- Đang online: 4
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 20781
- Tổng truy cập: 3,371,188
Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung
- 335 lượt xem
Phần 20
Sau khi lên ngôi, chọn ngày lành tháng tốt, vua Minh Đức nhà Mạc cùng văn võ bá quan tới đàn Nam Giao ở phía Nam kinh thành.
Đàn có từ thời nhà Lý, đến nhà Lê được xây dựng, sửa sang thêm và nghi lễ cúng tế cũng trở thành nền nếp. Đàn là khoảng đất vuông vắn được xây tường chung quanh, tượng trưng cho đất; chính giữa khoảng đất là đàn, hình tròn, cao ba tầng, tượng trưng cho tam tài: Thiên, địa, nhân, tầng trên cùng là tượng trưng cho trời. ở khoảng đất vuông có ba ngôi nhà ngói, gồm Trai cung để nhà vua lên tạm trú vài hôm cho chay tịnh trước khi vào tế, Thần trù là nơi nhà bếp và Thần khố là nhà kho.
Sau khi trai giới ba ngày ở Trai cung, vua Thái Tổ nhà Mạc lên đàn, trịnh trọng tuyên bố với trời đất để ghi vào sách trời triều đại mới của Đại Việt, thề làm theo những điều trời đất ban cho và dân chúng mong muốn.
Nhà vua truy tôn tổ bảy đời là Mạc Đĩnh Chi làm Kiến thuỷ Khâm minh Văn hoàng đế, các vị đời sau cũng đều được truy tôn hoàng đế, cha làm Chiêu tổ Quang liệt Cơ mệnh hoàng đế. Tôn mẹ làm Hoàng thái hậu.
Vua lập con trưởng là Mạc Đăng Doanh làm Thái tử, cho người sửa sang Đông cung để Thái tử đến ở và đọc sách; phong Mạc Quyết làm Tín vương, truy phong Mạc Đốc làm Từ vương. Ba em gái đều phong công chúa: Em gái trưởng là Ngọc Phong (vợ Lê Bá Ly) làm Trang Hoà trưởng công chúa, em gái thứ là Ngọc Huệ (vợ goá của Nguyễn Lĩnh) làm Khánh Diệm công chúa, em gái út là Ngọc Di (vợ Vũ Bang Huấn) làm Tú Hoa công chúa. Các hoàng tử: Chính Trung, Phục Sơn, Nhân Phủ, Quang Khải đều được phong tước vương; các con gái được phong công chúa: Ngọc Thọ làm Thuỵ Ninh công chúa, Ngọc Châu làm Thái An công chúa. Những người con khác do còn nhỏ nên chưa được phong tước.
Vũ Hộ có công lớn nhất giúp nhà Mạc lập nghiệp, được phong thưởng đầu tiên, làm Tĩnh Quốc công và ban cho quốc tính, gọi là Mạc Bang Hộ, con trai là Vũ Bang Huấn do vậy được gọi là Mạc Bang Huấn; Trung quan là Nguyễn Thế An cũng do lấp nhiều công lớn, làm Ly Quốc công.
Tháng Giêng năm sau Mạc Thái Tổ sai đúc tiền Thông bảo niên hiệu mới là Minh Đức cho các xứ tiêu dùng thay cho tiền nhà Lê. Sang tháng Hai xét tiếp công lao các công thần, thăng và phong tước cho các đại thần:
– Nguyễn Quốc Hiến làm Phò mã đô uý, Thái bảo Lâm quốc công và
ban cho quốc tính;
– Mạc Quốc Trinh làm Thái sư Lân Quốc công;
– Mạc Đĩnh Khoa làm Tả đô đốc Khiêm Quốc công;
– Nguyễn Thì Ung làm Thiếu bảo Thông Quốc công;
– Nguyễn Bỉnh Đức làm Khánh Khê hầu và ban cho quốc tính, đổi gọi là
Mạc Ninh Bang;
– Phạm Gia Mô làm Hoằng Lễ hầu;
– Nguyễn Văn Thái làm Đạo Xuyên hầu;
– Lê Bá Ly làm Mai Xuyên hầu;
– Nguyễn Như Quế làm Trung Quốc hầu và ban cho quốc tính;
– Nguyễn Chuyên Mỹ làm Văn Đẩu hầu;
Tất cả 56 người.
Nhà vua nói:
– Hầu hết các vị đại thần triều vua cũ đều ở lại với triều Mạc ta, như thế là đại phúc cho thiên hạ. Những vị không chịu ở lại với trẫm, trẫm cũng không trách, chẳng qua các vị ấy hoặc lòng còn nhớ vua cũ, hoặc còn chưa hiểu trẫm. Điều ấy cũng thường tình. Bởi chính trẫm cũng chỉ vì không quên công Uy Mục đế chăn dắt vào chốn quan trường nên mới hết lòng vì nhà Lê, sau này lại chần chừ việc phế lập, chỉ đến khi vạn cùng bất đắc dĩ mới làm chuyện thay đổi để đáp ứng lòng ngưỡng mộ và mong mỏi của dân chúng. Nghĩ cảnh những vị ấy người trốn tránh trong rừng, ẩn giấu tên tuổi, tụ tập làm đảng cướp hoặc đi ra ngoại quốc để cầu yên, trẫm rất thương cảm. Trong khi đó xã tắc lúc này lại đang cần các vị ấy nên trẫm đã cho người yết thị các nơi mời các vị ấy trở lại với triều đình. Tháng trước trẫm có sai chính con của trẫm là Hoằng vương một lần nữa đi Kinh Bắc mang thư dụ hàng hai vị Đàm Thận Huy và Nguyễn Nghiêm. Trẫm muốn làm cái việc xưa Tống Thái Tông ở Bắc quốc chiêu hàng cha con Dương Nghiệp nhưng Đàm Thận Huy đã tự sát. Nguyễn Nghiêm vì còn mẹ già nên đổi họ tên về làng định đón mẹ đi thì bị quan quân phát giác, phải trốn tới Tam Nông, tập hợp gần trăm người kiên quyết chống lại và bị bắt, dọc đường cắn lưỡi chết. Cảm thương trước tấm lòng trung liệt của các vị ấy, trẫm đã truy phong cho họ và cấp tiền bạc cho con cháu họ. Trẫm phong cho Thượng thư, Lam Xuyên bá Đàm Thận Huy làm Lam Xuyên hầu và cho người mang sắc phong tới Ông Mặc, Đông Ngàn là quê ông ấy. Nghe nói chưa đến nơi, mới đến chợ Cổ Châu thì tờ sắc tự nhiên bốc cháy. Như vậy dẫu đã chết Thận Huy vẫn không chịu theo trẫm. Người tiết liệt mà linh thiêng đến thế thực hiếm. Với các ông Nguyễn Nghiêm, Vũ Công Duệ, Ngô Hoán, Nguyễn Thái Bạt, Nguyễn Duy Tường, Nguyễn Tự Cường, Nghiêm Bá Ký, Lại Kim Bảng, Nguyễn Thiệu Tri, Lại Vô Cương trẫm cũng đã truy ban tước lộc, cấp tiền bạc cho con cháu thờ cúng. Còn như linh hồn các các vị ấy có quy thuận hay không thì cũng tại cái đức của trẫm còn mỏng.
Các quan ra sức mong vua tránh những điều phiền muộn. Nhà vua nói tiếp:
– Trẫm cũng đã ban chỉ đi các nơi phủ dụ con cái các vị tiết liệt vì vua cũ không có gì phải sợ hãi, hãy ra làm quan giúp tân triều, đem tài kinh bang tế thế ra cho quốc thái dân an. Trẫm lại đã sai người vào Thanh Hoa tu sửa lầu điện và lăng tẩm Thái Miếu nhà Lê ở Lam Kinh, mỗi năm sẽ hai lần vào đấy tế lễ dịp mùa xuân và mùa thu, bốn kỳ tế lễ ở lăng Mỹ Xá để ghi nhớ công của đức Thái Tổ nhà Lê đã có công đánh đuổi giặc Ngô mang lại nền thái bình cho đất nước, đồng thời bày tỏ cõi lòng để đức Thái Tổ hiểu trẫm.
Mạc Quốc Trinh nói:
– Xưa triều Lý mục ruỗng, Trần Thủ Độ phế bỏ Chiêu Hoàng, lập nên nhà Trần, tài tình trị nước, ai ai cũng ca ngợi, chỉ chê mỗi điều sau đó giả cách mời hoàng thân nhà Lý đến dự yến tiệc rồi đánh sập hầm làm không biết bao nhiêu người chết oan. Đến lượt triều Trần suy tàn, Hồ Quý Ly thay thế cũng làm nhiều điều đáng khen, nhưng cũng bị chê trách là gian giảo và tàn sát quá nhiều tôn thất nhà Trần liên tục trong nhiều năm, có ngày giết một lúc 370 người đến nỗi đi đường gặp nhau những người quen biết chỉ dám nhìn nhau bằng mắt không dám nói chuyện bằng lời vì sợ bị nghi kỵ, đến như mồ mả còn bị quật lên. Tài đức đến như Lê Thái Tổ khởi nghĩa thành công rồi cũng không còn nghĩ đến công thần nữa, bốn công thần hàng đầu là Lê Vấn, Lê Sát, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo đều bị giết sạch! Trần Nguyên Hãn về hưu rồi vẫn còn bị giết chỉ vì là dòng dõi họ Trần! Bệ hạ lại khác hẳn, không những ban sắc phong cho những người quyết chết vì vua cũ mà còn nghĩ đến tông miếu nhà Lê ở Lam Kinh. Chí tình chí nghĩa như thế thật xưa nay hiếm, đã tròn đạo lý lại thuận lòng dân.
Nhà vua nói:
– Trẫm không trách các vị tiết liệt của triều cũ nhưng chê họ cố chấp. Cái câu của đạo Nho “Trung thần bất sự nhị quân. Liệt nữ bất cánh nhị phu” quá nặng trong đầu họ, làm cho họ u mê, khiến lúc nào cũng canh cánh nỗi sợ người đời chê cười là bất trung. Suy cho cùng lòng trung ấy cũng chỉ là yêu chính mình mà thôi, còn như đất nước này thịnh hay suy, yên ổn hay loạn lạc, dân chúng no hay đói họ đâu cần quan tâm. Trung cũng có minh trung và ngu trung. Kiệt là vua nhà Hạ, say mê Muội Hỷ, bỏ bê việc nước, cai trị tàn ác nên bị Thành Thang là bày tôi của Kiệt trừ bỏ mà lập nên nhà Thương; 280 năm sau đến lượt Trụ là vua nhà Thương, say mê Đát Kỷ, cai trị tàn bạo, bị dân ghét bỏ, nên Vũ Vương vốn là bày tôi của Trụ diệt mà lập nên nhà Chu. Đời sau ai cũng khen hai vị Thành Thang và Vũ Vương. Lại 350 năm sau, đến U Vương nhà Chu, say mê Bao Tự, lừa dối chư hầu, cai trị ngu tối nhưng đất nước không có ai như Thành Thang, Vũ Vương, ai cũng lo lấy thân mình, cá lớn nuốt cá bé, gây ra cục diện Xuân thu – Chiến quốc thảm khốc đến 500 năm khiến muôn dân điêu đứng. Vừa rồi Uy Mục, Tương Dực hoang dâm tàn bạo, so sánh với Kiệt, Trụ có khi còn hơn. Chiêu Tông bỏ việc nước rời khỏi kinh đô, so sánh với Lệ Vương nhà Chu trốn đến đất Trệ hỏi có khác gì. Cung Hoàng mê mẩn Quý phi rượu chè say khướt so sánh với U Vương cũng chẳng khác mấy. Vậy mà trẫm muốn làm cái việc vua Thành Thang và Vũ Vương đã làm, không muốn đất nước lâm vào cảnh Xuân thu – Chiến quốc, các vị như Đàm Thận Huy, Vũ Duệ lại bỏ trẫm, không muốn cộng tác, trẫm thật lấy làm giận và tiếc lắm! Chẳng đâu xa, ngay giờ đây bên trẫm không có Đô ngự sử Nguyễn Thái Bạt, vậy lấy ai bàn chính sự, can gián trẫm những khi thiếu sáng suốt? Không có Hộ bộ Thượng thư Nguyễn Thiệu Tri, vậy lấy ai đủ tài coi việc ruộng đất, thuế khoá, lương tiền cho quan quân? Không có Lễ bộ Thượng thư Đàm Thận Huy, vậy lấy ai coi việc lễ nghi, học hành, thi cử?
Các quan cùng tâu: “ Chúng thần xin hết sức để thay những vị ấy”.
Nhà vua nói tiếp:
– Tình hình chưa thể gọi là yên được. Hoàng thân quốc thích nhà Lê vẫn còn, họ sẽ không chịu ngồi yên vì ngay khi các vua Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông, Cung Hoàng còn trị vì họ cũng đã làm những chuyện phế lập. Rồi thể nào họ cũng tìm cách sang Bắc quốc, lấy cớ có chuyện thay đổi triều đại mà cầu quân Minh trở lại nước ta. Theo các khanh thì thế nào?
Vũ Hộ tâu:
– Việc hoàng thân quốc thích và đám trung thần của triều vua cũ chống đối nên coi là điều dễ hiểu vì từ cổ chí kim đều vậy. Ngay như Thái hậu nhà Đinh là Dương Vân Nga tình nguyện đem long bào khoác cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, nhường ngôi cho nhà Tiền Lê, vua Đinh thì xuống làm Vệ vương, sau này còn giúp Đại Hành hoàng đế những 20 năm, thế nhưng lúc đầu Đại Hành hoàng đế cũng bị nhiều kẻ chống đối. Con sông cái đêm Thái hậu Dương Vân Nga và Đại Hành hoàng đế gặp nhau trên thuyền rồng về sau còn bị đặt tên là sông Dâm Thủy! Lý Công Uẩn tuy được chính các quan trong triều đưa lên ngôi song cũng gặp phải điều tương tự. Đành rằng việc dời đô tới Đại La là đúng, khiến tiền đồ nước nhà mở mang nhưng phải thấy rằng vua Lý Thái Tổ không muốn ngày ngày cứ phải đụng chạm với những con mắt nghi kỵ của người Hoa Lư. Thế nên xin bệ hạ hãy nguôi đi những phiền muộn mà nghĩ cách phòng ngừa. Việc đối xử với các hoàng thân quốc thích cũng như các đại thần của triều vua cũ đến bây giờ như vậy là đã tận tình, chu đáo nên từ đây những kẻ nào còn một mực chống đối thì chỉ còn cách trừ diệt mà thôi. Với triều Minh tất nhiên phải mềm mỏng, cốt sao đất nước được bình yên, dân chúng khỏi lầm than, giang sơn thoát cảnh chìm đắm, tránh dẵm phải vết xe cũ của nhà Hồ. Nhưng đến bước đường cùng thì cũng phải kháng cự. Nhà Ngô, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê đã từng oanh liệt, nhà Mạc ta chả nhẽ lại không làm được điều như họ sao? Hơn nữa, như thần được biết thì nhà Minh cũng có điều e sợ nước Nam ta. Vào thời vua Lê Thánh Tông nước ta, do quân đội nhà Lê mấy phen dám phạm cả biên cảnh mấy tỉnh Bắc quốc nên Thái giám Uông Trực bên nhà Minh có dâng với vua Tuyên Đức bản văn kế hoạch đánh nước Nam ta. Lưu Đại Hạ bấy giờ đang trông coi miền Lưỡng Quảng nghe tin vội nói với Thượng thư Bộ Hình là Du Tử Tuấn: “Nếu dấy binh đánh An Nam thì mấy tỉnh miền Tây Nam Trung Quốc không khỏi tơi bời trong khói lửa!” đê Tử Tuấn tâu với vua Minh. Vậy là vua Minh không nghe theo Uông Trực, thậm chí Vương Miễn sau khi công cán biên cảnh về tiếp tục xin đánh, còn bị vua Minh bắt giam vào ngục Cẩm Y vệ! Đại học sĩ nước họ là Từ Phổ còn có bài biểu phân tích lý do không nên đánh nước Nam ta.
Vua Mạc khen:
– Khanh nói rất phải. Đến con giun xéo lắm cũng quằn nữa là đường đường một triều đại như ta. Những kẻ còn chống đối thì ta phải diệt, kẻ ngoại xâm thì ta mềm dẻo nhưng đến nước cùng thì cũng phải đánh. Trẫm sẽ cho sứ thần sang Bắc quốc nói rằng con cháu nhà Lê không còn ai thừa tự cho nên di chúc cho đại thần họ Mạc tạm cai quản việc nước để yên nhân dân. Trẫm vừa mới đọc lại bài văn thi Đình của Trạng nguyên khoa Bính Tuất là Trần Tất Văn, thấy lời lẽ văn chương vừa thống thiết vừa hào sảng nên trẫm quyết định giao trông coi việc từ hàn, soạn các văn thư trao đổi với nhà Minh, khi cần đến thì đi sứ sang nước họ.
Trần Tất Văn cúi đầu lậy tạ. Nhà vua nói tiếp:
– Trẫm nghe tin mật báo nói Lê Công Uyên đang cùng Nguyễn Ngã, Nguyễn Thọ Tường âm mưu tập hợp những kẻ chống đối. Ngã và Thọ Tường không nói làm gì, chứ Công Uyên thì đáng kể tuy rằng Uyên cũng nhờ uy tín cha ông mà quy tụ được vây cánh. Uyên là cháu Lê Văn Linh khai quốc công thần triều Lê. Năm Thuận Thiên thứ hai, khi Lê Thái Tổ sắp xếp ngôi thứ các công thần và phong tước cho 221 tướng sĩ trong quân Thiết Đột vất vả theo đòi từ lúc mới khởi nghĩa ở Lũng Nhai thì Lê Văn Linh đứng ở hàng thứ 6, trên Trịnh Khả là ông nội đám Duy Đại, Duy Sản rất nhiều. Vậy nên các khanh cần lưu ý mà đề phòng. Một việc nữa là trẫm có ý định xây dựng Nghi Dương thành kinh đô thứ hai, gọi là Dương Kinh, lấy Cổ Trai làm trung tâm. Đây là việc không có gì mới, nhà Lý từng có Kinh Bắc, nhà Trần có Thiên Trường, nhà Lê có Tây Kinh. Nhà Lê còn lấy người ba phủ ở Thanh Hoa là Thiệu Thiên, Hà Trung, Tĩnh Gia để làm phụ tử chi binh.
Các quan đại thần đều nói việc ấy rất nên.
*
ở Cổ Trai ngày trước đã phủ Hưng Quốc dành cho Mạc Đăng Dung, phủ Từ cho Mạc Đốc, phủ Tín cho Mạc Quyết. Nay vua Mạc chọn Nghi Dương làm Dương Kinh, coi là kinh đô thứ hai của quốc gia nên sai lập thêm một số cung điện nữa ở Cổ Trai như điện Phúc Hưng, điện Tường Quang, đồng thời sửa sang đường sá, mở mang chợ búa.
Nhà vua cũng không quên tìm về xã Lũng Động, huyện Chí Linh, cho dựng điện Sùng Đức ở nền nhà của của ông tổ bảy đời là Kiến thủy Khâm minh Văn hoàng đế Mạc Đĩnh Chi. Họ Mạc ở Cổ Trai vốn gốc tích tại đấy, bắt đầu hiển đạt từ Mạc Hiển Tích, đỗ Văn học thủ tuyển năm Bính Dần, niên hiệu Quang Hựu triều vua Lý Nhân Tông, làm quan đến chức Thượng thư. Ba năm sau đến lượt em của ông là Mạc Hiển Quan cũng đỗ Văn học thủ tuyển (*). Cả nước lúc bấy giờ đều lấy anh em họ làm tấm gương cho việc học hành và đem tài trị nước. Năm đời sau, họ Mạc ở Lũng Động lại có Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long triều vua Trần Anh Tông. Ông người bé nhỏ, tướng mạo cực xấu nhưng rất thông minh nên người ta cho là Hầu tinh (**) giáng thế. Ông đi sứ Bắc quốc, ứng đối giỏi nên được vua Nguyên phong cho làm Trạng nguyên nước họ, từ đó thành “lưỡng quốc Trạng nguyên”. Nhưng hai con Mạc Đĩnh Chi là Mạc Khán, Mạc Trực đều chỉ đỗ Hương cống, từ đó họ Mạc sa sút dần. Đến đời nhà Hồ trong họ có người theo người Minh nên khi Lê Thái Tổ lên ngôi do sợ hãi mà một chi họ Mạc đã dời khỏi Chí Linh đến làng Lan Khê, huyện Thanh Hà, rồi lại từ đấy di cư về Cổ Trai; đến đời Mạc Đăng Dung, họ Mạc ở Cổ Trai đã trải qua bốn đời, trong đó ba đời chỉ sống bằng nghề đi biển đánh cá…
Một hôm có người từ Cổ Trai ra Đông Kinh tâu với vua việc xây dựng ở Cổ Trai và chở giấy bản về để trộn với mật mía xây tường gạch, nhân đó cho biết gần đây nhiều thuyền buôn nước ngoài vào sông Văn úc, vậy có nên cho họ vào nữa không. Trong một buổi thiết triều, nhà vua mang việc này ra bàn với các đại thần:
– Trẫm đã sai Lâm Quốc công Nguyễn Quốc Hiến cùng mấy vị đại thần căn cứ vào tân chính sách mà chăm lo cải cách chính sự, sửa đổi lại Binh chế, Điền chế, Lộc chế. Các việc đều trôi chảy. Nhưng còn nhiều điều khiến trẫm băn khoăn. Hôm nọ người ở Dương Kinh ra kể, dạo này thuyền buôn nước ngoài hay vào sông Văn úc, ngược sông lên tận Đông Minh và lên bờ để tới chợ. Họ nói những gì không ai hiểu nhưng cứ như điệu bộ thì đoán ra họ từ phía Nam tới. Trẫm biết ở phương Nam nước ta ngoài Chiêm Thành còn có các nước Chân Lạp, Chà Và, Mã Tà, Ma Ní, Xiêm La và mấy nước nữa. Da họ đen, người họ xấu chứ không được như ta nhưng do đi khơi đi lộng quen nên ai trông cũng rắn rỏi khoẻ mạnh. Họ lại là thương nhân vì vậy sành sỏi, giảo hoạt, chứ không như dân ta chân chỉ, thật thà vì chỉ quanh quẩn với công việc đồng áng và ít đi đây đi đó. Họ có vẻ thích bát đĩa và một số sản vật nước ta và hỏi mua. Dân ta thì thích vải vóc, hoa quả của họ, họ có những thứ quả trông rất lạ, có quả bổ ra bên trong toàn nước uống rất ngọt. Thế là hai bên đổi cho nhau. Từ đó thỉnh thoảng họ lại tới, mang theo nhiều hàng hoá rất lạ. Sở dĩ họ tới luôn là vì thấy nước ta sản vật phong phú, dân ta mấy năm nay an cư lạc nghiệp, Dương Kinh dạo này mở mang mà lái buôn thì hay đi tìm những nơi giao thương mới. Nhưng quan quân ở đấy lại lấy làm lo lắng, sợ họ có ý gì chăng nên cho người lên tâu với triều đình. Trẫm đem chuyện nói với Hoàng hậu, Hoàng hậu bảo hay là mở cái chợ thật lớn ở Đông Minh, trên bến dưới thuyền, gọi là Minh Thị, chở các đồ bát đĩa và các hàng nông sản từ các nơi tới vừa bán cho người mình vừa giao thương với nước ngoài. Trẫm muốn bàn với các khanh xem nên thế nào? Các khanh cứ nghĩ sao nói vậy, chớ ngại.
Nguyễn Văn Thái tâu:
– Ngoại quốc bụng dạ chẳng biết thế nào nên thần thiển nghĩ không nên mở thêm chợ ở đâu nữa, chỉ cần Kinh Kỳ, Phố Hiến như trước là đủ. Vả lại, chợ búa làm con người ta mất cái thuần phác đi mà sinh ra thói gian giảo để được giàu có, thêm nữa có khi dân chúng vì mê mẩn chợ búa mà bỏ hết công việc đồng áng rồi đua nhau mở lò bát đĩa để bán cho người nước ngoài khiến nghề canh cửi sẽ dần mai một.
Nguyễn Thì Ung nói:
– Sĩ, nông, công, thương, trong tứ dân thì kẻ sĩ và nhà nông đứng đầu. Nay mở mang chợ búa, xây lò làm sành sứ, cho giao thương các nơi, thì chẳng những nghề nông và nghề canh cửi mai một mà việc học hành cũng vì thế bị sao nhãng. Đó là chưa kể đồng tiền có thể khiến người ta mờ mắt, kẻ sĩ do vậy dễ bị lung lạc, đất nước mất đi nền nếp. Vậy mong bệ hạ xét kỹ.
Phạm Gia Mô nói:
– Các ông nói vậy là đúng nhưng chưa đúng hoàn toàn. Sĩ, nông, công, thương trong một nước phải đủ cả. Đành rằng nông vi bản nên sau kẻ sĩ là đến nhà nông nhưng tứ dân với bốn nghề như bốn cái chân của chiếc bàn, thiếu đi một chân phỏng có được không? Kẻ sĩ là cao quý nhưng cũng không ít hạng dài lưng tốn vải, lái thương là hèn hạ nhưng không ít người giỏi giang, có khi còn có tài lương đống. Mọi việc cũng thế, đều có cái hay cái dở, mặt phải mặt trái, mặt trái. Nay mở chợ, giao thương với các nơi cũng như với nước ngoài, tất nhiên hay có mà dở cũng có, phải có mà trái ắt cũng sẽ sinh ra, cái chính là phải làm sao để cái hay át cái dở, mặt phải lấn mặt trái. Tâu bệ hạ, tân chính sách triều đình chẳng bao lâu nữa sẽ ban bố thật đã thể hiện tinh thần pháp trị mà bệ hạ từng tâm huyết từ lâu. Vậy thì việc buôn bán cũng cứ từ đấy mà hành xử, đúng thì cho, không đúng thì ngăn cấm. Việc chợ búa cứ cho mở, kẻ buôn bán thì phải nộp thuế bằng tiền bạc, tuỳ theo mức độ. Có thuế má, kho tàng của triều đình lại càng nhiều thêm thì càng tốt chứ sao.
Nhà vua khen:
– Khanh nói hợp với ý trẫm. Khanh lại là người vùng ấy nên thông thạo địa dư, phong tục, nay trẫm giao cho khanh và Lê Thời Bật cũng người trong vùng xem xét kỹ việc mở chợ Minh Thị rồi trình bày cho triều đình. Khanh cũng không được bỏ qua những điều xuôi ngược các đại thần khác vừa bàn. Nhân nói đến kẻ sĩ, ta định sang năm mở kỳ thi Hương để kịp năm sau thi Hội và thi Đình, các khanh thấy thế nào?
Trạng nguyên khoa Bính Tuất (1526) Trần Tất Văn tâu:
– Hạ thần và 19 tiến sĩ nữa là những người cuối cùng đỗ đạt ở triều đại trước nên rất hiểu tâm trạng của các sĩ tử. Mười người thì đến chín người mừng cho chúng thần, đồng thời than thở rằng họ không may sinh sau đẻ muộn hoặc học hành chưa đến nơi đến chốn nên chậm bước, chỉ lo vua Minh Đức do bận nhiều việc quan trọng hơn, chưa chắc năm Kỷ Sửu này đã mở khoa thi tiến sĩ. Vậy nên nếu bệ hạ vẫn cho thi đúng kỳ thì thật phúc lớn cho thiên hạ.
Trạng nguyên khoa Quý Mùi (1523) Hoàng Văn Tán tâu:
– Nếu được vậy thì sĩ tử thật náo nức! Nhân đây thần muốn bàn về việc thi cử: Nhiều năm nay sự học được khuyến khích nên kẻ sĩ trong nước đông đảo, mỗi khoa tới năm, sáu nghìn sĩ tử là chuyện thường. Thời vua Thánh Tông quy định số người đi thi xã lớn 20 người, xã trung 15 người, xã nhỏ 10 người. Đông thế nhưng rút cuộc mỗi khoa chỉ chọn được bốn, năm chục tiến sĩ chứ không nhiều, có năm chỉ mươi, mười lăm người. Qua đó đủ thấy nhiều kẻ học như chỉ cốt được làm quan, đỡ phải việc đồng áng vất vả. Cùng từ đấy sinh ra nhiều thói gian trá, như khoa Canh Thìn năm Quang Thiệu, có hai người đang trọng tang nhưng cố giấu để đi thi nên sau khi bị phát giác dù đã đỗ vẫn bị loại. Lại nghe nói ở vùng Hải Đông có người đã đỗ nhưng phải ở nhà một năm, năm sau mới được bổ dụng bởi hôm vinh quy, vợ cả vợ lẽ tranh nhau đi trước không ai chịu nhường ai. Vợ còn không dạy nổi thì sao dạy nổi dân! Chưa kể lắm kẻ sĩ học mà không thông đòi nghĩa sách, hiểu chữ thánh hiền sai lạc đi khiến đạo Nho ngày càng không được xem trọng. Kẻ sĩ đúng là nhân tài của đất nước nhưng cần phải thực chất. Vậy nên bên cạnh việc thi cử nghiêm túc, khoa tới các sĩ tử đi thi cũng không nên nhiều.
Lê Bá Ly nói:
– Bao nhiêu năm nay thiên hạ mỏi mắt mong thay đổi triều đại, nay triều đại đã được thay đổi nhưng ngay từ đầu đã hạn chế sĩ tử, như thế không khỏi làm kẻ sĩ thất vọng, sinh ra bất mãn nên thần thiết nghĩ không nên. Đâu xa, ở ngay chính huyện Vĩnh Lại của Hoàng trạng nguyên, có một danh sĩ tên là Nguyễn Văn Đạt (***), về tuổi đã có thể ứng thí ngay từ thời Tương Dực nhưng vì thấy thời thế điên đảo nên mãi không chịu đi thi. Khoa này Văn Đạt mà đi thi thì thật may cho xã tắc lắm.
Nhà vua gật đầu:
– Cả hai khanh nói đều có ý đúng. Kẻ sĩ cốt thực chất chứ không cốt nhiều. Nhưng vừa nhiều lại vừa thực chất thì càng tốt chứ sao. Việc này Bộ Lễ, Bộ Lại cùng nghĩ và chuẩn bị rồi trình trẫm.
Lễ Bộ Thượng thư Nguyễn Giản Thanh, Lại Bộ Thượng thư Đinh Trinh cùng lạy tạ nhận lệnh.
Nhà vua nói tiếp:
– Trẫm cũng có nghe thiên hạ nói đến Nguyễn Văn Đạt. Người này là con bà Nhữ Thị Thục, cháu ngoại Thượng thư Nhữ Văn Lan của triều trước. Trẫm nghĩ Văn Đạt sẽ còn cân nhắc nữa chứ chưa chịu ứng thí kỳ này đâu.
Công Bộ Thượng thư là Nguyễn Đốc Tín tâu:
– Trở lại chuyện mở chợ Minh Thị, theo thần nên mở rộng chợ thành thương cảng. Nhưng dựng lò gốm ở đấy thì lại không được vì thổ nhưỡng không hợp mặc dù mở lò ở đó thì tiện cho việc chuyên chở. Hiện nước ta đã có những lò gốm nổi tiếng với nhiều thợ khéo như ở Phù Lãng, Bát Tràng, Chu Đậu thì hãy cho những nơi ấy phát triển thêm lên. Thần lại nghĩ bao nhiêu đồ sành sứ lâu nay ta vẫn dùng, cái của người Ngô thì đã rõ vì có chữ ở trôn nhưng của ta thì không biết đâu là đồ Phù Lãng, Bát Tràng, đâu là đồ Chu Đậu và các nơi khác. Chẳng qua vì không có chữ ở trôn nên hạ thần thiết nghĩ cho phép thợ các nơi ai muốn đóng dấu tên mình ở các đồ mình làm ra đều được.
Nguyễn Bỉnh Đức nói:
– Cái đó nhà nước xưa nay không cấm mà cũng chẳng bảo là cho phép, chẳng qua thợ không muốn hoặc không nghĩ ra mà thôi. Lò gốm Chu Đậu chính là ở trấn Hải Dương, hạ thần nhiều lần đến đấy nên biết rõ như vậy. Nay nên bảo cho lò gốm ấy làm trước, các nơi khác thấy hay ắt sẽ làm theo. Cái chính là họ thấy bát đĩa của mình đẹp thì mới dám đóng dấu tên của mình vào. Việc đóng dấu là điều hay vì từ đó khiến người ta đua nhau làm cho đồ của mình làm ra tốt đẹp hơn lên.
Vua Mạc bảo:
– Nhân nói về sành sứ, hôm nay trẫm sẽ cho các khanh xem các thứ ấy do các triều vua trước để lại, hiện bày trong cung. Dân ta cũng tài giỏi lắm. Nhiều thứ rất đẹp và lạ, từ hình thù đến nước men đều không kém gì của người Ngô.
Nhà vua đi trước, dẫn các quan theo sau vào thâm cung, nơi ngay các quan tam thái hàm nhất phẩm cũng chưa từng biết đến. Từ các đồ gỗ, kim khí, vải vóc cho đến đồ gốm sứ đều tuyệt mỹ. Buổi thiết triều hôm ấy do vậy lâu hơn thường lệ.
————————————————
(*) Đỗ đầu về văn học. Nhà Trần chưa đặt ra tam khôi nên Văn học thủ tuyển tương tự như Trạng nguyên sau này.
(**) Hầu: Khỉ.
(***) Tên của Nguyễn Bỉnh Khiêm hồi trẻ.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.