- Đang online: 1
- Hôm qua: 434
- Tuần nay: 13630
- Tổng truy cập: 3,368,015
THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- 2784 lượt xem
THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
GS.TSKH Phan Đăng Nhật
Xung quanh sự kiện vua Mạc Đăng Dung thần phục nhà Minh năm 1540, một số nhà nghiên cứu đã phê phán, nhận xét, theo nếp cũ để kết tội nặng hoặc giảm tội cho Mạc Đăng Dung. Chúng tôi chứng minh rằng, Mạc Đăng Dung không những không có tội mà còn có công lớn đối với đất nước; với các ý kiến như sau đây:
– Phong kiến nhà Lê đã ra sức cầu viện nhà Minh.
– Sau nhiều đợt thảo luận kéo dài, vua Minh quyết đánh nước ta, mọi việc đã sẵn sàng.
– Trong tình thế đó Mạc Đăng Dung đã vận dụng một chiến lược tổng hợp thông minh, khéo léo, vừa thần phục vừa chuẩn bị chiến đấu, “thần phục giả vờ, độc lập thật sự” (Trần Quốc Vượng), dâng đất khống. Kết quả là tránh được cho đất nước một cuộc xâm lược của 22 vạn quân Minh.
4.1. Một cuộc xâm lược khủng khiếp đang kề cổ
Phong kiến nhà Lê đã nhiều lần liên tục cho người đi cầu cứu nhà Minh đem quân sang đánh ta. Với danh nghĩa là đánh Mạc, nhà Minh sẽ thừa cơ tàn sát tiêu diệt luôn cả nước Việt. Đây là một mục đích truyền đời của phong kiến phương Bắc. Nhà Lê thừa biết điều này, nhưng vì quyền lợi ích kỷ của vương quyền, vẫn cứ ra sức van nài nhà Minh. “Nhà Mạc muốn tránh nguy hiểm trong cuộc đụng độ với nhà Minh. Tuy nhiên, nguy cơ chiến tranh ngày càng thúc bách, một phần bởi những mưu đồ thù địch của một số bề tôi trung thành với nhà Lê”[1].
Rất nhiều lần phái đoàn vua Lê hoặc bề tôi cũ của nhà Lê đi sang Trung Quốc để tố cáo nhà Mạc, kích động chiến tranh của nhà Minh. Riêng năm 1537 liên tiếp có 3 lần (kể cả trường hợp Vũ Văn Uyên):
– “Năm 1529, Trịnh Ngung, bề tôi cũ của nhà Lê đã sang Trung Quốc để tố cáo việc cướp ngôi của Mạc Đăng Dung”[2].
– “Ngay sau khi trung hưng triều Lê, năm 1533, Trịnh Duy Liêu liền được cử đi Trung Quốc để tiếp tục tố cáo việc cướp ngôi của Mạc Đăng Dung”[3].
– “Ngày 3 tháng 2 năm Gia Tĩnh thứ 16 (13 – 3 – 1537), cháu dòng đích của vua An Nam tên là Lê Ninh (Trang Tông) sai người trong nước là bọn Trịnh Duy Liêu gồm 10 người đến kinh đô xin hưng binh hỏi tội để cứu nguy nạn nước”[4].
– “Tháng 6 năm 1537, phái bộ của Trịnh Duy Liêu do triều đình Lê phái sang Yên Kinh”[5].
– “Ngày 6 tháng 9 năm Gia Tĩnh thứ 16 (9 – 10 – 1537). Trước đó người Giao chỉ Vũ Văn Uyên mang đồng đảng đến hàng… Văn Uyên có 10.000 quân, đợi thiên binh xuống phía Nam, sai cháu là Vũ Tử Lăng đóng tại cửa ải Thạch Lang để nhập theo”[6].
Tóm lại, âm mưu của phong kiến nhà Lê “cõng rắn”, “rước voi” rất dai dẳng, quyết liệt. Hơn nữa, không những chỉ van xin, mà còn ra sức tạo điều kiện vật chất, cụ thể để quân Minh nhanh chóng và thuận lợi kéo sang đánh ta.
4.2.Vận mệnh của đất nước nghìn cân treo sợi tóc
– Ý chí quyết xâm lược của nhà Minh:
Vua Minh Thế Tông cử Thượng thư Mao Bá Ôn đi chinh thảo. Trước khi Mao Bá Ôn đi đánh cướp nước ta, vua Minh tặng một bài thơ, đầy khí chất hách dịch. Ông coi Mao Bá Ôn là kỳ lân, dân ta là kiến cỏ, đồng thời khẳng định nhất định thắng, hẹn trở về vua đích thân cởi áo bào cho Mao.
Đại tướng nam chinh khẳng khái sao
Lưng đeo sáng quắc Nhạn Linh đao
Gió lay trống trận, sơn hà chuyển
Chớp nhoáng cờ đồn, nhật nguyệt cao
Trời thẳm kỳ lân sinh giống sẵn
Hang sâu kiến cỏ trốn đàng nào?
Thái bình khi chiếu đòi về nước
Trẫm cởi giùm ông chiếc chiến bào[7]
Phụ hoạ cho khẩu khí đó, Mao Bá Ôn làm bài thơ vịnh bèo, coi khinh lực lượng của nước ta như cánh bèo:
… Bèo đã không gốc rễ, không có lá, không có cả cành
Tuy rằng họp lại đấy nhưng tan rã cũng rất nhanh
Chỉ một trận gió là tan tác
Nếu lại gặp phải khi trời xấu, bão gió
Thì quét một trận là ra hồ, ra bể không ai còn thấy vết tích nữa”[8].
Trạng nguyên Giáp Hải, hoạ lại[9] thơ của Mao Bá Ôn, nêu cao sức mạnh và khí phách của người Việt, trong đó có câu:
… Ngọn sóng dù lớn đến đâu cũng không phá nổi
Gió bão dù lớn tới đâu cũng không làm chìm nổi bèo”[10].
– Huy động quân đội và dân binh:
“Tháng 7 năm Gia Tĩnh 19, Hàm ninh hầu Cừu Loan và thượng thư bộ binh Mao Bá Ôn đến Lưỡng Quảng và Vân Nam để kiểm tra việc chuẩn bị hậu cần, cùng đội ngũ quân lính dự định cho cuộc chinh phạt phương Nam. Cừu Loan đã chuẩn bị kế hoạch tác chiến như sau: “Chia chính binh ra làm ba đội tiễu binh, từ Quảng Tây đi các xứ Bằng Tường, Long Châu và Tư Minh… Kể cả chính binh và kỳ binh là 22 vạn người” (Cương mục, tập 2, tr.114).
4.3. Các ý kiến khác nhau phía nhà Minh về việc đánh “An Nam”
Quyết tâm của vua Minh (tóm tắt)
Ý kiến của quần thần (tóm tắt)
– 16 – 11 – 1536. “Thiên tử phán: An Nam chiếu sứ không thông, lại từ lâu không đến cống, phản nghịch đã rõ ràng, hãy sai sứ đến ngay hỏi tội. Việc chinh phạt sai bộ binh bàn định gấp rồi tâu lên” (Minh Thực Lục, Thế Tông q.193).
– 7 – 12 – 1536. Bộ binh tâu: Cử một quan võ đại thần sung chức tổng binh. Cử một quan văn đại thần cùng bàn bạc với tổng binh. Sắc cho các xứ Phủ, Án cùng tướng lãnh để chỉnh đốn quân binh (Minh thực Lục, Thế Tông, q. 193).
– 12 – 1 – 1537. Tả thị lang bộ hộ, Đường Trụ nêu 7 điều can gián. Trong đó, nhấn mạnh đánh không được gì “quân đội chôn vùi, uy danh thương tổn”, tình hình Trung Quốc hiện thiếu thốn nhiều mặt (Minh Thực Lục, Thế Tông, q.195).
– 13 – 3 – 1537. Trịnh Duy Liêu đến kinh đô tâu, xin “hưng binh hỏi tội để cứu nguy nạn nước” (Minh Thực Lục, Thế Tông. q. 197).
– 20 – 5 – 1537. Theo lời tâu của Trịnh Duy Liêu, hai bộ Lễ và bộ Binh tuyên bố, Mạc Đăng Dung có 10 tội, không thể khoan dung mà không đánh. (Minh thực Lục, Thế Tông, q. 199).
– 20 – 5 – 1537. Thiên tử phán: An Nam từ lâu không đến cống tại sân đình, theo phép đáng hỏi tội. Nay nước này tâu rằng, nghịch thần Mạc Đăng Dung soán đoạt… tiếm xưng danh hiệu, tội ác rõ ràng, mệnh tướng xuất sư chinh thảo” (Minh Thực Lục, Thế Tông q. 199).
– 21 – 5 – 1537. Bộ Binh trình 11 điều, cụ thể hoá việc đi đánh (Minh thực Lục,. Thế Tông q.199).
– 21 – 5 – 1537. Tả thị lang bộ Binh, Phan Trân dâng sớ khuyên can. Thiên tử giáng chỉ trách là không rành sự thế, có những lời mê hoặc, bị lột chức và thôi việc. (Minh thực Lục, Thế Tông, q. 199).
– 16 – 6 – 1537 Mao Bá Ôn điều trần 6 điểm tổ chức việc đánh gồm: nay mệnh tướng xuất sư đánh Mạc Đăng Dung, các vùng cần huy động lính, dùng người, phương diện tài vật, thưởng phạt, đồng nhất mệnh lệnh. (Minh thực Lục, Thế Tông, q.200).
– 4 – 7 – 1537. Từ Cửu Cao can ngăn, Thiên tử cho rằng, nội dung có sự dối trá bất kính, dùng lời nhục mạ, cắt lương bổng Từ Cửu Cao 2 tháng. (Minh thực Lục, Thế Tông, q. 200).
– 8 – 9 – 1939. Hoàng Oản, thượng thư bộ Lễ, được cử đi sứ Việt Nam để thông báo tin vua Minh tôn vinh danh hiệu Thượng Hoàng Thiên Thượng Đế cho ông nội vua (không liên quan đến việc đánh nhà Mạc) mà quá sợ Mạc Đăng Dung, coi như đi vào An Nam là vào chỗ chết nên quanh co. Thiên tử giận phán rằng: Oản nhận việc đi sứ An
Nam, nhận được mệnh không tiến hành gấp, lúc đến thì kiếm nhiều lý do để từ chối. Y sợ hãi quanh co, lại bày ra những thỉnh cầu khác. Nay cách chức không dùng trở lại nữa”. (Minh thực Lục, Thế Tông, q,224).
– 20 – 10 – 1540 Khi Cừu Loan đến Quảng Tây, đeo ấn tín, bèn ra lệnh cho Trấn thủ Vân Nam, đề đốc Liễu Tuần, quỳ trình diện trước hàng quân. Tuần làm đơn khiếu nại. Thiên tử khiển trách Loan không thể tin cậy được, triệu về kinh, giao cho Liễu Tuần thay Loan. (Minh thực Lục, Thế Tông, q.241).
Về việc này, Cừu Loan, một trong những người cầm đầu đội quân chinh phạt, lại là bậc đại thần hiểu rất rõ uy nghi, binh pháp, lại làm một điều quá khinh xuất như vậy là tại sao? Chính vì Cừu Loan quá sợ phải đi đánh với Mạc Đăng Dung, bày đặt ra để được về kinh, trốn thoát việc đi An Nam, trút việc đi đánh cho Liễu Tuần.
Nhận xét
Qua bảng tóm tắt trên đây chúng ta có thể rút ra một số điểm sau:
1. Việc “chinh phạt An Nam” là quyết tâm sắt đá của triều đình nhà Minh, mà Minh Thế Tông là đại diện. Do đó, khi một số người đưa ra lẽ phải – trái bàn bạc, có người ngăn cản, nhưng nếu trái ý, đều bị vua Minh gạt đi và xử phạt.
2. Quyết tâm xâm lược được tăng cường thêm, sau khi quần thần nhà Lê liên tục xin cầu viện.
3. Trong khi cân nhắc, bọn Minh sợ nhất là lực lượng quân sự trong nước, do Mạc Đăng Dung cầm đầu. Họ nghe danh tài năng quân sự của vua Mạc và đội ngũ tướng lĩnh của ông. Các trường hợp Phan Trân, Từ Cửu Cao, Hoàng Oản và đặc biệt Cừu Loan, tìm mọi cách trốn tránh là tiêu biểu cho tinh thần lo sợ của tướng lĩnh Minh. Chắc số lượng những người như thế này trong thực tế không ít. Biết rõ điều đó, nên Mạc Đăng Dung luôn luôn quan tâm tăng cường lực lượng chiến đấu đối phó với giặc và cũng tìm cách lộ ra điều này để cho địch biết.
4. Qua diễn biến phức tạp của tình hình trên đây, chúng ta thấy rõ , quyết tâm xâm lược của triều Minh rất cao, quyết tâm xâm lược này luôn luôn được “hun nóng” bởi sự van xin lạy lục của phong kiến nhà Lê. Vậy, khẳng định “nhà Minh rõ ràng không dám xâm phạm đến nước ta”[11] là vô căn cứ, chỉ là ý kiến chủ quan của nhóm biên soạn.
4.5 Chiến lược của Mạc Đăng Dung
Mạc Đăng Dung thực hiện một chiến lược vừa đánh vừa hoà.
– Chuẩn bị đánh: “Lê triều thông sử cũng cho biết Mạc Đăng Doanh đã tu sửa trại, sách, luyện tập thuỷ quân; trưng cầu hết thảy những cựu thần lão tướng để cùng bàn việc nước”[12]. Phục chức cho Thái bảo tĩnh quốc công Vũ Hộ, cử làm tả đô đốc Đông quân Chưởng phụ sự.
“Thù vực chu tư lục cho biết triều đình nhà Minh còn tranh cãi khá gay gắt về việc đánh hay không đánh. Khi Mao Bá Ôn đến Nam Ninh đã thấy quân dân Việt chuẩn bị chống lại quyết liệt, lấy thuốc độc, bã đậu[13] bỏ vào suối nước, đào hố chôn cọc tre để ngựa sa hố, lại phao ngôn sẽ theo đường biển tập kích Quảng Đông. Như vậy, chứng tỏ khi ấy nhà Mạc chuẩn bị sẵn sàng hai kế sách chiến và hoà”[14].
– Lập nhiều đồn luỹ ở biên giới mà trong “Vãng giao chỉ đồ”, in ở An Nam đồ chí, nhà Minh gọi là “tặc doanh”.
– Cho người làm nhiệm vụ tình báo “dò la bám sát các hoạt động quân sự của nhà Minh, như trường hợp tri châu Nguyễn Cảnh, năm 1537, được nhà Mạc bí mật phái sang đất Minh để thu thập tin tức bị thổ quan của Vân Nam giữ lại”[15].
4.6. CáCH LỰA CHỌN TÀI TÌNH CỦA MẠC ĐĂNG DUNG
Một số người buộc Mạc Đăng Dung về “tội” đầu hàng và dâng đất. Hãy căn cứ vào tư liệu lịch sử chính xác để xem xét hai sự kiện này.
4.7. Thực chất việc thần phục, dâng đất
Ngô Đăng Lợi viết: “Qua ghi chép của Nghiêm Tông Giản, thì Mạc Đăng Dung cùng đoàn tuỳ tùng không được mặc phẩm phục, cổ đeo dây lụa tượng trưng cho sự đầu hàng đến lậy và cúi đầu (ngũ bái, tam khấu đầu) trước long đình che lọng vàng, tượng trưng cho hoàng đế nhà Minh, chứ không phải quỳ lạy viên tướng nhà Minh”[16], cũng không phải cởi trần tự trói.
– Dâng đất khống:
* “Bốn động biên giới đã bị nhà Minh lấy lại từ trước, thành chuyện đã rồi đối với nhà Mạc. Mạc Đăng Dung thực sự không hề mắc tội phản quốc, mà trái lại đã góp một phần quan trọng trong việc ổn định tình hình chính trị – xã hội trong nước, cũng như tái lập quan hệ bang giao với nhà Minh”[17]. Còn Lê – Trịnh mãi đến 1597 mới được nhà Minh xét công nhận (xem thêm ở phần sau).
* Trong biểu tâu vua Minh, Mạc Đăng Dung cũng viết đúng là bốn động vốn thuộc nhà Minh, mà họ đã lấy lại từ trước và ông đã nêu cụ thể lời của tri châu châu Khâm, Lâm Hy Nguyên, làm nhân chứng, chắc chắn đó là sự thật: “Mới đây thần nghe tri châu châu Khâm tỉnh Quảng Đông, Lâm Hy Nguyên, xưng rằng, các động Ti Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc hai đô Như Tích, Chiêm Lãng là đất cũ của châu Khâm; nếu đúng như vậy, thần xin vâng lời”[18].
* “Quả là Mạc Đăng Dung chưa hề cắt đất cho nhà Minh, nhưng ông đã bó tay và buộc phải chấp nhận sự kiện các động trưởng của bốn động sát biên giới Đông Bắc trở lại với nhà Minh… Làm sao nhà Mạc có thể giữ lại được bốn động trên khi mà các động trưởng đã bỏ về với nhà Minh? Thực tế chỉ có bốn động thuộc hai đô như vừa trình bày ở trên trả lại đất châu Khâm”[19].
Nếu đối chiếu các điều kiện thần phục, trong tình hình đối nội, đối ngoại quá gay gắt và phức tạp như vậy, thì việc thần phục của vua Mạc đã mất một số hư danh mà được nhiều thắng lợi thực tế. Trong đó, quan trọng là tránh được một cuộc chiến tranh thảm khốc, bao gồm lực lượng của quân Minh bên ngoài ép vào và quân Lê – Trịnh từ trong đánh ra.
Xét trong lịch sử ngoại giao của chúng ta với phong kiến Trung Quốc có nhiều trường hợp phải hết sức lựa chiều, khéo léo.
“Bình Định vương Lê Lợi đại thắng quân đô hộ Minh nhưng vẫn phải cấp tàu xe, lương thảo cho Vương Thông rút quân, phải trả lừa, ngựa, binh khí, tù binh cho y; lại phải thực hiện danh nghĩa phù Trần diệt Hồ của nhà Minh mà dựng Trần Cảo làm vua, phải cống người vàng…”[20].
Về việc này, Phan Huy Chú nhận định: “Xét: Buổi đầu Lê, sau khi đã bình giặc Ngô, chưa tiện nói rõ cầu phong, bấy giờ phải quyền nghi cho xong việc, cho nên trước hết giả lập con cháu họ Trần; dùng lời nói dịu dàng, mềm dẻo để nhà Minh thôi việc binh mà nhận việc hoà hiếu. Đến khi Trần Cảo chết mới lại một phen bày tỏ, nói rõ cầu phong, thế mà vua Minh hãy còn lần lữa chưa cho, trải 3 năm mà mới cho tạm quyền việc nước, chưa chính thức phong vương vị. Thế cũng đủ thấy sự thế bây giờ là khó”[21].
Hoàn cảnh lịch sử của Vua Lê thuận lợi hơn hẳn Vua Mạc, thế mà phải hết sức mềm dẻo. Vì vậy, “Mạc Đăng Dung thần phục giả vờ để giữ độc lập thực sự” (Trần Quốc Vượng) là kế sách tuyệt diệu.
Vua Mạc Đăng Dung nhận các điều kiện thần phục, nhưng các vua Mạc vẫn xưng đế hiệu, dùng ấn vàng, phong tước vương cho các con, toàn quyền điều hành đất nước về mọi mặt, nhà Minh không can thiệp và đặc biệt là không có bóng quan quân Minh trên đất nước Việt.
“Thế là nhà Mạc được nhà Minh công nhận, nhà Lê – Trịnh thì không, mãi đến 1597 mới được nhà Thanh xét và phải theo lệ cũ thời Lê sơ, cống người vàng đền mạng Liễu Thăng”[22].
4.8. Nguyên nhân thắng lợi của chiến lược nhà Mạc
Nhờ đâu mà đập tan được âm mưu nhà Lê cầu xin Minh, đấy lùi được quyết tâm xâm lược sắt đá của nhà Minh?
– Trước hết là ý chí của nhà Mạc, bằng mọi giá không cho giặc đặt chân vào đất nước ta, như Mạc Ngọc Liễn là Đô uý thái phó Đà Quốc công, đồng thời là phò mã, khi lâm chung có di chúc lại: “… Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng”[23]. Mạc Ngọc Liễn không phát ngôn ý kiến cá nhân mà tuyên bố tư tưởng lớn của nhà Mạc. Đinh Khắc Thuân nhận định đúng như vậy: “Lời trối trăng cuối cùng này của Mạc Ngọc Liễn cũng chính là ý nguyện của nhà Mạc nhằm tránh một cuộc chiến tranh ngoại bang”[24].
Thứ hai, là chủ trương vô cùng sáng suốt của Thái tổ Mạc Đăng Dung, chiến hoà kết hợp, hoà nhưng sẵn sàng chiến đấu. “Đầu hàng giả, chiến đấu thật”. Trong hoà không hại gì cho đất nước, chỉ dâng đất khống.
Thứ ba, Mạc Thái Tổ cũng dùng cả đấu tranh chính trị, đưa trạng nguyên Giáp Hải đi, để biểu lộ ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước qua việc hoạ thơ. Có người nói bài thơ đã đuổi được giặc. Không thật đúng. Bài thơ là một bộ phận của cuộc đấu tranh toàn diện, có vai trò nhất định trong cuộc đấu tranh này.
Thái Tổ Mạc Đăng Dung đã lựa chọn một phương thức đấu tranh tổng hợp rất thông minh, vừa làm cho địch đủ ngại ngần, lo sợ, vừa đủ cho Thiên triều hống hách đỡ mất mặt. Ông lại đặt quyền lợi tối cao của đất nước lên trên sỹ diện cá nhân. Nhờ vậy mà đẩy lùi đươc 22 vạn quân Minh, mà không tốn một mũi tên, không mất một giọt máu.
Có thể nói, vua Mạc Đăng Dung và nhà Mạc đã đấu tranh rất thông minh, đặc biệt năng động, nhờ vậy cứu đất nước khỏi một thảm hoạ chiến tranh đã liền kề. Lịch sử nước nhà cần ghi đậm công ơn này.
4.9.Thay lời kết: ý kiến của GS.VS Phan Huy Lê và PGS Nguyễn Hải Kế.
Về sự kiện Mạc Đăng Dung đẩy lùi 22 vạn quân Minh, GS Phan Huy Lê và PGS Nguyễn Hải Kế cho rằng nhà Mạc đã ứng xử phù hợp với tình cảm và trí tuệ đương thời, lấy đại cục và lợi ích cơ bản làm mục tiêu cao nhất:
“Với nhà Minh thì bên cạnh việc tăng cường phòng bị, bằng hàng loạt các biện pháp chính tri- ngoại giao mà triều đình nhà Mạc đã triển khai để tránh được một cuộc chiến tranh , mà trên thực tế vẫn bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Đặt trong bối cảnh thế kỷ XVI, những khu xử mà nhà Mạc đạt được là kết quả thực tiễn của tình cảm và trí tuệ đương thời”[25]
“Trong tình hình đối nội, đối ngoại phức tạp lúc đó , triều đình nhà Mạc với nhà Minh, dựa trên tinh toán lấy đại cục và lợi ích cơ bản làm mục tiêu cao nhất nhằm lấy lại vị thế của mình trong quan hệ bang giao theo thông lệ, gạt được sang một bên sự tiếp tay của nhà Minh với thế lực Lê-Trịnh không chỉ trong lúc này mà cả thời kỳ tồn tại của nhà Mạc” [26]
P.Đ.N.
[1] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc… Nxb Khoa học Xã hội H, 2001, tr. 73.
[2] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc… Nxb Khoa học Xã hội H, 2001, tr. 73.
[3] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc… Nxb Khoa học Xã hội H, 2001, tr. 74.
[4] Minh thực luc, v.80, t.4156 – 4157; Thế Tông q.197; t.1b-2a. Tư liệu Minh Thực Lục trong bài này được dẫn theo hai tài liệu:
– Minh thực lục, quan hệ Trung Quốc – Viêt Nam thế kỷ XIV – XVII, tập 3, Dịch và chú thích: Hồ Bạch thảo; hiệu đính và bổ chú: Phạm Hoàng Quân; PGS. TS. Nguyễn Minh Tường biên tập nội dung, Nxb Hà Nội, 2010.
– Việt sử: tư liệu cùng lời bàn, quyển hạ, Hồ Bạch Thảo, Thư ấn quán, 2009. (Tư liệu do Chu Xuân Giao cung cấp).
[5] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc… Sđd tr.76.
[6] Minh Thực Lục, v.80, t.4262; Thế Tông q.204, trang1b (Tiếp dẫn).
[7] Phạm Văn Sơn: Mạc Đăng Dung, trong sách Việt sử tân yên, quyển số 3, Sài Gòn, 159, tr.18-45.
[8] Mao Bá Ôn: chuyển dẫn theo Hoàng Lê,
Thử tìm hiểu việc bang giao của vương triều Mạc, trong sách Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Hội đồng lịch sử Thành phố Hải Phòng, H, 1996, tr,124.
[9] Thơ của Mao Bá Ôn và Giáp Hải: Trạng Nghè cống, Sở văn hoá – Thông tin Hà Bắc, xuất bản năm 1984. Chuyển dẫn qua Hợp biên thế phả họ Mạc, Nxb Văn hoá dân tộc, H, 2007, tr.84.
[10] Thử tìm hiểu việc bang giao…, Sách vừa dẫn, tr. 125.
[11] Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam: Lịch sử Việt Nam tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, 1971, tr, 288 – 291.
[12] Đại Việt thông sử, bản dịch, 1968, t.4, tr.139 – 141.
[13]
[14] Ngô Đăng Lợi:Việc nhà Mạc giao thiệp với nhà Minh… Trong sách Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng xuất bản, H,1996, tr. 134.
[15] Đinh Khắc Thuân: Vương triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Sđd, tr78, 79.
[16] Ngô Đăng Lợi: Việc nhà Mạc giao thiệp với nhà Minh… Sđd, tr.135.
[17] Đinh Khắc Thuân: Vương triều Mạc qua…, Sđd, tr.88.
[18] Minh Thực Lục, V.82, t.4966 – 4973, Thế Tông, q.248, t.1b-5a (chuyển dẫn).
[19] Phạm Xuân Hằng (chủ biên): Hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long – Hà Nội, chương trình khoa học cấp nhà nước KX.09, Nxb Hà Nội, 2010, tr.150.
[20] Ngô Đăng Lợi: Chính sách ngoại giao nhà Mạc, bài học lịch sử giá trị, trong sách Kỷ yếu Hội thảo khoa học Vương triều Mạc trong Lịch sử Việt Nam, H, 9 – 2010, tr.218.
[21] Phan Huy Chú: Bang giao chí, (bản dịch), Nxb Sử học, 1961. dẫn theo Ngô Đăng Lợi, Sđd, tr.218.
[22] Ngô Đăng Lợi: Chính sách ngoại giao nhà Mạc…, trong sách Kỷ yếu Hội thảo… Sđd, tr217.
[23] Đại việt sử ký toàn thư, tr.189.
[24] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc… Sđd, tr81.
[25] Phan Huy Lê (chủ biên): Lịch sử Việt Nam, tập II, NXB Giáo dục Việt Nam, tr .238
[26] Phan Huy Lê (chủ biên): Lịch sử Việt Nam, tập II, NXB Giáo dục Việt Nam, tr .237.
Bài chuyển file của Hoàng Trần Hòa.
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- TÁC PHẨM THƠ “MẠC TRIỀU”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.