- Đang online: 2
- Hôm qua: 601
- Tuần nay: 23268
- Tổng truy cập: 3,395,635
GIỚI THIỆU DI TÍCH ĐỀN LONG ĐỘNG
- 3549 lượt xem
GIỚI THIỆU DI TÍCH ĐỀN LONG ĐỘNG
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH ĐỀN LONG ĐỘNG
xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương
ĐỀN MẠC ĐĨNH CHI-ĐỊA LINH NHÂN KIỆT
NGUỒN CỘI CỦA TIÊN VƯƠNG NHÀ MẠC
Xuất Bản Năm 2014
LỜI NÓI ĐẦU
Họ Mạc ta vốn có nguồn cội lịch sử lâu đời, góp phần vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước cùng với các họ tộc anh em khác trong cộng đồng người Việt; những con em mang huyết thống họ Mạc từ thế hệ này sang thế hệ khác đã có nhiều công lao đóng góp to lớn, đặc biệt về mặt nhân tài thì ở bất cứ thời đại nào xưa cũng như nay đều không vắng những gương mặt hậu duệ họ Mạc. Trong đó có những người trở nên bất tử với tài đức song toàn như Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi (1272-1346) và dấu ấn mãi mãi không thể phai mờ trên con đường phát triển lịch sử của dân tộc là việc sáng lập nên Vương Triều Mạc (1527) với thời gian trên 150 năm tồn tại, từng đưa đất nước xưa vào thời Thái Bình thịnh trị mà các triều đại phong kiến trước triều Mạc chưa thực hiện được…
Đền Mạc Đĩnh Chi ở Long Động xã Nam Tân, Nam Sách, Hải Dương là một trong những nơi mà vua Lê Chúa Trịnh đã dùng vũ lực đập phá sau thời vận 1593 nhằm tuyệt diệt hương hỏa họ Mạc; tiếp đến trong kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1953 chúng đã dùng vũ khí chiến tranh phá hủy đền chùa Long Động nhằm xóa đi những di tích lịch sử văn hóa quốc gia linh thiêng…
Dựa vào tài liệu của các nhà nghiên cứu lịch sử về họ Mạc và vương triều Mạc, kết họp với quan sát thực tế, NGUT Mạc Xuân Kỷ cùng BQLDT Đền Long Động giới thiệu mấy nét về “ĐỀN MẠC ĐĨNH CHI-ĐỊA LINH NHÂN KIỆT, NGUỒN CỘI CỦA TIÊN VƯƠNG NHÀ MẠC’, gồm nội dung sau :
1) Lịch sử và truyền thuyết,
2) Cấu trúc ngôi Đền Mạc Đĩnh Chi ở Long Động,
3) Di sản văn hóa tại thôn Long Động,
4) Chương trình cúng giỗ Viễn tổ Mạc Đĩnh Chi.
BAN QLDT ĐỀN LONG ĐỘN
1. LỊCH SỬ VÀ TRUYỀN THUYẾT :
Làng Long Động vốn là mảnh đất linh thiêng, kể từ khi con người Việt cổ đặt chân lên mảnh đất này, có Trạng nguyên Mạc Hiển Tích và em Người là Tiến sĩ Mạc Kiến Quan.
Ngài Mạc Hiển Tích là người ở xã Lũng Động, huyện Chí Linh, châu Nam Sách, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Đỗ Đệ nhất giáp Trạng nguyên khoa Bính Dần, niên hiệu Quảng Hựu thứ hai (1086) đời nhà Lý (Nhân Tông). Ngài được bổ làm Hàn lâm học sĩ, sau làm đến chức Thượng thư bộ lại. Đi sứ Chiêm Thành năm 1094. Ngài là một người có biệt tài về chính trị và là một trung thần nhà Lý. Sau này khi Mạc Thái Tổ lên ngôi Hoàng đế có truy tôn Ngài là Thủy Tổ Hồng Phúc Đại Vương.
Em của Ngài là Mạc Kiến Quan, cũng đỗ Tiến sĩ, cùng làm đến chức Thượng thư đời vua Lý Nhân Tông (1072-1127) nhưng khác bộ (bộ Công). Huynh đệ đồng triều thật là hiếm có.
Cháu 5 đời của ngài Mạc Hiển Tích là Mạc Đĩnh Chi (1272-1346). Mạc Đĩnh Chi, tên tự là Tiết Phu, vốn người Lan Khê, huyện Bình Hà, Châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, sau đó dời đến làng Lũng Động, nay thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Mạc Đĩnh Chi sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, nhưng không may cha mất sớm, gia đình bần hàn. Bù vào những thiệt thòi đó là sự thông minh xuất chúng của Mạc Đĩnh Chi và bà mẹ ông là người có tâm hồn lớn rất mực thương yêu con, tần tảo nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, một phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Đến tuổi đi học Mạc Đĩnh Chi tỏ ra mẫn tiệp, học một biết mười, có tư chất thông minh hơn người. Đến kỳ thi đại khoa năm Hưng Long 12 (năm 1304) ông đỗ đầu Đệ nhất giáp, tức Trạng nguyên.
Năm 1308, Mạc Đĩnh Chi với tài năng và đạo đức của mình, ông giành được sự tin cậy của triều Trần, lần đầu tiên ông được vua Trần Anh Tông cử đi sứ nhà Nguyên. Mạc Đĩnh Chi đã không hổ danh là một tân Trạng nguyên của Đại Việt với khí phách kiên cường, tinh thần tự tôn tự hào dân tộc và tài văn thơ ứng đối mẫn tiệp trước các đại thần của triều Nguyên, khiến cho vua quan triều Nguyên rất vị nể và thần phục phong cho học vị Lưỡng Quốc Trạng Nguyên và được các sứ thần triều Nguyên ghi chép rất trân trọng vào Bộ chính sử quốc gia.
Năm 1324, dù đã gần 60 tuỏi, Mạc Đĩnh Chi được vua Trần Minh Tông tin tưởng cử đi sứ nhà Nguyên lần thứ hai, điều này chứng tỏ mức độ tin cậy tuyệt đối của vương triều Trần với Mạc Đĩnh Chi và ông đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của một sứ thần. Chính nhờ có sự giao tiếp đắc nghi giúp sức nên trong khoảng hơn một trăm năm ngăn được sự nhòm ngó của Trung Quốc mà tăng thêm thanh danh cho văn hiến nước nhà.
Mạc Đĩnh Chi làm quan và hoạt động dưới 3 đời vua triều Trần : vua Trần Anh Tông (1293-1314), vua Trần Minh Tông (1314-1329), vua Trần Hiến Tông(1329-1341). Tuy làm quan nhưng Mạc Đĩnh Chi có tiếng là liêm khiết. Ông sống giản dị,lạc quan, mang hết tâm lực và trách nhiệm của mình để phục vụ đất nước. Năm 1339 Mạc Đĩnh Chi về trí sĩ ( lập trường dậy học ở Lan Khê ) được phong tước hầu. Mạc Đĩnh Chi tạ thế ngày 10/02 năm Bính Tuất(1346).
Cháu 7 đời của Mạc Đĩnh Chi là Mạc Đăng Dung-ông sinh thành từ làng Cổ Trai, Kiến Thụy, Hải Phòng. Mạc Đăng Dung lấy ngôi của nhà Lê không phải từ tay một vua Lê anh hùng như Lê Lợi-một vua Lê có học vấn và tài năng lớn như Lê Thánh Tông mà từ những vua Lợn, vua Quỷ…sự thay thế này là hợp lẽ Đời và Đạo…
Mạc Đăng Dung nổi lên như một dũng tướng, sau xưng vương, lập nên một vương triều tồn tại trên 150 năm-Đó cũng là một triều đại tiến bộ, có thành tựu rực rỡ trên nhiều lĩnh vực.
Như thế là Long Động khai khoa bảng, Cổ Trai khai đế nghiệp. Nên có đôi câu đối :
Long Động văn chương quang nhật nguyệt
Cổ Trai đế nghiệp tráng sơn hà
II. CẤU TRÚC NGÔI ĐỀN MẠC ĐĨNH CHI :
– Nhà hậu cung : Thờ Tam Hiền : Thủy Tổ Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan, Viễn Tổ Mạc Đĩnh Chi.
+ Đôi câu đối 1 : Lưỡng quốc trạng nguyên danh bất hủ
Tam hiền Lũng Động phúc trường lưu
+ Đôi câu đối 2 : Tổ tiên hiển linh ban tài chí
Cháu con phụng thờ hưởng lộc chung
Nhà Trung tế :
– Đại tự : + Đại tự 1 : “Đạo Quán Cổ Kim”
+ Đại tự 2 : “ Trí”
– Câu đối :
+ Đôi câu đối 1 : Lưỡng quốc trạng nguyên quang nhật Nguyệt
Hậu duệ phụng thờ thị hiển vinh
+ Đôi câu đối 2 : Long Động văn chương quang vạn cổ
Mạc triều khoa cử diệu thiên niên
– Nhà tiền tế :
+ Đại tự : “Lưỡng quốc trạng nguyên”
+ Câu đối :
+ Đôi câu đối 1 : Long động ngàn năm linh khí tụ
Trạng nguyên muôn thuở tráng tâm lưu
+ Đôi câu đối 2 : Phát tích tổ tiên dòng họ Mạc
Lưu truyền con cháu dạ tâm ghi
– Nhà Tả vũ, nhà Hữu vũ, nhà Chuông, nhà thiêu hương….
+ Bia ký (Tiền hiền bia ký) :
Niên hiệu, tháng 10 mùa Đông năm Tự Đức thứ 16(1863)
Đặc điểm, bia hình dẹt, đỉnh vòm, trán chạm vân xoắn, chữ tên trong ô vuông, diềm hai bên chạm hoa lá dây xoắn cách điệu.
Nội dung bia : ghi các bậc tiền hiền :
+ Mạc tướng công, tên tự là Hiển Tích, đỗ đầu tiến sĩ văn học khoa Bính Dần (1086)-triều Lý, được sung vào Hàn lâm viện, vinh dự được thăng chức(Lại bộ) làm quan đến chức (Thượng thư).
+ Mạc tướng công, tên tự là Kiến Quan, đỗ đầu tiến sĩ khoa Kỷ Tỵ(1089) triều Lý, vinh dự được thăng chức (Công bộ), đã từng làm quan đến chức (Thượng thư) .
+ Mạc tướng công, tên tự là Đĩnh Chi, khoa Giáp Thìn (1304) triều Trần, đỗ đệ nhất giáp, đệ nhất danh Trạng nguyên, cập đệ thái học sĩ, phụng đi sứ nhà Nguyên, được phong(Lưỡng Quốc Trạng Nguyên) đã từng làm quan đến chức (Thượng thư nhập nội đại hành khiển) kiêm trung thư tri quân dân trọng sự.
Hội Tư văn của bản xã lập Bia.Ngày lành tháng mùa xuân Ất Sửu-Tự Đức thứ 18(1865).
III. DI SẢN VĂN HÓA TẠI THÔN LONG ĐỘNG :
Tương truyền, dưới thời phong kiến tại thôn Long Động có quần thể di tích Đền Mạc Đĩnh Chi ( Đền trên, đền dưới); Cây Đa, Giếng ngọc hương sen trong khuôn viên Đền; Chùa Tường Quang Động ( chùa trên, chùa dưới); Lăng quan trạng(nơi an nghỉ của Thủy tổ Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan; Viễn tổ Mạc Đĩnh Chi); Điện Sùng Đức ( khi Thái Tổ Mạc Đăng Dung lên ngôi Tiên vương đã xây Điện Sùng Đức nhằm bày tỏ sự tri ân đối với công đức to lớn mà Viễn Tổ đã đem lại cho đất nước xưa một thời thịnh trị cũng là sự vẻ vang cho dòng tộc và lưu lại phúc đức cho muôn đời con cháu “MINH ĐỨC-MINH QUÂN-LƯU QUANG VẠN ĐẠI”); Văn chỉ trên, văn chỉ dưới ( nơi sĩ tử dự thi làm quan tổng, quan huyện…)…
Sau cái mốc thời gian năm 1592 Trịnh Tùng chiếm lại Thăng Long thì một chiến dịch truy sát họ Mạc đã diễn ra khốc liệt; chúng phá hết cung điện, bia đá, công trình ở cố đô Dương Kinh, các di sản văn hóa của dòng họ Mạc (trong đó có khu di tích ở thôn Long Động).
Với lòng ngưỡng mộ tiên tổ ở Long Động nói riêng, hậu duệ họ Mạc khắp nơi trong cả nước tái lập Đền thờ tổ tiên (trong đó có Đền Mạc Đĩnh Chi ở Long Động). Song trong kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1953 chúng lại cho nổ mìn phá Đền trên, Đền dưới …ở Long Động.Vào đầu năm 1990 của thế kỷ XX, ngôi Đền Mạc Đĩnh Chi được phục dựng, khôi phục Điện Sùng Đức, Lăng quan trạng, nhiều hậu duệ họ Mạc công đức tượng, long đình, bát bửu, nhiều vật thờ có giá trị cao; hậu duệ họ Mạc từ Mỹ công đức làm con đường rộng 4m từ Lăng quan trạng đến đường về Đền và nhà hảo tâm từ Hà Nội công đức khôi phục giếng ngọc hương sen… Ngày 26/6/1995 ngôi Đền được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia; ngày 03/12/2009, UBND tỉnh Hải Dương có quyết định số 4206/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án xây dựng công trình tu bổ tôn tạo khu Di tích Đền Long Động (trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội) gồm Đền chính 5 gian tiền tế, 3 gian trung từ, 3 gian hậu cung; nhà tả vu, nhà hữu vu, nhà bia, nhà thiêu hương, tam quan, nhà khách, nhà tưởng niệm anh hùng Mạc Thị Bưởi…
Hậu duệ Mạc tộc ở Hải Dương và các tỉnh trong nước hằng năm đến chiêm bái viễn tổ Mạc Đĩnh Chi ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội và ở Văn Miếu Mao Điền Hải Dương.
Ở TP.HCM có tên đường Mạc Đĩnh Chi, trường THPT Mạc Đĩnh Chi, trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi; ở Bến Tre có trường THPT Mạc Đĩnh Chi; ở Nam Sách có trường THPT Mạc Đĩnh Chi vv…
IV. CHƯƠNG TRÌNH CÚNG GIỖ VIỄN TỔ MẠC ĐĨNH CHI (ngày 10/2 Âm lịch hằng năm) :
Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, ít thấy dòng họ nào sau khi bị truy diệt tàn khốc, ly tán khắp nơi, thay tên đổi họ suốt hơn 400 năm rồi lại tìm về họ gốc, về nơi cội nguồn với trên 500 chi họ Mạc, gốc Mạc trong cả nước, kết nối trong Hội đồng Mạc tộc Việt Nam. Ngày giỗ Viễn tổ Mạc Đĩnh Chi hằng năm có chương trình chung như sau :
– Sáng ngày 9/2 AL 9 giờ Lễ dâng hương tại Lăng quan trạng và Điện
Sùng Đức.
Chiều 9/2 AL 15-16 giờ Lễ cáo yết tại Đền
– Sáng 10/2 AL 6-7 giờ 30 Tế lễ tại Đền
7g30-8g30 Đón tiếp khách và con cháu dâu rể họ Mạc
8g30-10g Khai lễ, báo cáo tình hình hoạt động của Đền
Công bố các quyết định(nếu có)
Đại diện chính quyền địa phương và HĐMTVN phát biểu
Đại diện BQLDT ………phát biểu
10g-11g30 Đại biểu và con cháu dâng hương
11g 30 Mời khách và con cháu thụ lộc Thánh
Chiều ngày 10/2 AL Con cháu mới đến dâng hương
– Sáng ngày 11/2 AL Hội Phật tử rước các quan Trạng đến
Lăng Mộ.
Xướng kinh cầu cho quốc thái dân an.
Bế mạc !
( Từ chương trình Lễ, lập chương trình Hội )
LỜI CÁM ƠN
Một trong những đặc điểm văn hóa của người Việt nói chung, từng dòng họ nói riêng có truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây; tri ân các danh nhân anh hùng dân tộc của đất nước, vì họ tin thuyết linh hồn, họ tỏ lòng nhớ ơn công lao hiển hách của các vị tiên liệt và họ muốn noi gương các đức tính đặc biệt của các vị nhân kiệt.
Vật đổi sao dời, sau thời ác nghiệt : Chúa Trịnh trong cái vỏ bọc “hậu lê” để làm tất cả những gì có thể làm để không chỉ nhằm tiêu diệt nhà Mạc mà còn muốn tuyệt diệt hương hỏa họ Mạc… Hậu duệ Mạc tộc chúng ta đã mai danh ẩn tích ở khắp mọi miền đất nước, bươn chải với chiều dài thời gian, có sự đóng góp công lao đáng kể cho quê hương đất nước tồn sinh, đã lập Đền, Miếu, Điện, Từ đường tri ân các vị tiên liệt mang dòng máu họ Mạc.
Đền Mạc Đĩnh Chi ở Long Động, từ sau ngọn gió lành của thời mở cửa do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đền Long Động được khôi phục, bảo tồn(từ ngôi Đền nhỏ do hậu thế tự khôi phục; Năm 2009 Nhà nước đầu tư trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội theo nguyên cổ, to đẹp trang nghiêm)-nơi thiêng liêng, kính yêu và tự hào về Thủy tổ Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan, Viễn tổ Mạc Đĩnh Chi !
Nhân dịp này, cho phép chúng tôi được thay mặt BQLDT Đền Mạc Đĩnh Chi tại thôn Long Động xin ngỏ lời cám ơn Đảng Nhà nước đã công minh lịch sử đối với nhà Mạc; cám ơn nhân dân thôn Long Động đã kiên trung bảo tồn Đền Mạc Đĩnh Chi-nơi địa linh nhân kiệt; cám ơn chân thành đến những tấm lòng và mọi tấm lòng gần xa từ lâu hằng năm đã về Đền tỏ lòng tri ân tiên tổ, kết nối dòng tộc và gắn bó nguồn cội !
Xin cám ơn !
TM.BQLDT ĐÊN LONG ĐỘNG
PCTUBND XÃ-TRUỞNG BQLDT
Nguyễn Văn Lục
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.