- Đang online: 3
- Hôm qua: 1216
- Tuần nay: 19400
- Tổng truy cập: 3,370,630
BẢN TIN MẠC TỘC quý III. 2012
- 347 lượt xem
TIN TỨC HOẠT ĐỘNG
- § HỌP CHUẨN BỊ CHO HỘI THẢO TẠI VĨNH PHÚC
Chiều 2/7/2012 PGS TS Mạc Văn Trang, thay mặt GS TSKH Phan Đăng Nhật cùng ông Thái Khắc Việt – PCTTT HĐMTVN và ông Phan Đăng Thuận đã lên Vĩnh Phúc họp bàn để chuẩn bị cho hội thảo “Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc”. Tham dự cuộc họp, về phía tỉnh Vĩnh Phúc có ông Trần Văn Quang – Giám đốc Sở VHTTDL, bà Hoàng Thị Lĩnh – cán bộ Ban Quản lý di tích…; về phía huyện Vĩnh Tường có bà Nguyễn Thị Nhung – PCT UBND huyện Vĩnh Tường, ông Lê Nguyễn Thành Trung – Trưởng phòng VHTT huyện, ông Lê Đức Anh – Chánh Văn phòng UBND huyện Vĩnh Tường…
Nếu không có gì bất thường hội thảo sẽ diễn ra tại Nhà văn hóa huyện Vĩnh Tường vào ngày 21 tháng 9 năm 2012 (tức ngày 06 tháng 8 âm lịch).
- CÚNG GIỖ HIẾN TÔNG HIỂN HOÀNG ĐẾ MẠC PHÚC HẢI
Ngày 8/5 Nhâm Thìn (26/6/2012), tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (Cổ Trai, Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng), Mạc tộc thành phố Hải Phòng cùng Ban quản lý Di tích Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, đã tổ chức cúng giỗ chính kỵ Hiến tông Hiển Hoàng đế Mạc Phúc Hải.
Cùng ngày, có đoàn đại diện chi họ Nguyễn Kim, tại Hội Xuyên, Gia Lộc, Hải Dương, do ông Nguyễn Kim Sơn, trưởng họ về nhận họ và cáo yết tiên tổ.
Con cháu họ Nguyễn Kim dâng hương cáo yết tại từ đường họ Mạc
- § HỘI ĐỒNG MẠC TỘC TỈNH THÁI BÌNH HỌP SƠ KẾT QUÝ 2 NĂM 2012
Ngày 19/06-2012, Hội đồng Mạc tộc tỉnh Thái Bình đã tổ chức cuộc họp sơ kết hoạt động của quý 2 năm 2012. Thay mặt HĐMT Thái Bình, ông Vũ Tiến Biên, Chủ tịch HĐMT Thái Bình cảm ơn những tình cảm mà HĐMTVN nói chung và cá nhân GS Nhật đã dành cho HĐMT Thái Bình. Trong thời gian tới HĐMT Thái Bình sẽ phối hợp với HĐMTVN tổ chức nghiên cứu về Làng Hậu Tái, các pho tượng ở An Đồng tiến tới tổ chức hội thảo khoa học về dòng họ Mạc ở Thái Bình.
- § HĐMT HẢI DƯƠNG HỌP SƠ KẾT 6 THÁNG ĐẦU NĂM
Sáng 16/6/2012, tại Nhà Văn hóa thôn Vũ La, xã Nam Đồng, tp Hải Dương, HĐMT Hải Dương đã tổ chức cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2012 của Mạc tộc Hải Dương.
Chủ tịch Nguyễn Mạc Xuân Thú phát biểu khai mạc
- § HOẠT ĐỘNG CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM TẠI NGHỆ AN
Từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 06 năm 2012, GS.TSKH Phan Đăng Nhật, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc ở Nghệ An.
Chiều ngày 13/06/2012, Hội đồng khoa học của Tỉnh Nghệ An đã họp để thẩm định, đóng góp ý kiến thuyết minh đề tài khoa học: “Nghiên cứu về họ Mạc ở Nghệ An và sự đóng góp của con cháu gốc Mạc trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương” do GS.TSKH Phan Đăng Nhật làm chủ nhiệm đề tài.
- § Ban liên lạc họ Mạc Cao Bằng gửi thư nhờ giúp đỡ in sách
Nhân dịp thị xã Cao Bằng được công nhận là thành phố, Ban liên lạc họ Mạc Cao Bằng đã biên soạn cuốn sách: Nhà Mạc thời kỳ Cao Bằng một thời hưng thịnh. Cuốn sách dầy 200 trang gồm những bài viết của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử, đánh giá về nhà Mạc thời kỳ Cao Bằng, đồng thời cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu quý báu. Sách đã hoàn thành phần dự thảo, đang chỉnh sửa bổ sung và vận động kinh phí in để phát hành. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về tài khoản: 8314208000162 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng.
- § ĐẠI HỘI MẠC TỘC T/P HỒ CHÍ MINH LẦN THỨ NHẤT
Ngày 20-5-2012, tại hội trường khách san Victory, phố Võ Văn Tần, T/P Hồ Chi Minh , đã long trọng diễn ra Đại hội Mạc tộc T/P Hồ chi Minh lần thứ nhất.
Đại hội đã quyết định một số vấn đề quan trọng:
– Đổi tên Ban liên lạc họ Mạc T/P Hồ Chí Minh thành Hội đồng Mạc tộc T/P Hồ Chí Minh
– Nhận định đánh giá thời kỳ qua, kể từ khi ông Mạc Sơn qua đời và GS Mạc Đường nhận nhiệm vụ chủ tịch Ban liên lạc, nhấn mạnh thành tích đã đoàn kết, tập hợp được một số khá đông đủ con cháu họ Mạc với nhân khẩu chừng 930 người.
– Đã biên soạn và xuất bản một số sách có giá trị như: Góp phần đổi mới quan điểm đánh giá vương triều Mạc, Sưu biên giới thiệu về họ Mạc.
- Yên Thành: Mít tinh kỷ niệm 110 năm ngày sinh của nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu.
Sáng 04/5/2012, tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Yên Thành, Tỉnh ủy Nghệ An, Huyện ủy Yên Thành đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu.
- § Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm, tặng quà thân nhân và dâng hoa, dâng hương tại phần mộ đồng chí Phan Đăng Lưu
Trong khuôn khổ chương trình hướng tới kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Phan Đăng Lưu (5/5/1902 – 5/5/2012), sáng 24/4, đoàn công tác của tỉnh Nghệ An do đồng chí Phan Đình Trạc- Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đã phối hợp với Thành ủy Tp Hồ Chí Minh tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tại phần mộ đồng chí Phan Đăng Lưu ở nghĩa trang liệt sỹ TP. Hồ Chí Minh.
- § HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG HỌP PHIÊN THỨ HAI
Ngày 29/4/2012, Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng tổ chức phiên họp lần thứ hai tại từ đường Cổ Trai. Nội dung kiểm điểm thực hiện Nghị quyết phiên họp HĐMT lần thứ nhất và đề ra những nhiệm vụ tiếp theo.
1. Thống nhất tạm mượn địa điểm Văn phòng Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tại: 17 Trần Hưng Đạo, Hải Phòng là địa chỉ giao dịch của Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng.
2. Việc cúng giỗ tổ tiên:
* Cúng giỗ Mạc Thái Tổ sẽ tổ chức thường niên vào ngày 22/8 âm lịch. Đại giỗ, trước mắt sẽ tổ chức vào các năm chẵn 5 năm một lần (470, 475, 480…)
* Cúng giỗ Mạc Thái Tổ vào các năm lẻ (471, 472, 473 …)
* Cúng giỗ Thái tông Văn Hoàng đế Mạc Đăng Doanh, sẽ tổ chức thường niên vào ngày 25/1 âm lịch. Các cụ tiên tổ sau Thái tông Văn Hoàng đế, do Thường trực Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng dâng hương, giao chi họ Mạc Cổ Trai sắp lễ cúng giỗ;
- CÚNG GIỖ VÀ KHÁNH THÀNH THƯỢNG ĐIỆN NHÀ THỜ TÁN QUỐC CÔNG THÁI TỬ THIẾU BẢO MẠC ĐĂNG BÌNH.
Ngày 5.04.2012 (tức là ngày 15.03 năm Nhâm Thìn), tại xã Diễn Minh-Diễn Châu-Nghệ An, Hội đồng gia tộc họ Thái đã tổ chức khánh thành Thượng điện nhà thờ Tán Quốc công Thái tử thiếu bảo Mạc Đăng Bình.
NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
GÓP PHẦN BÀN VỀ “PHỤC THỦY”
DÒNG HỌ MẠC TỪ CÁC HỌ GỐC MẠC
Nguyễn Quang Tuyến
Vừa qua GSTSKH Phan Đăng Nhật Chủ tịch HĐMT Việt Nam nêu vấn đề “phục thủy” dòng họ Mạc, từ các họ gốc Mạc để trở lại như ban đầu. Tôi thấy đây là ý tưởng rất hay, rất cần thiết cho họ ta. Vì cây có gốc, nước có nguồn, con người có tổ, có tông. Do hoàn cảnh lịch sử phải thay tên đổi họ, nên bây giờ từ các họ gốc Mạc quay về với tổ tông cội nguồn là điều tất yếu, như chân lý không bao giờ thay đổi :
“ Cây có gốc mới vươn cành xanh ngọn,
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Con người nguồn gốc tổ tiên
Có ông bà, cha mẹ rồi sau có mình ”.
Câu ca của ông cha ta để lại luôn luôn đúng với mọi dòng họ, mọi con người trong xã hội, đều có cội nguồn từ tiên tổ mà ra; trong đó có họ Mạc chúng ta.
Nhưng vì sao? họ Mạc ta lại phải đặt ra và nêu ra vấn đề phục thủy … Trong khi đó các dòng họ khác không bị xảy ra các biến cố chính trị do xã hội phong kiến gây nên, thì các họ khác không phải thay tên đổi họ, nên không phải làm như thế… Để hiểu được vấn đề này chúng ta hãy cùng nhau ôn lại cội nguồn qúa khứ hào hùng của dòng họ Mạc. Đồng thời cần hiểu biết về qúa trình phát triển của dòng họ có những bước thăng trầm do lịch sử xã hội phong kiến để lại. Như chúng ta đã biết lời tiên tri của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm rất linh nghiệm, đã khái quát đánh giá rất cao về nguồn gốc, quá trình phát triển và vinh hiển của dòng họ Mạc chúng ta đó là:
“ Long Động văn chương quang nhật Nguyệt
Cổ Trai Đế nghiệp tráng sơn hà ”.
– Như vậy cội nguồn tổ tiên họ Mạc ta là từ thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương. Nơi đây họ Mạc đã có từ hàng ngàn năm trước đây trên đất nước Đại Việt, đã được vinh danh trong sử sách nhà nước từ 926 năm nay ( 1086-2012). Khi đó Cụ Mạc Hiển Tích, đỗ đệ nhất giáp tiến sỹ ( khóa thi năm 1086 – tương đương Trạng nguyên ở các khóa thi sau ) từ thời Vua Lý Nhân Tông. Sau đó cụ được Triều đình Nhà Lý bổ nhiệm làm Thượng thư Bộ lại ( tương đương hàm Bộ trưởng ngày nay). Khi Mạc Đăng Dung lên ngôi Vua Nhà Mạc, đã truy phong cụ Mạc Hiển Tích là: Thủy Tổ Hồng Phúc Đại vương. Sau cụ Mạc Hiển Tích còn có cụ Mạc Kiến Quan là em cùng đỗ đệ nhất giáp Tiến sỹ ( khóa thi năm 1089- tương đương trạng nguyên ở các khóa thi sau), cụ được bổ nhiệm làm Thượng Thư Bộ Công, huynh đệ đồng triều đỗ đạt ở đỉnh cao nhất. Đây là một sự kiện đặc biệt hiếm có của dòng họ Mạc và của cả nước. Vì vậy ngay tại gốc tổ thôn Long Động đang thờ 3 vị trạng nguyên Họ Mạc là: Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan, Mạc Đĩnh Chi, mà vừa qua ngày 10/2 âm lịch năm Nhâm Thìn ( tức ngày 2/3/2012) chúng ta vừa kỷ niệm 666 năm ngày giỗ của Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi.
– Cụ Mạc Đĩnh Chi (1272-1346) là cháu đời thứ 7 của cụ Mạc Hiển Tích đã thi đậu trạng nguyên ( năm 1304 ) đời vua Trần Anh Tông. Cụ được vua Trần Anh Tông bổ nhiệm làm Quan Ngự Sử. Sau đó đến năm 1308 cụ được vua Trần Minh Tông cử làm chánh sứ sang Tàu, do tài năng xuất chúng, ứng đối kỳ tài của cụ, vua Nguyên đã đặc cách phong cụ là Trạng Nguyên Trung quốc. Như vậy cụ được vinh danh cả 2 nước và vua Nguyên ban cho Cụ lá cờ: “ Lưỡng quốc Trạng nguyên ”. Cụ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vua trao, làm rạng danh nước Đại Việt và mang về niềm tự hào vinh quang to lớn cho tổ quốc. Vì vậy đầu năm 2012 Bộ Ngoại giao đã truy phong và tôn vinh cụ Mạc Đĩnh Chi là ông tổ Ngành ngoại giao Việt Nam. Do cụ là bậc kỳ tài hiếm có trong thiên hạ, lại thẳng thắn, cương trực hết lòng phò 3 đời vua Trần Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông giúp nước, cứu dân. Vì có công lao rất to lớn, nên cụ được vua Trần Minh Tông bổ nhiệm làm chức quan cao nhất trong triều là: Đại Liêu Ban Tả Bộc xạ (tương đương chức Tể tướng ). Khi Vua Mạc Thái Tổ lên ngôi đã truy phong cụ Mạc Đĩnh Chi là: Kiến Thủy Khâm Minh Văn Hoàng Đế.
+ Như vậy về đối thứ nhất ( Long động ) về văn chương họ Mạc rất vinh hiển; sáng như mặt trời, mặt trăng ( quang nhật, nguyệt ), không thua kém các dòng họ mạnh khác…
+ Tiếp tục kế thừa truyền thống vinh hiển của tổ tiên là cụ Mạc Đăng Dung (1483-1541) đỗ Trạng nguyên về võ (1506), đời vua Lê Uy Mục, bằng tài năng xuất chúng của mình, đã phục vụ 4 đời vua Lê giúp nước, cứu dân ( Lê Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông, Cung Hoàng) dẹp loạn các phe phái như: đánh được Lê Do, Trần Thăng, Cù Khắc xương, Lê Bá Hiến, Trịnh Tuy, dụ hàng Nguyễn Kính, Hoàng Duy Nhạc, và các phe phái khác chống lại triều đình Nhà Lê trong 1 thời gian ( từ 1507-1526 ). Trong thời gian ngắn 20 năm bằng tài năng thao lược thực sự của mình, Cụ Mạc Đăng Dung lần lượt được thăng tiến rất nhanh như: Đô chỉ huy sứ vệ thần vũ (1508), Vũ xuyên Bá, rồi thăng Đô đốc; Tiết chế doanh thủy, lục quân 13 đạo, Thái phó Nhân quốc công ( 1526) . Sau đó năm 1527 Cụ được vua Lê ban cho chức quan cao nhất trong triều là Thái sư An Hưng Vương. Trong thời kỳ này Nhà Lê khi ấy đã suy tàn: vua quỷ, vua lợn ăn chơi hoang dâm vô độ.v.v…làm cho dân chúng lầm than khổ cực. Vì vậy sự cần thiết tất yếu khách quan đất nước Đại Việt phải có một “ Minh Quân mới ” để gánh vác non sông xã tắc, lo cho muôn dân bách tính. Trong bối cảnh khủng hoảng cung đình đó (trong hơn 20 năm đầu từ 1506-1527 đã phải thay đến 5 vua) nếu không phải là cụ Mạc Đăng dung lên làm Vua thì tất yếu cũng sẽ có người khác làm Vua để thay thế các Vua quỷ, Vua lợn đó. …Nhưng cụ Mạc Đăng Dung là ngôi sao sáng nhất, hội tụ đầy đủ cả tâm, đức, tài, trí thời bấy giờ . Cụ được đa số quan, quân triều đình ủng hộ và thần dân tin yêu. Đồng thời vua Lê Cung Hoàng khi đó đức mỏng, tài hèn đã tuyên chiếu nhường ngôi vua cho cụ Mạc Đăng Dung ( tháng 6/1527). Việc thay thế một triều đại phong kiến đã suy tàn này, bằng một triều đại mới tích cực hơn, tiến bộ hơn là một tất yếu khách quan như : Nhà tiền Lê thay nhà Đinh; nhà Lý thay nhà tiền Lê, nhà Trần thay nhà Lý, cũng như nhà Hồ thay nhà Trần. Vì lẽ đất nước Đại Việt là của muôn dân, bách tính, chứ không phải là của riêng một dòng họ nào, khi triều đại đó vì dân, lấy dân làm gốc thì “ Quốc Thái, dân an, đất nước cường thịnh ”. Nhưng cuối triều đại Lê sơ, dân chúng lầm than khổ cực, không còn cảnh thái bình thịnh trị vua sáng, tôi hiền như thời Vua Lê Thánh Tông nữa. Vì vậy sự cần thiết phải đánh đổ triều đại cũ, thay thế bằng một triều đại mới tiến bộ hơn, là một tất yếu khách quan của lịch sử. Do đó cụ Mạc Đăng Dung đã được lịch sử lựa chọn và giao phó trọng trách nặng nề để gánh vác non sông xã tắc.. .
+ Khi cụ Mạc Đăng Dung lên ngôi vua lấy niên hiệu là Minh Đức tức là lấy đức sáng để trị vì thiên hạ. Trong đó nhà Mạc đã trị vì 65 năm ( 1527-1592 ), ở kinh thành Thăng long với 6 đời vua: Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp, Mạc Toàn và 85 năm ( 1593-1677 ) ở Cao Bằng với 4 đời vua nữa là: Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Cung; Mạc Kính Khoan; Mạc Kính Vũ. Tổng cộng Nhà Mạc có tất cả 10 đời vua là 150 năm ( theo tài liệu mới nghiên cứu của GSTSKH Phan Đăng Nhật là 12 đời vua và 158 năm 1527-1685), thời gian tuy không dài so với lịch sử dân tộc, nhưng cũng không phải quá ngắn như một số triều đại khác là: Nhà Đinh ( 12 năm), Tiền Lê ( 29 năm), nhà Hồ ( 7 năm), nhà Tây Sơn ( 24 Năm ). Trong thời gian Nhà Mạc trị vì tình hình an ninh chính trị được ổn định, đất nước không có giặc ngoại xâm, về trật tự xã hội được bảo đảm, “ra đường không phải đem theo binh khí, nhà đêm không phải đóng cửa, dân không nhặt của rơi, trâu bò chăn thả ngoài đồng không phải lùa về”… Đồng thời nhà Mạc đã tích cực phát triển kinh tế, nhiều năm liền được mùa, chú trọng mở mang công, thương nghiệp và khuyến khích giao thương với các nước, chứ không khép kín ( tự cung tự cấp, trọng nông ức thương) như chế độ phong kiến trước đây. Điển hình là nhà Mạc đã cho xây dựng Dương kinh thành kinh đô thứ 2 vùng ven biển rất phồn thịnh, có nhiều thương cảng lớn như: Minh Thị, Đò Mè ( Đô Mây)…để mở rộng giao thương với các nước, và sản xuất hàng hóa đã phát triển mạnh mẽ ( qua con tàu cổ vật đắm tìm thấy ở Hội an đã tìm được rất nhiều gốm sứ Chu Đậu, Bát Tràng có thương hiệu hàng hóa được sản xuất trong thời Mạc ). Điều đó đã chứng tỏ Nhà Mạc đã chú trọng phát triển kinh tế mở, kinh tế hàng hóa từ rất sớm như cố GS Trần Quốc Vượng ĐHQG Hà Nội đã nhận xét thời kỳ đầu của Nhà Mạc đã có những yếu tố phát triển sản xuất hàng hóa thị trường như thời Minh Trị của nước Nhật.
Mặt khác Nhà Mạc còn chú trọng phát triển văn hóa giáo dục, đã tổ chức được 22 khoa thi đình, lấy đỗ 485 tiến sỹ. Trong đó Nhà Mạc đã chọn ra được 13 trạng nguyên và có nhiều trạng nguyên rất nổi tiếng, có tài năng xuất chúng ra phò vua Mạc, giúp nước, giúp dân như: Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Nguyễn Thiến…Đặc biệt là Nhà Mạc đã tuyển dụng nữ tiến sỹ đầu tiên trong lịch sử xã hội phong kiến là bà: Nguyễn Thị Duệ về sau được bổ nhiệm làm Lễ nghi học sỹ, chuyên dạy phi tần, mỹ nữ trong cung. Điều đó thể hiện chính sách khuyến học, khuyến tài rất tiến bộ và tư tưởng cởi mở của nhà Mạc, không trọng nam, khinh nữ, như các triều đại phong kiến trước đây.
Như vậy Cụ Mạc Đăng Dung bằng tài trí văn võ song toàn, lấy võ công mà định đoạt thiên hạ, lấy văn giáo để rèn luyện nhân tài, lấy tư duy đổi mới để phát triển nông, công, thương, tín, xây dựng một xã hội giàu mạnh ấm no cho muôn dân xã tắc.
Như vậy với thời kỳ trị vì của nhà Mạc:
“ Đất nước thịnh nhờ tâm Minh Đức
Quốc Pháp minh bởi Thiện Chính Thư ”
+Vì vậy về vế đối thứ 2 “ Cổ Trai đế nghiệp tráng sơn hà ” đã lý giải rất sâu sắc công lao to lớn của nhà Mạc, một thời dày công với nước, nặng đức với dân… Do đó là hậu duệ của “ Các Cụ Tiên Tổ ” chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về truyền thống vinh hiển anh hùng, đã làm vinh danh dòng họ Mạc cả trong nước và quốc tế như cụ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khái quát đánh giá rất cao.
+ Nhưng vì sao chúng ta lại phải thay tên, đổi họ?… Sau khi giành được Thăng Long, quân Lê – Trịnh đã thắng tay đàn áp, truy sát con cháu nhà Mạc ở khắp nơi, “chu di hết mầm mống”… Chính vì vậy để bảo toàn dòng giống, từ một họ Mạc ban đầu, đến nay họ ta đã phải đổi sang hơn 50 họ gốc Mạc, trên 500 chi họ, sinh sống ở 28 tỉnh thành trên cả nước. Nhờ có thay tên, đổi họ: Khử túc, bất khử thủ mà giữ lại bộ thảo đầu để có tín hiệu nhận nhau, hay tên đệm chữ Đăng, chữ Phúc, hoặc theo họ mẹ, họ cha nuôi, hoặc cải sang các họ khác tại địa phương, mới bảo toàn được nòi giống và phát triển cho đến ngày nay với số nhân khẩu hàng triệu người (chưa thông kê chính xác được mấy triệu!)
Từ khi có đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước đến nay, qua nhiều cuộc hội thảo về nhà Mạc, và Vương triều Mạc từ tháng 7 năm 1994 ở Kiến Thụy, Hải Phòng, ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở Thăng long Hà Nội ( 2010), ở Cao Bằng ( 6/2011), ở Kinh Môn, Hải Dương ( 10/2011) Vương triều Mạc đã được đánh gía đúng và trả lại sự công minh của lịch sử, sự công bằng xã hội sau bao năm oan trái, đắng cay tủi, hận.
Vì vậy vấn đề phục thủy các dòng họ gốc Mạc trở về họ Mạc như ban đầu là rất cần thiết như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tiên tri hơn 400 năm trước đây là:
“ Tứ bách niên tiền chung phục thủy
Thập tam thế hậu dị nhi đồng ”.
+ Nhưng do những vấn đề lịch sử đã để lại hơn 400 năm không dễ dàng có thể làm một sớm một chiều thay đổi được ngay, mà có thể phải từ 1-2 thế hệ, nếu quyết tâm làm, tạo được sự đồng thuận, có cách làm hay, và có các giải pháp, lộ trình bước đi phù hợp ta sẽ thành công.
Để làm được điều đó tôi mạn phép đề xuất một số ý kiến như sau:
– Trước tiên cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để thống nhất về mặt chủ trương và nhận thức, tạo được sự đồng thuận từ HĐMT Việt Nam, đến HĐMT các tỉnh và đến HĐGT các chi họ gốc Mạc. Khi đã tạo được sự thống nhất cao về chủ trương và nhận thức, thì xây dựng kế hoạch tiến hành làm từng bước theo lộ trình….
+ Về giải pháp, biện pháp có thể làm như sau:
1/ Với những người đã trưởng thành đang học tập, công tác do các yếu tố pháp lý như: Hồ sơ lý lịch, bằng cấp chứng chỉ, các giấy tờ sở hữu nhà đất, chứng nhận sở hữu phương tiện, các giấy tờ pháp lý về đăng ký sản xuất kinh doanh, các quyết định bổ nhiệm cấp chức, điều động cán bộ mà không thể thay đổi được (Vì nếu thay đổi phải cải chính tư pháp, sẽ rất rắc rối, gây ra nhiều khó khăn phức tạp khi học tập, công tác..) thì vận dụng “ Phục thủy ” khi sống, đang học tập, công tác giữ nguyên họ gốc Mạc như họ: Phan, Phạm, Hoàng, Nguyễn, Đào, Bùi, Lều.v.v….Còn khi về với tiên tổ thì đổi về họ gốc là họ Mạc trong các bài văn khấn khi thờ cúng, hoặc trong văn bia nhà thờ, họ tên trong các mộ chí khi mất (như chi họ Nguyễn gốc Mạc xã Hiệp An, huyện Kinh Môn, Hải Dương của chúng tôi khi sống vẫn mang họ Nguyễn, khi về cõi vĩnh hằng với tiên tổ mang họ Mạc – còn gọi là sinh Nguyễn, tử Mạc). Đồng thời cũng có thể ngay khi còn sống các tên bí danh, bút danh mà không ảnh hưởng đến hồ sơ lý lịch giấy tờ pháp lý thì có thể lấy tên họ Mạc để giao dịch được…
2/ Đối với các cháu đã có giấy khai sinh, nhưng còn nhỏ tuổi chưa đi học có thể đề nghị cải chính tư pháp (nếu có thể làm được, nên tham vấn các chuyên gia pháp Luật trước khi tiến hành ) sửa lại Họ, tên đệm lót trước, Tên trong giấy khai sinh trước khi các cháu đi học, để tránh rắc rối sau nay. Trong đó từ các họ gốc Mạc, đổi về họ Mạc, nhưng vẫn giữ tên đệm là họ gốc Mạc cũ (để tri ân họ mượn đã cưu mang, đùm bọc giúp ta tránh được sự truy sát) để phân biệt các chi, phái họ gốc Mạc khác nhau khi trở về cội nguồn họ Mạc như: Nguyễn Văn An, thành Mạc Nguyễn An; hoặc Hoàng Văn An thành Mạc Hoàng An; Thái Văn An thành Mạc Thái An, Phạm Văn An thành Mạc Phạm An, Thạch Văn An thành Mạc Thạch An..v.v…
3/ Còn đối với các cháu nhỏ vừa mới sinh ra thì có thể ngay từ khi làm khai sinh cho các cháu thành họ Mạc ngay cũng có thể được (tất nhiên vấn đề này HĐMT Việt Nam và HĐMT các địa phương và HĐGT các chi họ cũng phải tham vấn các chuyên gia pháp lý để tránh rắc rối sau này cho các cháu. Ví như bố họ Nguyễn (gốc Mạc), con lại khai sinh là họ Mạc phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép cải chính họ mới được).
4/ Về lộ trình thực hiện việc phục thủy dòng họ có thể tiến hành như sau:
– Có thể từ nay đến hết nhiệm kỳ ĐHMT Việt Nam lần thứ nhất ( 2014) làm xong bước tuyên truyền vận động, để tạo sự đồng thuận nhất trí cao về chủ trương và nhận thức từ HĐMT Việt nam, HĐMT ( Ban liên lạc họ Mạc ) các tỉnh, HĐGT các chi họ gốc Mạc ( nhưng hết sức tránh gò ép, gượng ép, chủ quan duy ý chí, đơn giản một chiều). Sang nhiệm kỳ ĐHMT Việt Nam lần thứ 2, ta nên đưa vấn đề phục thủy (trở lại họ Mạc từ các họ gốc Mạc) vào nghị quyết của ĐHMT Việt Nam để tổ chức thực hiện, lấy đó làm kim chỉ nam, làm định hướng phương châm hành động, để thống nhất chỉ đạo chung và triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện. Trong đó HĐMT Việt nam và HĐMT các tỉnh thành, HĐGT các chi họ gốc Mạc có thể lấy mục tiêu 500 năm ( 1527-2027) một mốc son lịch sử như lời hùng ca trong “tiếng kèn âm vang ” của nhạc sĩ Thanh Bằng là một lời hiệu triệu, là mục tiêu hoàn thành “ phục thủy ” giai đoạn 1 (vì từ nay đến đó cũng là 15 năm- chia ra làm 3 nhiệm kỳ ĐHMTVN và các địa phương ). Sau đó hết giai đoạn1, tổ chức rút kinh nghiệm những mặt thuận lợi, khó khăn, cả về mặt các yếu tố pháp lý của Nhà nước, lẫn lĩnh vực tình cảm và tâm linh. Đồng thời cần rút ra những mặt đã đạt được, và cả những mặt chưa làm được, nguyên nhân của các mặt được và chưa được, biện pháp khắc phục để tiến hành làm tiếp giai đoạn 2 (có thể từ 2027-2035…).
Trên đây là một số ý kiến tôi tham gia góp ý, đề xuất biện pháp cách làm để HĐMT Việt Nam, HĐMT các tỉnh thành và HĐGT các chi họ gốc Mạc nghiên cứu, có thể vận dụng. Đồng thời chúng tôi cũng mong muốn vấn đề “ Phục thủy ” cần được bàn kỹ và càng nhiều người có tâm huyết trong dòng họ tham gia góp ý hơn nữa, để tạo được sự thống nhất cao trong cộng đồng họ Mạc, gốc Mạc và sớm thành công tốt đẹp.
SỰ CHỌN ĐƯỜNG CỦA TRI THỨC THỜI MẠC
TỐNG THANH BÌNH
“…Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…“.
Bất cứ triều đại nào, thời đại nào, giáo dục là nhân tố quan trọng hàng đầu đối với sự hưng thịnh của đất nước. Thế kỷ XV dưới sự trị vì của nhà Lê Sơ đã chứng minh cụ thể cho chân lý nêu trên. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ XVI đầy biến động, nhà Lê Sơ bị lật đổ sau một trăm năm thống trị, nhà Mạc lên thay, câu hỏi đặt ra đối với vương triều này là: giáo dục có ảnh hưởng như thế nào đối với sự thành bại của nhà Mạc trong quá trình tồn tại, và sự chọn đường của trí thức thời Mạc nói lên điều gì và ảnh hưởng như thế nào đến cơ đồ nhà Mạc?
1. Giáo dục khoa cử thời Mạc
Nhà Mạc tồn tại ở Thăng Long trong 65 năm (1527 – 1592), giáo dục là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối nội của các vị vua Mạc trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Kết quả là nhà Mạc lập được một kì tích khiến lịch sử phải nể phục, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy nhà Mạc đã đào tạo được một đội ngũ trí thức đông đảo: 22 khoa thi, lấy đậu 485 tiến sĩ, 13 trạng nguyên và tạo dựng được một nền giáo dục thịnh đạt thể hiện qua nền văn hóa Đại Việt thế kỉ XVI. Xét về vấn đề này, nhà Mạc chỉ đứng sau nhà Lê Sơ về số lượng các kì thi và tỉ lệ đậu đạt, song trên thực tế, có những điều nhà Mạc đạt được hơn hẳn so với những vương triều khác trong tiến trình lịch sử dân tộc. Những ý nghĩa tích cực của nền giáo dục khoa cử thời Mạc được đánh giá cao: nhà Mạc đã tạo dựng cho mình một chỗ dựa vững chắc, duy trì sự cai trị trong bối cảnh xã hội hết sức phức tạp, lôi kéo đội ngũ trí thức đang phân hóa mạnh mẽ, tranh giành ảnh hưởng với các thế lực phong kiến Lê – Trịnh – Nguyễn, và nền giáo dục ấy đã đóng góp không nhỏ cho văn hóa dân tộc đương thời. Những bậc đại trí thức được trưởng thành dưới thời Mạc càng nâng tầm triều đại này trong dòng chảy lịch sử, tiêu biểu như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Nguyễn Dữ,… những người đã góp phần phát triển văn hóa và tôn vinh lòng tự hào dân tộc.
Mỗi thời điểm, đứng ở lập trường khác nhau có thể đi đến những kết luận chưa thống nhất về triều đại này nhưng đối với vấn đề giáo dục thời Mạc, có lẽ hiếm thấy những quan điểm trái chiều, thậm chí, các sử gia đều đánh giá cao nền giáo dục thời Mạc, như lời nhận xét của Phạm Đình Hổ: “Khoảng đời Minh Đức (Mạc Đăng Dung), Đại Chính (Mạc Đăng Doanh), khí thế ngày càng kém…. Song thời Mạc còn chưa đến nỗi hủ lậu nên học vấn, văn chương, chính sự, công nghiệp cũng không kém cổ nhân mấy” [3,156-169]. Đến sử gia Phan Huy Chú dù không đồng tình với nhà Mạc cũng dành những dòng khen ngợi: “Nhà Mạc dẫu bận chiến tranh mà vẫn không bỏ thi cử vì thế được nhiều người tài giỏi giúp việc chống với nhà Lê, kéo dài đến hơn 60 năm. Ấy cũng là công hiệu của khoa cử đó” [1, 16]. Vấn đề đáng nói là: trong khi nhà Mạc hết sức chú ý giáo dục khoa cử, trân trọng người tài và sử dụng họ phục vụ cho bộ máy cai trị của mình thì vì nhiều lý do khác nhau, nhà Mạc chưa đạt được mục đích cuối cùng của mình. Nguyên nhân một phần từ nhà Mạc, một phần do sự tồn tại song song của các thế lực đối lập khác và phần nào do sự chọn đường của các trí thức khi thời thế thay đổi. Thế kỷ XVI đánh dấu sự chuyển biến lớn lao của giới trí thức trong quan niệm về chữ “trung” – một nội dung cơ bản của đạo lý Nho giáo
2. Sự chọn đường của trí thức thời Mạc
Không phải ngẫu nhiên giai cấp thống trị đề cao Nho giáo và sử dụng Nho giáo như một công cụ đắc lực cho việc cai trị, Nho giáo không chỉ tạo nên một xã hội có tôn ti trật tự với tam cương, ngũ thường mà nó còn đào tạo đội ngũ trí thức phục vụ cho sự cai trị của triều đại ấy. Có thể nói, đến thế kỉ XV, đặc biệt dưới thời vua Lê Thánh Tông, giai cấp thống trị đã đạt được mục đích của mình – tạo nên một thời kì hoàng kim của chế độ phong kiến với những trung thần tận tâm vì hoàng đế. Tuy vậy, sau thời kì huy hoàng ấy, nền giáo dục Nho học rơi vào khủng hoảng không chỉ vì những nguyên nhân nội tại của triều đình nhà Lê mà còn do những tác động bên ngoài nữa. Thời thế thay đổi, sự chuyển biến trong thái độ và hành động của một số trí thức đã báo hiệu một sự phân hóa trong đội ngũ trí thức Đại Việt diễn ra ngay từ thế kỉ XV và điều này biểu hiện rõ nét hơn cả trong thế kỉ XVI, tính từ thời điểm Mạc Đăng Dung lên ngôi hoàng đế thay thế nhà Lê sơ năm 1527.
Ý thức rõ vai trò của đội ngũ trí thức, Mạc Đăng Dung và những người kế vị hiểu hơn ai hết trách nhiệm của triều đại mình trong việc khai thác đội ngũ này, “trưng cầu con cháu các vị công thần thế gia”, “Đăng Dung muốn thu nhân tâm, bèn phong tặng tất cả các vị tiết nghĩa cựu thần” [2, 267], “Tất cả có 56 người đều được thăng trật và phong tước theo thứ bậc khác nhau” [2, 267] – một điều hiếm có trong cách hành xử của người đứng đầu một vương triều đối với đội ngũ trí thức của triều đại cũ, tính nhân văn trong vị hoàng đế đầu tiên của vương triều Mạc được sử sách ghi nhận vì những lẽ đó.
Với thái độ của triều đình nhà Mạc đối với đội ngũ trí thức và những nỗ lực trong việc xây dựng nền giáo dục khoa cử, những trí thức dưới thời Mạc đã không phụ sự ưu ái của triều đình. Song, như chúng ta đã biết, nhà Mạc lên ngôi ngay lập tức đã vấp phải sự chống đối của các thế lực, trong đó, ngọn cờ “phù Lê diệt Mạc” đã chi phối không nhỏ đến sự trị vì của nhà Mạc cũng như chi phối lịch sử dân tộc thế kỉ XVI và các thế kỷ sau này. Trong bối cảnh đó, việc trí thức phải đứng trước nhiều sự lựa chọn, phục vụ cho ai và cống hiến vì lý tưởng hành đạo như thế nào là điều không thể tránh khỏi. Không dễ để chỉ ra một cách rõ ràng từng con đường và lý do mà trí thức đương thời theo đuổi nhưng qua đó, chúng ta hiểu rằng: những giá trị của Nho giáo khi thấm nhuần vào mỗi kẻ sĩ đều bị khúc xạ bởi những nhân tố mang tính chủ quan trong mỗi con người và tùy từng thời điểm. Thái độ của kẻ sĩ dưới thời Mạc có thể chia thành các khuynh hướng như sau:
– Trung thành với nhà Lê sơ, theo nhà Lê Trung Hưng ngay từ đầu
– Bỏ nhà Lê theo nhà Mạc.
– Không theo Lê Trung Hưng, không theo Mạc mà vào với chúa Nguyễn (giai đoạn sau này, khi nhà Mạc đã bị đánh bại ở kinh thành, phải lên Cao Bằng) hay trở thành trí sĩ
2.1. Trung thành với nhà Lê sơ và theo nhà Lê Trung Hưng ngày từ đầu
Mạc Đăng Dung lên ngôi sau một cuộc đảo chính êm thấm, không có sự tàn sát đẫm máu như một số triều đại trước khi thay thế triều đại cũ, tuy vậy cũng không tránh khỏi sự chống đối của các thế lực khác trong đó có những người từng tham gia trong bộ máy chính quyền thời Lê Sơ. Sự chống đối ấy thể hiện qua nhiều cách khác nhau, có người chọn đến cái chết để thể hiện chữ “trung” của mình đối với nhà Lê sơ, như Vũ Duệ, Đàm Thận Huy, Ngô Hoãn – những người giữ chức vụ cao trong triều đình Lê sơ…, có người tập hợp lực lượng nổi dậy chống nhà Mạc công khai như Lê Ý, Trịnh Ngung, Trịnh Ngang và điển hình nhất là những người đã lấy danh nghĩa “Phù Lê diệt Mạc” để chống lại sự thiết lập vương quyền nhà Mạc. Vì thế, khi nhà Mạc bắt đầu gây dựng cơ đồ cũng là lúc nhà Lê Trung Hưng khởi nghiệp với vai trò của Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm, dẫn tới cục diện chia cắt Nam triều – Bắc triều. Việc trí thức tận tụy với triều Lê sơ dẫu triều đại này đã bị lật đổ nói lên rằng: một thế kỷ độc tôn Nho giáo của nhà Lê sơ có ý nghĩa lâu bền. Hoàng quyền của nhà Lê Sơ không chỉ được tạo dựng từ chiến công hiển hách của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài ¼ thế kỷ cộng với chính sách quân điền mà còn là những giá trị do học thuyết Khổng Tử mang lại qua vai trò của kẻ sĩ. Người đứng đầu nhà nước phong kiến thời kì đỉnh cao – Lê Thánh Tông đã thành công trong việc xây dựng một ý niệm Nho giáo nhằm xây dựng một xã hội tôn ti, trật tự, ngai vàng được giữ vững. Song quan trọng hơn là ý niệm Nho giáo ấy đã thấm nhuần vào những bề tôi tiết nghĩa, họ chọn cách hi sinh để bảo vệ lý tưởng nhân của mình. Trước sự xoay vần của thời cuộc, những con người trung thành ấy vẫn làm trọn vẹn chữ “trung” với triều đại mình từng phụng sự. Đây chính là một sự chọn đường của trí thức .
Bên cạnh đó, một bộ phận trí thức chờ thời, ra làm quan cho nhà Lê Trung Hưng khi các cựu thần nhà Lê khôi phục được thế lực cũ, điển hình là 2 nhân vật Phùng Khắc Khoan và Lương Hữu Khánh. Còn nhớ thời điểm hai kẻ sĩ tài ba này ra phò giúp nhà Lê Trung Hưng đều là lúc nhà Mạc bắt đầu có những biểu hiện suy yếu, những mâu thuẫn nội bộ trong triều đình nhà Mạc ngày càng rõ nét (sau thời điểm Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ chém 18 kẻ lộng thần), điều này đã chi phối không nhỏ sự chọn đường của họ. Điều đáng nói là hai người bạn hữu ấy đều được trưởng thành từ vùng nhà Mạc quản lý, thậm chí được đào tạo bài bản dưới sự chỉ bảo của thầy dậy Nguyễn Bỉnh Khiêm – một người tận tụy cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp của nhà Mạc. Phùng Khắc Khoan và Lương Hữu Khánh sau này đều là những nhân vật trọng yếu trong triều đình nhà Lê Trung Hưng và có nhiều đóng góp lớn lao cho sự phục hồi và phát triển của triều đình Lê – Trịnh. Không phải ngay từ đầu, Phùng Khắc Khoan đã theo nhà Lê Trung Hưng mà mãi tới sau này ông mới quyết định bỏ Mạc theo Lê. Nguyên nhân nào dẫn đến cách hành xử đó? Liệu cách giáo dục của thầy dậy có ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn của họ, họ thấy được những biểu hiện xuống dốc của nhà Mạc, họ thấy sự bất lực của thầy dạy mình dù đã dành hết tâm sức cho triều đại ấy, hay vì cách đối đãi của triều đình nhà Mạc có phần nào bất công với ông trong kì thi năm 1552? Từng ấy câu hỏi cho thấy Phùng Khắc Khoan hẳn đã bối rối trước việc chọn lựa, quyết định cuối cùng là ông dứt khoát theo nhà Lê Trung Hưng và dốc sức mình phục vụ cho Nam triều. Ông trở thành một nhà Nho xuất sắc, một nhà ngoại giao tài ba và một nhà thơ ưu tú với nhiều tác phẩm để đời. Vậy nên, có thể nhận ra một điều: nhà Mạc đã đánh mất cơ hội có những bậc hiền tài trong khi đó là nhân tố mà họ muốn khai thác một cách triệt để để giành phần thắng trong cuộc cạnh tranh với nhà Lê – Trịnh.
2.2. Bỏ nhà Lê theo nhà Mạc
Năm 1527, sự kiện Mạc Đăng Dung lên ngôi là một bước ngoặt đối với lịch sử dân tộc ở thời điểm hiện tại và chi phối không nhỏ đến tiến trình lịch sử dân tộc sau này. Khác với một triều đại được xác lập thông qua những chiến công hiển hách trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc hay sự nhường ngôi diễn ra một cách quyết liệt, nhà Mạc lên nắm quyền với xuất phát điểm là một dòng họ sống ở miền biển, vốn sống bằng nghề chài lưới và người thiết lập nên vương triều ấy lại là một võ quan chứ không phải là một người được đào tạo bài bản từ nền khoa cử Nho học. Những cống hiến của Mạc Đăng Dung và sự khéo léo của ông đã đưa ông đến đỉnh cao danh vọng và có cơ hội lật đổ triều đình Lê sơ đã mục nát, góp phần ổn định lại xã hội Đại Việt sau một thời gian dài khủng hoảng dưới sự trị vì của các vị vua Quỷ, vua Lợn. Chính vì vậy, khác với những thế lực phong kiến từng lên ngôi thông qua những cuộc đảo chính giành quyền lực, Mạc Đăng Dung đã biết cách xác lập tính chính đáng của vương triều Mạc, ông đã khôn khéo sử dụng lại đội ngũ trí thức nhà Lê và vẫn giữ nguyên pháp độ triều Lê sơ để không tạo nên một sự xáo trộn lớn và ông đã thành công bước đầu. Vì vậy, dẫu từng bị sử cũ coi là ngụy triều thì nhà Mạc vẫn nhận được sự ủng hộ của một bộ phận lớn trí thức, trong đó có những người từng làm quan cho nhà Lê hoặc được đào tạo dưới thời Lê. Có thể kể tên một số nhân vật đại diện cho xu hướng này như: Phạm Gia Mô, Vũ Hộ, Lê Quang Bí…
Trong số những người bỏ Lê theo Mạc, xin nêu một ví dụ tiêu biểu cho sự tận trung với nhà Mạc, đó chính là Lê Quang Bí. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học, bố của ông – Lê Nại, từng đậu đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh trạng nguyên trong khoa thi Ất Sửu năm 1505 đời Lê Uy Mục và bản thân ông cũng là người từng đỗ Hoàng giáp đứng thứ 4 trong khoa thi Bính Tuất năm 1526. Vào thời điểm nhà Mạc thiết lập, ông đang làm quan cho nhà Lê sơ. Ông đã lựa chọn theo nhà Mạc ngay buổi đầu thành lập, có thể có nhiều cách kiến giải về điều này thậm chí cho rằng: tình thế buộc ông phải lựa chọn dưới sức ép của nhà Mạc, nhưng với những gì mà ông đã cống hiến cho nhà Mạc, chúng ta có thể khẳng định rằng: vương triều Mạc đã được ông chọn lựa và cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp nhà Mạc. 18 năm đi xứ (1548 – 1566) “bị giữ lâu ở quán đợi mà vẫn kính cẩn giữ được mệnh của chúa” [2,314] và không làm hổ thẹn danh dự quốc gia, tấm lòng yêu nước và sự kiên trung của ông đã khiến kẻ thù nể phục và ví ông với Tô Vũ – một điển tích trong lịch sử Trung Hoa. Trở về, ông được nhà Mạc hết sức trân trọng và ban cho ông những phần thưởng xứng đáng. Có thể nói, Lê Quang Bí – một trung thần thời Mạc đã đảm đương trọn vẹn sứ mệnh của kẻ sĩ, như cách nói của Khổng Tử: “Giữ mình có liêm sỉ, đi sứ bốn phương không để nhục mệnh vua”.
Có được một bề tôi như Lê Quang Bí là điều mà không phải triều đại nào cũng có được và cũng làm được. Đứng ở khía cạnh này, chúng ta thừa nhận: nhà Mạc đã có một vị trí xứng đáng trong lịch sử cũng như trong tâm thức của nhân dân và trí thức Đại Việt, như sử sách từng thừa nhận: “lòng người hướng về nhà Mạc”. Lê Quang Bí, Giáp Hải và không ít những nhà Nho trung thành khác đã góp phần làm nên thành công của nhà Mạc trong 65 năm trị vì và tôn vinh niềm tự hào dân tộc.
Sẽ là thiếu sót nếu bàn về vấn đề giáo dục khoa cử nhà Mạc mà không nhắc đến bậc đại thành trí thức Nguyễn Bỉnh Khiêm, người thầy của mọi thế lực chính trị trong thế kỉ XVI và của mọi thời đại, mọi không gian và đối tượng khác nhau. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) sinh ra và lớn lên trong bối cảnh xã hội có nhiều thăng trầm, gắn với sự thay đổi các triều đại, cuộc đời ông chứng kiến gần trọn thời kỳ hình thành, phát triển và suy vong của vương triều Mạc. Điều đáng trân trọng ở con người này là chỗ: là một người có học thức uyên bác nhưng ông đã cân nhắc kĩ trước khi ra thi thố tài năng của mình và quyết định làm quan cho nhà Mạc, phải mất đến gần một thập kỷ để ông quyết định cho vấn đề trọng đại ấy, thế mới thấy, nhà Mạc đã cho ông một niềm tin tưởng, hi vọng. Tuy vậy, đáng tiếc cho triều Mạc là sau một thời gian ra làm quan cho nhà Mạc (1535 – 1541), Nguyễn Bỉnh Khiêm xin từ quan về ở ẩn sau khi vua Mạc Phúc Hải từ chối đề nghị của ông chém 18 lộng thần. Thiếu sót và sai lầm của nhà Mạc đã khiến triều đại này mất đi một chỗ dựa vững chắc và quan trọng hơn: niềm tin trong đội ngũ trí thức dần mất đi. Theo đó, từ các triều vua Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp số trí thức bị phân hóa một lần nữa ngày càng tăng, họ tìm cách từ bỏ chốn quan trường hoặc chạy theo lực lượng khác.
Lý giải điều này khá phức tạp, có nhiều nguyên nhân khiến nhà Mạc mất đi sự ủng hộ của đội ngũ trí thức: có thể trong số họ có nhiều người làm việc cho nhà Mạc chỉ vì họ chờ thời, khi triều Lê Trung Hưng được thiết lập thì họ từ bỏ nhà Mạc để đi theo mục đích chính của mình, có thể nhiều người trong số họ tận tâm và tin tưởng triều Mạc, ra sức cống hiến nhưng đổi lại, họ ngày càng mất dần niềm tin ở triều đại mới do sự suy yếu của bản thân triều đại ấy. Không phải ngẫu nhiên mà càng về cuối, số trí thức xin các vua Mạc về nghỉ càng trở nên phổ biến, sử cũ còn chép:“tháng 4 (1551), vua (Lê Trung Tông – tác giả) thấy Phúc Nguyên đang bị bầy tôi lìa bỏ, ngoài thì phản loạn, trong thì tan rã…thừa lúc địch (nhà Mạc – tác giả) suy yếu xuất quân tiến đánh” [2, 293], nhà Mạc gần như bất lực, kết cục Bắc triều bị Nam triều đánh bại với sự tham mưu của nhiều trí thức tài ba đã bỏ Mạc chạy về Lê Trung Hưng.
2.3. Không theo Lê, không theo Mạc mà theo Nguyễn hoặc trở thành các trí sĩ
Dẫu nhà Mạc đã bị nhà Lê – Trịnh đánh bại năm 1592 nhưng dư âm của nhà Mạc vẫn kéo dài, ít nhất đến nửa cuối thế kỷ XVII, bởi vậy, việc chọn đường của trí thức vẫn tiếp diễn. Đó là trường hợp của Đào Duy Từ (1572 – 1634), ông lớn lên trong vùng nhà Lê Trịnh quản lý nên đã vấp phải sự cấm đoán ngặt nghèo trong quy chế thi cử vì ông là con nhà hát, điều này cũng khiến nhà Lê mất đi một chỗ dựa lớn. Sau khi bị từ chối trong kì thi do Nam triều tổ chức, ông quyết định vào Đàng Trong để phục vụ chúa Nguyễn vốn đang có nhiều chính sách trọng dụng người tài mà ông không chọn nhà Mạc vì cuối thế kỷ XVI nhà Mạc đã lâm vào khủng hoảng thực sự. Trên thực tế, ông đã có cơ hội được thể hiện tài năng của mình, với những gì ông đóng góp cho chúa Nguyễn, có thể khẳng định ông xứng đáng với tên gọi mà hậu thế dành tặng: đệ nhất khai quốc công thần của họ Nguyễn.
Ngoài ra, một trường hợp điển hình cho việc từ bỏ công việc hiện tại, từ bỏ mọi chức tước, bổng lộc để trở về cuộc sống đời thường và dành thời gian, tâm trí cho những tâm huyết của mình, Nguyễn Dữ – tác giả của áng “Thiên cổ tùy bút” – Truyền kì mạn lục. Nguyễn Dữ từng đi thi kì thi Hương do nhà Mạc tổ chức và làm tri huyện Thanh Tuyền (nay là Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), được một năm ông xin về quê nuôi dưỡng mẹ già rồi xin về Thanh Hóa ở ẩn.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều nhân vật chọn lựa con đường này để giữ vững khí tiết của kẻ sĩ, họ trở về với cuộc sống đồng quê vốn gắn bó với họ và có chăng tham gia các hoạt động văn hóa, tinh thần ở các làng xã hoặc coi việc dạy học là thú vui. Đối với vương triều Mạc thì đây là một điều đáng tiếc: khi họ đang tìm mọi cách để tranh giành ảnh hưởng thì trí thức tự rút lui khỏi vũ đài chính trị để tránh mọi ô nhục mà thời thế mang lại.
Có thể thấy, trên đây là một số khuynh hướng tiêu biểu của trí thức thế kỷ XVI trong việc chọn lựa đấng minh quân để theo và phụng sự. Tất cả trong số họ đều được đào tạo những nội dung của học thuyết Nho giáo của Khổng Tử nên dẫu mỗi người chọn một con đường khác nhau song họ đều mang trong mình những tư chất của một kẻ sĩ. Hiện thực xã hội đã buộc họ phải lựa chọn, hoặc theo Lê, hoặc theo Mạc, theo chúa Nguyễn, hoặc là tránh xa cuộc đời ô trọc để giữ trọn khí tiết… điều này không chỉ là sự chọn đường mà còn phản ánh tình trạng phân liệt, cát cứ của đất nước trong thế kỷ XVI và kéo dài mãi tận sau này.
Kết luận
Từ việc tìm hiểu các khuynh hướng chọn đường của trí thức dưới thời Mạc, có thể đi đến những kết luận như sau:
Nhà Mạc là một triều đại hết sức chú ý đến giáo dục khoa cử và đã đào tạo được nhiều nhân tài, đóng góp cho sự ổn định của triều đại và sự phát triển của văn hóa dân tộc như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Bùi Vịnh, Nguyễn Dữ, Lê Quang Bí, …. Giáo dục đã góp phần quan trọng tạo nên sự thành công của nhà Mạc trong giai đoạn đầu, trí thức – những người có uy tín trong xã hội ủng hộ, nghĩa là nhà Mạc đạt được một tiêu chí quan trọng: được nhân dân theo về. Tiếc rằng: những biểu hiện suy yếu của triều đình nhà Mạc đã khiến triều đại này dần mất đi sự ủng hộ của đội ngũ trí thức, dù họ vẫn dành cho nhà Mạc những tình cảm tốt đẹp nhưng chưa đủ để nhà Mạc có sức mạnh chiến thắng nổi thế lực Lê – Trịnh với ngọn cờ “Phù Lê diệt Mạc”. Sức mạnh tinh thần của ngọn cờ ấy đã hiệu triệu nhân dân và không ít kẻ sĩ đứng về phía Lê – Trịnh giúp họ giành được thắng lợi cuối cùng vào năm 1592.
Ngoài ra chúng ta không thể bỏ qua một nhân tố tác động không nhỏ đến quan niệm của kẻ sĩ trong thế kỷ XVI đó là do sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực thương nghiệp, thủ công nghiệp… sự giao lưu với các nước phương Tây… đã dần phá vỡ những nền tảng Nho giáo nặng nề từng chi phối xã hội Đại Việt và chi phối không nhỏ đến sự chọn đường của trí thức. Trí thức thời Mạc có nhiều chuyển biến so với các thời đại trước, khi một triều đại không còn đáp ứng được sứ mệnh lịch sử, họ không cứng nhắc với chữ trung trong quan niệm “trung thần bất sự nhị quân” mà dám đứng về những vị minh quân để được thi thố tài năng và hành đạo giúp đời, để cùng triều đại ấy đem lại cuộc sống thái bình cho nhân dân, và điều này trở thành một xu hướng. Tất nhiên, trong một xã hội thực sự nhốn nháo như cách gọi của Cố GS Trần Quốc Vượng, sự chọn đường ấy chịu sự chi phối nhiều nhân tố, thậm chí có những nguyên nhân từ chính người chọn lựa.
Có thể nói, giai đoạn đầu nhà Mạc đã giành được phần thắng trong cuộc cạnh tranh nhân tài với nhà Lê Trung Hưng, tiếc rằng những người kế vị sau này của vương triều Mạc đã không thể khai thác hết sức mạnh từ phía họ và phải chấp nhận thất bại cay đắng sau 65 năm trị vì. Song một điều không thể phủ nhận ở thế kỷ XVI, nhà Mạc đã tạo một thời kỳ huy hoàng trên lĩnh vực giáo dục khoa cử và văn hóa dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Phan Huy Chú, (1961), Lịch triều hiến chương loại chí – Tập III, Nxb Sử học, Hà Nội.
[2] Lê Quý Đôn, (1978), Đại Việt thông sử – tập III, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Phạm Đình Hổ, (1972), Vũ trung tùy bút, Nxb Văn học, Hà Nội.
Ngô Đăng Lợi, Trần Thị Vinh, Nguyễn Quang Ân, (1996), Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Hà Nội.
Đinh Khắc Thuân, (2001), Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ
SỰ RA ĐỜI VÀ HOẠT ĐỘNG
của BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
HOÀNG CAO QUÝ
(Cụ Hoàng Cao Quý nói chuyện với HĐMT Ninh Bình, 26/4/2011)
Nhân dịp lễ trọng dâng hương kỷ niêm 470 năm ngày Mạc Thái Tổ băng hà, tôi xin ghi lại vài nét về sự ra đời và hoạt động của Ban liên lạc Họ Mạc Hà Nội.
Việc hình thành nên Ban liên lạc là xuất phát từ nhu cầu của các dòng họ gốc Mạc. Như chúng ta đã biết từ năm 1926 đã có hậu duệ họ Mạc từ Cao ly tìm về Việt Nam “Vấn tổ tìm tông”mà Lê Khắc Hòe đã viết trên An Nam Tạp Chi (số 4 tháng 8/1926). Việc đó lại tái diễn vào năm 1965 mà Vũ Hiệp đã viết cho tạp chí Nghiên cứu lịch sử (số 2.1996). Còn trong nước thế hệ này qua thế hệ khác, năm này qua năm khác con cháu họ Mạc vẫn lặng lẽ diễn ra việc kiếm tìm dòng tôc, ở nơi này khác. Nổi rõ nhất từ những năm 1954 trở đi, mà đáng nhớ là các cố:Thạch Văn Đĩnh, Thạch Văn Vĩnh (ở Ninh Hiệp, Gia Lâm) Phạm Văn Sênh (ở Yên Dũng, Bắc Giang). Cố Bùi Trần Tiến, Bùi Trần Chuyên (ở Thường Tín, Hà Tây), Phan Đăng Tài, Hoàng Sĩ Nhã (ở Nghệ An), Cụ Hoàng Hỷ (ở Xuân Đài, Quảng Nam…
Sau nhiều năm tháng tìm họ hàng biết bao vui buồn khổ đau lắng đọng đã liên lạc chắp nối thường xuyên được với một số chi họ và cùng nhau hội tụ về Ninh Hiệp, Gia Lâm vào ngày giỗ tổ họ Thạch gốc Mạc trong các dịp 10 tháng giêng âm lịch đầu năm. Năm 1988 hơn 20 chi họ miền Bắc họp tại Ninh hiệp đề ra việc biên tập lại cuốn tộc phả cho toàn dòng họ lấy tên là Mạc thị thế phả hợp biên, có tổng hợp cả cuốn phả họ Mạc Nghệ An. Chi họ Thạch đảm đương việc biên soạn và ông Hoàng lê làm chủ biên. Kết quả năm 1988 cuốn Mạc thị thế phả hợp biên ra đời như một lời kêu gọi của họ tộc, hậu duệ họ Mạc rải rác các nơi về với cội nguồn.
Năm 1994 có các họ gốc Mạc ở Văn Yên- Yên Bái, Đồng Hỷ – Thái Nguyên, Lục Ngạn –Bắc Giang, Sơn Tây, Hà Tây, Đông Hưng và Vũ Thư-Thái Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trạch-Quảng Bình họp tại Ninh Hiệp đề xuất việc lập ra một ban liên lạc chung.
Đến ngày 22-8 âm lịch giỗ Mạc Thái Tổ ở Cổ Trai Xã Ngũ Đoan- Kiên Thụy các chi họ Mạc ở Đông triều-Quảng Ninh, Kiến Xương-Thái Bình, ở Xuân Trường-Nam Định, ở Thạch Hà-Hà Tĩnh, ở Tây Sơn-Bình Định,…lại nêu ra yêu cầu cần thiết có một ban liên lạc họ Mạc.
Điều đang nói nứa là ở Hải Phòng bắt đầu từ những năm 1980 trở lại đây đã có Hội Thảo khoa học nhân ngày kỷ niệm 400 trăm năm ngày mất của Nguyên Bính Khiêm-Trang nguyên thời Mạc- tổ chức vào năm 1985, tiếp đó là năm 1991 ở Thành Phố Hồ Chí Minh lại kỷ niệm 500 năm sinh danh nhân văn hóa Nguyên Bính Khiêm. Rồi Tháng 7-1994 UBND TP Hải Phòng đã phối hợp với Hội KHLS và Viện sử học Việt Nam tổ chứ Hội Thảo về Vương triều Mạc trên quê Hương Kiến Thụy.
Tất cả các sự kiện đó như một luồng gió mới thổi căng cánh buồm họ Mạc nên ngày 22-12-1994, đại diện các chi họ Mạc tại Hà Nội gồm 11 vị đã họp tại nhà D2 Nguyên Công Trứ nhận định:Trải qua 400 năm từ khi nhà Mạc rút khỏi Thăng Long thiên cư lên Cao Bằng và số đông phải mai danh ẩn tích, thay họ đổi tên để tránh bị diệt vong, thì con cháu, hậu duệ chưa lần tìm được họ tộc, cội nguồn nên thống nhất thành lập Ban liên lạc. Tất cả 11 thành viên đều tham gia vào ban liên lạc và cử cụ Bùi Trần Chuyên làm Trưởng ban liên lạc, Phó ban là Tiến sĩ Hoàng Lê.
Ban liên lạc họ Mạc ở Hà Nội tự xác định : các thành viên là những người cùng họ Mạc, gốc Mạc cùng huyết thống, tham gia hoàn toàn tự nguyện không làm đơn xin gia nhập, không có kỷ luật khai trừ mà cũng không phải là một nhà tuyệt đối theo lệnh gia trưởng. Vấn đề cốt lõi là xây dựng sự liên kết đoàn kết dòng họ. Do vậy thống nhất lấy tên gọi là Ban liên lạc họ Mạc Hà Nội,.
Hơn nữa Thủ đô là nơi trung tâm văn hóa chính trị, xã hội và khoa học kỹ thuật của cả nước, phải là nơi tập trung các thông tin về dòng họ từ đó thông tin đi các nơi. Ban liên lạc Hà Nội đã đề ra 3 nội dung cụ thể:
1. Trao đổi thông tin về dòng họ Mạc để liên hệ và cung cấp thông tin về dòng họ ta đến hậu duệ các họ Mạc các địa phương.
- Làm đầu mối liên hệ của họ Mạc với các họ khác và các tổ chức xã hội khác nhất là cơ quan nghiên cứu Hán Nôm và Sử học giúp các chi họ biên soạn tộc phả, chắp nối họ tộc.
- Giáo dục tuyên truyền về truyền thống dòng họ.
Năm 1995, ban liên lạc họ Mạc Hà Nội ra được cuốn “Những chuyện kể về Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi” in 3.600 bản bán rộng rãi để giới thiệu về đức Viễn tổ Mạc Trạng nguyên. Cuốn sách được bán rộng rãi có cụ mua 100 cuốn tặng cho con cháu trong chi họ như cụ Phan Đăng Diêu, Hoàng Cao Quý. Các chi họ Thái Bình, Nghệ An tuyên truyền rộng rãi về dòng họ.
Tiếp đó các đầu sách về họ Mạc được phát hành như:
– Nhà Mạc và dòng họ Mạc ( Viện sử học xuất bản)
– Mỹ thuật thời Mạc (Hội mỹ thuật Việt Nam)
– Văn bia thời Mạc (Đinh Khắc Thuân-Viện Hán Nôm)…
Đến tháng 7 năm 1995 Ban liên lạc họp lần thứ 2 (bổ sung 9 thành viên thành 20 vị) và số chi họ từ 50 chi họ từ năm 50 chi lên 220 chi gấp 4 lần năm 1994.
Năm 2000 cụ Bùi Trần Chuyên mất, ông Hoàng Lê thay Trưởng Ban và ông Hoàng Cao Quý là phó ban thường trực.
Ban liên lạc họ Mạc Hà Nội về tổ chức có vẻ lỏng lẻo song thực tế cũng đã làm được nhiều việc quan trọng. Thông tin chắp nối và xúc tiến việc thành lập Hội đồng gia tộc (hay tộc biểu) ở các chi họ, xây dựng “quy ước dòng họ”, xây dựng dòng họ văn hóa, thành lập Ban liên lạc họ Mạc ở từng tỉnh hoặc liên tỉnh, ban liên lạc họ Mạc Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, thành phố Hồ Chí Minh…(có địa phương lập xuống cấp huyện như ban liên lạc Đô-Thanh-Anh (Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn).
2. Đã trao đổi kinh nghiệm biên soạn gia phả vào ngày 17/12/1995 ở trường Mạc Đĩnh Chi 66 Phó Đức Chính, Ba Đình, Hà Nội. Các họ Mạc ở Nghệ An họ Lều ở Hà Tây, họ Vũ ở Thái Bình, họ Thạch ở Hà Nội đã trao đổi nhiều kinh nghiệm đã làm. Sau hội nghị này nhiền chi họ đã hoàn thiện tộc phả và gửi cho ban liên lạc họ Mạc Hà Nội.
Từ đó Ban liên lạc họ Mạc Hà Nội đã xuất bản “Hợp biên thế phả họ Mạc năm 2001 với 479 trang (tái bản năm 2007 với 640 trang). Những kết quả trên đã đóng góp phần bảo lưu các giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần dòng họ.
3- Ban liên lạc họ Mạc đã khởi xướng đề nghị các chi họ trùng tu tôn tạo nhà thờ và lăng mộ: Bằng tiềm năng nội lực nhiều chi họ đã làm:Họ Mạc ở Cổ Trai, họ Hoa-Đăng Lâm, họ Mạc-Thủy Nguyên, họ Mạc ở Long Động, họ Trần ở Tá Xá, họ Bùi Trần – Quất Động, họ Lều- Nhị Khê, họ Chu-Phú Hữu, họ Nguyễn-Phủ ổ và Hướng Ngãi, họ Phương-Từ Liêm, họ Thạch-Ninh Hiệp, họ Lê-Phù Khê và Yên Phong, họ Phạm-Hoành Từ, họ Vũ Tiên-Vũ Thư,Bùi Đăng-Đông Hưng, họ Hoàng-Nông Cống,họ Phạm –Vinh,họ Lê Đăng- Nam Đàn, họ Hoàng Đăng-Đô Lương…trên 25 nơi, còn có nơi chưa biết. Việc làm này có ý nghĩa giáo dục trong dòng họ rất lớn, làm cho con cháu có ý thức “uống nước nhớ nguồn”, ra sức giữ gìn phát huy truyền thống của dọng họ.
4.-Cung cấp- trao đổi thông tin về dòng họ Mạc: Tham vọng thông tin đến các ban liên lạc các tỉnh, thành và được phổ biến rộng rãi đến hậu duệ các địa phương: đảm bảo thông tin 6 tháng một lân đều đặn; trên báo chí sách vở mới ra có vân đề gì liên quan đều được photocopy gửi cho nhau; đi điền dã các địa phương và tiếp xúc với bà con thân tộc họ Mạc. Điểm lại thường trực ban liên lạc đã đi được 22 tỉnh:Lạng Sơn,Cao Bằng,Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương,Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,Quảng Nam, Quảng Ngãi,Bình ĐịnhThành Phố Hồ Chi Minh, Hà Tiên. Mặc dù không có ngân sách nhưng Ban liên lạc Họ Mạc Hà Nội mà chủ yếu là cố Bùi Trần Chuyên, ông Hoàng Lê, ông Hoàng Cao Quý vấn đi, khi thi dựa vào xe cơ quan, khi thì dựa vào các dòng họ ở các địa phương bao cho, khi thì tự bỏ tiền ra đi, thu hoạch thật lớn là chắp nối được các chi họ, truyền đạt được các thông tin chung và riêng của họ Mạc. Qua đó mà tính đến ngày 30-6-2000 Ban liên lạc Họ Mạc đã lập được danh sách họ Mạc cải thành 52 họ là Bế, Bùi, Cao, Thái, Cát, Chương, Chử, Chu, Diệp, Dương, Mạc, Đinh, Đoàn, Đào, Đỗ, Đồng, Đặng, Hà, Hứa, Hồ Đăng, Hoa (Khoa), Hán, Hoàng, Huỳnh, Khổng, Vũ, Khương, Lê Đăng, Lều, Liễu, Lưu, Ma, Mai, Màn, Mậu, Mông, Nông, Nguyễn, Quách, Phạm, Phan, Phùng, Phương, Tạ, Tô, Thái, Thẩm, Thạch, Trần Đăng, Trịnh, Trừ, Trương, Văn, Vũ, Vương… Sinh cơ lập ấp ở 26 tỉnh, thành phố (nay biết them ở Phú Thọ có chi họ Ma, họ Hoàng) xem phụ lục II, trang 588 Hợp Biên Thế Phả Họ Mạc.
5- Đóng góp vào sự giáo dục tuyên truyền và truyền thống giáo dục con cháu như: Ra Sách
– Năm 1995 ra cuốn những chuyện kể về Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chị ra 3600 cuốn.
Xin thông tin thêm một sự kiện: Sau khi xuất bản, Cố Bùi Trần Chuyên thay mặt Ban liên lạc Họ Mạc Hà Nội biên thư và gửi Cụ Phạm Văn Đồng, nguyên chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng. Ngày 28 tháng 2 năm 1996 Cụ Đồng đã có thư : “Thân ái gửi đồng chí Bùi Trần Chuyên.
Tôi đã nhận được bức thư và cuốn “Những chuyện về trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi” do đồng chí thay mặt ban liên lạc Mạc tộc Hà Nội gửi và tôi đã đọc cuốn sách. Tôi chân thành cảm ơn đồng chí về những tình cảm đẹp đẽ đối với tôi”.
Tôi thân ái chúc đồng chí khỏe mạnh và những điều tốt đẹp nhất, tiếp tục có tác phẩm mới và hay. Thân ái : Phạm Văn Đồng”.
Năm 1996 có 3 cuốn xuất bản là Vương triều Mạc, nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Văn bia thời Mạc. Họ ta có tiến sĩ Hoàng Lê tham gia đóng góp bài. Các ban liên lạc họ Mạc các địa phương và các chi họ nào cũng vận động nhau mua làm tài liệu tuyên truyền giáo dục.
Năm 2000 có cuốn Mạc Đăng Dung và Vương Triều Mạc.
Năm 2001 có cuốn Lịch sử triều Mạc.
Năm 2002 ra cuốn Gương sang dòng họ (tập 2 xuất bản năm 2004 và tập 3 xuất bản năm 2007), và ra cuốn Hợp Biên thế phả họ Mạc với 478 trang tại Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc (năm 2007 tái bản có nhiều ảnh tư liệu quý)
Ban liên lạc còn sưu tập được các cuốn sách in vào thời gian trước như Thuyết Mạc của Đinh Gia Thuyết, Mộng Bá Vương của Đỗ Hùng xuất bản ở Hoa Kỳ năm 2000. Dõi tìm tông tích người xưa của Dạ Lan Nguyễn Đức Dụ xuất bản năm 1998.vv…
Gần 17 năm qua BLLHM Hà Nội hoạt động đã có một số thành tựu như trên đó là sự cố gắng của các thành viên trong ban liên lạc nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách cùng sự giúp đỡ của các BLLHM các địa phương cùng sự đồng tình ủng hộ của bà con thân tộc Mạc trong toàn quốc.
Cố Bùi Trần Chuyên trong tổng kết 5 năm hoạt động của BLLHM đã đúc rút kinh nghiệm. Điều quan trọng trong việc họ là phải có 4 yếu tố : “tâm, trí, lực, tài”
1.Tâm tức là chữ Hiếu chữ Đễ chữ Hòa chữ Kính; Hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ, Đễ với anh em họ hàng, Hòa với dưới, Kính với các bậc nhiều tuổi;
2.Trí có hiểu biết chung, biết vận dụng khả năng từng đối tượng, biết thuyết phục mọi người không áp đặt, gia trưởng, đoàn kết dòng họ;
3.Thể lực có sức khỏe tương đối để làm việc họ;
4.Tài không quá khó khăn trong cuộc sống: có mưu tài chính ít nhiều phù hợp khả năng, không gò ép, không coi việc đóng góp cho họ như việc bổ thuế đầu người hay đầu họ mà tùy tấm lòng mọi người.
Nhân dịp này tôi bày tỏ lòng tri ân đến tiên tổ họ Mạc, biết ơn sâu sắc đến các ban liên lạc các tỉnh thành đã động viên chúng tôi cống hiến trí tuệ, tài năng cho dòng họ. Xin được cúi mình tưởng niệm các thành viên trong ban đã quy tiên về cõi vĩnh hằng cùng Tiên tổ như các cụ : Bùi Trần Chuyên, Thạch Văn Vĩnh, Thái Duy Thẩm, Lều Thọ Vực, Thái Văn Thẩm, Hoàng Xuân Nam, Cát Huy Dương, Phan Đăng Diêu, Phạm Hữu Thoại, Hoàng Xuân Nguyên, Hoàng Hữu Xứng, Hoàng Thúc Tuệ, Nguyễn Hữu Cầu, Vũ Tiến Liệu, Thái Hồng Lâm, Hoàng Công Hoán, Bùi Trần Trà, Lê Văn Thiện, Mạc Văn Minh. Và các cụ Mạc Văn Úc tức Nông Văn Quang (Cao Bằng), Phạm Văn Sênh (Bắc Giang), cụ Mạc Sơn tức Phan Đăng Dương (Thành phố Hồ Chí Minh), cụ Phan Văn Bao (Nam Định) bóng hình các vị vẫn hiển hiện trong mỗi chúng ta.
Thưa bà con dòng họ tông tộc đấy là huyết thống, dòng máu là giá trị văn hóa của một dòng họ. Đấy là tâm thức tâm linh hướng dẫn con cháu về lối sống đẹp, hợp sự tiến hóa của xã hội loài người và có giá trị vĩnh hằng tiếp nối ăn sâu vào từng con người, từng gia đình trải qua thế hệ này qua thê hệ khác.
Trách nhiệm của các thế hệ sau là phải nghiên cứu tìm và phát triển những giá trị vĩnh cửu từ lịch sử dòng họ làm định hướng. Từ giá trị văn hóa truyền thống của dòng họ mà mỗi người tự kỹ giải nghĩa đời mình, giải nghĩa gia đình mình mà ứng xử hợp lý trong cuộc sống rồi truyền cảm nhận thức cho muôn đời sau truyền thống tiếp nối : đời ông Kính lục Tổ-Tông, đời Bổ kính nghĩa, đời con kính mở mang. Như vậy là khách quan không mệnh lệnh, thô bạo, gia trưởng. Tùy trình độ khả năng và điều kiện cụ thể mà tái tạo cho đời sau đồng cảm với ông-cha-tổ tiên mà có bản lĩnh.
Tôi luôn mong cho con cháu họ Mạc ta luôn đoàn kết phát huy truyền thống tiên tổ, phát huy trí tuệ lòng nhân ái, các phẩm chất yêu nước thương dân, trung với Nước hiếu với dân góp phần làm rạng danh dòng họ xây dựng đất nước giàu đẹp văn minh.
VỊ TRẠNG NGUYÊN ĐỜI MẠC
VÀ CÁC VỊ KHOA BẢNG HỌ DƯƠNG
NGUYỄN KIM MĂNG
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Lạc Đạo là một trong năm xã của tổng Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc xưa (nay là thôn Ngọc, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Nơi đây là vùng quê văn vật, có truyền thống khoa bảng của xứ Kinh Bắc. Đúng như lời Phan Huy Chú nhận xét trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Kinh Bắc đó là nơi có mạch núi cao vót, nhiều sông vòng quanh, là mạn trên của nước ta. Phong cảnh thì phủ Bắc Hà, Lạng Giang là đẹp hơn cả. Văn học thì phủ Từ Sơn, Thuận An nhiều hơn. Mạch đất tốt tụ vào nên sinh ra nhiều danh thần. Vì là hồn khí trọng ở phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi”. Có lẽ chính vì lẽ đó, mà chỉ một dòng họ Dương cũng đã có tới 8 vị Tiến sĩ và 1 Trạng nguyên.
Theo gia phả của dòng họ cho biết năm Nhâm Ngọ (1642) hậu duệ của cụ là Dương Hoàng giữ chức Tả thị lang Bộ Công và Dương Hạo giữ chức Đô Ngự sử đã cùng nhau bàn bạc tôn cụ Trạng làm Thủy tổ. Như vậy, Dương Phúc Tư là vị Thuỷ tổ, đồng thời cũng là vị khai khoa đầu tiên của dòng họ Dương. Nhà Mạc từ niên hiệu Minh Đức năm Kỷ Sửu (1529) đến niên hiệu Hồng Ninh năm Nhâm Thìn (1592) mở tất cả 21 khoa thi, trong đó lấy đỗ 484 Tiến sĩ và 11 Trạng nguyên, thì Dương Phúc Tư là một trong 11 vị Trạng nguyên ít ỏi đó. Phần Khoa mục chí Phan Huy Chú cũng ghi: “Mạc Phúc Nguyên năm Vĩnh Định thứ nhất (1547) khoa Đinh Mùi lấy đỗ Tiến sĩ 30 người. Hội nguyên Nguyễn Thước người xã Nghĩa Lộ huyện Thanh Oai. Đình nguyên Trạng nguyên Dương Phúc Tư người xã Lạc Đạo, huyện Gia Lâm”.
Còn các tài liệu Đăng khoa lục và gia phả của dòng họ thì ghi: Cụ tên húy là Phúc Tư, tự là Nhuận Phủ, tên hiệu là Nột Trai. Khi nhà Lê khởi nghĩa, cử tế thần đến nơi cụ làm việc hỏi về việc nước, vua phế đế nhà Mạc, lấy cớ ấy giáng chức cụ. Từ đó cụ bỏ làm quan, dời nhà về xã Cổ Thiết, tỉnh Sơn Tây dạy học. Khi nhà Lê lên ngôi đón cụ ra giúp nước, cụ từ chối không nhận. Cứ mỗi khi có việc cần thiết, nhà Lê lại cử tế thần đến hỏi. Một thời gian sau cụ trở về làng, dạy học trò rất đông, có nhiều người làm nên như Trạng nguyên Phạm Tuấn đỗ khoa Bính Thìn (1556) cùng nhiều Tiến sỹ, Tú tài khác. Theo gia phả dòng họ chép: “Cụ mất ngày 29 tháng chạp năm Quý Hợi (1563) niên hiệu Chính Hòa thứ 6, mộ táng tại gò Mả Cả, hưởng thọ 59 tuổi. Cụ sinh được 4 con trai 3 con gái, về sau con cháu cụ làm các chức công, chức phụ, nên cụ được tặng thêm là Tự khanh Thiếu bảo. Di văn của cụ còn lại 1 bài văn đình đối và tập thơ Độc sử thi phả với số lượng khá nhiều là 180 bài, hiện đều đang được lưu giữ tại Thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Cụ trả lời bài sách vấn xuất sắc nên được vua khen: “Trả lời mọi câu đều thiết thực, đúng là một cây bút lớn. Đó chính là cái gọi là khi bậc chân nho ra đời thì đạo sẽ hanh thông từ trên xuống dưới”.
Trong thời đại Lê – Mạc khoảng 200 năm (từ 1547 – 1754), ngoài cụ tổ đỗ Trạng nguyên ra, trong dòng họ con cháu đời sau có nhiều đời cha con, anh em cùng đăng khoa. Nên trong các cuốn Đăng khoa lục khi chép về các Tiến sĩ họ Dương ở Lạc Đạo, sau những thông tin về tuổi, quê quán thường có dòng chữ”nhiều đời đăng khoa”. Đó là các Tiến sĩ:
Dương Thuần: đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1628) niên hiệu Vĩnh Hựu nhà Lê. Làm quan trải các chức Giám sát cấp sự đô, Cấp sự tự khanh thừa sứ, đến năm Ất Mùi được thăng Hữu Thị lang bộ Hộ, Thừa chính sứ Sơn Nam, thăng chức Tả thị lang Bộ Lại, tước Nho Lâm bá. Cụ là cháu của Dương Phúc Tư, cha của Dương Hạo.
Dương Hoàng: tên tự là Nhã Chính, tiểu danh là Trừng. Đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hòa (1637) đời Lê. Cụ là người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, vừa giỏi văn lại giỏi võ, cụ được cử đi quản lý quân ở Cao Bằng và Thuận Quảng, lập công lớn, được vua ban khen, sau khi mất được vua cấp tiền, lệnh cho nhân dân địa phương làm lễ mai táng. Cụ làm tới chức Tả thị lang Bộ Công, tước Thọ Lâm hầu, tặng là Thượng thư. Cụ là cháu của Dương Phúc Tư, là em Dương Thuần và là chú của Dương Hạo.
Dương Hạo: hiệu là Mẫn Giản, đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Canh Thìn, niên hiệu Dương Hòa (1640) đời Lê. Cụ làm quan trải qua nhiều chức: Giám sát Ngự sử Hải Dương, Thanh Hóa. Năm Ất Mùi thăng chức Hình khoa cấp sự trung, Đốc đồng Thanh Hóa, Hiến sát sứ tỉnh Nghệ An. Nhiều lần được cử đi giám sát các trường thi như Sơn Tây, Sơn Nam. Khi mất được vua sửa lễ phúng 250 quan tiền. Cụ là cháu đời thứ 6 của Dương Phúc Tư, là con của Dương Thuần, là cháu Dương Hoàng.
Dương Quán: đỗ Đồng Tiến sỹ, khoa Mậu Tuất (1718), niên hiệu Vĩnh Thịnh, đời Lê. Làm quan đến Giám sát ngự sử, là cháu đời thứ 6 của Dương Phúc Tư, là tằng tôn của Dương Thuần, cũng là cháu Dương Hạo, cùng hàng em với Dương Lệ.
Dương Công Thụ: đỗ Đồng Tiến sỹ khoa Tân Hợi (1731), niên hiệu Vĩnh Khánh đời Lê. Làm đến Tả thị lang Bộ Lại, tặng Thượng thư, tước Đạo Quận công. Cụ được bao phong là Phúc thần, gia tặng là “Văn ý Đoan chính, Thuần túy Khoa nhân, Nhã thực đức độ, Trung hòa uyên bác, Quảng hóa hoằng hiến, Hùng tài vĩ liệt, Thuận An Lạc Đạo đại vương”, hiện nay trên mộ của cụ vẫn còn một tấm bia thần đạo ca ngợi công lao của cụ, nội dung có đoạn: “…Nay cụ họ Dương tên huý là Thụ, hiệu là Nhu Độn, được ban tên thuỵ là Ôn Nhã, người xã Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, là cháu cụ Trạng nguyên, đỗ Tiến sĩ khoa Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh. Tiếng tăm tốt đẹp của cụ vang dội khắp nơi, cụ được nhiều lần cất nhắc. Sau lên tới hàm Kim tử vinh lộc đại phu, chức Nhập thị bồi tụng tả tư giảng, Hữu thị lang Bộ Lại, kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám, tước Đạo Phái bá. Cụ là người thân tín trong phủ chúa, được phân giúp đỡ Thế tử học tập trau dồi. Văn chương đạo đức của cụ đứng hàng đầu một thời. Nhà nghèo mà trách nhiệm thì nặng, cụ càng thêm gắng gỏi và chuyên cần. Cụ hưởng thọ 58 tuổi. Triều đình bàn định, phong cụ chức Tả thị lang bộ Công, truy phong chức Thượng thư bộ Công, tước Đạo Phái hầu”.
Dương Sử: tên thụy là Mẫn Đạt, đỗ Đồng Tiến sĩ, khoa Giáp Tuất (1754), niên hiệu Cảnh Hưng đời Lê, sinh năm Đinh Hợi (1707), 58 tuổi mất năm Giáp Thân (1764) ngày 14tháng 8, giữ chức Tự khanh đông các đại học sỹ, cụ là người học rộng văn tài, có học trò đỗ đạt. Thời đó có câu tục ngữ: “Dục tảo khoa danh cử, tất đãi Dương Sử công”, cụ là anh em của Dương Khiêm, anh em cùng đỗ một khoa.
Dương Trọng Khiêm: hiệu là Bình Tiết, tên húy là Đình, đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1754), niên hiệu Cảnh Hưng đời Lê. Từng giữ chức Thiêm đô ngự sử, sau đổi tên là Trọng Tế. Cụ là anh em với Dương Sử, anh em cùng đỗ một khoa.
Ngoài ra phần ghi chép về quan tước trong dòng họ có: Quận công 2, tước Hầu 9, tước Nam 2, tước Bá 9, tước Tử 3, Đại vương 3, Thượng thư 5, Thái phó 2, Thiếu phó 1, Thái bảo 2, Thiếu bảo 1.
Hiện nay, dòng họ vẫn giữ được ngôi nhà thờ của Trạng nguyên với tấm hoành phi “Trạng nguyên từ” cùng nhiều câu đối hay. Trong đó có đôi câu đối ca ngợi về sự nghiệp đỗ đạt của cụ Thủy tổ và các cụ trong dòng họ như sau:
“Tiên tổ Trạng nguyên, thanh thế công danh vang triều Mạc
Hậu sinh Tiến sĩ, lưu truyền khoa bảng hiển Dương gia”
Tạm dịch:
Tổ tiên Trạng nguyên, công lớn danh thơm, vang triều Mạc;
Con cháu Tiến sĩ, lưu truyền khoa bảng, rạng họ Dương.
Chúng tôi được ông trưởng họ cho biết, ngôi nhà thờ của các vị khoa bảng của dòng họ Dương ngày nay vẫn giữ được giá trị bảo tồn bảo tàng với nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như: Hoành phi, câu đối, các đồ thờ, các sắc phong, gia phả, bia đá, đặc biệt là ngôi mộ tổ của Trạng nguyên được dòng họ trông nom và xây dựng rất khang trang. Là người con của đất Lạc Đạo, nhiều thế hệ đời sau đều một lòng ngưỡng mộ cụ như tấm gương sáng về tài năng và đức độ. Hiện nay sở giáo dục huyện Văn Lâm đã quyết định lấy tên cho ngôi trường năng khiếu của mình là “Trường năng khiếu Dương Phúc Tư” đặt tại thị trấn Như Quỳnh. Theo chúng tôi được biết cuối năm 2005 dòng họ sẽ làm lễ kỉ niệm 500 ngày sinh của cụ trên quê hương Lạc Đạo, ngày đó sẽ quy tụ những người con của dòng họ Dương khắp trong Namngoài Bắc. Dòng họ cũng đang hoàn tất thủ tục xin xếp hạng ngôi từ đường và công nhận Dương Phúc Tư là danh nhân văn hóa. Chúng tôi thiết nghĩ, một dòng họ có truyền thống khoa bảng, với tài năng và sự cống hiến, cùng những gì dòng họ đang gìn giữ, thì Trạng nguyên Dương Phúc Tư xứng đáng được Bộ văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử và danh nhân văn hóa.
Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.433-437)
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006 (Phan Đăng Thuận ST).
SUY NGẪM – TÂM TÌNH
ĐẬM ĐÀ TÌNH CẢM GIA TỘC
Đầu tháng Sáu-2012 vừa rồi, GS Nhật đi hội thảo khoa học ở Thanh Hóa. Biết tin ấy một số bà con họ Mạc đề nghị với chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Thanh Hóa- ông Mạc Xuân Hiếu, tổ chức gặp gỡ, giao lưu với bác Nhật. Bác vui lòng nhận lời và thu xếp thời gian ngoài hội thảo để gặp bà con.
Tối ngày 6-6, bà con họp mặt ở nhà ông Hiếu. Một số người ở xa, cách 30 km cũng cũng kịp thời đến dự. Do vội vàng nên chỉ thông tin được 4 chi (Mạc Xuân, Hoàng Hữu, Hoàng Duy, Hoàng Văn) và đều có đại biểu. Phần đông lần đầu tiên gặp gỡ họ hàng các nơi hội tụ, vì từ lâu không liên lạc được với nhau, ví dụ như họ Hoàng Hữu, thị trấn Vạn Hà, Thiệu Hóa, mới biết đến Hội đồng Mạc tộc Thanh Hóa cách đây mấy tháng.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng , thấm tình ruột thịt.
Đặc biệt bà con sung sướng được nghe bác Nhật thuyết trình về truyền thống vẻ vang của họ, sự đóng góp to lớn của tổ tiên đối với lịch sử dân tộc. Ra về bà con hồ hởi . quyến luyến, cảm động, mong rằng có nhiều buổi tiếp xúc sung sướng và bổ ích như vậy./.
PHỤC THỦY TRỞ VỀ HỌ MẠC LÀ VIỆC NÊN LÀM
Hoàng Thế Hợi – CHLB Đức
Sau khi đọc xong bài viết của Giáo sư Tiến sỹ Phan Đăng Nhật về việc „ phục thủy „ họ Mạc tôi rất tâm đắc với bài viết này . Giáo sư Nhật đã phân tích cho chúng ta thấy rất rõ về những lý do mà các cụ tổ tiên của chúng ta phải thay tên , đổi họ để bảo tồn nòi giống và sự cần thiết phải trở về chính gốc họ Mạc của con cháu nhà Mạc sau này.
Với 65 năm ( 1527-1592 ) trị vì nước Đại việt, kinh thành Thăng long là thủ đô lúc đó . Sau đó nhà Mạc chuyển lên Cao bằng tiếp tục trị vì phía bắc Việt nam 80 năm nữa .Đó là cả một quá trình lịch sử oai hùng của nhà Mạc . Dưới thời nhà Mạc , kinh tế Việt nam phát triển mạnh , đời sống người dân lúc bấy giờ rất no đủ . Thương mại , sản xuất phát triển tột bậc , gốm Chu đậu là sản phẩm của thời Mạc . An ninh trật tự thời Mạc vô cùng nghiêm . Sử sách có ghi rằng : „ vào thời Mạc nhà dân không cần khóa cửa , trâu bò , súc thả ngoài đồng không hề bị mất trộm ….“.Văn hóa phát triển , đặc biệt nhà Mạc cho mở rất nhiều khóa thi tiến sỹ , trạng nguyên để tuyển chọn nhân tài …
Trong lịch sử Việt nam có nhiều triều đại , lúc thịnh ,lúc suy là qui luật của lịch sử . Nhà Mạc cũng không tránh khỏi điều đó . Đặc biệt đối với nhà Mạc là những cuộc chiến tranh với quân Lê – Trịnh vô cùng tàn khốc . Quân Lê Trịnh nhiều lần đã bị quân nhà Mạc đánh cho tan tác , thua đau nên sự thù hận đối với nhà Mạc là vô cùng lớn . Lợi dụng thời cơ nhà Mạc suy yếu , Trịnh Tùng đã đem quân đi đánh nhà Mạc . Lúc đó hoàng đế Mạc Mậu Hợp đã nhường ngôi cho con trưởng là Mạc Toàn và ngài đích thân chỉ huy quân sỹ chiến đấu với quân của Trình Tùng . Lực lượng của Trịnh Tùng lúc đó quá đông , cuộc chiến không cân sức . Cuối cùng Trịnh Tùng đã chiến thắng . Vì thù hận nhà Mạc từ lâu nên Trịnh Tùng đã cho truy diệt con cháu nhà Mạc để trả thù . Ngày 23 tháng 2 năm 1593 Trịnh Tùng đã cho giết 2000 người họ Mạc , đặc biệt có làng đã bị quân Trịnh bao vây kín lúc nửa đêm và giết sạch tất cả dân trong làng trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em . Đó là làng Hậu tái ở Quỳnh Phụ , Thái bình . Trước sự tàn sát như vậy , để bảo tồn nòi giống, các cụ tổ tiên của chúng ta đã phải lẩn tránh và thay tên , đổi họ để tồn tại . Và thực tế cho đến ngày nay con cháu nhà Mạc vẫn tồn tại với nhiều họ khác nhau nhưng đều có nguồn gốc Mạc tộc .
Ngày nay , dưới ánh sáng đổi mới của Đảng và nhà nước . Triều đại nhà Mạc đã được nhà nước Việt nam công nhận và tôn vinh . Cụ thể là Phó chủ tịch nước Nguyễn thị Doan và Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng đã đến dâng hương tưởng niệm các Hoàng đế nhà Mạc tại khu tưởng niệm vương triều Mạc ở Cổ trai – Hải phòng .
Các nhà Sử học đã có nhiều nghiên cứu đánh giá khách quan, công bằng về nhà Mạc; Nhà nước đã chính thức công nhận những đóng góp của vương triều Mạc trong lịch sử dân tộc. Chúng ta có quyền tự hào về nguồn gốc tổ tiên và không cần phải „ mai danh ẩn tích nữa . Chúng ta cần “phục thủy„ theo di chúc của tổ tiên .
Tứ bách niên tiền chung phục thủy
Thập tam thế hậu dị nhi đồng .
Tất nhiên, theo pháp luật chúng ta không thể trở lai họ Mạc một cách dễ dàng . Nhưng chúng ta có thể theo cách của giáo sư Nhật là thêm chữ Mạc vào cạnh họ mình đang dùng để đánh dấu mình là có dòng dõi của vương triều Mạc ,thí dụ như: Phan Mạc đăng Nhật, Thái Mạc khắc Việt, Hoàng Mạc văn Dũng …. Làm như vậy hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến vấn đề Tư pháp. Theo tôi, nếu Mạc tộc trung ương đã thống nhất và đưa ra nghị quyết thì từ nay về sau tất cả các trẻ em sinh ra thuộc gốc Mạc đều ghi thêm chữ Mạc sau họ mình đang dùng, thí dụ Hoàng Mạc văn A, Phan Mạc thị B… vv…
Tôi thấy cách làm như trên không ảnh hưởng gì đến vấn đề tư pháp và chúng ta có thể làm được một cách dễ dàng , có ý thức” . Và như vậy một phần nào chúng ta đã phục thủy về họ Mạc được rồi, đúng với mong ước của Tổ tiên.
Berlin, ngày 06/06/2012
CUỘC SĂN TÌM KHO BÁU HỌ MẠC NỔI TIẾNG TRONG LỊCH SỬ
(Nguoiduatin.vn) – Đến nay nhiều người dân Hà Tiên vẫn thuộc lòng chuyện viên tỉnh trưởng Hà Tiên suýt chết vì dám mạo phạm khu lăng mộ họ Mạc để tìm kho báu.
Đầu thế kỷ XX, Việt Nam dưới quyền cai trị của chế độ Thực dân Pháp, đứng đầu tỉnh Hà Tiên là viên Chánh Tham Biện Roux Serret, một người cực kỳ am hiểu Hà Tiên và lịch sử dòng họ Mạc. Họ Mạc xuất thân từ Trung Quốc nên viên quan Pháp này suy luận rằng, khối tài sản khổng lồ đó được dấu không nơi nào khác ngoài những khu mộ của dòng họ Mạc.
Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp bắt đầu đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa. Hà Tiên lúc bấy giờ giao thông đường bộ còn khó khăn, nhiều đầm phá thấp trũng. Với chủ trương mở đường phục vụ cho công cuộc khai thác và bóc lột, viên quan Pháp nhân cớ làm đường hắn đã đưa núi Bình San, nơi có khu lăng mộ của họ Mạc vào dự án đào đất. Tư liệu của họ Mạc từ lời kể của cụ Thiềm Văn Tường, con rể ông Mạc Tử Khâm (ông mất tháng 7 năm 1988) ghi lại rằng: thời đó (1911) người Pháp nổ lực đắp đường, xây lộ trong tỉnh lỵ Hà Tiên, viên Tỉnh trưởng trực tiếp đốc thúc công trình đào ao lấy đất và phá núi (núi Bình San ngày nay) lấy đá làm đường….
Những khối đất, đá ở núi Bình San bị viên quan tham chỉ đạo công nhân hùng hục đào ngày đêm, khi đến khu mộ bà Hiếu Túc Thái Phu Nhân (vợ cả Mạc Thiên Tích) thì đất đá rất cứng. Viên quan Pháp đưa tù khổ sai đến phá cho bằng được. Nhưng khi mở được khu hầm mộ, số tài sản trong kho báu mà tên tham quan này dự đoán cũng chỉ là một vài cái trâm cài tóc, vòng trang sức đeo tai, cổ của nhà Phật…ít giá trị. Thất vọng, hắn liền đem trả những đồ này lại cho con cháu họ Mạc để che giấu âm mưa, đồng thời ra lệnh di chuyển mộ bà Hiếu Túc Thái Phu Nhân về khuôn viên khu mộ dòng Mạc (nay nhìn từ trên xuống cách mộ Mạc Cửu khoảng 20 m, nằm bên phải).
Sau đó, người dân tương truyền rằng viên quan Pháp đã bị tiền nhân nổi giận trả thù. Trong tài liệu của nhà ngiên cứu Trương Minh Đạt ghi lại sự kiện này như sau: Mấy ngày sau y cưỡi ngựa đi thăm công trường thi công ở núi Bình San, khi đến khu lăng họ Mạc thì một cơn dông bất chợt ập đến, sấm sét mưa gió ầm ầm nổi lên. Sợ quá viên quan Pháp vội nép ngựa vào một gốc phi lao lớn nhất, cạnh lăng họ Mạc. Đang ngồi trên lưng ngựa trú mưa, bỗng một tiếng sét dữ dội đánh xoẹt trúng ngay cây phi lao nơi y đứng làm cành cây gãy xuống, đè ngay cửa tam quan bên phải của lăng. Một nhánh phi lao rơi trúng ngay con ngựa của y, làm nó giật mình lồng lên hí một hơi, hất tung viên quan Pháp rơi xuống đất và bị thương nặng.
Sự việc này xảy ra chỉ sau ít ngày mộ của bà Mạc Thiên Tích bị cạy phá, khiến viên quan hết sức hoang mang và tin rằng hắn đã khuynh động đến lời nguyền của tiền nhân. Ngay sau khi bình phục hắn vội làm lễ khấn vái, tạ lỗi rồi cho các thợ xây làng Mỹ Đức (nay xã Mỹ Đức) gần đó đến xây bít kín cổng tam quan bên trái, nay vẫn còn dấu tích. Cũng từ đó viên quan Pháp không dám bén mạng đến khu lăng linh thiêng này nữa, tất nhiên công trình đào đất ở núi Bình San cũng dừng ngay sau đó. Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt nói thêm, hàng phi lao mang dấu tích nổi giận của tiền nhân xưa nằm ngay trước khu mộ họ mạc, thuở bé ông và đám bạn vẫn hay ra hóng mát, nhưng qua biến động thời gian nay không còn nữa.
HÙNG KHÍ CỦA CÁC VỊ HOÀNG ĐẾ NHÀ MẠC
Phạm Kim Tuấn
1. Vài nét về những hùng khí của các vị hoàng đế nhà Mạc cùng tôn thất Mạc.
a) Thời kỳ ở Thăng Long
Cuối thời Lê sơ, nguyên khí nhà Lê đã hết, vua tôi bị dân oán ghét, giặc giã nổi lên khắp nơi chống lại triều đình. Với bối cảnh lịch sử lúc đó (cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI), xã hội loạn lạc, thiên tai lụt lội, mất mùa xảy ra quanh năm, dân tình đói kém liên miên, các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi, các phe phái đánh giết lẫn nhau, triều đình thối nát vơ vét của cải, lao dịch của nhân dân giờ đã không thể kiểm soát nổi. Lúc đó Mạc Đăng Dung nổi lên từ một đô võ tướng đánh dẹp bốn phương, lòng người hướng về. Năm 1527, Mạc Đăng Dung lên ngôi Hoàng Đế là thuận đạo trời, hợp lòng người…
Thái Tổ Mạc Đăng Dung đã gánh vác vận mệnh đất nước, chèo lái con thuyền trong cơn bão táp để củng cố vương triều, lập lại kỷ cương xã tắc, an dân trăm họ….
Năm 1530, Thái Tổ nhà Mạc truyền ngôi cho con trưởng là Thái Tông: Khâm Triết Văn Hoàng Đế Mạc Đăng Doanh (1530 – 1540) lên làm Thái Thượng Hoàng. Các hoàng đế kế tiếp: Hiến Tông Hiển Hoàng Đế Mạc Phúc Hải (1540 -1546); Tuyên Tông Anh Nghị Hoàng Đế: Mạc Phúc Nguyên (1546 – 1562); Mục Tông Hồng Ninh Hoàng Đế Mạc Mậu Hợp (1562 – 1592); Cảnh Tông Thành Hoàng Đế Mạc Toàn (1592 -1593)…
Trong thời gian trị vì đất nước của các vị vua Mạc, nhân dân còn truyền tụng so với thời vua Nghiêu, vua Thuấn ở Trung Quốc: “những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi, tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ôn”[1]. Bởi vây, Nhân dân có câu ca dao:
“Đời vua Thái Tổ, Thái Tông
Đất nước thái bình dân dễ làm ăn”
Vận nước thịnh rồi suy đó là lẽ trời.
Thánh nhân có câu:
Mặt trời lên đến đỉnh đầu thì xế
Trăng đầy thì khuyết
Sự vật thịnh thì suy.
Đấy là lẽ thường của trời đất.
Nhà Mạc có lẽ cũng theo vận trời mà mất dần nguyên khí. Trong thời gian trị vì làm vua cả nước tại Thăng Long, nhà Mạc nhiều Vua chết sớm, vua mới nối ngôi còn nhỏ, triều đình tang tóc chưa ổn định tập đoàn chúa Trịnh nổi lên dựng vua Lê làm danh nghĩa bắt đầu đánh nhau với nhà Mạc với khẩu hiệu “Phù Lê, diệt Mạc”…
Nhà Mạc có những tướng văn võ toàn tài, khí tiết, anh hùng, ví như Quản Trọng, Nhạc Nghị bên Trung Quốc. Đó là Khiêm Vương Mạc Kính Điển.
Mạc Kính Điển là con thứ ba của Thái tông Mạc Đăng Doanh, là em của Hiến Tông Hiển Hoàng Đế Mạc Phúc Hải. Hiến Tông mất, ngài là chú làm phụ chính cho vua mới nối ngôi. Ấu chúa còn nhỏ là Tuyên Tông Anh Nghị Hoàng Đế: Mạc Phúc Nguyên mới lên 6 tuổi. Dẹp loạn nội chiến Phạm Tử Nghi trong 6 năm. Thời gian này, tập đoàn Trịnh Lê lớn mạnh, chiến tranh nam bắc liên miên. Tuyên Tông hoàng đế Mạc Phúc Nguyên mất, ấu chúa Hồng Ninh hoàng đế Mạc Mậu Hợp mới 2 tuổi, lên nối ngôi. Khiêm Vương tiếp tục phụ chính. Về sau, Phụ chính Khiêm Vương Mạc Kính Điển mất, nguyên khí nhà Mạc kém dần, quân Nam triều lớn mạnh, nhà Mạc không có người thay thế xứng đáng Khiêm Vương Mạc Kính Điển. Năm 1592 Vua Mạc Mậu Hợp truyền ngôi cho con cả là: Mạc Toàn, thân chinh làm tướng thống lĩnh ba quân, dàn trận đánh nhau với quân Trịnh. Quân Mạc thua phải rút về Bắc Giang, Thăng Long thất thủ.
Cảnh Tông Thành Hoàng Đế Mạc Toàn lúc bấy giờ đang ở Kim Thành, Hải Dương nghe tin cha bị vây hãm ở Thăng Long bèn đem quân về cứu giá. Gặp quân Trịnh đông gấp bội lần, dòng dã nhiều ngày trời… cuối cùng quân ít lực mỏng, ngài đã anh dũng hy sinh tại bến Thảo Tân nay thuộc Kinh Môn – Hải Dương khi chưa đầy 20 tuổi.
Mẫn Tông: Trinh Hoàng Đế Mạc Kính Chỉ. Ngài là con cả của Khiêm Vương Mạc Kính Điển, Khi biết Mục Tông Hồng Ninh Hoàng Đế Mạc Mậu Hợp đã mất, ngài ở Đông Triều thu thập số quân còn lại chiếm xứ Thanh Lâm (nay là Nam Sách – Hải Dương) lên ngôi Hoàng đế ở Nam Giản thuộc Chí Linh Hải Dương và lấy niên hiệu là Bảo Định (1592) rồi đổi là Khang Hựu (1593).
Các tôn thất nhà Mạc gồm vài trăm người hưởng ứng, văn thần, võ tướng lại đến quy phục, quân sĩ đông đảo, chính sự uy nghiêm, đánh bại quân Trịnh lấy được vùng Hải Dương đến Bắc Ninh, Thanh thế lẫy lừng. Quân Trịnh dùng toàn lực phản công. Ngài dàn trận đánh nhau với quân Trịnh dòng dã nhiều tháng trời, quân đội mới tập hợp chưa có sự huấn luyện chống lại quân Trịnh đông gấp bội và thiện chiến. Cuối cùng ngài thế cô lực mỏng chiến đấu đến hơi thổ cuối cùng, không bao giờ chịu đầu hàng quân Trịnh. Ngài đã anh dũng hy sinh trên chiến trường để lại khí tiết ngàn thu.
b) Thời kỳ định đô ở Cao Bằng.
Đại Tông Linh Hoàng Đế: Mạc Kính Cung. Là em thứ 7 của Hoàng đế: Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Chỉ mất, ngài lên ngôi và lấy hiệu là Càn Thống. Ngài trấn giữ cả vùng rộng lớn từ sông Nhị Hà trờ về Bắc, cả vùng Trung du, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn. Các tướng lĩnh về tập hợp, Nhân dân đi theo rất đông. Ngài trấn chỉnh kỷ cương mọi mặt, an phục nhân tâm mở trường dạy học, mở khoa thi, thu nạp nhân tài, khuyến khích phát triển nông tang, mở các ngành nghề, đường xá chợ búa, thương mại phát đạt, chiêu binh mãi mã. Luyện tập quân đội tề chính uy nghi. Sửa sang thành trì, đắp nhiều thành nhỏ ở nơi hiểm yếu làm thế ỷ dốc (tiến thoái lưỡng tiện). Giảm sưu thuế, phạt nặng quan tham, vua tôi hòa đồng với nhân dân.
Sự nghiệp đó, nhằm đặt đế nghiệp lâu dài vững chắc ở Cao Bằng, khi thời cơ đến sẽ lấy Thăng Long thu phục cả nước như thời khai sang triều Mạc vậy. Ngài trấn chỉnh binh mã, ngày đêm luyện tập, chí khí hiên ngang, đánh đông dẹp bắc, nhiều lần đánh Thăng Long và 2 lần đã lấy được Thăng Long… Vì quân Trịnh quá mạnh, để bảo toàn lực lượng ngài cho quân rút về Cao Bằng. Nay dọc đường tiến quân của ngài từ Cao Bằng. Lạng Sơn tiến trên đỉnh núi Sóc Sơn vẫn còn đường to rộng mà dân địa phương vẫn gọi là đường nhà Mạc, dân truyền rằng: Mạc tiến quân, đầu quân cấy lúa, hậu quân đến nơi thì gặt lúa. Điều đó chứng tỏ quân đội của ngài kỷ luật nghiêm minh, không xâm phạm của dân, và ngài truyền cho binh sỹ ý chí sắt đá. Quyết chiến đấu để cứu dân cứu nước đến cùng. Có lần đại quân của ngài đánh chiếm Thăng Long, quân Nam triều quá mạnh nên ngài cho rút quân để bảo tồn lực lượng, quân Trịnh ào ạt đuổi theo đến Sóc Sơn, có 18 vị quận công cùng vài trăm binh sĩ cảm tử để chặn hậu, quân Trịnh kéo đến đông hơn chục vạn bao vây tứ phía, 1 chọi với 100, các vị quân công chiến đấu kiên cường trong nhiều ngày để chặn quân địch lại cho đại quân rút lui. Cuối cùng, các ngài cùng đội quân “chặn hậu”, bị dịch vây hãm, đã cùng nhau tuẫn tiết, khí phách anh hùng của các ngài sử xanh còn ghi. Nơi các ngài hy sinh, dân địa phương đã lập đền thờ 18 vị quận công chí khí hiên ngang anh dũng (nay là đền Quan Quận ở thôn Thanh Hà, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Càn Thống Hoàng đế chiến đấu hiên ngang từ (1593 – 1625) chiến tranh liên miên với quân Trịnh.
Phải nói thêm rằng, Nguyễn Hoàng là con Nguyễn Kim sợ bị Trịnh Kiểm giết chết như anh là Nguyễn Uông, nên đã xin đi trấn thủ phương nam. Tôn thất nhà Mạc có Mạc Cảnh Huống, Mạc Thị Giai, Mạc Thị Lâu về với chúa Nguyễn, Mạc Cảnh Huống trở thành Thừa Tướng khai Quốc công thần của chúa Nguyễn, đánh Chiêm Thành, mở mang bờ cõi nước ta về phía nam. Mạc Thị Giai trở thành hoàng hậu của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Mạc Thị Lâu trở thành vợ của đại thần chúa Nguyễn. Các ngài đều có công góp phần mở mang bờ cõi nước ta rộng dài như ngày nay.
Đến năm 1625 Hoàng đế Càn Thống dàn trận đánh nhau với quân Trịnh, quân Trịnh đông và mạnh ngài đã anh dũng hy sinh để lại tiết khí ngàn thu.
Quang tổ Nguyên Hoàng Đế: Mạc Kính Khoan.
Ngài lên ngôi năm (1623 – 1638) Hiệu là Long Thái. Ngài là cháu nội Khiêm vương: Mạc Kính Điển, gọi Đại Tông Hoàng đế: Mạc Kính Cung là chú. Ngài thông hiểu binh pháp lấy nhu thắng cương, lấy ít địch nhiều. Vì quân đội trong tay ngài quá ít so với quân Trịnh Lê, ngài cho binh sĩ tập luyện tinh nhuệ chờ thời cơ thu phục Thăng Long và cả nước. Năm 1623 Trịnh Tùng ốm yếu, Trịnh Tráng nối nghiệp chúa, Trịnh Xuân nổi loạn đem quân đánh phủ chúa. Kinh thành rối loạn, ngài từ Cao Bằng đem quân về vây chặt kinh thành, Trịnh Tráng đánh mạnh, ngài lại phải rút quân về Cao Bằng.. Ngài dâng biểu giả vờ đầu hàng Lê Trịnh, nhưng vẫn là Hoàng đế nhà Mạc nhẫn nhịn ở Cao Bằng để đợi thời cơ. Năm mậu dần 1638, Ngài mất ở Cao Bằng. Trong thời gian trị vì, ngài mở trường học và nhiều khoa thi, lấy được nhiều tiến sỹ, tuyển chọn nhiều nhân tài cho đất nước.
Minh Tông Khai Hoàng Đế: Mạc Kính Vũ. Ngài lên ngồi năm (1638 – 1677) ngài là con trưởng Mạc Kính Khoan, lấy hiệu là Thuận Đức. Ngài cho tập duyệt quân đội, sắc lệnh rõ rành, thưởng phạt nghiêm minh, chiêu binh mãi mã. Mở nhiều khoa thi tuyển chọn nhân tài. Trong các khoa thi có trạng nguyên: Nguyễn Thị Duệ là nữ trạng nguyên đầu tiên và duy nhất tại nước ta. Giảm nhẹ sưu thuế, mở cửa thông thương mại với Trung Quốc, tự do sản xuất đồ mỹ nghệ, khuyến khích nông nghiệp, nhân dân được mùa phấn khởi, dân giàu nước mạnh, ngài lại tuyên chiến với quân Trịnh Lê. Ngài là vị vua anh minh cả trong nước và trên chiến trường. Chiến đầu dòng dã 40 năm khi thắng tiến xuống phía nam, khi bại thì lùi về cố thủ căn cứ. Ngài giúp lương thực cho Ngô Tam Quế (Tổng đốc lưỡng Quảng người Hán). Ngô Tam Quế đánh nhà Thanh thất bại. Nhà Thanh thù ngài đã giúp Ngô Tam Quế làm phản nên cho quân áp sát biên giới để đánh ngài. Quân trịnh cho đại tướng Đinh Văn Tả kéo đại quân đánh Cao Bằng năm 1677. Ngài truyền ngôi cho con là Mạc Kính Chửu (còn dịch là Hỷ) tức là Quý Tông Huệ Hoàng Đế: Mạc Kính Chửu (Hỷ). Hoàng đế Kính Chửu chống lại đại quân Đinh Văn Tả tại thành Nà Lữ đến năm 1682 thì truyền ngôi cho em là Đức Tông Độ Hoàng Đế: Mạc Kính Nghi (tức Tiêu). Hoàng đế Kính Nghi tiếp tục chống lại quân Đinh Văn Tả từ năm (1682 – 1685) bị quân Thanh ép sang và 1 bên là quân Trịnh theo thế gọng kìm, Mạc Kính Nghi cho quân giải giáp khí giới dần dần không bị tiêu hao sinh lực. Nhà Mạc từ đó mới hết.
Một giả thuyết có nhiều cơ sở cho rằng, Minh Tông Khai Hoàng Đế: Mạc Kính Vũ sau khi truyền ngôi cho con, ngài xuôi sông Hồng về ngã ba sông Việt Trì, vùng Bạch Hạc. Ngài và một số nghĩa quân theo về tụ hội, chiêu binh mãi mã ở vùng Lập Thạch, Tuyên Quang nơi đồn trú của nhà Mạc huấn luyện binh mã tinh nhuệ, ngày nay nơi đó vẫn còn đọc tên nơi quân Mạc tập trận như: Đồng trò, đồng Trận, đồng Ta, đồng Địch, và Lũy tre gai góc dày đặc mà con mèo còn không qua được là nơi đóng binh đại bản doanh quân Mạc.
Ngài truyền ngôi cho con là Mạc Kính Chửu (Hỷ) giữ thành Nà Lữ để kìm chân đại quân Trịnh do Đinh Văn Tả chỉ huy. Còn ngài về ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì) tập hợp để đánh úp Thăng Long. Nhưng vận nước đã thay đổi nguyên khí nhà Mạc thời đó đã suy yếu, đành án binh bất động, trời không chiều lòng người. Về sau ngài mất tại đó…
Dù chính sử không hi đầy dủ, nhưng khí tiết anh hùng, dũng mãnh, hiên ngang của các vị hoàng đế và quan quân nhà Mạc còn lưu mãi trong dân gian đến ngày nay.
2. Những cống hiến cho đất nước:
- Về Kinh Tế:
-Nhà Mạc cởi mở tự do dân chủ. Sản xuất cho lấy tên thương hiệu tên người chủ sản xuất ra mặt hàng (nên có sức cạnh tranh và chất lượng, chữ tín…)
-Nông nghiệp: khuyết khích nông tang, đắp đê điều, giảm nhẹ sưu thuế, nhiều ruộng đất chia cho dân làm chủ….
-Thương mại xây dựng Dương Kinh – kinh đô đầu tiên hướng ra biển thông thương hàng hóa với nước ngoài, tự do tôn giáo tín ngưỡng.
- Về Chính Trị:
-Xây dựng nhiều trường học trong cả nước, mở nhiều khoa thi tuyển chọn nhân tài, có những trạng nguyên nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải,..v..v…
-Luật pháp nghiêm minh nới lỏng với nhân dân nhưng xử nặng với quan lại bóc lột của dân.
-Sửa sang đường xá, cầu cống, khắc phục thiên tai…
- Về Quân Sự:
-Quân kỷ nghiêm minh,
-Không xâm phạm của dân,
-Quân đội vừa cấy lúa làm nông nghiệp vừa chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
- Về Ngoại Giao:
-Mềm mỏng, khôn khéo trong ngoại giao nhưng cương quyết và cứng rắn trong bảo vệ Tổ quốc;
-Như bài Vịnh Bèo của Trạng nguyên Giáp Hải làm quân thù phải nể sợ v..v…
- Về khí tiết
-Các vị hoàng đế nhà Mạc quyết hy sinh trên chiến trường chứ không chịu đầu hàng. Công chúa nhà Mạc là Mạc Cao Tiên, Mạc Thị Tiên Dung, Mạc Tuyết Lan khi bị quân Trịnh bắt, quyết hy sinh để giữ trọn tử tiết và không chịu làm con tin để quân Trịnh ép điều kiện với quân mình. Các bà đã nhảy xuống sông Tuẫn Tiết thật khí phách anh hùng (Hiện ở Cao Bằng còn đền thờ công chúa Mạc Cao Tiên nơi bà tuẫn tiết) 18 vị quận công đã tuẫn tiết khi đã chặn đường tiến của quân Trịnh (đền thờ quan quận ở: Thôn Thanh Hà, Nam Sơn, Sóc Sơn, HN) Thật là những tấm gương khí tiết, kiên trung.
- Về Văn Hóa
-Ở Cao Bằng hiện còn hội LònTòng, vua đi cầy ruộng cùng dân thật là thương dân, gần dân….
-Hội Nàng Hai: do công chúa Mạc Tuyết Lan khởi dựng còn tồn tại đến ngày nay;
-Hát then giao thoa văn hóa giữa người Kinh và Tày của Công chúa Mạc Tuyết Lan sang tác, đến nay đang được trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể..v..v…
- Tổng Kết
– Công lao nhà Mạc với đất nước 65 năm ở Thăng Long và đặc biệt là thời gian hơn 80 năm định đô tại Cao Bằng là rất lớn lao, chưa nghiên cứu, đánh giá hết đươc;
– Mọi vấn đề kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, ngoại giao, chính trị, tôn giáo tín ngưỡng .v.v.. đều được phát triển rực rỡ, tự do, cởi mở như đã nói sơ lược ở trên;
– Điều quan trọng nhất là Mạc Trịnh giao tranh, phía Nam là chúa Nguyễn, đất nước chia ba, thành thế chân vạc. Nhà Mạc Cao Bằng cầm chân chúa Trịnh để chúa Nguyễn có thời gian rảnh tay mở đất nước về phương Nam. Cùng với chúa Nguyễn có Mạc Cảnh Huống (là con của vua Mạc Đăng Doanh) ngài là công thần hàng đầu nhà Nguyễn, thống lĩnh 3 quân mở rộng đất nước vào đàng Trong. Quận chúa Mạc Thị Giai là Hoàng Hậu của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, công chúa Mạc Thị Lâu là vợ của đại tướng chúa Nguyễn (2 bà là cháu của Cảnh Huống theo chú vào đàng Trong)
– Công lao, nhà Mạc không chỉ 65 năm ở Thăng Long mà thời kỳ Cao Bằng đối với dân với nước là rất lớn. Văn hóa giao thoa tày kinh. Nhà Mạc cầm chân nhà Trịnh cho chúa Nguyễn cùng tôn thất mở mang bờ cõi phương Nam để đất nước ta được dài rộng như ngày nay.
[1] Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội-1978, tr 276.
THI THƠ “HƯỚNG VỀ NGUỒN CỘI”
Nửa năm nhìn lại
(Sơ kết 6 tháng cuộc thi thơ “Hướng về nguồn cội”)
Vậy là đã qua 6 tháng kể từ khi cuộc thi thơ “Hướng về nguồn cội” được phát động trên trang Web Mactoc.com của Hội đồng Mạc tộc VN. Với mục đích cụ thể của cuộc thi là:
– Để ghi nhớ công ơn Tiên tổ, tôn vinh và tự hào về thành quả của Mạc tộc trong những năm qua, phát huy tinh thần của Đại hội đại biểu Mạc tộc Việt Nam lần thứ nhất (6/11/2011), tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng Mạc tộc nhận thức và tình cảm “Hướng về nguồn cội, đoàn kết, phát triển cộng đồng Mạc tộc”…;
– Để anh em con cháu trong dòng tộc sau mấy trăm năm ly tán, nay mới quy về một mối có điều kiện chia sẻ tâm tình, biểu lộ cảm xúc suy tư, nói lên tâm nguyện của mình với bà con đồng tộc và bạn bè…
Về nội dung, yêu cầu của cuộc thi là:
Viết về tâm tư, tình cảm và sự tri ân Tiên tổ; về tất cả những gì thể hiện được nguyện vọng và tinh thần đoàn kết, phấn đấu cho sự phục hưng và kết nối dòng tộc. Đồng thời có thể viết về tình yêu quê hương đất nước, về sự đoàn kết giữa các dòng tộc …
(Trích Thể lệ cuộc thi thơ “Hướng về nguồn cội”) Tổ chức cuộc thi là một việc làm hoàn toàn mới mẻ, đồng thời cũng là một làn gió mới khơi gợi tinh thần hướng về nguồn cội, hướng về dòng tộc của mọi thành viên trong cộng đồng Mạc tộc và của bè bạn gần xa. Vì trang web còn mới, chưa có lượng độc giả lớn, vì số người làm thơ trong cộng đồng Mạc tộc không phải là nhiều, lại vì thời gian phát động cũng chưa dài lắm nên số lượng tác giả và số bài dự thi còn rất hạn chế. Cho đến hết tháng 6/2012 chúng tôi mới chỉ nhận và đưa lên trang web được 81 bài thơ của 33 tác giả. Tác giả có bài dự thi sớm nhất là Phạm Ngọc Thìn (Nghệ An) đã gửi bài từ ngày 2/1/2012, nghĩa là 1 ngày sau khi cuộc thi chính thức bắt đầu.Tác giả gửi nhiều nhất là 6
bài (Xuân Liêu, Ninh Bình). Các địa phương có số tác giả tham gia dự thi nhiều nhất là Hải Dương (9 tác giả) Ninh Bình (8 tác giả) và Nghệ An (6 tác giả). Tác giả nhiều tuổi nhất là cụ Hoàng Văn Tụng (88 tuổi) ở Hoa Lư, Ninh Bình. Tác giả trẻ nhất có lẽ là Nguyễn Văn Quang (22 tuổi) ở Hà Nam. Cụ Mạc Bùi Nguyễn Long ở Cao Bằng gửi khá nhiều những khổ thơ ngắn theo dạng nhật ký thơ.
-Về Nội dung: Đây là trọng tâm của cuộc thi. Là một cuộc thi thơ nên cả nội dung và nghệ thuật đều quan trọng, nhưng do đặc thù riêng của cuộc thi nên chúng tôi coi phần nội dung có nặng hơn. Khi đánh giá kết quả mỗi bài thi chúng tôi coi phần nội dung chiếm tỷ lệ là 6/10, còn phần nghệ thuật là 4/10. Đa số bài dự thi đã viết về dòng tộc mà cụ
thể là viết về các bậc tiên tổ, về nguồn cội, về nguyện vọng thiết tha “chung phục thủy”, về Long Động, Cổ Trai, nơi mà trái tim của tất cả cộng đồng Mạc tộc luôn hướng tới. Đó là điều cần nhất và cũng là kết quả tốt nhất mà cuộc thi đã mang lại. Cũng có một số bài viết về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa. Nói chung đa phần bài dự thi
là phù hợp với chủ đề cuộc thi. Có một vài bài hơi xa lạc chủ đề nhưng không đáng kể.
–Về nghệ thuật thể hiện: Các bài dự thi được viết ở nhiều thể loại và chúng tôi chấp nhận tất cả như nhau. Tuy vậy khi xét về mỗi bài thì nếu tác giả đã chọn thể loại nào thì phải nghiêm túc xử lý theo luật của thể loại đó. Thí dụ nếu đã viết theo thể Đường luật thì phải đúng niêm luật, nếu viết lục bát thì tối thiểu cũng phải đúng vần. Viết không đúng luật sẽ bị hạ điểm. Tác giả nào không am hiểu luật thì có
thể viết theo thể tự do. Cái cần nhất là thơ phải có “tứ”, có hình tượng và thể hiện nội dung bằng nghệ thuật ngôn ngữ. Có một số câu thơ được chắt lọc, khá hay. Xin dẫn ra đây vài thí dụ:
Con về quê tổ Hải Dương,
Mênh mang Đa Độ còn thương cánh bèo.
(Nhớ Dương Kinh – Hoàng Văn Đính, NA)
Mênh mang bến Lục trăng pha ngọc
Uốn lượn sông Kinh nước đổi dòng
(Quê trạng, Nguyễn Văn Diệp, HD)
Ấm lòng tay nắm trong tay
Cười mà đôi mắt tràn đầy lệ rơi
(Chung một mái nhà, Mạc Đăng Ưng, HD)
Tày – Kinh…bao tộc đều chung tổ
Nông – Phạm…trăm chi hóa một dòng
(Viếng thăm đền Mạc Đăng Dung, Nguyễn Văn Diệp, HD)
Con lớn lên đi bộ đội xa nhà
Vẫn không quên mắm cáy dưa cà
Và dáng mẹ chiều bên bếp lửa
(Mẹ ơi, Đinh Trọng Thuật, NB)
Trái tim con muốn hóa hương dâng Người
(Con về Long Động, Mạc Văn Trân, HD)
v.v…
Tuy vậy những câu thơ hay còn hiếm. Còn toàn bài hay thì lại càng ít hơn.
Một vài tác giả đã viết thơ quá thoải mái, dễ dãi chưa với ý thức đưa thơ đến cuộc thi có tính toàn quốc!… Dù đây là cuộc thi có tính phong trào, càng đông người tham gia càng quý, nhưng chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều tác phẩm chất lượng hơn.
Đây chỉ là một vài ý kiến sơ bộ về kết quả cuộc thi trong 6 tháng vừa qua. Rất mong HĐMT các địa phương tuyên truyền, động viên bà con hăng hái hưởng ứng để cuộc thi thơ vào giai đoạn 6 tháng cuối năm sẽ thu được kết quả tốt đẹp. Tất cả hãy cùng đồng tâm, góp sức để cuộc thi Thơ lần thứ nhất của Mạc tộc chúng ta thành công tốt đẹp.
Phó Ban tổ chức cuộc thi Thơ
Nhà thơ, Hoàng Gia Cương
THƠ DỰ THI
Về Long Động
Mạc Văn Trân 80 tuổi Thôn Vũ La, xã Nam Đồng, tp Hải Dương
Đền thờ LQTN Mạc Đĩnh Chi tại Long Động
Bông sen Giếng ngọc Thái Hoa (1)
Ngàn năm sau vẫn đậm đà sắc hương
Tên Người là phố, là trường…
Ngài còn để lại tấm gương cho đời
Cháu con từ khắp nơi nơi
Hướng về đất Tổ tứ thời thân thương…
Tì bà cầm sắt đại vương (2)
Trái tim con muốn hóa hương dâng Người
Dù cho mây tán, tuyết rơi (3)
Hoa tàn, nguyệt khuyết, vẫn lời nước non…
Tạ thiên, tạ địa quân vương (4)
Người về Tổ quốc thân thương mong chờ…
Xuất nhân vương nhập nên thơ (5)
Từng câu từng ý bây giờ vẫn thương.
Bài thơ vịnh quạt cung đường (6)
Trạng nguyên lương quốc bảng vàng vinh quang.
Sứ thần của nước Việt Nam
Làm nên rạng rỡ vẻ vang nước nhà…
Con về Long Động quê ta
Dâng hương tiên tổ cùng là danh nhân
Vui mừng nước mắt rân rân,
Dương Kinh lại sáng bình minh nước nhà…
Rạng rỡ thay Mạc tộc ta
Kế thừa nền nếp ông cha họ mình.
Tháng 6/2012
—————————–
[1] Cụ Mạc Đĩnh Chi tự ví mình như bông Sen
2Trạng đối chữ với vua Nguyên
3 Lời Trạng viếng công chúa Nguyên
4 Tạ ơn trời đất được về nước
5 Trạng đối chữ với vua Nguyên
6 Bài thơ vịnh quạt được phong Lưỡng quốc Trạng nguyên
Bài thơ tóc mẹ
Phạm Tâm An
(Xã Khánh Lợi –Yên Khánh – Ninh Bình)
Ngày nào con tuổi còn thơ
Những chiều ríu rít vui đùa bên nhau
Mẹ nhờ con nhổ tóc sâu
Dăm ba sợi trắng trên đầu mẹ thôi…
Giờ con mê mải với đời
Thảng về thăm mẹ
Đầy vơi nỗi niềm…
Mẹ ngồi chải tóc bên thềm
Tóc Người sương gió trắng thêm quá nhiều !
Một đời biết mấy thương yêu
Ngày vơi. Tóc bạc. Nắng chiều mênh mang …
Ước gì…
níu lại…
thời gian…
Cho màu tóc mẹ xanh ngoan tuổi nào…
MỤC LỤC
Trang
Tin tức hoạt động…………………………………………….. 1
Góp phần bàn về phục thủy dòng họ Mạc từ các họ
gốc Mạc………………………………………………………… 6
Sự chọn đường của tri thức thời Mạc ………………….. 15
Sự ra đời và hoạt động của ban liên lạc họ Mạc Hà Nội..30
Vị Trạng nguyên đời mạc và các vị khoa bảng họ Dương 36
Đậm đà tình cảm gia tộc………………………………………. 41
Phục thủy trở về họ Mạc là việc nên làm………………… 42
Cuộc săn lùng kho báu họ Mạc nổi tiếng trong lịch sử.. 45
Hùng khí các vị Hoàng đế nhà Mạc……………………….. 47
Thơ dự thi “Hướng về nguồn cội”-Nửa năm nhìn lại…. .54
Mụclục …………………………………………………………. 59
HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM
BẢN TIN MẠC TỘC
Do Ban Biên tập Website Mạc tộc biên soạn và ấn hành
* Tổng biên tập: PGS. TS. Mạc Văn Trang
* Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Đăng Khoa
(Phụ trách bản tin)
* Thư ký: Thạc sĩ: Phan Đăng Thuận
* Kỹ thuật: Cử nhân Nguyễn Đăng Khoa (B)
Mọi thông tin về Bản tin xin liên hệ:
TS Nguyễn Đăng Khoa
ĐT: 0904 18 16 19
E-mail: dangkhoa1951@yahoo.com
Hãy đọc mactoc.com
và truyền thông đến nhiều người!
=====================
Viết bình luận
Tin liên quan
- ĐIỀU LỆ SỐ 01/NQ-HĐMTVN VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐMTVN
- NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-HĐMTVN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẠC TỘC VIỆT NAM KHÓA IV, NHIỆM KỲ 2024 – 2029
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẠC TỘC VIỆT NAM DIỄN RA THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP
- HĐMT HẢI DƯƠNG DỰ LỄ KHÁNH THÀNH HỌ PHẠM GỐC MẠC KIM BẢNG, HÀ NAM
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC LỄ KẾT NẠP HỘI VIÊN MỚI
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC TRAO THƯỞNG QUỸ KHUYẾN HỌC KHUYẾN TÀI MẠC ĐĨNH CHI CHO CÁC CHÁU CÓ THÀNH TÍCH TRONG HỌC TẬP NĂM HỌC 2023-2024
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- HỘI KIẾN SONG PHƯƠNG HĐMT HẢI PHÒNG – CÁC DOANH NHÂN TRONG ĐOÀN KHÁCH DL TRUNG QUỐC VỀ THĂM ĐỀN THỜ CÁC VUA TRIỀU MẠC (TỪ ĐƯỜNG HỌ MẠC) TẠI NGŨ ĐOAN, KIẾN THỤY, HP 29.12.2023.
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.