- Đang online: 1
- Hôm qua: 830
- Tuần nay: 16346
- Tổng truy cập: 3,412,312
CÔNG MINH LỊCH SỬ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI
- 254 lượt xem
CÔNG MINH LỊCH SỬ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI
GS. Sử học Văn Tạo
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam vừa tổ chức hội thảo khoa học đề tài “Công minh lịch sử và công bằng xã hội”, xuất phát từ bài báo cùng tên cách đây 15 năm, trên báo Nhân Dân của GS. Sử học Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học (Viện KHXH VN). Sinh Viên Việt Nam đã có dịp trở lại vấn đề này với ông.
Thực hiện: Lê Ngọc Sơn
* Trải qua bao cuộc bể dâu…
Thưa GS. Sử học Văn Tạo, ông đến với nghề sử như thế nào ? Xuất phát từ điều gì mà cuộc đời làm công việc nghiên cứu lịch sử của ông lại xoay quanh chuyện “giải oan cho các nhân vật trong lịch sử” ?
Tôi bắt đầu làm sử từ năm 1954, đến nay, đã gần 60 năm. Từ dạo ở Tân Trào-Việt Bắc đã làm, về tiếp quản Thủ đô thì chuyên làm cho đến tận bây giờ, không làm nghề gì khác cả. Say sưa với nghề, nhưng đồng thời cũng rất băn khoăn, vì lịch sử dân tộc ta rất hào hùng, có nhiều cái hay, nhưng uẩn khúc cũng lắm, oan khuất cũng nhiều. Có những bất công đem cái hoạ đến cho hàng vạn người chứ không phải chỉ một người. Như vậy để thấy rằng, tôi chọn lĩnh vực nghiên cứu này là xuất phát từ sự bức xúc của nghề nghiệp. Đồng thời, đó là cái tâm của mình đối với con người. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trước đây đã từng nói với tôi: “Tất cà là do con người và vì con người”.
Riêng tình huống nghiên cứu về công tội của nhà Trịnh hay nhà Mạc cũng là điều gây tranh cãi bấy lâu nay trong giới nghiên cứu sử học, chưa nói đến dân gian. Dưới con mắt của ông, bức màn lịch sử này cần được nhìn nhận thế nào?
Ví dụ về “có công thành có tội” thì rất nhiều, điển hình là nhà Trịnh. Vua Lê được Chúa Trịnh giúp. Vua Lê (thời Lê mạt) ươn hèn, Chúa Trịnh giỏi nên có những cái lấn át là điều khó tránh khỏi. Người ta nói rằng: “Lê tồn, Trịnh tại-Lê bại, Trịnh vong”. Không có Trịnh thì không còn Lê. Nhà Mạc đã vùng lên để diệt Lê, diệt Trịnh làm vua (khi Lê-Trịnh suy vong), thì người đời quy cho nguỵ. Họ Trịnh giữ được vai trò phù Lê nên mới cai trị đất nước mất trăm năm như thế. Nếu đất nước cứ bùng nhùng trong khủng hoảng, mà không dám làm như Hồ Quý Ly, như Mạc, hay như Tây Sơn, dám xoá bỏ cái lạc hậu đi thì không tiến lên được. Cố GS Trần Quốc Vượng và tôi cùng cho rằng: “Nếu nhà Mạc không bị cuối đời sai, con cháu yếu đi, thì đã có thể làm như Minh Trị ở Nhật Bản”. Tóm lại, lịch sử là cần phải nói rõ, ai có tội, ai có công, công-tội cụ thể như thế nào là phải công minh.
Đất nước trải bao “cuộc bể dâu”, vậy trong con mắt của người làm sử như ông, “những điều trông thấy” là gì?
Dưới con mắt người làm nghề nghiên cứu lịch sử, mọi thứ cần phải được minh định công tâm, và khi thấy có nhiều uẩn khúc thì phải minh tường nó. Thí dụ như trường hợp họ Mạc. Trong thực tế, đây là một dòng họ có cống hiến lớn cho đất nước, nhưng lịch sử bảo người ta là Nguỵ. Nhà Trịnh diệt nhà Mạc, đuổi lên Cao Bằng, nhà Trịnh thắng, nhà Mạc thua, nhưng họ đã giết không biết bao nhiêu người và họ truy cho đến cùng. Nếu giữ họ Mạc thì ở đâu cũng chết, cho nên những người họ Mạc phải đổi họ. Và một họ Mạc phải đổi thành hơn 20 họ. Có bộ phận chạy vào Thanh Hoá đổi thành họ Phạm, lại sợ bị lộ nên chạy tiếp vào Nghệ An, đổi thành họ Phan. Một bộ phận chạy vào Quảng Nam, đổi thành họ Hoàng như cụ Hoàng Diệu; hay là họ Vũ nhà GS Vũ Đình Cự. Giờ có anh Vũ Bằng (làm Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước), cũng chính là gốc gác họ Mạc. Tôi biết những điều này vì bố anh Vũ Bằng là ông Vũ Tiến Liễu, từng giữ cương vị Vụ trưởng ở Bộ Ngoại giao, khi còn sống, ông đã cùng tôi dự giỗ họ Mạc ở Nam Sách (Hải Dương)-quê hương Mạc Đĩnh Chi. Ông có kể tôi nghe về dòng họ nhà mình là họ Mạc, phải chuyển thành họ Vũ. Nhưng phải giấu thật kỹ, nên lúc làm nhà thờ, phải chôn một câu đối vào trong tường. Sau này xây lại nhà thờ, lấy ra được, mới biết đã từng là nhà Mạc. Đau khổ đến nỗi, đổi họ hai, ba lần…
* Sứ mệnh của người làm nghề sử
Nhưng để minh oan được cho những điều oan khuất trong lịch sử chẳng phải là chuyện dễ dàng gì ?
Đúng vậy. Để công minh lịch sử đòi hỏi phải xem xét lại lịch sử, mà để xem xét lại thực sự rất phức tạp. Ví dụ, bà Dương Vân Nga là người nổi tiếng của dòng họ Dương (hiện dòng họ này ở Bắc Ninh). Những người ủng hộ bà bảo bà không chịu ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến. Bà là vợ Đinh Tiên Hoàng, sau trở thành Hoàng hậu của vua Lê Đại Hành. Khi vua Đinh bị giết, con bà là Đinh Toàn còn nhỏ, Dương Vân Nga đã lấy long bào khoác lên vai Lê Hoàn, về sau trở thành vợ Lê Hoàn. Thế là về sau, sử sách phong kiến đã xoá công lao của bà. Sử phong kiến bảo bà là “bất trung” chồng chết lại bỏ con đi lấy người khác. Còn người đời bảo bà là “bất trinh”, vì lấy hai vua. Nhưng tôi và nhiều nhà sử học khác đều cho rằng, lúc bấy giờ, bà làm vậy là trung kiên và mưu trí. Nếu không nhà Tống sang xâm lược, chắc chắn sẽ đánh chiếm nước ta. Lúc bấy giờ Thập đạo Tướng quân lê Hoàn cầm quân. Vua Đinh bị giết. Có hai đại thần là Đinh Điền và Nguyễn Bặc kiên quyết chống Lê Hoàn và đòi đưa Đinh Toàn lên. Đinh Toàn lên làm vua khi mới 8-9 tuổi, đương lúc quân Tống xâm lược, triều đình rối ren. Trong khi đó, Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn có khả năng đuổi được giặc Tống. Dương Vân Nga ủng hộ Lê Hoàn, thì đất nước mới được yên.
Trong gia phả nhà họ Đỗ bây giờ, lên án bà Dương Vân Nga. Bởi vì nhà họ Đỗ có ông Đỗ Thích, với truyền thuyết dựa trên câu sấm rằng: “Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh”, tức là Đỗ Thích giết hai cha con vua Đinh thì mới xuất hiện ông Lê Hoàn là “thánh minh”. Nên họ Đỗ bảo rằng: “Đỗ Thích chẳng làm gì cả, làm vua không được, làm quan chẳng xong, sao lại đi giết vua?”; “Chẳng có quyền thế, chẳng có tên tuổi lại đi giết những hai đời vua?”. Lịch sử nói rằng, khi hai vua bị giết, Đỗ Thích trèo lên mái ẩn nấp, nhưng bị bắt và đem ra băm vằm làm mắn. Họ Đỗ phủ nhận điều này. Nhưng lúc ấy giờ, nếu không đổ tội cho Đỗ Thích thì đổ cho ai? Họ Đỗ thì lại bảo chính Lê Hoàn và Dương Vân Nga âm mưu giết 2 vua Đinh. Đó, như vậy mới thấy lịch sử rắc rối. Thế cho nên, làm về “Công minh lịch sử” không dễ gì mà thuyết phục được. Đó chỉ là một ví dụ điển hình trong vô vàn thí dụ.
Theo ông, tại sao công minh lịch sử lại dính dáng đến “công bằng xã hội” ?
Tôi nhận được sự ủng hộ không phải là dễ dàng hay ngẫu nhiên. Những người ủng hộ thấy rằng, điều này sẽ giúp dân tộc đoàn kết hơn, khôi phục danh dự cho những người bị oan khuất trong lịch sử, để cùng bắt tay nhau xây dựng một xã hội không còn những oan khuất như vậy. Nhiều học giả ủng hộ vì đây là việc có lợi cho dân, cho nước để cứu vớt hàng vạn người đau khổ như họ Mạc, buồn bã như họ Trịnh. Họ Trịnh cống hiến như vậy, nhưng cho đến giờ, từ Bắc chí Nam không có một đường phố nào mang tên họ Trịnh. Có người phản biện rằng có Trịnh Hoài Đức, tôi nói Trịnh Hoài Đức là người Hoa kiều. Nhà Mạc thì đã có phố Mạc Đĩnh Chi, Mạc Thị Bưởi, họ Khúc có Khúc Hạo, chứ tìm cả nước chưa có con đường nào đặt tên người họ Trịnh. Chỉ bởi vì họ Trịnh đã từng lấn át vua Lê. Sở dĩ họ Trịnh không được trọng vì họ Nguyễn lên, lật đổ họ Trịnh. Họ Nguyễn cai trị bao nhiêu năm chống họ Trịnh không thể lộ mặt ra được. Mặc dù đời con cháu ăn nên làm ra, nhiều người ra nước ngoài và thành công, họ gặp tôi và yêu cầu khôi phục danh dự dòng họ. Trước đây không hề có di tích lịch sử nào của họ Trịnh được xếp hạng cấp quốc gia. Sau khi tôi làm xong việc minh oan cho nhà Trịnh, di tích “Phủ Chúa” đã được xếp hạng.
Trong đời làm sử của mình, triết lý mà ông muốn theo đuổi là gì ?
Đạo làm nghề sử của tôi chính là ở đây. Lịch sử có công minh thì xã hội mới công bằng. Muốn cho đoàn kết, cùng nhau xây dựng một xã hội đẹp đẽ thì phải có công bằng. Công là công, tội là tội. Những người có “thế” có thể biến “tội” thành “công”, có người công ít, tội nhiều lại biến thành công nhiều, tội ít. Tôi mong muốn làm cho lịch sử được công minh. Nói đúng thì xã hội mới công bằng. Người ta có công hoặc có tội thế nào, nói đúng như vậy, không nói quá.
Theo ông, điều gì là quan trọng nhất đối với một sử gia ?
Đó chính là chữ Tâm. Tôi đã đến rất nhiều nước và nhận thấy, cái tâm của người làm sử là điều đáng quý nhất. Lịch sử dân tộc hào hùng như vậy, nhưng vẫn còn ẩn chứa nhiều oan khuất, uất ức, những cái giữa người với người mà không công bằng, nên vẫn trì trệ. Tấm lòng đem khoa học phụng sự xã hội là quan trọng nhất. Làm sử là phải vì dân tộc, vì con người. Tôi thương họ Mạc đến mức phải khóc lên. Có nhiều gia đình đã chia sẻ với tôi: “Tổ tiên tôi, cả đời chúng tôi…đều phải khóc, vì chúng tôi là con cháu họ Mạc. Con cháu chúng tôi ra đời bị người ta khinh”. Nếu không vì cái tâm, vì con người, không hy sinh mình chắc chắn sẽ không thể làm được đâu.
Ông có thấy rằng, khi làm những vấn đề khó khăn thế này, thì chẳng khác gì đang “cõng đá” không ?
Đúng! Ông Nguyễn Khánh, nguyên Phó Thủ tướng rất ủng hộ tôi, và bảo tôi là nhà sử học khách quan, trung thực, chân chính. Phần thưởng của tôi là được mọi người ghi nhận cái tâm của mình. Với tôi, đấy là phần thưởng xứng đáng. Cá nhân tôi không màng đến bất cứ điều gì hay bất cứ sự ưu đãi nào. Đời làm sử của tôi rất nhiều gian truân, nhưng tôi yêu nó…
* Để người trẻ thích học sử Việt
Dưới con mắt sử gia, ông có thể giải thích, vì sao người Việt anh hùng là như vậy nhưng vẫn chưa hề có sự bứt phá vươn lên. Ngoái nhìn lịch sử, so với các nước khác, thì người Việt mình còn thiếu điều gì?
Nếu nói về tính cách, con người nào, dân tộc nào cũng đều có mặt tốt, mặt xấu. Không có ai hết sức đẹp đẽ cả. Trong lịch sử, sử gia Trần Trọng Kim từng viết: Con người Việt Nam yêu nước, chống ngoại xâm, cần cù lao động. Nhưng mặt khác cũng có tính xấu như khôn lỏi, thù vặt…Bây giờ, tệ tham nhũng phổ biến, cũng là thói xấi của người Việt chứ trốn đi đâu được.
Thực tế là bây giờ, nhiều người trẻ không thích sử, đi theo nghiệp sử cũng chẳng mấy người mặn mà. Theo ông thì vì sao?
Nhiều người hỏi làm sao người trẻ hiện nay không thích sử, tôi nói vì sử của ta chưa nói lên được hết sự thật. Tại sao giới trẻ rất thích đọc Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, vì nó rất thật. Người trẻ không thích sử có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là chưa có cách dạy sử đúng sự thật và đủ cuốn hút.
Vậy theo ông, điều quan trọng nhất để giới trẻ thích học sử là gì?
Thứ nhất, bản thân sử phải đáp ứng yêu cẩu của giới trẻ. Học là phải vào đầu được, nhận thức được. Sử phải nói thật, thật mới hay.
Thứ hai, viết sử phải hấp dẫn, giảng phải lôi cuốn. Không nên dạy sinh viên những thứ mà giảng viên không tin những điều họ dạy là đúng, nói gì đến sinh viên tin và thích.
Thứ ba, phải dân chủ, không hiểu thì được hỏi, không đồng ý, được phản bác. Có thế mới là dạy và học tích cực được. Có thể hỏi sai. Hiểu sai, nhưng hỏi được thì mới hiểu đúng. Với lòng ham muốn được học điều hay, điều mới, thì con người chắc chắn sẽ có mong muốn và ham thích học sử.
Xin cảm ơn ông !
Nguồn: Tập san Sinh viên Việt Nam, tuần 27/9 – 03/10/2011
Tin: BBT Mactoc.com – HSH, HP
Viết bình luận
Tin liên quan
-
10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ CỦA HĐMT HẢI PHÒNG NĂM GIÁP THÌN 2024
-
HẢI PHÒNG HỌP BÁO HỘI THI VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC 2025
-
HỘI THI TRUYỀN THỐNG VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC, XUÂN ẤT TỴ 2025
-
HẢI PHÒNG TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH HỘI THI TRUYỀN THỐNG VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC 2025
-
LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ LẦN THỨ 351 THỦY TỔ HỌ MẠC CỔ TRAI
-
HỘI ĐỒNG DI SẢN VĂN HÓA QUỐC GIA THÔNG QUA ĐỀ ÁN VINH DANH CỤM DI TÍCH NHÀ MẠC TẠI HẢI PHÒNG
-
10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
-
HỘI KIẾN SONG PHƯƠNG HĐMT HẢI PHÒNG – CÁC DOANH NHÂN TRONG ĐOÀN KHÁCH DL TRUNG QUỐC VỀ THĂM ĐỀN THỜ CÁC VUA TRIỀU MẠC (TỪ ĐƯỜNG HỌ MẠC) TẠI NGŨ ĐOAN, KIẾN THỤY, HP 29.12.2023.
-
ĐẠI LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ ĐỨC MẠC THÁI TỔ QUÝ MÃO 2023
-
ĐẠI LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ THÁNH MẪU MẠC TRIỀU
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC