- Đang online: 4
- Hôm qua: 1031
- Tuần nay: 21067
- Tổng truy cập: 3,371,665
CỔ TRAI XUẤT ĐẾ
- 361 lượt xem
Chương 11
Cao Bằng đất hiểm bền ngôi báu
Hoành Sơn ải dựng vững sơn hà.
Từ ngày Trịnh Kiểm chết, quân Mạc ở thế thượng phong ra vào Thanh Nghệ như chỗ không người, bắt giết nhiều tướng sĩ nhà Lê nhưng Trịnh Tùng vẫn giữ được đất, quân đội vẫn mạnh lên. Năm Gia Thái thứ 5 quân Mạc đánh vào Thanh Hoa đã bị chặn đánh ngay từ cửa sông không tiến vào sâu được.
Tháng 9 có sao chổi xuất hiện ở tinh phận các sao Đẩu, Cơ, Ngưu, Nữ kéo dài vài chục ngày mới tắt. Tháng 11 sao Chổi lại xuất hiện ở các vị trí cũ, đuôi sao dài hơn 40 trượng, kéo dài tới tháng 12 mới tắt. Trạng Kế đương chức Hộ bộ Thượng thư kiêm Đô ngự sử đã tra cứu sách vở rồi viết sớ dâng lên vua Mạc:
“ Hạ thần xét trong truyện có chép rằng: Sao Chổi là một loại yêu quái! Khi nó hiện ra vừa to vừa dài thì trong nước có tai biến nặng nề mà thời kỳ ứng nghiệm còn xa ngày. Trái lại, nếu hình nó nhỏ và ngắn thì trong nước sẽ có tai biến xoàng thôi, mà thời kỳ ứng nghiệm rất gần.
Hiện nay chính sự ngày càng suy đồi, tiềm ẩn sáu nguy cơ là: Lễ cúng tôn miếu không thành kính, kẻ tiểu nhân bên vua nhiều, quan bên ngoài tham nhũng, hối lộ, nhân dân khổ về lao dịch triền miên. Những điều trái lẽ còn rất nhiều. Bởi thế trời ra tai biến, sao Chổi xuất hiện để báo trước, kính mong Bệ hạ tự răn mình. Một khi lòng người đã hòa thì ý trời sẽ hợp. Nếu cứ vui thỏa theo ý muốn mà không hối cải thì ngày bại vong khó mà tránh được”
Vua Mạc nhận sớ lại giao cho khiêm vương để thi hành. Khiêm vương lo đánh dẹp nên sớ lại giao về cho Ứng vương. Cuối tháng 2 năm sau bỗng dưng có sét đánh vào trong cung. Vua Mạc lo sợ thành bệnh bán thân bất toại chữa mãi mới khỏi nên cải niên hiệu là Diên Thành, và phong Trạng Kế là Lại bộ Thượng thư Luân quận công để tỏ lòng yêu quý, nghe lời nói thẳng.
Mặc dù vậy, điềm trời dường như vẫn giáng, quân Mạc xuất binh đều bị thua. Tháng 7 Kính Điển đánh Vĩnh Lộc trúng phục binh phải lui. Tháng 10 Kính Điển sai Tướng tây đạo Mạc Ngọc Liễn đánh Tuyên Quang cũng bị Nhân quốc công Vũ công Kỷ đánh bại.
Mạc Kính Điển lo sợ tự đến am Bạch Vân gặp Trình Công để hỏi về vận nước. Trình Công lúc này tuổi gần chín mươi nhưng vẫn tráng kiệt, quắc thước. Học trò chỉ còn vài người, có người râu tóc cũng đã bạc trắng như cước. Vườn cây ở am cũng đã thành cổ thụ cả. Kính Điển chợt ước được nhàn nhã tu tiên như Trình Công. Nếu thế thì làm gì còn chiến tranh loạn lạc, dân tình lầm than, đói khổ chết chóc triền miên. Nhưng mình gánh trên vai trọng tránh gìn giữ xã tắc mấy đời đâu dễ buông xuôi được. Kính Điển cúi lạy và hỏi:
– Trình Công vẫn mạnh giỏi thường chứ ạ?
Trình Công phe phẩy quạt lông đáp:
– Cám ơn vương gia quan tâm, lão đây vẫn mạnh.
Bùi Thì Cử, người Dư Hàng Kênh, học trò tóc bạc trắng như thầy, bưng nước lên mời. Kính Điển lại trình bày tâm ý:
– Thưa Trình Công, gần đây trong nước liên tiếp xảy ra tai dị, sao chổi xuất hiện hai lần, tháng 2 đã có sét đánh vào cung, thế quân đang mạnh đánh đâu thắng đó vậy mà từ khi có tai dị đánh toàn bị thua. Học trò lo sợ không biết vận nước rồi đây ra sao, cúi xin Trình Công chỉ bảo giúp:
Trình Công lấy ra bài thơ đưa cho Khiêm vương:
– Vương gia đọc đi để biết đại cục. Từ khi ta học ở Thanh Hoa, được thầy ta chỉ dẫn học “ Thái Ất huyền kinh” ta đã dự đoán trước rồi đó:
Khiêm vương đón đọc:
Thái hòa vũ trụ bất Ngu, Chu
Hỗ chiến giao tranh tiếu lưỡng thù
Xuyên huyết sơn hài tùy xứ hữu
Uyên ngự từng bước vị thùy khu
Trùng hưng dĩ bốc độ trang mã
Hậu hoạn ưng phòng nhập thất khu
Thế sự đáo đầu hữu thuyết trước
Túy ngâm trạch bạn nhậm nhàn du.
Dịch thơ:
Thái hòa chẳng thấy Thuấn, Chu đâu
Cười nỗi hai phe lo giết nhau
Nhuộm máu phơi xương đầy khắp chốn
Khua chim đuổi cá hỏi vì đâu
Trùng hưng ruổi ngựa qua sông nước
Hậu hoạn phòng beo tiến cửa sau
Ngán nỗi việc đời thôi phó mặc
Say rồi dạo suối hát vài câu.
Khiêm vương đọc xong vội bái tạ.
– Tội của học trò với muôn dân thật đáng tổn thọ.
Trình Công mỉm cười đáp:
– Vương gia không cần ăn năn. Vận nước nó xui nên như vậy mà. Theo như suy đoán của Trạng nguyên Vũ Duệ thì khoảng mười năm nữa nhà Lê trung hưng. Nhưng ta tính nhà Mạc vẫn chưa hết số, nếu Vương gia sớm cho người giữ đất hiểm Cao Bằng thì có thể bền ngôi được vài đời nữa.
– Dương Kinh, An Bác là đất căn bản nhà Mạc, sông nhiều biển rộng, lui có thể ra biển đảo hoặc sang nhờ nhà minh, lòng dân thuận phục sao không chọn như nhà Lê giữ Thanh Hoa vậy?
– Đánh thủy phải có thế áp đảo. Khi đã bại vong dùng thủy không còn đắc sách nữa. Lạng Sơn là đường thông thương nhà Lê không thể làm ngơ. Cao Bàng hiểm trở hơn, dễ giữ hơn. Lui có thể dựa vào nhà Minh. Đây là cách khi xưa Nùng Trí Cao đã lập quốc. Khi quân mạnh có thể chiếm Thái Nguyên uy hiếp kinh thành. Vương gia phải ban phát ân đức cho xứ ấy để dân thành đất căn bản mới được. Lại phải đặt mối bang giao tốt với Tổng đốc Lưỡng Quảng và Tổng đốc Vân Quý làm chỗ dựa. Đó là kế của trăm năm vậy.
– Muôn lần tạ ơn Trình Công.
– Vương gia nên nhớ, ý trời cho nhà Mạc thì nhà Mạc được ngôi, ý trời để nhà Lê trung hưng thì sức người không thể chống nổi đâu.
– Học trò luôn ghi nhớ ạ.
Mạc Kính Điển được kế trở về phủ suy tính sắp đặt mọi iệc.
Tháng 9 năm Quang Hưng thứ 3 (1580) Khiêm vương Mạc Kính Điển do quá lo nghĩ sinh lao lực vẫn không rời việc quân nên bệnh chữa không khỏi. Khi Kính cung, Kính Khoan về phủ đông đủ, Khiêm vương dặn dò:
– Sau khi ta chết các con các cháu phải dựa vào quận Đà quận Thạch phò giúp Hoàng thượng chu đáo. Riêng Cao Bằng phải yêu dân như con, muốn giữ đất hiểm phải giữ được lòng dân. Lại phải biết tranh thủ các quan nhà Minh nơi biên ải để dựa lúc khó khăn. Kính Cung, Kính Khoan chú cháu phải nương tựa nhau, nhường nhịn nhau mới giữ bền được cơ nghiệp.
Dặn xong thì qua đời.
Vua Mạc nghỉ chầu 3 ngày, ban bố quốc tang.
Ứng vương Mạc Đôn Nhượng kiêm chức Trung doanh tổng súy.
Bấy giờ các quan văn võ trong triều đều kính mến Khiêm vương, muốn Đường An vương được thay cha giữ chức Trung doanh tổng soái mới làm tờ sớ do các quan lục bộ là Nguyễn Phong, Ngô Vỹ, Mạc Đình Dự, Nguyễn Tự Cường, Phạm Như Giao, Nguyễn Ích Trạch, Lê Viết Thảng và Nguyễn Quang Lượng cùng ký tên dâng vua Mạc: “ Hiện nay thời sự gian nguy có những điểm đáng lo: kỷ cương rối loạn, chính sự hững hờ, hình ngục oan uổng, pháp lệnh sai lầm, tướng chưa hòa hợp, binh chưa chỉnh tề. Nếu ngay bây giờ biết nghĩ phương kế để cải cách tệ chính, biết sợ cơn giận của trời, chỉnh đốn binh bị để chinh phạt giặc thì cũng chưa muộn. Khốn nỗi vua tôi trên dưới cứ vui chơi ngạo nghễ, vẫn hơn hớn tự cho là thái bình vô sự. Bệ hạ chưa tự thân điều khiển chính sự, ủy thác cho phụ chính Ứng vương mà Ứng vương để công việc bê bết trễ nãi. Các quan tam công, đốc phủ, đại thần cốt lo giữ vẻ khoan hậu, không bàn tới việc sâu xa. Ngày nay thảo luận, ngày mai bàn tán chỉ toàn những việc vặt ở nha môn. Như vậy việc nước sẽ ngày một suy đồi, đó là cái cơ nguy loạn không tể cấp cứu. Những người giữ việc nước biết mà không chịu nói, hoặc nói mà không hết lời, một khi triều đình đã thất kế thì thiên hạ quốc gia sẽ thế nào?”.
Thiêm đô ngự sử Lại Mẫn cũng dâng sớ: “Sự thế hiện nay chính là thời cực bĩ: kỷ cương bỏ bê mà không chấn hưng; chính sự thối nát mà không tu sửa; trộm cướp hoành hành; giặc mạnh xâm lấn, lòng người nao núng, thế nước lung lay. Tại sao phụ chính Ứng vương vẫn yên vui ngạo nghễ, nhu nhược trễ nải, không cứu sửa chính sự sai lệch, không chỉnh đốn quân sự phân tán, không sửa chữa sai lầm của mình. Lại thêm các vị đại thần đều muốn trốn tránh, không chịu quyết đoán lẽ phải, nối tiếp xin từ chức làm cho lòng dân tan rã. Một khi họa lớn xảy tới còn có thể cứu dược ư? Nếu đang thời nguy ngập và vẫn cho là bình yên, dựa vào tai biến để trục lợi, ham vui chơi thì lúc có biến dẫu có bậc trí giả cũng không vãn hồi được”.
Trạng Kế cũng dâng sớ: “Trận mưa bão vừa rồi là một tai biến lạ thường? Ôi! Tai biến xảy ra không phải là vô cớ, đều do nhân sự xui nên. Hiện nay giặc giã chưa yên, quân dịch nặng nề, cả đến việc thu thuế và cho dân vay thóc cũng phiền phức, sớm mới buông tha, chiều đà thôi thúc. Các xứ thu vét sưu thuế để chi dùng chỉ đòi hỏi ở dân nghèo; mà chi dùng trong cung cấm cũng chỉ đòi hỏi ở đám dân ấy, các quân thần vũ hiệu cũng dòi hỏi ở đám dân ấy, các quận nô thần cũng gọi bắt ở đám dân ấy, các vệ sở châu huyện trưng thu cũng ở đám dân ấy. làm cho dân khánh kiệt, không còn đường sống.
Bệ hai nên nghiêm minh pháp lệnh, thu vén kỷ cương, giữ vững bờ cõi, tu sửa thành quách, luyện tập binh mã, chỉnh bị khí giới, đóng thuyền dựng trại, định phiên thường trực. Lại cần bồi dưỡng gốc nước, cố kết nhân tâm, hậu đãi dân giúp đỡ dân, không dùng hết sức dân, giảm bớt sự phục dịch của dân. Đó là kế sách trị bình vậy”
Hộ bộ thượng thư Miện Dương bá Đặng Vô Canh; Lại bộ thượng thư Nghĩa Sơn bá Trần Văn Nghi, Lại bộ hữu thị lang Đông các học sĩ Đạo Phái Nguyễn Năng Nhuận cũng đều có sớ dâng lên. Vua Mạc vẫn để cho Ứng vương nguyên chức. Các cựu thần chán nản đều cáo quan xin nghỉ. Để giữ yên lòng bá quan văn võ, vua sai Ứng vương dẫn quân vào đánh Thanh Hoa. Quân Lê đã có chuẩn bị trước cho đóng cọc ở các cửa sông khiến chiến thuyền không tiến vào sâu được. Ứng vương cho cập thuyền ở chân núi Đường Nang hạt Quảng Xương. Đại tướng quân Hoàng Đình Ái dùng gỗ đá, tên nỏ từ trên núi bắn chết vô số quân Mạc. Ứng vương buộc phải rút quân về. Nhuệ khí tướng sĩ càng suy giảm. Thấy vậy Ứng vương dâng sớ xin từ chức:
“ Cầu công giúp đỡ của bầy tôi đó là mang lại trị bình của đấng vương giả; giúp việc không thành công thì nghỉ, đó là lòng thờ vua chí thánh của kẻ bầy tôi. Hạ thần miễn cưỡng theo việc cũng đã lâu năm mà chưa chấn chỉnh được kỷ cương trong nước, chưa dẹp hết được giặc thù bên ngoài; đó là tài hèn của thần. Nếu thần cố miễn cưỡng mãi là mắc thêm tội với thiên hạ”
Vua Mạc xen sớ nói:
– Tờ biểu này lời rất khẩn thiết tiểu tử đem lòng kính phục. Hiện nay kỷ cương nhà nước chưa phấn chấn, cơ nghiệp tổ tông chưa bền vững, mà tiểu tử chưa từng trải, chính là lúc cần nhờ đến sức cần lao của thúc tổ sớm hôm cứu giúp, trong thì sửa sang kỷ cương nhà nước, ngoài thì đánh dẹp giặc thù để sáng tỏ công nghiệp của tiên vương, khôi phục lãnh thổ tiền triều. Thúc tổ đối với tiểu tử nghĩa tuy là vua tôi nhưng ân như cha con. Việc quốc gia trọng đại rất cần dựa vào thúc tổ, kính mong thúc tổ cố gắng giữ trách nhiệm cho thỏa lòng chí thành của tiểu tử.
Ứng vương không dám cố từ vẫn giữ nguyên chức.
Trạng Kế dâng sớ tâu:
– Thần đã 70 tuổi xin chi nghỉ trí sĩ để toàn tiết muộn và giữ hơi tàn nơi quê nhà. Trước khi về quê thần mong bệ hạ cho củng cố những nơi xung yếu giáp biên giới địch, nên đắp lũy cao, đào hào sâu, đặt bẫy nỏ, nghiêm phòng bị, lại nên đặt thêm đồn trại, chia quân giữ nơi hiểm yếu. Đề phòng địch mạnh vượt qua biên giới thì thành Đại La từ Cửa Nam Ông Mạc đến Nhật Chiêu nên đắp lũy cao thêm, khơi hào sâu thêm. Trên mặt hoàng thành từ cửa Nam đến cửa Bắc nên tu sửa những bức tường thấp cho cao nữa. Một khi chiến cụ đã đầy đủ, phòng vệ trong ngoài thành đã chu đáo thì giữ sẽ vững, đánh sẽ thắng. Giặc ngoài đã dẹp trong nước tự yên. Hạ thần tuy hưu dưỡng tại nơi điền viên cũng được dự hưởng phúc thái bình.
Vua Mạc đáp:
– Khanh là bậc lão thành am luyện chưa nên đi vội. khi nào chấn chỉnh được phong khí Trẫm sẽ cho nghỉ.
Vua Mạc theo lời bàn của Trạng Kế cho tu sửa thành lũy ở kinh thành. Lại lệnh cho các tướng Tây đạo và Nam đạo đắp lũy đất rồi trồng tre gai lên trên suốt từ cửa sông Hát tới sông Hoa đình ở Sơn Minh dài mấy trăm dặm.
ﮪ
Trong khi nhà Mạc ra sức củng cố thành lũy thì ở Thanh Hoa quân nhà Lê chuẩn bị Bắc tiến. Mưu thần Phùng Khắc Khoan tâu:
– Ứng vương cầm quân không có uy là cái lợi cho ta tiến đánh. Chỉ hiềm dưới trướng còn có Thường quốc, Đà quốc. Nếu ta đánh hạ được uy thế của hai viên đại tướng này thì việc Bắc tiến sẽ dễ hơn.
Tiết chế Trịnh Tùng sôt ruột giục:
– Xin ông nói rõ kế đánh đi.
– Thường quốc công giỏi dùng phục binh, mấy trận thắng lớn ở Nghệ An đều dùng kế này cả. Nếu ta giao chiến với y tất y lại dùng phục binh. Ta sẽ tương kế tựu kế, trước mặt dùng đại binh, sau lưng dùng kỵ binh thì quân phục binh sẽ rối loạn.
Tiết chế theo kế ấy.
Tháng 11 năm Quang Hưng thứ 10 (1587) Trịnh Tùng dẫn 5 vạn quân Bắc tiến. Lấy Đại tướng Nguyễn Hứu Liêu làm tiên phong dẫn 1 vạn quân đánh ra Mỹ lương. Trịnh Tùng dẫn trung quân đi sau. Đại tướng Hoàng Đình Ái đi hậu. Các tướng Hà Thọ lộc và Ngô Cảnh Hựu tải lương.
Ứng vương sai Đà quốc công dẫn quân ra Ninh Sơn để đánh bên tả; Thường quốc dẫn quân ra Chương Đức vượt sông Do Lê đánh vào bên hữu. Thường quốc vượt sông ban đêm giữ bí mật, rồi đặt phục binh ở dãy đồi Do Lê, còn thân dẫn đại quân dàn trận phía trước đợi trời sáng.
Trịnh Tùng có phòng bị từ trước sớm cho quân đi thám thính phía nam. Nửa đêm quân do thám về báo có nhiêu quân đang vượt sông. Trịnh Tùng đoán đó là quân của Thường quốc, liền sai Hoàng Đình Ái dẫn hai nghìn quân đi vòng xuống phía dưới tiến về phía sau dãy đồi Do Lê.
Sáng hôm sau Thường quốc công dẫn quân đến khiêu chiến. Trịnh Tùng ra cửa trận dùng lời khiêu dụ:
– Thư quận công được Tiên đế tin dùng trao cho chức Tể tướng, chết còn gửi xương thờ Lê đế, cớ sao Tướng quân trốn về theo giặc. Nay vận số nhà Mạc đã suy sao tướng quân không bỏ tối về sáng khỏi hổ danh cha mẹ?
Thường quốc đáp;
– Trai thời loạn chỉ thờ một chủ. Cha ta bị Phụng quốc ép phải sang hàng địch, lúc nào cũng nhớ về Mạc để đến thành bệnh mà chết. Đừng phí lời vô ích. Hãy xem oai dũng của ta đây.
Nhìn Thường quốc cầm đao dong ngựa trước trận như chỗ không người Trịnh Tùng cũng phải thán phục, đúng là Quan Công, Triệu Tử Long tái thế. Trịnh Tùng còn chần chừ chờ quân kỵ binh nên chưa đánh, lại dùng lời chiêu dụ:
– Đại tướng trăm trận trăm thắng thực xứng danh Triệu Tử Long tại thế. Tiếc rằng oai dũng như Hạng Vũ mà chỉ một trận thua phải ngậm hờn nơi chín suối. Sao Tướng quân đương lúc hăng hái lại không nghĩ đến lúc tuổi già sức yếu, mưu trí không lạ để như Quan Công bị đứa học trò Lục Tốn bắt sống nhỉ?
Thường quốc nghe vậy giật mình cho rằng mưu kế bị lộ vội hạ lệnh lui quân. Đúng lúc ấy từ phía sau núi có tiếng pháo hiệu vang lên, quân phục rối loạn, Thường quốc dẫn các con tế ngựa chạy trước. Quân sĩ mạnh ai nấy chạy không ra hàng ngũ gì cả. Trịnh Tùng thúc quân đuổi gấp, quân Mạc liều mạng vượt sông chết đuối vô kể. Số không chạy kịp hoặc bị bắt, hoặc bị giết.
Thường quốc chạy nửa ngày mới dám dừng lại thu thập tàn quân. Lúc ấy Thường quốc mới thầm khen Trịnh Tùng tuổi trẻ mà tài cao còn hơn cả Trịnh Kiểm ngày trước. Thường quốc lo sợ vận số nhà Mạc đến hồi kế, từ đó đánh trận đều thận trọng chứ không hăng hái chắc thắng như trước.
Đà quốc nghe tin Thường quốc bại trận thì cũng lui binh về giữ Sơn Tây.
ﮪ
Đầu năm Quang Hưng thứ 11 (1588) Trình Công bỗng thích chơi non bộ, sai học trò về đắp một hòn non bộ lớn trước nhà. Ở giữa dải non bộ Trình Công cho đắp nổi một dãy lũy đất và găm chữ “hoành sơn” vào. Đắp xong hòn non bộ, Trình Công dặn các học trò:
– Năm nay ta đã 95 tuổi, cũng muốn sống thêm vài năm nữa cho đủ trăm tuổi, nhưng mệnh trời không cho cái gì đầy đủ cả. Sau khi ta mất tất có người đến tìm ta. Các trò phải có người ở lại chờ người đó đến. Cứ dẫn người đó ra xem hòn non bộ này rồi đưa cho túi cẩm nang này là đã làm phúc cho người ta rồi. Chỉ sau khi gặp người đó thì mệnh trời ta mới làm tròn. Trước hết ta ủy cho trò Bùi Thì Cử lớn tuổi nhất. Nếu trò Cử không kịp chờ khách thì đến lượt trò Đinh Thì Trung cứ lần lượt tới trò ít tuổi nhất. Các trò nhớ chưa.
– Thưa thầy vâng ạ.
Đêm hôm đó Trình Công lặng lẽ ra đi, nhằm ngày 28 tháng 4. Các trò đau xót làm tang, đặt hiệu là Tuyết Giang phu tử. Đinh Thì Trung soạn văn tế nêu rõ: “Một mình lý học tinh thông, hai nước anh hùng không đối thủ”. Vua Mạc sai quan bộ Lễ về tế, phong vương cắt đất lập miếu thờ.
Trình Công để lại bộ sấm ký tiên đoán việc nghìn năm sau, được dân gian truyền tụng và chiêm nghiệm hư thực. Đúng sai nghìn năm thế nào chưa rõ, chứ việc đoán trước trong vòng trăm năm loạn lạc đều đúng cả.
ﮪ
Tháng mười năm Quang Hưng thứ 12 (1589) Trịnh Tùng hội các tướng bàn việc Bắc tiến. Mưu thần Phùng Khắc Khoan nói:
– Năm ngoái ta đánh nhỏ nhưng thắng lớn làm cho quân Tân quận Quỳnh vỡ mật. Có điều cứ đánh thế bao giờ mới thắng được. Hiện nay quân địch đang bạc nhược, Tiết chế nên đánh lớn một trận để hạ quân uy kẻ địch thêm nữa, đồng thời lấy đó như thao diễn cho một trận quyết đấu nay mai.
Trịnh Tùng hỏi:
– Ta muốn đánh lớn nhưng địch không ra thì sao?
Trước đây thân phụ ta mấy lần đánh được kinh thành nhưng vẫn không giữ được là vì lòng dân còn hướng về nhà Mạc, quân đội nhà Mạc thì có tướng giỏi, quân chưa thiệt hại gì. Ngày nay lòng dân đang lìa Mạc nhưng quân ta còn chưa đủ sức quyết đấu, nay ta tán thành kế sách của quân sư, ra quân đánh lớn chỉ cần thắng nhỏ, cốt để thao luyện tướng sĩ cho trận quyết đấu ngày mai. Các tướng chớ ham đánh nhỡ mắc phải mưu gian của địch mà làm tổn hao binh lực.
Các tướng nhận lệnh về doanh chỉnh đốn quân mã tiến ra vùng Yên Mô, Yên Khang đóng trại.
Ứng vương muốn đánh một trận lớn để khôi phục lại quân uy, liền xuất quân 4 vệ, 4 trấn cùng tiến. Thế quân rất lớn.
Trịnh Tùng bảo các tướng:
– Quân địch dốc toàn quân là muốn đánh lớn để giành lại quyền chủ động trên chiến trường. Ta nghe binh pháp dạy lấy yếu chống mạnh thì dùng mai phục. Trận này ta giả đó đánh lớn rồi thua trân tất sẽ nhử được quân địch rơi vào trận địa mai phục. Toàn quân phải cố gắng trận này.
Đoạn Trịnh Tùng cử Đại tướng Nguyễn Hữu Liêu dẫn 5000 quân nấp kỹ vào chân núi, lừa quân địch đi ngang qua sẽ đổ ra đánh tạt sườn. tướng Ngô Cảng Hựu lĩnh 2000 quân bảo vệ quân tải lương rút vào núi Tam Điệp. Đại tướng Hoàng Đình Ái dẫn 5000 quân làm tiên phong nghênh địch, rồi chuyển thành quân hậu cho trung quân rút trước.
Sắp đặt đâu đấy, Trịnh Tùng sai đốt trại lui quân từ từ, có hàng ngũ. Riêng đội tiên phong vẫn giữ trận chưa rút.
Ứng vương lên núi quan sát thấy hết quân tình đối phương thì cười bảo các thuộc tướng:
– Địch thấy quân ta tới, tự biết ít quân không thể địch nổi đã vội lui binh trước. Quân chặn hậu hẳn là do Hoàng Đình Ái thống lĩnh.
Đoạn Ứng vương ra lệnh:
– Hỡi các tướng sĩ! Thời cơ giết giặc lập công đã tới. Có kẻ nào vương mình cố sức đuổi kịp quân địch, hễ bắt được một tướng hiệu ta sẽ phong chức Thượng tướng! Còn nếu giết được một tên địch đều sẽ hậu thưởng.
Các tướng đều hớn hở thúc quân đuổi đánh. Hoàng Đình Ái vẫn cho quân từ từ rút lui có trận tự, có ý dụ quân Mạc tới đông hơn. Khi tiền quân nhà mạc đã đi qua nơi đặt phục binh thì Hoàng Đình Ái mới dừng lại nghênh chiến. Đội quân chặn hậu cũng quay lại cố đánh. Quân Mạc dồn đến mỗi ngày một đông. Bấy giờ Trịnh Tùng mới nổ pháo lệnh, thúc trống đốc quân quay lại đón đánh. Quân phục của Hữu Liêu từ chân núi cũng xông ra đánh tạt sườn. Ứng vương biết đã trúng kế vội hạ lệnh thu quân.
Trận này quân Mạc thiệt hại gần 2000 quân. Quân uy không vực dậy được lại càng bạc nhược hơn.
Trịnh Tùng cũng thu quân về, chuẩn bị cho trận quyết đấu.
ﮪ
Tháng 12 năm Quang Hưng thứ 14 (1591) mưu thần Phùng Khắc Khoan đến phủ tiết chế xin hiến kế:
– Hồi đầu năm có sao Chổi ở phương Đông, rồi lại có nguyệt thực, mặt trang bị đen gần hết. Đó là điềm trời báo nhà Mạc đã tận, ngôi Đế tinh đang bị mờ nhòe. Năm nay ra quân chắc giành thắng lớn. Xin Tiết chế dốc toàn lực đánh tới, đồng thời điều Đoan quốc công mang chiến thuyền ra giữ cửa Thần Phù, trước là không để quân địch dùng kế “ Vây Ngụy cứu Triệu”, sau là sẵn sàng tiếp ứng đánh phá vùng Hải Dương, hai mặt phối hợp quyết giành đại cuộc.
Trịnh Tùng nói:
– Mấy năm qua ra quân đều giành phần thắng đủ biết quân tướng nhà Mạc không còn bụng dạ hăng hái chiến đấu như thời Kính Điển nữa. Trận này ta quyết đấu, nếu giành thắng lợi ban đầu tất thừa cơ giành toàn thắng. Trận đấu vô cùng quan trọng này ta đã chuẩn bị từ lâu rồi, đó là đội thiết kỵ của Tướng Vương Châu đó.
Vua Mạc phủ dụ Tiết chế Đôn Nhượng:
– Quân địch dốc toàn lực vào sâu đất ta, thúc tổ hãy điều quân 4 vệ 5 phủ, quyết một trận quét sạch quân địch, đây chính là thời cơ có một không hai đó.
Ứng vương Mạc Đôn Nhượng cũng muốn đánh lớn, nay có lệnh vua liền hạ lệnh tiến quân, quân số lên tới 10 vạn người, hẹn ngày 16 phải hội quân ở Hiệp Thương, các tướng theo lệnh thi hành. Mạc Ngọc Liễn đốc quân mã Tây đạo, Nguyễn Quyện đốc quân mã Nam đạo, Ngạn quận công và Thủy quận công đốc quân mã Đông đạo. Phú quận công và Xuyên quận công đốc quân mã Bắc đạo. Khuông quận công và Tân quận công Mạc Tín Dụng đốc quân mã 4 vệ. Vua Mạc đích thân đốc quân mã Chính doanh. Các vị tôn vương và các tướng túc vệ Đông đạo đốc quân Hậu đội.
Ngày 27 vua Mạc cho dàn trận ở Phấn Thượng, lấy Khuông quận công và Tân quận công lĩnh quân tứ vệ làm tiên phong. Mạc Ngọc Liễn làm hữu dực, Nguyễn Quyện làm tả dực, binh mã hai đạo Đông và Bắc kế tiếp theo sau làm trung quân. Vua Mạc thân đốc chiến.
Trịnh Tùng lệnh cho hữu khu doanh tướng Nguyễn Hữu Liêu chuyển thành đội tiên phong nghênh chiến địch. Hoàng Đình Ái và trịnh Đỗ chuyển thành tả hữu đội cùng tiến, 16 vạn quân cả hai bên dàn trận kín đồng Phấn Thượng. Cờ xí rợp trời. Gươm giáo sáng lòe. Tiếng trống thúc vang động cỏ cây. Hai đội tiên phong đã giao chiến gươm giáo khua chan chát. Tiếng người bị tử thương rú lên khủng khiếp. Liền mấy năm quân Lê ra trận đều giành phần thắng nên tinh thần quân tướng đều hăng hái, ai cũng chỉ nghĩ đến chiến thắng. Đang lúc giao tranh dữ dội, Trịnh Tùng phất cờ lệnh cho đội thiết kỵ xung trận. Vương Châu hô lớn;
– Hãy tiêu diệt đội tiên phong của địch. Tiến lên!
Năm trăm kỵ mã từ nơi ẩn nấp ầm ầm lao ra, đánh tạt sườn quân địch, quét đi từng mảng quân. Quận Khuông, quận Tân, tướng Hoàng Nghĩa Cước đều bị chết tai trận. Vua Mạc thấy đạo quân kỵ binh như thần tướng giúp trận, không dám tung thêm quân trợ chiến mà cho thu quân về. Trịnh Tùng cũng lệnh cho quân dừng lại không cho truy đuổi, sợ phục binh. Mưu thần Khắc Khoan bàn;
– Hạ quan thấy quân Nam đạo của địch tiến rất dè dặt, nay nghe tin Tiên phong thảm bại hẳn không còn bụng dạ chiến đấu. Quân địch mà mất Nguyễn Quyện thì chẳng còn đáng ngại nữa. Tiết chế cho quân ăn no, hẹn đúng chính ngọ tiến công, quân địch sẽ bị bất ngờ chịu thảm bại đó.
Trịnh Tùng nghe theo, lệnh cho quân ăn sớm, rồi hướng lặng lẽ tiến lên áp sát trận địch. Đúng chính ngọ, quân Mạc uể oải đứng ngồi nghỉ ngơi, bỗng nghe ba tiếng pháo lệnh, đồng thời tiếng hô “Giết! Giết!” vang lên sát ngay tai thì hoảng sợ ù té chạy tháo thân. Các tướng cũng không thể ngăn được quân. Hàng ngũ rối loạn. Quân đằng trước trận chạy thì quân phía sau cũng chạy. Mười vạn quân rối loạn, xô nhau chạy. Quân Lê thỏa sức chém giết, thây chết đầy đồng, tiếng kêu rú dậy đất. Duy chỉ có quân Nam đạo của Nguyễn Quyện rút lui có trật tự một chút. Các tướng Nam đạo cũng hăng hái đánh đoạn hậu nên hầu như không thiệt hại gì, Trịnh Tùng quan sát thấy thế khen;
– Trong lúc thảm bại mà quân vẫn nghiêm trận thật đúng là danh tướng thời nay.
Trịnh Tùng sai tiên phong Nguyễn Hữu Liêu dẫn 5000 quân đánh vào cầu Cau ở phía tây bắc kinh thành, rồi bắn tên lửa vào trong, vua Mạc lại bỏ thành sang hành dinh Bồ Đề, giao cho các tướng ở lại giữ kinh thành. Mạc Ngọc Liễn giữ từ cửa Bảo Khánh về phía tât đến cửa Nhật Chiêu. Bùi Văn Khuê và Trần Bách Niên lĩnh quân tứ vệ giữ cửa Cầu Da qua Cầu Mộng đến Cầu Dền. Nguyễn Quyện giữ từ Mác Xá về phía đông và làm quân cơ động cứu viện cho hai hướng Tây và Nam. Vua Mạc giữ thủy quân, dàn chiến thuyền trên sông Nhị Hà làm thanh thế và sẵn sàng ứng cứu.
Nguyễn Quyện là tướng lão luyện, trong khi các tướng đóng cửa thành cố thủ thì lại đem quân mai phục ở phía ngoài Cầu Dền, và dàn hơn trăm cố pháo chờ sẵn đại quân do Trịnh Tùng thống lĩnh đánh từ phía nam lên.
Ngày 5 tháng giêng năm Quang Hưng thứ 15 (1592) Trịnh Tùng đóng hành dinh tại chùa Thiên Xuân chuẩn bị công thành.
Quân Lê đánh đến bờ sông, Trịnh Tùng cho dừng quân và bảo các tướng;
– Đất căn bản của nhà Mạc là ở đông bắc. Nay tuy địch bị bại trận ở đây nhưng viện binh ở các nơi hãy còn nhiều. Quân ta thì thuyền bè ít, qua sông cái lẻ tẻ khác nào nộp mạng cho địch, nên tạm dừng lại tính kế sau vậy. Cổ nhân có nói: “Thắng địch chi dư, nhuệ khí bách bội, bại quân chí khí, một thế bất chấn” (sau khi thắng trận thì nhuệ khí tăng gấp trăm lần, một khi bại trận thì sĩ khí suốt đời không gượng lên nổi). Nay ta hãy kéo quân về nghỉ ngơi, chờ thời cơ rồi sẽ từ Trường An xuất quân cả thủy lẫn bộ, tiến như cuốn chiếu, lúc ấy mạn sông Đại Hà trở về bắc sẽ không còn thành trì nào kiên cố nữa.
Trịnh Tùng lệnh cho các tướng san phẳng các lũy đất quanh thành Đại La, lấp các hào rãnh thành bình địa , rồi rút quân về Thanh Hoa.
ﮪ
Vua Mạc khôi phục đất cũ, cử con rể Nguyễn Quyện là Sơn Quận công Bùi Văn Khuê, một tướng tâm phúc từng giữ quân cấm vệ trấn thủ Sơn Nam. Bùi Văn Khuê là tướng yêu của Nguyễn Quyện, giỏi thủy binh, can đảm, dũng lược. Nguyễn Quyện gả con gái tài sắc Nguyễn Thị Niên cho, là chú ý rèn cặp để có thể đảm nhiệm trọng trách sau này. Trong trận đánh giữ kinh thành mới rồi, Bùi Văn Khuê đã chỉ huy đánh đến lúc vỡ thành, do phối hợp không chặt với bố vợ, khi vỡ thành không rút lui có trật tự để nhử cho quân Lê lọt vào ổ mai phục mà Nguyễn Quyện đã đặt sẵn quân và pháo khiến cho toàn quân hỗn loạn tan vỡ, thiệt quân mất cả chủ tướng. Bùi Văn Khuê ân hận lắm, nay được nhận trọng trách đã ra sức củng cố thành lũy, sắm sửa thuyền chiến đầy đủ. Quân Lê mấy bận đánh ra Gia Viễn đều bị đẩy lui.
Đang lúc tướng mới hăng hái lập công thì tai vạ ập đến. Số là khi giữ cấm quân, Nguyễn Thị Niên thường ra vào cung cấm thăm chị gái là Hoàng hậu cuả vua Mạc. Vua Mạc say đắm thường hẹn hò Nguyễn thị Niên tình tự. Nay Bùi Văn Khuê ra Sơn Nam, vua Mạc nhớ tình nhân đến mức không ăn không ngủ được. Viên quân hầu cận thấy thế bày mưu:
– Hàng tuần Hoàng thượng bày tiệc mời vợ chồng quận Sơn đến dự, thì Hoàng thượng vẫn toại nguyện mà.
Vua Mạc nghe theo.
Quận Sơn dự tiệc đến khuya, Nguyễn thị Niên xin nghỉ lại với chị vì nhỡ nhau chưa tâm sự được gì. Nể vua và hòang hậu, quận Sơn phải chiều lòng về phủ một mình.
Tuần sau đến dự tiệc trong cung, Nguyễn Thị Niên lại xin nghỉ lại. Quận Sơn biết vợ trẻ đẹp, sợ có tình ý gì với người khác mới lén để lại người theo dõi.
Ở trong cung, Thị Niên vừa ôm ghì vua Mạc vừa hỏi:
– Hoàng thượng có bao nhiêu mỹ nữ cung tần sao vẫn cứ thích gái có chồng thế?
Vua Mạc ỡm ờ:
– Thì lỡ thích biết làm thế nào?
– Nhưng gái này là vợ Đại tướng, lỡ Đại tướng biết thì ngai vàng của hoàng thượng có lung lay không?
– Đại tướng hay thảo dân cũng do chủ ý của ta cả, nàng lo gì. Với ta lúc này, người đẹp còn cần hơn cả ngai vàng.
– Hoàng thượng chỉ bẻm mép thôi.
– Ta thích nàng thật, đứa nào dám cản nào.
Người hầu về báo cho quận Sơn biết sự nghi ngờ về quan hệ của phu nhân với hoàng thượng. Quận Sơn không có bằng chứng nên dời phủ về hẳn Gia Viễn, cách đồn tiền tiêu không xa. Quân lính có chủ tướng ở cạnh càng hăng hái chiến đấu khiến quan thanh Hoa không thể xâm phạm được.
Đến hẹn vua Mạc lại cho người đi mời vợ chồng quận Sơn đến dự tiệc. Quận Sơn làm ngơ không đi. Do ở xa nên Thị Niên cũng không dám nài nỉ. Điều đó làm quận Sơn nguôi lòng.
Liền mấy tuần quận Sơn đều từ chối lời mời của vua viện cớ quân Thanh Hoa thường xâm phạm bờ cõi. Viên quan hầu cận thấy vua bực bội liền tâu:
– Quận sơn dám trái lệnh vua là phạm thượng, tất sẽ sinh biến. Hoàng thượng nên sai tướng đến hỏi tội trước là hơn.
Vua Mạc bùi tai, lại sẵn bực bội vì mấy tuần không được gặp người trong mộng đã lệnh cho Định quận công Trần Bách Niên dẫn quân cấm vệ đến gia Viến hỏi tội Bùi Văn Khuê. Quận Sơn điều quân chống lại, đồng thời sai con sang trại Trịnh Tùng xin hàng và xin quân cứu viện. Trịnh Tùng giữ con Bùi Văn Khuê làm con tin và cho người sang trại Bùi Văn Khuê dò xét tình hình. Bấy giờ Bùi Văn Khuê vẫn đang đánh nhau với Trần Bách Niên, nên người của Trịnh Tùng đã nắm được sự thực, về kể hết cho chủ tướng nghe. Trịnh Tùng hội các tướng lại, nói:
– Quân địch lập đồn binh ở Gia Viễn, tướng Nam đạo lại ở cùng khiến cho quân lính hăng hái chiến đấu, chặn đứng được đường tiến binh của ta, quân ta mấy bận đánh phá mà không được vì chúng có thủy quân trợ chiến. Năm trước ta xuất quân theo đường núi Thiên Quan ra hạt Mỹ Lương, Thạch Thát, đánh phá được Đông Kinh mà phải kéo quân về ngay vì sợ thủy quân hai đạo đông và nam của địch vượt biển vào đánh Thanh Hoa, hoặc ngược dòng lên chặn hậu, đều có thể làm nguy hại đến toàn quân. Nay là mùa đông rét mướt, nước sông nông cạn, ta đang tính động binh, thế mà tướng biên thùy của giặc lại quy hàng, đó là trời giúp cho ta thành công vậy. Trước đây ta thắng trận bằng bộ binh, tượng binh, kỵ binh, mà lực lượng đó chỉ dùng ở tây bắc nơi có đại hình đồi núi thôi. Nếu muốn đánh về miền đông nam để đánh gục hẳn quân địch thì phi thủy quân sẽ không thể đảm đương nổi. Nay được thủy quân của Văn Khuê ta sẽ dùng ngay, cho theo đường Trường Yên ra mạn Duy Tân, Phú Xuyên rồi tiến binh theo đại lộ thì không còn lẽ gì là không thắng. Đất đai của bản triều trong lần ra quân này sẽ được khôi phục, các tướng hãy nhớ lời này của ta.
Trịnh Tùng lập tức dâng sớ xin vua cho khởi binh, đồng thời cử Hoàng Đình Ái đem 5000 quân đi trước cứu Bùi Văn Khuê. Trần Bách Niên thấy Bùi Văn Khuê đã hàng quân Lê liền rút về giữ sông Thiên Phái và cáo cấp về triều đình. Vua mạc cử Nghĩa quốc công giữ quyền Tiết chế Nam đạo dẫn quân đến hợp với Trần Bách Niên và huy động dân các huyện Đại An, Ý Yên đắp lũy đất, trồng tre lên trên theo dọc sông để phòng thủ.
Trịnh Tùng cho Bùi Văn Khuê giữ thủy quân làm tiên phong đánh vào thượng lưu. Lại cho cơ pháo bắn vào hạ lưu. Còn Trịnh Tùng thống lĩnh đại quân đánh vào trung lưu. Nghĩa quốc công bỏ cả thuyền chiến rút về phía sau. Trần Bách Niên thấy quân Mạc thua luôn, trong lòng chán nản cũng dẫn quân bản bộ ra hàng. Trịnh Tùng cho hai hàng tướng giữ tả hữu thủy quân, chiến thuyền có hơn trăm chiếc thu được của quân Mạc chứ chưa phải đóng mới.
Trịnh Tùng cho quân thủy bộ cùng tiến theo sông Kim Bảng, vào sông Ninh Giang, đến sông Hát Giang vào sông Nhị Hà xuôi dòng thẳng tiến.
Tướng Tây đạo Mạc Ngọc Liễn dàn chiến thuyền, trồng cột gôc dưới sông, đắp lũy đất trên bờ nghênh chiến. Thủy quân của Bùi Văn Khuê và Trần Bách Niên cũng thiện chiến lại đang hăng hái vừa phá cọc gỗ vừa tiến đánh đội chiến thuyền. Mạc Ngọc Liễn không đương nổi với đại quân phải bỏ thuyền kéo quân lui về Tam Đảo.
Thủy quân Trịnh Tùng thuận dòng xuôi gấp xuống bến Sa Thảo, chiếm được hầu hết đội chiến thuyền của quân Mạc, tổng số gần một nghìn chiếc. Quân Mạc mất thuyền chiến không còn thế mạnh thủy quân gần như mất sức chiến đấu lũ lượt ra hàng.
Vua Mạc cùng bá quan lui về Dương Kinh. Khi hội triều vua Mạc hỏi:
– Trẫm thất đức không giữ được cơ nghiệp tổ tiên, nay sẵn duyên nghiệp với nhà Phật, trẫm lên Yên Tử theo Trúc Lâm phật tổ, các khanh gắng phò giúp Thái tử giành lại bờ cõi. Quân địch ra đây mấy bận nhưng có dám giữ kinh thành đâu. Lần này chắc cũng thế thôi.
Các quan khóc lóc thề thốt tận trung với ấu chúa. Thái tử Mạc Toàn lên ngôi, đổi niên hiệu là năm Vũ An thứ nhất.
Vua Mạc Mậu Hợp đến chùa Kim Thành xin được quy y, Sư trụ trì Đạo Khiêm nói:
– Thí chủ nghiệp chướng quá nặng, cửa Phật chưa chắc đã cứu vớt nổi.
Vua Mạc Mậu Hợp tự thán:
– Chỉ vì ta chót yêu người của Đại tướng tâm phúc, dám đổi cả ngai vàng lấy nàng, thế mà nay ngai vàng cũng mất mà người đẹp nào có được. Tội ta quá nặng mới phải đền nương nhờ cửa Phật để sám hối.
Sư Đạo Khiêm nói:
– Chỉ cần thí chủ giác ngộ sẽ được lên cõi niết bàn, cửa Phật không có thù nghịch, xin mời thí chủ!
Sư Đạo Khiêm xuống tóc cho vua mạc, đặt pháp hiệu là Đạo Ứng. Đoạn bảo:
– Vùng này là đất căn bản của nhà mạc, nay mai quân Lê đánh đến đây thì con sẽ không được an toàn. Nay thầy gửi con đến chùa Mô Khuê ở Phượng Nhãn ẩn thân. Chùa này do Trần Cung dựng và ẩn thân ngày trước, địa hình kín đáo, có mật thất, nếu con tốt duyên thì có thể tránh được kiếp nạn này.
Sư Đạo Khiêm bố trí cho Đạo Ứng lên một con thuyền buôn theo dòng Lục Đầu, vào sông Lục Nam rồi ghé lên bờ ở bến Đan Mẫu. Từ đây Đạo Ứng đi bộ một mình theo đường mòn vào rừng sâu đến chùa Mộ Khuê. Rừng núi mở lòng đón một ông vua thoát trần, mặc kệ phía sau là chiến tranh, là lửa cháy, là đầu rơi máu chảy.
Trong khi vua Mạc đi vào rừng xanh thì ở kinh thành Trịnh Tùng hội các tướng sĩ:
– Trước đây quân ta mấy bận chiếm được kinh thành rồi lại bỏ vì thủy quân của địch mạnh, vừa giữ được Hải Dương, vừa có sức đánh chiếm Tây Đô. Nay chúng mất thủy quân, lại tưởng như mấy bận trước ra quân chiếm được kinh thành là rút, đang chờ thu lại đất đai. Nhưng chúng nhầm to. Lần này phải đánh tận hang ổ của chúng, bắn hết phe đảng của chúng mới được.
Các tướng đều cho là phải.
Trịnh Tung cử Hoàng Đình Ái dẫn một vạn quân bộ đanh chiếm vùng Kinh Bắc, Lạng Sơn; Thái quận công Nguyễn Thất Lý đem quân thủy đánh Hải Dương. Trịnh Tùng than dẫn trung quân tiến sau quân thủy. Các tướng Bùi Văn Khuê và Trần Bách Niên đem 300 chiến thuyền vây đánh Kim Thành, bắt được bọn hậu cung do Thái hậu nhà Mạc đứng đầu.
Mưu thần Phùng Khắc Khoan hiến kế;
– Mậu Hợp ẩn trốn ở đâu chỉ có bọn hậu cung là rõ, xin Tiết chế về kinh hỏi là rõ.
Trịnh Tùng khen phải, để thủy quân ở lại Hải Dương còn mình tự dẫn trung doanh về kinh.
Thái hậu nhà Mạc khảng khái nói:
– Trước đây Tiên đế bắt Trịnh thái hậu nhà Lê phải thắt cổ chết, nay ta tự tử chết tạ tội, con ta theo hầu cửa Phật làm gì còn Mậu Hợp nữa mà ngươi tìm.
Nói xong đập đầu vào tường chết.
Trịnh Tùng tuyên bố:
– Kẻ nào không nói tung tích Mậu Hợp tức là còn chứa mưu gian trong lòng, giết hết!
Các cung nữ chịu chết theo thái hậu. Giết đến người thứ ba thì Trịnh Tùng chùn tay phải cho giam số còn lại, đúng lúc đó có viên Thái giám chạy đến xun xeo:
– Muôn tâu chúa thượng, hạ thần biết giặc Mậu Hợp ở đâu ạ.
Trịnh Tùng mừng quá:
– Ngươi nói đi, nếu bắt được Mậu Hợp ta phong cho tước hầu và cho giữ chức Tổng quản nội thị.
Viên Thái giám nói:
– Hạ thần theo giặc Hợp đến chùa Kim Thành, rồi nghe trộm lão sư trụ trì bảo giặc Hợp trốn ở chùa Mô Khuê huyện Phượng Nhãn, căn cứ cũ của Trần Cảo ạ.
– Hay lắm, ngươi đã lập công đầu cho xã tắc chỉ vì một câu nói ấy đó.
Viên Thái giám hí hửng lui ra.
Trịnh Tùng sai Trà quận công Nguyễn Đình Luân và Liêm quận công Lưu Chản dẫn quân bản bộ đi gấp đến chùa Mô Khuê. Dân địa phương chỉ đường cho quan quân mới tìm được ngôi chùa nơi rừng núi vắng này. Sư Đạo Ứng thấy quân Lê đến vẫn bình thản xếp bằng gõ mõ tụng kinh như thường, mặt không hề biến sắc. Trà quận công hỏi thử;
– Hòa thượng có biết ngụy Mạc Mậu Hợp trốn ở đâu không?
Sư Đạo Ứng nói:
– Mô Phật, bần tăng tu hành từ hồi còn trẻ tuổi ở am này, uống nước suối, ăn rêu đá, không hề ra ngoài, hằng ngày trai dưỡng, thắp hương thờ Phật, công đức chuyên làm, không nhìn gì đến trần tục mà hỏi.
– Thế ở chùa này còn có ai không?
– Mô Phật, chỉ có bần tăng thôi.
– Uống nước với ăn rêu đá mà trắng trẻo, mập mạp thế kia đúng là ngụy Hợp rồi, bắt lấy.
Sư Đạo Ứng vẫn bình tĩnh nói:
– Mô Phật, các quan nhầm rồi, vua đã không còn, Mậu Hợp cũng không còn nơi trần thế, sao các quan lại bắt thầy chùa làm gì?
– Cứ về kinh tùy Tiết chế định đoạt.
Quan quân giải sư Đạo Ứng về kinh ra mắt Trịnh Tùng. Trịnh Tùng nói:
– Hôm qua làm vua, hôm nay làm sư, vậy thì ngày mai lại có thể làm vua. Cái thân xác Mậu Hợp còn thì đất nước chưa yên, vậy thầy chùa định cứu khổ cứu nạn cho ai đây. Việc thầy chùa phải chết cũng giống như Thống Nguyên đế khi trước, đó là cái chết có ích cho dân cho nước, mong thầy chùa hiểu cho.
Sư Đạo Ứng ngậm ngùi than:
– Bần tăng nghiệp chướng quá sâu! Nay cầu làm một thầy chùa cũng không được. Tội lỗi chỉ vì tổ tiên đã làm sự giết vua đoạt ngôi đến nỗi con cháu ngày nay phải mắc tội nặng như vây.
Trịnh Tùng hỏi:
– Sư thầy hiểu như vậy là tôt rồi. Trước khi chết sư thầy có tâm nguyện gì không?
– Làm tan cơ nghiệp nhà Mạc chỉ ở một người đàn bà. Cho bần tăng gặp người ấy. Đó là Thị Niên, vợ tên phản chúa Bùi Văn Khuê.
– Điều đó thì dễ thôi.
Trịnh Tùng truyền cho Nguyễn Thị Niên vào gặp riêng sư Đạo Ứng. Thị Niên thương nhớ ôm chầm lấy Mậu Hợp hôn hít. Sư Đạo Ứng gạt ra:
– Ta không còn là vua, nàng đừng yêu thương nữa. Ta chỉ muốn gặp nàng lần cuối để nhờ nàng chăm sóc Hoàng hậu chị nàng thôi.
– Hoàng thượng quá tay với Bùi Văn Khuê đó mà. Một thần thiếp có đáng gì để hắn lấy mất hết thủy quân, rồi lấy luôn cả ngai vàng nữa. Tình đôi ta cũng bị hắn lấy mất hẳn luôn.
– Đó là vận trời xui khiến mượn tay hắn để hắn trở thành tội nhân thiên cổ mà thôi.
– Thần thiếp sẽ báo cái thù này cho Hoàng thượng. Rồi đây hắn và cả quân đội của hắn sẽ phải tan nát vì tay thần thiếp cho coi.
Sau khi gặp được Thị Niên, sư Đạo Ứng xin được chết. Các quan bàn:
– Chiếu điều luật những kẻ giết vua cướp ngôi thì xử theo luật lăng trì tùng xẻo để làm gương cho kẻ khác. Chết rồi còn phải mang thủ cấp tế cáo tôn miếu để rửa sự sỉ nhục của Tiên vương và nguôi cơn giận của thần dân.
Mưu thần Phùng Khắc Khoan can:
– Nay ngụy Hợp đã làm sư nhiều ngày, hành tội như thế là báng bổ thần phật, chỉ nên cho thắt cổ chết rồi cáo tôn miếu là được.
Trịnh Tùng nghe theo Khắc Khoan, cho sư Đạo Ứng chết toàn thây, rồi treo ba ngày cho dân cả nước biết.
Viên thái giám phản chủ được Trịnh Tùng phong cho tước hầu y hẹn, nhưng sau đó lại hô quân đem chém để làm gương trung nghĩa cho kẻ khác.
ﮪ
Sau khi bắt giết được Mạc đế, Trịnh Tùng hội các tướng lại bàn:
– Nhà Mạc tiếm ngôi trải mấy đời, tôn thất đông đúc, lòng người còn hướng về nhà Mạc là điều phải lẽ, do đó nay mai lặng sóng gió tất sẽ tìm về với nhau mưu đồ trỗi dậy. Đáng kể nhất là các thân vương con của Mạc Kính Điển, vừa có uy vừa có đức. Để chúng mau chóng bộc lộ lức lượng, ta tạm thời án binh bất động cho quân nghỉ ngơi, còn ta sẽ dẫn một phần quân già yếu về giữ Thanh Hoa, đồng thời gọi Đoan quốc công ra giữ Hải Dương.
Các tướng nghe lệnh ngừng tiến binh.
Quả nhiên các tôn thất nhà Mạc nổi lên khắp nơi. Đường An vương Kính Chỉ dẫn tàn quân ở Thanh Hà chạy về ĐôngTriều, xưng đế ở Nam Giản huyện Chí Linh, lấy niên hiệu là Bảo Định, rồi lại đổi là Khanh Hựu. Triều đình nhà Mạc vẫn quy tụ đầy đủ ở đấy.
Qua tết Quý Mùi (1593) Trịnh Tùng đốc Trung Doanh đến tiếp ứng, hẹn ba mặt thủy bộ cùng tiến. Trịnh Tùng đánh thượng lưu. Hoàng Đình Ái đánh hạ lưu, Nguyễn Hữu Liêu dẫn thủy quân đánh chính diện. Quân Mạc Kính Chỉ bị đánh ba mặt không chống đỡ nổi phải bỏ trận rút chạy. Trịnh Tùng đánh đến Đông Triều, Chí Linh bắt được An Sơn vương Kính Thành, Hoằng Lượng công Mạc Lý Hựu, quận công Trần Việt, Bùi Chi, tam lý Nguyễn Nhân Quyền. Truy đuổi đến thôn Tân Mạnh huyện Hoành Bồ thì bắt được Kính Chỉ và hầu hết triều đình nhà Mạc cùng báu vật ấn tín.
Ở châu Văn Lan, Đà quốc công phò Càn Thống đế nhận được hịch của Khang Hựu đế liền cất đại quân đánh chiếm Lạng Nguyên, Phượng Nhẫn về tiếp ứng. Nhưng chưa đến nơi thì Khang Hựu đế vỡ trận nên Càn Thống đế chiếm dãy Yên Tử để ngăn chặn quân Lê. Từ Yên Tử, Đà quốc công đưa quân đánh chiếm vùng Vĩnh Lại, đất phát tích nhà Mạc. Quan dân đều theo về nên khí thế quân Mạc lại lên cao.
Bấy giời Đoan quốc công Nguyễn Hoàng đã đánh dẹp xong vùng Sơn Nam, Hải Dương, được lệnh tiến đánh Đà quốc công. Đà quốc công già yếu bệnh tật không đương nổi phải đưa Càn Thống đế và gia quyến chạy ra Vạn Ninh. Do bệnh tình nguy kịch, Đầ quốc công dặn hai con trai phò giúp Càn Thống đế lánh sang đất nhà Minh và trăng trối với Càn Thống đế:
– Nay vận nhà Mạc khí vận đã hết, họ Lê phục hưng, đó là số trời vậy. Dân ta vô tội mà khiến phải chịu nạn binh đao, ai nỡ lòng nào. Chúng ta nên lánh ra ở nước khác, nuôi dưỡng uy lực, chịu khuất đợi thời, chờ khi mệnh trời trở lại mới làm được, chứ không thể nào lấy lực chọi với lực. Khi hai con hổ cùng tranh nhau tất nhiên có một con bị thương, không có ích gì cho đất nước. Nếu thấy quân của đối phương tới đây chúng ta nên tránh đi, cẩn thận chớ có đánh nhau với họ, cốt phải cẩn thận làm chính, lại chớ nên mời người Minh vào nước ta để cho dân phải lầm than, đó là cái tội không gì lớn hơn.
Càn Thống đế nghe theo, đem gia quyến sang đất Minh rồi về Lạng Sơn giữ đất cũ.
ﮪ
Trong khi đưa quân đánh quân Mạc ở Vĩnh Lại, Đoan quốc công thấy một vùng cây cối xanh um tùm giữa đồng lúa mênh mông. Cảnh sắc u tịch, từ nơi đó như phát ra những ánh hào quang rực rỡ, Đoan quốc công hỏi tả hữu:
– Ta nghe Trình Công ở vùng này, phải chăng là ở nơi đất thiêng kia chăng?
Tùy tướng Nguyễn Khoa Chiêm, người Hải dương đáp:
– Trình Công đã mất vài năm nay, tướng quân vẫn muốn đến viếng thăm ư?
– Trình Công là người trời, ta đã đi qua lẽ nào không đến viếng.
Đoạn hạ lệnh dừng thuyền cùng tùy tùng đi bộ đến đền thờ Trình Công. Một cụ già quắc thước, râu tóc bạc phơ, tay cầm quạt lông phe phẩy đi ra đón. Đoan quốc công vội sụp lạy;
– Vãn sinh đến thăm Trình công muộn, xin được xá tội.
Cụ già đỡ Đoan quốc công dậy nói và nói:
– Tướng quân nhầm rồi. Tôi chỉ là học trò của trình Công thôi. Tôi được thầy dặn ở lại đây chờ một người khách họ Nguyễn, phải chăng Tướng quân họ Nguyễn?
Nguyễn Hoàng ngạc nhiên và kinh sợ hỏi:
– Chẳng lẽ trình công mất rồi mà vẫn biết vãn sinh sẽ đến thăm hay sao?
– Sự biết của thầy tôi tới ngàn năm sau cơ, Tướng quân đừng lạ. Xin mời Tướng quân đến thăm cảnh trí. Trước ngày mất thầy cho đắp hòn non bộ này nói là để tặng riêng tướng quân đó.
Nguyễn Hoàng dẫn tùy tùng đến ngắm hòn non bộ. Tuy là cảnh đắp nhưng rất tinh tế, sinh động. Cả bọn băn khoăn không biết ý Trình Công nói gì. Đến khi vào thắp hương, cụ già lại đưa ra một túi vải:
– Đây là cẩm nang thầy tôi dành cho Tướng quân, dặn chỉ mình Tướng quân đoc, đọc xong hủy đi ngay.
Nguyễn Hoàng sốt ruột vào hậu cung đọc. Trên giấy chỉ có mấy chữ; “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân”. Nguyễn Hoàng bấy giờ mới hiểu, Trình công dặn giữ đất Hoành Sơn sẽ mở nên nghiệp lớn. Nhưng việc ra đi đâu phải dễ, vì phần lớn thủy quân nhà Mạc đã rơi vào tay Trịnh Tùng và cũng đang đóng ở Hải Dương. Thủy quân Thuận Quảng đâu có thể so sánh được đành phải chờ thời cơ vậy.
ﮪ
Sau khi Tổng quản thủy binh Nguyễn Thất Lý chết trận, Trịnh Tùng cử Nguyễn Hữu Liên tiếp quản chức đó. Nguyễn Hữu Liên từ khi còn theo Nguyễn Khải Khang đến nay chưa từng đánh thủy bao giờ. Đó là cái cớ tốt để Nguyễn Thị Niên gièm pha với chồng:
– Phu quân là tướng thủy binh, nhờ phu quân dâng nộp đội thuyền chiến mà có được thủy quân nhà Mạc, rồi có đại cục như hôm nay. Thế mà Trịnh Tùng có ghi nhận đâu, phu quân mãi mãi chỉ là con chó của Trịnh Tùng thôi. Nay mai hết mồi săn thì đến lượt chó săn cũng bị thịt nốt. Nay Mạc chúa còn giữ miền Bắc, nếu phu quân đem đội thuyền trả cho nhà Mạc thì cái chức Tiết chế, hoặc chí ít là chức Tổng quản thủy binh trật đi đâu được.
Nguyễn Thị Niên nói đúng nỗi lòng bấy nay, Bùi Văn Khuê mới bày tỏ tâm sự:
– Nàng thật hiểu bụng ta. Nhưng còn hai tướng thủy binh Phan Ngạn, Ngô Đình Nga nữa biết tính sao?
– Từ bụng ta suy ra bụng người. Phu quân làm tiệc mời hai tướng đến dự dò hỏi ý tứ rõ ngay thôi.
– Phải lắm.
Bùi Văn Khuê sai người mời Phan Ngạn và Ngô Đình Nga đến dự tiệc rồi bày tỏ bất mãn với Trịnh Tùng. Đúng như Thị Niên dự liệu, hai tướng cũng một tâm sự như vậy. Ba người hẹn nhau khởi sự, giết hết các giám quân nhà Lê trên các chiến thuyền, dùng niên hiệu Càn Thống và chiêu an các huyện vùng Hải Dương.
Đoan quốc công Nguyễn Hoàng lúc đó cũng đang đóng quân ở Hải Dương nói với các tướng:
– Bọn phản này khởi sự chính là giúp ta. Trịnh Tùng tất cử ta đi đánh. Nhưng chúng nhiều thuyền hơn, thông thuộc địa hình hơn lại thiện chiến hơn, sự bại vong ta càm chắc. Chi bằng ta xin đi đánh trước rồi nhân cơ hội ta dong buồm về Thuận Quảng giữ đất để toàn tính mạng. Trịnh Tùng mất thủy quân sẽ bối rối tất phỉa trở về Thanh Hoa. Bấy giờ Càn Thống đế sẽ đưa quân khôi phục đất cũ. Ta giữ đất Thuận Quảng, mưu đồ nghiệp đế có kém gì họ Trịnh đâu. Các tướng theo ta đi mở cõi cùng hưởng phú quý, nên không?
Các tướng theo Nguyễn Hoàng đã lâu nên đều đồng lòng với Chúa. Nguyễn Hoàng sai người mang tờ biểu cho Trịnh Tùng, nói thác là quân Chiêm xâm lấn bờ cõi nên phải quay về Thuận Quảng ngay.
Trịnh Tùng thấy lòng người chia lìa chưa quy phục nên hạ lệnh lui quân về Thanh Hoa.
Ba tướng thủy binh bỗng nhiên làm chủ cả cùng đất rộng lớn nên ai cũng muốn làm tổng quản. Bùi Văn Khuê là người khởi sự đáng đứng đầu, nhưng Phan Ngạn lại mê Nguyễn Thị Niên nên liền bắn chết Bùi Văn Khuê, tự xưng là Tiết chế Sính quốc công. Nguyễn Thị Niên giả bộ quy phục, mời Phan Ngạn đến lâu thuyền để giao quân cho tướng. Phan Ngạn tưởng thật vội đến ngay lâu thuyền Nguyễn Thị Niên với người đẹp. Khi Phan Ngạn vừa bước vào lâu thuyền, Nguyễn Thị Niên cho quân sĩ bắn tên ra như mưa. Phan Ngạn cùng các tướng tùy tùng đều trúng nhiều mũi tên ngã lăn xuống nước chết ráo.
Ngô Đình Nga thống lĩnh toàn bô thủy quân nộp cho tôn thất nhà Mạc là Uy Vũ hầu được ba trăm chiến thuyền. Mẹ đẻ Mạc Mậu Hợp được lập làm Quốc lão, dựng lại triều đình từ Đông Kinh trở về kinh thành. Quốc lão cho đón Càn Thông đế ở Cao Bằng về. Nhà Mạc khôi phục laị đất cũ, quân đông tới mấy vạn người, thuyền chiến mấy trăm chiếc. Cục diện đất nước chia thành ba hình thành từ đây. Đó là vào tháng 7 năm Canh Tý niên hiệu Thuận Đức thứ 1 (1600), ngay sau khi Trịnh Tùng được phong quốc công lên tước vương.
Trịnh Tùng nói với các tướng:
– Đoan quốc công trấn thủ Thuận Quảng hơn ba trăm, mới được lòng quân dân, nay trốn về trấn cũ như cá về biển cả, chim về rừng sâu, không thể khống chế được nữa. Thiên hạ đương có biến, kinh sư không yên, ta phải bỏ mặc xứ Thuận Quảng không ngó tới, chỉ lo về phía đông. Ông ta là công thần cũ, lại là cậu ruột của ta, hãy viết thư khuyên bảo ông ta, nếu ông ta chịu nghe không có mưu đồ khác thì việc lớn có thể xong.
Mưu thần Phùng Khắc Khoan hiến kế:
– Để cho Đoan quốc công yên tâm, Chúa công nên kết thông gia, hỏi tiểu thư Ngọc Tú cho Thế tử Trịnh Tráng, được như thế ta mới ranh rang mặt nam được.
Trịnh Tùng nghe theo, sai Lê Nghĩa Trạch mang chiếu tới Nguyễn Hoàng và bàn việc hôn sự. Nguyễn Hoàng trốn về đang sợ Trịnh Tùng hỏi tội, nay được phong chức cũ, lại được kết thông gia liền nhận lời và viết thư tạ ơn. Trịnh Tùng mừng nói:
– Phiên trấn được yên ổn, thế nước không bị lung lay, ta không phải lo lắng về mặt phía nam, có thể chuyên đánh dẹp phía đông, như thế thiên hạ có thể bình định được.
Trịnh Tùng dâng biểu tấu xuất quân. Vua Lê phê chuẩn.
Trước khi xuất quân Trịnh Tùng tuyên bố:
– Đám bèo bọt nhà Mạc lần này ta đánh đập nát vụn trong nháy mắt, các ngươi theo ta lần này sẽ được ở lại kinh sư làm nên nghiệp lớn, hãy gắng sức.
Đến Bái Đinh, Vân quận công quy hàng.
Đến Gián Khẩu, tướng tiên phong là Đặng quận công Nguyễn Khải đánh tan quân Mạc đồn trú. Đại quân theo đường lớn, thủy quân lại theo sông Hát xuôi dòng về kinh sư. Quân Mạc kháng sự yếu ớt. Mạc Kính cung chạy về Kim Thành, để tướng Tây đạo là Nhai quận công và Cao quận công ở Nhật chiêu chặn đường. Em trai Phan Ngạn là Quỳnh quận công quy hàng, làm nội ứng, ban đêm đốt lửa trong trại làm hiệu cho quân Lê tiến vào. Các tướng Mạc bỏ doanh rút chạy.
Các tướng ở doanh An Bác nhà Mạc là Hòa quận công Vũ Công Ứng đưa thư tới quy hàng.
Tháng 9 đại quân đánh Tổng quản thủy binh Uy Vũ hầu nhà Mạc ở sông Thiên Đức gồm 200 chiến thuyền với hơn một vạn quân. Tướng tiên phong nhà Mạc là Ngô Đình Nga thua trận bị bắt sống. Uy Vũ hầu lui về phía đông, Nam Dương hầu Nguyễn Nhậm giữ Hoàng Giang. Nguyễn Nhậm là con trai Nguyễn Miễn, là cháu Nguyễn Quyện, có sức khỏe, có dũng lược, dày dạn chiến trận, bây giờ là trụ cột của nha Mạc. Do đó Mạc Kính Cung còn đứng vững ở Kim Thành.
Tháng Giêng năm Hoằng Định thứ 2 (1601) Trịnh Tùng đốc đại quân đánh Nguyễn Nhậm. Nguyễn Nhậm dàn trận ở Lĩnh Giang, đánh thắng đội tiên phong của Trịnh Tùng, giết được tướng tiên phong Chấn quận công. Nhưng đại quân Trịnh Tùng bủa vây bốn mặt, bốn anh em Nguyễn Nhậm đều chết trong lúc hỗn chiến.
Mạc Kính Cung đưa triều đình rút về chiếm giữ vùng căn cứ Thái Nguyên, Cao Bằng. Từ đây nhà Mạc không còn đủ sức chiếm lại đất đai cú nữa, nhà Lê được trung hưng, nhưng vẫn phải để nhà Mạc giữ Cao Bằng, và họ Nguyễn giữ Thuận Quảng. Tuy nhiên thời kỳ hòa bình cơ bản của đất nước đã được lập lại. Như vậy, tính từ khi Uy Mục đế lên ngôi báo hiệu thời kỳ suy vi loạn lạc đến lúc đó là gần 100 năm.
*
* *
Từ Cổ Am, người dân truyền đi những lời sấm Trạng Trình và ngóng xem Trạng Trình biết trước được bao nhiêu năm và lâu hơn nữa. Qua hơn bốn trăm năm hay là một nghìn năm và lâu hơn nữa. Qua bốn trăm năm đã có nhiều lời sấm ứng nghiệm, và chỉ khi đã ứng nghiệm người ta mới giải mã được lời sấm, rất bất ngờ, bất ngờ đến thú vị. Xin kể một vài câu chuyện về sấm Trạng Trình đã được giải mã.
Trạng Trình để lại cho con cháu một ống quyển trám kín dặn bao giờ gặp cảnh bần hàn thì mang nộp quan huyện sẽ được quan huyện giúp đỡ.
Đến đời thứ bảy thì con cháu lâm vào cảnh túng thiếu, nhớ lời cụ tổ dặn mới mang ống quyển trình quan huyện. Thấy bảo có di vật của Trạng Trình gửi quan huyện sau gần hai trăm năm, quan vội ra ngoài đón nhận. Vừa ra đến cửa thì nghe tiếng động rầm ở sau lưng ghê rợn. Thì ra cái xà nhà tự nhiên bị gãy rơi đúng nơi quan vừa ngồi. Quan biết Trạng Trình đã tiên lượng sự việc, vội bóc ống quyển lấy thư ra đọc. Tờ giấy có hai câu thơ:
Ngã cứu nhĩ thượng lương chi ách
Nhĩ cứu ngã thất thê chi tôn
(Ta cứu ngươi thoát khỏi nạn xà nhà
Ngươi cứu cháu chắt bảy đời của ta).
Quan huyện kinh sợ về tài biết trước của Trạng Trình đâu phải chỉ việc quốc gia đại sự và đã chu cấp tiền của cho con cháu chắt cụ Trạng qua thời khốn khó.
Ở làng Cổ Am có gia đình nhà Ất chuyên làm nghề bắt ếch kiếm ăn. Hôm ấy cha con nhà Ất bắt ếch ở đền thờ quan Trạng, phát hiện một hầm ếch ở dưới chân bia đá. Đào ngoáy mãi đến lúc bia rỗng chân đổ sụp xuống. Ông từ báo lý trưởng đến bắt phạt về tội phá hủy đền thờ. Cha con nhà Ất mặt xám ngoét nhận lỗi. Làng bắt đền tiền để dựng lại bia và phạt thêm phải làm tam quan đền. Nhà nghèo, lấy tiền đâu nộp phạt, cha con nhà Ất phải tự dựng lại bia. Lúc đào dưới hầm ếch để vần bia lên thì tìm thấy một lọ có tờ giấy đề mấy câu thơ nôm:
Cha con thằng Ất
Rủ nhau bắt ếch
Đánh đổ bia tao
Làng bắt phạt tam quán.
Lý trưởng vội đến gặp hội đồng kỳ mục báo sự việc. Mọi người thảo luận, rõ ràng quan Trạng bảo phạt “tam quán” chứ không phải “tam quan”. Thằng Ất con đọc líu lưỡi tam quán thành quan tám. Bấy giờ làng mới hiểu ý quan Trạng biết trước ngày bia đổ, mà đổ là do bọn ếch làm hầm nên xui khiến cha con nhà Ất đến bắt. Số ếch bán được vừa đúng quan tám.
Gần 250 năm sau khi cụ Trạng qua đời, vào thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn trong dân gian lan truyền câu sấm: “ Gia Long nhị đại Vĩnh Lại vi vương” ( đời thứ hai sau Gia Long người vĩnh Lại làm vua). Đời thứ hai sau Gia Long chính là đời Minh Mạng, vì thế vua căm tức sai tổng độc Hải Dương phá đền thờ cụ Trạng.
Tổng đốc Nguyễn Công Trứ buộc phải thi hành lệnh vua. Khi dỡ cây thượng lương ở nóc đền thì quân lính tìm thấy một ống quyển trám kín bằng sơn ta vội đem nộp. Tổng đốc mở ống quyển lấy ra tờ giấy đọc: “Minh Mạng thập tứ thằng Trứ, phá đền. Phá đền thì lại làm đền. Nào ai cướp nước tranh quyền gì ai”. Tổng đốc vội làm tờ sớ dâng vua. Thì ra đền thờ lâu ngày xuống cấp mà dân không có tiền làm lại nên cụ Trạng muốn “nhờ” triều đình “phá đền thờ’ để rồi phải “làm đền thờ” mới. Đến lúc này vua Minh Mạng mới hiểu và phục tài tiên lượng sự việc của cụ Trạng, sai Tổng đốc Hải Dương làm lại đền thờ hoành tráng hơn.
Vùng Cổ Am đầu thế kỷ XX lưu truyền câu sấm:
Đến ngày mồng tám tháng ba
Có tám con gà cháy ở trên mây
Vì thế cứ đến ngày 8 tháng 3 là người ta lại chờ xem hiện tượng gà cháy trên mây như thế nào. Chờ mãi đến năm 1937 có một máy bay của Pháp bị nạn sau khi cất cánh ở sân bay Cát Bi rơi xuống Kiến An. Nhưng lời sấm nói là “tám con gà” cơ mà, sao chỉ có một máy bay. Rồi nhà chức trách thông báo, viên phi công lái máy bay bị nạn tên là Pátxkiê, đọc theo âm Hán Việt là Bát Kê nghĩa là “tám con gà”. Bấy giờ mọi người mới à lên ngạc nhiên thích thú: Hóa ra quan Trạng biết cả tiếng Pháp.
Có một câu sấm rất khó giải mã là:
Canh năm gà gáy xôn xao
Trăng xưa soi bóng quân vào Thăng Long.
Gà là năm Dậu, nhưng hàng can không có chữ canh. Trăng xưa là chữ Hồ thì họ Hồ đã qua lâu rồi. Mãi đến năm Ất Dậu 1945 cụ Hồ Chí Minh từ chiến khu Tân Trào về Hà Nội đọc “Tuyên ngôn độc lập” thì câu sấm mới được giải mã: Vào năm Dậu khắp nơi đứng lên cướp chính quyền, Cụ Hồ dẫn quân vào Thăng Long lập ra chế độ mới.
Trạng Trình Nguyến Bỉnh Khiêm để lại câu đúc kết quan trọng cho các đời vua như sau:
Cổ lai quốc dĩ dân vi bản
Đắc quốc ưng tri tại đắc dân.
Nghĩa là:
Từ xưa đến nay nước lấy dân làm gốc
Được nước là do được lòng dân.
Ngày 19 tháng 9 năm 2007
Hết.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.