- Đang online: 1
- Hôm qua: 781
- Tuần nay: 12731
- Tổng truy cập: 3,388,990
ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VỚI HỌ MẠC Ở MINH TÂM (CAO BẰNG)
- 1524 lượt xem
ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VỚI HỌ MẠC Ở MINH TÂM (CAO BẰNG)
Phan Đăng Thuận – Viện sử học
Minh Tâm là một xã thuộc huyện Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng. Chính nơi đây trong những ngày tiền khởi nghĩa trước Cách mạng tháng Tám 1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thời gian sống và hoạt động.
1. Vài nét về họ Mạc ở Minh Tâm.
Minh Tâm cách thị xã Cao Bằng 32 km về phía Tây. Trong ký ức, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn nhớ: “Gia Bình (Minh Tâm-PĐT) là một cánh đồng nhỏ hẹp nằm giữa một vùng núi đá”[1]. Trước Cách mạng tháng Tám 1945 dân số của Minh Tâm là 500 người. Cư dân nơi đây chủ yếu là người Tày, Nùng, Hmông, người Hmông sống chủ yếu ở các thung lũng trong núi đá vôi. Giao thông đi lại trong vùng rất khó khăn nhưng nhân dân nơi đây sớm giác ngộ cách mạng.
Theo gia phả họ Mạc ở Minh Tâm, sau khi thất thủ ở Cao Bằng, một số con cháu họ Mạc đã chạy về miền xuôi. Đầu thế kỷ XVIII, cụ Mạc Nhã Tâm từ Hải Dương theo một lời nguyền nào đó của tổ tiên đã tìm lên Cao Bằng. Ông đã đến xã Gia Bằng (Minh Tâm) nơi có căn cứ của họ Mạc xưa kia. Mạc Nhã Tâm trở thành vị tổ đầu tiên của họ Mạc ở nơi đây. Với hai bàn tay trắng, con cháu họ Mạc phải làm lại từ đầu. Không phải tự nhiên xóm Mạc đã trở thành trù phú, trở thành chỗ dựa của Cụ Hồ, của Trung ương thời kỳ tiền khởi nghĩa. Con cháu họ Mạc ở Minh Tâm đã phục hồi danh dự của tổ tiên trong sự nghiệp mở mang biên ải. Đến nay họ Mạc ở Minh Tâm đã phát triển đến 8 đời, chiếm 1/4 dân số toàn xã.
Tiếp nối truyền thống của cha ông, một thế hệ con cháu họ Mạc như: Dương Mạc Thạch[2], Dương Mạc Hiếu, Mạc Văn Úc… sớm tham gia vào các hoạt động yêu nước.
Năm 1934, Dương Mạc Thạch tham gia cách mạng và được kết nạp vào Đảng CSVN. Chính ông là người đầu tiên đem ngọn lửa cách mạng về trên quê hương. Ông là người cán bộ nhiệt tình với phong trào ở Nguyên Bình, vận động nhiều người theo cách mạng và cũng là một trong những hạt nhân lãnh đạo, là Bí thư Chi bộ đầu tiên của huyện Nguyên Bình. Phong trào cách mạng ở Nguyên Bình dưới sự dìu dắt của Dương Mạc Thạch ngày càng phát triển.
Ngày 28/01/1941 sau hơn 30 năm đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về. Người chọn Cao Bằng làm căn cứ địa của cả nước vì: “Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi”[3]. Tại đây, Người cho mở lớp huấn luyện cán bộ tại Lũng Bó Điếng, xã Trường Hà, trên một cái đèo gần Pác Bó. Tại lớp học này chi bộ Minh Tâm có hai người theo học là Quang Hưng (Dương Mạc Hiếu), Lý Công (Mạc Văn Úc, về sau gọi là Nông Văn Quang). Lớp học kéo dài 7 ngày. Các ông được học Chương trình Việt Minh (tuy mãi đến tháng 5-1941, Mặt trận Việt Minh mới chính thức thành lập) và học công tác tuyên truyền các Hội quần chúng: Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc, phụ nữ cứu quốc… Ngoài ra các học viên còn được học cả về tổ chức các Đội tự vệ và chiến thuật du kích. Sau khi lớp học kết thúc, đồng chí Quang Hưng và Lý Công được Bác Hồ giữ lại ba ngày để huấn luyện thêm bên bờ suối Pác –Bó.
Sau khi dự lớp học về Quang Hưng và Lý Công đã phổ biến tập huấn cho các đảng viên trong chi bộ. Như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới, các tổ chức đoàn thể cứu quốc nhanh chóng ra đời ở địa bàn xã Minh Tâm. Trước ngày Hội nghị Trung ương 8, Bác Hồ cho tổng kết thí điểm tổ chức hội cứu quốc ở Goỏc- mu?. Chi bộ Minh Tâm cũng được tham dự và báo cáo kinh nghiệm thực tiễn trong hội nghị này. Từ đây phong trào xây dựng các đoàn thể Việt Minh được lan rộng nhanh chóng tới các xã trong toàn huyện.
Tháng 12 năm 1941 Bác Hồ và Tỉnh ủy đã cử cán bộ Trung ương gồm đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) và đồng chí Tư (Đào Duy Kỳ) vào công tác tại châu Lâm Sơn (Nguyên Bình- PĐT).
2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bà con họ Mạc ở Minh Tâm
Vào một buổi tối đầu năm 1942, Võ Nguyên Giáp được người giao liên mù Nông Văn Doọng (bí danh An) đưa đến nhà đồng chí Bí thư liên xã (Gia Bằng, Kì Chỉ, Linh Mai) đồng thời là Bí thư châu Lâm Sơn là Xích Thắng, bí danh của Dương Mạc Thạch. Được gặp đồng chí Văn, cán bộ thượng cấp, đồng chí Xích Thắng rất mừng. Hai người nói chuyện thâu đêm suốt sáng. Nhà đồng chí Xích Thắng chỉ có hai vợ chồng son. Căn nhà khá vắng vẻ gần sát núi đá. Sau nhà núi đá đi hình vòng cung, trước nhà là nương ngô, ra xa khoảng chừng 200 thước là cánh đồng nhỏ hẹp.
Đồng chí Văn được đồng chí Xích Thắng báo cáo cặn kẽ tình hình phong trào cách mạng ở liên xã cũng như sự hoạt động của chi bộ Đảng nơi đây. Chi bộ Đảng liên xã do đồng chí Xích Thắng lãnh đạo được Tỉnh ủy giao trách nhiệm giữ đầu mối cơ sở Đảng ở Tĩnh Túc, Lũng Lừa với Tỉnh ủy. Đường dây tổ chức này nhằm tránh sự theo dõi của địch và đảm bảo giữ bí mật cơ quan Tỉnh ủy. Cơ sở Đảng ở Tĩnh Túc luôn luôn bị kẻ địch theo dõi nên chỉ có thể đưa đảng viên đi đến địa điểm khác để dự lớp huấn luyện còn ở Lũng Lừa thì hẻo lánh, trình độ dân trí thấp nên cũng gặp không ít khó khăn. Cán bộ Mặt trận cũng như đảng viên ở hai cơ sở Đảng này cần phải được huấn luyện. Sau khi nắm vững tình hình phong trào cách mạng cũng như trình độ dân trí nơi đây, Đồng chí Văn và đồng chí Xích Thắng quyết định sẽ mở 3 lớp huấn luyện tại Gia Bằng; 1 lớp tại vùng cao Lũng Lừa. Còn đảng viên tổ chức Đảng ở Tĩnh Túc thì cử đại biểu về dự. Lớp huấn luyện được mở tại hang Kéo Quảng trên đỉnh đào cao núi đá sau nhà đồng chí Xích Thắng. Hang này to rộng và thoáng mát. Tháng 5/1942, Bác Hồ đã đặt tên cho hang này là hang Lê-nin khi người huấn luyện cán bộ cốt cán tại đây.
Chính thời gian ở Gia Bình, Võ Nguyên Giáp đã ở tại nhà đồng chí Xích Thắng. Vợ đồng chí Xích Thắng là Nông Thị Yêm cũng sớm tham gia hoạt động cách mạng. Nông Thị Yêm được giao nhiệm vụ nuôi dưỡng cán bộ và làm nhiệm vụ liên lạc.
Sau khi mở 3 lớp huấn luyện ở Gia Bằng, Võ Nguyên Giáp được đồng chí Hồng Trị, dân tộc Mèo, đón lên Lũng Lừa. Lũng Lừa nằm ở chỗ ngã ba của các xã Gia Bằng, Linh Mai, và Trùng Khuôn, là nơi vùng cao núi đá chênh vênh, cách nhà đồng chí Xích Thắng 10 km. Tại đây có 1 bản của người Mèo.
Sau khi các lớp huấn luyện kết thúc, phong trào gia nhập Hội Việt Minh phát triển mạnh mẽ ở các xã Gia Bằng, Kì Chỉ, Linh Mai. Ba xã đã nhanh chóng trở thành xã hoàn toàn, tức là hầu hết quần chúng gia nhập Việt Minh. Các xã Lang Môn (thuộc Nguyên Bình); Trùng Khuôn (thuộc Hòa An) cũng phát triển khá. Đến cuối năm 1942, hai xã này cũng trở thành xã hoàn toàn. Kết thúc các lớp huấn luyện tại hang Kéo Quảng và Lững Lừa, Võ Nguyên Giáp cùng với đồng chí Lê Thiết Hùng chuyển xuống phía Nam gây dựng phong trào ở tổng Kim Mã. Do phong trào cách mạng ở Kim Mã mới được nhen nhóm nên gặp nhiều khó khăn trong việc vận động quần chúng. Bởi vậy Chi ủy chi bộ Liên xã quyết định cử 3 đồng chí: Xích Thắng; Quang Hưng (Dương Mạc Lỵ); Lý Công (Mạc Văn Úc) sang Kim Mã để trợ giúp “hai cán bộ thượng cấp” mở lớp huấn luyện.
Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 đồng chí trong đó có đồng chí Xích Thắng và Nông Văn Quang, tức Mạc Văn Úc.
Như vậy, trong thời gian ở Nguyên Bình, Võ Nguyên Giáp đã có mối quan hệ tốt đẹp với một số bà con họ Mạc ở Minh Tâm. Chính Võ Nguyên Giáp đã được bà con họ Mạc nơi miền biên viễn đùm bọc và che chở. Bà con họ Mạc luôn luôn coi Võ Nguyên Giáp như người thân trong nhà. Và Võ Nguyên Giáp luôn dành một tình cảm đặc biệt đối với bà con họ Mạc nơi đây. Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi tặng bà con họ Mạc ở Minh Tâm bức ảnh của mình cùng với lờ báo tin chiến thắng.
Sau này khi đọc hồi ký của đồng chí Nông Văn Quang, Đại tướng đã nhận xét: “Tôi xác nhận dồng chí Lý Công (bí danh Nông Văn Quang là một trong những đảng viên cốt cán đầu tiên của chiến khu Cao Bắc Lạng. Tôi đã cùng công tác với đồng chí từ khi được trao nhiệm vụ phát triển Việt Minh ở châu Nguyên Bình, tỉnh Bắc Kạn. Đồng chí có tinh thần cách mạng kiên định, có thái độ kiên quyết chiến đâu trong những ngày địch khủng bố. Lúc tôi được giao nhiệm vụ xung phong Nam tiến, mở đường quần chúng từ Nguyên Bình đến Thái Nguyên, đồng chí là một ủy viên trong chi bộ Nam tiến do tôi chủ trì. Đồng chí đã tỏ ra có tinh thần cách mạng tiến công rất kiên cường, có công lớn mở mang cơ sở Việt Minh ở Bắc Kạn, thành lập tỉnh ủy lâm thời Bắc Kạn, là cán bộ Nam tiến đầu tiên vượt qua biết bao khó khăn mở đường Nam tiến đến xã Thăng Lợi (giáp giới ba tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang).
Tôi chứng nhận những lời đồng chí viết ra về công tác của mình là hoàn toàn chính xác.”
Khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, gia đình ông Dương Mạc Thăng, con trai Xích Thắng, đã lập bàn thờ Đại tướng trong nhà và để tang Đại tướng như để tang người thân của gia đình.
[1] Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969, trang 57.
[2] Bố Dương Mạc Thạch là Mạc Văn Tân đến ở rể thừa tự nhà họ Dương nên theo tục người Tày đổi họ là Dương Mạc Tân.
[3] Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969, trang 33.
Bút tích Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét khi đọc Hồi ký của đồng chí Nông Văn Quang.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân chụp ảnh với gia đình đồng chí Nông Văn Quang tại nhà riêng
Cụ Nông Thị Yêm, vợ đồng chí Xíc Thắng, có công nuôi dưỡng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời kỳ hoạt động ở Nguyên Bình.
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.