- Đang online: 2
- Hôm qua: 886
- Tuần nay: 14353
- Tổng truy cập: 3,368,567
CHÙA HỘI LINH TỰ VÀ MƯỜI PHO TƯỢNG ĐÁ THỜI NHÀ MẠC.
- 3416 lượt xem
CHÙA HỘI LINH TỰ
VÀ MƯỜI PHO TƯỢNG ĐÁ THỜI NHÀ MẠC.
Cách khu Di tích lịch sử đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình gần 3 Km là chùa Hội Linh Tự hay còn gọi là chùa Đào Xá, xã An Đồng. Trước năm 1970, nơi đây có một ngôi chùa lớn trong vùng được xây từ thời nhà Mạc, cách nay gần 500 năm. Đây là ngôi chùa chung của 5 xã xưa thuộc tổng Đào Xá, huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình. Đó là: Đào Xá, Đồng Tâm (nay thuộc xã An Đồng) và Lộng Khê, Hiệp Lực, An Quý (nay thuộc xã An Khê).
Trong cuốn “Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm” Giáo sư Trần Quốc Vượng đã nói tới chùa Đào Xá và đánh giá 10 pho tượng đá ở đây được xếp vào hàng tuyệt đẹp khi ông về nghiên cứu và đọc được những dòng chữ yểm sau tượng. Cũng theo Giáo sư Trần Quốc Vượng và một số sách báo thì 10 pho tượng đá ở chùa Đào Xá là các bức tượng thời Mạc. Tại đây có bức tượng đá người mặc áo long bào, đội vương miện mũ bình thiên là tượng vua Mạc Đăng Dung, giống như ở một số chùa khác tại Dương Kinh, Hải Phòng. Trong thời nhà Mạc, đất Thái Bình thuộc về Dương Kinh (Từ điển Thái Bình, mục 3605 NXB VHTT 2010). Toàn bộ diện tích chùa Hội Linh tự xưa lên tới 3 mẫu, tức là trên một vạn m².
Rất tiếc là vào đầu những năm 1970 của thế kỷ trước, chùa Hội Linh tự đã bị dỡ đi nhường chỗ cho con mương thủy lợi chạy qua khu gò đất trên nên chùa xưa không còn. Hiện vẫn còn dấu tích nền móng của chùa xưa cùng con mương đó. Hiện nay người dân nơi đây đã lấp đoạn mương đi qua khu nền chùa cũ, nhưng nơi ấy vẫn chỉ còn là một gò đất cao nằm chơ vơ giữa cánh đồng.
Khu gò đất cao giữa cánh đồng làng Đào Xá là nền móng chùa Hội Linh tự xưa.
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy rất nhiều những viên gạch mỏng nung bằng rơm thời Hậu Lê và các viên gạch vồ cỡ lớn thời Mạc kích thước 30 x 15 x 6 cm và một số bệ đá kê cột cái, đáy vuông kích thước 75 x 75 x 23 cm với đường kính vòng tròn đỡ cột 48 cm; bệ đá kê cột quân đáy vuông kích thước 41 x 41 x 13 cm với vòng tròn đỡ cột 37 cm. Phần tròn này của bệ đá đỡ là điểm tỳ cột gỗ. Tuy nhiên, đường kính cột gỗ các cột đình, chùa xưa bao giờ cũng lớn hơn vòng tròn của bệ đá. Nét đặc trưng của cột trụ đình xưa là to mập, phình ra ở giữa, tức cột được gia công múp lại ở đầu tỳ phía cuối và phần trên thì thon nhỏ dần lại. Theo các chuyên gia xây dựng, nếu đường kính cột là D thì phần cuối của cột là 8/10D, còn đỉnh đầu là 7/10D. Như vậy, với đường kính vòng tròn bệ đá đỡ cột cái 48 cm thì đường kính thực của cột cái là 60 cm, còn đường kính vòng tròn bệ đá đỡ cột quân 37 cm thì đường kính thực của cột quân là 46 cm. Với những cây cột xưa như thế thì đây quả là một ngôi chùa rất lớn. Theo các nhà nghiên cứu thì chùa Hội Linh tự có thể được xây vào khoảng năm 1535 đến 1545, vì khi ấy là thời kỳ hưng thịnh nhất của nhà Mạc, đồng thời cũng là những năm nhà Mạc có nhiều sự kiện lớn, ví dụ như khắc bia Tiến sỹ tại Văn miếu Quốc tử giám hay các vị tiền bối khai phá nhà Mạc về với Tổ tiên.
Các cụ cao niên trong vùng còn cho biết thêm: Chùa Hội linh tự xưa được chạm trổ rất đẹp và lộng lẫy. Theo Ban trị sự chùa Hội linh tự thì chùa Hội là ngôi chùa chung của 5 xã thuộc tổng Đào Xá xưa, tức các làng Đào Xá, Đồng Tâm, An Quý, Lộng Khê, Hiệp Lực. Tuy nhiên, người dân Đào Xá là những người đóng góp chính.
Vào đầu những năm 1970, khi chùa Hội Linh tự bị dỡ thì thấy ở đầu cột lim vẫn còn những dòng chữ Hán ghi quan công đức cột gỗ lim là Từ giám tướng quân Nguyễn Hữu Tý, người làng Đào Xá và một người con gái Đào Xá họ Nguyễn Phú, lấy chồng học cao, đỗ quan Nghè và hai vợ chồng đã công đức chùa Hội 10 pho tượng bằng đá quý (Chúng tôi sẽ có bài viết riêng). Khi chùa Hội Linh tự xưa bị dỡ, người dân nơi đây đã mượn đất đình của thôn Đào Xá dựng một ngôi chùa nhỏ để đặt tượng thờ. Toàn bộ đồ thờ cúng cũng như một số tượng đất, hoành phi, câu đối đều bị bỏ hết, chỉ còn 10 pho tượng đá và bộ Tam thế cùng Phật Thích Ca. Hiện ở chùa mới, tám pho “Tượng Phật” bằng đá ngự trên thượng tọa, được đặt ở phía sau tượng phật Thích Ca và bộ Tam thế là Ngọc hoàng thượng đế và Nam Tào, Bắc Đẩu. Hai pho “Tượng Thần” còn lại trong số 10 pho tượng bằng đá là tượng Sư tổ và bức tượng người mặc áo long bào, đội vương miện mũ bình thiên có hình chim trên mũ là tượng vua Mạc Đăng Dung, giống như ở một số chùa khác tại Dương Kinh, Hải Phòng.
Sau nghiên cứu của Giáo sư Trần Quốc Vượng và những bài viết tiếp theo của các tác giả khác về những pho tượng đá thời Mạc ở chùa Đào Xá, xã An Đồng được đăng tải, nhiều nhà nghiên cứu Văn hoá Lịch sử, trong đó có đoàn của Giáo sư Trần Lâm Biền cùng hàng chục nghiên cứu sinh đã về thăm, tìm hiểu, nghiên cứu di sản văn hoá tại đây. Điều đáng mừng là chúng tôi đã phát hiện ra rất nhiều di vật cổ còn nằm vương vãi tại gò đất cao, nơi ngôi chùa cổ bị phá dỡ cách nay nhiều chục năm.
Các hiện vật cổ đó gồm nhiều mảnh vỡ như đầu hạc, bờm rồng, tranh gốm, bát hương thờ, chậu, choé, gạch hòm sớ v.v… Nhiều cổ vật vẫn còn nguyên vẹn, chế tác tinh xảo và các hiện vật đó được đánh giá là có niên đại cách nay khoảng 500 năm, được chế tác từ thời nhà Mạc. Tất cả những hiện vật cổ mới tìm thấy kể trên đang được lưu giữ cẩn thận tại chùa mới.
Ảnh: Chùa Hội Linh tự, thôn Đào Xá, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, nơi có 10 pho tượng đá thời Mạc.
Ngự trên thượng tọa Điện thờ là 8 pho “tượng Phật” bằng đá được đặt ở sau tượng phật Thích Ca và bộ Tam thế: Ngọc hoàng thượng đế cùng tượng Nam Tào, Bắc Đẩu.
Ngự ở hai bên Điện thờ tại vị trí thấp hơn là 2 pho “tượng Thần” bằng đá còn lại trong số 10 pho là tượng Sư tổ và tượng vua Mạc Đăng Dung ở chùa Hội Linh tự.
Với quy mô đồ sộ và hoành tráng của chùa xưa lên tới 3 mẫu, tức là trên một vạn m² cùng với những hiện vật cổ, những bệ đá đỡ cột lim lớn và 10 pho tượng bằng đá quý còn lại đã chứng minh chùa Hội Linh tự là do các bậc Đế vương xây dựng cùng sự đóng góp công sức của người dân sở tại với một nguồn kinh phí rất lớn.
Các di vật cổ như đầu hạc, bờm rồng, tranh gốm, bát hương thờ, chậu, choé, gạch hòm sớ v.v… mới được phát hiện tại khu chùa Đào Xá xưa.
Vào những năm 1980, người dân Đào Xá thấy các bức tượng chỉ với một màu đá xám nên đã cho sơn màu đỏ, vàng lên tượng. Sau này, nhờ ý kiến của các chuyên gia, đặc biệt là các nhà sử học nên dân làng đã phục hồi lại vẻ đẹp nguyên thủy của tượng đá. Theo người dân nơi đây thì họ đã lau chùi mãi cũng không sạch được sơn, thậm chí còn dùng lửa khò đốt thử nhưng không được vì đá nứt vỡ ra và phải dùng xi măng gắn lại. Cuối cùng, phải dùng máy đánh ráp thì mới thành công. Người dân Đào Xá đang hy vọng và rất mong phục dựng lại được ngôi chùa nổi tiếng như xưa.
Trong những năm vừa qua, nhân dân Thái Bình, các đơn vị thuộc ngành văn hoá truyền thông như Đài phát thanh truyền hình Thái Bình, Bảo tàng Thái Bình cũng như Ban liên lạc, Hội đồng Mạc tộc Thái Bình, Hội đồng Mạc tộc Việt Nam đã có những buổi khảo sát làm việc với chính quyền địa phương thôn Đào Xá, xã An Đồng nhằm sớm đưa khu Di tích Đào Xá, nơi có các bức tượng đá thời Mạc cùng ngôi chùa được phục dựng lại nổi tiếng như xưa.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin bổ sung thêm các ý kiến mới của các nhà khoa học về mối quan hệ chặt chẽ giữa hai pho tượng đá tại chùa An Đồng, Quỳnh Phụ, Thái Bình và pho tượng đá ở chùa Trà Phương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.
Theo Giáo sư Trần Lâm Biền thì hai pho tượng đá ở chùa Trà Phương và tại chùa An Đồng là tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung. Ông khẳng định: Vua Mạc Đăng Dung là một phật tử (Ngồi ở thế kiết già và kết ấn tam muội) nhưng là một phật tử nhà vua (Giống như Phật hoàng Trần Nhân tông trước đây). Kết luận như vậy là vì trên cổ tượng có chạm khắc đeo đai ngọc và giữa ngực áo có bố tử chạm rồng. Về mặt nghệ thuật, đầu tượng đội mũ bình thiên, thành mũ trụ đứng có khắc chim nổi, viền vai áo là hoa văn xoắn, cổ áo có vân lá sồi bao lấy nửa bông cúc mãn khai.
Còn Phó Giáo sư Tiến sỹ Đinh Khắc Thuân thì khẳng định: Hai tượng đá thời Mạc tại chùa Trà Phương, Hải Phòng và chùa An Đồng, Thái Bình có hình chim trên mũ bình thiên là tượng vua Mạc Thái tổ. Nhà Mỹ thuật học Phan Cẩm Thượng cũng khẳng định: Trang phục thời Mạc có những nét đặc thù riêng, trong đó các vị có chức sắc đầu đều đội mũ bình thiên, thành mũ hình trụ đứng, viền vai áo là hoa văn xoắn dấu hỏi. Còn các tác giả Trần Lâm và Trang Thanh Hiền, Viện Mỹ thuật Việt Nam thì cho biết: Các pho tượng đá thời Mạc tại An Đồng, Thái Bình là Tượng tròn thời Mạc trong “Mỹ thuật thời Mạc”. Cũng theo Trang Thanh Hiền thì hai pho tượng đá tại chùa An Đồng Thái Bình và chùa Trà Phương Hải Phòng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tượng chùa An Đồng là nguyên bản thuộc thời kỳ Thăng Long – Dương Kinh (trước năm 1592), còn tượng đá chùa Trà Phương được chế bản theo mẫu của chùa An Đồng. Các pho tượng đá kể trên là hình thức điển hình cho tượng thời Mạc.
Cuối cùng, các nhà khoa học đều đi đến kết luận: Tượng đá Trà Phương, Hải Phòng và tượng đá An Đồng, Thái Bình là tượng đá thời Mạc ở thế kỷ XVI, trong đó bức tượng ngồi thiền, đầu đội mũ bình thiên có chim trên mũ là tượng vua Mạc Đăng Dung (Mạc Thái tổ). Tượng thuộc không gian nghệ thuật điêu khắc thời Mạc. Tuy nhiên, vì không có văn tự nên chưa xác định chính xác tượng được chế tác vào năm nào, mà chỉ là vào thế kỷ XVI thời Mạc. Để đi đến kết luận như trên, các nhà khoa học đã dựa vào tư liệu của những người đi trước, ví dụ như cố Giáo sư Trần Quốc Vượng. Ngoài ra, các nhà khoa học còn dùng phương pháp tổng hợp liên ngành: Sử học, Mỹ thuật học, Văn tự, Truyền ngôn v.v…Bức tượng đá ngồi ở thế kiết già và kết ấn tam muội tại chùa Hội Linh tự (Xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) cùng phần nửa trên của bức tượng đá tại chùa An Đồng, Quỳnh Phụ và tượng tại chùa Trà Phương, Hải Phòng.
Từ sau năm 2010, nhân dân làng Đào Xá đã công đức rất nhiều tiền của, hiện vật, đồ thờ quý giá cho chùa. Đây là công trình tâm linh, là nơi mọi người gặp nhau dâng hương lễ phật, cầu phúc, cầu tài và là biểu hiện văn hoá tâm linh Từ, Bi, Hỷ, Xá đã ăn sâu vào vào máu thịt bao đời, góp phần tạo nên bản sắc quê hương trường tồn, quyến rũ của người dân Đào Xá xưa và nay. Chúng tôi rất mong: Cộng đồng ruột thịt anh em Thái Bình cùng cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong cả nước, những người quan tâm khắp bốn phương cùng góp một phần công sức của mình, nhằm tôn vinh, chia sẻ những giá trị Chân – Thiện – Mỹ trong bản sắc văn hoá Việt để chúng ta có quyền tự hào về dòng lịch sử văn hóa chung của toàn dân tộc Việt Nam.
Vũ Tiến Thắng, ĐT 0386324703,
Email: vutienthangtb@gmail.com
BBT mactoc.com
Viết bình luận
Tin liên quan
- ĐẠI HỘI MẠC TỘC VIỆT NAM KHOÁ IV ĐANG ĐƯỢC HĐMT VIỆT NAM, HĐMT TỈNH HẢI DƯƠNG TÍCH CỰC CHUẨN BỊ ĐỂ ĐÓN TIẾP CÁC ĐẠI BIỂU, CON CHÁU VỀ DỰ ĐẠI HỘI
- DANH SÁCH ỦNG HỘ ĐẠI HỘI MẠC TỘC VIỆT NAM LẦN THỨ IV NHIỆM KỲ 2024- 2029
- HỘI ĐỒNG MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TRIỂN KHAI, PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CHO CÁC THÀNH VIÊN PHỤC VỤ ĐẠI HỘI MẠC TỘC VIỆT NAM KHOÁ IV NHIỆM KỲ 2024- 2029 TẠI ĐIỆN SÙNG ĐỨC ( TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM)
- THÔNG BÁO HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH MẠC TỘC VIỆT NAM KHÓA III – Nhiệm kỳ 2019-2024.
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC LỄ KẾT NẠP HỘI VIÊN MỚI
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC TRAO THƯỞNG QUỸ KHUYẾN HỌC KHUYẾN TÀI MẠC ĐĨNH CHI CHO CÁC CHÁU CÓ THÀNH TÍCH TRONG HỌC TẬP NĂM HỌC 2023-2024
- THƯ CẢM ƠN NHÂN DỊP TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG LẦN THỨ NHẤT NHIỆM KỲ 2024- 2029
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC THÀNH CÔNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG LẦN THỨ NHẤT NHIỆM KỲ 2024- 2029
- ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN NAM SÁCH, BTC LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG ĐỀN LONG ĐỘNG TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI HĐMT VIỆT NAM, HĐMT CÁC TỈNH THÀNH, BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC VÀ CON CHÁU HỌ MẠC, GỐC MẠC TOÀN QUỐC VỀ DỰ LỄ HỘI
- HĐMT TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.