- Đang online: 2
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 21873
- Tổng truy cập: 3,371,467
CỔ TRAI XUẤT ĐẾ
- 369 lượt xem
Chương 2
Vua quỷ ỷ thế làm càn
Vua lợn thừa cơ đoạt nước
Sau cuộc thi võ cử náo nhiệt, kinh thành Thăng long lại trở về với nếp sống sinh hoạt thường ngày. Tháng đôi lần Tổng quan Cấm vệ lại tổ chức cho Tượng đội và mã đội quyết đấu hầu vua thì kinh thành mới hơi xáo động một chút. Vũ Duệ thường đi bộ từ phủ vào cung, cũng là cách để nắm bắt dân tình. Khi đi qua chợ cửa Đông, Vũ Duệ thấy một đám trẻ đang chơi đùa, vừa chơi vừa vỗ tay đồng thanh hát:
Tập tầm vang
Tập tầm vông
Phương Đông xuất thiên tử
Phương Nam hiện Thiên Vương
Thiên hạ chết đầy đường
Thiên ngôi về chủ cũ
Tập tầm vông
Tập tầm vang.
Vũ Duệ dừng lại xem chúng chơi và nghe kĩ lời bài hát. Ông giật mình vì nội dung bài hát quá gớm, vội kéo một đứa trẻ ra hỏi nhỏ:
– Các cháu thuộc bài hát này lâu chưa?
Đứa trẻ hồn nhiên đáp:
– Chúng cháu thuộc lâu rồi.
– Thế ai dạy các cháu hát?
– Chúng cháu không biết. Tự chúng cháu bảo nhau.
Vũ Duệ đi sang cửa Đại Hưng vào một xóm nhỏ cũng thấy trẻ con vừa chơi vừa hát như vậy. Dường như đây là trò mới, đang được thịnh hành. Chẳng lẽ đây là điềm trời báo trước cho sự thay đổi ngôi chủ? Nếu là thật tránh sao khỏi loạn to, cảnh lầm than tai ương bỗng chốc giáng xuống đầu những đứa trẻ đang vô tư chơi nhảy kia. Vũ Duệ sốt ruột vào cung, đến ngay Ty Thiên Giám, gặp quan Giám Ty, ông hỏi ngay:
– Chào Lê Huynh, dạo này thiên tượng có gì khác lạ không?
Lê Thuần Phong quan Giám Ty đáp lễ:
– Chào quan trạng, có điều gì hệ trọng mà quan anh đến đây vậy. Thiên tượng lâu nay bình thường thôi.
Vũ Duệ nghe vậy thì lẩm bẩm:
– Quái lạ, bình thường là thế nào, chắc quan ty không quan sát kĩ đó thôi.
– Thật mà. không tin đêm nay mời quan anh đến cùng quan sát với chúng tôi.
– Có lẽ thế!
Buổi tối Vũ Duệ trai giới chay tịnh, sai một võ sĩ đi kèm vào cung, đến ty thiên giám. Quan Giám ty họ Lê cũng trai giới cẩn thận, hai người cùng bước lên đài Thiên Giám. Hôm ấy trời trong quan sát rất rõ. Vũ Duệ nhìn từ Bắc Đẩu về Thái Bạch đúng là không có gì khác thường. Ngôi Đế tinh vẫn sáng rờ rỡ. Ở Phương Đông chòm binh Tinh đang lên không có gì khác lạ. tuy nhiên, trong vùng mờ dưới chòm Binh tinh dường như có một ngôi sao đang vạch mây phát sáng yếu ớt. Cứ mỗi lần sao này le lói thì dường như ngôi Đế tinh lại sáng lên một chút. Vũ Duệ phán đoán: Có thể kẻ “gây chuyện” đang làm quan, chức quan nhỏ, nhưng nay mai sẽ thâu tóm binh quyền, tiến tới tiếm ngôi, giống như việc Hồ Quý Ly đã từng làm thủơ trước. Vậy kẻ đó là ai trong số rất nhiều quan lại người Hải Đông đây? Quan Giám ty thấy Vũ Duệ bần thần thì hỏi:
– Quan anh thấy có điều gì khác lạ chăng?
– Kể ra ngôi Đế tinh vẫn tốt lắm. Nhưng tôi thấy phương Đông có một ngôi sao rất mờ mà mỗi lần nó phát sáng, tuy ánh sáng rất yếu ớt là ngôi Đế tinh lại sáng rực rỡ hơn. Mối quan hệ này lạ lắm. Xin Lê huynh chú ý cho.
– Quần thần phò thiên tử thì có gì phải chú ý?
– Quan hệ đấy, xin Lê Huynh cứ lưu ý, đừng xem thường.
Hôm sau Vũ Duệ xin được gặp Nhà vua để mật tâu toàn bộ sự việc quan trọng liên quan đến triều đình đã nghe, quan sát được. Nghe xong Nhà vua cười lớn:
– Quan trạng quá lo xa thành ra lo hão rồi. Ngôi báu của ta đang vững hơn bao giờ hết. Các bộ tộc người mọi đều thần phục. Quân Chiêm mất vía không dám động binh. Quan trạng thấy trẫm nói có đúng không?
– Muôn tâu Thánh Thượng. Việc trẻ hát đồng dao trong thành ngoài trấn không phải là chuyệ nhỏ đâu ạ.
– Ô hô, trò trẻ con thôi mà. Nhưng nếu quan trạng vẫn băn khoăn thì ta bảo Bộ Lại không thăng quan cho tất cả quan lại là người Hải Đông được chưa?
– Vâng, chỉ xin Thánh Thượng luôn lưu tâm cho.
Ra khỏi cung, Vũ Duệ lại gặp ngay lũ trẻ vừa chơi vừa hát bài đồng dao lạ. Ông than thầm:
– Không biết sức ta có cản được mệnh trời không, nếu bài hát kia đúng là tiền định.
Sau khi nhận ân điển của Nhà vua ở Dao Trì, các tân tạo sĩ được ban đai giáp vinh quy. Do đây là cuộc thi võ cử đầu tiên của triều đình nên bộ Lễ cứ theo điển lễ của thi tiến sĩ mà vận dụng, chỉ khác là cấp đai giáp thay cho cân đai quan văn. Mạc Đăng Dung cho cả á thất là nữ chủ quán “Vọng Tiên Lâu” cùng vinh quy. Về đến đầu huyện Nghi Dương đã có các kì lão do tri huyện dẫn đầu đón đợi. Mận được lính huyện võng. Trên đường về Cổ Trai thì xảy ra sự cố. Số là á thất đang được võng đi liền ngựa võ Trạng nguyên không chịu nhường chỗ cho võng của Mận.
– Không có tôi nuôi chàng, để chàng cơm no bò cưỡi thì làm sao có ngày hôm nay được. Chị ở nhà quê xa tít mù tắp này có giúp gì được cho chàng không? Mới lại, tôi đi liền ngựa chàng từ kinh thành về đây, lẽ nào sắp về đến nhà lại bị chia tách.
Mận không muốn đối lời sợ làm mang tiếng buổi đón rước nên bảo nhỏ lính cứ võng đi ngang với võng của á thất. Chính thất thế là chịu nhún rồi. Nữ chủ quán cũng không giám bắt bẻ gì thêm. Thành ra đám rước đến chỗ có võng bị phình ra cứ như con mãng xà đang nuốt con thú lớn vậy.
Ở Cổ Trai, dân làng tổng đã góp tiền dựng mới ngôi nhà gỗ lim năm gian để dành cho quan võ trạng. Ai cũng hể ha phấn khởi. Mạc Đăng Dung cấp cho mỗi khẩu nửa quan tiền để cả tổng cùng ăn mừng.
Sau lễ vinh quy, Mạc Đăng Dung đem á thất về kinh nhận chức. Mạc Đăng Dung và Dụ đều nhận chức ngự tiền thị vệ tước chính thất phẩm. Do Dụ tướng mạo dễ coi, lại giỏi dùng binh khí nên được làm thị vệ đeo gươm, còn Mạc Đăng Dung làm thị vệ giữ lọng. Mỗi khi Đức vua xuất cung đều có Dụ đeo gươm đi trước, Mạc Đăng Dung cầm lọng theo sau. Phạm Gia Mô được nhận chức giáo đầu vệ Võ Đạo. Trần Cẩn vẫn làm chức quan cũ chứ không chuyển sang ngạch võ.
Bây giờ Nguyễn Hoằng Dụ và Mạc Đăng Dung cũng là võ quan cấm vệ nhưng chức thấp hơn Trịnh Duy Sản nhiều bậc. Nhưng Sản không muốn hai người được là cận thần canh vua mới ra sức cầu cạnh Tổng quan cấm vệ đổi người khác. Khương Chủng xiêu lòng xin nhà Vua đổi người. Mặc dù Vua rất yêu Khương Chủng, nhưng cũng không nỡ rời bỏ hai võ Trạng Nguyên, hơn nữa lại còn nói lại cho hai người tùy tùng thân cận biết để họ hầu hạ Vua chu đáo hơn. Mối hiềm khích giữa Sản với hai người bắt đầu xảy ra từ đó.
Nguyễn Hoằng Dụ là con trưởng Nghĩa quận công Nguyễn Văn Lang, gọi là Trường Lạc hoàng thái hậu là cô, con ông bác. Họ Nguyễn ở Gia Miêu mấy chục người làm võ tướng trong triều nên trai tráng trong họ đều được học chữ, học binh thư, luyện tập thập bát ban võ nghệ. Vào quân đội đều phải trải qua từ chân lính trơn để thấu hiểu quân tình, khi làm tướng mới có lòng quan tâm thuộc hạ. Dụ còn có hai em ruột là Hoằng Úy và Hoằng Viễn cũng tinh thông binh pháp, võ nghệ, do còn đang luyện đánh thủy binh nên không dự thi võ cử. Dụ do đỗ võ trạng Nguyên được làm thị vệ đeo gươm của Vua, là người đầu tiên làm quan không phải qua lính trơn của họ Nguyễn.
ﮪ
Mùa xuân năm Đoan Khánh(1508), triều đình tổ chức thi hội theo định kì 3 năm một lần. Chế độ thi cử đã được đức Thái Tông ban định từ năm Đại Bảo thứ ba(1442). Theo lệnh triều đình, ngoài hai cơ quan ở kinh thành là nhà Thái học và Chiêu Văn quán, các phủ huyện đều mở trường học, có quan huấn luyện trông coi. Con nhà sĩ dân có học đều được nhập trường. Nền học rộng mới tuyển được nhân tài cai trị đất nước. Bởi vì hiền tài là nguyên khí quốc gia. nhà nước phải chăm lo bồi dưỡng nhân tài. Khoa thi đầu tiên đã có 450 sĩ tử cả nước ứng thí. Số sĩ tử đông đảo này đã khẳng định nền học đang được củng cố và mở rộng. Khoa thi này lấy đủ tam khôi, tam giáp, số người trúng cách lên tới 33 người, vượt xa số đỗ của các kì trước đó. Nhà vua cũng ban định thể lệ ân tứ vinh quy, ghi tên bảng vàng bia đá. Chế độ học hành, thi cử bắt đầu vào nếp thì đức Thánh Tông đột ngột qua đời với nghi án Lệ Chi Viên làm ba họ Quan phục hầu Nguyễn Trãi bị chết thảm khốc. Thời Nhân Tông không giữ được đủ lệ ba năm thi một lần, mà kéo dài thời gian lên sáu năm. Việc ghi danh bia đá cũng chưa làm được. Đến thời Thánh Tông Thuần hoàng đế việc học hành thi cử quy củ đúng như điển lệ Thái Tông: Năm Hồng Đức mười lăm Nhà vua cho dựng bia tiến sĩ các khoa thi trước đó thì mọi điển lệ đã hoàn tất.
Kì thi hội năm nay diễn ra bình thường như các kì thi trước đó, nhưng thực ra có sự không bình thường ít người biết, đó là mật chiếu của vua hạn chế lấy đỗ người Hải Đông, và không cho dự Tam Khôi. Sở dĩ có mật chiếu này là Vua bắt đầu có ý nghi ngại lời hát đồng dao “Phương Đông xuất thiên tử”. Ngay trước kì thi Vũ Duệ lại đến Ty Thiên giám coi xét khí tượng. Sự lo ngại về ngôi sao mờ ở phía đông quả nhiên đã lộ diện. Ngôi Đế tinh vẫn sáng rực, nhưng ai biết trước được sẽ xảy ra điều gì nay mai, khi ngôi sao lạ cứ sáng mãi lên, che át cả Đế Tinh thì sao.
Theo lệ, kỳ thi phải qua tứ trường, mỗi trường nội dung bài thi khác nhau. trường nhất thi kinh nghĩa. Trường nhì thi thơ phú. Trường ba thi chế, biểu. Trường bốn thi văn sách. Những người do chân sĩ vọng ra làm quan cũng được dự thi đặc cách. Sau khi chấn điểm hợp phách, đích thân quan chủ khảo phải đối chiếu quê quán, nếu là người Hải Đông thì đánh tụt một bậc sao cho số người trúng cách chỉ vào phần ba. Người có điểm đỗ Hội Nguyên là Hứa Tam Tỉnh người làng Ngọt xứ Kinh Bắc. Biết được tin này cả Nhà Vua và Vũ Duệ đều thở phào nhẹ nhõm.
Hứa Tam Tỉnh dáng thấp đậm, da ngăm đen, nom cục mịch như một lực điền, duy có đôi mắt sáng kéo lại. Tỉnh vốn là rể quan án sát Kinh Bắc. Chuyện Tỉnh thành rể quan khá ly kỳ, như bao mối lương duyên khác. Hồi trẻ Tỉnh đã mồ côi cha, nhà nghèo cơ cực. Mẹ làm ruộng, dệt vải. Tỉnh đi chăn trâu mướn cho nhà địa chủ trong làng. Suốt ngày dãi nắng ở ngoài đồng đã luyện nên một màu da bùn đất. Một lần Tỉnh thấy có kiệu quan qua làng, đánh bạo ra xem. Đó là kiệu quan án sát. Hôm đó ngài cho con gái đi theo, nên tiểu thư có phu khiêng võng sau kiệu quan. Tiểu thư tuổi đôi tám, trạc tuổi Tỉnh, mặt hoa da phấn, mắt phượng mày ngài, cổ kiêu ba ngấn. Lần đầu được thấy con quan, từ dung mạo đến y phục đều đẹp đẽ gấp bội gái làng, Tỉnh ngây người ra ngắm. Võng đi xa Tĩnh còn đuổi theo nói khó với người xin được khiêng thay không công. Người phu ngỡ chàng trai đi cùng đường tốt bụng muốn giúp nên bằng lòng. Tỉnh võng tiểu thư về tận Phủ. Rồi ba chân bốn cẳng chạy về lùa trâu. Cả đêm Tỉnh trằn trọc không ngủ được. Sáng hôm sau Tỉnh đòi mẹ sắm lễ vật đi hỏi vợ. Ban đầu bà mẹ mừng, đi vay tiền sắm trầu cau liền. Đến lúc đi mới biết Tỉnh đòi lấy con quan, bà mẹ hoảng quá mắng:
– U lạy con, không quen biết, không mai mối, nhà ta nghèo hèn, sao con lại đòi ngược đời thế?
– U không thấy dung nhan tiểu thư nên nói thế thôi. Nàng xinh đẹp, duyên dáng lắm, con không thể không lấy nàng. U cứ đi đi không sợ.
Trước sự năn nỉ của con trai, bà mẹ nghĩ làm trai như cái gậy, chọc chỗ nọ không được thì chọc chỗ kia. Quan không đồng ý quan đuổi ra khỏi cổng là cùng. Nếu như trời xe duyên biết đâu. Thời xưa cụ tổ Hứa Tiên chả lấy được tiên đã sao. Bấy giờ cụ tổ cũng là người đi làm mướn chứ cao sang gì. Thì đi.
Tỉnh xách đồ lễ dẫn mẹ đi. Tới cổng phủ không có lính hỏi. Tỉnh dẫn mẹ vào thẳng phòng khách nhà quan. Hôm ấy quan có nhà. Thấy người lạ quan bảo:
– Nhà chị có đơn kiện thì ra nhiệm sở, đây là tư dinh ta không tiếp đơn đâu.
Bà mẹ run bắn lập cập đáp:
– Bẩm quan, tôi… tôi không đưa đơn, tôi đến gặp quan lớn có việc khác ạ.
– Việc gì?
– Việc riêng ạ.
– Ta không quen biết tại sao lại có việc riêng?
– Bẩm quan lớn là thằng con tôi đấy ạ. Nó đòi đến thưa với quan cho nó làm rể. Hôm qua nó có võng tiểu thư, rồi mê mẩn đòi lấy bằng được. Hôm nay mẹ con tôi bạo gan đến thưa chuyện ạ.
– Láo, bậy nào. Chuyện dừng vợ gả chồng liên quan đến phẩm tiết con gái ta, sao có chuyện đùa thế này được. Không sợ ta trừng trị à?
Người mẹ quay sang mắng con:
– Thấy chưa, u đã bảo mà! Thôi về đi kẻo quan gông cổ bây giờ!
Hứa Quan Tỉnh quỳ mọp trước quan nói:
– Bẩm quan, kẻ hậu sinh tuy nghèo hèn nhưng dám xin cầu duyen tiểu thư là bởi chí lớn trong lòng, chẳng qua chưa gặp thời vận mà thôi. Con quyết không để tiểu thư phải hổ thẹn đâu ạ.
Ngắm chàng trai đen như củ súng, nước da mốc bùn quan đâu thể bằng lòng. Nhưng nghe khẩu khí, lại thấy đôi mắt sáng đầy nghị lực, quan chợt xiêu lòng. Biết nhìn thấy anh hùng trong đám đông mới là người sáng suốt, vì thế quan dịu dọng hỏi:
– Cậu nói thì hay, nhưng đã học được chữ gì rồi mà đòi mang chí lớn?
– Bẩm quan, con nhà nghèo, chưa từng được đi học, nhưng nếu được đi học, nhưng nếu được đi học, tưởng hái cái Tam khôi chẳng khó gì.
– Nghĩa là cậu tự cho là thông minh tài giỏi chứ gì?
Vậy ta cấp cho trăm quan tiền, về nhà ăn học, ngày này sang năm đến đây ta kiểm tra xem sao rồi ta sẽ quyết. Phải chuyên tâm mà học, rõ chưa!
Quan sai người giao cho bà mẹ đủ trăm quan tiền, lại tiễn ra tận cổng và dặn:
– Ngươi làm ta thất vọng thì biết điều đi ở trả nợ suốt đời đấy nhé!
Về nhà Tỉnh tìm theo thầy giỏi để học. Tỉnh học chữ như đất khô thấm nước, chẳng bao lâu đã làu thuộc tứ thư, ngũ kinh. Trong một năm ba lần đổi thầy. Đúng hẹn Tỉnh đến gặp quan án sát trả bài. Quan cũng ngạc nhiên về sức học của Tỉnh nên đồng ý nhận làm rể và gửi đi học trường của Trấn. Sắp đến kì thi, quan lại gửi ra nhà Thái học rèn giũa thêm. Trước khi đi xa, Tỉnh đòi tiểu thư cho động phòng, tiểu thư bảo:
– Chàng quên hẹn ước rồi sao?
– Nhớ, nhưng tam khôi sắp hái, nàng còn giữ làm gì mãi. Ta sắp đi xa, sao không động viên ta một lần nhỉ?
Thực ra tiểu thư cũng muốn lắm, sở dĩ còn giữ là do sợ Tỉnh quá say chuyện chăn gối mà lơ đãng việc học hành mà thôi. nay nghe Tỉnh nói cũng xiêu lòng nhưng vẫn muốn thử lần chót, liền bảo:
– Thiếp có thể tin chàng phá lệ, nhưng để cho thiếp tin, xin chàng hãy dối lại câu này đã.
Tiểu thư viết vào giấy câu đối:
– Ốc lậu nguyệt xuyên hình như kê oãn tam tam tứ tứ.
(Nhà thủng mái, bóng trăng rọi xuống, lốm đốm từng khoang ba bốn chữ như ổ gà).
Nhận được đề khó, Tỉnh nghĩ mãi không đối được, tự thẹn bỏ ra bờ sông hóng mát. Thì ra tài học của mình còn hạn hẹp lắm. Ra kinh phải cố công học tập thêm mới được. Tỉnh ngồi một mình trên bờ sông, đến lúc trăng lên vẫn chưa muốn về. Lấy vợ mấy năm mà vẫn chưa được động phòng. Nay vợ chấp nhận phá lệ thì mình vẫn chưa đủ tài vượt qua cửa ải chữ nghĩa cuối cùng. Đúng là biển học vô bờ, không thể sớm tự mãn được. Ngắm trăng tưới ánh vàng xuống sông, Tỉnh vẫn không nguôi lẩm nhẩm vế đối của vợ. Trăng soi lốm đốm dăm bảy chỗ như ổ gà. Gió lộng trường giang sóng xô lớp lớp như vẩy cá. Hay, vế đối là đây. hay!
– Giang trường phong lộng, thế tự long đân, điệp điệp trùng trùng.
(Sông dài gió lộng, sóng gợn trùng trùng điệp điệp như vẩy rồng).
Tỉnh vội chạy về gõ cửa phòng và đọc cho vợ nghe vế đối rất chỉnh của mình. Tưởng vợ mừng, hóa ra vừa mở cửa tiểu thư vừa than:
– Chàng đủ tài thi đỗ, nhưng chận ứng biến, e kì này khó giành ngôi Trạng Nguyên.
Đến lúc đã đỗ Hội Nguyên, Tỉnh cho người về báo tin cho cả nhà biết. Tiểu thư vẫn bảo người đưa tin:
– Hội Nguyên chưa phải Đình Nguyên. Ngươi kíp ra bảo chàng cần cố gắng nữa.
Tháng tư thi đình. Vua thân ra đề bài phú “Phụng Thành xuân sắc”. Các tân hội nhân ngồi ngay tại sân điện Kính Thiên làm bài trước sự giám sát chặt chẽ của các quan giám khảo, từ quan đề điệu đến các quan tuần. Hứa Tam Tỉnh viết thảo mấy chữ làm dàn ý rồi cứ thế cắm cúi viết. Những người khác sau một hồi suy nghĩ cũng lần lượt bắt tay vào viết. Chỉ có một người là Nguyễn giản Thanh, quê ông Mặc, con quan tiến sĩ Nguyễn Giản Liêm là còn ngó nghiêng chưa thể đặt bút. Hôm ấy Tổng quản cấm vệ Khương Chủng theo hầu Vua đến coi thi nhận ra bạn học đang bí, liền chỉ tay vào Vua và chỉ tay về phía Tây, lại chỉ tay vào ngực mình, ý nói “Phù chẩn”, ngụ rằng có Thái hậu đến thăm thi đình. Giản Thanh hiểu ý, nghĩ làm bài phú bằng tự sẽ kém bài của Hứa Tam Tỉnh nên chuyển sang làm bài nôm, việc chưa từng xảy ra trong thi cử. Tuy nhiên, sự khác thường này sẽ làm cho vua, người quyết định thứ hạng cao thấp chú ý. Nếu có Thái hậu đến, người sẽ hiểu được ngay ý tứ bài phú sẽ có lời nói thêm cho. Ngay việc làm phú bằng nôm, việc tạo ý tứ nghe chừng cũng thuận hơn. Quả nhiên vừa đặt bút, lời văn đã trùng trùng xuất hiện.
Đến giờ thu bài có đến nom nửa vẫn chưa viết xong. Tất cả số này đều xếp hàng tam giáp không cần phải đọc. Khác với thi Hội, các bài văn không phải rọc phách, điều đó yêu cầu các quan giám khảo phải hết sức công tâm, trung thực, nếu không sẽ bị Vua quở trách. Một lần nữa bài của hứa Tam Tỉnh lại được khuyên tròn. Riêng bài của Nguyễn Giản thanh các quan không giám phê vì bài không làm bằng tự. Khi chuyển bài lên Vua ngự lãm bài của Hứa Tam Tỉnh cũng được Vua khuyên. Riêng bài của Nguyễn Giản Thanh Vua sai quan độc quyển đọc để tất cả cùng xem xét:
Đức vua hỏi:
– Mời quan chủ khảo nói trước.
– Muôn tâu, bài đáng xếp ưu, nhưng chỉ e văn nôm chứ không phải văn tự, chưa từng có tiền lệ.
Khương Chủng liền nói khẽ cho Thái hậu nghe:
– Bài ưu lại độc đáo thì đáng đệ nhất rồi còn e mới dè gì nữa.
Thái hậu thấy vậy liền phán:
– Chỉ sợ bài kém, chứ bài ưu mà độc đáo Nhà Vua nên xếp trên đi.
Bấy giờ nhà Vua mới gật gù:
– Văn nôm mà ý tứ sâu xa, lời văn bóng bẩy trau chuốt, giàu hình ảnh, ta cũng ưng lắm.
Đoạn nhà Vua tự tay phê “Nhất giáp nhất danh”. Bài của Hứa Tam Tỉnh “Nhất giáp nhị danh”. Một bài hạng ưu nữa là “Nhất giáp tam danh”. Số còn lại Vua phê “Nhị giáp” mười lăm bài, con ba mươi sáu bài cho xuống hàng tam giáp. Khi xướng danh truyền lô mới biết Tam khôi đều thuộc về Đông Ngàn trấn Kinh bắc, bởi Thám hoa thuộc về Nguyễn Hữu Nghiêm, cùng huyện.
Bấy giờ người Kinh Bắc có câu “Trạng Me đè trạng Ngọt” nói về việc Giản Thanh vượt lên này. Tiểu thư ở nhà cũng bảo: “Tam Tỉnh thiếu một chút linh lợi nhanh trí mà”.
Để nêu đủ ân điển, Nhà vua sai Lễ bộ Thượng thư Vũ Hữu soạn bia khoa thi và đặt vào Văn Miếu theo thứ tự.
Kinh thành vào thu trời xanh ngắt, cây cối chuyển lục đậm. Sen hồ Tây lá đã vàng úa, phô những bát sen mẩy căng, có bát già lõm như những hốc mắt sâu hoắm. Hạt sen đen bóng như sắp rời khỏi bát. Sâm cầm, le le, mòng két từng đàn bay về. Quan thượng vẫn thỉnh thoảng ra hồ Tây ngắm cảnh. Từ phía ngoại thành các cô thôn nữ bê cốm vào phố bán. Quan Thượng sai mua thưởng thức hương cốm đầu mùa. Vừa hay một phụ nữ trẻ óng ả đi đến. Nhìn ngực chật căng trong tà só mỏng có thể biết người phụ nữ này còn cho con bú. Quan Thượng mê mẩn vì bầu ngực đó, liền lệnh cho lính quây màn giữ người phụ nữ đó lại. Quan Thượng bảo:
– Nàng chiều ta, ta không bỏ rơi đâu.
Đoạn xông vào lột áo, vồ hai tay vào ngực nghiến ngấu. Người phụ nữ bình tĩnh gạt tay quan Thượng ra nói:
– Ngài chớ cậy thế phạm vào tội, tôi thà chết không để ngài toại nguyện đâu.
Bị người phụ nữ kiên quyết chống cự quan Thượng cáu tiết sai lính vào giữ tay rồi dùng dao xẻo đứt một bên vú người phụ nữ, máu chảy lênh láng bắn cả vào mặt quan. Người phụ nữ rú lên đau đớn rồi ngã vật xuống bất tỉnh. Quan mất hứng sai lính hộ tống về phủ.
Bấy giờ dân hàng phố mới dám đem thuốc ra dịt và băng bó cho người phụ nữ. Mấy người hàng cốm nhận ra đó là vợ một viên cai làm việc ở phủ Nghĩa Quận công Nguyễn Văn Lang, liền dìu luôn đến đó. Viên cai nhờ báo cho quận công nhờ can thiệp trừng trị kẻ lộng quyền ác bá. Biết quan Thượng nắm cấm quân, lại được nhà Vua sủng ái, Quận công cho khiêng nạn nhân đến cung Từ Ninh gặp Thái hậu tâu bày. Thái hậu lâu nay có nghe phong thanh quan Thượng ức hiếp dân lành còn chưa tin, nay nghe Nghĩa Quận công đem nạn nhân đến thì đùng đùng nổi giận. Thái hậu cho gọi Vua đến trách mắng:
– Hoàng thượng nuông chiều kẻ dưới ác bá thế này liệu lòng dân có oán than không? Hoàng thượng hãy trừng trị ngay kẻ gây ác để tạ tội với dân đi.
Nhà Vua lắp bắp đáp:
– Xin Thái Hậu bớt giận, Trẫm sai Thái y đến chữa chạy ngay cho người phụ nữ này.
Chữa chạy cho người phụ nữ này là tất nhiên rồi nhưng Hoàng Thượng phải đích thân chữa chạy băng bó lòng dân kia kìa.
– Xin vâng.
Nhà Vua về cung cho đòi ngay Khương Chủng và Nguyễn Bá thắng đến tra vấn. Bá Thắng thản nhiên đáp:
-Tâu Thánh Thượng, con dân như bầy vịt trong chuồng của Hoàng Thượng, chúng thần là người chăn dắt giúp Hoàng Thượng, chẳng lẽ chúng thần không đáng hưởng một hai con vịt ngon hay sao. Nếu kẻ nữ kia biết phận thì đâu phải chịu thiệt như thế. Nay lẽ nào Hoàng thượng vì vịt mà trách phạt người chăn hay sao. Mới lại Thái hậu ở hậu cung có lệ nào lại can dự vào chính sự như thế? Chúng thần ngờ Thái hậu dung túng cho bọn Nghĩa Quận công mưu đồ khác, lấy cớ này để triệt hạ dần tay chân của người thôi.
Khương Chủng phụ họa:
– Nghĩa Quận công nắm binh quyền nay trở mặt đáng là mầm họa lớn đó. Nay lại có Thái Hậu giúp bên trong, nếu Quận Nghĩa thông đồng với vương công nào đó lật lại chuyện Túc Tông chết yểu thật khó nói trước chuyện gì, xin Hoàng Thượng minh xét.
Nhà vua trầm ngâm nghĩ ngợi. Thánh Tông có đến mười bốn hoàng nam, Hiến Tông cũng có sáu hoàng nam, số vương công đông đúc này đâu tất cả đã chịu yên phận hưởng phúc. Đáng kể nhất là con cháu Kiến Vương Tân, ngũ hoàng tử của Thánh tông. Họ chăm luyện võ nghệ, chịu kết giao hào kiệt như Tín Lăng Quân, Bình Nguyên Quân thưở trước vậy. Mà Nghĩa Quận Công chính là môn khách thường xuyên của họ. Nghĩ vậy nhà Vua hỏi:
– Các ngươi nói ra, ta thực tình cũng e vây cánh nhà Kiến Vương. Vậy các ngươi có chủ ý gì không mau sớm nói ra.
– Muôn tâu, chi bằng “Tiên hạ thủ vi cường”. Nhân việc này ta kết tội Thái Hậu bao che vương công đại thần làm phản mà triệt hạ luôn mầm họa, các đại thần khác thấy mà run sợ, thật là cởi cái lo ở trong lòng đấy ạ.
– Việc này cần làm bất ngờ. Vậy các ngươi mau điều động binh mã cho ta. Nhớ triệt hạ tận gốc nghe.
– Tâu vâng!
Tổng quản cấm vệ Khương Chủng lập tức về phủ truyền đô thống các vệ đến tướng phủ nghe chiếu. Trong khi đó Bá Thắng đến thư phòng của vua thảo chiếu và mang cho Khương Chủng sau. Trịnh Duy Sản đem quân bảo vệ Vua và bắt giữ Thái Hậu. Các tướng khác đem quân vây bắt các quân vương. Ngay sau đấy quân cấm vệ xuất trại. Cả kinh thành chỉ thấy quân cấm vệ hành quân, dân tình không hiểu có sự biến gì hay có quân Chiêm đến quấy. Nhiều người nhốn nháo về nhà gói ghém đồ đạc chuẩn bị chạy trốn. Tiếng quát, tiếng khóc inh ỏi nơi này nơi khác.
Bấy giờ Thái Hậu cùng Quận Nghĩa còn ở trong cung Từ Ninh chờ nhà Vua trở lại. Khi nhìn thấy quân cấm vệ tràn vào, Quận Nghĩa đứng ra cửa quát:
– Chúng bây không biết đây là đau mà dám xâm phạm hả?
Một viên tướng cầm giáo quát lại:
– Cấm vệ quân phụng chiếu đến bắt loạn đảng phản nghịch. Anh em, xông lên!
Viên tiểu tướng vừa hô vừa giơ giáo đâm Quận Nghĩa. Quận Nghĩa giơ tay gạt và đoạt luôn ngọn giáo đâm chết mấy tên quân, số cấm vệ chùn cả lại không dám xông vào cung. Quận Nghĩa vái Thái Hậu và nói:
– Nhà Vua không những không trị tội đám ngoại thích lộng hành lại còn vu tội hãm hại thần, có lẽ người nhà thần đang gặp nạn, thầy xin cáo từ, cúi xin Thái hậu giữ gìn.
– Ừ, ngươi đi đi, nhớ bảo toàn tính mạng mà còn định an thế cuộc.
Quận Nghĩa sa nước mắt mở đường máu cùng mấy tên quân thoát ra. Viên cai đành phải để vợ ở lại nhờ Thái Hậu che chở để theo chủ tướng. Quận Nghĩa về đến phủ đã thấy quân cấm vệ bao vây tầng tầng lớp lớp. Viên tướng cưỡi ngừa cầm đao đứng ở cổng chờ. Chợt thấy Quận Nghĩa cùng mấy tên quân chạy bộ về đến nơi, viên tướng dừng ngựa đến chào và nói:
– Tiểu tướng là Mạc Đăng Dung, Đô chỉ huy sứ vệ Thiên Vũ Phụng chiếu thiên tử, đến triệt hạ tướng phủ vì tội phản nghịch. Tiểu tướng biết tướng quân bị oan nên không nỡ ra tay. Nay việc cấp bách, xin tướng quân mau thoát thân trước.
Quận Nghĩa chống giáo đáp lễ:
– Mạc Đăng Dung thật là trượng nghĩa, ta xin ghi nhớ. Ta biết tướng quân là bạn với Dụ cháu ta, nay ta ra đi, tất cháu ta cũng gặp nạn, xin tướng quân tìm cách giúp đỡ nhà ta khỏi kiếp nạn này.
– Vâng, xin tướng quân cứ an tâm.
Đợi Quận Nghĩa đi khỏi Mạc Đăng Dung một mình vào phủ bảo người nhà theo cửa sau trốn đi, rồi niêm phong tài sản và cho quân vào chiếm phủ chứ không về bẩm báo ngay với Tổng quản cấm vệ. Đó là MạcĐăng Dung ngầm giúp gia quyến Quận Nghĩa, rồi mới báo là Quận Nghĩa đã có chủ định từ trước, quân thiên Vũ đến chậm chân một bước. Trong lúc hỗn loạn Tổng quản cấm vệ cũng không thể kiểm soát được tình hình nên tin đó là thật.
Họ Nguyễn xuất thân ở Dược Sơn – Đông Triều. Đến thời Nguyễn Lung đi về kim Đôi tìm thầy học chữ làm thuốc, rồi làm rể nhà họ Hoàng, kế nghiệp gia sản lớn, trở thành điền chủ một vùng. Lung sinh được năm trai, năm gái, ứng với sấm ở đền Kiếp bạc, cứ mỗi lần vợ chồng Nguyễn Lung đến lễ đền thờ thanh gươm báu ở ngoài sông trước đền lại nổi lên. Nhà sư giữ đền bấm số đoán con cháu sẽ vinh hiển. Vì thế dân gian có câu ca:
Kim đôi nhất phúc nguyễn lung
Năm trai, năm gái thong dong đủ mười
Trai thì ngự sử đô đài
Ông chỉ huy sứ, ông cai triều đình
Gái thì sánh với công khanh
Cung phi, hoàng hậu triều đình nghênh ngang.
Vốn chuộng sự học, năm con trai nhà Nguyễn Lung đều được gửi đi học ở trường huyện, trường trấn. Tháng đôi lần cha mẹ lại mang thức ăn đồ dùng tiếp tế và động viên học tập, không để các con thiếu thốn đói rách bao giờ. Việc chu cấp rất tốn kém. Cảm công đức cha mẹ, cả năm anh em đều siêng năng học tập. Nguyễn Lung thường ao ước cả năm con đỗ đạt để sánh với họ Đậu nhà Tống xưa nay chưa từng có trường hợp thứ hai. Đến thời Quang Thuận triều đình lệ ba năm thi một lần, thì khoa thi Bính Tuất (1466) họ Nguyễn Kim Đôi có hai con qua kì thi hương để dự thi Hội là Nguyễn Nhân Bị và Nguyễn Xung Xác. Cả hai đều vượt vũ môn. Lần đầu tiên có việc hai anh em ruột đỗ đầu khoa nên được triều đình ban thưởng rất hậu. Chính đức Vua phủ dụ việc này báo hiệu thời thịnh trị của đất nước vì nhân tài sẽ đông gấp hai ba lần bình thường. Sau đó có ba người họ Nguyễn Kim Đoi có ba người đỗ đại khoa nữa là: Nguyễn Nhân Thiếp(1472); Nguyễn nhân Dư(1475); Nguyễn Nhân Đạc(1478). Trong năm người này có hai được dự Tao Đàn là Nguyễn Xung Xác và Nguyễn Nhân Thiếp.
Việc ngũ hoàng tử được Xung Xác dạy bảo vô hình chung tạo nên thế lực mạnh và có mối bang giao rộng. Sau khi vua cha tạ thế, các vua kế vị mất sớm, Vương kết giao rộng đã có người gièm pha là có ý nhòm ngó ngôi báu. Vì thế Vương cảnh giác xin được vào trông coi lăng Lam Sơn, đem theo con thứ hai là Công tử Dinh, còn việc nhà giao cho con cả là Cẩm Giang vương Sùng trông nom. Cẩm Giang Vương vẫn duy trì mối bang giao rộng như trước. Trong nhà lúc nào cũng có rất nhiều môn khách. Mạc Đăng Dung, Nguyễn Hoằng Dụ, Phạm Gia Mô cũng thường lui tới đây. Vào cái ngày định mệnh ngự lâm quân đến vây bắt các vương tôn thân tộc thì Phủ Kiến Vương là mục tiêu số một. Hôm đấy Hoằng Dụ là người trong quân cấm vệ, nghe tin chú là Quận Nghĩa gặp nạn chung với các vương tôn nên đã một mình một ngựa liều chết đem hai công tử con Cẩm Giang Vương chạy về phía Nam. Chỉ trong một ngày từ thái hậu đến các vương tôn thân tộc bị hại chết hầu hết. Tin đó làm chấn động cả nước.
Giản Tu công Lê Dinh là con thứ hai của Công Vương Tân. Ngoài anh cả là Cẩm Giang Vương Sùng còn có hai em nữa là Tĩnh Lượng công Lê Vinh và Lê Quyên chưa được phong. Mẹ là Trịnh Thị Ngọc Tuyên người xã Thủy Chú huyện Lôi Dương, con gái thứ tư của quan Đô đốc thiêm sự Trịnh Trọng Phong, cháu nội quan Dương vũ công thần Ngọc quận công Trịnh Khắc Phục. Năm Hồng Đức thứ mười lăm(1484), Ngọc Tuyên 13 tuổi được tuyển làm phi cho Kiến Vương Tân. Bấy giờ Ngọc Tuyên cùng ba con trai bị Uy Mục đế bắt giam chuẩn bị sát hại.
Công tử Dinh ở Lam Sơn nghe tin các tôn thất bị bắt thì lo sợ lắm, còn đang băn khoăn không biết đến dựa bên ngoại họ Trịnh ở Thủy Chú hay đến dựa họ Nguyễn ở Gia Miêu thì nom thấy bụi bay mù mịt trên đường vào khu lăng, lòng vô cùng sợ hãi. Toán người ngựa đến gần công tử Dinh nhận ra kỵ mã đi đầu là Quận Nghĩa thì thở phào nhẹ nhõm. Vội tế ngựa ra đón. Quận Nghĩa xuống ngựa sụp lạy và nói:
– Tâu chúa Công, kinh thành có biến lớn rồi ạ. Nhà Vua nghe lời gièm pha của bon thất phu Khương Chủng, Bá Thắng đã xuống chiếu bức hại Thái Hậu và các vương tôn thân tộc. Hạ thần may mắn thoát hiểm. Nay hạ thần về đây đã nắm được quân đội, xin chúa công phất cờ nghĩa, phát binh kể tội hôn quân vô đạo, đoạt lấy ngôi báu để định quốc an dân, nếu không tất nguy đến thân mà cơ nghiệp tiên đế khó nhọc khởi dựng trăm năm có cơ sụp đổ.
Công tử Dinh đầu vẫn chịt khăn tang, trong lòng háo hức báo thù, nghe Quận Nghĩa tâu vậy vẫn tỏ ra khiêm nhường:
– Hôn quân vô đạo cần phế bỏ là chính hợp ý trời lòng dân. Nhưng ta là dòng thứ, tuổi trẻ nông cạn sao cáng đáng nổi việc lớn ấy. Chi bằng tướng quân cho mời các bậc bề trên như Lương Vương, Tống Vương, Đường Vương, Triệu Vương hay các vương công dòng trưởng hơn không?
– Muôn tâu, các bề trên còn ở kinh thành, sống chết thế nào chưa rõ, hơn nữa cái uy với thế cuộc phi chúa công không ai có thể gánh nổi. Xin chúa công mau quyết định cho.
Công tử Dinh ngửa mặt lên trời than:
– Thế này là ngươi ép ta lắm!
Đoạn hỏi tiếp:
– Vậy ý tướng quân thế nào?
– Muôn tâu, quan trấn Thanh Hoa đã thuận theo nghĩa lớn. Chỉ còn thiếu minh chúa. Nay chúa công đã quyết thì mau về Tây Đô phát hịch, chỉnh đốn quân mã, hẹn các trấn cùng tiến, thần tưởng chỉ một trận là giành toàn thắng thôi ạ.
– Ta xin nghe kế lớn!
Nghĩa quận công rước Công tử Dinh đến Tây Đô, quan Tổng binh thiêm sự Bá Tuấn cùng các ty thuộc ra tận cổng thành đón. Công tử Dinh rất hài lòng. Đất thang mộc nhà Lê phò trợ tất việc lớn sẽ thành. Về đến phủ đường, Quận Nghĩa cùng mọi người mời Công tử Dinh lên ngôi chủ. Rồi tất cả quỳ lạy tunh hô thiên tuế. Đoạn sai quân chủ sự Lương Đắc Bằng thảo hịch kể tội hôn quân vô đạo và kêu gọi quan quân các trấn ứng nghĩa. Lời hịch như sau:
“Bớ quan quân dân cả nước”!
Bạo chúa Lê Tuấn phận con thứ kém hèn, làm nhơ bẩn nghĩa lớn, ở ngôi gần năm năm mà tội ác đã đủ muôn khóe. Giết hại người cốt nhục. Dìm hãm các thần liêu. Bọn ngoại thích được tin dùng mà phường đuôi chó ngang ngược làm bậy, người cứng cỏi bị ruồng bỏ mà kẻ đầu cá ẩn nấp nẻo xa. Quan tước đã hết rồi vẫn thường tràn không ngớt, dân chúng đã cùng khốn còn vơ vét chẳng thôi. Vét thuế khoá từng cân lạng, tiêu tiền của như đất bùn, bạo ngược ngang với Tần Chính. Đãi bề tôi như chó ngựa, coi dân chúng tựa cỏ rác, ngạo mạn quá cả Ngụy Oanh. Huống chi lại xây cung thất to, làm vườn hoa rộng. Xua dân đi trồng cây giẫm theo vết xe đổ chất gò Hoa Cương đời Tống, lấp biển xây cung điện, nối gót thế u mê xây cung A Phòng đời tần. Công trình thổ mộc xây to lên rồi thay đổi, thây đổi rồi xây lên, dân Hải Dương, Kinh Bắc mệt mỏi, lao đao; tông thất xa hoa, kiêu căng lại ngang ngược, ngang ngược lại kiêu căng, các tứ tuyên phiên trấn xôn xao, rối loạn, cư dân nhức óc, cả nước đau lòng. Đoan Khánh làm vua, họ ngoại chuyên quyền. Tử Mô là phường ngu hèn nơi phố chợ làm rối loạn kỷ cương. Thắng Chủng là hạng trẻ ranh miệng còn hơi sữa đã tác oai tác phúc. Đến nước đánh thuốc độc giết bà nội, tàn sát các thân vương. Theo ý riêng mà giết hại dân sinh, không biết đâu cho thỏa, dùng ngón ngầm để vơ vét tiền của công mặc sức tham lam. Bốn biển đã khốn cùng, muôn dân đều oán.
Nay ta lấy nghĩa, trước là cứu nạn muôn dân, sau là giũ yên cơ nghiệp Thái tổ Thái Tông truyền lại, quan dân cả nước mau mau đồng hưởng.
Cẩm Giang Vương ban bố.
Hịch thảo xong, Công tử Dinh phê bút, tiếp đó Quận Nghĩa và trấn thủ Thanh Hoa cùng phê và đóng triện, rồi cho người bố cáo các nơi. Nhận được cáo thị, dân Thanh Hoa nô nức tòng quân và cung cấp lương thảo.
Theo đúng ước hẹn, ngày 8 tháng 11 Quận Nghĩa làm lễ tế trời đất xuất quân. Toàn quân đều mặc áo xô, chít khăn tang, quyết đánh báo thù phế bỏ lũ hôn quân cùng bè lũ gian thần ngoại thích.
Trong khi đó các trấn Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam đều phát binh hưởng ứng. Ở Kinh Bắc thượng thư Đàm Thận Huy dẫn hơn vạn người tiến về Phù Chẩn vây bắt phe cánh Khương Chủng rồi áp sát hành quán Ái Mộ chờ quân phía Nam tiến đến.
Ở kinh thành, Tổng quản Khương Chủng cũng phát khí giới và điều các vệ ngự lâm chiếm giữ các cửa thành và những nơi hiểm yếu. Bố trí đâu đấy rồi, Khương Chủng vào gặp Vua bẩm báo:
– Các vệ quân đều thiện chiến, trung thành, kính xin Hoàng Thượng an tâm. Loạn quân ô hợp đến đây ta lấy sức nhàn địch lại, chỉ một trận là bắt được tên cầm đầu thôi.
Ngày 23, quân nghĩa tiến sát phía nam kinh thành dàn trận. Quận Nghĩa sai cháu là Dụ làm tiên phong dẫn năm trăm quân ra trước trận. Khương Chủng sai đô tướng Trịnh Duy Sản dẫn quân nghênh chiến. Hai tướng đánh nhau mấy chục hiệp không phân thắng bại. Sợ cháu núng thế, Quận Nghĩa thúc chiêng thu quân. Thấy vậy Khương Chủng càng thúc trống tiến quân. Trịnh Duy Sản đem quân đến sát trận quận Nghĩa, thì thấy quận nghĩa cầm giáo tế ngựa ra. Quận Nghĩa quát:
Tiểu tướng kia! Sao ngươi không biết phải trái trắng đen à? Hôn quân vô đạo dung túng gian thần ác bá, sát hại thân tộc, dân lành cần phế bỏ. Nay cả nước tôn phò chúa mới thuộc phủ Kiến Vương mà uy đức mọi người đều hâm mộ. Ngươi hãy bái lạy chúa mới rồi đem quân về thành bắt hôn quân lập công, bằng không chết ba họ đó.
Thấy uy dũng Quận Nghĩa vào trận thế trùng trùng lớp lớp, Trịnh Duy Sản vội thu quân chạy vào thành, mặc cho Tổng quản vẫn khua trống thúc dục. Quận Nghĩa liền phất cờ lệnh cho toàn quân tiến theo. Cấm vệ quân thấy Duy Sản tháo chạy cũng vội vã rút lui.
Bấy giờ Nhà vua thấy tình hình bất lợ, lệnh Tông nhân phủ là bọn Nguyễn Thừa Ngiệp, Nguyễn Thừa Giáo, Nguyễn Đình Khoa giết chết Cẩm Giang vương cùng toàn gia, sai bọn phó tướng Lê Vũ, Đô ngự sử Dương Trực Nguyên, Thị lang Phạm Thịnh, Trần Năng đem các vệ Thần Vũ, Hiệu Lực, Điện Tiền dàn quân ở Châu Cầu nghênh chiến. Lê Vũ cắm đầu Cẩm Giang vương vào ngọn giáo giơ cao trước quân nói:
Đầu Cẩm Giang vương đây, bọn loạn quân giả danh láo toét, chúng bay cũng tin à?
Binh lính của Quận Nghĩa hoang mang, bị Lê Vũ thúc voi tiến lên chà đạp chết vô khối. Lê Vũ tiến đến Đồng Lạc, voi sa vào ruộng lầy không tiến thoái được, bị quân Quận Nghĩa phóng giáo bắn tên giết chết. Bọn Dương Trực Nguyên chỉ là quan văn chứ không biết đánh trận, thấy Lê Vũ chết vội thu quân. Quân sĩ các vệ như rắn không đầu tan chạy hết cả. Bọn Dương Trực Nguyên trơ lại với nhau lấy lòng trung với Vua mà chịu chết tại trận.
Ngày 26, Quận Nghĩa dàn quân ở Bảo Đà, Nhân Mục, Hồng Mai, Thiên Thân ngay sát phía nam kinh thành chờ tin tức quân ứng nghĩa các hướng. Vua sai ban kiếm lệnh cho Trình Chí Sâm và Lê Quảng Độ dẫn các lực sĩ điện Kim Quang và các vệ Cẩm Y, Kim Ngô dàn quân ở cửa Thanh Dương. Vua sai bọn Thừa Giáo cấp tiền bạc cho bọn tù nhân bị giam ở ty Ngũ hình mỗi người ba quan sung vào các vệ cấm quân. Vua lại ban giáo ngựa, nhự tiền sơn son cho người hai ty Trung sứ và Hoa văn đi các nơi Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái đòi điều quân đi kinh cứu giá.
Bấy giờ bọn Lê Quảng Độ ở cửa Thanh Dương thấy quân Quận Nghĩa trùng trùng lớp lớp thi lo sợ lắm. Trong quân có bọn tù nhân mới bổ sung chỉ mắt trước mắt sau tìm đường trốn. Lê Quảng Độ tính cử người sang gặp Công tử Dinh xin hàng, mở cửa cho quân bên ngoài vào. Vua dẫn một lực sĩ chạy trốn về phía cửa Tây. Dến Nhật Tân người lực sĩ trở mặt bắt trói Vua đem giải vào nộp cho Công tử Dinh lĩnh thưởng. Công tử Dinh cho rằng đó là việc làm bất trung bất nghĩa nên sai đem chém để để răn quân sĩ. Vua bị gông ở cung Lê Cảnh, nghĩ đã giết hại cả nhà công tử Dinh tự dứt tình ruột thịt, khó bề được dung thứ nên đã uống thuốc độc chết. Công tử Dinh vào cung biết bà nội, cha mẹ, anh em đều đã bị hại nên sai đem xác vua để vào miệng súng thần công cho nổ tan hết hài cốt, còn sót lại bao nhiêu mới cho an táng tại An Lăng ở quê mẹ đẻ Phù Chẩn, và bị giáng xuống làm Mẫn Lệ Công.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.