- Đang online: 1
- Hôm qua: 554
- Tuần nay: 11096
- Tổng truy cập: 3,388,446
Có cảng Domea ở Bắc Hà xưa ?
- 1162 lượt xem
Cho đến nay, sử cũ chỉ công nhận Thăng Long và Phố Hiến là hai đô thị duy nhất ở Đàng Ngoài (tức miền Bắc dưới thời Lê-Trịnh). Nhưng gần đây, một số nhà khảo cổ và sử học Việt Nam đang đặt giả thuyết về sự tồn tại của một đô thị thứ ba mà thuỷ thủ phương Tây ngày ấy gọi là Domea (Đò Mè ?).
Trong thời kỳ tu nghiệp tại Hà Lan đầu những năm 90, nhà nghiên cứu sử học, PGS -TS Nguyễn Quang Ngọc (Đại học Quốc gia Hà Nội) có điều kiện lui tới nhiều thư viện, nơi ông có dịp tìm hiểu thêm các bản đồ địa chính Việt Nam do người phương Tây vẽ từ các thế kỷ trước. Phần lớn các bản đồ Đàng Ngoài mà ông tìm được đều ghi chép khá tỉ mỉ về Thăng Long và Phố Hiến. Tuy nhiên, trên tấm bản đồ “Sông Đàng Ngoài từ Cacho (Kẻ Chợ, tức Hà Nội) ra đến biển”, thì ngoài hai đô thị kể trên, còn có thêm một địa danh khác mang tên Domea (có vẻ như nó nằm ở cửa sông Thái Bình – Hải Phòng ngày nay) cũng được đánh dấu rất nổi bật. Đây là bản đồ do Jacques Nicolas Bellin, nhà nghiên cứu bản đồ người Pháp vẽ năm 1755, dựa trên bản gốc của một nhà hàng hải người Anh. Như vậy, vào thế kỷ 17-18, phải chăng địa danh này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng với người phương Tây?
Phát hiện đầu tiên
Lần theo các thư tịch cổ từ Viện Lưu trữ Quốc gia Hà Lan, thư viện nước Anh…, PGS Nguyễn Quang Ngọc đã tìm ra những thông tin khá thú vị và bất ngờ. Trong cuốn Một chuyến du hành sang Đàng Ngoài năm 1688, William Dampier, một thương nhân người Anh, ghi lại: “Chính theo con sông Domea này mà hầu hết các tàu bên châu Âu đi vào, vì nó sâu… Thôn có tới trăm nóc nhà. Những tàu bè Hà Lan buôn bán tại đây bao giờ cũng đậu ở trên sông trước mặt thôn. Thủy thủ người Hà Lan, đi qua đây hằng năm trước khi từ Batavia (Indonesia) trở về, là những bằng hữu rất thân thiết của người dân trong xứ và ở đây, họ được tự do y như ở ngay trong nhà của họ… Người Hà Lan đã dạy cách làm vườn cho dân địa phương…”.
Theo cách gọi của William thì Domea có lúc là “thôn”, có lúc là “city” (thành phố), nhưng rõ ràng đây là nơi hạ neo rất thuận tiện và lâu dài của các thương thuyền ngoại quốc. Còn trên bản đồ “Sông Đàng Ngoài”, ngay cạnh chữ Domea có hình một mỏ neo (ký hiệu mực nước sâu 3 sải) và một “Pagoda” (đền hay chùa, được ghi chú như một điểm mốc định hướng cho tàu bè cập bến). Nếu liên hệ với những ghi chép của William thì Domea rất giống với một bến cảng. Phải chăng khi William dừng chân ở vùng cửa sông Thái Bình thì cái “thôn” mà ông ghé lại đang ở giai đoạn chuyển mình thành một “city” hay một thương cảng?
Trong một cuốn sách mang tên Lịch sử Đàng Ngoài xuất bản tại Pari năm 1788, PGS Nguyễn Quang Ngọc cũng tìm thấy khá nhiều trang đề cập đến Domea: “Cách cửa sông 5 hoặc 6 hải lý có một thành phố khác gọi là Domea, nhỏ hơn Phố Hiến nhưng lại rất nổi tiếng với người nước ngoài và nó ở trong một cái vụng được tạo bởi dòng sông đối diện với nó. Họ thả neo và chỉ ở nơi này họ mới được phép đặt cơ sở để tiến hành buôn bán…”
Ở đây, tác giả đã gọi Domea là thành phố. Sự khác biệt trong cách gọi về Domea của hai cuốn sách xuất bản cách nhau đúng một thế kỷ đã nói lên: từ chỗ mới ở dạng tiền “city” hay nửa thôn nửa “city”, qua 100 năm, Domea đã phát triển thành một đô thị hoàn chỉnh (ít nhất là trong nhận định của người nước ngoài). Tuy nhiên, các tác giả đều khẳng định, chỉ ở đây, người phương Tây mới được thật sự tự do sinh sống và buôn bán.
Lật lại lịch sử thì thế kỷ 17-18 chính là giai đoạn quan hệ ngoại thương của Việt Nam phát triển đến đỉnh cao, tuy vậy, cả vua Lê, chúa Trịnh vẫn giữ thái độ bảo thủ và khắt khe đối với người ngoại quốc, không muốn cho phép họ được vào sâu trong Thăng Long và Phố Hiến. Liệu có phải vì thế mà các thương thuyền phương Tây mới tìm một chỗ trú chân bên ngoài?
Theo các tài liệu khác thì vai trò của Domea không chỉ có thế. Một nhà hàng hải đã viết: “Ngày 13/2/1676, người Hà Lan xuống Domea để gửi đi thuyền hàng thứ hai của họ đến Batavia, chở đầy tơ sống, lụa… và những thứ khác đi Nhật Bản…”. Qua mô tả thì Domea không chỉ là nơi tạm trú của người ngoại quốc mà còn như một trạm trung chuyển và tập kết hàng hóa. Từ đây, các chuyến hàng mới đi Thăng Long và Phố Hiến, sang Batavia và Nhật Bản, trở lại Hà Lan và Anh…
Qua các tư liệu mà PGS Nguyễn Quang Ngọc thu thập được thì sự xuất hiện của Domea gắn liền với sư xuất hiện của một bến cảng mới nằm ở cửa sông Thái Bình, vốn có vị trí rất thuận lợi. Nguyên nhân của sự ra đời này có thể liên quan đến việc ngay trước thời kỳ “Domea”, cửa sông Đáy – nơi cập bến quan trọng nhất qua hai thế kỷ 15, 16 – sau nhiều biến đổi đã không còn thuận tiện cho tàu thuyền lớn ra vào nữa. Với tư cách là một đô thị và tiền cảng của Phố Hiến theo nhận định của thư tịch cổ phương Tây, phải chăng Domea chính là tiền thân của Hải Phòng ngày nay? Công cuộc khảo sát thực địa là cách tốt nhất để trả lời cho những bí ẩn về Domea.
Theo mô tả của bản đồ thì Domea nằm ở vùng cửa sông Thái Bình (Hải Phòng ngày nay) và ở vĩ độ 20 độ 45 phút. Như thế, nó chỉ có thể thuộc làng An Dụ, xã Khởi Nghĩa, phía bắc huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Nhưng trên thực địa, vị trí nghi vấn chỉ còn là một cánh đồng rộng lớn. Qua 3 thế kỷ, mọi dấu vết của một thành phố cảng sầm uất (nếu có) đã bị che phủ.
Tuy nhiên trên thực địa, thì làng An Dụ hãy còn vết tích lòng sông cổ chảy qua, với các địa danh như bến An Dụ, An Tháp… Gần bến An Dụ, trước đây người làng đã đào lên cả một con thuyền to bị đắm. Ở đầu làng, cũng thấy dấu tích một hệ thống bến cảng, khu buôn bán và cư trú, nay vẫn để lại các địa danh chùa Vàng, cầu Bạc… Khảo sát khu vực còn tìm ra dấu tích của 3 giếng cổ: giếng Vườn Tổ và hai giếng Cầu Bạc. Có thể đây là giếng cung cấp nước ngọt cho các thương thuyền ngoại quốc. Bản đồ “Sông Đàng Ngoài” cũng ghi rõ một địa điểm là: “Vịnh ở đây có một nguồn nước ngọt tốt”.
Đặc biệt, dân An Dụ (tức An Hỗ ngày xưa) vẫn lưu truyền câu dân ca “Tiền An Hỗ, cỗ Phú Kê” để hàm ý về sự trù phú của làng An Hỗ, trong khi An Dụ hiện là làng nghèo ở Tiên Lãng. Khoảng những năm 1952-1953, trong khi đào giao thông hào, dân làng còn bới lên được 2 nong tiền cổ.
Một điều thú vị nữa là theo khẳng định của các cụ cao tuổi trong làng, cánh đồng Sở Cao thuộc làng An Dụ cũng là nơi đầu tiên ở phía Bắc trồng su hào, bắp cải, và dân làng vốn có nghề truyền thống trồng rau xứ lạnh. Điều này phù hợp với ghi chép của William rằng người Hà Lan đã dạy dân bản xứ cách trồng các loại rau họ mang theo từ phương Tây.
Qua khảo sát của PGS Nguyễn Quang Ngọc và cộng sự, thì vị trí của Domea, Pagoda, mỏ neo và con sông được phân bố trên bản đồ “Sông Đàng Ngoài” cũng rất khớp với vị trí thực địa của chúng. “Dòng sông đối diện” mà “Lịch sử đàng ngoài” nhắc tới chính là sông Domea theo cách gọi của William và là sông Đò mè trên thực tế (nay là sông chết). Ứng với vị trí của Pagoda là đền Hà Đới (thờ Trần Quốc Thành – tôn thất nhà Trần, người đã luyện thuỷ quân tại đây để đánh trận Bạch Đằng năm 1288). Ngôi đền này cũng là di tích lâu đời nhất trong vùng. Quả là, giữa Domea được mô tả trong các thư tịch cổ phương Tây và “Domea” qua khảo sát thực địa có rất nhiều điểm trùng hợp.
Những bằng chứng thực tế
|
Bát cổ tìm được ở An Dụ có niên đại từ thế kỷ 16-17. |
Ngày 23/3/2002, PGS Nguyễn Quang Ngọc cùng đoàn khảo sát khoa Lịch sử, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội đã tiến hành đào thám sát tại cánh đồng làng An Dụ. Trên một vùng rộng khoảng 1 km2, rất nhiều đồ gốm sứ Việt Nam, Trung Quốc đã được tìm thấy như các mảnh chum, vại, gốm, sành, gạch Bát Tràng và gốm Chu Đậu, Hải Dương có từ thế kỷ 15,16. Đặc biệt là ngói ống – loại vật liệu chỉ có ở các công trình kiến trúc đô thị sang trọng. Ngoài ra, nhóm khảo cổ còn đào được giếng cổ cung cấp nước ngọt và đền thờ người đi buôn bán gốm bị chết đuối. Có thể nói, trong một phạm vi nhỏ đã tập trung cả một phế tích kiến trúc đô thị cổ dày đặc.
Còn theo lời dân làng canh tác trên cánh đồng này, thì chỉ cần đào sâu quá 1 mét là chạm ngay phải tầng gạch ngói. Kết quả thẩm định cho thấy, các cổ vật khai quật được đều có niên đại từ thế kỷ 15-18, tập trung nhiều nhất ở thế kỷ 17, trùng với giai đoạn tồn tại của Domea. Đó là những bằng chứng để có thể nhận định: Nơi đây từng là một bến cảng lớn, một khu đô thị sầm uất như các tư liệu phương Tây nói đến.
Tuy thế, cũng có những câu hỏi chưa được giải đáp. Thứ nhất về tên Domea. Theo suy đoán của PGS Nguyễn Quang Ngọc thì có khả năng Domea là cách phiên âm của người phương Tây từ Đò Mè, giống như là Cacho (Kẻ chợ, Thăng Long). Vì đô thị này không những nằm ở hạ lưu sông Đò Mè (tức đoạn sông Thái Bình chảy qua phía Tây Bắc đến huyện Tiên Lãng) mà trong vùng cũng có chợ Mè, phố Mè, thôn Độ Mi, đền Độ Mi (Đò Mè). Đặc biệt, dân Tứ Kỳ vốn có câu ca giải thích về thế đất của mình: “Đầu Trắm đuôi Mè giữa khe Tam Lạng”. Dân Tiên Lãng cũng có câu: “Đầu Mè đuôi Úc giữa khúc Lữu Đăng”. Như vậy, vùng Mè được xác định là nằm giữa đuôi Tứ Kỳ và đầu Tiên Lãng, bao quát cả làng An Dụ, cũng có nghĩa Domea nằm trong cả một vùng Mè rộng lớn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phỏng đoán.
Vấn đề đặt ra hiện nay là nếu như đô thị này đã từng được phương Tây coi trọng như thế thì tại sao nó lại biến mất một cách bí ẩn sau một thế kỷ tồn tại? Cho đến nay, PGS Nguyễn Quang Ngọc cũng chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép về nguyên nhân biến mất của Domea. Mặt khác, sự thờ ơ và quên lãng của sử sách Việt Nam đối với đô thị thứ ba Đàng Ngoài này cũng là một câu hỏi lớn chưa được giải đáp.
Sắp tới đây, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ phối hợp với TP Hải Phòng để tiến hành khai quật toàn bộ vùng cánh đồng làng An Dụ nhằm làm rõ quy mô, cấu trúc của phố cảng Domea.
(PHAN ĐĂNG THUẬN ST)
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.