- Đang online: 2
- Hôm qua: 401
- Tuần nay: 12042
- Tổng truy cập: 3,388,270
THƯ TRAO ĐỔI GIỮA ĐỐC TÍT và HOÀNG CAO KHẢI
- 1139 lượt xem
Thư trả lời của Cụ Đốc Tít
đối với Tổng đốc Hải an – Hoàng Cao Khải
————&———–
NGUYỄN QUANG TUYẾN (ST giới thiệu))
Bức thư 1 ( trích bài dịch từ chữ hán nôm dịch ra chữ quốc ngữ )
Hải- An Tổng đốc Hoàng Cao Khải
Kính gửi: Quan đề đốc Hải Dương – Quảng Yên Mạc Tướng quân soi xét.
Tôi thiết nghĩ việc của Ngài làm tuy là rất chính nghĩa, nhưng chưa đúng với thời cơ. Ngày xưa ông Mạnh Tử nói dẫu có trí tuệ, nhưng kém thế thời thì không thành, dẫu có tư chất thông minh nhưng lỗi thời thì cũng hỏng, vả chăng kẻ tuấn kiệt phải theo thời, người thông đạt phải biết mệnh.
Nay Tiên đế đã ký hòa ước với chính phủ Pháp bảo hộ rồi, triều đình cũng đã lập nên Vua mới, trong nam, ngoài bắc, trên trời dưới biển đều là vương thổ, vương thần cả.
Ngài phụng mạng Vua Hàm Nghi để cứu vãn thời thế, đó là một việc làm lấp biển, vá trời, chí khí thì to, nhưng thành công được cũng là hiếm có. Vả chăng Vua Hàm Nghi cũng đã bị triều đình bãi bỏ, coi như là phế đế. Nhân dân chỉ biết theo mệnh của triều đình, yên ổn làm ăn, không muốn gây việc binh đao nữa. Vậy thì Ngài tuy hết lòng kêu gọi cũng như vịt nghe sấm, nước đổ lá khoai thôi, ai là người hưởng ứng chứ. Chi bằng Ngài lựa theo thời thế, cùng chúng tôi hợp tác, để trị quốc, an dân, đã không trái với lệnh triều đình, mà lại biết lựa theo thời thế, việc làm chỉ bằng một nửa, mà công lại gấp đôi. Vả chăng người Pháp vốn trọng người có tài năng, có nghĩa khí, lại được chúng tôi tiến cử lên, tất nhiên ngài sẽ được trọng dụng lắm, ý Ngài thế nào ? xin cho tôi được biết.
Kính chúc Ngài mạnh khỏe và rất mong Ngài là bạn đồng liêu với chúng tôi.
Kính thư :
Hoàng Cao Khải
Thư 2: Thư trả lời của Cụ Đốc Tít
Khởi nghĩa cần vương lĩnh Hải – An Đề đốc Mạc Đăng Tiết ( tên tự của cụ Đốc tít )
Kính trả lời quan Tổng đốc họ Hoàng tỉnh Hải Dương – Quảng An các hạ.
Tiết tôi được thư của Ngài cho biết: Phàm là làm việc gì cũng phải dựa theo thời thế và vận mệnh. Đó là ý nghĩ của Ngài, ý nghĩ đó giống như 2 câu thơ của ông Đặng Tất
“Đồ Điếu gặp thời nên nhẹ bước.
Anh hùng lỡ vận cũng khoanh tay”
Tuy ông Đặng Tất không thành công, nhưng ông cũng dám chống quân Minh đến kỳ cùng, được lưu danh sử sách. Còn ông thì sao? so với ông Đặng Tất thì thế nào? sẽ chờ dư luận và thời gian trả lời. Tôi không cần phải tranh luận nữa. Duy có một điều là ý nghĩ của tôi khác với ý nghĩ của Ngài. Tôi cho rằng đã là anh hùng thì thời thế nào cũng tạo được, đã là tuấn kiệt thì vận mệnh nào cũng làm nên. Ngài bảo công việc của tôi là công việc lấp biển, vá trời thì thành công là hiếm có. Vâng chim sẻ con chuyền từ cành này sang cành nọ, lại dám cười con chim đại bàng hễ cất cánh bay là bay từ trời bắc xuống biển nam, hai tư tưởng đó có khác xa nhau thực. Vả chăng Ngài cũng theo học chữ thánh hiền, theo con đường khoa cử, như Khổng Tử nói: “ Sát thanh thành nhân ”. Mạnh Tử nói: “ Xả sinh thủ nghĩa “ chắc ngài cũng chưa quên, hay Ngài cũng cho những câu nói ấy là hoang đường. Còn tôi thì cho dù phải hy sinh đến tính mệnh, nhưng làm thế nào mà xây nên nhân, nên nghĩa thì tôi cũng làm. Trong lịch sử Đại việt đã 3 lần chiến thắng quân Nguyên, mười năm bình định quân Minh, hay đánh Tống, đuổi Thanh, tôi chỉ biết một lòng phò Vua giúp nước, nguyện hy sinh vì quê hương đất nước, nguyện noi gương các vị tiên liệt, tiền bối đó.
Vả chăng Vua Hàm Nghi tuy đã xuất bôn, đó là một việc xử biến, phải tòng quyền, ra đi để lại về, lui để mà tiến, tôi rất khâm phục lắm thay. Vì tôi cũng không phải là phường giá để treo áo, túi để đựng cơm, mà phải khom lưng qùy gối, để cầu lấy ấm no. Muốn có ấm no thì phải tự mình làm lấy mà ăn. Tôi tặng Ngài vần thơ:
“ Nên tôi tay kiếm tay cờ
Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu trượng phu
Còn non, còn nước, còn dài
Còn người chí khí, còn người đồng tâm ”.
Nếu ngài cho ý nghĩ của tôi là phải lẽ, thì ngài sẽ là người đồng tâm, đồng chí với tôi và chúng ta sẽ cùng nhau gặp gỡ chung một tuyến đường.
Kính chúc Ngài khang cường, cũng mong ngài cho biết ý kiến.
Kính thư:
Mạc Đăng Tiết
Với chí khí khảng khái, phẩm chất anh hùng bất khuất, thà hy sinh của cụ Đốc Tít để chiến đấu vì nước, vì dân. Vì vậy mà Hoàng Cao Khải không thể dụ dỗ được, nên đã nghĩ ra nhiều mưu gian quỷ kế để phá hủy đốt cháy làng xóm, nhà thờ, đình chùa, lăng mộ, tàn sát hàng nghìn bà con, dòng họ Nguyễn gốc Mạc quê tôi và những vùng phụ cận, cùng những người đi theo nghĩa quân, hoặc giúp đỡ cho nghĩa quân chống Pháp.
Sau đây là bức thư thứ 3: Tối hậu thư của Hoàng Cao Khải
Kính trả lời dưới ngọn cờ quan Đề đốc họ Mạc.
Nhận được thư ông trả lời, biết ông là người anh hùng, khảng khái, có chí khí, trước sau như một. Nhưng tôi thiết nghĩ ông có thể bảo vệ được toàn quân, nhưng ông không thể bảo vệ được toàn dân? Người trượng phu đã làm việc gì cần cân nhắc về mọi mặt. Về phần tôi chưa thắng được lúc này. Nhưng tôi sẽ dùng cường quyền, bạo lực, trước mắt có thể thi hành một cách mà ông không thể chống đối lại được. Đó là tôi lấy danh nghĩa quan Tổng đốc của địa phương này, sức cho 72 xã, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn, mỗi xã chọn 30 thanh niên cường tráng đem đủ mai, cuốc, thuổng, dao, gươm đao, giáo mác tới làng Lưu Thượng của ông, cùng với quân đội trang bị khí giới vây chặt, phát quang cả làng, bắt hết họ hàng và những người thân thích nhà ông, nếu ai chống đối thì bắn chết tại chỗ. Còn cửa nhà dân cư thì đốt hết, phá hết cây cối tre, cau thì đào tận gốc, trốc tận rễ, san phẳng thổ cư thành bình điền. Kế hoạch này tuy là tàn bạo, nhưng tôi thì làm bất cứ việc gì để thắng được đối phương thì tôi phải làm, không thể nào khác được. Nếu ông cho lời nói của tôi là phải thì ông mau suy nghĩ hồi tỉnh, ý ông thế nào cho tôi được biết ngay. Tôi sẽ đón tiếp ông ở địa điểm rất long trọng.
Kính thư:
Hoàng Cao Khải
Do cuộc chiến đấu không cân sức, địch cắt đường tiếp tế lương thực và vũ khí đạn, thuốc cứu chữa thương bệnh binh, và đầu độc nguồn nước. Đồng thời địch còn dùng thủ đoạn vô cùng thâm độc hèn hạ đốt phá san phẳng làng mạc, tàn sát con cháu dòng tộc họ Nguyễn gốc Mạc và bà con quanh vùng. Vì vậy cùng với bối cảnh chung của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy đã thất bại. ( Nhưng đây là một thành tích của tay sai Tổng đốc Hoàng Cao Khải để dâng lên quan thầy Pháp ).
THAM KHẢO THÊM:
Đốc Tít
Đốc Tít, tức Nguyễn Xuân Tiết (1853 – 1916) là một chỉ huy của khởi nghĩa Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo, nguyên gốc họ Mạc, sinh trưởng tại làng yên Lưu Thượng, phủ Kinh Môn, Hải Dương. Tên Tít là do người Pháp phát âm sai từ chữ Tiết mà ra.
Trong phong trào chống Pháp ở Bắc Kỳ, ông được phong Đề đốc Hải Dương dưới sự chỉ huy của Tán Thuật, lập căn cứ kháng Pháp ở vùng đất giữa sông Kinh Thầy và sông Đá Bạc trên đất của 4 huyện Kinh Môn, Đông Triều, Yên Hưng và Thuỷ Nguyên của 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Cuối năm 1885, quân Pháp do 2 sĩ quan Falcon và Faure chỉ huy đã giao chiến với quân của Đốc Tít, sau đó lại tiếp tục đánh nhau với ông ở Trại Sơn. Năm 1888, quân Pháp tiếp tục tấn công Trại Sơn, 600 quân của Đốc Tít phải rút lui sau 12 ngày cầm cự.
Tháng 7 năm 1889, Khâm sai Hoàng Cao Khải, Tổng đốc Hải Dương phối hợp cùng quân Pháp bao vây Đốc Tít ở căn cứ Trại Sơn, thế cùng lực kiệt, ngày 12 tháng 8 năm 1889. Đốc Tít cùng với toàn quân ra hàng quân Pháp. Rút kinh nghiệm Đội Văn trá hàng lúc trước nên người Pháp cho đày ông đi Algeri và ông qua đời tại đây ngày 21 tháng 12 năm 1916 thọ 63 tuổi.
Hoàng Cao Khải
Hoàng Cao Khải (chữ Hán: 黃高啟; 1850–1933), là nhà văn, nhà sử học và là đại thần thân Pháp dưới triều vua Thành Thái trong lịch sử Việt Nam
[sửa] Tiểu sử
Nguyên danh của ông là Hoàng Văn Khải, tự Đông Minh, hiệu Thái Xuyên, quê ở làng Đông Thái (nay thuộc xã Tùng Ảnh), huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Đỗ cử nhân ân khoa 1968 (cùng khóa thi với anh ông Phan Đình Phùng tên là Phan Đình Thuật, Phan Đình Phùng năm 1876 mới đậu ở Trường Thi, Nghệ An) năm Tự Đức thứ 21 (1868), cùng được bổ làm huấn đạo huyện Thọ Xương, sau làm giáo thụ ở phủ Hoài Đức (Hà Tây). Trước khi Pháp chiếm Bắc Kỳ, ông lần lượt giữ các chức vụ Tri huyện Thọ Xương rồi thăng quyền Án sát Lạng Sơn, quyền Tuần phủ Hưng Yên.
Năm 1884, Pháp chiếm Bắc Kỳ, trong khi các phòng trào chống Pháp nổi dậy thì ông lại hợp tác với Pháp để đàn áp các phong trào nghĩa quân chống Pháp. Tháng 1 năm 1887, quyền Tuần phủ Hưng Yên, Hoàng Cao Khải được vua Đồng Khánh cho thực thụ Tuần phủ, gia hàm Thự lý Tổng đốc, nhưng vẫn lãnh Tuần phủ kiêm Tiễu phủ sứ ba tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, đặc biệt tham gia đàn áp cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.
Năm 1888, ông được thăng làm Tổng đốc Hải Dương, rồi làm Khâm sai Kinh lược Bắc Kỳ, tước Duyên Mậu quận công (1890), đây là biệt lệ vì quan lại triều Nguyễn chỉ được phong quận công khi đã mất. Năm 1894, theo lệnh của toàn quyền De Lanessan, ông viết thư dụ hàng Phan Đình Phùng, nhưng bị cự tuyệt.
Năm 1897, Nha Kinh lược Bắc Kỳ bị bãi bỏ, Hoàng Cao Khải được điều về Huế lãnh chức thượng thư Bộ Binh và làm phụ chính đại thần cho vua Thành Thái, Thái tử Thái phó, Văn minh điện Đại học sĩ. Như vậy, Hoàng Cao Khải là viên Kinh lược sứ Bắc Kỳ cuối cùng của triều Nguyễn.
Sau đó, ông làm Tổng đốc tỉnh Hà Đông, giúp Thống sứ Bắc Kỳ soạn Nghị định về tổ chức bộ máy quản lý cấp xã ở Bắc Kỳ.
Ngày 6 tháng 5 năm 1922, Hội Thanh niên Việt Nam (Foyers de la Jeunesse Annamite) được thành lập, Hoàng Cao Khải cùng Thống sứ Bắc Kỳ Monguillot làm đồng Chủ tịch Hội, chánh mật thám Pháp Marty làm Chủ tịch danh dự.
Ông về hưu tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Mộ của Hoàng Cao Khải nằm ở khu vực ấp Thái Hà cũ, nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội. Di tích này ít được chăm sóc, đến nay khá là hoang phế. Khu ấp có tính đặc thù cao về kiến trúc, được xây dựng năm 1893.
Nằm rải rác ở khu vực phía Tây gò Đống Đa, gồm nhiều công trình kiến trúc tinh xảo được đánh giá là đạt đến trình độ kỹ thuật cao tay trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt.
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.