- Đang online: 1
- Hôm qua: 781
- Tuần nay: 12069
- Tổng truy cập: 3,388,686
TẠC DẠ GHI LÒNG ĐẤT TỔ
- 341 lượt xem
TẠC DẠ GHI LÒNG
ĐẤT TỔ – NGƯỜI XƯA
TG: ĐẶNG QUỐC CỜ
“Viết trên nền tư liệu lịch sử và truyền thuyết dân gian”
Lũng Động xưa- Long Động nay, nơi “Địa Linh– Nhân Kiệt”; Nơi phát tích, gắn bó với dòng họ Mạc gần 1000 năm nay. Chuyện ngày xưa truyền lại rằng: Lũng Động khi ấy thuộc phía nam Phủ Chí Linh, là vùng đất đầm lầy ven sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, Nước ngập mênh mông, cây cối rậm rạp như rừng; Lũng Động chỉ là một gò đất lớn nổi lên giữa động nước như là đầu một con Rồng, có phần thân và đuôi là con đường uốn lượn thấp thoáng trên mặt nước kéo dài về phía nam đến gần Thị Trấn Nam Sách ngày nay. Chẳng biết chính xác các bậc Tiền Liệt Tổ họ Mạc và các họ khác về định cư nơi đây tự bao giờ? Mà Nhân Kiệt đã làm lừng danh Địa Linh từ thuở ấy.
Năm 1086 Mạc Hiển Tích; tiền liệt Tổ của họ Mạc ở Việt Nam, người làng Lũng Động thi đỗ Trạng Nguyên. Ba năm sau (1089) em trai của Người là Mạc Kiến Quan cũng thi đỗ Trạng Nguyên. Cả hai anh em ra làm quan; Đến chức quan Đại Thần thời Lý Nhân Tông, “Huynh đệ đồng Triều xưa nay hiếm”. Là quan trung thần, có công lớn phò Vua đánh giặc, mở mang bờ cõi Quốc Gia, yên Binh, chăm sóc dân lành. Được Vua tin yêu, quận thần kính phục. Cuối đời hai anh em từ Quan, chỉ mang theo Tâm- Đức về quê “nơi đầu Rồng sông nước” sống đạm bạc, truyền dưỡng trí lớn cho đời sau. Tạ thế hai anh em được nhân dân trong vùng lập Đền Thờ truyền nhau Hương khói tại quê hương Lũng Động.
(ảnh tượng ba vị đại khoa họ Mạc trong hậu cung đền thờ Long Động)
Năm giáp thìn (1304) cũng từ gò đất đầu Rồng Lũng Động, Mạc Đĩnh Chi là cháu đời thứ 5 của Mạc Hiển Tích; Mới 20 tuổi thi đỗ Trạng Nguyên. Ra làm quan hơn 30 năm lien tục cho 4 đời Vua thời Nhà Trần. Từ nhỏ Mạc Đĩnh Chi đã nổi tiếng là người con hiếu thảo, thông minh, học giỏi, hiểu sâu biết rộng, đối đáp như thần. Lần thiết Triều đầu tiên; Vua Trần Anh Tông phải ngạc nhiên, vui mừng khôn xiết; Quan lại Triều Đình đều bái phục tài năng trình độ uyên bác của ông. Với tài cao, đức dầy, tấm lòng trung hiếu; Mạc Đĩnh Chi nổi tiếng là ông quan đại thần thanh liêm. Đã hai lần (1308 và 1324) làm đại sứ của Nhà Trần Đại Việt, sang Nhà Nguyên Trung Quốc. Bằng lời nói, bút pháp của ông: không chỉ ngăn bước Nam tiến của quân Nguyên, vun đắp tình hữu hảo của nhân dân hai nước. Mà còn làm rạng danh nước Đại Việt, khởi nguồn cho đường lối Ngoại Giao hòa hảo, giữ yên bờ cõi- chung sống hòa bình. Ông đã được Vua Nhà Nguyên khâm phục, phong làm Trạng Nguyên của Trung Quốc. Trở thành Lưỡng Quốc Trạng Nguyên năm 1308.
Cũng từ ấy, Lũng Động được cả nước gọi là “làng Đôi; làng Sách”, để chỉ một Họ trong một làng mà có: Huynh đệ đồng Triều; Ngũ đại tam Nguyên. Và địa danh trong vùng cũng được gọi là Phủ Nam Sách, chính là thị trấn Nam Sách ngày nay.
Khi từ quan; Ông về quê dựng nhà dậy học, làm nơi hàn huyên cùng các bậc thanh tao nho sỹ, quan lại tuổi già, tại thôn Linh Khê, xã Thanh Quang cách Lũng Động 5 km về phía Đông; Bởi nơi đây thuận đường đi, lối lại. Ông mất ngày 10 tháng 2 năm Bính Tuất (1346). Vua Trần Dụ Tông đã cho người về tổ chức Tang lễ, cấp tiền cho đân làng- dòng Tộc xây đền thờ Ông tại Lũng Động để người đời hương khói chi ân. Từ ấy làng Lũng Động có hai ngôi Đền; Một xây từ thời Nhà Lý, thờ Mạc Hiển Tích và Mạc Kiến Quan; Một xây thời Nhà Trần thờ Mạc Đĩnh Chi.
Nhà dậy học của Ông cũng được người đời tôn tạo, lưu giữ hàng 100 năm và đổi tên thành “Trạng Nguyên Cổ Đường”. Là một trong tám địa danh cảnh đẹp, cổ kính bậc nhất trong vùng thời bấy giờ; Được các bậc nho sỹ vịnh- tả thành thơ, tạc trên tấm bia đá lớn 4 mặt, Nay vẫn còn lưu giữ ở Linh Khê. qua nhiều biến cố của thời gian và lịch sử: Đất Lũng Động được phù sa bồi đắp, “Rồng” Lũng Động cũng theo nước về với biển Đông, Đền thờ, nhà cổ cũng chẳng còn…
Duy Ân Đức- Tiếng Thơm vẫn lưu truyền mãi mãi. Truyền thuyết trong họ nói rằng; Thầy Địa Lý chọn đất mai táng Mạc Đĩnh Chi có nói: “Rồng chìm- Vương nổi; Thất đại- có Vương”.
(Tượng đồng Mạc Đĩnh Chi trong đền thờ mới tu tạo)
Chẳng ai biết “Rồng” Lũng Động chìm từ bao giờ, nhưng đúng bẩy đời sau Mạc Đĩnh Chi; Xuất hiện Mạc Đăng Dung người gốc làng Lũng Động, cư trú ở làng Cổ Trai có tướng mạo khôi ngô, tuấn tú, sức khỏe phi thường, học một biết mười, đức dầy- tâm rộng, văn võ hơn người…Được truyền dụng làm Túc Vệ cho Vua nhà Lê. Chẳng bao lâu Mạc Đăng Dung được Vua tin yêu, quần thần kính phục. Là quan trung thần của ba đời Vua nhà Lê: Lê Oánh; Lê ý; Lê Cung Hoàng. Mạc Đăng Dung được phong đến tước Thái sư Nhân Quốc Công; Rồi đến An Hưng Vương. Ông đã mang hết tài năng, trí lực của mình dẹp giặc- cứu Vua, nhưng không thể cứu vãn nổi triều đại Lê sơ suy tàn đến cực điểm; triều đình bị nghịch thần thao túng, dân lành nổi loạn khắp nơi; Uy Vương, phép nước chẳng còn. Trong bối cảnh ấy; Vua Lê Cung Hoàng không còn sự lựa chọn nào khác, đành thuận theo ý trời- lòng dân. Giao cho Đông Các Đại Học Sỹ Nguyễn Văn Thái là Sử thần Triều Lê soạn Chiếu Nhường Ngôi.
Ngày 15 tháng 6 năm Đinh Hợi (1527) Vua Lê Cung Hoàng ban lệnh thiết Triều, tuyên Chiếu Nhường Ngôi cho Mạc Đăng Dung.
Mạc Đăng Dung phụng chỉ lên ngôi Hoàng Đế. (trùng hợp với truyền thuyết: Rồng chìm- Vương nổi; Thất đại- có Vương) Lập lên triều Mạc kéo dài 150 năm (1527- 1677) với mười hai đời Vua.
Thái Tổ Mạc Đăng Dung
Trong đó: có 6 đời Vua định Đô 65 năm ở Thăng Long (1527- 1592) , và 6 đời Vua cát cứ 85 năm ở Cao Bằng (1593- 1677).
Tâm Đức và phong cách của Hoàng Đế Mạc Đăng Dung đã ảnh hưởng, tác động đến tất cả các đời Vua của Triều Mạc là: Đắp bồi giang sơn gấm vóc, Đại Việt không có ngoại xâm.Dùng võ công mà định đoạt thiên hạ, lấy văn giáo để luyện nhân tài, mở thêm trường cho dân học chữ, ban học quy cổ vũ lòng người; Trau dồi nhân văn, thường xuyên khoa cử, tuyển kẻ sỹ, trọng hiền tài. Mở thêm Bến- Chợ- Bang giao, khuyến khích nông tang, công- thương phát triển; Trời Đất thuận lòng, trăm họ yên vui, đưa Đại Việt yên bình- thịnh vượng. Mở mang tái thiết Kinh Đô, xây mới Dương Kinh đông đô Nhà Mạc, xây Điện Sùng Đức trên đất Lũng Động để hương khói Tổ Tông…Tiếc thay; các đời Vua sau của Nhà Mạc không giữ nổi uy Vương- phép nước! Âu cũng là quy luật tất yếu, của một Vương triều thời phong kiến. Chỉ mong các nhà Sử học chân chính công tâm, minh bạch với lịch sử của đất nước, lịch sử của một Vương triều; Và thân thế sự nghiệp của các nhân vật lịch sử dầy công với nước, nặng đức với dân thời kỳ nhà Mạc. Đã và đang được người đời và dòng tộc Tạc Dạ Ghi Lòng như hai đôi câu đối ngày xưa để lại:
Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Danh Bất Hủ
Tam Hiền Long Động Phúc Trường Lưu.
*****
Long Động Văn Chương Quang Nhật Nguyệt
Cổ Trai Đế Nghiệp Tráng Sơn Hà.
Nhà Tiền Tế trong khu di tích Đền Thờ Mạc Đĩnh Chi ở Long Động.
Bài và ảnh Tháng 8 Năm 2012.
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.