- Đang online: 4
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 20035
- Tổng truy cập: 3,370,330
GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- 1817 lượt xem
GS.TSKH PHAN ĐĂNG NHẬT
VÀ CUỘC HỒI SINH SỬ THI VIỆT
(Baonghean.vn) – Đối với giới khoa học trong nước, Phan Đăng Nhật có đóng góp lớn khi ông phân biệt sử thi Việt Nam với những tác phẩm sử thi nổi tiếng của thế giới.
LTS: Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phan Đăng Nhật sinh ra trong một gia đình yêu nước ở xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, ông gọi nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu là bác ruột. Giáo sư Phan Đăng Nhật là một nhân cách lớn, một trí tuệ uyên bác, nhà nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về sử thi. Ngày 24/6/2020, trái tim vị Giáo sư đáng kính đã ngừng đập, ông về với thế giới của người hiền để lại niềm tiếc thương, tri ân của bạn bè, giới nghiên cứu văn hóa về một con người tận hiến cuộc đời mình cho dân tộc.
Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS. Nguyễn Xuân Kính – Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, một người bạn, người đồng nghiệp của GS. Phan Đăng Nhật. Bài được lược trích từ tác phẩm: “Trên đường tìm hiểu văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam” của GS.TS. Nguyễn Xuân Kính.
Người con ưu tú làng Đông
Giáo sư Phan Đăng Nhật sinh năm 1931, tại làng Đông, xã Tràng Thành, nay là xóm Phan Đăng Lưu, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Năm 1952, ông là giáo viên Trường cấp hai Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu. Năm 1960, ông công tác ở Sở Giáo dục Tây Bắc. Trong thời gian gần chục năm công tác tại vùng Tây Bắc Tổ quốc, bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, ông còn say mê sưu tầm, tìm hiểu văn học dân gian các dân tộc ít người.
Giáo sư. TSKH Phan Đăng Nhật. Ảnh: Internet
Năm 1963, trên tập san Nghiên cứu văn học, số 2, truyện “Chàng Lú và nàng Úa” do Cầm Trọng và Phan Đăng Nhật sưu tầm được công bố. Năm 1969, ông chuyển về Hà Nội, nghiên cứu văn học các dân tộc ít người ở Vụ Miền núi thuộc Bộ Văn hóa. Từ năm 1970 đến cuối năm 1979, ông làm việc tại Viện Văn học. Từ tháng 12 năm 1979 đến năm 1999, ông công tác tại Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (Viện Khoa học xã hội Việt Nam).
Năm 1984, Phan Đăng Nhật được Nhà nước phong chức danh Phó Giáo sư. Năm 1989, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học tại Viện Hàn lâm khoa học Bungari về đề tài “Những đặc điểm cơ bản của sử thi – khan ở Việt Nam”. Từ cuối những năm 70 đến tháng 5 năm 1994, ông lần lượt được giao các nhiệm vụ quản lý: Phó Trưởng ban Ban Văn học dân gian của Viện Văn học; Thư ký khoa học Ban Văn hóa dân gian; Phó Trưởng ban Ban Văn hóa dân gian; Phó Viện trưởng, quyền Viện trưởng và Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian. Từ năm 1985 đến tháng 2 năm 1991, ông là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian. Từ cuối năm 1999, tuy được nghỉ hưu nhưng ông vẫn không ngừng lao động sáng tạo, tiếp tục được mời tham gia Hội đồng khoa học của Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian. Năm 2002 ông được phong chức danh Giáo sư Văn học.
Bài nghiên cứu đầu tiên của Phan Đăng Nhật là “Về việc thể hiện tính dân tộc trong sáng tác văn học các dân tộc thiểu số” viết chung với Nông Quốc Chấn, đăng trên Báo Văn hóa năm 1969, số 8 và số 10.
Phan Đăng Nhật bước vào ngành nghiên cứu văn hóa dân gian có phần muộn hơn so với nhiều tác giả khác, nhưng ông rất tích cực viết và đã được công bố không ít tác phẩm. Tính đến năm 2010, ông là tác giả của 6 cuốn sách in riêng; chủ biên, đồng chủ biên của 9 cuốn sách; là đồng tác giả của 38 cuốn sách, kỷ yếu in chung, 120 bài viết in trên Tạp chí Văn học, Tạp chí Văn hóa dân gian, Tạp chí Việt Nam khoa học xã hội, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Văn nghệ…
Một góc xã Hoa Thành (Yên Thành) hôm nay. Ảnh: Thái Hồng
Chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu văn học dân gian
Những đóng góp của Phan Đăng Nhật trong việc nghiên cứu folklore được thể hiện trên nhiều phương diện.
Trước hết, Phan Đăng Nhật là một trong những chuyên gia còn hiếm hoi ở nước ta trong lĩnh vực nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc ít người.
Năm 1980, cuốn Lịch sử văn học Việt Nam, tập I do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức biên soạn được xuất bản. Cuốn sách gồm 400 trang, ba phần chính, trong đó phần văn học các dân tộc thiểu số được trình bày trong 72 trang do Nông Quốc Chấn và Phan Đăng Nhật chấp bút.
Năm 1981, cuốn Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (trước Cách mạng Tháng Tám 1945) của Phan Đăng Nhật được xuất bản. Ở nước ta, đây là cuốn sách đầu tiên trình bày có hệ thống về văn học dân gian các dân tộc ít người.
Có thể nói, trong sách Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, những tư tưởng của Phan Đăng Nhật về tiến trình văn học (thông qua văn học các dân tộc ít người) đã được bộc lộ. Đó là: Tiến trình từ ngôn ngữ giao tiếp đời thường đến ngôn ngữ thơ ca; Tiến trình từ thơ ca dân gian và truyện cổ tích đến truyện thơ; Tiến trình từ văn học dân gian đến văn học thành văn;…
Theo Phan Đăng Nhật, nhiều dân tộc bản địa lâu đời ban đầu ở Việt Nam có một gia tài văn hóa chung từ thời Đông Sơn, Sa Huỳnh. Sau đó, vì nhiều nguyên nhân phải phân tán, có khi cư trú rất xa nhau, thậm chí bị cắt đứt các mối quan hệ. Mặc dù vậy, những dân tộc này vẫn gìn giữ được gia tài văn hóa chung của cái thuở ban đầu. Một trong những gia tài chung ấy là thần thoại và sử thi. Với nhận thức đó, nhà nghiên cứu đã chọn một con đường riêng, khác với các bậc thầy, các bậc đàn anh trong giới folklore học Việt Nam như: Đinh Gia Khánh, Cao Huy Đỉnh.
Nhưng giới nghiên cứu văn hóa dân gian trong nước và trên thế giới đều đồng nhất ở một nhận định: GS.TSKH Phan Đăng Nhật là nhà nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về sử thi.
Sách Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam của Giáo sư Phan Đăng Nhật. Ảnh tư liệu
Người làm sống lại sử thi Việt Nam
Trên con đường đi tìm sử thi Việt Nam, nhiều người phỏng đoán rằng, người Việt cổ có sử thi từ thời Văn Lang – Âu Lạc, nhưng ngày nay chỉ còn những mảnh vụn. Tình trạng này khiến nhiều người trong giới khoa học hoài nghi sự tồn tại của một hệ thống thần thoại và một nguồn anh hùng ca cổ Việt Nam.
Phan Đăng Nhật chọn một hướng đi mới. Ông bắt đầu tìm sử thi Việt Nam từ các dân tộc thiểu số, rồi sau đó mới quay về dân tộc Việt. Bài viết “So sánh một số truyền thuyết trong Đẻ đất đẻ nước của người Mường với các truyền thuyết về thời dựng nước của người Việt” (1974), cuốn sách Sử thi Ê Đê (1991), bài viết chung với Phan Ngọc “Thử xây dựng lại hệ thống huyền thoại Việt – Mường” (1991) là những công trình thể hiện hướng đi này.
Từ năm 1973 đến năm 1977, GS. Phan Đăng Nhật đã sử dụng thuật ngữ Sử thi anh hùng, sử thi, sử thi – mo. Năm 1973, ông dùng thuật ngữ “sử thi anh hùng” để phân biệt với sử thi nghĩa rộng có nội dung tương ứng với thuật ngữ tự sự (ở Việt Nam đến năm 1983 mới có sự phân biệt giữa sử thi anh hùng và sử thi thần thoại do Võ Quang Nhơn đề xuất).
Năm 1986, trên Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật, Phan Đăng Nhật công bố bài viết “Sử thi Đam Xăn và phương pháp nghiên cứu văn hóa dân gian”. Theo ông, ở nhân vật Đam Xăn có ba nhiệm vụ: lấy vợ, lao động, chiến đấu giành lại vợ, trong đó chiến đấu giành lại vợ là nhiệm vụ trung tâm và chủ đạo. “Sự giàu có, sức mạnh và uy danh của Đam Xăn cũng chính là sự giàu mạnh và uy danh của làng buôn dưới quyền Đam Xăn. Chỉ có một xã hội có tính chất cộng đồng như xã hội Ê Đê vào thời đại anh hùng ca, mới có mối quan hệ đẹp đẽ này giữa anh hùng và toàn xã hội và chính mối quan hệ đó mới tạo nên không khí anh hùng ca”.
Tháng 6 năm 1989, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học tại Bungari với đề tài Những đặc điểm cơ bản của sử thi – khan ở Việt Nam. Nếu vào cuối thập kỷ thứ ba của thế kỷ XX, Sabachier có công làm cho nước Pháp biết đến một tác phẩm sử thi Việt Nam, thì đến cuối thập kỷ thứ 9 của thế kỷ XX, với luận án này, Phan Đăng Nhật lần đầu tiên giới thiệu toàn diện, có sức thuyết phục sử thi Ê Đê, được các nhà khoa học ở một nước Đông Âu có truyền thống nghiên cứu folklore thừa nhận. GS. N.LNiculin, một chuyên gia về văn học Việt Nam của Liên Xô cũ và của nuớc Nga hiện nay cho rằng, “công trình khảo cứu nổi tiếng Sử thi Ê Đê của Phan Đăng Nhật có ý nghĩa khó có thể đánh giá được hết”.
Giáo sư Phan Đăng Nhật và một số tác phẩm của ông. Ảnh: Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Ảnh: Internet
Đối với giới khoa học trong nước, Phan Đăng Nhật có đóng góp lớn khi ông phân biệt sử thi Việt Nam với những tác phẩm sử thi nổi tiếng của thế giới. Tiếp thu lý luận của Mêlêtinxki – một học giả Xô viết, Phan Đăng Nhật đã phân biệt sử thi cổ sơ và sử thi cổ đại với tiêu chí phân loại rõ ràng và xác đáng.
Trong các năm 1996 – 1998, GS. Phan Đăng Nhật thực hiện đề tài cấp bộ Vùng sử thi Tây Nguyên. Đề tài được nghiệm thu, xếp loại xuất sắc và cuối năm 1998, công trình nhận được giải cao (B) của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Năm 1999, công trình được Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố với tên gọi Vùng sử thi Tây Nguyên.
Nghĩ về Phan Đăng Nhật, người ta vẫn thấy trước hết ông là một chuyên gia về văn học, văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số. Trong công tác nghiên cứu, Phan Đăng Nhật luôn luôn có ý thức phục vụ chính trị và những yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Tên gọi của một số bài viết của ông đã nói lên điều này: “Nghiên cứu văn học dân gian theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ tư” (1980); “Đổi mới suy nghĩ trong việc kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số” (1986); “Hướng việc nghiên cứu văn hóa dân gian gắn liền hơn nữa với thực tiễn” (1989);…
Con đường phấn đấu đi lên của Phan Đăng Nhật là con đường đầy khó khăn, vất vả gắn liền với một quyết tâm vượt khó, chịu khổ phi thường. Sở dĩ, ông có được những đóng góp cho khoa nghiên cứu văn hóa dân gian là nhờ sức làm việc phi thường, nhờ ông “biết là học trò của các bậc, như: Cao Huy Đỉnh, Đinh Gia Khánh, Phan Ngọc,…”.
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính
(Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam)
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- ĐẠI HỘI MẠC TỘC VIỆT NAM KHOÁ IV ĐANG ĐƯỢC HĐMT VIỆT NAM, HĐMT TỈNH HẢI DƯƠNG TÍCH CỰC CHUẨN BỊ ĐỂ ĐÓN TIẾP CÁC ĐẠI BIỂU, CON CHÁU VỀ DỰ ĐẠI HỘI
- DANH SÁCH ỦNG HỘ ĐẠI HỘI MẠC TỘC VIỆT NAM LẦN THỨ IV NHIỆM KỲ 2024- 2029
- HỘI ĐỒNG MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TRIỂN KHAI, PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CHO CÁC THÀNH VIÊN PHỤC VỤ ĐẠI HỘI MẠC TỘC VIỆT NAM KHOÁ IV NHIỆM KỲ 2024- 2029 TẠI ĐIỆN SÙNG ĐỨC ( TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM)
- THÔNG BÁO HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH MẠC TỘC VIỆT NAM KHÓA III – Nhiệm kỳ 2019-2024.
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC LỄ KẾT NẠP HỘI VIÊN MỚI
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC TRAO THƯỞNG QUỸ KHUYẾN HỌC KHUYẾN TÀI MẠC ĐĨNH CHI CHO CÁC CHÁU CÓ THÀNH TÍCH TRONG HỌC TẬP NĂM HỌC 2023-2024
- THƯ CẢM ƠN NHÂN DỊP TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG LẦN THỨ NHẤT NHIỆM KỲ 2024- 2029
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC THÀNH CÔNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG LẦN THỨ NHẤT NHIỆM KỲ 2024- 2029
- ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN NAM SÁCH, BTC LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG ĐỀN LONG ĐỘNG TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI HĐMT VIỆT NAM, HĐMT CÁC TỈNH THÀNH, BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC VÀ CON CHÁU HỌ MẠC, GỐC MẠC TOÀN QUỐC VỀ DỰ LỄ HỘI
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.