- Đang online: 3
- Hôm qua: 767
- Tuần nay: 17050
- Tổng truy cập: 3,369,366
HĐMT THĂM HAI CỤ CAO NIÊN
- 287 lượt xem
Sáng ngày 07/5/2011 đại diện HĐMT VN đã tới thăm và chúc tho hai cụ cao niên gốc Mạc tộc: Trung tướng PHẠM HỒNG SƠN và Lão thành cách mạng PHẠM THỊ TRINH.
Đoàn gồm có ông Hoàng Cao Quý- Ủy viên HĐCV, Mạc Văn Trang- PCT HĐMT, Phạm Đức Hùng- PCT HĐMT, Hoàng Minh Tuấn- Đại diện BLLMT Hà Nội. Biết tin đoàn đến, Cụ Phạm Hồng Sơn 89 tuổi từ lầu hai, xuống cầu thang, ra sân đón khách, Cụ vẫn đi lại nhanh nhẹn, nói cười vui vẻ. Phu nhân Trung tướng, nhà giáo Đặng Anh Đào cũng khỏe mạnh, niềm nở tiếp đoàn. Đoàn tặng hoa và quà chúc thọ Cụ và chúc mừng nhân dịp chiến thắng Điện Biên Phủ mà Cụ là một trong những tướng lĩnh lừng danh góp phần vào chiến công đó. Cụ cầm quyển Hợp biên thế phả Mạc tộc lên, gật gù: “Các anh làm được cái này hay lắm, hay lắm!”…Được gặp anh em con cháu cùng dòng tộc, Cụ rất xúc động, hỏi tên từng người, ở đâu, làm gì…Rồi hỏi về tình hình kết nối dòng họ, các hoạt động chiêu tuyết tổ tiên… Cụ vui lắm, cứ nói các anh đến chơi luôn nhá…Anh Phạm Đức Hùng nói, muốn làm bộ phim về ba vị tướng con rể Cụ Đặng Thái Mai, nhưng tướng Giáp bảo thôi! Tướng Sơn cười, phẩy tay!… (Ba vị tướng cùng các phu nhân, con Cụ Đặng là Võ Nguyên Giáp – Đặng Thanh Hà; Phạm Hồng Sơn – Đặng Anh Đào ; Phạm Hồng Cư- Đặng Thanh Lê). Cuối buổi, phu nhân tướng Sơn lấy ra cuốn hồi ký “NHỚ VÀ QUÊN” để Cụ ký tên tặng chung cho HĐMT. (Xem bài giới thiệu cuốn sách, phía dưới). Cuộc trò chuyện không ngớt, nhưng đã muộn, Tướng quân và Phu nhân chia tay đoàn đầy tình cảm thân thương, tiễn xuống cầu thang, qua sân, ra tận cổng và đứng vẫy tay hồi lâu…
Tiếp đó đoàn đến thăm cụ PHẠM THỊ TRINH ở mãi khu ngoại thành đông đúc dân lao đông. Trên xe, tôi thắc mắc: sao Cụ Trinh là vợ tướng Nguyễn Chánh lừng danh, và bản thân là một lão thành cách mạng nổi tiếng, thân thiết với bao nhiêu lãnh đạo cao cấp, mà lại ở vào khu dân cư xa xôi thế này? Anh Hùng giải thích: trước đây nhà ở gần Ba Đình chứ, ngôi nhà bây giờ là trụ sở Hội Cựu chiến binh đấy. Sau khi tướng Nguyễn Chánh mất (1957), bà trả lại ngôi nhà cho Chính phủ, xin về ở căn hộ tập thể tại Vĩnh Hồ. Sau này các con lớn chật chội quá, mới mua đất làm nhà ra đây…Đã có bao nhiêu sách, báo viết về người con gái gốc họ Mạc này rồi. Phạm Thị Trinh tham gia cách mặng từ năm 16 tuổi và được kết nạp vào Đảng CSĐD từ năm 1930. Hiện bà là người cao tuổi đảng nhất – 81 năm tuổi đảng, 98 tuổi đời!
Bà chống gậy ra tận cổng đón khách, nói cười vui vẻ, hào hứng. Cùng tiếp khách có chị Nguyễn Tuyết Minh PGS. TSKH, con gái Cụ. Cụ bảo vui lắm, nhưng anh em, con cháu cùng họ Mạc gặp nhau, không biết chi trên dưới ra sao, cứ gọi là “đồng chí” nhé. Khi ông Quý đưa biếu Cụ quyển Hợp biên thế phả Mạc tộc, cụ vẫn nhớ: trước đây tặng rồi! Ông Quý bảo: nay tái bản, có bổ sung… Tôi ái ngại, nói: bắt Cụ đọc quyển này mệt quá. Chị Tuyết Minh bảo: Cụ đọc đấy! Cụ vẫn đọc, làm thơ …chẳng ngơi nghỉ đâu! Đang chuyện trò, giải khát vui vẻ, Cụ bảo chị con dâu đem sách ra tặng khách. Đây là cuốn hồi ký của Cụ “NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI MẸ”, dày hơn bốn trăm trang, xen kẽ văn kể là những bài thơ của Cụ viết từ hồi thiếu nữ ở trong tù cho đến nay. (Một dịp khác xin giới thiệu cuốn sách này). Cụ hỏi tên từng người chúng tôi và tự tay viết vào sách: “Thân tặng đồng chí…”.
Buổi gặp gỡ những người con gốc Mạc tộc cao niên với tình cảm luôn tha thiết hướng về dòng tộc càng làm chúng tôi xúc động, tự nhắc nhở mình phải cố gắng hơn trong công việc được Mạc tộc giao phó…
8/5/2011
Mạc Văn Trang
Chủ Nhật, 27/03/2011 – 4:12 PM | ||||
Sáng đức hạnh gia đình người lính
|
||||
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trong buổi ra mắt cuốn hồi ký “Nhớ và quên” của vợ chồng Trung tướng Phạm Hồng Sơn và PGS-TS Đặng Anh Đào đã nói, qua cuốn hồi ký cho ta thấy vai trò của gia đình, hậu phương trong tâm thế của người lính.
Trung tướng Phạm Hồng Sơn giờ đã bước sang tuổi 90 và những suy nghĩ, hồi ức của ông đã dần lùi vào dĩ vãng. “Nhớ và quên”, cuốn hồi ký vừa mới xuất bản của Trung tướng và vợ là PGS.TS Đặng Anh Đào đã lưu giữ lại một cách khá đầy đủ và chi tiết về cuộc đời của một vị tướng với hơn nửa đời chiến trận, và “từ cuốn sách bừng lên tâm hồn, nhân cách con người Trung tướng Phạm Hồng Sơn, từ đó mà hình dung ra sức mạnh và đức hạnh của cả một đội quân đã chiến đấu và chiến thắng với chủ nghĩa nhân văn, khát vọng hoà bình và vẻ đẹp của văn hoá truyền thống”. 1. “Nhớ và quên”, một phần do Trung tướng Phạm Hồng Sơn chấp bút, còn một phần sau này, do chính người phụ nữ lặng lẽ phía sau ông, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Anh Đào viết. Cuốn sách hầu như không chạm đến những góc khuất riêng tư trong cuộc đời lính trận dài dặc của mình, Trung tướng Phạm Hồng Sơn dành những trang viết về đồng đội… Nhưng lẩn quất đâu đó, sau những trang viết về những trận đánh, về đồng đội, người đọc vẫn cảm nhận được tính cách, số phận của một người lính. Và khi tôi đến nhà, trò chuyện với vợ chồng PGS – TS Đặng Anh Đào và Trung tướng Phạm Hồng Sơn, tôi mới hiểu, đó là cả một thế hệ, họ đã không sống cho bản thân mình… Thế hệ ấy, giờ họ đã không còn nhiều, và ký ức của họ cũng sẽ dần rơi vào quên lãng… Phạm Hồng Sơn, 21 tuổi, đã xếp bút nghiên lên đường, và từ đó cuộc đời ông gắn liền với chiến trận, như thể ông sinh ra để dành cho những trận đánh. Đến bây giờ, PGS – TS Đặng Anh Đào, cô con gái thứ tư của Giáo sư Đặng Thai Mai, người đã sống bên cạnh ông gần cả cuộc đời, vẫn bảo rằng, bà không còn tìm thấy một chút nào chất sinh viên trường Luật ở ông. Cuốn sách là một phác họa đáng quý chân dung một con người, thuộc thế hệ vàng của quân đội Việt Nam. Thế hệ đó, giờ đã không còn nhiều và những hồi ức của họ cũng lùi dần vào dĩ vãng. Trong cuốn hồi ký, PGS Đặng Anh Đào kể lại, đến bây giờ Trung tướng Phạm Hồng Sơn vẫn giữ thói quen đi về trên con đường tới Câu lạc bộ Quân đội và số nhà 30 Hoàng Diệu, như đã ăn sâu vào trong tiềm thức, dù bà nhiều lần vẫn khuyên ông nên đi vào con đường Nguyễn Tri Phương đẹp hơn, vắng hơn để tập thể dục, nhưng ông vẫn đi theo con đường cũ, dẫu chỉ để quay về ngay. Thời cuộc đã nhiều thay đổi, nhưng có lẽ trong ký ức của những người lính như ông, mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn. Duy chỉ có một điều không thay đổi, ông là người lạc quan, không hay buồn, hay ông may mắn hơn nhiều đồng đội vì có một người vợ, những đứa con thành đạt. Hậu phương an lành và bình yên ấy đã tiếp thêm nguồn sống cho ông nơi chiến trận. Vị tướng ấy năm nay đã bước sang tuổi 90, ông gần như đã rơi vào quên lãng, có khi quên cả chính mình. Và trong ký ức không còn rành mạch của ông, chỉ là những trận đánh, những mảnh ký ức ngộ nghĩnh thời chiến vẫn còn trở lại, gần như vô thức. Đôi khi ông chỉ còn nhớ những người đã từng vào sinh ra tử với mình. “Một buổi sáng oi bức cuối tháng 6 năm 2010 chợt nghe điện thoại máy quân đội reo. Người gọi xưng là con trai của ông Bào, lính cũ thuộc đơn vị ông Sơn, đã hy sinh năm 1954 ở Điện Biên Phủ. Bà quay sang nói với ông, tưởng rằng ông đã quên, bất chợt ánh mắt dường như đã quên hết sự đời của ông gợn lên một nét buồn sâu thẳm. Ông chỉ nói, tên cậu ấy là Chiến Bảo, phải, Chiến Bào. Không còn ánh mắt đờ đẫn lúc trước, ngay cả khi nhắc tới vài cái tên quen thuộc”. PGS Đặng Anh Đào kể lại trong hồi ký về chồng mình như vậy. 2. Dù không viết nhiều về mình, nhưng qua cuốn sách, người đọc có thể dựng lại chân dung của một vị tướng trưởng thành từ người lính. Trung tướng Phạm Hồng Sơn sinh ra và lớn lên ở thị xã phủ Lạng Thương tỉnh Bắc Giang, trong một gia đình thương gia giàu có, bố ông là nghị viên dân biểu, mất từ khi Hồng Sơn mới 6 tuổi. Nhưng ông được học hành rất cơ bản, năm 18 tuổi đã trở thành sinh viên trường Luật, tuổi trẻ nhất của sinh viên thời đó. Tháng 8/1946, lúc đó Hồng Sơn 21 tuổi, Trung tướng Phạm Hồng Sơn xếp bút nghiên xách ba lô lên đường. Ông là cháu gọi liệt sĩ Phạm Hồng Thái là chú ruột. Tiếng bom Sa Điện năm 1924 của Phạm Hồng Thái đã khơi dậy lòng yêu nước trong Phạm Hồng Sơn. Và từ đó ông đi miết. Như thể con người ông sinh ra để dành cho chiến trận, cho những trận đánh. Ông là vị chỉ huy trưởng thành từ những người lính, nên ở Phạm Hồng Sơn có cái vẻ quyết liệt, can trường của một người đánh trận từng nhiều phen đánh giáp lá cà với địch. Kháng chiến chống Pháp, ông nắm giữ những vị trí quan trọng, chỉ huy trung Trung đoàn 36 – Trung đoàn Quyết chiến Quyết thắng, thuộc Đại đoàn 308 – Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, là một trong ba tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nổi tiếng đến mức mà sau này, khi biết Phạm Hồng Sơn chính là vị hôn phu của em gái vợ mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói, “Hồng Sơn chỉ huy dũng cảm, cậu ấy đánh trận khôn lắm”. Đó là kết quả đúc kết được từ những kinh nghiệm thực tế của một người “lính trơn” mà một sĩ quan cao cấp có lý lịch trích ngang từ chính trị hoặc những chuyên môn khác khó có thể có được. Cuộc chiến đã đi xa, những ký ức cũng lùi dần vào dĩ vãng. Có một trận đánh, một thời người ta đã lãng quên, nhưng đó là trận đánh quan trọng, mà đồng đội ông nhiều người đã ngã xuống ngay trước ngày giải phóng. Trận Cầu Lồ, sau chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuốn sách đã dành một phần tâm huyết để viết về trận đánh này như một lời tri ân với đồng đội Phạm Hồng Sơn năm xưa. Đối với một vị chỉ huy như ông thì đó là trận đánh cuối cùng trước ngày chấm dứt chín năm trường kỳ kháng chiến. Là chỉ huy, Phạm Hồng Sơn đau xót khi nhìn những đồng đội ông đã bỏ lại thân xác trong những đám cháy của bom napan, ngay trước ngày giải phóng, đến giờ vẫn chỉ là những nấm mồ vô danh. Hơn nửa đời trận mạc, Phạm Hồng Sơn có mặt trong hầu hết những chiến dịch lớn như Chiến dịch Đắc Tô 2, CZ Buprăng – Đức Lập 1969 – 1970, Chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Chiến dịch Tây Nguyên,… Thế nhưng, trong lòng ông vẫn còn một nỗi cấn cái, khi ông không thể trực tiếp đánh trận cuối cùng vào giải phóng miền Nam. Lần đó ông bị ốm nặng, phải sang Đức mổ cắt túi mật. Còn trên những chuyến hành quân, không biết bao nhiêu lần ông đã nén đau, lấy ghen để nịt bụng mình lại, bấm chân bước tiếp. Đến lúc ông không thể chịu đựng được nữa, mới đồng ý đi mổ.
3. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trong buổi ra mắt cuốn hồi ký “Nhớ và quên” của vợ chồng Trung tướng Phạm Hồng Sơn và PGS-TS Đặng Anh Đào đã nói, qua cuốn hồi ký cho ta thấy vai trò của gia đình, hậu phương trong tâm thế của người lính. Và từ những tế bào nhỏ của gia đình đã phản ánh cả một cuộc chiến tranh của dân tộc. Tôi muốn dành một phần bài viết về Trung tướng Phạm Hồng Sơn cho hậu phương của ông, PGS-TS Đặng Anh Đào. Bởi tôi nghĩ, họ đã gắn kết với nhau như là những số phận của lịch sử. Đó là hậu phương vững chắc để những người lính ra trận như Phạm Hồng Sơn làm nên chiến thắng. Trong hồi ký, PGS Đặng Anh Đào kể lại về mối lương duyên của bà với Trung tướng Phạm Hồng Sơn. Hồi đó, các chỉ huy quân sự thường là những trí thức, về thăm các trường nữ sinh. Hình ảnh anh bộ đội “ngựa hồng côn bạt” đã trở thành lý tưởng trong mắt các cô nữ sinh ngày đó. Gia đình Giáo sư Đặng Thai Mai đi tản cư. Phạm Hồng Sơn được một bà chị dẫn đến nhà chơi, có ý mai mối. Thế rồi bặt đi mấy năm sau, trong một đợt nghỉ phép giữa hai trận đánh, Phạm Hồng Sơn đi xe đạp về Nghệ An thăm gia đình Giáo sư Đặng Thai Mai. Một may mắn bất ngờ, và có lẽ do số phận sắp đặt khi trên đường đi xe đạp từ Việt Bắc vào miền Trung, ngay trên đoạn gần Cầu Kè, Thanh Hóa ông bắt gặp hai người con gái của ông bà Đặng Thai Mai (Anh Đào và Xuyến Như) đang đi mua đậu phụ ở làng bên. Từ cuộc gặp đó, cho đến cuối kỳ nghỉ phép họ đã quyết định làm đám cưới, một đám cưới “ấn tượng” và “linh đình” thời chiến. Rồi Phạm Hồng Sơn mải miết đi đánh trận, ngay cả thời bình, ông cũng chúi đầu vào công tác nghiên cứu, đến nỗi mà nhiều lúc ông thấy mình xa lạ, lạc lõng với cuộc sống đời thường… Trong cuốn hồi ký “Nhớ và quên” công bố nhiều bức thư đã hoen màu vì thời gian của vợ chồng Trung tướng Phạm Hồng Sơn, và các con rất cảm động. Có những bức thư ông viết giữa những trận đánh gấp gáp. Bức thư ghi chiều mồng 7/5/1954 “bộ đội của trung đoàn anh chỉ cách 300 thước nữa. Chiều nay ta lại tấn công. Mới bắn vài phát cờ trắng trong Mường Thanh đã phấp phới trong các vị trí của địch…”. Đó là tâm thế của những người lính trong chiến trận chiến đấu vì đất nước, và luôn có một nơi để hướng về… còn PGS Đặng Anh Đào thì bảo, ngày đó, bà chẳng có mối bận tâm nào khác ngoài việc nuôi dạy ba con, làm nghiên cứu và chờ chồng trở về bình an. Giờ hàng ngày bà vẫn đưa ông ra phố, trên những con đường vẫn trở về trong tâm tưởng của ông, để ông vẫn có thể lắng nghe được những xôn xao của đời sống. Đấy là khoảnh khắc hiếm hoi trong ngày Trung tướng Phạm Hồng Sơn giao tiếp với cuộc sống để làm chậm lại tốc độ quên của ông. Một người lính đã đi qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, từng nắm giữ những cương vị quan trọng, với hơn nửa đời chiến trận, nên dù sau này có nắm giữ những cương vị khác, có thành danh thành Tiến sĩ, Giáo sư, thì đối với Trung tướng Phạm Hồng Sơn, như PGS Đặng Anh Đào vẫn nói về chồng mình, ông vẫn là con người của trận mạc. Và tôi muốn mượn đoạn kết của cuốn hồi ký “Nhớ và quên” để kết thúc bài viết này: “Dẫu cuốn sách này phải có một Vĩ thanh, thì cuộc đời vẫn đang xôn xao tuôn chảy, không bao giờ tắt lặng. Vầng trăng chỉ tròn có một ngày, còn suốt cả tuần trăng thường không viên mãn, nhưng ngắm trăng khuyết, nếu có buồn, vẫn thấy đẹp” |
||||
Khánh Linh |
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẠC TỘC VIỆT NAM DIỄN RA THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP
- HĐMT HẢI DƯƠNG DỰ LỄ KHÁNH THÀNH HỌ PHẠM GỐC MẠC KIM BẢNG, HÀ NAM
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC LỄ KẾT NẠP HỘI VIÊN MỚI
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC TRAO THƯỞNG QUỸ KHUYẾN HỌC KHUYẾN TÀI MẠC ĐĨNH CHI CHO CÁC CHÁU CÓ THÀNH TÍCH TRONG HỌC TẬP NĂM HỌC 2023-2024
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- HỘI KIẾN SONG PHƯƠNG HĐMT HẢI PHÒNG – CÁC DOANH NHÂN TRONG ĐOÀN KHÁCH DL TRUNG QUỐC VỀ THĂM ĐỀN THỜ CÁC VUA TRIỀU MẠC (TỪ ĐƯỜNG HỌ MẠC) TẠI NGŨ ĐOAN, KIẾN THỤY, HP 29.12.2023.
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- ĐẠI LỄ HÚY KỴ – KỶ NIỆM ĐỨC MẠC THÁI TỔ – QUÝ MÃO 2023
- ĐẠI LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ ĐỨC MẠC THÁI TỔ QUÝ MÃO 2023
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.