- Đang online: 4
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 20934
- Tổng truy cập: 3,371,235
Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung
- 291 lượt xem
Phần 10
Hai anh em Duy Đại, Duy Sản bàn nhau dù có thế nào cũng phải chặn giặc Cảo không cho chúng tiến sâu xuống mạn Nam, do vậy Duy Đại mang quân lên Kinh Bắc. Duy Sản lo việc ở kinh đô.
Trịnh Duy Sản lấy cớ Trần Cảo nổi loạn, triều đình cử hết người này đi đánh đều không nổi, bèn đem binh thuyền, khí giới tới bến Thái Cực sông Hồng, nói là để đưa thuyền vào sông Đuống chuẩn bị tiến lên mạn Bắc đánh giặc Cảo. Lúc ấy đang đầu tháng Tư, sông cạn, bãi Phúc Xá trơ đất nên quân lính vệ Kim Ngô của Duy Sản ban ngày đổ lên bãi, chia thành từng đám tập trận. Người các phường gần đấy rủ nhau lên đê xem rất đông, không khí thật khác thường. Chiều tối quân lính thổi nấu, khói bếp bay từng đám trên bãi, cứ như cảnh đốt rơm đốt rạ trên những cánh đồng, chuẩn bị cho vụ mới, không khí đầy vẻ yên bình. Nhưng về đêm, khoảng canh hai, khi phố phường các nhà đã cửa đóng then cài đi ngủ từ lâu thì từ các thuyền 3000 quân của Duy Sản miệng ngậm tăm, ngựa tháo nhạc lặng lẽ lên bờ, tới cửa Bắc, đàng hoàng gọi mở cổng thành. Cổng thành mở rồi chúng mới hò reo kéo tới Hoàng thành.
Lúc đó Tương Dực đang nằm cùng Phi Yến. Phi Yến sinh hoàng tử nên được Tương Dực hết sức chiều chuộng, nàng cậy thế, không chịu nhường nhà vua cho hoàng phi, cung tần nào. Hoạn quan vào báo có giặc, Tương Dực cuống cuồng trở dậy, hốt hoảng hỏi:
– Giặc nào? Trần Cảo à? Hắn đã đến kinh thành nhanh vậy sao? Quân Kim Ngô của Duy Sản đóng ở bến Thái Cực không ngăn được chúng ư? Vậy Hữu Vĩnh đâu? Quân Cẩm Y hay Vũ Lâm đâu?
Đám hoạn quan nói đang đêm tối quá nên không biết ai với ai. Khâm Đức Hoàng hậu dẫn ba công chúa con mình tất tả chạy đến, Quý tần Phi Yến cũng bế hoàng tử sẵn sàng cùng nhà vua chạy khỏi kinh đô. Chỉ có Lê Quý phi ở xa không tới được. Hoạn quan kiếm được một chiếc xe. Quan Thừa chỉ Nguyễn Vũ mang được ấn tín đến, lại dẫn được tới ba con ngựa, một con cho nhà vua, một con để kéo xe còn một con cho mình. Chiếc xe phải chở những năm người. Tất cả theo lối cửa Bảo Khánh, chạy đến Da Kiều, tên Nôm là cầu Dừa, định sang với vệ Thiên Vũ của Mạc Đăng Dung bên kia sông thì thấy cầu bị phá và trên bờ lố nhố bóng người mang vũ khí, sợ là quân giặc nên lại phải tìm đường quay lại cửa Nam thành. Trời tối, không dám thắp đuốc vì sợ giặc biết nên lọ mọ rất khổ.
Mạc Đăng Dung và vệ Thiên Vũ đóng bản doanh bên kia Da Kiều, đây là của ngõ phía Nam kinh thành đồng thời cũng là lối đi Sơn Nam, từ đó vào Tây Đô, Thanh Hoa, vì thế vị trí rất trọng yếu. Khoảng nửa đêm thấy bên kia sông có ánh đuốc, Mạc Đăng Dung liền sai Mạc Đốc tới xem. Mạc Đốc đi rồi về báo đó là Trịnh Tuy đem quân vệ Kim Ngô tới phá cầu Dừa, nói là giặc Cảo đã đánh tới kinh thành, nay phải phá cầu không cho chúng tiến xuống phía Nam. Mạc Đăng Dung ngẫm nghĩ rồi bảo:
– Chưa chắc đã phải vậy. Ta đồ rằng triều đình lại có chuyện gì đây.
Mạc Đăng Dung liền báo động toàn vệ quân, tất cả sẵn sàng chờ lệnh.
Vua Tương Dực và đám thị vệ chạy giữa chừng thì lạc mất xe Hoàng hậu và Phi Yến. Tới gần hồ Chu Tước phường Bích Câu nhà vua định lánh vào đền An Quốc chờ đến sáng thì một toán quân kéo đến, trong ánh đuốc chập chờn của toàn quân ấy, Tương Dực thấy có Trịnh Duy Sản, Lê Nghĩa Chiêu nên mừng quá, hỏi:
– May quá, được gặp các khanh ở đây! Giặc ở phía nào?
Duy Sản không trả lời, quay mặt đi cười ầm lên, vẫy gươm cho đám lính. Tương Dực biết là nguy liền quay ngựa chạy, bị quân của Duy Sản giơ giáo chặn lại. Duy Sản sai tì tướng Vũ Hạnh đâm cho vua ngã ngựa rồi bắt lấy. Duy Sản trỏ gươm về phía Thừa chỉ Nguyễn Vũ:
– Thằng này họ hàng với Nguyễn Văn Lang, cho nó đi theo hầu lão ta!
Nguyễn Vũ bị đâm chết ngay tức khắc. Duy Sản thu ấn tín và chĩa gươm vào Tương Dực:
– Trước kia tên bạo chúa này rất thích hình phạt lăng trì, nay hãy cho hắn biết tùng xẻo thì người ta đau đớn thế nào!
Tương Dực bị xẻo một miếng to bằng ngón tay ở tay, y cắn răng chịu đau không kêu một tiếng, chỉ trừng mắt nhìn Duy Sản. Ai đó nói:
– Hắn loạn luân với cả vợ của anh, vợ của cha, để lại cái của nợ cho hắn làm gì!
Tất cả cùng cười ầm lên coi là câu nói đùa nhưng nhiều tiếng đồng thanh: “Đúng rồi, xẻo cái của khỉ ấy đi, để làm gì!”. Tương Dực bị đè nghiến xuống, lột quần, trong nháy mắt hạ bộ đã không còn, đến lúc này Tương Dực mới kêu thét lên và ngất đi, chỗ hạ bộ bằng tịt, máu mê nhoe nhoét. Duy Sản sai đâm cho Tương Dực chết hẳn rồi đem thi hài về quán Bắc Sứ, chất củi đốt một đống lửa lớn quăng xác vào. Không khí thoáng chốc khét lẹt mùi da thịt cháy.
Xe Hoàng hậu Khâm Đức và Quý tần Phi Yến bị lạc một lúc thì người đánh xe nói là đi xem đường đất thế nào rồi trốn biệt. Hai bà hoàng và đám hoàng tử, công chúa không biết đánh xe ra sao nên bảo nhau xuống xe. Họ dẫn nhau vào quán nước bỏ không bên đường. Các công chúa con Hoàng hậu bảo đã biết nghe lời nên không dám khóc, con của Phi Yến còn bé nên khóc như xé vải. Hoàng hậu bực quá, bảo:
– Bạch Yến! Ngươi có bịt mồm nó lại được không thì bảo? Nói cho ngươi biết, quỷ kế của ngươi sao che mắt được ta? Thằng bé này đâu phải là máu mủ của Hoàng thượng! Ngươi có mang với chồng cũ rồi đánh lừa Hoàng thượng. Đã bao nhiêu lần ta định nói cho Hoàng thượng biết nhưng lại thương Hoàng thượng nên thôi, định bao giờ Hoàng thượng thật có hoàng nam ta mới lột trần quỷ kế của ngươi. Nhưng giời thật có mắt, ngươi khôn ngoan đáo để nay lại hoá dại. Giặc mà bắt được ngươi, liệu có tha cho ngươi không, có tha cho con của ngươi không?
Bạch Yến sợ quá sụp lậy Hoàng hậu, bảo mình không muốn trở lại cung như Lê Quý phi nhưng thấy nhà vua quá mong hoàng tử nên đâm liều, biết đâu lại sinh được con trai, chứ lúc đầu cũng chỉ mong được sống chứ không dám ham địa vị. Hoàng hậu nghe xong bỗng thở dài:
– Thật không ai như Hoàng thượng, nghe kẻ xấu bói toán bảo phải ăn nằm với ai đã từng sinh con trai thì mới có thể sinh hoàng tử, Hoàng thượng đã ăn nằm với… với ai ngươi có biết không? Với cả vợ lẽ của Kiến vương là cha mình! Bà này hơn Hoàng thượng 10 tuổi. Thực ra thì sau khi Kiến vương mất bà ấy đã đi lấy chồng khác. ở với người chồng mới bà này sinh hai năm đôi mà cả hai lần đều đẻ sinh đôi và đều con trai, vậy nên Hoàng thượng mới hám. Nhưng về với Hoàng thượng chẳng bao lâu thì bà này mất. Ai cũng bảo đó là tại Kiến vương quá giận nên bắt bà ấy đi.
Bạch Yến đỏ mặt xong rồi lại tái mặt đi khi nghĩ đến mình. Hoàng hậu nói tiếp:
– Nên ta giận ngươi dám lừa Hoàng thượng nhưng nghĩ cho cùng, tại Hoàng thượng là chính. Nhưng bây giờ, nói dại khuất mặt Hoàng thượng, nếu Hoàng thượng bị giặc làm hại thì chẳng những ta mà cả ngươi cũng không còn bấu víu vào đâu. Ta giặc còn có thể để sống chứ ngươi thì giặc chẳng thể tha vì giặc nghĩ con trai ngươi là con Hoàng thượng! Còn nếu giặc tan, Hoàng thượng quay về thì tội của ngươi chẳng những ta mà ba con của ta kia, chúng nghe thấy hết, lúc đó tội ngươi đáng bị lăng trì! Vậy nên ta bảo thật ngươi hãy trốn đi đâu thật xa, thay tên đổi họ và về với ruộng vườn, cá mú của ngươi, chăm lo mà nuôi con khôn lớn, đừng bao giờ nghĩ đến nơi lầu son gác tía nữa!
Bạch Yến vâng dạ khóc lóc, lạy Hoàng hậu rồi bế con đi.
Lúc đó trời đã sáng. Nghe người hàng phố nói với nhau và kéo đến quán Bắc Sứ xem thiêu xác vua Hồng Thuận, Hoàng hậu vội dắt con tới đấy. Lúc đó đống lửa thiêu vẫn chưa tàn, vì xác Tương Dực vẫn chưa cháy hết nên người ta vẫn tiếp tục kiếm thêm củi vứt vào. Thấy xác nhà vua đen như than, không còn ra hình hài, cả Hoàng hậu và ba công chúa cùng khóc ầm lên. Hoàng hậu vật vã:
– Hoàng thượng ơi, thần thiếp thực có tội, thần thiếp không kịp nói cho Hoàng thượng biết con của cung nữ Bạch Yến không phải là cốt nhục của Hoàng thượng! Nó là con của gã nông phu, anh tên quan hoạn Khắc Hài! Tội này của thiếp không thể dung tha nên trời bắt thiếp phải đi theo Hoàng thượng đây! – Khâm Đức Hoàng hậu quay về phía bọn Duy Sản – Ta thất đức nên sinh được ba mụn con gái. Khốn khổ cho chúng, sau khi ta đi rồi mong các ngươi tha cho chúng, chúng không có tội, lại là con gái! Còn con của Bạch Yến, ta nói rồi đấy, nó không phải là con của nhà vua, cũng mong các ngươi đừng cố truy tìm nó làm gì! Thôi ta đi đây.
Nói xong Hoàng hậu nhảy vào đống lửa rừng rực, ôm choàng lấy xác Tương Dực, cái xác lập tức tan thành tro. Ai đó nói:
– Bà ta nói con của Phi Yến không phải cốt nhục của Hồng Thuận, có nên tin không nhỉ?
Không ai trả lời.
Dân chúng chỉ thương mỗi Hoàng hậu, nhiều người đã không cầm nổi nước mắt.
*
Hành động của đám họ Trịnh ở kinh đô dù bí mật đến mấy vẫn đến tai họ Nguyễn ở Thanh Hoa. Dù đang còn để tang cha, Nguyễn Văn Lự thấy không thể không tiến quân ra Bắc, liền sai cha con Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn Kim đi đường biển còn mình tự dẫn quân đi đường bộ. Nguyễn Hoằng Dụ hỏi:
– Ta ra Bắc lần này để cứu giá hay lập vua mới?
– Hồng Thuận còn thì cứu giá, Hồng Thuận không còn thì lập vua mới.
– Có phải đánh nhau với đám họ Trịnh không?
– Thấy đánh được thì đánh, thấy không đánh được thì liên kết, quyết không được để cho chúng muốn làm gì thì làm. Nhưng ban đầu phải nói với thiên hạ rằng đem quân đi đánh giặc Cảo.
– Nếu phải lập vua mới thì lập ai?
– Vừa rồi Hồng Thuận giết một lúc 15 người trong hoàng gia khiến ta chưa nghĩ ra ai xứng đáng để lập vua mới. Nếu họ Trịnh giết mất Hồng Thuận mà ta chưa ra tới kinh đô thì tìm cách cản trở chúng, bảo chờ ta ra để bàn bạc.
– Nhỡ khi chúng ta ra đến nơi, mọi việc đã xong thì sao?
Nguyễn Văn Lự nín lặng một lúc rồi bảo:
– Thế nào thì cũng phải làm cho họ Trịnh không dám coi thường chúng ta.
Họ Nguyễn Tống Sơn chia làm hai đường thuỷ bộ cùng tiến quân ra Bắc. Quân họ Trịnh Thuỷ Chú chặn các ngả nhưng cũng chỉ dám gây cản trở ít nhiều rồi cũng phải cho quân Tống Sơn qua vì họ nói có lệnh vua đem quân Tam phủ ra đánh giặc Cảo.
Binh thuyền cha con Hoằng Dụ vào cửa sông Hồng, trương hết buồm đón gió Đông tiến sâu vào đất liền. Vì bến Thái Cực đã bị Trịnh Duy Sản chiếm giữ nên binh thuyền của Hoằng Dụ phải đổ quân ở dưới hạ lưu, y chỉ để ít quân giữ thuyền còn tất cả gấp rút tiến về phía kinh thành. Tới gần hồ Hữu Vọng thì gặp Hiệu uý Hữu Vĩnh và mấy tên lính Cẩm Y. Hữu Vĩnh hỏi:
– Các ngươi ở Thanh Hoa ra đây để đánh họ Trịnh có phải không?
Hoằng Dụ khôn ngoan đáp:
– Chúng ta ra đây để yên ổn thiên hạ.
– Trịnh Duy Sản đã giết mất vua Hồng Thuận, bây giờ các ngươi tính sao?
– Thế chúng đã lập vua mới chưa?
– Ta không biết. Bọn Duy Sản đem quân vệ Kim Ngô đến bến Thái Cực nói phao lên rằng để lên Bắc Giang đánh bọn Trần Cảo, không ngờ đấy là quỷ kế. Đêm qua chúng bất ngờ đánh vào Hoàng thành khiến quân Cẩm Y không kịp trở tay. Ta từ Hoàng thành chạy thoát tới đây nên không hiểu trong thành hiện ra sao. Bây giờ ta và ngươi hợp sức quay lại kinh thành báo thù cho vua Hồng Thuận.
Hoằng Dụ nổi giận:
– Ngươi nắm trong tay mấy nghìn binh mã vệ Cẩm Y mà không làm gì nổi Duy Sản, để vua phải chết, thật đáng xấu hổ, bây giờ chỉ còn mươi mống thế kia mà dám bảo hợp sức với ta. Ngươi đi đâu thì đi cho khuất mắt ta, ta không cần một kẻ như ngươi!
Hữu Vĩnh ngượng, cúi gằm mặt.
Hoằng Dụ thúc quân tiến gấp về Hoàng thành, dọc đường đốt mấy nhà bên phố để thị uy. Đám cháy lúc đầu thì nhỏ sau lan ra thành lớn, cả một góc phố phường Kẻ Chợ bốc cháy ngùn ngụt. Đến khu vực đang xây dựng Cửu Trùng Đài, Hoàng Dụ lại sai phóng hoả cốt cho đám họ Trịnh phải khiếp sợ.
Thợ thuyền ngẩn ngơ nhìn cung điện rực cháy, xót xa với không biết bao nhiêu công sức bấy nay đổ ra. Vũ Như Tô đầu tóc rũ rượi, mặt mày nhọ nhem, như từ đám khói lửa đi ra. Một người bỗng thét lên:
– Giết chết thằng chó kia đi, vì nó bày vẽ cho nhà vua mà lâu nay anh em ta khổ, bao nhiêu người chết, bao nhiêu người da bọc xương! Bây giờ thì cháy hết, không còn gì cả.
Vũ Như Tô ngơ ngác, cái nhìn như ngây như dại:
– Giết ta á? Thì giết đi! Ta có còn gì nữa đâu, ta sống làm gì? Các ngươi không biết gì cả, có phải ta xây Điện trăm nóc, xây Cửu Trùng Đài là cho vua Hồng Thuận đâu! Nhà vua không thể sống mãi, ta cũng như các ngươi rồi cũng sẽ chết, nhưng cung điện ta và các ngươi xây đây sẽ còn mãi đến đời sau, như Vạn Lý Trường Thành của nhà Tần, như cửu môn, nhị cung, tam điện, ngũ phủ, lục bộ trong Cấm cung nhà Minh. Cửu Trùng Đài chính là tâm nguyện, là hoài bão của ta. Bây giờ thì hết rồi, thành tro hết cả rồi!
– Mày tiếc tâm nguyện của mày à? Thế xương máu, mồ hôi của chúng ta thì sao? Bao nhiêu người đã chết thì sao? Mày lúc sánh vai với Nguyễn Văn Lang, lúc đi cùng Hồng Thuận, chúng mày xây nên cung điện rồi lại chính chúng mày đốt nó, còn lải nhải cái gì nữa?
Vũ Như Tô trừng mắt:
– Ta không dính dáng gì với đám mũ cao áo dài, ta chỉ…
– Giết chết nó đi, nó chỉ cốt làm đẹp lòng vua chúa, cái tâm nguyện, hoài bão của nó chỉ là thứ rác rưởi hại người!
Những người thợ trong cơn phẫn nộ đến điên loạn ùa tới cắm phập lưỡi đục
lưỡi chàng, đập vồ đập búa vào Vũ Như Tô, hết nhát này đến nhát khác, hết chỗ này đến chỗ khác, khi rời ra thì Vũ Như Tô đã không còn ra hình người. Xong, thợ thuyền bảo nhau trốn hết.
Giết Tương Dực rồi, Trịnh Duy Sản triệu các tôn thất đại thần tới điện Nghị Sự. Vì trong triều lúc này người quyền hành cao nhất là Thái sư Thiệu Quốc công Lê Quảng Độ nên Quảng Độ đứng ra nói:
– Ngành trưởng đã bị Hồng Thuận giết hết, ngành thứ nay có con của Mục ý vương là Quang Trị, người hiền đức, nên lập ông ấy lên làm chủ thiên hạ.
Vũ Tá hầu Phùng Mại nói:
– Đang lúc rối ren thế này, giặc Cảo lại đã đánh tới Kinh Bắc mà lập người mới có 8 tuổi lên ngôi liệu có nên không, mong các vị xét kỹ. Ngày trước nếu Oánh không mượn tiếng Cẩm Giang vương chắc gì đã diệt được Mẫn Lệ công, nhưng chính vì thế mà Cẩm Giang vương bị hại oan uổng. Giá như Cẩm Giang vương còn, hẳn Oánh phải để anh mình lên ngôi báu. Vậy nay không gì bằng lập con của Cẩm Giang vương tên là Y lên ngôi.
Duy Sản bảo:
– Lê Y cũng mới 11 hay 12 tuổi gì đấy, không hơn Quang Trị là mấy.
Bên muốn lập Lê Y, bên muốn lập Lê Quang Trị, không bên nào chịu nhường bên nào. Tường Quận công Phùng Dĩnh đứng về phía Duy Sản, thấy nói mãi mà người em cùng cha khác mẹ là Phùng Mại không nghe, bèn sai lực sĩ của mình lôi Phùng Mại ra khỏi điện. Bị lôi xềnh xệch Phùng Mại vẫn vùng vẫy và gân cổ đòi lập Lê Y, bọn lực sĩ điên tiết đập cho mấy nhát dùi sắt vào đầu, Phùng Mại phọt óc chết.
Bọn Lê Quảng Độ, Trịnh Duy Sản lập Quang Trị lên ngôi.
Tương Dực tuy đã chết vẫn bị giáng xuống làm Linh ẩn vương. Tương Dực ở ngôi được 7 năm, đến tháng Tư năm Bính Tí (1516) thì bị giết, thọ 24 tuổi. Tổng tài quốc sử quán Vũ Quỳnh được giao việc chép sử nhưng chỉ chép có bốn đời vua Lê, từ Thánh Tông đến Uy Mục rồi nhất định không viết tiếp nữa. Nên mãi về sau sử thần hậu thế mới bàn về cái chết của Tương Dực như sau: “Linh ẩn vương gian dâm với vợ lẽ của cha, để tang cha mẹ ít, mượn tên của anh để cướp nước, xa hoa dâm dục quá độ, hình phạt thuế khoá nặng nề, giết hết các thân vương, đương thời gọi là vua lợn, điềm nguy vong đã hiện ra vậy”.
Trong khi đó, Trịnh Duy Đại đánh nhau với quân Trần Cảo bị thua, bỏ chạy về Đông Kinh, thấy việc phế lập đã xong liền nói với Duy Sản:
– ý anh muốn lập Lê Y nhưng em đã chọn Quang Trị rồi thì anh cũng theo, như anh em mình trước đây đã bàn, vì Y hay Trị cũng vậy, cũng chỉ là bù nhìn coi dưa cho anh em mình. Nay giặc Cảo đã chiếm gần hết Bắc Hà, có khi ta phải đưa vua về Tây Đô mới yên ổn được. Hơn nữa đám họ Nguyễn Tống Sơn cũng đang ở kinh thành, để vua gần chúng khác nào để mỡ trước miệng mèo, không thể yên tâm được.
Duy Sản nói:
– Trần Cảo chỉ là đám giặc cỏ, có gì mà sợ. Quân Tống Sơn em càng chẳng coi ra gì. Nay anh hãy ở lại kinh coi sóc nhà vua để em lên mạn Bắc đánh giặc Cảo, hẹn trong ba tháng sẽ đem đầu Cảo về.
Duy Đại can em không được đành phải mặc cho y làm gì thì làm.
Phú Bình hầu Nguyễn Văn Lự ra đến Đông Kinh thì đã đâu vào đấy, tuy nhiên vẫn làm như chưa biết gì nên cùng An Hoà hầu Nguyễn Hoằng Dụ đến dinh Trịnh Duy Đại. Văn Lự nói:
– Mừng cho anh em Trịnh tướng quân đã diệt được hôn quân. Chúng tôi ra đây muộn không đóng góp được gì, thật lấy làm áy náy. Nay xin được cùng bàn bạc việc lập vua mới.
– Mọi việc đã xong xuôi, không phải phiền hai vị tướng quân nghĩ ngợi. Nước một ngày không thể không có vua nên ngay sau khi diệt được hôn quân, không thể chờ được hai vị, các tôn thất đại thần đã bàn nhau tôn Quang Trị là con Mục ý vương lên ngôi. Hai vị tướng quân không được bàn, thật tiếc!
– Triều đình hiện nay như cái kiềng ba chân, một chân là các vị trong hoàng gia, một chân là họ Nguyễn Tống Sơn chúng tôi, chân nữa là họ Trịnh Thuỷ Chú của anh em nhà tướng quân. Bất kể việc gì thiếu một trong ba họ đều không thể được. Việc diệt Hồng Thuận chúng tôi đã không được bàn, nay việc lập vua mới chúng tôi lại cũng không được bàn, chúng tôi quyết không nghe!
– Biết vậy, nhưng việc lập vua mới đã xong, không thể lập vua khác được.
– Trong lúc triều đình đang vững như bàn thạch mà giặc Trần Cảo còn dám công nhiên dựng cờ khôi phục nhà Trần, dân chúng theo đông nườm nượp. Giả dụ có kẻ mượn cớ trả thù cho vua Hồng Thuận, kêu gọi hào kiệt bốn phương diệt họ Thuỷ Chú thì ông tính sao? Năm nghìn quân Tống Sơn của tôi đang đóng ở đây liệu có cứu được họ Thuỷ Chú lúc ấy không?
Duy Đại nín lặng. Văn Lự đưa mắt cho Hoằng Dụ và cùng đứng dậy ra về.
Biết Văn Lự đưa ra chuyện 5000 quân Tống Sơn là có ý đe doạ, trong khi đó bao nhiêu quân tinh nhuệ Duy Sản đều mang đi đánh Trần Cảo hết, nên đang đêm Duy Đại lén đem Quang Trị cùng hai em vua chạy về Tây Kinh trong Thanh Hoa. Văn Lự biết thì đã muộn nhưng vẫn sai Nguyễn Kim mang quân đuổi theo. Nghe tin, Duy Sản lập tức từ Kinh Bắc kéo quân về Đông Kinh. Sản mời Lê Quảng Độ, Lê Nghĩa Chiêu, Trình Chí Sâm, Phùng Dĩnh và một số đại thần đến bàn việc. Sản nói:
– Văn Lự, Hoằng Dụ càn rỡ muốn lập vua mới ư? Chúng tưởng ta không thể làm được cái việc chúng định làm chăng? Ta e rằng Nguyễn Kim sẽ đuổi kịp anh trai ta và Quang Trị, lúc đó tình thế chẳng biết thế nào. Anh trai ta vốn nhu nhược, không quyết đoán. Vậy nay ta phế bỏ vắng mặt Quang Trị, lập con của Cẩm Giang vương là Lê Y lên ngôi cho họ Nguyễn hoàn toàn hết hy vọng.
Các quan không ai dám có ý kiến khác. Tất cả cùng đi đón Lê Y lên ngôi. Đó là vua Chiêu Tông, lên ngôi ngày 10 tháng Tư năm Bính tí (1516), niên hiệu là Quang Thiệu.
Ngay đó Duy Sản cho người cưỡi ngựa lưu tinh suốt ngày đêm vào Thanh Hoa, vượt qua cả quân Tống Sơn, gặp được Duy Đại gần Hoa Lư. Thấy Duy Sản đã lập Lê Y lên ngôi, Duy Đại bèn dừng lại, không vào Thanh Hoa nữa và chém ngay đầu ba anh em Quang Trị rồi chờ Nguyễn Kim đến. Duy Đại giơ ba cái đầu cho Nguyễn Kim xem và bảo:
– An Thanh hầu thật quá vất vả. Để tướng quân khỏi nhọc công thêm, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn, sớm lấy đầu Quang Trị và hai em hắn đây, xin tướng quân đem về cho Phú Bình hầu, An Hoà hầu để hai vị ấy yên tâm. Hòm đựng ba cái đầu chúng tôi cũng đã lo liệu chu đáo, còn như tướng quân cần cả ba cái thây ma nữa thì quan tài chúng tôi cũng sẽ có.
Nguyễn Kim cố nén giận, bảo:
– Thật thương cho Quang Trị làm vua được có ba ngày thì một ngày phải trên đường chạy vào Tây Kinh, có khi còn chưa đủ sức mà nhớ ngai vàng cao thấp rộng hẹp thế nào! Chẳng trách ai được, đó chẳng qua là cái số ông ta. Tôi cũng chả cần ba cái đầu làm gì. Nhưng tôi và tướng quân chẳng mấy khi gặp nhau ở đây, lại không mời nhau được chén rượu sao?
Duy Đại cười ha hả và sai quân sắp rượu. Sau một chén, không biết nói chuyện gì, Duy Đại bèn hỏi tuổi tác. Nguyễn Kim bảo năm nay 50.
– Đã thế rồi sao? Thế còn An Hoà hầu, thân phụ tướng quân?
– Cha tôi năm nay vừa đúng 70.
– Người tuổi 70 xưa nay hiếm, vậy mà An Hoà hầu vẫn vào Nam ra Bắc hành quân không biết mệt, thật bái phục! Còn Phú Bình hầu?
– Ông tôi là đằng thứ nên có ít tuổi hơn cha tôi một chút.
– Như vậy họ Tống Sơn đều trường thọ. Tôi nhớ Nghĩa Quốc công gần 90 tuổi mới qua đời. Thọ nhưng vất vả. Đáng lẽ tuổi như Phú Bình hầu, An Hoà hầu bây giờ đã là tuổi nghỉ ngơi. Mà nghỉ ngơi thì cũng chẳng ai nói gì, sao hai vị ấy lại chuốc lấy vất vả thế?
– Xã tắc lâm nguy sĩ phu hữu trách, ông tôi và cha tôi thờ ơ sao được.
– Họ Tống Sơn không lo thì có người khác lo. Ngày trước họ Trần họ Hồ không cứu nổi nước thì đã có họ Lê, thiên hạ thiếu gì người!
Mấy người bước vào quán, đó là Vĩnh Hưng bá Trịnh Tuy, Lễ bộ Thượng thư chưởng bộ sự, Phò mã đô uý, Hưng quận công Nguyễn Trinh cùng con là Nguyễn Tùng. Tất cả cùng vào uống rượu. Trịnh Tuy nói:
– Nghe nói có An Thanh hầu, chúng tôi vội đến chào. – Quay sang phía Duy Đại, Trịnh Tuy bảo: – Cháu vừa bước vào, loáng thoáng nghe chú nói thiên hạ không có người này lo thì người khác lo. Đúng thế chứ còn gì! Đến như Lê Quang Trị hay Lê Y đều vắt mũi chưa sạch còn được đặt lên ngai vàng để lo việc nước nữa là! – Lại quay sang phía Nguyễn Tùng – Này cậu Tử tước, có khi đặt cậu lên ngôi báu cậu cũng lo được việc chứ chẳng chơi!
– Sao lại không! – Nguyễn Tùng đáp – ít ra tôi cũng hơn đám bù nhìn coi dưa khoác hoàng bào!
Nguyễn Trinh tái mặt bảo Trịnh Tuy:
– Xin tướng quân chớ nói đùa, mất đầu có ngày! Tôi lại là Phò mã của vua Hiến Tông! – Rồi quay sang phía Nguyễn Tùng – Con ăn nói phải biết giữ mồm giữ miệng.
Nguyễn Tùng cau mày:
– Con chả có gì phải sợ! Có người của cả hai họ Tống Sơn, họ Thuỷ Chú đây con không việc gì phải úp mở. Ngày trước ai giết Đoan Khánh, đưa Hồng Thuận lên ngôi, rồi hôm nọ ai lại giết Hồng Thuận, đưa Quang Trị lên và vừa xong đây ai giết Quang Trị, đưa Quang Thiệu lên? Giết vua này lập vua khác dễ còn hơn người ta giết gà mổ chó. Đó là chưa kể đến như tên Thái giám Nguyễn Khắc Hài còn dám nguỵ tạo, những tên giặc cỏ như Trần Tuân, Trần Cảo còn dám xưng vua. Nói thẳng, họ Trịnh Thuỷ Chú chưa muốn hoặc muốn nhưng chưa làm, chứ nếu muốn nếu làm cũng có thể được. Cả họ Nguyễn Tống Sơn nữa cũng thế! Ta đi guốc trong bụng các người! Nhưng vì sao các người chưa dám? Các người không sợ triều đình, không sợ vua Lê nhưng các người sợ nhau, biết không? Vậy chả nhẽ cha con ta không thể thế được sao?
Duy Đại quay sang bảo Nguyễn Trinh:
– Lệnh lang của Phò mã nói thật quá!
Trịnh Tuy bỗng cười khùng khục. Nguyễn Trinh nổi giận quát con nhưng vẻ mặt không có vẻ gì là cáu giận:
– Đồ rượu vào nói năng càn rỡ, ra ngoài kia! – và quay về phía mọi người –
Đấy là rượu nói chứ không phải nó nói, xin các ông đừng chấp.
– Chấp làm gì! – Tất cả đều nói.
Nguyễn Tùng quay ra, đến nửa chừng còn quay lại:
– Rồi tất cả sẽ thấy, không sai đâu! Nhà Lê đã mạt vận rồi!
Không khí bỗng trầm xuống. Nguyễn Kim cáo từ, trở về kinh đô. Trịnh Duy Đại, Trịnh Tuy cũng trở lại kinh đô sau đấy.
Sau đó, thấy không làm gì nổi đám họ Trịnh, Nguyễn Văn Lự đành chấp nhận mọi việc đã rồi, cùng Hoàng Dụ xin vào yết kiến vua Chiêu Tông. Thái hậu bảo nhà vua cho gọi hai họ Nguyễn họ Trịnh lại và nói:
– Triều đình nay như cái kiềng ba chân, hoàng tộc cùng hai họ ngoại thích là họ Trịnh ở Thuỷ Chú và họ Nguyễn ở Tống Sơn chính là ba cái chân ấy, mất một thì không thể tồn tại. Nay giặc Cảo rất mạnh, đã chiếm gần hết xứ Đông xứ Bắc, quân triều đình mấy đợt đi đánh dẹp đều thất bại khiến cho giặc được thể đã tràn xuống tận Thuận Thành, Gia Lâm, sắp vượt sông Nhị Hà đến nơi rồi, tình thế rất là cấp bách. Vậy nên trẫm mong các ngươi cùng nhau gạt bỏ hiềm nghi, lo diệt giặc Cảo cho thiên hạ được yên.
Tất cả cùng hứa vì quốc gia mà xoá bỏ mọi thù hằn. Vua Chiêu Tông mừng lắm, ban thưởng cho hai họ Trịnh, họ Nguyễn và các quan đại thần. hạ lệnh đại xá thiên hạ.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.