- Đang online: 1
- Hôm qua: 345
- Tuần nay: 13859
- Tổng truy cập: 3,409,678
THĂM ĐỀN RỒNG, NGHĨ VỀ SỐ PHẬN ÉO LE CỦA LÝ CHIÊU HOÀNG 613
- 613 lượt xem
THĂM ĐỀN RỒNG, NGHĨ VỀ SỐ PHẬN ÉO LE CỦA LÝ CHIÊU HOÀNG
Đền Rồng
KS. PHAN DUY KHA
Đền Rồng thờ Lý Chiêu Hoàng nằm ở thôn Long Vĩ (Đuôi Rồng), thuộc xã Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Theo các nhà phong thủy thì khu đất này nằm ở đuôi con rồng mà đầu rồng ở chỗ lăng Phát Tích (lăng bà Phạm Thị Ngà, mẹ vua Lý Thái Tổ), nơi hội tụ của tám đường cao và tám dọc nước như những đầu rồng, gọi là “bát long bát thủ” (8 con rồng và tám cánh tay). Đền gồm một tòa tiền đường 5 gian và 1 gian hậu cung “chuôi vồ”. Trong hậu cung là điện thờ Lý Chiêu Hoàng, có tượng bà. Tượng Lý Chiêu Hoàng tạc một người phụ nữ còn trẻ (một cô bé?), nét mặt sinh động pha chút thơ ngây, đầu đội mũ kim khôi, mình khoác áo hoàng bào, ngồi trên ngai vàng. Trước điện có bức hoành phi ghi “Hậu triều Lý thị” (vua cuối triều Lý). Lý Chiêu Hoàng sinh ra và lớn lên giữa tâm của cơn lốc xoáy quyền lực và chính sức công phá của nó đã tạo ra số phận éo le, hết sức đặc biệt của bà.
Nhường ngôi cho con gái, việc xưa nay chưa từng có.
Lý Chiêu Hoàng là vị vua thứ 9, vị vua cuối cùng của triều Lý. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, bà không được thờ ở đền Lý Bát Đế (đền thờ 8 vua triều Lý, tức Đền Đô). Đem thắc mắc này hỏi các bậc già cả ở Đình Bảng thì được giải thích: “Vì bà là con dâu họ Trần, lại làm mất ngôi nhà Lý về tay họ Trần, là có tội với nhà Lý, nên không được thờ cùng Lý Bát Đế”. Lần lại lịch sử, theo Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) thì Chiêu Hoàng sinh tháng 9 năm Mậu Dần (1218). Bà sinh ra trong bối cảnh triều đình nhà Lý đã quá suy vi, mọi quyền hanh đều rơi vào tay họ Trần mà đứng đầu là Trần Thủ Độ, một quyền thần có rất nhiều thủ đoạn chính trị. Lý Huệ Tông không có con trai, chỉ sinh được hai gái là Thuận Thiên (6-1216) và Chiêu Hoàng (9-1218). Vì cuối đời, Huệ Tông bất đắc chí, thấy quyền hành rơi hết vào tay họ Trần mà không có cơ cứu vãn, do có nhiều ẩn ức mà phát điên. Sử ghi: “Có khi (vua) tự xưng là Thiên tướng giáng sinh, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, đùa múa từ sáng đến chiều không nghỉ” (ĐVSKTT). Ta có thể thấy, “cơn điên” của Huệ Tông là “cơn điên” muốn trở thành Thiên tướng để tiêu diệt hết quyền thần, thể hiện rất rõ sự ẩn ức của ông. Tháng 10-1224. trước sức ép của Trần Thủ Độ, Huệ Tông phải nhường ngôi cho Chiêu Hoàng rồi xuất gia ở chùa Chân Giáo. Đây là trường hợp đặc biệt của lịch sử Việt Nam mà từ trước đến nay chưa hề có. Trong thời đại cha truyền con nối, nếu nhà vua không có con trai thì nhận con cháu trong hoàng tộc (con anh, con em, cháu họ…) làm con nuôi để truyền ngôi (không truyền cho con gái vì quan niệm “Nữ nhân ngoại tộc”). Trước đó, cũng trong đời nhà Lý, Lý Nhân Tông không có con trai, đã nhận Dương Hoán là con của Sùng Hiển Hầu (em vua) làm con nuôi. Khi Nhân Tông mất, đã truyền ngôi cho Dương Hoán, tức Lý Thần Tông. Đã có tiền lệ như thế, sao Huệ Tông không theo? Nếu cho rằng nhà vua bị điên, hành động mê lẫn, thì còn có các quan lại trong triều? Điều này chỉ có thể giải thích rằng, lúc đó các quan lại đểu a dua theo họ Trần, số ít còn lại có chút lòng trung thành với nhà Lý, đã bị các quyền thần họ Trần khống chế, chẳng còn ai dám hé răng. Việc Huệ Tông nhường ngôi cho con gái chỉ là màn đầu trong vở kịch do Trần Thủ Độ đạo diễn mà thôi.
Màn thứ hai trong vở kịch này là việc để Trần Cảnh con thứ hai của Trần Thừa vào cung “hầu hạ” Lý Chiêu Hoàng. Trần Cảnh sinh tháng 6 – 1218, trước Lý Chiêu Hoàng 3 tháng. Lúc này hai đứa trẻ mới 7 tuổi (sử ghi 8 tuổi, tính theo tuổi ta). Ở tuổi này, lại là con quan lại quyền quý (Trần Thừa là Phụ quốc Thái uy), chắc chắn rằng Trần Cảnh đang cần phải có bảo mẫu và nhiều kẻ hầu hạ khác; vậy thì có thể “hầu hạ” được ai? Trần Thủ Độ đưa Trần Cảnh vào cung để hai đứa trẻ có dịp gần gũi nhau để chờ cơ hội mà thôi. Sử ghi: “Ất Dậu,Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 2 (1225), Cảnh lúc ấy mới 8 tuổi (thực ra là 7 tuổi) đứng chực hầu ở bên ngoài. Một hôm phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thể vào hầu bên trong, Chiêu Hoàng trông thấy lấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu trọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc giẫm lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước đứng hầu. Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu. Đến khi Cảnh bưng khăn trầu đến thì lấy khăn ném cho Cảnh” (ĐVSKTT). Chúng ta đọc và thấy “ngờ” đoạn sử này. Bởi vì, ở đây sử chép về hai đứa trẻ mà tâm lý cứ như hai thanh niên đang tuổi yêu, mà Chiêu Hoàng lại “chủ động” yêu trước! Một đứa trẻ 7 tuổi, bằng tuổi con em chúng ta đang học lớp 1, lớp 2, liệu có đủ “khôn trước tuổi” đến như vậy không? Nhất là khi “thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc giẫm lên bóng”, cứ như mội cô gái 18 bị bỏ bùa yêu vậy. Hoặc giả là đứa trẻ hết sức vô tình nhưng bị người lớn cố tình hiểu theo quan hệ nam nữ? Thực ra, việc ở trong cung cấm, không thể lọt ra ngoài, ai mà biết thục hư. Đây có lẽ chỉ là do Trần Thủ Độ thêu dệt lên, cốt để phao lên rằng vua đã “phải lòng” Trần Cảnh và như vậy triều đình phải tác thành cho hai trẻ, thể theo “nguyện vọng” của nhà vua mà thôi.
Và màn kịch thứ ba, diễn ra sau khi lấy chồng là nhường ngôi. Theo quan niệm truyền thống của ta thì “thuyền theo lái, gái theo chồng”, giáo lý đạo Khổng cũng dạy rằng người phụ nữ phải “tam tòng”, trong đó có “xuất giá tòng phu”. Đã lấy chồng thì người phụ nữ không thể đứng trên chồng, mà phải nhường ngôi cho chồng, lui xuống hàng thứ hai mới hợp lẽ. Vì vậy mới có màn kịch Lý Chiêu Hoàng viết chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Trần Thủ Độ đã biến việc quốc gia (nhường ngôi) thành chuyện trong nội bộ gia đình (vợ nhường chồng) để đoạt ngôi nhà Lý một cách gọn nhẹ như thế. Sau khi được “vợ” nhường ngôi, người “chồng” là Trần Cảnh đã ban chiếu phong vợ làm hoàng hậu. Sử ghi: “Bính Tuất, Kiến Trung năm thứ hai (1226) mùa xuân tháng giêng, sách phong Chiêu Hoàng làm hoàng hậu, đổi gọi là Chiêu Thánh” (ĐVSKTT). Về sự kiện trọng đại ngôi báu từ nhà Lý chuyển sang nhà Trần này, chúng ta tin chắc rằng hai đứa trẻ 7 tuổi lúc bấy giờ không thể hiểu được, chẳng qua người lớn bảo làm gì thì chúng làm theo mà thôi. Vì vậy, nếu nói rằng Lý Chiêu Hoàng làm mất ngôi nhà Lý thì thật oan cho bà. Chẳng qua, vận số nhà Lý đã hết, lòng người ngả về họ Trần, dù Chiêu Hoàng hay bất cứ một người nào khác (nam hay nữ) làm vua thì cũng chịu chung kết cục như thế mà thôi.
Chỉ vì muộn con mà mất ngôi hoàng hậu. ép em lấy vợ anh, việc trái luân thường đạo lý
Từ bỏ ngai vàng để được làm hoàng hậu, cuộc đời Lý Chiêu Hoàng những tưởng an bài ở đó. Thế nhưng, số phận của người phụ nữ này thật éo le. Lấy chồng 12 năm mà chưa hề mang thai, lúc này Chiêu Hoàng đã 19 tuổi (có thể bà là người có tuổi sinh học phát triển chậm hơn người bình thường, chị bà là Thuận Thiên, hơn bà 2 tuổi, lúc này đã 21 tuổi mới có mang, có lẽ hai chị em bà đều muộn như thế). Cả triều đình đều sốt ruột, lo sợ nhà vua bị “tuyệt tự”. Giữa lúc đó thì bà Thuận Thiên, là vợ Trần Liễu (anh ruột Trần Cảnh) có mang được 3 tháng. Trần Thủ Độ đã ép Trần Cảnh lấy Thuận Thiên để có con nối dõi. Sử ghi “Đinh Dậu, Thiên ứng Chính Bình năm thứ 6 (1237), lập công chúa Thuận Thiên họ Lý là vợ Hoài vương Liễu, anh vua, làm Hoàng hậu Thuận Thiên, giáng Chiêu Thánh làm công chúa. Bấy giờ Chiêu Thánh không có con, mà Thuận Thiên đang có mang Quốc Khang đã 3 tháng. Trần Thủ Độ cùng vợ là công chúa Thiên Cực (tức Trần Thị Dung, nguyên là hoàng hậu của vua Huệ Tông, sinh ra hai công chúa Thuận Thiên và Chiêu Hoàng) bàn kín với vua là nên mạo nhận lấy (cái thai ấy) để làm chỗ dựa về sau, cho nên có lệnh ấy” (ĐVSKTT). Trần Cảnh lúc này đã 19 tuổi, cái tuổi đã có chính kiến, tuy không đồng ý nhưng dưới sức ép của Trần Thủ Độ và hoàng tộc, ông buộc phải chấp nhận. Quyết định trái với luân thường đạo lý này đã gây bất bình và đau khổ cho cả ba người trong cuộc (riêng Thuận Thiên không thấy phản ứng gì!). Tùy theo địa vị của từng người mà cách phản ứng có khác nhau:
– Trần Cảnh rất bất bình và thương cho số phận của Lý Chiêu Hoàng – người vợ kết tóc từ khi còn nhỏ tuổi, chỉ vì chậm có con mà bị chia rẽ đôi lứa. Phản ứng của ông rất quyết liệt. Đang đêm, ông bỏ kinh thành, lên chùa Phù Vân (núi Yên Tử), quyết chí đi tu chứ không làm vua nữa. Trần Thủ Độ dẫn các quan tìm đến, kèo nài mãi nhưng ông quyết không về. Ông bảo: “Trẫm còn nhỏ dại, không kham nổi việc lớn, các quan nên chọn người khác khỏi nhục xã tắc”. Thủ Độ khuyên mãi không được, bảo các quan: “Vua ở đâu là triều đình ở đấy” rồi truyền dựng cung điện ở chùa Phù Vân để coi chầu. Thái Tông bất đắc dĩ lại phải trở về kinh thành” (ĐVSKTT).
– Về phần Lý Chiêu Hoàng, quyết định của triều đình là một cú sốc lớn trong cuộc đời bà. Từ chỗ đang là hoàng hậu, đứng đầu hậu cung, bỗng nhiên bà bị “đánh” xuống hàng công chúa, tức là ngang hàng với các con em (nữ giới) trong hoàng tộc. Bỗng nhiên mất chồng, mất ngôi hoàng hậu, thân phận thật bẽ bàng. Bà quá đau khổ, đóng cửa giam mình trong cung cấm và định quyên sinh.
– Về phần Trần Liễu, tự nhiên ông bị cướp vợ. Phản ứng của ông là nổi lên chống lại triều đình và gây ra vụ “loạn sông Cái”. Sau thấy thế lực không thể đối đầu với triều đình, ông đã “về hàng”, tuy nhiên trong lòng không bao giờ nguôi ý chí trả thù cho đến lúc chết (Trần Liễu chính cha của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn). Trước khi mất, ông đã di chúc lại cho Quốc Tuấn là hãy vì cha mà giành lại ngôi báu. Tuy nhiên, Trần Quốc Tuấn không làm theo lời di chúc này).
Như vậy, chỉ vì muộn con (muộn chứ không phải không có khả năng sinh nở) mà Lý Chiêu Hoàng đã chuốc lấy bất hạnh cho bản thân mình và gây đau khổ cho những người thân. Bà đã tự giam mình trong cấm cung, chôn vùi tuổi xuân như thế hơn 20 năm trời, nếu như không có một sự kiện đặc biệt, như một luồng gió mát thổi vào cuộc đời bà.
Đem vợ cũ làm “phần thưởng” cho tướng có công, lại một việc xưa nay chưa từng có. Dù sao, cuộc đời còn có hậu
Năm 1257, quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ nhất. Sử ghi “Đinh Tỵ, năm Nguyên Phong thứ 7 (1257) ngày 12 – 12, tướng Nguyên là Ngột Lương Hợp Đải (có bản ghi Ngột Lương Hợp Thái) xâm phạm Bình Lệ Nguyên (vùng Bình Xuyên, Hương Canh ngày nay). Vua xuất hành đốc chiến, xông pha tên đạn, quan quân hơi núng” (ĐVSKTT). Có một dung tướng là Lê Tần, tả xung hữu đột, đánh cho quân Nguyên tan tác. Trận Bình Lệ Nguyên đại thắng. Tháng 1 – 1258, xét thưởng công lao cho các tướng, Lê Tần được công đầu, được đổi gọi là Lê Phụ Trần (Phụ Trần: có công giúp nhà Trần); được làm Ngự sử đại phu, lại được vua đem công chúa Chiêu Thánh gả cho, coi đây như một phần thưởng, một ân sủng đặc biệt. Nhận xét về sự kiện này, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Vua tôi nhà Trần coi thường đạo vợ chồng lại thấy ở đây lần nữa”, ý nói, lần trước Trần Cảnh lấy vợ của anh ruột là một lần, còn lần này đem vợ cũ của mình gả cho một viên tướng dưới quyền là một lần nữa coi thường đạo vợ chồng. Thực ra, ở lần thứ hai này, chúng tôi cho rằng Trần Cảnh đã có phần xử sự đúng. Ông không thể lập người vợ cũ của mình làm vợ lần thứ hai và ông cũng không nỡ để Chiêu Thánh vò võ trong lãnh cung đến chết già. Việc dùng bà làm “phần thưởng” cho Lê Phụ Trần thực chất là một cơ hội để giải phóng cho bà, để bà được hưởng chút hạnh phúc muộn mằn lúc cuối đời, đó là một cử chỉ nhân đạo. Thực sự từ khi lấy Lê Phụ Trần, tuy đã 40 tuổi nhưng cuộc đời Lý Chiêu Hoàng mới thực sự có hạnh phúc. Bà lại hồi xuân và vẫn còn kịp sinh cho Lê Phụ Trần hai người con, một trai, một gái. Người con trai là Lê Tông, sau được phong tước Thượng Vị hầu. Người con gái là Ngọc Khuê, sau được phong ứng Thụy công chúa. Cả cuộc đời thăng trầm của Lý Chiêu Hoàng có thể tóm tắt chỉ trong một dòng, bao quát cả 6 giai đoạn: “Công chúa – Thái tử – Vua – Hoàng hậu – Công chúa – Phu nhân đại thần”. Lý Chiêu Hoàng mất năm 1278, thọ 60 tuổi (1218 – 1278). Sử ghi: “Mậu Dần, Bảo Phù năm thứ 6 (1278), tháng 3, phu nhân Lê Phụ Trần là công chúa Chiêu Thánh Lý thị mất” (ĐVSKTT). Con cháu đưa bà về an táng tại khu vực lăng mộ các tiên vuơng nhà Lý. Tương truyền đã 60 tuổi mà tóc bà vẫn xanh, má đỏ, môi hồng như tô son. Đó là một trường hợp đặc biệt. Mộ bà ở lăng cửa Má, gần đền Rồng. Cũng như các tiên vương nhà Lý, mộ bà không xây, chỉ là một gò đất hình vuông, rộng hơn 200m, cao khoảng 2m so với mặt đất xung quanh. Hàng năm, vào dịp lễ hội đền Đô (15 – 3 âm lịch), kiệu của bà lại được rước từ đền Rồng về đền Đô để bà được gặp vua cha và các vị tiên vương.
* Nguồn: NHÌN LẠI LỊCH SỬ, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2003, Tác giả: KS. PHAN DUY KHA – TS. LÃ DUY LAN – TS. ĐINH CÔNG VĨ.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- CHÚC MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11
- THƯ CHÚC MỪNG NGÀY QUỐC TẾ CÁC NHÀ GIÁO
- Vì sao gần một nửa người Việt cùng mang họ Nguyễn
- HỘI THỀ KHÔNG THAM NHŨNG TẠI HẢI PHÒNG – XUÂN KỶ HỢI 2019
- Người Jing (Việt) Trên Đất Trung Hoa
- HAI BÀI THƠ MẠC ĐƯỜNG CẢM TÁC
- LỜI RĂN CỦA TĂNG QUỐC PHIÊN, TỨ ĐẠI DANH THẦN NHÀ THANH TQ
- THÔNG BÁO HỘI NGHỊ THƯỜNG TRỰC MỞ RỘNG HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Bà Thái Hương – Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH: “Chúng ta hãy trân quý Bà mẹ thiên nhiên, Người sẽ cho mình tất thảy”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC