- Đang online: 4
- Hôm qua: 1106
- Tuần nay: 54054
- Tổng truy cập: 3,477,967
BÀI THƠ DỤC THÚY SƠN VÀ TÂM SỰ CỦA NGUYỄN TRÃI
- 4735 lượt xem
BÀI THƠ DỤC THÚY SƠN
VÀ TÂM SỰ CỦA NGUYỄN TRÃI
1.Đây là bài thơ chữ Hán trong di sản tinh thần của Nguyễn Trãi viết về một danh thắng của Ninh Bình.
Phiên âm Hán Việt:
Hải khẩu hữu tiên san,
Tiền niên lũ vãng hoàn.
Liên hoa phù thủy thượng,
Tiên cảnh trụy trần gian.
Tháp ảnh trâm thanh ngọc,
Ba quang kính thúy hoàn.
Hữu hoài Trương Thiếu Bảo,
Bi khắc tiển hoa ban.Dịch nghĩa:
Nơi cửa biển có ngọn núi tiên,
Năm xưa (ta) từng lui tới đây nhiều lần.
(Núi tựa như) đóa hoa sen nổi trên mặt nước,
Như cảnh tiên rơi xuống cõi trần.
Bóng ngọn tháp (trên núi trông giông như) cái trâm bằng ngọc xanh,
Ánh sáng (lấp lánh trên) sóng nước tựa như gương soi mái tóc xanh biếc.
Nhớ ông Thiếu Bảo người họ Trương,
Bia khắc (của ông) đã. lốm đốm hoa rêu.Dịch thơ:
Cửa biển có non tiên
Từng qua lại mấy phen
Cảnh tiên rơi cõi tục
Mặt nước nổi hoa sen
Bóng tháp hình trâm ngọc
Gương sông ánh tóc huyền
Nhớ xưa Trương Thiếu Bảo
Bia khắc dấu rêu hoen.(Khương Hữu Dụng dịch, Thơ văn Nguyễn Trãi, NXB Giáo dục, Hà nội, 1980)
2.Văn thơ đề vịnh về Dục Thúy Sơn thời trung đại đến nay còn lại khá nhiều. Sớm nhất có lẽ là bài văn bia được khắc trên vách đá núi Non Nước nhân khánh thành ngôi tháp Năm Tân Mùi, niên hiệu Quảng Hựu thứ 7 (1092) thời vua Lí Nhân Tông. Hiện còn lưu lại trên vách đá Non Nước 43 văn bản thơ văn của nhiều tác giả: Trương Hán Siêu (? – 1354), Phạm Sư Mạnh (? – ? TKXIV), Trần Minh Tông (1314 -1328), Nguyễn Trãi (1380 -1442), Lê Thánh Tông (1442 -1497), Lê Hiến Tông (1461 -1504), Ninh Tốn (1743 – ?), Lê Quí Đôn (1726 – 1784), Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803), Trương Đăng Quế (1790 -1863), Nguyễn Văn Siêu (1795 – 1872), Ngô Thế Vinh (1802 -1856), Phạm Văn Nghị (1805 – 1880), Thiệu Trị (1807 – 1847), Cao Bá Quát (1809 – 1855), Nguyễn Miên Thẩm (1819 – 1870), Nguyễn Văn Thuật (1821 – ?), Nguyễn Tư Giản (1823 -1890), Nguyễn Xuân Ôn (1825 -1889), Bùi Văn Dị (1831 -1895), Phạm Hi Lượng (1834 -1886), Nguyễn Khuyến (1835 -1909)…Trong rất nhiều thi phẩm đề vịnh về Dục Thúy Sơn của đám tác giả như rừng (Cao Bá Quát), thi phẩm của Nguyễn Ức Trai nổi lên như một đóa hoa lạ. Thơ đề vịnh của người xưa thường thể hiện thái độ của thi nhân trước thời cuộc, trước nhân tình thế thái, nhưng tâm sự nỗi niềm của người tự thấy mình có Túi thơ chứa hết mọi giang san vẫn có những nét riêng biệt. Sáu câu đầu vừa thể hiện cái nhìn đắm say trước non nước Ninh Bình, vừa bộc lộ tâm sự trước thời cuộc. Nhưng trước tiên hãy nói qua về ngọn núi ngày nay nằm ở phía đông bắc thành phố Ninh Bình chút đã. Dục Thúy Sơn theo Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú) là ngọn núi ở bờ sông thuộc địa phận xã Đại Đăng huyện Yên Khánh. Nguyên tên núi là Sơn Thủy, (Hoàng Việt thi tuyển (Bùi Huy Bích) chép là Băng Sơn), đến thế kỉ XIV, Trương Hán Siêu, một danh nhân văn hóa người Nunh Bình thời Trần đặt tên là Dục Thúy Sơn (Con chim trả xanh đang tắm), nay gọi là hòn Non Nước. Vào thế kỉ XV, khi thi phẩm này ra đời, nơi đây là cửa biển, nay biển đã lùi xa khỏng 50 km theo đường chim bay. Trong mắt Nguyễn Trãi phong cảnh nơi đây đúng là sơn thủy hữu tình, thực và mộng, mĩ lệ và huyền ảo (Hải khẩu hữu tiên san – Cửa biển có non tiên). Theo quan niệm dân gian, chữ tiên gắn với những gì tuyệt đối, tuyệt vời: đẹp như tiên, sướng như tiên, thanh cao, trong sạch như tiên…núi Dục Thúy quả là có sức hấp dẫn lớn với thi nhân. Có lẽ vì vậy mà nhà thơ từng nhiều lần đến núi này (Tiền niên lũ vãng hoàn – Năm xưa (ta) từng lui tới đây nhiều lần). Câu thơ khai đề đã mở ra mênh mang tâm trạng. Nói như người xưa, thì đó là câu mở theo lối khai môn kiến sơn. Dục Thúy là tiên san (hòn núi tiên), nhưng không ở không gian tiên, mà lại là Tiên cảnh trụy trần gian, cảnh tiên nơi cõi tục. Cảnh tiên trên cõi tiên là sự thường. Cảnh tiên nơi cõi trần mới hiếm, mới quí và cũng oái oăm, nhiễu sự, phiền toái. Không ngẫu nhiên chút nào khi chữ tiên trong nguyên tác được nhắc lại hai lần trong một bài thơ có bốn mươi chữ. (trong nguyên tác chữ tiên có dạng tự bên trái là bộ nhân đứng, bên phải là chữ sơn, với ý nghĩa tiên là người ở trên núi cao, tiếp đó là chữ san (sơn) là núi cũng có nét nghĩa liên quan tới cao). Thấp thoáng sau câu chữ dường như có tâm sự của Ức Trai. Nếu ước đoán bài thơ được viết trong thời gian Nguyễn Trãi còn đang tham chính sau thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn (1428) là đúng thì quả là những câu chữ chĩu nặng tâm tư nỗi niềm. Là một đại nho, nhà tư tưởng nhà văn hóa hàng đầu của thời đại, tự ý thức sâu sắc sứ mệnh của mình với thời cuộc, với quốc gia Đại Việt, Nguyễn Trãi đã cùng Trần Nguyên Hãn (anh em con cô con cậu với ông) vào tận Lam Sơn gặp minh chủ Lê Lợi dâng Bình Ngô sách và thi thố tài năng thực hiện lí tưởng nhân nghĩa và lời dặn của cha khi từ biệt ở ải Nam Quan… Giặc Minh phải cuốn cờ về nước, đất nước sạch bóng xâm lược. Đây chính là cơ hội để Nguyễn Trãi thực thi kế sách nhân nghĩa an dân, khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không còn một tiếng hờn giận oán sầu, duy tân khắp chốn. Nhưng lí tưởng Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn của ông lại có nguy cơ không thể thực thi. Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn cùng với bách tính trăm họ Đại Việt trước kia là đội quân phụ tử chi binh, cùng nhau nếm mật nằm gai, thì bây giờ trở thành một bộ máy triều đình quan liêu từng bước chuyên chế hóa. Rất nhiều công thần, tướng lĩnh Lam Sơn vốn xuất thân nông dân nay có chức tước bỗng chốc trở thành thế lực đè đầu cỡi cổ muôn dân. Đau đớn thay cái cảnh: vét sản vật bẫy dò chim trả, chốn chốn lưới giăng, nhiễu nhân dân bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt, tàn hại cả giông côn trùng cây cỏ, nheo nhóc thay kẻ góa bụa không cùng… mà Bình Ngô đại cáo đã kết tội giặc Minh khi trước nay lại thấy nhiều quan lại nhà Lê sơ mang ra hành xử với con dân Đại Việt. Một cuộc xung đột văn hóa khốc liệt giữa một bên là Nguyễn Trãi và những người cùng chí hướng với bên kia là đông đảo những người trước đây là đồng chí của ông, nay trở thành những phản bội, chà đạp lên lí tưởng nhân nghĩa mà ông là người khởi xướng và đặt niềm tin tuyệt đối vào nó. Trần Nguyên Hãn cùng nhiều khai quốc công thần đã bị thanh trừng thảm khốc. Chính Nguyễn Trãi cũng bị Lê Thái Tổ nghi ngờ đem hạ ngục.Ông chắc chắn không lạ gì qui luật muôn đời của các ông vua khởi nghiệp trên lưng ngựa mà người xưa tổng kết trong cách ứng xử với các khai quốc công thần khi đế nghiệp đã xong (giảo thỏ tử tẩu cẩu phanh, cao điểu tận lương cung tàng, địch quốc phá mưu thần vong). Bất chấp tất cả, Nguyễn Trãi vẫn kiên trì lí tưởng và ông bị những thế lức chỉ nghĩ đến vinh thân phì gia chiếm số đông và có thế lực trong triều đình Hậu Lê bài xích, chống phá, tìm cách hãm hại. Trong thơ chữ Hán và chữ Nôm của mình, rất nhiều lần Nguyễn Trãi bộc lộ nỗi niềm đau đớn phẫn uất:
Họa phúc hữu môi phi nhất nhật,
Anh hùng di hận kỉ thiên niên.(Họa phúc có mầm đâu phải một ngày.,
Anh hùng để hận mấy ngàn năm.)Chúng báng cô trung tuyệt khả liên
Bọn chúng phỉ báng lòng cô trung (của ta) khiến (ta) cô độc
Ngoài chưng mọi chốn đều thông tỏ,
Bui một lòng người cực hiểm thay.
Hoa thường hay héo cỏ thường tươi.Và ông vẫn tự nhiệm sâu về sứ mệnh của mình
Vườn quỳnh cho dù chim hót,
Cõi trần có trúc đứng ngăn.Tâm sự của ông có gì đó rất giống với tâm sự Khuất Nguyên trong Li Tao (Chúng ghen ta có mày ngài – Phao cho ta tiếng con người lẳng lơ, Loài người thật đã thừa khôn khéo – Kéo nhau theo mức vẹo thước cong – Khuôn vuông thước thẳng chẳng dùng – Dốc lòng cầu cạnh, một lòng bon xu ). Nhưng Nguyễn Trãi vẫn kiên trì lí tưởng và ý thức sâu sắc về phẩm giá trung trinh, trong sạch của mình (Non cao non thấp mây thuộc- Cây cứng cây mềm gió hay, Ai hay ai chẳng hay thì chớ – Bui một ta khen ta hữu tình). Nguyễn Mộng Tuân, một người bạn cùng thời với ông nhận xét xác đáng: Gió đông hẩy hẩy gác vàng, người như một ông tiên trong tòa ngọc. Chính Nguyễn Trãi có lúc siêu thoát từng ước lên tiên:
Tạc dạ nguyệt minh thiên tựa thủy,
Mộng kị hạc vàng thượng tiên đàn.(Đêm qua trăng sáng trời như nước,
Mộng cỡi hạc vàng lên đàn tiên.)Quả là câu khai đề mở cửa thấy ngay núi cao, mở ra mênh mang tâm trạng. Không chỉ có thế. Câu thơ thứ ba lại thấy Dục Thúy Sơn như một đóa hoa sen nổi trên mặt nước (Liên hoa phù thủy thượng). Dân gian chẳng thường nói: đẹp như hoa, người ta là hoa của đất. Hoa sen là thứ hoa đẹp thanh cao tinh khiết (Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn); Đức Thích Ca Mâu Ni cũng ngự tọa trên đài sen đó. Dục Thúy Sơn đẹp, tinh khiết, thanh khiết đến vô cùng. Đẹp và thanh khiết, tinh khiết của tiên cảnh, của tiên san, của liên hoa. Một thi nhân thời Đường từng Độc tọa Kính Đình Sơn và thấy mình cũng cao chót vót và cô độc như ngọn núi Kính Đình. Nguyễn Trãi cũng tự thấy mình như Dục Thúy Sơn vậy.
Trong cái nhìn phong tình kín đáo của thi nhân, Dục Thúy Sơn còn mang vẻ: đẹp của một giai nhân:
Tháp ảnh thanh trâm ngọc,
Ba quang kính thúy hoàn.Chưa vội nói đến liên tưởng và so sánh độc đáo, vượt ra ngoài tính qui phạm của văn học trung đại, hãy tìm hiểu bóng tháp soi xuống dòng sông là tháp gì ? có từ bao giờ ? ai xây cất ? Theo bài văn bia Dục Thúy Sơn Linh Tế tháp kí của Trương Hán Siêu hiện còn khắc trên vách núi Dục Thúy cho biết: Đó là tháp Linh Tế được xây từ năm Quảng Hựu thứ 7 đời Lí, trải thời gian mưa nắng bị đổ nát nên “ vào mùa đông năm thứ hai sau khi đức vua lên ngôi (Trần Dụ Tông, Nhâm Ngọ 1342) thì Vị sơn tăng Trí Nhu tới Thăng Long mời Thăng Phủ viết cho một bài văn bia. Trí Nhu cho biết:Việc xây lại tháp bắt đầu từ năm Đinh Sửu (1337) niên hiệu Khai Hựu (Trần Hiếu Tông (1329 -1341) quá sáu năm trời, đến nay (1342) đã làm xong. Khi mới xem đất để khởi công, sư Đức Vân chiêm bao thấy hơn một ngàn người tụ họp ở đỉnh núi, trong đó có ba vị quí nhân, tướng mạo khác thường bảo với mọi người rằng: “Các ngươi nên biết xây tháp là một việc tốt đẹp, để cứu vớt chúng sinh thoát khỏi tam đồ ( ). Hôm bắt tay vào việc, sư Đức Môn lại chiêm bao thấy Đức Trúc Lâm Phổ Tuệ (Pháp Loa, vị tổ thứ hai của dòng thiền Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập) bắt ấn giữ cho tháp yên vững. Thế rồi khi các sư Đức Tịnh, Đức Minh kẻ trước người sau đang làm việc xây đường đi vào tháp, bỗng đẩy với một tảng đá lớn, người cũng rơi theo, lăn lộc cộc đến mấy nhân (bằng 7 hoặc 8 thước Trung Quốc cũ). Mọi người trông thấy đều kinh hãi chạy tán hết, cho rằng thân thể họ tất phải nát vụn. Thế mà khi rơi tới đất,vực dậy thì không bị tổn thương một chỗ nào. Tháp xây bốn tầng, đêm tỏa hào quang, kẻ xa người gần đều trông thấy rõ. (Thơ văn Lí Trần tập II, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 753) . Đến nay không biết tháp nằm ở địa điểm cụ thể nào trên núi Thúy. Quả là vật đổi sao rời.
Trở lại với câu thơ đang bàn. Văn thơ trung đại phương Đông thường lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho vẻ đẹp mọi vật, mọi sự ( Thúy Vân: Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở namg – Hoa cười ngọc thốt đoan trang – Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da, Thúy Kiều: Làn thu thủy, nét xuân sơn – Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh, Từ Hải Râu hùm hàm én mày ngài… Truyện Kiều, Nguyễn Du, TK XIX). Nguyễn Trãi (TK XV) đã phá cách táo bạo, thấy cái bóng tháp nhà Phật in xuống nước giống với cái trâm ngọc của mĩ nữ, ánh sáng những con sóng nhỏ trên sông nước giống như tấm gương soi mái tóc giai nhân. Nên nhớ nhà nho xưa từng coi phụ nữ đẹp là vưu vật (thứ gây tai họa). Vậy mà Thái học sinh, Tham nghị đại phu nhập nội hành khiển kiêm thừa chỉ viện cơ mật lại lấy thiếu nữ đẹp làm chuẩn mực cho cái đẹp. Thật là trẻ trung, hiện đại và phong tình. Đây không phải lần duy nhất. Trong bài thơ Quốc âm Cây chuối ông viết:
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem.Dục Thúy Sơn là non tiên , cảnh tiên đồng thời cũng là giai nhân khiến Nguyễn Trãi đắm say. Ông nhiều lần đến đây vừa để thưởng lãm, hòa nhập với thiên nhiên, để di dưỡng tính tình, để lánh đục về trong.
Phải đứng trên đỉnh cao của văn hóa thời đại mới nhìn Dục Thúy Sơn như vậy được. Đến núi non nước ngày nay, du khách vẫn còn đọc được bài thơ bằng chữ quốc ngữ của Tản Đà nguyễn Khắc Hiếu phê phán nghiêm khắc hành động lố bịch của Tuần phủ Ninh Bình thời thuộc Pháp là Từ Đạm đã cho đục thơ và đục cả hai hàn chân mình vào núi đá.:
Năm ngoái ông đã đục mấy vần
Năm nay ông lại đục đôi chân
Khen cho đá cũng già gan nhỉ ?
Dám để cho ông đục mấy lần !Từ Đạm muốn lưu danh mình vào bia đá, ông ta đã bị bêu danh bằng bia miệng. Đến với cái đẹp phải có tài cao có tâm sáng, vô tư không vụ lợi.
3.Trước thiên nhiên mĩ lệ, thanh khiết, thi nhân xưa thường bộc lộc tâm sự về thời cuộc. Nguyễn Trãi cũng không nằm ngoài thông lệ ấy. Có điều tâm sự của ông vẫn có những nét riêng. Dục Thúy Sơn đến thời Nguyễn Trãi đã có nhiều người đề vịnh. Bậc đế vương có, quan lại có, thi nhân có…( hiện có 8 văn bản khắc vào vách đá bằng chữ Hán vào thời Lí Trần, trước Nguyễn Trãi). Đến đây không ngẫu nhiên chút nào, khi thi nhân Hữu hoài Trương Thiếu Bảo – Bi khắc tiển hoa ban. Trương Thăng Phủ, một danh nhân Ninh Bình thời Trần, người khai sinh ra cái tên Dục Thúy Sơn, tuy không đỗ đạị khoa nhưng được các vua Trần tôn kính gọi là thầy, và sau khi mất được tòng tự ở Văn Miếu cùng Khổng Tử và các tiên nho, danh nho. Trương Hán Siêu hiện còn bài văn bia Dục Thúy Sơn Linh Tế tháp kí và bài thơ khắc trên núi Non Nước. Bài văn bia đã nhắc đến trên kia. Dưới đây là bài thơ Dục Thúy sơn:
Phiên âm:
Sơn sắc chính y y,
Du nhân hồ bất qui ?
Trung lưu quang tháp ảnh,
Thượng giới khải nham phi.
Phù thế như kim biệt,
Nhàn thân ngộ tạc phi.
Ngũ Hồ thiên địa khoát,
Hảo phỏng điếu ngư ki.Dịch nghĩa:
Sắc núi vẫn xanh nguyên,
Người đi chơi sao không về ?
Giữa dòng sóng ngời bóng tháp,
Thượng giới mở cánh cửa hang.
Có cách biệt với cuộc đời trôi nổi,
Mới biết rõ cái danh hờ kia là sai lầm,
Trời đất ở Ngũ Hồ rộng bao la,
Hãy tìm lại tảng đá ngồi câu cá khi trước.Dịch thơ:
Non xanh xanh vẫn như xưa,
Du nhân đi mãi vẫn chưa thấy về ?
Sóng in bóng tháp bồ đề,
Mở toang cửa động liền kề chân mây.
Đời lênh đênh trước khác nay,
Thân nhàn mới biết trước ngày nhầm to.
Mênh mang trời đất Ngũ Hồ,
Vòm câu cá, kíp thăm dò nơi đâu.(Trần Văn Giáp dịch)
Sắc núi còn xanh ngắt,
Lâu rồi, người vẫn đi.
Lòng sông in bóng tháp,
Tầng thẳm cửa thôi che.
Từ cách xa đời tục,
Mới hay điều thị phi.
Năm hồ (Ngũ Hồ – chúng tôi dịch lại hai chữ này) (1) trời đất rộng,
Bến cũ khi nào về ?(Băng Thanh dịch, Thơ văn Lí Trần, Nxb KHXH, Hà Nội. 1989)
Trương Hán Siêu làm quan đầu triều vãn Trần, đời vua Trần Dụ Tông. Lúc này dấu hiệu sụp đổ của vương triều Trần đã lộ rõ (xin xem bài Bạch Đằng Giang phú và tấm lòng của Trương Hán Siêu… của tác giả bài viết này). Từ một nhà nho hành đạo hăng hái tả phù hữu bật đấng quân vương, Trương công đã nhận ra dấu hiệu sụp đổ không thể tránh khỏi của nhà Vãn Trần trong một tương lai gần, vì vậy mà có những vần thơ siêu thoát. Trương Hán Siêu muốn làm một Đào Tiềm không vì ba đấu gạo lương mà khom lưng quì gối, khi nhắc lại bài Qui khứ lai từ của Đào Tiềm (365 – 427, thời Lục Triều bên Trung Hoa) trong hai chữ bất qui; ông muốn làm người câu cá, người ngao du Ngũ Hồ như Phạm Lãi sau khi giúp Câu Tiễn phục thù; ông thấy cái đời làm quan, cái bả vinh hoa, mồi phú quí trước đây quả là sai lầm; ông đề cao hai chữ nhàn thân. Nguyễn Trãi khi nhà Hậu Lê vừa dựng lên đã thấy cái mặt trái của nó, như đẫ trình bày ở trên kia. Nguyễn Trãi chính là một Dục Thúy Sơn giữa cõi trần đầy bon chen, đầy những toan tính bẩn thỉu độc ác của lũ phi nhân phi nghĩa trong triều đình Lê Sơ. Ông quả thật cô độc giữa bầy sói.
4.Còn nhớ, sinh thời vào những tháng ngày căng thẳng của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1965) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về Côn Sơn nơi Nguyễn Trãi từng ở ẩn và lần đọc văn bia. Thì ra những thiên tài, những nhân cách vĩ đại dù cách xa nhau về không gian, thời gian nhưng tư tưởng họ vẫn gặp nhau. Sự Hữu hoài Trương Thiếu Bảo của Nguyễn Trãi phải chăng là tìm về với những giá trị văn hóa, nhân văn vĩnh hằng của cha ông đặng giữ vững lí tưởng nhân nghĩa tốt đẹp của mình.. Hoài cổ với Nguyễn Trãi về cơ bản không phải là chạy trốn thực tại mà là tìm thấy sự nối tiếp, thống nhất giữa xưa và nay? Đó chính là thái độ nâng niu trân trọng tinh hoa văn hóa của người xưa. Đó chính là tinh thần ôn cố nhi tri tân.
CHÚ THÍCH:
(1) Băng Thanh dịch là Năm hồ, khiến người đọc dễ nhầm là năm cái hồ, theo chúng tôi Ngũ Hồ là một danh thắng ở Hàng Châu Trung Quốc và trong Bạch Đằng Giang phú Trương Hán Siêu có nhắc đến danh thắng này trong câu: Cửu Giang Ngũ Hồ Tam Ngô Bách Việt- Nhân tích sở chí, mị bất kinh duyệt (Cửu Giang Ngũ Hồ Tam Ngô Bách Việt – Nơi có người đi, đâu mà chẳng biết) ___________________________________________________
VânGiang, 4/1994–4/2011
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 02.05.2011.
. Xin vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com khi trích đăng lại.
Viết bình luận
Tin liên quan
-
Nhớ Hoàng Trần Cương lại nghĩ về trường ca “Long Mạch”
-
VỀ VỚI AO DƯƠNG
-
LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
-
CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
-
THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
-
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
-
LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
-
CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
-
TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
-
Chữ hiếu xưa và nay
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC