- Đang online: 2
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 14682
- Tổng truy cập: 3,368,704
Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung
- 249 lượt xem
Phần 17
Lương Phú hầu Lê Bá Hiếu bảo mình là con thứ của Chiêu Nhân hoàng hậu với vua Hiến Tông khi xưa, như vậy là em cùng mẹ với Uy Mục đế. Người Phù Chẩn, Đông Ngàn chưa quên Chiêu Nhân hoàng hậu và cái chết thảm thương của Uy Mục nên sẵn lòng cứu giúp Bá Hiếu.
Thấy nhà vua hèn đớn, quyền hành trong triều dần dần rơi vào tay Mạc Đăng Dung, Bá Hiếu phẫn nộ và muốn nổi loạn nhưng lại sợ không ai theo. Đang lúc ấy Nguyễn Hiến từ kinh đô lên, đem theo mật chỉ của Chiêu Tông. Bá Hiếu tiếp chỉ và bàn với người trong họ là Bảo Xuyên hầu Lê Khắc Cương:
– Giờ chúng ta đã có cớ để khởi nghĩa. Thật nhất cử lưỡng tiện. Diệt xong Đăng Dung ta sẽ tính tới Quang Thiệu!
Bá Hiếu dựng cờ “phù Lê diệt Mạc”, vì thấy Bá Hiếu là con của Chiêu Nhân hoàng hậu nên người Kinh Bắc theo rất đông, từ Đông Ngàn kéo xuống Gia Lâm, chiếm bờ Bắc Nhị Hà, tấp nập chuẩn bị bè mảng vượt sông.
Mạc Đăng Dung tâu vua:
– Thần mấy lần xông pha mũi tên hòn đạn vì triều đình vậy mà nay Lê Bá Hiếu, Lê Khắc Cương lại giả danh cần vương khiến cho thiên hạ không biết đúng sai, xin bệ hạ ban chỉ cho thần xuất quân.
Chiêu Tông bảo:
– Khanh là Đô tướng, Tiết chế thống lĩnh binh nhung thiên hạ, thấy thế nào phải thì cứ làm, việc gì cần trẫm ban chỉ.
Đăng Dung không bằng lòng nhưng cũng không nài nỉ gì thêm, lo việc đem quân sang sông. Quân Kinh Bắc lấy đê Nhị Hà làm thành cố thủ nên mấy lần quân triều đình lên được bờ đều bị đánh bật xuống sông.
Lê Bá Ly bàn hãy sai Nguyễn Bỉnh Đức đem quân Hải Dương đánh lên Chí Linh, chiếm Lục Đầu Giang rồi từ đấy vòng xuống đánh sau lưng giặc. Giặc phải quay lại chống cự, bấy giờ quân triều đình thể nào cũng chiếm được đê. Hai mặt cùng đánh, chắc được.
Đăng Dung theo kế ấy, quả nhiên quân Kinh Bắc phải lui.
Đăng Dung đang chuẩn bị tiến quân thì có tin các tướng Đàm Cử, Nguyễn Thọ đem quân tiếp ứng, hiện đang qua sông. Đăng Dung tạm dừng tiến quân để tiếp hai tướng. Bỗng Mạc Quyết phi ngựa từ ngoài đê thẳng vào trại, hoảng hốt: “Đàm Cử, Nguyễn Thọ làm phản!”. Đăng Dung vội rút thanh đao trên giá, chạy ra tàu ngựa, vừa lên được lưng con Cát mã thì đã thấy quân Đàm Cử, Nguyễn Thọ từ trên mặt đê tràn xuống, tiếng hô “sát” vang trời. Nguyễn Thọ trông thấy Đăng Dung chạy phía trước liền rút cung tên bắn luôn mấy phát nhưng đều không trúng hoặc tên đã quá tầm. Đăng Dung một mình một ngựa chạy về hướng Đông, nhằm phía Hải Dương. Một toán kỵ binh Kinh Bắc từ phía Cẩm Giang xông ra chặn đường! Chúng dàn hàng ngang và đặt tên lên cung, chờ đợi. Đăng Dung cúi xuống nói: “Cát mã! Cát mã! Còn nhớ năm giúp ta giành Trạng nguyên võ không?”. Con ngựa hí lên dũng mãnh, phi thẳng về phía trước. Đám kỵ binh phía trước bật dây cung. Đăng Dung vung đao đánh văng hàng chục mũi tên. Cát mã bỗng chồm hai chân trước, hí lên những tiếng khác thường. Nó đã nhận trọn hai mũi tên để bảo vệ cho chủ. Mặc dù vậy con ngựa hăng tiết vẫn lao về phía trước. Đăng Dung bổ lưỡi đao xuống tên tướng vừa bắn. Đầu hắn bay trúng ngực tên bên cạnh làm tên này giật mình, vứt vột cung để cầm lấy ngọn thương đang đặt ngang trên yên, chưa kịp thì chính y đã bị chém sả vai. Đám kỵ binh giặc kinh hồn bỏ chạy, cũng là lúc con Cát mã gục xuống. Đang lúc ấy một toán quân xuất hiện phía trước, phấp phới lá cờ có chữ Mạc. Đăng Dung nhận ra Mạc Đĩnh Khoa. Đăng Dung đứng hồi lâu bên xác con Cát mã, nói với Đĩnh Khoa:
– Từ khi ông Nguyễn Hậu chủ trại ngựa ở Tam Đảo đưa Cát mã tới cho ta đến nay đã 17 năm, nó đã trở thành bạn của ta, cùng ta ra trận mười lần thì tám, chín lần thắng lợi trở về. Cát mã đã mấy lần bị thương, mấy lần cứu chủ. Vết thương này là ở trận đánh Trần Tuân, ta bị chém từ phía sau, không hiểu sao nó lại biết được, nó tung chân đá đối phương và bị nhát chém vào mông. Vết này là ở Chi Lăng, nếu không có nó ta đã bị thương ở chân rất nặng. Bây giờ thì hết rồi, ta không còn Cát mã nữa! Thật đáng thương! Hãy đem mai táng bạn của ta như với một tử sĩ vậy.
Thấy việc đột kích thất bại, Đàm Cử, Nguyễn Thọ sang sông trở lại kinh đô. Đăng Dung sai Lê Bá Ly, Mạc Quyết về kinh hợp sức cùng Mạc Đăng Doanh truy tìm Đàm Cử, Nguyễn Thọ, còn mình tiếp tục đánh lên Kinh Bắc.
Lê Bá Hiếu, Lê Khắc Cương mỗi người một ngả chạy vào rừng. Trong dân chúng có người phát hiện ra Bá Hiếu đánh lừa họ. Hoàng hậu Chiêu Nhân không phải là mẹ đẻ Bá Hiếu vì bà chỉ sinh được mỗi Uy Mục rồi mất. Dân chúng giận Bá Hiếu, không theo nữa. Mấy người thợ săn căm uất vì gia đình có người chết do theo Bá Hiếu chống lại triều đình nên quyết tìm y, bắt đem nộp cho triều đình. Cũng toán thợ săn ấy tìm thấy bộ xương của một người mới bị hổ ăn thịt, nhận ra đấy là hài cốt Lê Khắc Cương nhờ bên cạnh còn nguyên cái túi gấm trong có chiếc ấn bằng vàng khắc chữ “Ngự dụng chi ấn”. Toán thợ săn đem xương sọ và chiếc ấn nộp cho Đăng Dung. Họ còn kháo nhau con hổ ấy rất to mà lại thọt vì trong bốn vết chân thì một vết chỉ khẽ in trên mặt đất. Hổ thọt đều rất dữ vì hằn sâu mối thù với người.
Đăng Dung để Nguyễn Bỉnh Đức ở lại phủ dụ dân chúng còn mình về kinh hỏi tội Đàm Cử, Nguyễn Thọ.
Đàm Cử, Nguyễn Thọ trốn trong Hoàng thành. Mạc Quyết, Lê Bá Ly đem quân Túc vệ tới vây bên ngoài. Bên trong thì Mạc Đăng Doanh cho quân giữ điện Kim Quang lùng sục khắp chốn. Nhà vua phải giấu Đàm Cử, Nguyễn Thọ ở chỗ các cung nữ.
Kim Thoa biết được âm mưu của vua nhưng Nguyễn Thế An đưa được tin ra ngoài thì đã muộn. Mặc dù vậy, cũng giúp Mạc Quyết và Mạc Đăng Doanh vây chặt Hoàng thành không cho Đàm Cử, Nguyễn Thọ chạy thoát để chờ Đăng Dung trở về.
Mạc Đăng Dung giận lắm, cho người mang biểu vào cung đòi giết Nguyễn Cầu, Đàm Cử, Nguyễn Thọ, nếu không sẽ phá Hoàng thành. Nhà vua khóc, không nỡ. Ba tướng cùng nói: “Xin bệ hạ cứ đổ hết tội cho chúng thần. Chúng thần chết mà cứu được bệ hạ, tỏ được lòng trung cũng cam lòng” rồi bảo nhau mở cổng Hoàng thành nộp mình cho Đăng Dung. Nhà vua gạt nước mắt nhìn họ đi về phía cửa Đại Hưng.
Giết ba người rồi, Mạc Đăng Dung vào cung, trách vua:
– Thần từ khi may mắn được vua Đoan Khánh cho theo hầu đến nay, trải qua đời vua Hồng Thuận đến bây giờ là bệ hạ, đều hết lòng trung nghĩa, luôn luôn theo lẽ phải, chưa khi nào dám trễ nải trong công việc, bảo đi dẹp giặc là đi ngay, không quản vất vả, vào sinh ra tử không biết bao nhiêu lần, đến đứa em ruột thịt cũng bỏ mình vì nước. Thế mà bệ hạ lại nghe lời sàm tấu của bọn xấu khiến nghĩa vua tôi sứt mẻ, thần nghĩ rất đau lòng.
Nhà vua không biết nói sao, bảo:
– Tại Trịnh Tuy ở Thanh Hoa cho Nguyễn Thọ ra đây xui trẫm rồi rủ đám kia cùng hành động. Trẫm quyết không nghe nhưng bọn chúng cứ theo ý mình, trẫm có biết gì đâu! Trẫm đã giao cho khanh bọn Nguyễn Cầu, Đàm Cử, Nguyễn Thọ để khanh xử trí. Vậy nên từ đây khanh hãy yên tâm.
Đăng Dung đưa cho vua chiếc ấn của bọn Lê Bá Hiếu, Lê Khắc Cương:
– Bọn Hiếu, Cương bảo là cần vương nhưng thực bụng muốn chiếm ngai vàng nên mới tự cho cái quyền làm “Ngự dụng chi ấn” để dùng. Lê Hiếu còn mạo nhận là con Chiêu Nhân hoàng thái hậu để lừa dân chúng. Nếu thần không ra quân kịp thời, hậu quả thế nào bệ hạ cũng biết. Vậy mà khi thần xin bệ hạ ban chiếu xuất sư, bệ hạ nhất định không cho là ý thế nào?
Nhà vua đỏ mặt. Đăng Dung nói tiếp:
– Đã vậy nhân lúc thần bắc phạt, Mạc Quyết và tì tướng của thần là Hùng Sơn hầu Kiều Văn Côn thì bận cứu chữa những nơi ở kinh thành bị giặc đốt cháy, bọn Nguyễn Cầu lại cho người bắt giam hai Thượng thư Trình Chí Sâm và Nguyễn Thì Ung, bảo là họ cùng phe đảng với thần. Nguyễn Cầu nghe lệnh ai và phe đảng của thần là thế nào xin bệ hạ cho biết để thần được thanh minh. Bệ hạ khỏi lo nghĩ, thần khỏi băn khoăn.
– Không! Khanh không phe đảng nào cả! Khanh chớ nghe ai nói càn, còn chuyện hai Thượng thư bây giờ khanh nói trẫm mới biết, trẫm sẽ cho thả họ ngay.
Chiêu Tông từ nãy đến giờ mồ hôi ướt đẫm lưng áo!
Đăng Dung lại vào cung Diên Thọ trách Trịnh Thái hậu không biết khuyên nhủ vua. Thái hậu bảo:
– Nhà vua đã đến tuổi cáng đáng hết thảy công việc, ta không còn ngồi sau rèm nhiếp chính nữa nên chuyện vừa rồi ta có biết gì đâu.
Thấy tình thế đã đến lúc nguy ngập, tối ấy Chiêu Tông mật gọi bọn Nguyễn Hiến và Phạm Thứ. Nguyễn Hiến tâu:
– Lần trước thần bày kế, kế đã không thành lại làm khốn cho bệ hạ, nay thần không dám nói nữa, chỉ biết nếu bệ hạ bảo nhảy vào lửa thì thần nhảy vào lửa, bảo chết thay cho bệ hạ thì thần sẵn sàng chết.
Phạm Thứ tâu:
– Trước bệ hạ còn một ít Cấm binh, thị vệ cùng bọn Cầu, Cử, Thọ, bây giờ chẳng còn một tên lính nào, vậy thì muốn làm gì cũng khó. Đăng Dung chưa muốn chứ muốn thì việc lớn đến mấy cũng xong. Y còn lưỡng lự có lẽ bởi quanh vua vẫn còn không ít bày tôi trung thành và các thế lực quân phiệt đối địch. Thanh Hoa vẫn còn nguyên hai nhà Tống Sơn, Thuỷ Chú; Tuyên Quang, Hưng Hoá có tàn dư bày đảng của Vũ Nghiêm Uy; Bắc Giang có Hà Phi Chuẩn, Nghiêm Bá Ký, Phạm Tại. Nguyễn Cầu, Đàm Cử, Nguyễn Thọ bị giết, chả nhẽ con họ là Nguyễn Xí, Đàm Khắc Nhượng, Nguyễn Định lại chịu ngồi yên? Ngay các tướng cũ quân Sơn Tây thì chỉ Hoàng Duy Nhạc Nguyễn Kính là chịu theo Đăng Dung. Vậy nên hãy bỏ kinh đô, ra ngoài hiệu triệu các tướng bốn phương hỏi tội Đăng Dung.
Nhà vua thở dài:
– Trẫm đang rối hết ruột gan, ý các khanh thế nào bàn nhau cứ thế mà làm.
Ngay đấy Nguyễn Hiến, Phạm Thứ thay Chiêu Tông thảo mật chiếu, cho người mang tới các nơi gọi đem binh cứu vua.
Mạc Thị Kim Thoa từ lúc vào cung đến giờ gần như đêm nào cũng được bên vua. Vua không muốn thế nhưng sợ Đăng Dung nên Kim Thoa đòi là phải nghe, thỉnh thoảng mới được đến với Hoàng hậu và các phi tần khác. Đang sức thanh niên không thể kiềm chế nổi nên dù không chút hào hứng, nhà vua cũng ban cho Kim Thoa được vài đêm thoả mãn. Đêm nay, Chiêu Tông mãi gần sáng mới về cung, thấy Kim Thoa ngủ say, nhà vua sẽ sàng ngả lưng xuống bên cạnh, tên hoạn quan cũng rón rén mang chăn tới cho vua vì biết vua không muốn đánh động Kim Thoa. Không ngờ Kim Thoa biết hết nên nhà vua vừa nằm xuống, nàng đã hất tung tấm chăn tên hoạn quan vừa đắp cho vua xuống đất, trườn lên bụng vua, cười như nắc nẻ:
– Thiếp bắt đền, bắt đền đấy! Hoàng thượng đi đâu? Đến với ai phải không? Xem nào, đúng rồi! Thiếp không biết đâu, thiếp bắt đến đấy! Hoàng thượng những mấy chục bà, bà nào cũng ngon như món Tuyết nguyệt đào hoa (*), còn nghĩ gì đến thiếp nữa!
– Đâu có! Hôm nay trẫm… bận. Cha nàng vừa chinh Bắc về nên bao nhiêu việc trẫm muốn biết.
– Kệ bệ hạ với cha thiếp! Bệ hạ phải đền thiếp! A, được rồi đấy!- Kim Thoa nói như hát
– Bệ hạ ơi là bệ hạ ơi, thiếp yêu bệ hạ quá chừng! Nhưng chốc nữa bệ hạ vẫn phải nói thật với thiếp từ tối đến giờ đến với những ai!
Chiêu Tông đành phải chiều Kim Thoa, sau đó bịa ra rằng lúc nãy đã trót với Minh phi và Dung hoa. Kim Thoa làm bộ hấm hức.
Chiều hôm sau Chiêu Tông mở ngự yến mừng Đăng Dung và các tướng đánh dẹp Bá Hiếu, Khắc Cương thắng trận trở về. Ngự yến xong, về cung, đưa mắt về phía giường đã thấy Kim Thoa nằm sẵn, nhà vua không nén nổi nỗi ngao ngán. Bỗng Nguyễn Hiến, Phạm Thứ hớt hải vào cho biết người mang mật thư vào Tây Kinh cho Nguyễn Kim, Trịnh Tuy khi về dọc đường bị quân Đăng Dung bắt, chuyện đã lộ, mời nhà vua rời kinh gấp, xe ngựa đang chờ ngoài cửa Đại Hưng. Kim Thoa giả tảng ngủ say, nghe hết mọi chuyện.
– Ta rời kinh, thế Thái hậu, Hoàng hậu, Thái tử và Hoàng đệ của ta thì sao?
– Chúng thần đã mời được Hoàng hậu lên xe. Hoàng hậu bảo Thái tử đang ở chỗ Thái hậu. Chúng thần không thể tới chỗ Thái hậu và cả chỗ Hoàng đệ của bệ hạ được vì đường từ đây đến đấy phải qua điện Kim Quang là chỗ có quân của Đăng Doanh canh giữ. Xin Hoàng thượng đi ngay cho kịp. Tư lễ giám Lê Khoái cũng đã mang được cả Đại ấn và Ngự dụng ấn hiện đang chờ bên xe.
– Thế thì tạm được. Phải cho người ở lại tìm cách đem Thái tử đi trốn cho ta! à, khoan hẵng, ta phải giết con Kim Thoa rồi đi đâu mới đi. Bấy lâu nay nó o bế, kiềm toả, hành hạ ta đủ tình đủ tội! Kìa, nó đâu rồi, ta vừa thấy nó trên long sàng cơ mà. Các ngươi hãy tìm nó giết chết cho ta!
– Trời sắp sáng mất rồi, xin bệ hạ đi ngay. Con Kim Thoa sau này để chúng thần lo.
Chiêu Tông dậm chân dậm tay tỏ vẻ bực tức rồi mới chịu theo Nguyễn Hiến, Phạm Thứ rời cung.
Sáng hôm sau Mạc Đăng Dung mới biết chuyện, lập tức cho quân ngăn các ngả đường, lệnh cho các phố phường kinh đô ai ở nhà nấy không được ra đường, cũng không được náo động. Sau biết nhà vua đang ở Mộng Sơn, huyện Minh Nghĩa, trấn Sơn Tây, Đăng Dung liền viết thư mời vua trở lại kinh đô, sai Hoàng Duy Nhạc là người thông thuộc đường đất mang thư trao cho Chiêu Tông. Duy Nhạc nghĩ là đi mời vua trở về chứ không bắt vua nên không đề phòng gì cả, vì vậy giữa đường bị phục binh của Chiêu Tông giết chết ở Thạch Thất. Thấy trong người Duy Nhạc có thư, chúng đem về cho Chiêu Tông. Nhà vua xem xong, cười:
– Dung nói rằng ta hiểu lầm y. Y chỉ có ý ngăn chặn những kẻ sàm tấu và phân trần những chuyện đã qua chứ không có ý đồ gì khác. Y lừa ta quay về để giết, ta có là trẻ con đâu mà dễ bị lừa đến thế!
Quân đi theo Hoàng Duy Nhạc có người trở về được, báo cho Đăng Dung. Đăng Dung buồn bực và giận lắm nhưng vẫn cố đợi mấy ngày nữa để chờ vua trở về, khi thấy không còn hy vọng gì nữa, mới bàn với các đại thần trong hoàng tộc là Lê Phụ, Lê Chu, Lê Thúc Hựu và các quan Phạm Gia Mô, Dương Kim Ao, Trình Chí Sâm, Nguyễn Thì Ung:
– Nước một ngày không thể không có vua, ta đã cho người đi đón vua trở về nhưng vua chẳng những không về mà còn giết mất tướng của ta. Ta lại cho người đi tìm Thái tử vì nghe nói vì ngài ở chỗ Thái hậu nên không kịp chạy theo nhà vua. Nhưng Thái tử cũng không thấy đâu nên ta định lập em vua là Lê Xuân lên ngôi, các vị thấy thế nào?
Mấy đại thần đều nói anh tự tiện bỏ ngôi, em lên ngôi là phải .
Nghe tin vua Chiêu Tông chạy khỏi kinh đô, Đoan Từ hoàng thái hậu khóc, nói: “Đứa con thứ hai của ta ắt phải làm vua, bà già này lại bị người khác giả danh thác mệnh, bị người ta đàm luận. Nhưng còn xã tắc thì biết làm sao đây?”. Một lúc sau quả nhiên Mạc Đăng Dung dẫn bách quan văn võ đến xin tôn em Chiêu Tông là Hoàng đệ Lê Xuân lên ngôi.
Vì gần kinh đô nên Sơn Tây là nơi sớm nhận được chiếu cần vương. Chiếu đến hôm trước thì hôm sau Chiêu Tông chạy khỏi kinh đô và lấy Thạch Thất làm hành điện. Tổng trấn là Quỳnh Khê hầu Vũ Hộ đem việc bàn với con là Vũ Huấn. Vũ Hộ nói:
– Tuy giờ đây mới chỉ có chiếu của vua chứ chưa lời của Đăng Dung nhưng thể nào Đăng Dung cũng cho người tới đây. Cha con ta hiện như người đứng giữa ngã ba đường. Một bên là Quang Thiệu, một bên là Đăng Dung. Với Quang Thiệu là đạo vua tôi, với Đăng Dung là nghĩa bạn bè bạn và tình thông gia. Theo con, nên theo bên nào?
Vũ Huấn thưa:
– Trong trung, hiếu, tiết, nghĩa thì trung đứng hàng đầu, hiếu đứng hàng thứ hai. Tuy vậy, cũng có minh trung và ngu trung; đạo hiếu cũng vậy, cũng có thế này thế khác. Do vậy phải tuỳ theo thực tế chứ không thể cứng nhắc theo sách vở đạo Nho được. Vả lại, ngay Mạnh Tử cũng từng dạy: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, vua cũng không bằng dân và xã tắc, vì có dân thì mới có xã tắc, có xã tắc thì mới có vua. Thế cho nên trung, hiếu, tiết, nghĩa cũng cần được xem trọng như nhau. Nhưng cần nhất phải theo thời thế. Nhà Lê đáng ra phải chấm dứt từ thời Đoan Khánh, Hồng Thuận, níu kéo vớt vát được đến giờ đã là cố lắm nhưng xem ra không thể lâu hơn được bao lăm nữa nếu không có thay đổi. Bề ngoài tưởng vua Quang Thiệu không khiến thiên hạ phải điều tiếng gì nhưng thực ra là mưu mẹo, mánh khoé, hay nghe theo lời gièm pha mà đối xử tệ với công thần, như vậy là không được. Tuy Nhân Quốc công Mạc Đăng Dung là anh vợ của con, quyền huynh thế phụ thì cũng coi như cha, nhưng con không nhìn người như vậy. Con nhìn những việc làm của Nhân Quốc công đối với triều đình và cái cách của triều đình đối xử với Nhân Quốc công thì thấy đấy thật là một người có tài, có công nhưng lại bị nghi ngờ, đối xử tệ hại! Trông người mà ngẫm đến ta, con sợ rằng nếu mình theo Quang Thiệu thì liệu sau này Quang Thiệu có biết đến công lao của mình không, hay lại đối xử như đối xử với Trần Chân trước đây và với Nhân Quốc công bây giờ. Quang Thiệu đang lúc quẫn bách cầu cứu đến mình nhưng sau này trở về kinh sư rồi mới giở chuyện ra rằng mình là thông gia với Nhân Quốc công thì sao?
Vũ Hộ khen con nói phải nên không theo chiếu cần vương, đem toàn bộ hơn 3000 quân Sơn Tây đánh xuống Thạch Thất. May có Hà Phi Chuẩn cũng nhận được mật chiếu của Chiêu Tông kịp đến cứu mới đưa được vua qua sông Hồng, tiếp đấy cho người hộ giá lên Bắc Giang còn mình thì đóng quân ở phía Tây cầu Đông Ngàn để ngăn quân Sơn Tây. Vũ Hộ thấy vậy rút lên Sơn Tây, cho Vũ Huấn về kinh đô lên hệ với Đăng Dung. Đăng Dung mừng lắm nói với Vũ Huấn:
– Quỳnh Khê hầu không vì ăn lộc của Quang Thiệu mà bỏ gia đình, bạn bè, thật là may cho ta lắm. Sau này ta có thành công được, Quỳnh Khê hầu giúp sức đến một nửa. Nay triều đình đã có vua mới, Quang Thiệu giờ chỉ là phản thần Lê Y, chúng ta có tiêu diệt cũng hợp với lẽ đời. Nhưng vì Lê Y vẫn ở bên ngoài kêu gọi binh mã các nơi chống lại triều đình, kinh thành ở giữa thiên hạ, lại là nơi không yên ổn, đầy tai mắt của hắn nên ta buộc lòng phải rút sang Hải Dương. Em hãy về nói với Quỳnh Khê hầu rằng hãy cố giữ vững đất Sơn Tây, đông đoài hai phía làm thành thế liên hoàn ứng cứu cho nhau, quân của Lê Y có đánh nơi nào cũng không dám dốc toàn bộ lực lượng, chờ cho chúng lơ là hoặc suy kiệt lúc đó ta sẽ bất ngờ chuyển thế thủ thành thế công, có vậy mới thắng được.
Đăng Dung lấy một mũi tên bẻ làm đôi, mình giữ một nửa, trao cho Vũ Huấn đem về một nửa, giao hẹn đôi bên nếu cho người liên lạc thì đem theo làm tin để đề phòng kẻ gian. Đăng Dung sai mở kho đưa cho Vũ Huấn mấy nghìn lạng bạc để về ban cho tướng sĩ mà động viên họ hết lòng vì triều đình. Vũ Huấn quay lại Sơn Tây ngay hôm đó.
Ngày 1 tháng Tám năm Nhâm Ngọ (1522), Lê Xuân đăng quang, đặt niên hiệu là Thống Nguyên, về sau sử gọi là vua Cung Hoàng. Ngay đó Đăng Dung tâu việc rời khỏi kinh đô, mời Thái hậu cùng nhà vua xa giá sang Hải Dương, lập hành điện tại Hồng Thị.
Nghe con trở về nói Mạc Đăng Dung bỏ kinh đô rút sang Hải Dương, Vũ Hộ khen phải và lập tức lo việc phòng thủ, chia quân giữ thành Sơn Tây và Thạch Thất, Tản Viên, lấy núi non và mấy hồ nước lớn trong trấn làm chỗ dựa, đồng thời cho chiến thuyền tuần tiễu nghiêm ngặt dọc theo sông Thao, tạo nên thế chân vạc vững chắc.
ở Hải Dương, Đăng Dung cho quân dân đắp gấp luỹ Cẩm Giang để phòng thủ mặt Tây, sai Mạc Đĩnh Khoa lên giữ Lục Đầu Giang, sau đó lại đưa Thái hậu và vua Thống Nguyên về trấn phủ Gia Phúc cho cách xa chiến luỹ. Vật báu trong các cung, lương thực, khí giới trong các kho tàng đều vận tải hết sang Hải Dương. Quan lại, kể cả hoạn quan và cung nữ ai theo cũng cho sang Hải Dương.
Mạc Đăng Dung việc gì trong quyền mình cứ làm, không cần nói với vua Thống Nguyên, việc gì không phải quyền mình đều tâu bày để giữ đúng phép nước. Căn cứ vào biểu của Đăng Dung, vua phong quan tiến tước cho tất cả văn thần võ tướng, khao thưởng quân sĩ để động viên họ.
—————————————-
(*) Các món ăn trong cung đình đều được đặt các tên đẹp, không dùng cách gọi của thường dân.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.