay, về thăm Khu tưởng niệm vương triều Mạc ở xã Ngũ Đoan, du khách gần xa có thể được chiêm bái nhà chính điện thờ các vua nhà Mạc với 5 pho tượng dát vàng, ban thờ, hoành phi, câu đối, cửa võng… uy nghi. Đặc biệt, du khách được chiêm bái bức ảnh “ngũ long chầu triều” chụp 5 áng mây vàng hình rồng chầu về thái miếu đúng ngày khai quang an vị tượng các vua nhà Mạc.
Anh Ngô Minh Khiêm, Trưởng ban quản lý Khu tưởng niệm vương triều Mạc cho biết: “Quy mô dự án Khu tưởng niệm Vương triều Mạc hơn 10,5 ha, với hơn 30 công trình, di tích lịch sử trong khu vực cố đô Dương Kinh xưa. Hiện cùng với việc tiếp tục triển khai dự án ở quy mô lớn hơn, huyện Kiến Thụy triển khai hàng loạt hoạt động quản lý, xây dựng khu tưởng niệm thành công trình văn hoá tâm linh, giáo dục truyền thống văn hoá, lịch sử cho thế hệ trẻ, điểm nhấn văn hoá du lịch của huyện nói riêng và thành phố nói chung. Ban quản lý khu tưởng niệm cử cán bộ triển khai việc tìm kiếm, quy tụ hàng loạt di vật cổ thời Mạc qua các lần khảo cổ tại vùng đất Dương Kinh; xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên; vận động các xã có di tích lịch sử thời Mạc thuộc vùng Dương Kinh xưa đầu tư nâng cấp các khu di tích tạo thành quần thể di tích lớn về triều Mạc. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng chương trình tuyên truyền, trang thông tin điện tử giới thiệu về nhà Mạc và khu tưởng niệm. Huyện chủ động kết nối với Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch bàn kế hoạch xây dựng tuyến du lịch trên sông Đa Độ đến Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, kết nối các di tích nổi tiếng như đền Gắm, chùa Thắng Phúc (Tiên Lãng), di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Bảo thành một tuyến du lịch văn hóa tâm linh, truyền thống lịch sử…
Hoàng Yên
Viết bình luận
Tin liên quan
- ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẠC TỘC VIỆT NAM DIỄN RA THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP
- HĐMT HẢI DƯƠNG DỰ LỄ KHÁNH THÀNH HỌ PHẠM GỐC MẠC KIM BẢNG, HÀ NAM
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC LỄ KẾT NẠP HỘI VIÊN MỚI
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC TRAO THƯỞNG QUỸ KHUYẾN HỌC KHUYẾN TÀI MẠC ĐĨNH CHI CHO CÁC CHÁU CÓ THÀNH TÍCH TRONG HỌC TẬP NĂM HỌC 2023-2024
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- HỘI KIẾN SONG PHƯƠNG HĐMT HẢI PHÒNG – CÁC DOANH NHÂN TRONG ĐOÀN KHÁCH DL TRUNG QUỐC VỀ THĂM ĐỀN THỜ CÁC VUA TRIỀU MẠC (TỪ ĐƯỜNG HỌ MẠC) TẠI NGŨ ĐOAN, KIẾN THỤY, HP 29.12.2023.
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- ĐẠI LỄ HÚY KỴ – KỶ NIỆM ĐỨC MẠC THÁI TỔ – QUÝ MÃO 2023
- ĐẠI LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ ĐỨC MẠC THÁI TỔ QUÝ MÃO 2023
- ĐẠI LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ THÁNH MẪU MẠC TRIỀU
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.