- Đang online: 4
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 20979
- Tổng truy cập: 3,371,248
Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung
- 274 lượt xem
Phần 9
Nghĩa Quốc công Nguyễn Văn Lang mất, Tương Dực cảm cái công đã dấy binh giúp mình lên ngôi nên cho làm ma cực to, truy phong làm Nghĩa Quốc vương, khi tế lễ lại gọi là nghĩa phụ, sau đấy lại ban cho nhiều tiền bạc để con cháu xây lăng mộ.
Nhưng cũng vì việc ma chay mà Nguyễn Văn Lự, Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn Kim đều phải về Tống Sơn nên ở kinh đô quyền hành rơi hết vào tay anh em nhà họ Trịnh.
Từ khi thợ thuyền bắt tay xây dựng điện trăm nóc và Cửu Trùng đài hôm nay Tương Dực mới có dịp thăm công trường. Chỗ này đào ao, chỗ kia đục đá, chỗ khác xẻ gỗ, chạm trổ, quang cảnh hết sức tấp nập. Các Đô lực sĩ đi trước một quãng và đi sau một đoạn hộ vệ. Chỉ có Nguyên Quận công Trịnh Duy Sản, Hiệu uý Hữu Vĩnh, Thừa vụ Thái giám Ngô Khoái và Vũ Như Tô là được đi gần vua. Vũ Như Tô nói:
– Nghĩa Quốc công tuy không còn để chỉ đạo nhưng mọi sự bố trí thần vẫn theo ý trước đây của ông ấy. Chỗ này sẽ là hồ, hồi còn sống Nghĩa Quốc công tạm gọi là Lạc Thanh Trì. Bây giờ đang cần nơi để thợ làm việc nên chưa đào, chỉ nay mai thần sẽ cho vật đất. Giữa hồ sẽ chất đá làm núi, bờ hồ phía Đông trồng thông, phía Nam trồng trúc, phía Bắc trồng liễu, bên dưới trồng toàn hoa thơm cỏ lạ và treo những lồng chim quý, lông đẹp hót hay. Phía Tây hồ trồng hai cây quế Thanh, ở giữa dựng một toà điện, cũng lấy tên Lạc Thanh để gọi. Phía sau điện Lạc Thanh đào hai hồ tả hữu hình bán nguyệt, một hồ bắt người ở Hải Đông chở nước mặn chứa vào đấy để nuôi các loài hải sản như đồ mồi, ba ba, cá biển, một hồ thì bắt người Hoá Châu chở cá sấu tới thả. Đằng kia đào hồ nữa hình tròn, gọi là hồ Hồng Thanh Ngư chuyên nuôi cá thanh phụ là loài cá diếc quý đuôi đỏ, vảy biếc. Đất đào từ các hồ sẽ chuyển tới kia đắp thành núi, gọi là Trúc Sơn vì trên núi trồng toàn trúc, thứ trúc đốt ngắn và bầu bầu như đùi gà, lấy giống từ Tứ Xuyên bên Bắc Quốc. Cạnh Hồng Thanh Ngư dựng điện Nguyên Huyền cao ba tầng nên gọi là Nguyên Huyền Các. Điện này cao hơn và còn rộng hơn gác Vọng Nguyệt bệ hạ thường tới ở Ngự viên Thượng uyển. Cạnh điện có đá cảnh và tre trúc. Đá lấy từ Đà Giang, Thanh Hoa. Thần đang cố tìm hòn đá 100 lỗ tượng trưng cho bệ hạ trăm tuổi, đem về đây. Biết bệ hạ yêu thích thơ văn và thú thanh tao, trước khi mất Nghĩa Quốc công còn dặn đi dặn lại thần phải làm Nguyên Huyền Các thật đẹp để bệ hạ luôn tới đây câu cá, ngắm trăng, làm thơ. Bệ hạ có thể gọi ông Đàm Thận Huy, ngôi sao còn lại trong “Tao Đàn nhị thập bát tú”, lập lại hội thơ như thời Thánh Tông ở Khuê Văn Các. Để bệ hạ có thể đi suốt khu vườn ngự uyển mà không lo mưa nắng, thần sẽ làm dãy hành lang uốn lượn dọc theo lối đi, từ cửa Hoàng Phúc đến tận cửa Đại Triều.
Quay về phía Vũ Như Tô, nhà vua hỏi:
– Thế việc ở Cửu Trùng đài ra sao?
– Tâu bệ hạ, xưa nhà Lý dựng điện cao bốn tầng đã khó khăn trong việc tìm kiếm gỗ cho đủ kích thước. Nay Cửu Trùng đài những chín tầng nên còn khó khăn hơn nhiều. Thanh Hoa không thiếu gỗ quý và đủ kích thước nhưng hạ được cây, đem được cây khỏi rừng, đóng bè xuôi sông Chu, sông Mã rồi vào cửa Ba Lạt, ngược sông Cái, đưa được cây lên bờ và kéo được đến đây là rất kỳ công. Thần nghe nói thợ sơn tràng xứ Thanh, sẩy chân, bị cây đè chết mất hơn chục người, voi kéo gỗ cũng rơi xuống vực mấy con. Bè đầu tiên vào được sông Cái thì giữa chừng mắc cạn, hơn trăm người ròng dây kéo mới qua được cạn, hiện còn chưa qua được địa phận Sơn Nam Hạ. Nghĩa Quốc công có nói …
Từ nãy đến giờ Vũ Như Tô cứ một điều nhắc đến Nghĩa Quốc công, hai điều lại Nghĩa Quốc công làm Trịnh Duy Sản rất khó chịu vì thấy Nguyễn Văn Lang tuy đã mất mà cái bóng của ông ta vẫn trùm lợp, cho dù chỉ từ cửa miệng một tên đồ đệ của Lỗ Ban và Nguyễn An. Từ lâu Duy Sản đã không coi đám họ Nguyễn ở Tống Sơn ra gì, nay đám ấy không còn kẻ to đầu nhất, Duy Sản càng coi thường. Nên nhân câu Như Tô vừa nói, Duy Sản bảo:
– Ngươi kể ra đây làm gì, Văn Lang có còn đâu nữa cho ngươi kể. Vả lại ngươi có phải lên rừng xuống biển đâu mà kêu vất vả?
– ừ, thôi không phải kể lể nữa. – Tương Dực nói.
– Thần không vất vả công việc thổ mộc nhưng lo không xong việc. Cửu Trùng đài là điều tâm huyết, hoài bão của thần nên thần khao khát hoàn thành sớm ngày nào hay ngày ấy để chóng được chiêm ngưỡng thành quả của mình. Thần quên ăn quên ngủ, quên cả vợ con, chỉ biết có Cửu Trùng đài huy hoàng, tráng lệ mai sau…
– Vậy là tốt. – Tương Dực ngắt lời Như Tô làm Như Tô đang say sưa bày tỏ bị chưng hửng. Nhà vua quay sang phía các hoạn quan – Thưởng cho Như Tô ngự tửu rồi các ngươi đưa trẫm đến Tây Hồ.
Thừa vụ Thái giám Ngô Khoái rót cho Vũ Như Tô chén rượu, chờ hắn uống xong, y quay về phía các hoạn quan dưới quyền:
– Chuẩn bị hành cung và bến Đá.
Hồ Tây buổi chiều hè lộng gió, nước hồ lăn tăn sóng. Nắng chiều biến cả một vùng nước mênh mông trở nên muôn hồng ngàn tía. Trong khi đám quan lại theo xa giá và quân Túc vệ dừng ở rừng bàng thì nhà vua, các hoạn quan và cung nữ men theo hồ đi tiếp lên Nghi Tàm, tới hành cung. Tương Dực bảo:
– Trẫm muốn tắm ở bến Đá, cho các cung nữ được tắm.
Lập tức đám cung nữ reo lên rồi không ai bảo ai, cùng trút hết xống áo. Hoạn quan giúp vua cởi bỏ cân đai mũ mãng và đưa vua ra bến. Cung nữ líu ríu theo sau, tồng ngồng một đám. Bến Đá Nghi Tàm chỉ dành cho nhà vua và hoàng hậu, vua và hoàng hậu muốn cho ai tắm mới được tắm. Nước ở đây lúc nào cũng trong nhờ những phiến đá lát dưới nước không cho bùn vẩn lên, cũng nhờ có đá mà nước vào mùa hè rất mát.
Vua tôi mấy chục người ùm ùm lội nước, ai nấy trắng hêu hếu. Vua té nước đùa các cung nữ, thỉnh thoảng lại ôm lấy một người. Rồi vua đứng yên cho họ xoa xít kỳ cọ, chỗ nào và lâu bao nhiêu tuỳ họ, riêng có một chỗ ai cũng được đặt tay vào nhưng chỉ được một lần, các cung nữ bên cạnh đếm từ một đến mười là phải thôi, nhường cho người khác. Nhiều cung nữ gần như run lên khi đặt tay vào đấy. Có người còn quỳ hẳn xuống áp cả mặt vào, xúc động, rạo rực vô cùng. Vua và cung nữ cười như nắc nẻ, cười ngặt ngoẽo, đám hoạn quan trên bờ cũng nhe răng, ngú ngớ. Riêng hoạn quan vẫn mặc quần áo vì họ không là đàn ông cũng chẳng là đàn bà, cái của họ quái đản đến nỗi không ai muốn nhìn. Tương Dực đế chợt hỏi đám cung nữ:
– Các khanh ai chưa biết bơi, trẫm dạy!
Ai cũng bảo mình chưa biết bơi để được vua ôm ấp.
Hoạn quan đưa đến chiếc thuyền rồng nhỏ, nhà vua, chín hoạn quan và bày cung nữ lên thuyền. Tám hoạn quan chèo, một người bẻ lái đưa thuyền ra giữa hồ. Cung nữ vẫn trần truồng mà đàn sáo. Tương Dực đế không rời cung nữ trong lòng, hết người này đến người khác cho họ khỏi tị nhau. Nhưng các cung nữ vẫn chí choé ghen tuông, ấy là khi người cung nữ nào đang trong lòng vua mặt mũi bỗng ngây dại. Nhà vua bảo:
– Trẫm xin báo tin mừng cho các khanh: Quý tần Phi Yến đã mang thai rồng! Nàng bảo khi trước con với chồng cũ của nàng chân có một ngấn nên đứa này sẽ lại con trai. Hôm nay ta quá vui là vì vậy.
Cung nữ nghe chẳng ai mừng mà tất cả đều sị mặt ra. Nhà vua lại nói:
– Còn hôm nay ai thụ thai nếu sinh con trai trẫm sẽ đặt tên là Thái Đàm để ghi nhớ ngày may mắn trên đầm nước mênh mông này, nếu con gái sẽ đặt tên là Ngọc Đàm.
Các cung nữ hầu hết lại sị mặt ra, chỉ hai người đỏ mặt.
– Bây giờ trẫm và các khanh cùng làm thơ. Trẫm đọc một câu, các khanh đọc câu tiếp cho đến hết tám câu. “Say hoa đắm nguyệt bởi vì đâu”.
Cung nữ lúc nãy đỏ mặt đọc tiếp:
– “Bởi biết rằng đây thú có mầu”.
– Hay lắm! – Nhà vua khen – “Tây hồ nước trong leo lẻo”.
– “Bến Đá trời biếc làu làu”.
– Hai câu tiếp các khanh để trẫm đọc cả hai, vì chả ai nghĩ được hay hơn trẫm đâu. Câu đầu tặng các cung nữ, câu sau tặng các hoạn quan. Nhưng ta nói trước, đừng có ai tự ái đâu đấy: “Bé vú thở than người cả vú/ Không râu hiềm tị kẻ nhiều râu”.
Tất cả cùng cười. Mấy cung nữ tới xoa cằm trêu đám hoạn quan và cười như nắc nẻ. Cung nữ đang ngồi trong lòng vua liền đưa tay vuốt râu vua, đọc:
– “Mặc trời phú tính yên đòi phận”.
Nhà vua dí ngón tay vào giữa hai đùi cung nữ:
– “ở đời chẳng mấy được lâu”.
Tất cả cùng vỗ tay cười. Tương Dực nói thêm:
– Cuộc đời như chớp mắt nên phải tận hưởng mọi thú vui, các khanh ạ.
Trăng lên, thuyền đưa vua trở lại bến Đá để nhà vua trở lại hành cung và về Cấm thành. Dọc đường về Cấm thành, xe lắc lư, bánh xe lăn đều đều lộc cộc cùng không gian yên tĩnh, mát mẻ ru vua vào giấc ngủ. Buổi tắm ở bến Đá vui nhưng quá hoan lạc nên vua mệt.
Tương Dực đang bị đánh thức bởi những tiếng huyên náo, rồi nhà vua nhận ra bên ngoài có xô xát. Tiếng hô giết, tiếng cung nữ la hét như xé vải, tiếng hoạn quan e é như bị ai chọc tiết. Nhà vua vừa định vén màn xem sao thì một ngọn giáo từ bên ngoài phi xuyên qua bức gấm che đằng trước, cắm phập vào thành xe, cách đầu vua chưa đầy gang tay, đầu mũi giáo ròng ròng máu tươi! Nhà vua hoảng hồn nằm rạp xuống sàn xe. Chợt xe chúc xuống khiến nhà vua lăn khỏi xe: Con ngựa kéo xe vừa bị đâm chết. Đám hành thích khoảng chục tên, không nhiều nhưng hung hãn, tất cả đều bịt mặt và liều chết lăn xả vào xe vua. Hữu Vĩnh ra sức đâm chém, trúng mấy tên liền. Các hoạn quan bao quanh xe vua, họ không có vũ khí nhưng đông và liều chết bảo vệ vua nên đám hành thích không thể tới gần vua. Cuối cùng, những kẻ hành thích bỏ chạy, cố mang theo hết xác đồng bọn bị giết. Hoạn quan gần chục người thiệt mạng, còn lại hầu như ai cũng bị thương. Hộ thảng Thái giám Nguyễn Nhữ Vi bị đâm lòi ruột, tay ôm bụng, tay vịn vào người bên cạnh, cố đến xe nhà vua, nói:
– Thần là người của Kính phi, cùng Kính phi lập Mẫn Lệ công lên ngôi, sau khi Mẫn Lệ công không còn, đám họ hàng thân thích của thần ở Hoa Lăng làm loạn bị bệ hạ diệt trừ, vậy mà riêng thần vẫn được dùng, thần thật lấy làm cảm động; đã vậy, khi Khắc Hài đánh lừa thần, thần tưởng y lòng ngay dạ thẳng thật bụng quy hồi nên dẫn đến hầu bệ hạ khiến tí nữa bệ hạ bị hại, vậy mà bệ hạ tha mạng, chỉ giáng chức, thần thật ơn sâu. Nên lúc nãy thần đã quyết lấy cái chết để đền ơn. Nay trước khi vĩnh biệt bệ hạ, thần có đôi lời tâm huyết xin dâng bệ hạ: Khoan thư sức dân, bao dung quần thần, hạn chế sắc dục, ấy là ba điều cần của bậc quân vương!
Tương Dực đế nhìn Nhữ Vi như nhìn cái gì đó lạ lùng rồi phẩy tay:
– Thôi, khanh đi đi!
Nhữ Vi rũ xuống, máu mồm máu mũi ộc ra, tắt thở. Thừa vụ Thái giám Ngô Khoái cố đến gần xe vua để Tương Dực nhìn thấy y bị thương như thế nào: Một nhát chém vào cánh tay, máu vẫn còn đầm đìa. Tương Dực thấy thế bảo:
– Chức Quảng vụ Thái giám còn trống, nay thăng Ngô Khoái giữ chức ấy và ban quốc tính.
Đêm đó Tương Dực thức trắng, đầu tiên gọi Trịnh Duy Sản đến trách mắng:
– Trẫm giao cho khanh giữ quân Cẩm Y, chỉ huy Cấm binh, lại kiêm Phụng Thiên phủ doãn, vậy mà những kẻ muốn hại trẫm đâu đâu cũng thấy, thế thì ra làm sao?
– Tâu bệ hạ, hiện Cẩm Y vệ đang lần theo vết máu của thích khách để tìm ra hung thủ.
Đang lúc ấy, Hiệu uý tướng quân Hữu Vĩnh vào tâu quân Cấm vệ lần theo vết máu truy tìm hung thủ, gần đến phủ Thông vương Dung thì mất dấu vết và thấy người của phủ này đang quét dọn cổng, có lẽ là xoá dấu vết. Vì là phủ Thông vương nên Cấm vệ không dám vào. Hữu Vĩnh nói:
– Lúc đầu thần nghĩ rằng tại đám Phù Chẩn, Đông Ngàn và Hoa Lăng, Thuỷ Đường còn chưa trừ hết nhưng hoá ra không phải. Thần nghe có người nói các con của Hiến Tông bảo họ là ngành trưởng, Tuy Túc Tông mất, Uy Mục không còn và Hoàng tử trưởng là An vương Tuân cũng đã mất cách đây vài năm thì ngôi báu vẫn phải thuộc anh em họ, như Ninh vương Trị, Ân vương Mỹ, Thông vương Dung, chứ sau lại sang ngành thứ được. Họ còn nói Uy Mục đế tuy có tàn bạo nhưng là anh, là vua; vua Hồng Thuận là em, là bày tôi mà lại giết anh, giết vua, như thế có phải không?
Tương Dực nghe thấy chối tai, gạt đi, bảo:
– Đám con cháu của các vương Thuyên, Tung, Cảo, Tranh, Khâm, Tác, Tương, Chiêu, Cảnh, Huyễn, Thoan, Kiện có dính dáng gì không? Giết, dù trong hoàng gia cũng phải giết mới xong.
Trịnh Duy Sản nói:
– Tâu bệ hạ, vừa rồi Hiệu uý tướng quân chỉ tấu trình một câu nói, chứ chưa khẳng định một ai, ngay với Thông vương cũng chỉ phỏng đoán, vì vậy bệ hạ định giết một loạt hoàng thân mà không có bằng cớ xác đáng, thần e…
Tương Dực ngắt lời Duy Sản:
– Khanh giữ vệ Cẩm Y đã không tròn chức phận lại còn cản trở công việc, khanh lui ra đi không có lại trách trẫm quá tay!
Duy Sản lại nói:
– Một số hoàng thân và quan đại thần phàn nàn rằng cung nữ Phi Yến vốn là kẻ có tội, không những được khoan dung mà còn được vào hàng Quý tần, thế là không phải!
– Ai nói? Chắc đám anh em nhà Hiến Tông cho rằng ta làm vậy là hạ nhục cha chúng chứ gì? Bọn họ định làm gì trẫm đây?
– Tâu bệ hạ, thần không lo bọn họ mà lo một kẻ tên là Cảo, họ Trần, xưng là con cháu nhà Trần đang nổi dậy chiếm giữ Đông Triều, Thuỷ Đường, trong tay vài nghìn quân lại nói phóng là vài vạn và tung tin sắp sửa tiến về Thăng Long.
– Trước hết không thể nuôi ong tay áo, bắt hết đám anh em nhà Hiến Tông rồi lo diệt giặc Cảo cũng chưa muộn.
Trịnh Duy Sản không nói sao, xin lui. Duy Sản đến than thở với Thái sư Thiệu Quốc công Lê Quảng Độ. Quảng Độ thở dài nói:
– Chánh sứ Bắc quốc Trần Nhược Thuỷ, phó sứ Phạm Hy Tăng dạo trước sang tấn phong cho nhà vua nói với một số người, tôi cũng nghe được: “Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính thích dâm, đó là vua lợn, loạn vong sẽ không bao lâu”! Điều ấy chả nhẽ lại đúng sao?
Ngay đêm ấy Hữu Vĩnh bắt về 15 hoàng thân. Những người bỏ trốn, những người dây mơ rễ má đằng nội đằng ngoại có nghi vấn bị truy lùng ráo riết.
Nghe tin dữ, Trịnh Duy Sản định vào cung can vua. Trịnh Duy Đại bảo:
– Lúc này nhà vua đang rất giận và hoang mang, em không nên vào.
– Vua Hồng Thuận được ngôi báu một phần cũng nhờ anh em mình chứ đâu chỉ riêng cha con Nguyễn Văn Lang. Còn như diệt Trần Tuân rồi Lê Hy, Lê Minh Triệt ở Nghệ An, Thanh Hoa, Phùng Chương ở Tam Đảo thì chính là em đây chứ còn ai. Nay Văn Lang đã chết, con y là Văn Lự thì kém cỏi, anh em mình là chỗ dựa của triều đình chứ còn ai nữa? Em can vua cũng là củng cố cái địa vị cho họ hàng mình. Anh chớ lo cho em.
Trịnh Duy Sản vào cung trong lúc Tương Dực đang cơn bực nên Sản mới nói được vài câu đã bị Tương Dực ngắt lời:
– Ngươi đến thật đúng lúc. Ta đang muốn tìm kẻ thật xứng đáng để trị tội làm gương. Ngươi chính là kẻ ta đang cần! Thứ nhất, ngươi là cháu nội khai quốc công thần Hiển Khánh vương Trịnh Khả; thứ hai, ngươi có công lớn dẹp mấy đảng giặc phản loạn; thứ ba, thấy ta gần đây tin cậy, ngươi bắt đầu tỏ ra kiêu ngạo. Trị ngươi vừa đe được những kẻ âm mưu phản loạn, vừa ngừa được những kẻ như ngươi kéo đến đây nói điều ngu ngốc. Nhân đây ta phải nói cho ngươi biết: Vua Thánh Tông truy phong cho ông nội ngươi làm Hiển Khánh vương, đó chẳng qua khi Quang Thục hoàng thái hậu, mẹ vua Thánh Tông, lúc còn là Tiệp dư vì đã làm trái ý Hoàng hậu và giở thói ghen tuông nên bị Thái Tông bắt giam ngoài vườn hoa, ông nội ngươi xin cho Quang Thục được ra ở chùa Huy Văn, nên sau này Thánh Tông lên ngôi đã truy phong để trả cái ơn ấy. Chứ có người nói ông nội ngươi kết bè đảng làm phản nên cùng với con trưởng là Trịnh Bá Quát bị vua Thái Tông giết.
Duy Sản giận tái mặt nhưng cố lấy giọng mềm mỏng:
– Tâu bệ hạ, việc ấy đã được triều đình thanh minh là không có, chỉ vì ông nội thần bị những kẻ hủ bại ghen ghét tài năng mà gièm pha. Vua Thánh Tông vì thế mới truy tặng là Thiếu phó Liệt Quốc công, sau truy thăng làm Hiển Khánh vương. Vua Thánh Tông còn lưu ý về sau nhớ ưu đãi con cháu nhà vương và nói: “Anh em họ Trịnh mười người thẩy đều quý hiển”. Mười người ấy là các bác, các chú và thân phụ của thần. Nay thần có gì không phải thì bệ hạ cứ việc quở trách, không thể đem ông cha của thần ra mà làm lệch lạc đi. Vả lại, Huy Từ hoàng thái hậu thân mẫu của bệ hạ cũng chính là cháu Hiển Khánh vương, có lẽ trong lúc nóng giận bệ hạ chưa kịp nhớ ra?
Tương Dực càng tức vì câu nói ấy, liền sai người lôi Trịnh Duy Sản ra phạt lấy lệ 5 trượng, không cho giữ vệ Cẩm Y. Tuy bị đánh không mấy đau đớn nhưng Duy Sản lấy vậy làm nhục nhã nên rất căm phẫn.
Vệ Cẩm Y được giao cho Hữu Vĩnh. Vừa lúc đó tướng giữ vệ Kim Ngô là Cù Khắc Xương mang quân đi đánh Trần Cảo bị thua, Duy Sản nghĩ không nắm quân đội không được nên nói với Thái sư Lê Quảng Độ và Lê Nghĩa Chiêu, hai người cùng dâng biểu lên Tương Dực xin cách chức Khắc Xương, giao vệ Kim Ngô cho Duy Sản. Quảng Độ nói: “Duy Sản nhất thời có làm bệ hạ phật ý nhưng đó là tướng giỏi, không nên để phí.”. Tương Dực nghe theo.
Tương Dực dùng hình phạt nặng tra tấn các thân vương nên có người không chịu nổi đã cung khai. Quả là trong bọn họ có người định thay thế Tương Dực bằng vua khác. Các thân vương bị chém không còn một ai. Pháp trường lại một lần nữa đầm đìa máu tươi. Thanh đao chém người không dây máu của lão đao phủ thọt chân lại được lấy ra. Cứ mỗi cái đầu rụng xuống, người phụ trảm lại nhặt lấy tung lên cao cho mọi người xem đều được thấy. Đúng 15 lần như thế.
Duy Sản nói với Duy Đại:
– Oánh quên chúng ta là chỗ ngoại thích họ hàng với mẹ hắn và còn là bậc cha chú hắn, quên cả việc anh em ta liều chết tổ chức cướp ngục, đưa hắn chạy về Thanh Hoa, cùng chiêu tập binh mã dựng hắn lên ngôi, sau đó còn vì hắn mà không quản vất vả đánh dẹp các đảng giặc! Oánh còn nói những điều trái ngược về Hiển Khánh vương! Thật vuốt mặt chẳng nể mũi tí nào.
Duy Đại bảo:
– Không thể để thằng cháu ngoại hỗn xược ấy ngồi yên trên ngai vàng được. Anh em mình dứt khoát phải hành động, mỗi người tìm lấy một người, giao hẹn nếu người của anh lên ngôi thì em thôi, người của em lên ngôi thì anh thôi. Việc này phải tuyệt đối bí mật nếu không sẽ liên lụy đến cả họ bởi Oánh tàn bạo không từ một ai. Với lại, đám Nguyễn Văn Lự, Nguyễn Hoằng Dụ mà biết hành động của anh em mình, thể nào chúng cũng phá, hoặc phò Oánh, hoặc đưa người của chúng lên. Mặc dù vậy, vẫn cần liên kết với một số đại thần chứ riêng anh em mình không đủ sức.
– Anh nói phải lắm, Lê Quảng Độ, Trình Chí Sâm, Lê Nghĩa Chiêu và một vài người nữa cũng có ý không tuân phục Oánh, có thể bàn việc lớn với họ được. Nhưng dẫu sao trước hết vẫn phải liên kết anh em con cháu trong họ lại. Duy Liệu, Duy Thuận, Duy Duyệt, rồi đám Tuy, Hựu, Hưng bọn họ sao lại chẳng đồng tâm với ta.
– Ông Vũ Tá hầu Phùng Mại vẫn giận cái việc Oánh sai Thái giám ép ông ta đưa Lê phi trở lại cung làm ông ta mang tiếng với thiên hạ; đã vậy, chưa được ba bảy hai mươi mốt ngày Oánh đã ruồng rẫy Lê phi, đi say đắm Phi Yến. Người này có thể liên kết với chúng ta được.
Quả như Duy Đại nói, chỉ mới nói xa gần úp mở, Phùng Mại đã sôi nổi bàn việc phế lập với Duy Đại. Phùng Mại muốn lập con Cẩm Giang vương là Lê Y lên thay. Duy Đại thấy hợp lý, về nói với Duy Sản, Duy Sản lại muốn lập con của Mục ý vương là Quang Trị. Mục ý vương Lê Doanh là em Cẩm Giang vương Lê Sùng và Tương Dực đế Lê Oánh. Mấy năm trước, khi Lê Oánh mạo danh Cẩm Giang vương khởi nghĩa chống lại Uy Mục, Cẩm Giang vương và các em là Lê Vinh và Lê Quyên đều bị Uy Mục giết. Mục ý vương không bị bắt vì ốm thập tử nhất sinh, sau đó mấy ngày thì mất nên không bị hành hình. Vợ Cẩm Giang vương nhờ đưa các con về quê ăn giỗ nên thoát được. Vợ Mục ý vương cũng may đem con trốn được.
Anh em Trịnh Duy Đại, Duy Sản vẫn lo đằng họ Nguyễn Tống Sơn. Thấy vậy, Trịnh Tuy, cháu gọi hai người là chú nói:
– Cháu coi đám Tống Sơn chẳng khác gì đồ hổ giấy, thổi phù cái là bay. Giờ chúng chỉ có ba kẻ đáng ngại là Văn Lự, Hoằng Dụ và con Dụ là Nguyễn Kim. Nhưng Văn Lự bất tài, Hoằng Dụ thấp mưu mà Nguyễn Kim thì chưa thể quyết đoán. Các chú cứ lo liệu việc nội cung, việc họ Nguyễn cháu lo. Cháu sẽ chia quân làm hai, mặt bộ chặn đèo Tam Điệp; mặt thuỷ chặn hết các cửa sông, từ cửa Đáy ra đến cửa Nam Triệu, tất cả 8 cửa sông lớn. Quân Tống Sơn chỉ có thể qua được một khi bước qua xác cháu.
– Khá lắm! – Duy Đại khen – Chim hồng hộc bay cao bay xa được là nhờ các trụ xương cánh cái to cái nhỏ. Cháu ta là cái trụ xương cánh nhỏ ấy.
Đang lúc ấy, tin bay về kinh đô: Trần Cảo xưng là Đế Thích giáng thế, giương cờ khôi phục nhà Trần, nổi dậy ở Đông Triều, Thuỷ Đường, hiện đang đánh sang Bắc Giang, lực lượng còn mạnh gấp mười lần Trần Tuân ngày trước. Được tin, Trịnh Duy Sản vỗ tay:
– Hay lắm, đang chưa có cách nào hành động bí mật thì đây chính là dịp may để thừa gió bẻ măng đây!
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.