T ản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu, 1888 – 1939) là đại biểu xuất sắc nhất của thế hệ các nhà thơ “lớp cũ” sống ở đầu thế kỉ XX. Sinh thời, ông được chứng kiến sự lên ngôi của trào lưu Thơ Mới trong những năm 30, và được coi là nhà thơ tiếp nối giữa “thơ cũ” và “thơ mới”.
Thống kê truy cập
- Đang online: 1
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 21607
- Tổng truy cập: 3,371,398
Phim video họ Mạc
THƠ TẢN ĐÀ
15/12/2013
- 1367 lượt xem
THƠ TẢN ĐÀ
KIỀU VĂN
Sau Nguyễn Khuyến và Tú Xương, Tản Đà chính là người tiếp tục phất ngọn cờ thi ca Việt Nam giai đoạn những thập kỉ đầu thế kỉ XX (trước khi Thơ Mới xuất hiện).
Nghiên cứu chân dung của bất kì một nhà thơ đích thực nào của Việt Nam cũng như của nhân loại nói chung, chúng ta đều thấy ở nhà thơ ấy luôn có đủ ba phẩm chất: trí tuệ phong phú sắc bén, tài sáng tạo thơ, và chất “lãng tử” trong tâm hồn. Tản Đà – cũng như Nguyễn Khuyến, Tú Xương… – hội đủ được cả ba phẩm chất đó.
So với Tú Xương, Tản Đà đã thật sự thoát khỏi cái “vòng lẩn quẩn” của thứ “công danh” kiểu phong kiến: lập danh bằng khoa cử (cho dù chỉ để “vang mặt vợ”!) Ở Tản Đà, cái “công danh” của đời ông hoàn toàn đặt vào sự nghiệp văn chương, vào chức phận thiêng liêng: kế tục và chấn hưng nền văn học nước nhà. Ông ý thức điều đó rất rõ ràng:
Trời có sai tôi một việc nặng
Đến nay tôi vẫn làm chưa xong…
Văn chương quẩn mãi cùng nhân thế
Sự nghiệp mong gì với núi sông…
Hai chữ “thiên lương” thằng Hiếu nhớ
Dám xin không phụ trời trông mong.
(Tiễn ông Công lên trời)
Trọn một cuộc đời, Tản Đà long đong lận đận, sống chết với nghiệp văn, nghiệp thơ, nghiệp báo (ông là chủ bút Hữu Thanh tạp chí, là người sáng lập An Nam tạp chí). Con tằm Tản Đà đã nhả tới sợi tơ cuối cùng cho văn chương, cho đến tận lúc “thân anh đã xác như vờ”…
Cũng như Tú Xương, Tản Đà là một hiện tượng hết sức thú vị trong làng văn làng thơ Việt Nam. Cái làm nên sự bất tử của Tản Đà không chỉ do khối lượng tác phẩm khá lớn ông để lại cho đời (gồm thơ, tiểu thuyết, luận văn, kịch, dịch thuật…) mà còn do phong cách sống rất mực độc đáo của ông giữa cái cuộc đời đang mỗi lúc trở nên sôi động bởi ảnh hưởng của nền văn minh tư bản Phương Tây.
Điều nổi bật ở hình tượng “thi sĩ Tản Đà” là ý chí dám sống hết mức bằng bản ngã riêng biệt của mình. Cái tôi – trong cuộc sống và trong văn học – vừa thực sự bước lên vũ đài lịch sử với Tú Xương, giờ đây tiếp tục vượt lên đỉnh cao mới với Tản Đà. Cái tôi ấy là sự đối lập tương đối giữa một cá nhân với xã hội, với thời cuộc.
Nhưng tại sao CÁI TÔI – sự đối lập tương đối giữa một cá nhân (hết sức đơn lẻ) với thời cuộc (trào lưu chung của cả một cộng đồng, cả một thời đại) – lại là vấn đề đặc biệt có ý nghĩa về phương diện tư tưởng, tình cảm, đạo lí và nhất là phương diện nhân văn khiến chúng tôi phải nhấn mạnh nhiều lần khi “tìm chân tướng” của các thi nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, và bây giờ đến lượt Tản Đà?
Chúng ta hãy suy ngẫm về những câu nói sau đây của những nhân vật lỗi lạc trong lịch sử nhân loại:
– Triết gia Nietzsche (Đức): “Chứng điên ở mỗi cá nhân thì hiếm, nhưng ở đoàn thể, đảng phái, quốc gia và thời đại, lại chính là một nguyên tắc.”;
– Khuất Nguyên (Trung Hoa cổ đại): “Khắp đời đều đục, chỉ mình ta trong; Mọi người đều say, chỉ mình ta tỉnh” (Cử thế giai trọc, ngã độc thanh; Chúng nhân giai tuý, ngã độc tỉnh);
– Triết gia kiêm văn hào Nga Tchernychevsky: “…Có họ, cuộc sống của nhân loại mới cao quí lên được; không có họ, cuộc sống nhân loại sẽ điêu tàn thối tha. Số người trong bọn họ tuy ít, nhưng có họ thì người ta sẽ thấy dễ thở, không có họ thì người ta sẽ ngột ngạt mà chết mất! Người hiền từ ngay thẳng thì nhiều, chứ những người này, trái lại, rất hiếm. Đó là tinh hoa của những nhân vật ưu tú, là nguyên động lực của động lực, là muối trong muối của trần gian…” (tiểu thuyết “Làm gì?”);
– Phan Bội Châu (Việt Nam): “Sinh vi nam tử yếu hi kì” (Sinh ra làm trai cần phải hiếm, phải lạ.”.
Những câu nói ấy đều nhằm khẳng định chân giá trị của những “con người đơn lẻ”, những “cái tôi” vô cùng quí giá trong một đám đông, một cộng đồng, một dân tộc còn có những khiếm khuyết, những bất cập so với chân lí. Chẳng hạn những tư duy phản khoa học, tình trạng ngu muội về nhận thức, những hủ tục, những mê tín v.v… Những bất cập đó chỉ được khắc phục khi cộng đồng ấy vươn tới một trình độ sống cao hơn. Bản thân nhân loại đã từng phải chìm đắm trong “Đêm trường Trung cổ” với sự thống trị của vô số cái phi lí, ngu muội, dã man, để rồi sau đó vươn tới những thời đại tốt đẹp Phục Hưng và Ánh sáng v.v…và sau này với sự xuất hiện của những con người đơn lẻ – khổng lồ như Dante, Shakespeare, Cervantex, Rabelais, L. de Vinci, Michel – Ange, Diderot, Montesquieu, Descartes, Goethe, Mozart, Beethoven, V. Hugo, Baudelaire, Pushkin, L. Tolstoy Dostojevski v.v…
Họ hoàn toàn thuộc về một cộng đồng, một thời đại, nhưng họ là giọt nước làm tràn li nước, là con chim đầu đàn xác định đường đi cho cả một bầy chim lớn, là tiếng gà gáy đầu tiên báo hiệu đêm tàn, là tiếng súng đầu tiên phát lệnh cho một cuộc tấn công. Họ tạo ra những “cú hích” đẩy lịch sử tiến lên phía trước.
Tóm lại, những cái tôi “tỉnh, trong, hiếm, lạ, tinh hoa, ưu tú, nguyên động lực…” ấy chính là khuôn vàng thuớc ngọc không thể thiếu của cuộc đời. Chúng lãnh sứ mạng của những ngọn hải đăng trên mặt biển, xác định “toạ độ” của chân lí, cảnh tỉnh những sai lầm của cuộc sống, của cả một cộng đồng, của cả một thời đại.
Cái tôi của Tản Đà đã gặp thời. Đó là thời đại mà nền văn minh phương Tây đang dần thâm nhập vào xã hội Việt Nam, làm chuyển biến Việt Nam như một qui luật tất yếu, không gì cưỡng lại được. Cái tôi ngông đã xuất hiện từ rất lâu trên vũ đài lịch sử do cốt cách “khinh thế ngạo vật” của những nhân vật có bản lĩnh rất mạnh (như Khuất Nguyên, Lí Bạch, Trúc lâm thất hiền, Bát tiên, hay Nguyễn Công Trứ, Tú Xương…). Nhưng cái tôi nhân bản hiện đại gắn liền với bản chất của một chế độ xã hội thì chính là sản phẩm văn hoá tinh thần đặc thù, ra đời và tồn tại trên những nguyên lí tự do, bình đẳng, bác ái, “quyền tư hữu tài sản là quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm” của chủ nghĩa tư bản. Cái tôi ấy là niềm khao khát của tất cả mọi con người Việt Nam thời đại mới. Chính vì vậy cái tôi của Tản Đà – tổng hợp của cái tôi ngông phong kiến và cái tôi nhân bản hiện đại – xuất hiện trên văn đàn Việt Nam đầu thế kỉ XX đã được đông đảo quần chúng nhân dân đương thời hoan nghênh, cổ vũ. Nó chính là cú “xì hơi” khoái chá của nhân bản Việt Nam bị bóp nghẹt hằng bao nhiêu thế kỉ! Tản Đà ra tuyên ngôn như sau:
Vùng đất Sơn Tây nảy một ông
Tuổi chửa bao nhiêu, văn rất hùng.
Sông Đà núi Tản ai hun đúc?
Bút thánh câu thần sớm vãi vung…
Bởi ông hay quá ông không đỗ,
Không đỗ ông càng tốt bộ ngông!
(Tự trào)
Tản Đà “tự thuật” cho mọi người thấy chân tướng cái tôi “không giống ai” của mình:
Người ta hơn tớ cái phong lưu,
Tớ cũng hơn ai cái sự nghèo.
Cảnh có núi sông cùng xóm ngõ,
Nhà không gạch ngói chẳng gianh pheo…
(Sự nghèo)
Năm nay tuổi đã ba mươi hai,
Ta nghĩ mà ta chẳng giống ai.
Khắp bốn phương trời không thước đất,
Địa cầu những muốn ghé hai vai!
(Khai bút năm Canh thân)
Thực tiễn văn học nhân loại đã làm nổi rõ một nguyên lí: một tác phẩm văn học càng khắc hoạ được chiều sâu nhân bản của những con người cụ thể, cá biệt bao nhiêu (trong tiểu thuyết, đó là những tính cách nhân vật) thì càng đạt được tính chân thực và tính thẩm mĩ bấy nhiêu. Đó chính là cái mà người đọc đòi hỏi ở người cầm bút. Trái lại, một tác phẩm mà nhân vật hiện lên một cách “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” hoặc “đại loại cũng như chán vạn người khác” thì thử hỏi còn có giá trị thẩm mĩ đặc biệt gì và còn sức hấp dẫn gì với người đọc? Cái “bí mật” khiến thơ văn của Tản Đà được tất cả mọi người đón nhận một cách nồng nhiệt và thích thú chính là ông đã biết cách thoả đáp được yêu cầu đó.
Như trên đã nói, ở những nhân vật có khí chất “anh hùng hào kiệt”, có cá tính mạnh, cái tôi của họ khi “leo” đến đỉnh cao nhiều khi đã biến thành cái “ngông”. Đó là cái ngông của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tú Xương và của Tản Đà. Cái ngông trong thơ Tản Đà tựa như một luồng gió mạnh thổi vào lòng một nhân gian đang trong thời buổi khó khăn, đang phải vật lộn với cuộc mưu sinh, đang đau khổ chán chường trong cảnh nô dịch, phong hoá suy đồi:
Ngồi buồn lấy giấy viết thơ hỏi trời.
Xem thơ trời cũng bật cười,
Cười cho hạ giới có người oái oăm…
Người đâu kiếp trước Đông Phương Sóc,
Ăn trộm đào quen học thói ngày xưa,
Trần gian đày mãi không chừa…
(Trời mắng)
Cái “ngạo cốt” của Tản Đà đã tạc nên một hình tượng thi nhân thật là kì vĩ khiến thơ ông mang được tính năng “thi khả dĩ hứng” (thơ có thể làm phấn chấn người) mà Không Tử đã xác nhận:
Con đường vô hạn khách đông tây,
Ta nhớ ai mà đứng mãi đây?
Nước dợn sông Đà con cá nhảy,
Mây trùm non Tản cái diều bay…
Trời đất cá chim đều tự đắc,
Ở đời ai dễ chẳng vung tay?
(Quê nhà chơi mát cảm hứng)
Cũng nhờ cái tôi “ngạo cốt” ấy mà thơ Tản Đà nhiều khi đạt tới tính lãng mạn cao độ:
Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán,
Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong!
Nên chăng gió cũng chiều lòng…
(Hỏi gió)
Với nhân vật nữ lưu nổi tiếng Chiêu Quân trong lịch sử Trung Hoa, có vô số nhà thơ của nhiều thời đại đã bắt chước nhau làm cái việc “thương vay khóc mướn” nàng, thì Tản Đà, bằng tâm hồn thi sĩ đích thực, đã vượt xa những kẻ khác, an ủi nàng bằng một cách chân thành và táo bạo: sẵn sàng mang trái tim mình “đền” cho nàng!
Ới hồng nhan, hỡi hồng nhan,
Khôn thiêng cũng chẳng ai van ai mời.
Trời Nam thằng kiết là tôi,
Chùa Tiên đất khách khóc người bên Ngô.
Cô với tôi, tôi với cô,
Trước sân lễ bạc có mồ nào đây.
Hồn cô ví có ở đây
Đem nhau đi với lên mây cũng đành!
(Tế Chiêu Quân) – Nguyễn Thiện Kế dịch từ chữ Hán
(Sau này thi sĩ Bích Khê, có lẽ đã bắt chước Tản Đà, nhận Hồ Xuân Hương là người tình, là… vợ để “đền bù” cho nỗi đau khổ về tình yêu của nàng!)
Tuy nhiên… “Cái tôi kia cũng có ba bảy đường”! Một cái tôi muốn chường ra trước mắt bàn dân thiên hạ, nhất thiết nó phải được “bảo đảm bằng vàng”: đó là một cốt cách đích thực. Những cái tôi của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà có sự bảo đảm ấy (Trong khi đó, đôi khi trên đời cũng xuất hiện những cái tôi… rởm của những kẻ chẳng hề có cốt cách gì).
Điều vô cùng đáng quý và đáng kính trọng ở Tản Đà được khẳng định bởi chất lượng cái tôi của ông. Đó hoàn toàn không phải sự “ngông nghênh” vô lối mà là sự kiêu hãnh của một con người chân chính, đại diện cho một nhân loại chân chính.
Tản Đà đã tự hoạ chân dung mình:
Sông Đà núi Tản đúc nên ai,
Trần thế xưa nay được mấy người.
Trung hiếu vẹn tròn hai khối ngọc,
Văn chương phô trắng một cành mai…
Một con người như ông sinh ra đời không phải để hư sinh (sống thừa) mà là để đảm đương những trách vụ lớn lao, nặng nề nhưng vinh quang mà tổ quốc và nhân quần giao phó. Ông đã bao phen lăn lộn trong trường đời, tự nguyện nhận lãnh một sự hi sinh vô điều kiện và triệt để cho sự nghiệp văn hoá của đất nước, cho cộng đồng:
Trời sinh ra bác Tản Đà,
Quê hương thời có, cửa nhà thời không.
Nửa đời nam bắc tây đông,
Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt li.
(Thú ăn chơi)
Thân tớ ví to bằng quả đất
Cũng cho thiên hạ có đêm ngày.
(Kiếp con quay)
Cái tôi của Tản Đà không chỉ là ngông, là “phởn” mà nhiều phen còn là… cay cực nữa:
Văn chơi in bán để chơi chung,
Dẫu được lời riêng, có mấy đồng!
… Bao nhiêu củi nước mới thành văn,
Được bán văn ra chết mấy lần!…
Nghèo chỉ có văn, văn lại ế,
Ế văn cho tớ hết tiền tiêu…
(Lo văn ế)
Nhưng ở Tản Đà tàng trữ một bản lĩnh cao cường giúp ông chiến đấu vô cùng bền bỉ trên trận tuyến văn chương của mình, và cái tôi của ông đã thực sự chiến thắng, tìm tới sự hoan lạc, say sưa như một kẻ hạnh phúc nhất trần đời. Cũng như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà sống theo châm ngôn “cống hiến hết mình cho xứ sở, dân tộc, nhưng cũng biết tận hưởng lạc thú của cuộc sống trần gian”. Ông đã trở thành nhân vật nổi tiếng không những trong làng thơ mà còn trong “làng say” nữa:
Trời đất sinh ra rượu với thơ,
Không thơ không rượu sống như thừa…
và:
Trăm năm thơ túi rượu vò,
Ngàn năm thi sĩ tửu đồ là ai?
Tóm lại, giữa một xã hội đang chịu sự nô dịch của ngoại bang, đầy rẫy những kẻ tay sai, những kẻ bon chen vụ lợi, những kẻ “bán linh hồn cho quỷ”, những kẻ ươn hèn và những kẻ sống nhảm nhí vô nghĩa, sự hiện diện của cái tôi, cái cốt cách thi nhân sừng sững của Tản Đà, đã góp phần cứu vãn và làm khởi sắc nhân cách Việt Nam, tạo nên một niềm tự hào đáng kể cho con người Việt Nam thời đại ấy. Chúng ta hãy thử tưởng tượng, trong thời buổi thực dân phong kiến đầu thế kỉ XX ấy, nếu thiếu mất cái cốt cách, cái tôi của Tản Đà, thì cuộc sống và xã hội Việt Nam sẽ buồn tẻ, nhạt nhẽo đi biết bao nhiêu!
… còn tiếp
Cập nhật theo nguyên bản của tác gỉa chuyền từ SàiGòn ngày 06.12.2013 .
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
Mạc kỳ - Mạc ca
Fanpage Facebook
Bài viết xem nhiều nhất
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.