- Đang online: 3
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 14479
- Tổng truy cập: 3,368,607
Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung
- 259 lượt xem
Phần 18
Chiêu Tông trưng tập được khá nhiều binh mã, thấy Đăng Dung rút sang bên kia sông Nhị Hà liền dẫn quân trở lại Đông Kinh, lấy điện Thuỵ Quang làm ngự điện.
Quan lại trung thành từ các nơi lại lục tục tới chầu, quân đội, lương thảo ầm ầm trên các nẻo đường dẫn về kinh đô, lực lượng lại mạnh lên. Nghe tin Lê Xuân lên ngôi, Chiêu Tông bực lắm:
– Thằng em ta không thấy thế là sai trái ư? Phen này ta không thể tha cho nó.
Lâm Xuyên bá, Thượng thư Bộ Hộ là Đàm Thận Huy thưa:
– Hoàng đệ lên ngôi không phải muốn thế mà chắc là do Đăng Dung sắp đặt.
– Dẫu có vậy thì nó cũng phải biết mà thoái thác chứ! Ngay hôm rời kinh thành, thấy không đem được nó đi trốn, ta đã nghĩ ngay nếu nó ở lại, thể nào cũng sẽ tiếm ngôi. Khi biết Lê Khoái mang theo được đại ấn, ta đã mừng. Không ngờ nó chẳng cần đến ấn tín cũng cứ lên ngôi. Láo thế thì tha sao được!
– Xin bệ hạ bớt giận để nghe thần nói hết đã. Giữa cái sống và cái chết theo nhẽ đời người ta thường chọn cái sống. Vả lại về lý thì bệ hạ đã bỏ ngôi báu, cũng về lý thì nước một ngày không thể không có vua nên triều đình lập vua mới cũng là đúng. Việc này hẳn đã được Thái hậu thuận theo cho dù Thái hậu cũng chỉ nghe theo hoặc bị Đăng Dung ép buộc. Nay bệ hạ nên tập trung vào việc tiêu diệt Đăng Dung, diệt được rồi, với Hoàng đệ xử trí cũng dễ, thần nghĩ lúc đó Hoàng đệ sẽ sẵn sàng trả lại ngôi báu cho bệ hạ.
– Thôi được rồi. Thế đã biết Thái tử ở đâu chưa?
Tất cả không ai trả lời. Chiêu Tông quát:
– Không tìm thấy Thái tử thì ta giết các ngươi!
Các quan phải khuyên giải mãi Chiêu Tông mới nguôi. Một lúc sau nghĩ đến Kim Thoa, Chiêu Tông lại đùng đùng nổi giận, thề phải giết, mọi người lại khuyên giải lần nữa, lúc bấy giờ Chiêu Tông mới yên để bàn việc chinh phạt.
Nguyễn Hiến tâu:
– Nay binh lực hiện tuy nhiều nhưng chưa đủ đánh quân Hải Dương, đã thế lại phải chia ra phòng quân Sơn Tây. Vậy nên hãy khoan tiến quân, chỉ cốt giữ không cho giặc sang sông, chờ Nguyễn Kim, Trịnh Tuy ở Thanh Hoa ra, lúc đó hãy hay.
Hà Phi Chuẩn bảo:
– Thực là ý kiến của một ông quan văn! Đông Kinh với Sơn Tây ví như tay chân của con người ta, nếu Đăng Dung ở lại Đông Kinh thì y sẽ mạnh vô cùng nhưng lại dời sang Hải Dương, khác nào làm cho tay chân rời nhau. Qua đó đủ biết người này hữu dũng vô mưu. Hiện Đăng Dung còn chưa vững chân ở Hải Dương, không đánh lúc này còn đánh lúc nào nữa. Thần tuy bất tài cũng xin được sang sông quyết chiến với Đăng Dung.
Một tướng võ đứng tận cuối hàng quan võ tiến ra, đó là Nguyễn Kính. Nguyễn Kính chưa kịp nói gì thì Hà Phi Chuẩn đã quát lớn:
– Tên tì tướng của Đăng Dung kia! Sao ngươi lại ở đây?
– Tôi là tướng của triều đình, sao lại bảo là người của Đăng Dung được?
– Nhà ngươi muốn nói gì? – Chiêu Tông hỏi.
Nguyễn Kính tâu:
– Hạ thần từng theo Đăng Dung đi đánh nhiều nơi, thấy Hà tướng quân nói như vậy là chưa đúng với con người của y. Đăng Dung không chỉ giỏi võ nghệ mà còn tinh thông binh pháp, cầm quân nhiều năm, chinh chiến khắp nơi, tắm gió gội sương, vào sinh ra tử đều trải nên am hiểu từ trận đánh đến cả chiến cuộc, từ địa hình chiến trường đến lòng dạ tướng sĩ. Hải Dương lại là đất cũ của y, giao cho Nguyễn Bỉnh Đức giữ, Đức vừa là tướng dưới quyền, vừa là bạn chí cốt, nay y trở về khác chi hổ thêm móng vuốt. Để Vũ Hộ ở Sơn Tây còn y sang Hải Dương đó là kế liên hoàn, hai bên ứng cứu đỡ cho nhau. Vì vậy trong khi đánh Hải Dương ta vẫn cần người tài giỏi và lực lượng mạnh để chống mạn Sơn Tây. Còn để đánh Hải Dương, chỉ đối diện một mặt là không thắng nổi. Nay nên dùng bốn đạo quân mà đánh từ bốn mặt: Đạo thứ nhất, hướng Bắc, từ Bắc Giang, Kinh Bắc đánh xuống, giao cho các tướng Hà Phi Chuẩn, Nghiêm Bá Ký, Nguyễn Xí, Phạm Tại đảm nhiệm. Đạo thứ hai, hướng Tây, từ Đông Kinh, vượt Nhị Hà đánh sang, giao cho Lại Thúc Mậu, Nguyễn Dư Hoan đảm nhiệm, đây là đạo quân trung ương vậy nên xin bệ hạ tiếp ứng cho đạo này để thêm khí thế. Đạo thứ ba, cũng hướng Tây vượt sông Hồng ở mạn Sơn Nam Thượng, lội qua bãi Tự Nhiên đánh sang Khoái Châu, giao cho Đàm Khắc Nhượng, Nguyễn Định đảm nhiệm. Đạo thứ tư, hướng Nam, vượt sông Hồng ở mạn Sơn Nam Hạ, cho quân thuỷ đánh sang Phố Hiến, giao cho Nguyễn Xí đảm nhiệm. Nếu quân An Thanh hầu Nguyễn Kim, Vĩnh Hưng bá Trịnh Tuy từ Thanh Hoa ra kịp thì thêm đạo thứ năm, cho quân thuỷ theo đường biển đánh thẳng vào Cổ Trai, Đồ Sơn là sào huyệt của Đăng Dung. Đăng Dung không thể có mặt được khắp, thể nào cũng thua!
Hà Phi Chuẩn cười:
– Ta thấy ngươi bày cách đánh bốn mặt rồi năm mặt khá rành mạch nên cố lắng nghe, nhưng nghe từ đầu đến cuối không thấy chính ngươi đi đạo nào là cớ làm sao? Nay triều đình định tập trung lực lượng, ví như bó đũa lớn không thể bẻ gãy được, ngươi lại định xé lẻ ra như tách từng chiếc đũa một để Đăng Dung dễ bề bẻ gẫy phải không? Ngươi thật là tiếp tay cho giặc. Tâu bệ hạ! Nguyễn Kính theo Đăng Dung chinh chiến nhiều phen, ăn lộc của y hẳn đã nhiều, không giết đi thì thôi, y bàn gì chớ nên theo!
Nguyễn Kính bực quá quát lên:
– Không theo kế của ta thì thôi, ngươi chớ có ngậm máu phun người! Ta mới bàn việc đánh Hải Dương chứ đã nói hết đâu. Ta vốn không lạ gì Sơn Tây, Hưng Hoá, ý ta là nhận đánh Sơn Tây. – Quay về phía Chiêu Tông, Nguyễn Kính nói – Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần ngày trước đã trót theo Trần Chân, sau đó lại a tòng với Trịnh Tuy chống lại triều đình, tuy đúng là được Đăng Dung đứng ra xin tha cho tội chết nhưng có được tha hay không lại do bệ hạ. Với Đăng Dung hạ thần đã vì y mà quyết chiến với quân Trần Thăng, giúp y lập công lớn, như vậy là đã trả hết cái nợ ân nghĩa với y, giờ không còn nợ nần gì nữa, thần chỉ một lòng vì triều đình mà thôi!
Hà Phi Chuẩn tự ái nói dỗi với Chiêu Tông:
– Thần đã nghĩ lại, thấy kế của Nguyễn Kính tướng quân rất hay. Thần bất tài, vậy nên xin được trở về ngay Bắc Giang chăm lo cho mấy vườn vải để sắp tới có ngự lệ dâng bệ hạ.
Chiêu Tông thấy Nguyễn Kính tính toán mưu lược, rất muốn nghe theo, nhưng lại không muốn làm mếch lòng Hà Phi Chuẩn vì y vừa có công cứu giá đánh lui Vũ Hộ nên quyết định sai Hà Phi Chuẩn tiến quân.
Hà Phi Chuẩn một mình dẫn quân bản bộ vượt sông Nhị Hà. Đăng Dung giấu thuỷ quân ở ngã ba Nhị Hà và sông Đuống, cứ để mặc cho quân Phi Chuẩn sang sông, chờ khi chúng sang được một nửa mới lệnh cho nhổ sào, từ thượng lưu thuận theo dòng nước đánh xuống, chia cắt quân Phi Chuẩn làm đôi khiến đám quân đang ở giữa sông phải quay lại bờ còn đám đã sang được Gia Lâm bị đánh tan tác, kẻ chạy trở lại được thuyền thì bị đánh lộn xuống sông chết đuối, kẻ còn trên bờ thì bị bắt sống. Phi Chuẩn cùng với mấy tên lính phải xuống thuyền nhỏ, cố sống cố chết mở đường máu mà chạy mới thoát chết.
Nguyễn Kính xin Chiêu Tông chém đầu Hà Phi Chuẩn vì làm mất nhuệ khí ba quân. Chiêu Tông gọi Hà Phi Chuẩn đến trách mắng, sai y lo mặt Sơn Tây rồi theo kế của Nguyễn Kính, cử Kính làm tham mưu chia quân thành bốn đường tiến đánh Hải Dương. Dò biết như vậy, Mạc Đăng Dung triệu các tướng lại bàn:
– Lúc này ba mặt Tây, Nam, Bắc đều đã thuộc về Lê Y, ta chỉ có xứ Đông là Hải Dương này mà thôi. Hiện quân Đông Kinh lại chia làm bốn ngả tiến đánh. Ta tình thực thú nhận như vậy chứ không che giấu. Nhưng ta rời Đông Kinh sang đây là đã tính toán rất kỹ. Vả lại quân cốt tinh chứ không cốt đông, đất cốt hiểm yếu chứ không cốt rộng. Ta lo nhất mặt biển thì may sao cả bốn ngả của địch đều là mặt bộ. Sở dĩ mặt biển được yên vì Nguyễn Kim, Trịnh Tuy nghi kỵ, đề phòng lẫn nhau nên chưa bên nào ra quân. Quân Thanh Hoa quen sóng gió, thực lực mạnh, Nguyễn Kim, Trịnh Tuy đều là tướng giỏi, chỉ cần một trong hai bên kéo quân ra Bắc là chúng ta đã bất lợi. Vậy nên ta đã cho người bí mật vào Thanh tung tin để gieo thêm mối bất hoà giữa chúng. Mặc dù vậy vẫn cứ phải đề phòng nên đã sai Nguyễn Như Quế giữ từ cửa sông Đáy cho tới cửa Trà Lý, Phạm Gia Mô giữ từ cửa Văn úc tới cửa Nam Triệu. Lại sai Lê Bá Ly đóng quân ở Vĩnh Lại để sẵn sàng tiếp ứng cho cả hai. Về mặt bộ: Để chống lại hai đạo quân từ Sơn Nam sang, ta giao cho Nguyễn Quốc Hiến dàn quân dọc tả ngạn sông Hồng, chỉ cốt giữ những nơi hiểm yếu chứ không cốt đánh vì Sơn Nam là đất cũ của ta, binh lính phần lớn đã từng dưới quyền cai quản của ta, sau đó chiến thuyền lại do chính Quốc Hiến nắm giữ nên tình cảm đôi bên vẫn còn; tướng giặc là Đàm Khắc Nhượng, Nguyễn Định, Nguyễn Xí đều là các tướng trẻ, khoẻ mà không khôn nên chắc chắn quân ta chống được. Địch lại đạo quân Bắc Giang ta giao cho Mạc Đĩnh Khoa và Mạc Quốc Trinh. Đĩnh Khoa lâu nay đã được giao đóng quân ở Lục Đầu Giang, Côn Sơn, Chí Linh, ba nơi này tạo thành thế chân vạc vững chắc nhưng cũng chỉ cốt giữ chứ không cốt đánh, chờ ta đánh xong đạo Đông Kinh, bấy giờ hãy tiến quân. Đạo từ Đông Kinh đánh sang là đạo chủ lực của địch, Lại Thúc Mậu, Nguyễn Dư Hoan đều là các tướng giỏi, lại có chính Lê Y đứng sau, ta sẽ trực tiếp cầm quân mặt này cùng với Mạc Quyết và đã có kế sách. Nghe nói kế vây đánh Hải Dương bốn mặt là do Nguyễn Kính bày ra. Người này thực sự có tài, ta đã biết từ lâu và đã có kế ứng phó, lúc này chưa nói ra được. Để tuần tra, tiếp ứng các mặt ta đã giao cho Vũ Cán, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Bỉnh Đức làm Đề sát thuỷ bộ quân vụ. Lo việc quân lương thì giao cho Trình Chí Sâm, Nguyễn Thì Ung, Khuất Quỳnh Cửu. Mạc ích Trưng bảo vệ Thái hậu và nhà vua.
Mạc Quyết bàn:
– Quân Lê Y đông, nóng lòng muốn đánh nhanh nên để chống lại đạo chủ lực của địch, theo tôi ban đầu hãy cố thủ tại luỹ Cẩm Giang, vừa đánh vừa nghỉ, chờ cho chúng giảm dần nhuệ khí, chán nản và mệt mỏi, lúc đó ta sẽ bất ngờ tung hết lực lượng thì có thể thắng được. Đó là kế “lấy kẻ nghỉ ngơi đánh người mệt mỏi”.
– Ta cũng có chủ trương như vậy. – Đăng Dung nói – Nhưng dẫu sao khi quân Lê Y vượt sông, cũng phải đánh cho chúng một trận để nhớ và cho tướng sĩ tin vào các chủ trương.
Các tướng nhận lệnh lần lượt cầm quân lên đường, ai nấy đều nghĩ Đăng Dung cầm quân như thần, thảo nào ngày trước đánh đâu được đấy, thật danh bất hư truyền!
Tháng Tám năm ấy Chiêu Tông tự mình cầm quân vượt sông Nhị Hà. Quân Đăng Dung phục trên mặt đê, cung thủ chờ địch đến gần mới bắn. Vừa dứt thì Đăng Dung đi mặt phải, Mạc Quyết mặt hữu cùng đánh lại, hất bật quân Lê Y trở lại sông. Chợt Mạc Đĩnh Khoa cho người cấp báo: Vì không chống nổi quân Kinh Bắc từ Gia Lương, Thuận Thành đánh xuống nên Mạc Quốc Trinh đã phải rút về giữ luỹ Cẩm Giang. Thấy bất lợi, Đăng Dung cũng rút về Cẩm Giang. Nhờ thế quân Lê Y chiếm được các huyện Gia Lâm, Văn Giang, Đường Hào, Cẩm Giang, Lương Tài, Gia Định, nhưng tới luỹ Cẩm Giang thì phải dừng bước.
Chiêu Tông thấy cũng cần cho quân nghỉ ngơi để đợi thêm quân thì hay tin Hà Phi Chuẩn không chống nổi quân Sơn Tây của Vũ Hộ, hiện quân Sơn Tây đã đánh tới Từ Liêm, kinh đô rất nguy ngập, xin quân tiếp viện. Chiêu Tông nổi giận:
– Ta đang muốn có thêm quân để sống mái với Đăng Dung một trận, lấy đâu ra người mà chi viện cho mạn Sơn Tây?
Đang lúc ấy quân lại báo Vũ Hộ đã đánh tới sông Tô Lịch. Chiêu Tông thở dài:
– Đăng Dung ngày nay dám làm càn cũng là do Vũ Hộ tiếp tay! Nếu ngày nọ Hộ không đem mấy nghìn quân theo Đăng Dung, Dung chỉ có cái xó Hải Dương, vị tất đã làm gì được ta?
Nguyễn Kính tâu:
– Mất Đông Kinh thì triều đình lại hoá ra bị chẹt gữa hai mặt Đông Tây nên không thể không tiếp ứng cho Sơn Tây được!
– Vậy thì cấp cho ngươi 1000 quân, ngươi hãy vì ta mà sang sông một chuyến.
Nguyễn Kính về cứu kinh đô, quân chưa tới sông Tô Lịch thì Vũ Hộ đã rút về Thạch Thất. Nguyễn Kính, Hà Phi Chuẩn đem quân tiến đánh Sơn Tây, đang lúc ấy lại có chỉ gọi Nguyễn Kính về cứu vua vì Đăng Dung đánh rất mạnh ở Hải Dương. Nguyễn Kính bàn với Hà Phi Chuẩn lui về kinh đô, sau đó Kính sang sông trở về bên Chiêu Tông.
Hai bên cầm cự nhau đến hơn một tháng, đánh nhau dăm trận không phân được thua. Thấy quân Sơn Nam dường như án binh bất động, Chiêu Tông liền sai người đến đó để điều mấy nghìn quân tới Gia Lâm định bụng đánh một trận lớn trận thì lại có tin cấp báo của Hà Phi Chuẩn: Quân Vũ Hộ lại đánh tới sông Tô Lịch, có lúc còn qua được sông đánh tới tận cửa Đại Hưng. Chiêu Tông bực lắm, bảo:
– Không diệt được Vũ Hộ thì không thể thắng nổi Đăng Dung. Hà Phi Chuẩn do may mắn mà cứu được trẫm chứ chỉ là kẻ bất tài.
Chiêu Tông bèn cử Nguyễn Kính thay thế Phi Chuẩn, điều Phi Chuẩn lên Bắc Giang hỗ trợ bọn Nghiêm Bá Ký, Nguyễn Xí, Phạm Tại lúc này cũng đang gặp trở ngại ở Lục Đầu Giang.
Quân Chiêu Tông thấy đánh mãi không được đâm ra mệt mỏi và lơi lỏng dần. Thì một đêm, Đăng Dung cho quân thuỷ từ sông Đuống vào sông Hồng, lặng lẽ xuôi dòng đánh thẳng vào doanh thuỷ quân của Chiêu Tông ở cả hai bên bờ sông Hồng. Cùng lúc quân bộ rời chiến lũy đánh bật quân bộ của Chiêu Tông về phía bờ sông. Quân Chiêu Tông quá bất ngờ, kẻ chạy lên bờ, kẻ trốn xuống thuyền, kẻ rơi xuống sông, riêng ôm nhau chết đuối cũng không biết bao nhiêu mà kể. Quân Đăng Dung sang sông, tràn lên bờ, chiếm phường Đông Hà. Chiêu Tông chạy vào Hoàng thành. Quân Đăng Dung tiến đánh Hoàng thành. Lại Thúc Mậu, Nguyễn Dư Hoan chống cự không nổi phải bỏ chạy. Quân Hải Dương xông vào điện Thuỵ Quang lùng bắt Chiêu Tông. May có lính hộ vệ cản được địch Chiêu Tông mới thoát được.
Chiêu Tông chạy bộ về phía Nhân Mục Cựu, xung quanh không còn một ai, lại gặp ngay bốn tên lính Hải Dương từ phường Phục Cổ xông tới, lúc đó đã sáng, chúng nhận ra Chiêu Tông bởi áo hoàng bào mặc trên người. Chiêu Tông kêu lên: “Ai cứu ta?”, Nguyễn Dư Hoan đang quanh quẩn tìm vua nghe thấy vội tới, giết được hai tên, hai tên kia bỏ chạy, cứu được Chiêu Tông. Chiêu Tông phải vứt hoàng bào cải trang như thường dân mới chạy thoát được tới đình làng Nhân Mục.
Mấy ngày sau quan quân nghe tin lục tục tới làng Nhân Mục phò giá. Đang lúc ấy lại có tin từ Sơn Nam: Đang đêm quân Đăng Dung từ bên tả ngạn cho thuyền sang đánh Sơn Nam Hạ, Nguyễn Xí chết trận. Giặc lại dùng tinh kỳ và binh phù của Xí lên Sơn Nam Thượng đánh lừa được Đàm Khắc Nhượng và Nguyễn Định. Nguyễn Định bị giết. Đàm Khắc Nhượng chạy được, sợ bị Chiêu Tông hỏi tội, hiện trốn ở chỗ Giang Văn Dụ, phủ Thanh Oai. Vũ Hộ nhân lúc rối loạn lại đem quân xuống đánh rát một trận, rồi đóng trại bên kia sông Tô Lịch, có ý chiếm giữ lâu dài chứ không rút về Sơn Tây như mọi lần nữa.
Chiêu Tông trách Nguyễn Kính:
– Ta nghe theo ngươi chia quân làm bốn ngả cùng đánh Đăng Dung vậy mà cũng không xong, thế là thế nào?
– Trên đời này nhiều việc lực bất tòng tâm nữa là việc dùng binh vốn thiên biến vạn hoá và không chỉ do mình mà còn phụ thuộc vào đối phương. Xưa Hán Sở tranh hùng, quân Lưu Bang lúc đầu yếu mà cuối cùng theo kế của Hàn Tín chia quân làm ba đạo, mai phục mười mặt vây được Hạng Võ ở Cai Hạ, chấm dứt sự nghiệp của Hạng vương. Nhưng vào đời Tam quốc lại khác, quân Tào mạnh, Tư Mã ý bày kế chia quân 50 vạn thành năm đường đánh Thục, vậy mà lại không thắng nổi Gia Cát Khổng Minh; lạ nhất là Gia Cát không ra quân, chỉ ngồi chơi mà yên được cả năm đường ấy. Không phải Tư Mã ý bất tài, chẳng qua bởi Khổng Minh tài hơn. Đăng Dung tài hơn chúng ta một bậc vậy thì biết làm sao! Vả lại thần đã nói ngay từ đầu, y ở Hải Dương để Vũ Hộ ở Sơn Tây là có ý cả.
– Ngươi đề cao Đăng Dung, hạ thấp quân triều đình là có ý làm sao?
– Tâu bệ hạ, nhưng sự thật là thế!
Chiêu Tông tím mặt lại nhưng không nói sao.
Trong khi, Đăng Dung đang mừng vì tin thắng trận liên tiếp báo về thì quân do thám cho hay quân địch ở mạn Bắc Giang, Kinh Bắc đang yếu bỗng mạnh lên nhờ đám bại quân của Chiêu Tông chạy tới đông đến gần một vạn tên nên đang tăng sức đánh Lục Đầu Giang, Côn Sơn, Chí Linh, tình hình rất nguy ngập. Quân Trịnh Tuy cũng đang trên đường kéo ra Bắc, hiện đã tới Hoa Lư. Thấy bất lợi, Đăng Dung quyết định bỏ kinh thành, kéo sang bên tả ngạn vừa giữ Hải Dương vừa tập trung sức đánh Kinh Bắc, Bắc Giang. Chiêu Tông và quần thần một lần nữa trở lại kinh đô.
Sở dĩ mãi lúc này Trịnh Tuy mới đem quân ra Bắc cũng vì nghi kỵ phía Nguyễn Kim. Thấy vậy Nguyễn Kim phải cho người vợ lẽ tới Thuỷ Chú làm con tin, điều đình với Trịnh Tuy để y xuất quân và xin góp quân Hà Trung, còn mình sang bên Ai Lao nhờ vua nước đó giúp. Bấy giờ Trịnh Tuy mới gom được quân ba phủ Thiệu Thiên, Hà Trung, Tĩnh Gia từ Thanh Hoa tiến ra Bắc. Lúc đó đã sang mùa đông và cuộc chiến ở Bắc Hà đã trải qua ba tháng.
Tới Đông Kinh, Trịnh Tuy nghĩ chưa thể đánh bại Đăng Dung được ngay, nên quyết định đưa Chiêu Tông về Tây Kinh để tính kế lâu dài. Nguyễn Kính ra sức can:
– Triều đình mong quân Tam phủ mỏi mắt, nay quân đã ra tới đây, nhẽ nào lại không đánh mà chỉ để đem vua về Tây Đô?
Trịnh Tuy nói:
– Ngươi nói là hiểu rõ con người Đăng Dung, lại tiếng là người Sơn Tây, được Hoàng thượng cho làm Tham quân vậy mà chống lại Đăng Dung đã không nổi, đánh cái xó Sơn Tây cũng không xong, làm sao mà bàn việc lớn được! Quân Tam phủ là quân tâm phúc, một người bằng ngàn vàng, không thể để phí xương máu trong lúc bất lợi như thế này.
Nguyễn Kính đâm ra buồn bực và không muốn Thanh Hoa. Đang khi ấy, vào khoảng chập tối có người tới chỗ Nguyễn Kính. Kính nhận ra là quan nội phủ Nguyễn Thế An.
– Tướng quân có biết ba điều nguy đối với mình không? – Thế An hỏi.
– Ta làm sao mà nguy? Lại những ba điều là thế nào?
– Ngày trước tướng quân làm cho Hà Phi Chuẩn giận vì nhà vua nghe theo kế của tướng quân chứ không nghe theo y nhưng rốt cuộc kế của tướng quân cũng không thành khiến Phi Chuẩn lấy làm hả hê. Đó là cái nguy thứ nhất. Kế ấy không thành chẳng những khiến triều đình đại bại mà còn làm nhà vua xấu hổ với Phi Chuẩn. Đó là cái nguy thứ hai. Nhưng cả hai điều ấy cũng chả sao nếu như Trịnh Tuy không kéo quân ra Bắc, nay nhà vua có chỗ dựa mới, nhà vua sẽ không cần tướng quân nữa. Đó là cái nguy lớn nhất.
– Ta hiểu rồi nhưng biết làm sao bây giờ?
– Nhưng lại có một người đang rất cần tướng quân, tướng quân có biết không? – Nguyễn Thế An chấm tay vào chén nước rồi viết ra bàn chữ “Mạc” và nói – Bỏ chỗ hẹp hòi đến nơi rộng lượng đó mới là kẻ sĩ.
– Ta có ý thế đã lâu.
– Vậy thì tướng quân còn chần chừ gì nữa!
Ngay đêm đó Nguyễn Kính đem mấy chục người thân tín sang sông đầu hàng Đăng Dung. Nghe quân vào báo có Nguyễn Kính tới hàng, Đăng Dung đang ngủ, không kịp chải tóc, đi giầy, cứ thế chân đất, khoác vội áo ra đón Nguyễn Kính:
– Giời cho tướng quân về với ta, lo gì nghiệp lớn không làm được!
Nguyễn Kính cảm động bái lậy. Đăng Dung nói:
– Mấy năm trước sau khi về với triều đình, tướng quân cùng tôi tiễu phạt Trần Thăng, lúc đó tôi những tưởng được cùng tướng quân mãi mãi bên nhau, ai ngờ lại mỗi người một ngả, tôi cứ tiếc mãi. Bây giờ dẫu sông cạn đá mòn xin đừng bỏ nhau. Lại nhớ hồi tôi cùng Nguyễn Hoằng Dụ lên Sơn Tây, được nghe những lời tâm huyết của tướng quân, tôi khác nào như người từ chỗ tối được dắt ra chỗ sáng, khiến tôi nhớ mãi. Nay tướng quân bàn gì cũng quyết ghi lòng.
Nguyễn Kính nói:
– Trịnh Tuy đưa Quang Thiệu vào Tây Đô, dù có vội vàng và trước mắt có lợi cho ta nhưng lâu dài âm mưu ấy không thể xem thường. Tây Đô là đất căn bản của nhà Lê; trong đó ngoài Trịnh Tuy lại còn có Nguyễn Kim, để hai nhà này liên kết được với nhau thật là mối nguy khó lường. Nay thừa thắng nên cho quân vào Thanh Hoa nhổ cỏ tận gốc cho khỏi lo về sau. Mặt khác mau chóng bình định Bắc Hà để thiên hạ sớm được thu về một mối, có thế nghiệp lớn mới mau được.
– Tôi muốn thế đã lâu, hiềm nỗi còn lo bọn Hà Phi Chuẩn ở Bắc Giang!
– Đồ chuột nhắt ấy chẳng có gì đáng ngại. Tôi xin vì tướng quân đi đánh Phi Chuẩn. Hiện nay ngoài Bắc Hà chỉ có hai người đáng kể: Một là Lê Công Uyên, người huyện Lôi Dương, cháu của đại công thần Lê Văn Linh ngày trước. Uyên khéo uốn ba tấc lưỡi thuyết phục kẻ khác, nhiều lần được Lê Y sai làm sứ giả chiêu mộ quân cứu giá. Hai là Lâm Xuyên bá Đàm Thận Huy, nguyên là Thượng thư Bộ Hộ. Người này là một trong những người cuối cùng còn sống cho đến nay của Tao Đàn thời Thánh Tông. Chính ông ta đã gây khó dễ về quân lương cho tướng quân hồi đánh giặc Trần Thăng năm nào. Thận Huy đã cùng Nguyễn Nghiên nhận mật chiếu của Lê Y về Đông Ngàn là quê của chúng chiêu mộ quân sĩ, hiện đang gây thanh thế ở vùng Yên Thượng, Đình Bảng. Hai người này nhiều uy tín nên nói thiên hạ ai cũng nghe.
Mạc Đăng Dung khen phải và cử Nguyễn Kính tiến đánh Hà Phi Chuẩn, bình định Kinh Bắc; sai Mạc Quyết cùng Vũ Hộ, Nguyễn Như Quế dẫn quân đuổi theo Trịnh Tuy vào đánh Thanh Hoa. Có người nói với Đăng Dung, lo Nguyễn Kính lập kế để theo Hà Phi Chuẩn. Đăng Dung chỉ cười, quả nhiên mấy ngày sau đã có tin thắng trận từ Bắc Giang báo về.
Trước đây, khi rút quân vào Thanh Hoa, Trịnh Tuy có sai Giang Văn Dụ đóng quân ở Thanh Oai để phòng quân Đăng Dung đuổi theo nên khi Mạc Quyết dẫn quân đánh Thanh Hoa đã gặp phải sự chống cự của Giang Văn Dụ. Tuy nhiên chỉ sau một trận Văn Dụ đã đại bại, phải chạy về phía Tây và lẩn trốn trong rừng, sau sống hay chết không ai hay, chỉ biết năm sau mấy người đi rừng bỗng tìm thấy một bộ xương khô ở gần dốc Cun, bên cạnh bộ xương có thanh gươm đã gỉ vàng cả ra, có người ta đoán đó chính là xác Văn Dụ. Dẫu vậy, vì Văn Dụ nên Mạc Quyết đã không đuổi kịp Trịnh Tuy.
Năm Thống Nguyên thứ hai (1523), Mạc Quyết dẫn quân vào Thanh Hoa, cùng Trịnh Tuy đánh nhau một trận lớn ở Tam Điệp. Mạc Quyết đánh bật được quân Trịnh Tuy khỏi đèo nhưng sau đó lại bị đẩy lùi trở lại Tam Điệp. Quân Mạc giữ lại được một đèo, Trịnh Tuy chiếm lại được hai đèo. Sau đó hai bên đánh nhau liền mấy trận, không phân được thua. Thấy tình hình Bắc Hà chưa yên, Mạc Quyết để Vũ Hộ, Nguyễn Như Quế ở lại giữ vững Tam Điệp rồi ra Bắc cùng Đăng Dung tiêu diệt các toán quân phò Chiêu Tông còn sót lại đang rải rác khắp nơi, mấy tháng sau thì bắt được bọn Hà Phi Chuẩn, Nghiêm Bá Kỳ, Phạm Tại.
Tháng Bảy năm ấy, vua Cung Đế nghe theo Đăng Dung ra chiếu phế bỏ vắng mặt Chiêu Tông xuống Đà Dương vương.
Năm sau nhà vua thăng Mạc Đăng Dung làm Bình chương quân quốc trọng sự Thái phó Nhân Quốc công.
Đàm Thận Huy từ khi nhận mật dụ của Chiêu Tông đã cùng với Nguyễn Nghiêm tập hợp được gần một nghìn nghĩa sĩ. Một hôm quân vào báo có người từ kinh đô mang thư chiêu hàng của Mạc Đăng Dung tới. Nguyễn Nghiêm cầm thư nhưng không đọc, xé ngay đồng thời quát võ sĩ lôi người đó ra chém. Đàm Thận Huy can, bảo hai bên đánh nhau không nên chém sứ giả bấy giờ Nguyễn Nghiêm mới thôi, chỉ sai người đuổi ra ngoài.
Tình hình Bắc Hà tạm yên, năm Thống Nguyên thứ ba (1524), Đăng Dung lại sai Mạc Quyết cùng Vũ Hộ, Nguyễn Như Quế vào đánh Thanh Hoa. Mạc Quyết nói:
– Lần trước quân ta vào đánh Thanh Hoa nhưng phải dừng lại ở Tam Điệp, bây giờ nên thế nào?
Mạc Đăng Dung bảo:
– Quân thuỷ của ta lúc này không mạnh bằng quân thủy Thanh Hoa nên chưa thể đánh từ mạn biển. Mặt bộ thì Tam Điệp hiểm trở, chắc chắn Trịnh Tuy đã xây thành đắp luỹ phòng bị cẩn mật, có qua được cũng tổn thất lớn. Tuy nhiên đấy là nói về con đường Hạ Đạo.
– ý anh muốn nói đến Thượng Đạo?
– Cho tới trước khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư để tới Đại La, ra Bắc vào Nam chỉ duy nhất có Thượng Đạo. Vì con đường ấy phải qua rừng núi, hiểm trở khó đi nên sau khi định đô ở Thăng Long, nhà Lý đã làm Hạ Đạo, từ đó trở thành đường cái quan. Thượng Đạo nhà nước không dùng nữa, rồi trời long đất lở, cây cối mọc lên che lấp khiến nay chỉ còn là con đường mòn dân bản địa dùng để đi lại trong vùng. Nói như thế có nghĩa là Thượng Đạo không mất hẳn chỉ khó đi mà thôi.
Mạc Quyết nói:
– Phép dùng binh quan trọng là bí mật và bất ngờ để đánh vào chỗ kẻ địch không phòng bị. Em sẽ đi đường Thượng Đạo.
Mạc Quyết cho 500 quân đi trước mở đường, người nào người nấy chỉ mang theo dao để chặt cây phát quang gai góc bụi rậm, búa và đục để phá đá, dây thừng để khi cần thì leo trèo. Quân không xuôi xuống phía Sơn Nam như thường khi mà tiến sang phía Tây, phía lộ Đà Giang. Tới chợ Bến, lúc bấy giờ mới theo hướng Đông Nam, vượt núi Đồi Ngang, dốc Lào sang đất Thanh Hoa. Cả tháng trời chỉ thấy rừng núi um tùm, chim kêu vượn hót, không ngày nào và không người nào không bị vắt cắn, người ngợm quần áo lúc nào cũng nhoe nhoét máu, khổ cực không thể nào kể hết. Tới Thanh Hoa, Mạc Quyết đánh chiếm các huyện đầu nguồn nước rồi đóng bè mảng xuôi dòng tiến xuống Tây Đô. Quân Tam phủ ngỡ thiên binh từ trên trời xuống đánh nên nhiều khi thấy bóng quân Mạc đã chạy nên nhiều trận không một bên nào đổ máu. Trịnh Tuy chỉ còn mấy trăm quân chạy tới Đông Sơn cầu cứu Nguyễn Kim thì Nguyễn Kim đã sang nước Ai Lao. Tuy lại chạy về Lôi Dương, dọc đường lo nghĩ mà phát bệnh. Thấy khó qua khỏi, Tuy gọi Trịnh Duy Liệu lại, nói:
– Hiển Khánh vương sinh được 22 người con, 13 trai, các con đều làm vang danh tiên tổ. Đến các vị Duy Đại, Duy Sản cũng rất oanh liệt. Nhưng sau này thể nào các vị ấy và cả tôi với ông nữa cũng bị xếp vào loại nghịch thần vì đều đã ra tay hoặc mưu toan phế vua này lập vua khác. Nhưng tại sao chúng ta lại không thể làm thế cơ chứ, một khi từ Đoan Khánh đến nay, kể cả nghịch hoàng Thống Nguyên nữa, bốn vua Lê chẳng mặt nào đáng ngự ngai vàng. Nên tôi không hối hận về những việc đã làm, chỉ tiếc không được như ý. Tôi lại lấy làm buồn, trong họ ta, Lỵ Quốc công Duy Thuận, Phúc Hưng hầu Duy Duyệt, tất cả đều là bậc cha chú của tôi, chức tước cũng hơn tôi nhưng chí khí thì quá kém. May mà còn có ông dám vào sinh ra tử từ hồi Đoan Khánh, sau này mỗi lần tôi ra Bắc ông đều coi giữ Lôi Dương chu đáo khiến bọn Nguyễn Tống Sơn e sợ không dám nhòm ngó. Vì vậy sau này tất cả cũng nhờ một tay ông mà nên.
Trịnh Duy Liệu hỏi làm thế nào để chống lại được Mạc Đăng Dung. Trịnh Tuy định nói nhưng không thể nói được nữa, mắt dại đi, gắng hết sức dướn người hét một tiếng thật to rồi chết.
Chiêu Tông thoát được, chạy lên châu Lang Chánh, dựa vào rừng núi chống cự rồi chiếm lại được một số nơi miền hạ lưu. Mạc Quyết dăng quân suốt từ Đông sang Tây không cho Chiêu Tông chạy vào Nghệ An đồng thời phao tin đã chiếm được châu Quan Gia để ngăn Chiêu Tông chạy sang Ai Lao.
Tháng 10 năm Thống Nguyên thứ 4 (1525) đời vua Cung Đế, Mạc Đăng Dung để con là Đăng Doanh ở lại Bắc Hà, tự làm Đô tướng dẫn đại quân thuỷ bộ vào đánh Thanh Hoa. Quân thuỷ mấy trăm chiến thuyền theo đường biển tiến vào sông Mã, tới ngã ba sông, chia làm hai, tiếp tục ngược sông Mã, sông Chu, buồm căng kín cả mặt sông. Quân bộ chia làm hai ngả, cờ xí rợp trời, một ngả vượt Tam Điệp, qua sông Mã tiến vào Lang Chánh, một ngả theo đường Lạc Sơn, Tân Lạc, Mai Châu, vượt núi sang châu Quan Gia, cốt chặn đường Chiêu Tông rút chạy sang Ai Lao. Quân đi đến đâu quân dân Thanh Hoa đầu hàng đến đấy, có nơi người đứng bên đường đón mừng, chẳng mấy chốc quân thuỷ bộ đã hội nhau ở Lam Sơn. Đến đây thuyền lớn không thể tiến sâu được hơn nữa mà quân bộ cũng phải len lỏi trong rừng. Xa xa Chí Linh mờ ảo trong sương khói. Một tiếng vượn chợt cất lên lảnh lót khiến nhiều con ngựa chiến dày dạn cũng phải rùng mình. Khung cảnh hoang vắng vô cùng.
Một cảm giác thật lạ lùng dâng lên trong lòng, bất giác Mạc Đăng Dung cho quân dừng lại, nói với các tướng:
– Đây chính là nơi đức Thái Tổ xưng Bình Định vương, dựng cờ khởi nghĩa, hào kiệt bốn phương ban đầu chỉ có mười mấy người, quân không quá hai nghìn, cơm ăn sớm tối không được hai bữa, áo mặc đông hè chỉ có một manh, khí giới thì thật tay không. Giặc Minh lúc đó năm, sáu vạn. Có lúc Thái Tổ còn bị giặc vây chặt, xung quanh không còn lấy 100 người, phải chạy vào Mường Một, Mường Chánh, ăn củ mài cầm hơi, Lê Lai phải theo cách của Kỷ Tín ngày trước chết thay cho Thái Tổ; từ đó mới có ngày nay. Tất cả đã được Tán Trù bá Nguyễn ức Trai tiên sinh viết trong Bình Ngô đại cáo và Chí Linh sơn phú. Sự nghiệp của đức Thái Tổ thật gian nan vất vả nhưng cũng thật lẫy lừng. Rồi sau này đức Thánh Tông mở mang nền văn hoá khiến bao nhiêu đời sau vẫn còn thán phục. Vậy mà con cháu nhà Lê gần hai chục năm nay quên mất tổ tông anh hùng, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, tranh giành lẫn nhau, anh em tàn sát, thật xấu hổ với tổ tiên!
Nói rồi Mạc Đăng Dung bảo các tướng xuống ngựa, quay về phía Lam Sơn, tất cả cùng khấn vái. Đăng Dung nói:
– Nay hạ thần là Bình Chương quân quốc trọng sự Thái phó Nhân Quốc công Mạc Đăng Dung, Đô tướng tiết chế thuỷ bộ mười ba đạo cùng các tướng vâng mệnh vua Thống Nguyên đến đây, nếu vua Thái Tổ, Thái Tông và các vị tiên đế thuận lòng với hạ thần thì cho hạ thần được thắng, bắt Đà Dương vương đem về hỏi tội vì y đã để cho giang sơn xã tắc suy tàn; nếu các ngài không bằng lòng thì cho hạ thần được bỏ xác nơi rừng xanh núi thẳm này để trọn vẹn ý nguyện của kẻ làm tướng chết trên sa trường da ngựa bọc thây.
Một cơn gió mạnh và lạnh giá chợt thổi tới, các tướng nhiều người nổi hết cả gai ốc. Bỗng đâu xuất hiện một con hổ trắng rất lớn. Mãnh hổ quất đuôi, cất tiếng gầm khiến bao nhiêu chiến mã đều rủn hết cả đầu gối, có con lập tức khuỵu xuống, riêng con ngựa của Đăng Dung chỉ khẽ hơi rũ tai. Nó cũng tên là Cát mã. Các tướng chưa ai kịp phản ứng thì Đăng Dung đã nhanh tay đặt tên lên cung, miệng nói: “Đấy là Đà Dương vương sai bạch hổ đến doạ ta, hãy xem ta giết nó trước rồi diệt Đà Dương vương sau”. Đăng Dung bắn một phát, trúng ngay đầu hổ. Hổ gục xuống chết, mũi tên xuyên suốt từ trán ra đến sau gáy. Các tướng ai nấy đều kinh sợ. Giết xong mãnh hổ, Đăng Dung quay lại nói với các tướng:
– Gần trăm năm trước, ở làng Chủ Sơn huyện Lôi Dương trấn Thanh Hoa này có một cây quế, dưới cây quế ấy thường xuất hiện một con hổ xám, nhưng nó rất hiền, vẫn thường thân cận với người mà chưa từng hại ai bao giờ. Từ khi đức Thái Tổ ra đời thì không thấy con hổ xám ấy đâu nữa, ai cũng cho là sự lạ. Bây giờ ở đây lại xuất hiện con hổ trắng nhưng nó dữ tợn, nếu ta không ra tay trước thì nó đã hại ta.
Chiêu Tông lúc ấy vẫn còn mấy trăm quân, hành dinh đóng trong động An Nhân núi Cao Trĩ. Lúc đầu còn dựa vào rừng núi chống cự quyết liệt, sau do bị vây chặt, quân lính không chịu nổi đói khát nên nhiều người ra hàng Đăng Dung. Bất lực, Chiêu Tông bảo Gia Khánh hoàng hậu:
– Nàng làm vợ ta bao nhiêu năm nay, sung sướng thì ít mà ngậm ngùi gian khổ thì nhiều, lại lặn lội theo ta đến đây, nghĩa chung thuỷ như thế là vô cùng, lại còn sinh cho ta hoàng nam nữa, đạo trung nghĩa như vậy là vô tận. Chỉ ta là không ra gì, khi trước thì bị con yêu tinh Kim Thoa nó làm cho mê muội, sợ nó còn hơn sợ cọp, sau đó lúc chạy khỏi kinh thành lại bỏ mẹ bỏ con chạy lấy một mình, bây giờ không biết con đâu! Nay xem ra ta không thể thoát được tay Đăng Dung, sự nghiệp nhà Lê vì ta mà coi như đã hết vì hoàng đệ của ta tuy đang ở ngôi nhưng cũng sẽ chẳng tại vị được bao lâu nữa. Vậy nên nàng hãy cố sống để tìm lại con, nàng lại đang có mang, vì vậy hãy cố giữ lấy cốt nhục của ta, mai sau nếu chúng phục hưng được sự nghiệp tổ tông thì là điều tốt, không thì ta cũng còn có người hương khói mai sau. Còn ta, ta phải về kinh đô để trông thấy mẹ ta rồi mới yên tâm nhắm mắt được.
Phạm hoàng hậu và nhà vua ôm nhau khóc. Đêm ấy Chiêu Tông sai hai người thân tín đưa hoàng hậu ra khỏi hang đi trốn, còn Chiêu Tông và mươi kẻ thân tín ra hàng. Đăng Dung đem tất cả về kinh đô.
Đăng Dung tâu với vua Cung Đế:
– Nay thần đã bắt được Đà Dương vương, xin bệ hạ xử trí.
– ý khanh thế nào?
– Thần rất lấy làm băn khoăn. Khi còn ở ngôi Đà Dương vương không phải không có năng lực. Đạo đức thì hơn hẳn Uy Mục, Tương Dực. Chẳng qua vì nghe lời xiểm nịnh mà tự ý bỏ ngôi. Giết đi thì rất tiếc, lại e thiên hạ bình luận. Theo thần, nếu Đà Dương vương chịu làm kẻ bày tôi thì cho y được sống và tham dự triều chính, ít nhiều giúp ích cho thiên hạ. Đó cũng là cách vua Thái Tông nhà Trần ngày trước đối xử với Hoàng hậu Lý Chiêu Thánh.
– Khanh có ý thế thật sao? – Cung Đế ngạc nhiên hỏi.
– Thần làm vậy còn vì bệ hạ nữa, để bệ hạ khỏi mang tiếng là anh hại em.
Một hôm thiết triều, ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy Đà Dương vương ngồi trên chiếc ghế ngay gần ngai vàng. Nhưng suốt buổi Đà Dương vương chỉ cúi gằm mặt, không nói gì. Buổi thiết triều sau đấy Đà Dương vương vẫn được mời song không chịu lên. Đến lần thứ ba, vương hết sức phẫn nộ:
– Giết ta đi còn hơn làm nhục ta mãi thế này!
Thấy Chiêu Tông bị bắt, các thế lực chống lại Mạc Đăng Dung chán nản, tan rã rất nhanh, chỉ còn mấy nghìn quân Kinh Bắc của Đàm Thận Huy và Nguyễn Nghiêm là dựa vào rừng núi chống lại. Lần trước Mạc Đăng Dung đã sai người thuyết hàng không được, tiếc Thận Huy là kẻ có tài, Đăng Dung lần này sai người con thứ hai là Mạc Chính Trung đi. Biết có thể nguy hiểm nhưng Chính Trung vẫn vui vẻ lên đường. Nhưng vẫn như lần trước, Nguyễn Nghiêm xé thư, không cần biết thư viết gì.
Mạc Chính Trung ngẩng đầu nhìn trời, thở dài:
– Hoá ra cũng chẳng ra gì!
Nguyễn Nghiêm hỏi:
– Ngươi nói vậy là nghĩa làm sao?
– Nhân Quốc công tiếc vì nghĩ các ngươi là anh hùng hào kiệt nên mới sai ta đi chiêu hàng, hóa ra Nhân Quốc công nhầm!
– Ngươi tên là gì? – Đàm Thận Huy hỏi.
– Nói ra các ngươi cũng chẳng biết ta là ai vì ta chỉ là tên công sai tầm thường trong phủ Nhân Quốc, vì biết đường đất nên được sai đi.
– Ngươi có sợ chết không?
– Có chứ. Nhưng nếu mở được con đường sống cho người khác để người ấy đem tài ra giúp nước thì ta dẫu có chết cũng cam lòng. Đà Dương vương mấy mươi vạn quân trong tay, Trịnh Tuy thì quân Tam phủ hùng hổ, vậy mà Nhân Quốc công còn coi chẳng ra gì nữa là cái xó Yên Thượng này. Nhưng nghĩ các ngươi là anh hùng hào kiệt trên đời nên Quốc công mới quyết khuyên trở về phò giúp vua Thống Nguyên chứ như những kẻ khác thì cho xanh cỏ từ lâu rồi! Nhưng hoá ra Quốc công nhầm, các ngươi chẳng qua cũng rất tầm thường.
Đàm Thận Huy bảo:
– Cái gan của ngươi kể cũng lớn nhưng rõ ràng đầu óc ngươi quá mê muội. Đăng Dung có mấy vạn quân trong tay, chúng ta chưa bằng một phần mười, vậy mà dám dấy nghĩa chống lại y, không phải anh hùng hào kiệt sao?
– Anh hùng gì mà hàng nghìn binh mã trong tay, sứ giả của triều đình đến đây các ngươi lại toan giết khi trên người ta không một tấc sắt? Hào kiệt gì mà đầu óc không một chút thức thời?
– Sao lại bảo bọn ta không thức thời?
– Các ngươi có ba điều không thức thời. Thiên hạ ba bè bảy mối, chiến tranh liên miên, Nhân Quốc công vì triều đình ra tay một cái là yên, dân chúng ở kinh đô vì vậy mấy năm nay an cư lạc nghiệp, ở nơi thôn dã thì vui vẻ cấy cầy, các ngươi nhắm mắt cố tình không biết, đó là điều không thức thời thứ nhất. Quang Thiệu điên rồ tự ý bỏ kinh đô chứ Nhân Quốc công không hề đuổi khỏi ngôi, các ngươi biết vậy nhưng vẫn bênh vực, đó là điều không thức thời thứ hai. Nay đã có vua mới, các ngươi tự cho là có tri thức mà không đem tài kinh bang tế thế ra giúp vua, đó là điều không thức thời thứ ba. Chỉ ba điều ấy thôi chứng tỏ các ngươi đâu phải là kẻ hào kiệt. Còn như bảo là anh hùng ư? Đấy chỉ là sự liều lĩnh của kẻ dốt nát.
Nguyễn Nghiêm tím mặt quát võ sĩ lôi người công sai đó ra chém. Đàm Thận Huy lại can.
Chính Trung về kể lại cho Đăng Dung, Đăng Dung thở dài, bảo :
– Con còn phải vì ta đi lần thứ ba nữa, lần thứ ba không xong thì lần thứ tư cho đến khi kỳ được. Ta thật tiếc cho Đàm Thượng thư, ông ấy thật đúng là anh hùng hào kiệt.
Một hôm thiết triều, Mạc Đăng Dung tâu: Mấy năm nay đất nước biến động triền miên, có nhiều nguyên do, trong đó có nguyên do bởi luật pháp có nhưng hành xử lại không theo luật pháp, lẽ phải của nhà nước bị chuyện riêng chèn lấn, 700 điều trong Lê triều hình luật có lẽ chỉ thi hành đúng được 100 điều. Vua Thánh Tông đặt ra lệ cứ ba năm lại có một kỳ khảo xét các quan lại để thăng giáng hay giãn thải. Riêng chức Hiến sát sứ và các chức ở Đài, Bộ, Khoa phải trải qua 4 lần khảo xét, tức là sau 12 năm không mắc lỗi gì lớn thì mới được bổ dụng chức ấy. Thế nhưng từ thời Uy Mục đế lệ ấy không còn. Vậy nay hãy áp dụng lại. Ngự sử đài rất quan trọng vì có trách nhiệm đề xuất thăng giáng các quan lại, can gián nhà vua, bàn chính sự, duyệt án từ nhưng những năm Quang Thiệu vừa qua những người ở đó chỉ chuyên gièm pha, gây hiềm khích khiến nhà vua hiểu nhầm bày tôi trung thành. Làm cho chính sự rối ren, đất nước biến động, dân chúng điêu linh chính là tại đám ấy. Cho dù bọn họ thảy đều đã bị trừng trị nhưng cũng phải có chỉ để làm cho rõ tội trạng và đúng theo hình luật…
Cung Đế khen phải và ban chỉ chỉnh đốn các việc.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.