- Đang online: 3
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 14619
- Tổng truy cập: 3,368,672
Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung
- 258 lượt xem
Phần 19
Một hôm vào sáng sớm Ngọc Huệ khóc lóc hớt hải chạy tới kể với Đăng Dung rằng chồng mình là Nguyễn Lĩnh lập đảng phái mưu toan làm phản.
Đăng Dung mắng em:
– Hay là mày thấy nó lắm thê thiếp nên mày ghen, vu cho nó như thế?
– Quả là em có ghen thật. Đàn bà ai chả thế. Từ khi lấy thêm người thiếp thứ mười, em như người sống trong lãnh cung. Nhưng em cũng hiểu đàn ông năm thê bảy thiếp, có mới nới cũ là chuyện thường. Song em lại nghĩ trung, hiếu, tiết, nghĩa thì trung, hiếu đặt lên hàng đầu, tiết, nghĩa là thứ, nay chồng em mưu phản, chả nhẽ em lại chỉ biết đến chồng mà để cho sự nghiệp anh mình gây dựng bao năm bỗng chốc có thể đổ vỡ chăng?
– Sao mày biết nó mưu phản?
– Em vô tình mà biết thôi. Cũng do cái tính ghen của em. Đêm ấy đã khuya, vì vẫn còn tức cái chuyện Lĩnh lấy thêm dì Mười nên em không ngủ được và mới tha thẩn ra hành lang, thì thấy người trong nhà đưa một người đàn bà vào chỗ Lĩnh. Chả nhẽ đã có những mười vợ mà Lĩnh còn vụng trộm ăn chả ăn nem sao? Em nghĩ thế nên mới lẻn tới nghe trộm họ chuyện trò. Vừa trông thấy người đàn bà ấy Lĩnh đã sụp lậy, người đàn bà ấy cũng quỳ xuống lậy Lĩnh. Hoá ra đấy là Gia Khánh hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Quỳnh của Chiêu Tông đến cầu cứu Lĩnh! Bà ấy đang có mang, bụng trông đã rõ lắm. Ngay đó Lĩnh đưa bà ta đi đâu em cũng không biết nữa. Đấy, nếu vì ghen tuông mà đi vu cáo chồng thì em được gì, ngoài mang thân goá bụa đến già?
Đăng Dung bảo em:
– Em vì họ ta mà không nghĩ đến mình, thật đáng khen. Nguyễn Lĩnh được hưởng sung sướng thế này, không hiểu còn đòi hỏi gì nữa? Hay hắn ta họ hàng gì với nhà Nguyễn Kim mà ta chưa rõ?
Nguyễn Lĩnh làm đến tước Tiến Quận công, địa vị ngang hàng với Đông Quận công Mạc Quyết và chỉ kém có Mạc Đăng Dung, lại lấy em gái Đăng Dung nên không ai ngờ bấy lâu nay Nguyễn Lĩnh vẫn bí mật liên hệ với Nguyễn Kim ở Thanh Hoa, cho nên hết Mạc Quyết lại đích thân Mạc Đăng Dung tiến đánh Tây Đô đến mấy lần đều không lần được tung tích Nguyễn Kim là vì vậy.
Đăng Dung lập tức cho người chặn các lối ra vào kinh đô để bắt Phạm hoàng hậu và Nguyễn Lĩnh. Nhưng chỉ bắt được Nguyễn Lĩnh. Mạc Đăng Dung nổi giận liền đem Nguyễn Lĩnh ra chém nhưng không nhờ thế mà yên tâm bởi nếu Gia Khánh sau này sinh con trai thì đó quả là mối lo lớn.
Vì quá nghĩ ngợi chuyện Gia Khánh và thương em gái nên Mạc Đăng Dung cảm thấy mệt mỏi và thấy cần phải nghỉ ngơi, do vậy mấy tháng sau giao lại việc ở kinh đô cho Mạc Quyết và Mạc Đăng Doanh, còn mình cùng phu nhân Ngọc Toản về Cổ Trai an dưỡng.
Khung cảnh yên bình của những làng quê đi qua quả có làm Mạc Đăng Dung cảm thấy thư thái. Đã sang tháng Chạp nhưng gặp mấy hôm trời trở ấm và nắng nhẹ nên thời tiết rất dễ chịu, đất trời bớt đi vẻ u ám bấy nay khiến các cây vườn như xanh trở lại. Khi nắng tắt cũng là lúc đó đây phơ phất những sợi khói lam chiều cất lên từ các mái rạ và trên những cánh đồng do bọn trẻ con đốt nghịch hoặc nướng khoai. Trời lúc này có lạnh hơn lúc trưa nhưng trong những căn nhà không khí tưởng chừng lại ấm áp hơn bao giờ hết khi người lớn, trẻ con quây quần bên nồi cơm bốc thơm mùi gạo mới. Một cái gì đó thật bình yên và thấm thía khiến Mạc Đăng Dung cảm thấy như tìm lại được cái gì đó gần gũi bấy lâu nay xa vắng. Đám quân theo hầu còn lâng lâng hơn nữa, cứ nhìn vẻ mặt họ thì biết. Kẻ say sưa ngắm cảnh vật bên đường, căng ngực như muốn hít thật sâu hương vị của đồng quê.
Qua bến đò Sáu, Mạc Đăng Dung bảo phu nhân lên ngồi cùng xe với mình. Từ đây trở đi đã là đất Nghi Dương, ông thấy có nhiều điều muốn tâm sự cùng bà. Tưởng vậy nhưng ông chỉ nói được mỗi câu: “Sắp về tới quê rồi đấy!” rồi lại im lặng, bà cũng vậy, một cái gì đó khiến họ muốn dành hết cho cảnh vật bên đường và những điều thầm kín.
Quê hương không thay đổi bao nhiêu. Chỉ có con người là không thể như cũ: Ông lão lái đò ngày xưa không còn, người lái đò mới còn khá trẻ, chẳng hiểu có phải là con cháu của ông lão không, lúc định hỏi thì xe đi đã xa. Ngày nào anh em Đăng Dung trúng Đô lực sĩ trở về, dân chúng hàng huyện đón rước vậy mà tới nay đã hơn 20 năm, tóc trên đầu Đăng Dung đã có sợi bạc. Những ngày đã qua đầy những sóng gió, gian nan! Vinh quang đổi bằng xương máu, vết thương ở chân bây giờ đã lên sẹo, mỗi khi tắm rửa trông thấy lại nhớ ngày đánh giặc Trần Thăng ở Lạng Nguyên, nhớ lúc tìm thấy xác Mạc Đốc trong đám hàng nghìn cái xác chất đống rải suốt một đoạn đường dài và khắp cả dòng suối bên đường đến nỗi nước không chảy nổi; nhớ khi bị vây ba mặt ở luỹ Cẩm Giang, nếu không có con Cát mã thì hẳn đã xanh cỏ. Cũng ở Cẩm Giang ngày ấy có một đêm đi tuần sau trận đánh kéo dài gần một ngày, mới biết người còn sống mệt quá nằm ngủ ngay bên những xác chết, thỉnh thoảng có người chợt tỉnh ngủ khua tay xua đuổi bày quạ ăn đêm rồi lại ngủ tiếp, gió đồng đưa lại thoảng mùi máu và mùi của da thịt thối rữa; nhớ cảnh đưa Đà Dương vương ra khỏi động An Nhân núi Cao Trĩ, vị cựu hoàng lúc đó đói rách không khác gì kẻ hành khất, nhìn thấy mà nhớ những lúc y khoác hoàng bào nhởn nhơ vui thú bên bày cung nữ ai cũng đẹp như tiên… Cuộc đời con người ta là cả một sự đánh đổi, giành giật.
Thấy quân lính tiền hô hậu ủng, ngựa xe rầm rộ, dân chúng biết là Mạc Đăng Dung về quê. Không ai bảo ai, bỏ hết các việc chạy ra đường cái đón, tung hô “thiên tuế”. Nhiều người bỗng nhiên bật khóc. Tới lối rẽ vào nhà nhạc phụ, hai vợ chồng Đăng Dung cùng xuống xe đi bộ một đoạn rồi mới trở lại xe. Phải về quê nội trước rồi mới trở lại thăm quê ngoại.
*
Từ khi trở lại kinh đô không đêm nào Đà Dương vương ngon giấc. Từ chỗ là một ông vua nay làm kẻ bày tôi, Đà Dương vương thấy nhục vô cùng, nhất là những khi lâm triều, nhìn lên thấy thằng em mình mới ngày nào một điều bệ hạ, hai điều hoàng huynh nay cứ mở miệng là xưng trẫm; đã vậy đối diện với vương, Mạc Đăng Dung coi như mọi chuyện không phải do ông ta gây ra! Trở về phủ Đà Dương vương có khuây khoả đôi chút nhưng đêm đến lại trằn trọc, nhất là lúc vô tình quờ tay sang bên cạch theo thói quen lại thấy không có ai mà ngày trước thể nào cũng có phi tần, không người này thì người khác.
Đà Dương vương nhất định không vào triều nữa, yêu cầu được giam ở lãnh điện. Một hôm tự nhiên có viên giấy không hiểu ở đâu bắn vào đúng người Đà Dương vương. Giở ra mới biết là mật thư của Nguyễn Kim báo tin Hoàng hậu đã ra Đông Kinh và được Nguyễn Lĩnh đem đi trốn an toàn nhưng Lĩnh bị phát giác và đã bị hại. Còn Thái tử Duy Ninh, nghe nói có người đem được vào Thanh Hoa nhưng chưa rõ ở đâu, hiện đang tìm gấp…
Đọc xong, Đà Dương vương thở dài, tự nhủ: “Thôi, vậy là ta nhắm mắt được rồi”, sau đó bảo lính gác đem cho mình rượu độc.
Tháng Chạp năm ấy, niên hiệu Thống Nguyên thứ 6 (1526), Bái Khê bá Phạm Kim Bảng mang rượu độc tới, nói với Đà Dương vương:
– Vua Thống Nguyên sai tôi đem ngự tửu ban cho đại vương.
Đà Dương vương cười:
– Em ta không làm thế, đây chỉ là cách của Đăng Dung thôi!
Phạm Kim Bảng nói:
– Nghĩ thế cũng đúng nhưng không có gì là thâm thuý bởi từ cổ chí kim xưa nay đều đối xử như thế này. Vả lại đây chính là ý nguyện của đại vương. Đại vương cũng đừng trách ai vì suy cho cùng chuyện này từ chính hoàng tộc mà nên và do chính đại vương gây ra! Giá như đại vương chịu làm một kẻ bày tôi thì đâu đến nỗi cùng đường thế này!
– Ta mà chịu cúi đầu như vậy ư? Ta chờ ngày này đã lâu, tận từ hôm ở Lang Chánh. Sở dĩ ta không muốn chết ở Lang Chánh mà ra đây là cốt gặp mẹ ta, xin mẹ ta tha thứ cho đứa con bất tài bất hiếu này. Thật thương cho mẹ ta già yếu đi rất nhiều. Còn em ta, bấy lâu nay ra sao?
– Vua Thống Nguyên vẫn vậy.
– Nhưng nó chẳng được như ta có phải không? ít ra ta còn có chút quyền hành, nó thì buông tay áo ngồi như một ông phỗng để Đăng Dung điều hành mọi sự chứ gì?
– Nhân Quốc công đã về quê an trí nhiều tháng nay, lánh mọi quyền hành!
Chiêu Tông cười chua chát rồi điềm nhiên uống hết chỗ rượu và ngả lưng xuống giường nằm, cắn răng chịu đau mà chết, năm ấy mới 21 tuổi, ở ngôi được 7 năm.
*
Đầu năm Thống Nguyên thứ 6 (1527), các quan đại thần cùng nhau ký vào tờ bảo cử do Bộ Lại thảo, dâng vua xin thăng cho Mạc Đăng Dung lên tước Thái sư An Hưng vương và ban cho cửu tích, gồm: 1. dùng xe ngựa, kiệu và lọng tía, quạt vẽ rồng; 2. áo mão thêu rồng đen, dai dát ngọc; 3. được dùng nhạc khí ở nơi phủ đường và khi đi đường; 4. cửa phủ được sơn son; 5. cho nạp bệ đặt riêng trên điện và cho được ngồi khi chầu vua hoặc cùng các quan thị triều; 6. hổ bôn hộ vệ và được Hổ bôn Trung lang tướng theo hầu; 7. quân hổ bôn được mang phủ việt; 8. được dùng cung tên mũi bịt bạc hoặc tra ngà voi; 9. được dùng rượu cửu xưởng.
Nhà vua nói:
– Từ đời vua Đoan Khánh đến Quang Thiệu, suốt gần 20 năm thiên hạ không lúc nào yên, chuyện phế lập xảy ra liên miên, hôm qua thế này hôm nay đã thế khác. Nhân Quốc công ra tay chỉ trong vòng mấy năm thôi mà bốn cõi đều yên, năm sáu năm nay thiên hạ an hưởng thái bình, công lao ấy xưa nay dễ ai sánh nổi, vậy nên phong cho là An Hưng vương, ban cửu tích là xứng đáng lắm. Các quan dâng bảo cử thật đúng lúc và hợp ý trẫm. Nay Nhân Quốc công đang ở Nghi Dương, vậy nên cho đại thần mang chỉ của trẫm và các thứ về đấy.
Vua Cung Đế bèn sai Tùng Dương hầu Vũ Hữu, Lan Xuyên bá Phan Đình Tá, Trung sứ Đỗ Hiếu Đễ cầm cờ tiết, đem kim sách và các thứ kể trên cùng chiếc quạt lụa có thơ của vua đến tận Cổ Trai tuyên bố mệnh vua ban cho Đăng Dung. Đăng Dung được báo trước nên đón tiếp đoàn sứ giả tại bến đò An Sáp bên phía hạt Tiên Minh.
Chiếc quạt vua ban một mặt vẽ rồng, một mặt tự tay vua viết tặng Đăng Dung một bài thơ, ví Đăng Dung như Chu Công ngày xưa phò giúp nhà Chu:
Giúp vận nhà Chu thực tự trời
Chăm lo công việc dụng nhiều tài
Gièm pha mặc kẻ bày mưu kế
Trung hiếu bền lòng chẳng chút sai
Lễ đủ Nhạc hoà ngày thịnh trị
Chính ngay Hình ít buổi bình thời
Tiếng hay Đức tốt nghìn thu rạng
Đạo hạnh người xưa hãy cố noi
Nhân ngày tết Đoan ngọ, Mạc Đăng Dung tới kinh đô bái tạ nhà vua đã thăng tước và ban cho cửu tích rồi lại về ngay Cổ Trai.
Hơn tháng sau, một hôm vào khoảng giờ hợi một đoàn khoảng gần chục đại thần cải trang thành lái buôn, rời kinh đô bí mật xuống thuyền để sang bên kia sông Nhị Hà, từ đấy đi ngựa nhằm hướng Cổ Trai phóng nước đại, ngựa mệt thì đổi ngựa khác ở binh trạm, cứ thế đi suốt đêm, trưa hôm sau thì tới Cổ Trai, vào yết kiến Mạc Đăng Dung. Thấy các quan đại thần đều là những người theo mình đã lâu, biết có việc quan trọng nên cơm nước xong, Đăng Dung cho người nhà lui để tiếp họ.
Mọi người cho hay hồi nọ Đăng Dung lên kinh đô rồi trở về Cổ Trai ngay khiến Thống Nguyên hết sức lo lắng vì không hiểu như vậy có ý gì! Đăng Dung cười:
– Ta chẳng có ý gì đâu! Chẳng qua trước hôm ta đi, thân mẫu ta bị mệt nên ta phải trở về ngay, thế thôi. Năm nay mẹ ta 70, đã như ngọn lửa bạch lạp trước gió vậy. Vả lại ta đã làm xong những việc cần làm, đúng như nhà vua có thơ trong quạt ban cho ta, đó là “Chính ngay, Hình ít” và cử được người hiền tài vào các chức vụ. Bây giờ ta muốn nghỉ ngơi.
Lê Bá Ly nói:
– Ngài nói đã xong các việc cần làm nhưng liệu đã xong thật chưa? Ngài muốn nghỉ ngơi nhưng liệu đã được nghỉ ngơi chưa? Xứ Thanh Hoa đang cực kỳ bất ổn. Lê Công Uyên lâu nay bặt tăm, ai ngờ đang cùng Nguyễn Ngã, Nguyễn Thọ Tường tập hợp binh mã mưu tiến ra Đông Kinh. Con công chúa An Thái là Lê ý đang chiếm châu Quan Gia. Nguyễn Kim đã đem vợ con chạy sang Ai Lao, vua Sạ Đẩu của nước này cho trú ở Sầm Châu, nhưng chắc chắn Nguyễn Kim không bao giờ chịu yên thân mãi mãi nơi đất khách quê người. Có tin Lê Duy Ninh là con của Đà Dương vương sau khi trốn thoát vào Thanh Hoa đã sang Ai Lao tìm Nguyễn Kim. Trịnh Ngung, Trịnh Ngang thì đang tìm đường sang Bắc quốc xin vua Minh khởi binh. Đám Đàm Thận Huy cũng quyết không hàng. Trong khi đó, vua Thống Nguyên bề ngoài làm như yên tâm với địa vị, kỳ thực bên trong đang ngấm ngầm liên hệ với các thế lực cần vương.
Mạc Đăng Dung thở dài:
– Khi trước, trong lúc Nguyễn Hoằng Dụ và bọn Trịnh Duy Đại, Duy Sản, Trịnh Tuy chỉ lo đánh nhau để tranh giành địa vị, không ai lo đến triều đình thì ta đối với Chiêu Tông thật trọn phận tôi trung, vào sinh ra tử không quản, đánh Đông dẹp Bắc, dẫu có được chút quyền lực thì cũng là phải, vả lại không đủ quyền lực thì không thể điều hành được công việc. Hãy nhớ lại hồi ta đánh Trần Thăng, triều đình cố tình dềnh dàng việc lương, nếu khi ấy ta không lấy quyền Tiết chế mà điều lương từ Hải Dương lên thì quân đã tan. Chẳng ngờ Chiêu Tông lại đem lòng ngờ vực, tự ý bỏ kinh thành, ta cho Hoàng Duy Nhạc mời về cũng không chịu về, lại giết mất Duy Nhạc, quyết gọi quân các nơi tới đánh ta, tự chuốc vạ vào thân. Nay vua Thống Nguyên cũng bụng nghi ngờ, ta đã lui về quê những toan yên phận vậy mà cũng không xong. Vậy ta biết làm sao bây giờ? Hay Thống Nguyên cũng muốn chuốc vạ vào thân? Nhưng các ông nói vua Thống Nguyên nghi ngờ ta, vậy bằng chứng đâu? Không có bằng chứng, ta không tin. Cái ta hết sức tránh là lấy chuyện riêng che lấp lẽ phải. Dẫu sao thì giữa nhà Lê và ta cũng đã có chuyện, nên mỗi hành động của ta phải làm sao cho thiên hạ hiểu ta không vì chuyện cũ mà có ý đồ gì với nhà Lê.
Lê Bá Ly nói:
– Gần đây có ba việc: Thứ nhất: Những người ngài cử vào các bộ thì nhà vua thay Thượng thư Bộ Lại bằng Trương Phu Duyệt, các khoa thì Khoa Lại định thay bằng bằng Nghiêm Bá Ký. Do Bộ Lại nắm việc tuyển bổ, thăng giáng, giãn thải quan lại; Khoa Lại giám sát các việc đó nên sự vụ sẽ thông suốt từ trên xuống dưới, từ đó quan lại các cấp các nơi sẽ dần dần bị thay thế êm nhẹ. May sao tất cả các việc đều qua tay hai vị Đông Quận công Mạc Quyết và Dục Quận công Mạc Đăng Doanh nên điều nguy hại vẫn chưa xảy ra. Hai vị chỉ thuận để Trương Phu Duyệt làm Thượng thư Bộ Lại còn Nghiêm Bá Kỳ thì không ưng. Việc thứ hai: Vừa qua lính tuần phòng ở Tam Điệp bắt được một người từ Đông Kinh vào Thanh Hoa, trong người có bức thư rất đáng ngờ, tên người gửi là Nguyễn Thông, tên người nhận là Nguyễn Ngân; Nguyễn Thông nói lái lại là Thống Nguyên, Kim – Ngân thì nói Ngân cũng là nói đến Kim; nên đồ rằng đó là thư của vua Thống Nguyên liên hệ với Nguyễn Kim. Nội dung thư là hỏi thăm sức khoẻ và nhắn đi xa đã lâu hãy mau về, nhưng chỉ thế thôi đã đáng ngờ. Chẳng những vậy, khi tra hỏi, người mang thư nhất định không nói gì thêm, sau do tuần phòng sơ xuất nên y trốn mất, điều đó lại càng ngờ. Việc thứ ba: Quan nội cung là Nguyễn Thế An cho hay gần đây cứ khoảng cuối canh ba thì ngự điện của nhà vua lại có ánh đèn khi ẩn khi hiện, phía xa cũng có ánh đèn như đáp lại, chứng tỏ ám hiệu gì đó với nhau. Qua ba việc đó chứng tỏ vua Thống Nguyên đang ngầm hành động.
Mạc Đăng Dung nín lặng. Vũ Hộ nói:
– Thêm nữa là việc bắt được người của Đàm Thận Huy định lọt vào cấm cung, bị bắt y đã cắn lưỡi chết. Tôi theo ngài đã lâu vì vậy hiểu rõ lòng ngay thẳng của ngài. Nhưng nhà vua có hiểu vậy đâu và những kẻ ghen ghét ngài thì ra sức gièm pha. Tôi nhớ Lê Bá Ly ngày trước có nói “Thời thế tạo anh hùng nhưng anh hùng cũng tạo nên thời thế”. Thời buổi tao loạn đã tạo nên bậc anh hùng là ngài, công lao của ngài thật chẳng khác Đinh Tiên Hoàng ngày trước dẹp yên các sứ quân; còn bây giờ chính là lúc bậc anh hùng là ngài tạo nên một thời thế mới, như Đinh Tiên Hoàng ngày trước xây nền thái bình.
Mạc Quốc Trinh, Mạc Đĩnh Khoa, Nguyễn Bỉnh Đức, Lê Bá Ly, Phạm Gia Mô… tất cả đều khuyên Đăng Dung hãy làm như Lê Hoàn đã làm với nhà Đinh, Lý Công Uẩn đã làm với nhà Tiền Lê, Trần Cảnh đã làm với nhà Lý và Hồ Quý Ly với nhà Trần. Mạc Đăng Dung bảo:
– Nếu ta định làm như các ông nói thì đã làm cách đây những 7 năm, ngay sau ngày 23 tháng 7, khi Chiêu Tông bỏ trốn khỏi kinh thành, suốt 6 ngày liền đất nước không có vua. Chậm nữa thì đến ngày 1 tháng 8 năm ấy, lúc không còn hy vọng Chiêu Tông trở về. Nhưng ta vẫn cùng với triều đình mời vua Thống Nguyên lên ngôi chứ không làm việc phế bỏ. Ta ăn lộc mấy đời nhà Lê, không muốn bị đời sau coi là kẻ bất trung. Thời thế sau này nếu có thay đổi thì do tự nó hoặc ai khác chứ không phải ta.
Mạc Quốc Trinh nói:
– Việc thay đổi là chuyện thường trong thiên hạ, bốn phương đều thế cả. Bên Bắc quốc từ thời Hoàng đế đến nay đã trải qua mười mấy triều đại và không biết bao nhiêu thời kỳ phân liệt. Nước ta cũng vậy, chỉ kể từ Ngô vương cho đến nay thôi, hết Ngô, Đinh, Tiền Lê rồi lại Lý, Trần, Hồ, bây giờ thì đến nhà Lê.
Phạm Gia Mô thưa:
– Mấy chục năm nay đã nhiều người đã muốn làm chuyện thay đổi triều đại chứ đâu bây giờ chúng tôi mới nói. Nào Trần Tuân, Trần Chân, Trần Cảo, Trần Thăng. Nào Trịnh Duy Sản giết vua, Nguyễn Khắc Hài dựng Lê Tùng, Trịnh Tuy lập Lê Do, Trịnh Duy Đại lớn phổi hơn còn muốn lập Nguyễn Tùng là con của một tên Phò mã! Chính thống coi họ là phản nghịch nhưng trong chuyện đó chả nhẽ nhà Lê không có lỗi gì, không có lỗi vậy thì tại sao liên tiếp có những người muốn phế bỏ? Mọi chuyện phế bỏ đều có lý. Nhà nào oai hùng bằng nhà Trần? Nhưng về sau nhà Trần cậy có công giữ nước, cậy giàu có, không nghĩ đến sự khốn cùng của dân, chuộng vẻ trang hoàng, đánh bạc đánh cờ, chọi gà, thả chim, nuôi cá vàng, nuôi bách thú, khoe khoang mẹo khôn để tranh được thua, quên cả thiên hạ, chẳng hề để tâm đến kẻ oan uổng, khiến lòng dân oán thán, các tướng văn võ lập thành bè đảng, chính giáo suy đồi, kỷ cương rối loạn. Tuy họ Hồ làm việc giành ngôi nhưng cũng bởi lòng người đã quá ghét họ Trần. Nhà Hồ đem trí để ức hiếp dân, làm tiền giấy thay cho tiền đồng, mục đích chỉ để lấy đồng đúc súng đạn, khiến dân thiệt thòi nguồn sống, ban lệnh di dân vào Thanh Hoa khai khẩn khiến ai ai cũng oán thán vì phải rời bỏ quê hương, dọc đường thuyền bị bão vợ chết, con chết nên nỗi oán càng sâu; sưu cao thuế nặng, luật hình quá nghiêm nên cái ách càng nặng. Nhưng chỉ nghiêm với người ngoài còn mình tuỳ tiện, chỉ lo vun vén, kẻ ti tiện, bọn tiểu nhân mà khéo nịnh hót thì hưởng lạc, quyền cao chức trọng. Tuy rằng giặc Ngô tham tàn nhưng cũng bởi lòng trời không dung nhà Hồ nên mượn tay người Ngô vậy. Oanh liệt nào bằng vua Thái Tổ nhà Lê ta, từ tay trắng mà chỉ sau 10 năm đã đuổi được giặc Ngô, xây nền thái bình. Vậy mà từ thời Uy Mục, Tương Dực con cháu phá sạch, mặc sức ăn chơi hưởng lạc, hoang dâm vô độ đến nỗi sứ nước Ngô cũng phải buông lời nhận xét phỉ báng, đã vậy lại chỉ mưu toan tàn sát lẫn nhau khiến dân chúng bị cuốn vào cuộc loạn lạc triền miên, kinh đô bị tàn phá, chốn thôn dã ruộng đất để hoang, nơi sông hồ không ai chài lưới. Tuy bọn Trần Cảo, Trần Thăng có nổi loạn, đám họ Trịnh có mưu toan đại nghịch và dân chúng có đi theo chúng thì cũng bởi muốn sự thay đổi để chóng chấm dứt sự mục nát đã quá lâu ngày.
Lê Bá Ly nói:
– Vả lại không có gì là bền vững cả. Đúng như Lân Quận công nói, nếu bền vững thì đã chả có nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ, nhà Lê thay thế nhau, kế tiếp nhau! Bền vững gì bằng nhà Chu những hơn 870 năm, gọi là thế chứ đến đời Chu Bình vương thì coi như đã hết, tính khoảng 350 năm, vì từ đó các chư hầu đánh giết tranh giành lẫn nhau hơn 500 năm ròng rã, rồi nhà Tần mới thống nhất được thiên hạ. Nếu cứ giữ cái bền vững bề ngoài mà để cho bên trong thối nát thì cái bền vững ấy có ích gì cho dân chúng, thì Thành Thang việc gì phải trừ bỏ Kiệt, diệt nhà Hạ mà lập nhà Thương, thì cũng việc gì Vũ Vương phải trừ bỏ Trụ, diệt nhà Thương để lập nhà Chu? Thời buổi bây giờ thật chẳng khác gì thời Kiệt, Trụ, đáng lẽ nó phải được thay đổi từ thời Uy Mục, Tương Dực, để tồn tại đến hôm nay đã là quá nỗi. Ngày trước tôi và đại vương đã cùng bàn về thuyết pháp trị của Hàn Phi, nhiều điều khiến tôi tâm phục khẩu phục, những mong đại vương dùng điều tâm đắc đó mà trị nước, làm cho quốc gia hưng thịnh.
Nguyễn Bỉnh Đức nói:
– Mục đích của sự thay đổi thời thế là làm cho xã tắc vững bền lên, dân chúng được yên ổn làm ăn. Nó hoàn toàn khác với việc tranh giành quyền lực, mưu lợi cho mình hoặc giải quyết thù hằn. Vậy nên bọn Tuân, Chân, Cảo, Thăng, đám Hoằng Dụ, Duy Sản, Trịnh Tuy không được dân chúng ủng hộ. Thiên hạ không rơi vào tay họ Trần, họ Nguyễn, họ Trịnh; ấy là lòng trời muốn thiên hạ thuộc về họ Mạc. Bây giờ từ kinh kỳ, tứ trấn đến khắp nơi thôn cùng xóm vắng triệu người thì cả triệu đều hướng về họ Mạc. Nếu chần chừ, biết đâu thiên hạ lại rơi vào tay họ khác hoặc xảy ra chuyện Trần Chân, chẳng những xôi hỏng bỏng không, kẻ khác ăn ốc còn mình đổ vỏ, đời sau chê cười là không thức thời mà có khi chết cũng không được toàn thây!
Nguyễn Thì Ung nói:
– Không nói đến người khác, ngay ngài muốn để việc này cho trưởng tử thì ngài cũng không khỏi mang tiếng, nếu như ngài nghĩ việc thay đổi là bất trung.
Mạc Quốc Trinh thưa:
– Còn để vua Thống Nguyên thì còn là cái cớ của loạn lạc, không còn vua Thống Nguyên có thể vẫn là cái cớ của loạn lạc nhưng mãi rồi sẽ hết. Thiên hạ yên được hơn năm nay bởi không còn Quang Thiệu nhưng thiên hạ lại sắp loạn đến nơi bởi vì vẫn còn Thống Nguyên. Chúng ta chọn cách làm yên ổn thiên hạ hay chọn cái cách mặc cho loạn lạc tung hoành? Xin đại vương quyết đoán.
Vũ Hộ lại thưa, cố nén nỗi bực:
– Tôi ngày trước nhận được chiếu cần vương của Chiêu Tông nhưng không theo, quyết mang 3000 quân cùng đại vương bên Đông bên Đoài lập nên thế trận dương đông kích tây, làm nên ngày nay. Giờ tôi lại cùng các quan tâm phúc đang đêm bảo nhau lặn lội từ kinh đô đến đây, nếu không thuyết phục được đại vương, nhất quyết không về, riêng tôi xin trả lại ấn tín để làm kẻ tiều phu ở Tản Viên hay gã ngư phủ trên sông Thao còn hơn khoanh tay chờ chết!
Mạc Đăng Dung mời các quan xơi trầu, uống nước, sẵn giường phản ai mệt thì tạm ngả lưng rồi xin phép ra ngoài vườn để suy nghĩ. Ông lúc đứng, lúc ngồi, lúc ngẩng đầu nhìn trời, khi đăm chiêu hướng về cõi xa, lắm lúc còn thở dài hoặc như người lẩn thẩn. Mọi người cũng rủ nhau ra sân cho mát mẻ nhưng không ai lại gần Đăng Dung.
Lúc đó đã xế chiều, trong phủ đã xong cơm nước cho Đăng Dung và các quan. Ngọc Huệ tất bật lên nhà xuống sân sai phái kẻ hầu người hạ. Từ khi Nguyễn Lĩnh bị giết, Huệ về quê, tất nhiên không tránh khỏi đau buồn nhưng nguyện ở goá, trông coi phủ Hưng Quốc. Bên phủ Từ, phủ Tín thì một tay Kim Thoa coi sóc. Ngọc Huệ ba mươi mấy tuổi đã đành chứ Kim Thoa còn trẻ lắm, mới 18 mà đã ở goá. Cả hai đều vì họ Mạc mà chịu thiệt một đời.
Sao trời đã lác đác. Khi Ngọc Huệ mời tất cả vào ăn cơm, ai nấy mới như nhận ra họ đã bàn bạc đã từ trưa đến giờ suốt mấy canh liền không nghỉ. Nhưng không một ai muốn vào bữa, tất cả đều nhìn về phía Đăng Dung, trông ngóng. Đám gia nhân thấy vậy, không dám mời mọc gì thêm. Ngọc Huệ mạnh dạn đến chỗ Đăng Dung, chưa kịp nói thì Đăng Dung đã phẩy mạnh chiếc quạt trên tay, bảo em:
– Anh vào bây giờ đây.
Đăng Dung bước nhanh về phía các quan:
– Mời các quan xơi cơm rồi về chuẩn bị, hai hôm nữa tôi sẽ có mặt ở Đông Kinh.
Không khí náo nức hẳn lên.
Mùa hè ban ngày dẫu có nắng nôi nực nội thì chiều về vùng biển này bao giờ cũng mát, trời đất đầy ắp, lồng lộng gió đông.
*
Khi được đưa lên ngôi, Cung Hoàng mới 16 tuổi, cái tuổi đã biết đến lo nghĩ nên nhà vua chẳng lấy làm vui mừng gì khi thấy mình bỗng nhiên thành người đứng đầu thiên hạ. Ngày tháng trôi đi, ngẫm đến thời thế, vận mệnh, nhà vua lại càng buồn và thường mượn rượu để giải buồn nhưng buồn lại càng buồn nên ngày nào cũng say. Vua chưa lập Hoàng hậu vì tình cảm đối với Nguyễn Quý phi và Đào Quý phi đều như nhau, cả hai lại đều chưa có con; các cung tần mỹ nữ khác cũng vậy. Một phần do buồn nên Cung Hoàng ít nhòm ngó đến họ, ngay cả với hai Quý phi nhà vua cũng chỉ thường lấy họ làm bạn rượu! Bởi thấy Cung Hoàng rượu chè, can không nổi, Nguyễn Quý phi, Đào Quý phi đành chiều vua rồi cũng sa vào thói xấu đó từ lúc nào không biết! Rượu say, cả ba cùng làm thơ hoặc ngêu ngao hát. Vua và họ đều chẳng có việc gì làm.
Quan lại trong triều thì coi Cung Hoàng có cũng như không. Họ chỉ biết đến cha con Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, sau đấy là Mạc Quyết. Mặc dù bên cạnh nhà vua cũng còn một vài kẻ thân tín tuyệt đối trung thành như Trương Phu Duyệt, Nghiêm Bá Kỳ… nhưng nhà vua hiểu họ không giúp được mình gì nhiều, chẳng những vậy mỗi khi trông thấy bộ mặt khó đăm đăm của họ, nhà vua còn thấy buồn hơn, thậm chí còn phát cáu với họ.
Mọi sự một tay Thái hậu ngấm ngầm sắp xếp. Bà đã bí mật liên hệ được với một vài đại thần trung thành như Lê Công Uyên, Đàm Thận Huy, nhủ họ hãy vì nhà vua mà gắng sức cần vương. Nhưng thật không may, người liên hệ với Nguyễn Kim lại bị bắt cùng với bức thư! Giá như hắn làm như không có chuyện gì để được tha thì không sao, đằng này lại bỏ trốn khác chi giấu đầu hở đuôi. Mới đây nhất, việc dùng đèn làm hiệu liên lạc với bên ngoài đã bị phát giác, tên bị bắt không chịu nổi tra khảo đã khai rằng anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật ở Tuyên Quang đang hẹn ngày đem quân xuống cứu giá.
Việc Mạc Đăng Dung đột ngột trở lại kinh đô làm Thái hậu và Cung Hoàng vô cùng lo lắng và đoán thể nào cũng có chuyện, nhất là được biết Đăng Dung đi đến đâu, dân chúng kinh đô tưng bừng đón rước đến đấy, người hàng phố đổ ra đông chật đường, kẻ đằng trước rạp người cúi lậy, kẻ đằng sau náo nức đi theo, có kẻ còn bạo mồm tung hô vạn tuế!
Y như rằng, một sáng, Mạc Quyết và mấy chục quan văn võ cùng đội thị vệ vào tận thâm cung nói vì nhà vua không đương nổi chính sự lại mưu toan đưa đất nước và trăm họ vào vòng loạn lạc, vì vậy mời vua ra điện Thị Triều để nhường ngôi cho Thái sư An Hưng vương Mạc Đăng Dung. Vua há hốc mồm không nói được câu nào rồi gật đầu, cứ thế đi theo các quan văn võ, cum cúp như người mất hồn. Hai Quý phi oà khóc. Thái hậu mặt tái đi, bỗng chốc già đến chục tuổi. Ra đến điện, thoáng trông thấy Mạc Đăng Dung, nhà vua bỗng toát hết mồ hôi, không có người đỡ thì đã xỉu xuống đất. Một người nói:
– Nhà vua muốn nhường ngôi thì phải có chiếu! Xin Lại bộ Thượng thư Trương Phu Duyệt viết chiếu cho vua.
Trương Phu Duyệt run lên vì tức giận, bảo:
– Thế là nghĩa gì?
– Thay vua viết sớ viết chỉ thăng giáng là việc của ông! Chiếu nhường ngôi không ông viết thì còn ai nữa?
– Ta không viết thì sao?
– Vậy xin mời Đông các đại học sĩ Đạo Nguyên bá Nguyễn Văn Thái thảo chiếu.
Nguyễn Văn Thái nhận giấy bút và thảo chiếu. Trong khi đó, một bên là Binh bộ Thượng thư Từ Quận công Vũ Hộ, các nguyên Thượng thư Lê Thúc Hựu, Trình Chí Sâm, Nguyễn Thì Ung, Phạm Gia Mô… chừng hai chục người; một bên là Lại bộ Thượng thư Trương Phu Duyệt, Hộ bộ Thượng thư Nguyễn Thiệu Tri, Tham chính sứ Nguyễn Huy Tường, Binh Hồ bá Nghiêm Bá Kỳ, Đô Ngự sử Lại Kim Bảng… tất cả dăm bảy người; hai bên mắng nhiếc nhau ầm ầm. Nhưng khi Nguyễn Văn Thái viết chiếu xong, đưa cho Mạc Đăng Dung xem trước thì tất cả bỗng im bặt. Một không khí thật căng thẳng và nghiêm trọng.
Đêm trước Thái hậu mơ giấc mơ kinh hoàng, bà thấy mình lang thang đi trong sương gió, đang lo không biết sẽ đi đâu đến đâu thì trong màn sương dày đặc một người đàn ông bước ra, người đó trông vừa quen lại vừa lạ, trong khi Thái hậu còn chưa kịp nhận ra ai thì người đó thở dài bảo: “Phu nhân không nhận ra tôi sao? Tôi là Cẩm Giang vương, phu quân của mình đây!”. Thái hậu ngỡ ngàng: “Chả nhẽ mình đấy sao? Trông mình lạ quá!”. “Lạ là lạ thế nào?”. “Mình chẳng già đi tí nào! Đáng lẽ mình phải tóc bạc da mồi rồi mới phải!”. Cẩm Giang vương bảo: “ Tôi còn già làm sao được nữa! Mình đúng là già đi nhiều và còn gầy nữa!”. Thái hậu thở dài: “Gần 50 tuổi rồi sao mà chẳng già! Lại lo nghĩ nhiều nên gầy. Nhưng sao cứ gọi nhau là tôi với mình như ngày trước mãi thế. Ngày trước ăn nói kiểu quê mùa còn được chứ bây giờ tôi đã là Hoàng Thái hậu, mình cũng được con nó phong là Minh Tông Triết hoàng đế cơ mà!”. “Kể ra như thế cũng được đến 12 năm rồi đấy nhỉ, tôi còn được nương nhờ hương khói cùng với các tiên đế.”. Thái hậu ngạc nhiên và kinh sợ hỏi: “Mình bảo sao? Mình nương nhờ hương khói à?”. “Thì tôi có còn sống đâu mà chả vậy! Rồi mình cũng thế thôi! Tôi bị Uy Mục nó giết còn mình và con thì bị…”. Thái hậu hét lên ngắt lời chồng: “Ai dám giết tôi?” và giật mình tỉnh dậy, mới biết mình là mơ, mồ hôi toát ra như tắm. Thái hậu bèn gọi các các cung nữ vào, kể chuyện cho họ nghe. Có người khóc, có người lặng im, có người nói:
– Thế thì nay mai tôi về quê đây, ở mãi bên Thái hậu đã buồn thì chớ lại chẳng ra cái gì.
– Ngươi bảo chẳng ra cái gì là sao?
– Tiếng là Thái hậu mà chẳng có quyền hành gì, cáu gắt lạu bạu như ma với chỉ giỏi sai phái mấy đứa chúng tôi, chứ còn sao nữa!
– Ngươi nói gì? Đừng có hỗn!
– Thì hỗn đấy, bà làm gì tôi nào? Ba ở trong cung không biết chứ ngoài kia ai cũng chỉ mong nhà Mạc thay thế nhà Lê! Bà chẳng còn to họng được bao lâu nữa đâu!
Thái hậu bực quá quát lên:
– Người đâu, sao không lôi con tiện tì này ra ngoài kia đánh chết cho ta?
Không một ai nhúc nhích, có người nói trống không: “Chỉ được cái cả vú lấp miệng em!”.
Đang lúc ấy Cung Hoàng vào, Thái hậu đã định kể cho con nghe mọi chuyện thì Cung Hoàng nói:
– Đêm qua con mơ lạ lắm mẹ ạ. Con mơ đang dạo chơi bên hồ Hoàn Kiếm
thì thần Kim Quy hiện lên bảo: “Trả lại quả ấn cho ta!”. Con nói: “Trước đây thần đòi gươm báu thì vua Thái Tổ đã trả ngay, bây giờ còn quả ấn nào nữa?”. Thần Kim Quy nói: “Hồi trước Lê Thận đánh chài ở sông Lam Xuyên có bắt được thanh kiếm quý trên thân kiếm có hàng chữ triện, ít lâu sau Lê Lợi nhặt được cái chuôi kiếm ở gốc đa, chuôi khắc hình rồng và hổ, lại có chữ “thanh thuý”, đem về tra vào lưỡi kiếm dạo trước thì vừa vặn không sai một tí nào. Lê Lợi dùng thanh kiếm ấy đi đánh giặc Ngô, đánh đâu thắng đấy. Thanh kiếm ấy về sau ông ấy đã đem trả ta tại hồ này. Nhưng còn quả ấn thì chưa trả, bởi vì ngay sau hôm Lê Thận đánh chài được thanh kiếm thì bà Phạm Thị Ngọc Trần, chính thất của Lê Lợi ra vườn hái rau, đến chỗ cây rau có hình bàn chân thì thấy một quả ấn dài rộng vuông vắn, khắc mấy chữ lối triện, trên lưng quả ấn khắc đích tên họ Lê Lợi. Lê Lợi giữ quả ấn ấy để làm quốc ấn, nay hãy đem trả lại cho ta!”. Con cười bảo: “Hết giặc thì lau sạch can qua nên trả gươm là đúng, còn đã là quốc ấn thì đời vua trước truyền cho vua đời sau, trả làm sao được.”. “Biết rồi! Nhưng quả ấn ấy khắc chữ “Lê Lợi” tức là chỉ dùng cho nhà Lê thôi, nay nhà Mạc thay thế, quả ấn ấy không còn giá trị nữa, để lại chỉ thêm rắc rối, nên phải giả cho ta!”. Lúc đó con đành phải thú thực là Chiêu Tông lúc chạy vào Thanh Hoa có đem theo đại ấn và ngự ấn, đại ấn chính là quả ấn ấy, sau này Chiêu Tông bị bắt, Mạc Đăng Dung có ý tìm cả hai cái ấn nhưng đều không thấy. Thần Kim Quy quát lớn: “Từ nay về sau ta còn nhiều lần nữa nổi lên đòi quả ấn, đòi kỳ được mới thôi, hãy nhớ lấy!”. Rồi thần nổi giận phun nước hồ vào người con, con thét lên, tỉnh dậy mới biết là mơ!
Thái hậu vẫn chưa kịp kể lại giấc mơ của mình cũng như phàn nàn về đám thị nữ hỗn hào thì Mạc Quyết dẫn thị vệ vào cung nói rõ việc nhường ngôi và mời nhà vua ra điện Thị Triều.
Hôm ấy là ngày 15, ngày canh thân, tháng 6, năm Đinh Hợi (1527), tức là năm Thống Nguyên thứ 6, Cung Hoàng nói xin nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung rồi sai Tư lễ giám Quảng vụ Điển sự Tổng Thái giám Lê Khoái thay mặt mình tuyên chiếu. Lê Khoái giọng run run như đẫm đầy nước mắt, đọc:
“Vua Thái Tổ ta, thừa thời cách mệnh, bèn có bốn phương, các thánh truyền ngôi, đã nhiều lịch số. Đó là lòng người hợp với trời xui nên vậy.
Từ cuối thời Hồng Thuận, gặp lúc quốc gia nhiều nạn, Trần Cảo bắt đầu gây loạn; Trịnh Tuy lập kẻ nghịch lên ngôi, lòng người lìa tan, trời cũng không giúp. Lúc ấy thiên hạ đã không phải của nhà ta vậy.
Ta bạc đức nối ngôi, không thể gánh nổi. Mệnh trời và lòng người hướng về người có đức. Vậy nay Thái sư An Hưng vương Mạc Đăng Dung, là người tư chất thông minh, đủ tài văn võ, bên ngoài đánh dẹp, bốn phương đều phục, bên trong trị nước, trăm họ yên vui, công đức rất lớn lao, trời người đều quy phục.
Nay theo lẽ phải, nên nhường ngôi cho. Nên cố sửa đức, lâu giữ mệnh trời, để yên nhân dân. Mong kính theo đó”.
Đám Trương Phu Duyệt nghe tuyên chiếu xong không một ai ở lại, bỏ về hết.
Mạc Đăng Dung nhận chiếu rồi xưng là hoàng đế, ban lệnh đại xá thiên hạ, đặt niên hiệu là Minh Đức, phế truất vua cũ xuống làm Cung vương, rồi theo lệ thường, đem giam cùng với Thái hậu và hai Quý phi ở cung Tây Nội.
Nguyễn Quý phi là con gái Thông Quốc công Nguyễn Thời Trung, Đào Quý phi là con gái Lỵ Quốc công Đào Đại La. Khi cả hai bị giam cùng Cung vương, thấy họ khổ cực quá, hai gia đình mới xin với triều đình cho đón hai người về, bảo là cần họ ở bên chăm sóc tuổi già cho mình. Triều đình ưng cho nhưng khi người nhà của họ đến đón, chỉ Đào Quý phi về. Nguyễn Quý phi bảo: “Cha ta trăm tuổi đã có anh em chăm sóc; ta hầu vua thì sống chết với vua, không có lý gì mà bỏ về”, người nhà đành về; lần sau lại được sai đến đón, Nguyễn Quý phi vẫn nhất định ở lại, gia đình phải cho người hầu gái bế lên võng ép về, phi khóc, về nhà không chịu ăn uống gì rồi chết.
Thái hậu và vua Cung Hoàng suốt 7 ngày không được ăn uống gì. Một hôm quân lính mang tới tấm lụa. Thái hậu hiểu lẽ đời vốn thế nên chỉ còn biết nguyền rủa kẻ bất trung thoán nghịch rồi xé tấm lụa, hai mẹ con tự thắt cổ chết. Cung Hoàng ở ngôi được đúng 5 năm, khi mất mới 21 tuổi. Đó là năm Đinh Hợi (1527).
Triều Lê kể từ khi Lê Thái Tổ lên ngôi (1428) đến Cung Hoàng, gồm 10 đời vua, cả thảy đúng 100 năm. Nếu tính cả thời gian Lê Lợi dấy quân khởi nghĩa và xưng là Bình Định vương năm Mậu Tuất (1418) thì là 110 năm.
Một triều đại mới bắt đầu.
*
Đàm Thận Huy và Nguyễn Nghiêm mấy lần đem quân từ Kinh Bắc đánh xuống Gia Lâm nhưng đều bị thua, thậm chí còn bị đánh bật khỏi Thị Cầu, Đình Bảng, phải rút lên Yên Thế. Một hôm tự nhiên Thận Huy thấy rùng mình, Nguyễn Nghiêm cũng cảm thấy trong người khác lạ. Cùng lúc đó quân lính vào báo kẻ công sai dạo nào lại đến dụ hàng. Nguyễn Nghiêm mặt đỏ tía tai:
– Công sai gì nó. Có người nói đấy là Mạc Chính Trung, con thứ hai của Mạc Đăng Dung. Nó đánh lừa chúng ta, nói là công sai để làm nhục chúng ta đây! Lần này xin tướng công cho tôi giết hắn.
– Dẫu có là con của Đăng Dung thì vẫn là đứa vô danh tiểu tốt miệng còn hơi sữa, vậy mà trước bạo lực không hề sợ hãi, ứng đối trôi chảy. Thật đáng nể trọng. Nay ta không giết nó thì nó còn đến dụ hàng, giết thì thiên hạ mất một tuấn kiệt. Có lẽ phải giết thôi!
Nhưng lần này Mạc Chính Trung chỉ bắn vào trại mũi tên buộc cuốn thư chứ không vào. Nguyễn Nghiêm định xé thư thì Thận Huy ngăn lại. Đã bao nhiêu lần xé thư, ít ra cũng nên biết Đăng Dung nói những gì. Thận Huy giở thư, ngay những dòng đầu tiên đã khiến họ bàng hoàng: Nhà Mạc đã thay thế nhà Lê! Vua Mạc khuyên họ đầu hàng triều đình. Đàm Thận Huy ngồi lặng đi không nói được câu nào. Nguyễn Nghiêm thở dài:
– Chúng ta đang cố tìm cách cứu giá, sao nhà vua đã vội nhường ngôi nhanh thế.
– Chúng ta mấy lần xuất trận đều thất bại, trước còn giữ được Thị Cầu, Đình Bảng, Tây Kiều, nay chỉ còn cái xó Yên Thế này thì nhà vua chờ mãi sao được! Sát thân thành nhân, chúng ta chỉ còn biết lấy cái chết để tỏ lòng trung nghĩa làm gương cho người đời mà thôi.
Đàm Thận Huy rũ áo đứng dậy vào nhà trong. Chờ mãi không thấy Thận Huy ra, Nguyễn Nghiêm vào xem thì đã thấy ông ta nằm trên giường, mặt tím lại, máu vẫn còn rỉ bên mép. Bên cạnh là lọ thuốc độc.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.