- Đang online: 3
- Hôm qua: 1127
- Tuần nay: 40865
- Tổng truy cập: 3,472,477
CON CHÁU HỌ MẠC HẢI PHÒNG VỀ DÂNG HƯƠNG VIỄN TỔ MẠC ĐĨNH CHI TẠI LONG ĐỘNG, NAM TÂN, NAM SÁCH, HẢI DƯƠNG
- 226 lượt xem
CON CHÁU HỌ MẠC HẢI PHÒNG VỀ DÂNG HƯƠNG VIỄN TỔ MẠC ĐĨNH CHI TẠI LONG ĐỘNG, NAM TÂN, NAM SÁCH, HẢI DƯƠNG
Thường niên, cứ đến ngày mùng 10/2 âm lịch, là con cháu dâu rể dòng tộc họ Mạc, gốc Mạc, trên cả nước lại nô nức tề tựu về nơi phát tích dòng họ Mạc ở Long Đọng, Nam Tân, Nam Sách, Hải Dương, dự Lễ dâng hương Viễn tổ Mạc Đĩnh Chi – Thủy tổ ngành Ngoại giao Văn hóa của nước Việt.
Mùng 10/2 năm nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, bà con cô bác dòng họ và khách thập phương về dự Lễ có phần ít hơn mọi năm. Đoàn Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng vẫn giữ vững truyền thống uống nước nhớ nguồn, tổ chức con cháu dâu rể về dâng hương Viễn tổ; Đoàn các chi họ tập hợp cùng với Hội đồng Mạc tộc thành phố, sắp lễ cung kính dâng hương, tưởng nhớ cụ Viễn tổ của dòng họ đã một thời làm rạng danh non sông đất nước.
Nhân ngày kỷ niệm về cụ Trạng, xin lược đôi điều về:
VIỄN TỔ MẠC ĐĨNH CHI – HÌNH TƯỢNG ĐẶC SẮC VỀ MỘT TRẠNG NGUYÊN ĐẤT VIỆT
Dưới thời phong kiến, trong tâm thức của dân tộc Việt, vị Trạng nguyên – tức người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh – được xem như người có phẩm chất siêu việt, thông minh tuyệt đỉnh. Chẳng thế mà trong dân gian, từ lâu, đã truyền tụng những câu thành ngữ như: “Giỏi như Trạng”, “Ăn nói như Trạng” v.v…
Trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam, kể từ khoa thi đầu tiên vào năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (1075) đời Lý Nhân Tông cho tới khoa thi cuối cùng, năm Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định thứ 4 (1919), Nhà nước quân chủ chỉ lấy đỗ được tất cả 46 vị Trạng nguyên. Theo các tác giả sách Các nhà khoa bảng Việt Nam, thì tổng số người đỗ đại khoa – tính từ Phó bảng, Tiến sĩ trở lên – trong thời gian kể trên là 2.898 vị(1). Có 46 Trạng nguyên trên tổng số 2.898 người đỗ đại khoa, thì đủ biết để đỗ được Trạng nguyên khó biết chừng nào. Cái điều khó “thiên nan, vạn nan” này, càng được minh chứng trong lịch sử nếu như chúng ta biết rằng những con người nổi tiếng tài ba, thông minh xuất chúng, dạng như: Lê Quý Đôn, Phùng Khắc Khoan… chẳng hạn, cũng chỉ đỗ Bảng nhãn và Hoàng giáp mà thôi.
Có thể nói, trong số 46 Trạng nguyên của Việt Nam thì Mạc Đĩnh Chi là một trong số ít người được dân chúng xưa nay khâm phục và ca tụng nhất. Có lẽ, cũng không có vị Trạng nguyên nào, được người đời thêu dệt nên nhiều câu chuyện giai thoại giầu chất trí tuệ như Mạc Đĩnh Chi. Vấn đề đặt ra là: Vì sao Mạc Đĩnh Chi lại có được sức hấp dẫn như vậy đối với trí tuệ dân gian? Theo chúng tôi, rõ ràng ở Mạc Đĩnh Chi có những phẩm chất đặc biệt, những nét đặc sắc mà các vị Trạng nguyên khác không có được. Chúng tôi thiết nghĩ, những nét đặc biệt ở Mạc Đĩnh Chi, đó là:
Sự tương phản giữa vẻ bề ngoài thấp bé, xấu xí với một trí tuệ hết sức sắc sảo và một sự thông minh tuyệt vời.
Xưa nay, xem xét, đánh giá về con người, thường tình người ta đều nhìn vẻ bên ngoài để phán đoán về người đó: tài hay kém, tốt hay xấu… Vì thế, ngạn ngữ từng nói: “Trông mặt mà bắt hình dung, con lợn có béo thì lòng mới ngon!”. Đáng buồn thay, cái vẻ ngoài ấy, không mấy ai có thể tự quyết định được mà một phần lớn là do ngẫu nhiên của sinh đẻ! Mạc Đĩnh Chi là người phải gánh chịu sự thiệt thòi có tính chất tiên thiên ấy. Ông sinh ra vừa thấp bé lại vừa xấu trai. Thậm chí, một số người hiếu kỳ còn tưởng tượng ra nguyên nhân dẫn đến cái hình thức kỳ dị đặc biệt của họ Mạc là vì thân mẫu của ông đã có mang với loài khỉ (!).
Mạc Đĩnh Chi có thân hình thấp lùn và xấu xí là một sự thực, và ông cũng trở thành một trường hợp ngoại lệ, khi sử cũ đã miêu tả vẻ bề ngoài của hình thể cho hậu thế biết! Sách Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sỹ chép rõ: “Tháng 3 năm Giáp Thìn (1304)… thi học trò trong nước. Cho Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên… Đĩnh Chi thông minh tuyệt vời nhưng dáng người vừa thấp vừa xấu. Đã thi đỗ, nhưng vua hiềm vì nét mặt xấu, ông bèn làm bài Ngọc tỉnh liên phú để tự ví mình…”. Thực ra, vua Trần Anh Tông tỏ ra đắn đo trong việc lấy Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên là có những lý do nhất định. Bởi vì, vào thời bấy giờ, đời Trần phải tới 7 năm, hoặc hơn nữa mới tổ chức được một khoa thi Hội. Mỗi kỳ thi lại có tới hàng nghìn sĩ tử, nên việc chọn được một vị Trạng nguyên, phải là người tiêu biểu cho tài năng, phong thái cho cả giới kẻ sĩ. Chưa nói, sau này, vị Trạng nguyên ấy, còn phải gánh vác trọng trách thay mặt quốc gia đi sứ Trung Quốc. Do vậy, lựa chọn được một người vừa có tài năng vừa đẹp đẽ vẫn tốt hơn! Như vậy, chúng ta thấy cái sự đắn đo “hiềm vì…” của vua Trần Anh Tông chỉ là sự thường tình, không phải là điều gì đáng chê trách! Vả lại, sau này, trong lần đi sứ sang Trung Quốc vào năm Mậu Thân (1308), chính dáng người nhỏ bé đã gây cho Mạc Đĩnh Chi không ít phiền toái, càng chứng minh cho sự e dè của ông vua Trần là có cơ sở. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Tháng 11 năm Hưng Long thứ 16 (1308)… Vua sai Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên. Đĩnh Chi người thấp bé, người Nguyên khinh ông…”
Tuy nhiên, chính cái vẻ bề ngoài xấu xí, bé nhỏ ấy đã khiến cho Mạc Đĩnh Chi trở thành một vị Trạng nguyên thuộc loại độc đáo, đặc biệt nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến. Trước hết, bằng khá nhiều câu chuyện, nhất là các giai thoại trong hai chuyến đi sứ Nguyên, người ta đã xây dựng Mạc Đĩnh Chi trở thành một hình tượng tiêu biểu cho vị sứ thần có kiến thức uyên bác, thâm thúy và vô cùng mẫn tiệp. Ở đây, người trí thức dân gian đã ngầm so sánh ông với một nhân vật tài năng xuất chúng của Trung Hoa dưới thời Xuân Thu (770 tr Cn – 480 tr Cn), cũng có tạng người thấp lùn như họ Mạc. Đó là Tướng quốc Án Anh dưới thời Tề Cảnh Công, người đồng thời với Khổng Tử (551 tr Cn – 479 tr Cn). Sử Trung Quốc cho biết Án Anh, tên tự là Bình Trọng, mình cao không đầy năm thước, lại có thói quen ăn vận tềnh toàng “mặc áo cừu rách, đi cái xe xấu và con ngựa gầy…”. Nhưng Án Anh được tất cả các nước chư hầu đều khen là người giỏi. Bấy giờ, vua thiên tử nhà Chu đã suy yếu, vua Sở là Linh vương, tự xưng vương muốn tranh giành ngôi thiên tử với nhà Chu. Trước sự cường thịnh của nước Sở, các nước chư hầu đều có ý sợ hãi, phải sai sứ đến Sính Đô – kinh đô nước Sở – triều cống. Trước hoàn cảnh ấy, vua Tề là Cảnh Công đã cử Án Anh sang sứ nước Sở để kết mối tình hòa hiếu. Trong khi đó, Sở Linh vương lại muốn nhân cơ hội sứ giả nước Tề sang, định sỉ nhục “để nâng cao cái uy của nước Sở”. Án Anh đi sứ nước Sở trong một tình thế như vậy. Vua Sở và số quần thần đã bầy mưu, tính kế, giăng trước bao cạm bẫy định sỉ nhục ông. Linh vương sắp xếp hàng chục viên quan đại phu tài giỏi của nước Sở từ: quan Thái tể Viễn Khải Cương, quan Đại phu Dương Mang, chức Giao doãn Đấu Thành Nhiên đến viên Xa Hữu Nang Ngõa… cùng xúm lại đấu khẩu, bắt bẻ Án Anh. Nhưng trước tài ứng đối, biện bác sắc bén của Án Anh, Sở Linh vương bẽ mặt đành phải thú nhận với ông: “Ta định chế nhạo nhà ngươi, chẳng ngờ lại bị nhà ngươi chế nhạo!”.
Mạc Đĩnh Chi được cử đi sứ nhà Nguyên, Trung Quốc cũng ở vào tình thế khó khăn như Án Anh sang nước Sở. Nguyên – Mông bấy giờ là một đế quốc lớn mạnh, còn Đại Việt là một quốc gia nhỏ bé. Các quan đại thần triều Nguyên phần lớn đều cao lớn (tạng người Mông Cổ thạo cưỡi ngựa, bắn tên, ăn nhiều sữa, đạm động vật từ nhỏ), bên cạnh đó Mạc Đĩnh Chi lại quá nhỏ bé. Như trên đã nói: Bọn quan đại thần nhà Nguyên nhìn thấy dáng người Mạc Đĩnh Chi như vậy, cho nên tỏ thái độ rất khinh ông. Ý thức được vẻ kỳ thị đối với mình của quan lại Trung Quốc, Mạc Đĩnh Chi chủ động tấn công. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Một hôm, viên Tể tướng mời ông vào phủ cho cùng ngồi. Lúc ấy, đương hồi tháng 5, tháng 6. Trong phủ có bức trướng mỏng thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ ngỡ là chim sẻ thực, vội chạy đến bắt. Người Nguyên đều cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu. Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ hỏi tại sao. Đĩnh Chi trả lời:
– “Tôi nghe người xưa vẽ cành mai chim sẻ, chứ chưa thấy chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của của Tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tưởng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của người quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân”. Mọi người đều phục tài của ông. Rõ ràng, ở đây, chúng ta thấy Mạc Đĩnh Chi cố tình dạy có lũ quan lại Trung Quốc vốn tự phụ là hiểu biết, một bài học về thẩm mỹ và đạo học!. Ngoài câu chuyện trên, Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại bài Phiến minh (bài minh về cái quạt) Mạc Đĩnh Chi làm theo yêu cầu của vua Nguyên. Bài Phiến minh này, là một trong những bài “minh” hay nhất từ trước đến nay của nước ta, và hầu như những người biết chữ Hán xưa nay, ai cũng thuộc lòng bài ấy.
Nhưng để làm nổi bật một con người thông minh mẫn tiệp tuyệt đỉnh, có tài xuất khẩu thành chương, trí tuệ dân gian đã tạo ra hàng chục câu đối gắn cho Mạc Đĩnh Chi. Trần Quý Nha trong Công dư tiệp ký tục biên, có lẽ là người đầu tiên ghi lại những giai thoại về chuyện đối đáp giữa một bên là một đám quan đại thần triều Nguyên ngạo mạn với một bên là Mạc Đĩnh Chi “đơn phương độc mã”. Đọc kỹ những câu thách đối của các viên quan nhà Nguyên, cho thấy đều rất khó.
Tất cả những câu thách đối đã được nhiều viên quan hay chữ nhà Nguyên chuẩn bị trước đều bị Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đối lại ngay tức khắc mà câu nào cũng đối rất chỉnh, hơn nữa, có câu còn xuất sắc hơn cả câu xuất đối. Thí dụ như câu ra: Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan – đã dẫn ở trên – mà được ông Trạng họ Mạc đối lại là: Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối (Ra đối dễ, đối lại khó, mời tiên sinh đối trước), thì thật vừa hay vừa tài tình, lại nói lên được một chân lý không ai có thể bác bỏ được!.
Mạc Đĩnh Chi làm quan dưới 3 triều vua Trần: Anh Tông (1293-1314), Minh Tông (1314-1329), Hiến Tông (1329-1341). Đây đều là các ông vua khá giỏi và có nhân cách đàng hoàng, cho nên “bấy giờ quan trong triều như bọn Trần Thì Kiến, Đoàn Nhữ Hài, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Dũ, Phạm Mại, Phạm Ngộ, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Lê Duy (Duy người xã Cổ Định, huyện Nông Cống), Trương Hán Siêu, Lê Cư Nhân nối nhau vào triều, nhân tài rộ nở”. Như vậy, chúng ta thấy cách sống thanh bần của Mạc Đĩnh Chi không có chủ định uốn nắn hay phủ nhận người nào thời trước cũng như cùng thời với ông.
Và đúng như lời nhận xét của vua Trần Minh Tông đã nói ở trên, cho dù Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cả đời có sống thanh bần đi chăng nữa, thì ông vẫn là một bậc quý nhân cao sang, một đóa hoa sen vàng luôn tỏa hương thơm ngát trong tòa giếng Ngọc – non sông Đại Việt./.
Một số hình ảnh trong ngày Lễ:
Ảnh 1: Trưởng BTC Lễ hội (Địa phương) gióng trống khai Lễ.
Ảnh 2: Đoàn HĐMT VN dâng hương trước anh linh viễn tổ.
Ảnh 3 và 4: Đoàn HĐMT Hải Phòng rước lễ và dâng hương trước anh linh viễn tổ.
Ảnh 5: Ông Nguyễn Anh Tuân (thứ 2 từ bên trái), GĐ Sở Ngoại vụ TP. Hải Phòng cùng các thành viên trong đoàn dâng hương trước anh linh Mạc Đĩnh Chi, thủy tổ ngành ngoại giao Văn hóa Việt Nam.
Ảnh 6 và 7: Các Đoàn con cháu và khách thập phương rước lễ, dâng hương.
Ảnh 8: PGS-TS Mạc Văn Trang, PCT HĐMT VN, Trưởng BBT Website Mạc tộc VN, Trưởng BTC thi thơ “Hướng về nguồn cội” công bố Quyết định tặng thưởng…
Ảnh 9 và 10: GS-TSKH Phan Đăng Nhật, CT HĐMT VN trao giải Nhất, Nhì trong cuộc thi thơ.
Ảnh 11: Lãnh đạo HĐMT VN, HĐMT tỉnh Hải Dương chụp ảnh lưu niệm cùng các danh thơ trong cuộc thi thơ “Hướng về nguồn cội”.
Ảnh 12: Lời Quan họ “Người ở đừng về” của BTC Lễ hội chào đón và tiễn khách.
Bài và ảnh: Hoàng Sơn Hiền
Viết bình luận
Tin liên quan
-
SỞ CÔNG THƯƠNG HỌP TRIỂN KHAI CHỈ ĐẠO CỦA UBND THÀNH PHỐ VỀ TỔ CHỨC CHỢ QUÊ THỜI MẠC 2025 VÀ CÁC SỰ KIỆN LIÊN QUAN:
-
HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM, HỘI ĐỒNG MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TRÂN TRỌNG GỬI GIẤY MỜI HĐMT CÁC TỈNH THÀNH, BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC, CON CHÁU HỌ MẠC, GỐC MẠC VỀ DỰ LỄ HỘI MÙA XUÂN ĐỀN LONG ĐỘNG NĂM 2025 VÀ DỰ LỄ CÚNG GIỖ VIỄN TỔ LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN MẠC ĐĨNH CHI
-
THĂM LẠI DẤU XƯA, DÂNG HƯƠNG TIÊN TỔ NƠI LƯU THỜ LONG ĐAO CỦA MẠC THÁI TỔ
-
HỘI ĐỒNG MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NĂM 2024 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2025, PHỔ BIẾN KẾ HOẠCH TỔ CHỨC LỄ HỘI MÙA XUÂN VÀ TƯỞNG NIỆM 679 NĂM NGÀY MẤT LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN MẠC ĐĨNH CHI
-
MỞ HỘI VẬT TRUYỀN THỐNG LÀNG CỔ TRAI, XUÂN ẤT TỴ – 2025
-
HỘI VẬT TRUYỀN THỐNG LÀNG CỔ TRAI, XUÂN ẤT TỴ 2025:
-
10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ CỦA HĐMT HẢI PHÒNG NĂM GIÁP THÌN 2024
-
HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC MẠC TỘC NĂM 2024, PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG NĂM 2025
-
HẢI PHÒNG HỌP BÁO HỘI THI VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC 2025
-
HỘI THI TRUYỀN THỐNG VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC, XUÂN ẤT TỴ 2025
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC