Mùa Giáng sinh 2013. Hà Nội lạnh thấu Trời. Đạo diễn truyền hình Bùi Thị An Ninh rủ tôi về Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy- Hải Phòng cùng các con cháu dâu, rể họ Mạc (chuyển họ Bùi) dâng hương tạ từ đường triều Mạc.
Duyên kỳ ngộ. Trong từ đường, nơi phát tích triều Mạc khói hương linh diệu, trao tặng tôi cảm hứng đi tìm Tinh hoa triều Mạc.
Vương triều Mạc tồn tại trong lịch sử Việt Nam (1527- 1592). Từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Mậu Hợp truyền ngôi được năm đời thì mất, được 65 năm.
Con cháu nhà Mạc theo lời dạy của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm rút lên Cao bằng, kéo dài được đến năm 1677 mới bị diệt hẳn. Nhà Mạc tồn tại 150 năm.
Chúng ta đều biết đây là một chương bi thảm của trang sử Việt. Hai chế độ Lê – Trịnh và Mạc tranh giành quyền lực, gây nội chiến kéo dài, một mặt quỳ hàng vua quan nhà Minh bằng lễ vật tiến cống, một mặt thù hận, tiêu diệt nhau. Triều đại của vua Quỷ, vua Lợn. Bọn quyền gian độc ác, tàn bạo với người trong nước, lạy lụy xu phụ hèn hạ với người nước ngoài. Nhân dân chết đói vì mất mùa, mất nhà cửa vì loạn lạc, nội chiến triền miên, đồng ruộng bỏ hoang.
Vào giờ Ngọ ngày 15 tháng 6 năm Đinh Hợi 1527, thuận lẽ Trời, vua lê nhường ngôi cho Thái sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung, dũng khí hơn người, lập nhiều công lớn, bảo vệ triều đình Lê, trí đức bậc nhất trong triều.
Mạc Đăng Dung lập nên triều Mạc. Thái Tổ, Thái Tông Mạc đức lớn, trí cao “Dùng võ công mà định đoạt thiên hạ, lấy văn giáo để luyện nhân tài, mở thêm trường cho dân học chữ, ban học quy cổ vũ lòng người. Trau dồi nhân văn, mở khoa cử, trọng hiền tài”.
Triều Mạc thất thủ Thăng Long, hận thù tan tác, họ Mạc phải mai danh, ẩn tích đổi thành nhiều họ, nhưng vẫn để lại nhiều di sản Tinh hoa Văn hóa. Và dòng huyết thống chăng thể chia lìa. Đến năm 2010, nhờ linh thiêng Tiên tổ, hậu duệ tộc Mạc khắp nơi tụ hội, chung lòng đóng góp tiền của, trí đức, cùng Nhà nước xây dựng Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc uy nghi, hoành tráng tại nền cũ Dương Kinh xã Ngũ Đoan- Kiến Thụy- Hải Phòng.
Trong từ đường triều Mạc, gần bến sông xưa Mạc Đăng Dung đánh cá, tôi thành kính chiêm ngắm ảnh bức tượng đá hoa cương tạc Thái tổ Mạc Đăng Dung. Ngài hiền từ nhìn tôi như nhắn nhủ: “Thay Trời thuận Lê dựng Quốc triều/ Trời Nam nhà Mạc khá bền lâu/ Hơn bốn trăm năm khen chê mặc/ Sử sách ngàn năm chép Mạc triều”.
Đoàn chúng tôi thăm từ đường, gặp ông Hoàng Văn Kể (hậu duệ Mạc đổi họ Hoàng) nguyên phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, là linh hồn của hành trình tìm lại cha ông Mạc tộc. Ông đang họp Ban liên lạc họ Mạc, chuẩn bị xây thêm đền thờ Thánh Mẫu Mạc triều Vũ Thị Ngọc Toàn- Thái hậu của Mạc Đăng Dung tại từ đường Mạc triều, đón người vợ thảo hiền, trí dũng, thủy chung, đức hạnh, cùng chồng gánh vác giang san, về hợp bên chồng trong nhang khói và lễ hội Xuân Thu.
Trò chuyện với ông, tôi hơi ngạc nhiên vì ông là tiến sĩ kinh tế, học Nga về, nhiều năm làm quan tỉnh, mà vẫn có Tâm. Ông cảm nhận được những điều “ghi xương khắc cốt” về sự linh thiêng của các vua Mạc, trong cuộc đi tìm Tổ tiên Mạc.
Ông kể về những huyền tích linh thiêng, linh ứng trong khi xây dựng di tích như: phát lộ hai chum tiền cổ như linh báo “Cứ làm đi, tiền sẽ có”. “Hoàng xà hiện thân, Điềm lành động thổ”. “Thần báo mộng, sấm sét răn người lăng mộ xẻ đôi”. “Lái xe quên nhang khói, còn dại miệng, máy xúc đứng trơ trơ giữa công trường”. “Con cháu đồng tâm cáo thành đúng hạn- Bướm cụ ứng linh Tiên đế hạ sơn”. “Hậu thế thành tâm cầu siêu độ, linh ứng bát nhang bốc hỏa dương”. “Lão bà thành tâm tạ tội, nghịch nữ thoát tai ương”.
Ông Kể nói:
– Nhiều sự siêu linh thần bí, chính tôi cảm nhận được, như Liêu trai chí dị, Việt Điện u linh, Lĩnh Nam chích quái… Ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi và mọi người là “Huyền tích Định Nam Đao” của Mạc Thái Tổ, vật Thái bảo trên năm trăm tuổi, lưu giữ tại từ đượng họ Phạm (Mạc) ở xã Ngọc Tĩnh, Xuân Trường- Nam Định được dâng về thờ tại Đền tưởng niệm, trước tượng Mạc Thái Tổ linh nghiêm. Ở thời khắc an vị năm tượng vua dát vàng, yểm vàng, bầu trời hiện năm áng mây rồng vàng, do chính tôi chụp bằng điện thoại. Đó là “Linh ứng Thiên Vân cảnh” trên Thánh điện. Sự tích “Thần bảo hộ phật ý, Thạch bia Thần đạo khó dời” xuất hiện khi từ đường họ Mạc ở Cổ Trai được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng di tích cấp Quốc gia. Tấm bia đá đó là một trong những cổ vật, báu vật của triều Mạc được dân đem chôn giấu khi Trịnh Tùng mang quân về phá Dương Kinh. Năm 2004 bia phát lộ, sáu lần dân dùng ô- tô cáp kéo bia lên, lần nào cũng đứt cáp. Một cụ già đi ngang qua phán: “Bia đá này là Thần khí của triều Mạc, do Thổ Thần coi giữ, muốn vớt lên phải có nhời với Thần linh cho phải phép. Nếu không, người cả huyện đến cũng không kéo nổi bia lên đâu”. Dân làng đồng thuận với câu nói của cụ. Linh ứng mách bảo, ông Phạm Văn Đới Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy trực tiếp chỉ huy cuộc khai quật Thạch bia cử người sắm lễ tiền, vàng, hương, đăng, trầu, rượu, muối gạo, hoa quả… tự mình cẩn trọng thỉnh cầu: “Bản huyện không là người trong làng, nên không biết có Thần linh ngự ở đây, nay dâng chút lễ mọn xin được thỉnh lời, mong ngài đa lượng đại xá. Trục vớt thạch bia là việc Quốc gia, không thể dừng. Bản huyện thành tâm thỉnh lời, mong ngài cởi bỏ lực thiêng, phù hộ, độ trì, chung tay trợ giúp Quốc vụ mau thành. Bản huyện xin dâng lời trọng tạ”. Kính lễ xong, ông Đới bảo nối cáp lại, bia được kéo lên nhẹ nhàng trước lòng thành kính ngỡ ngàng của dân làng. Bia đá hiện đang được thờ tại từ đường Mạc triều.
(Sách Huyền tích Dương Kinh- Những giai thoại siêu linh Thần bí”)
Những chuyện thật, huyền bí, linh thiêng mà ông Kể chứng kiến, cảm nhận được còn nhiều lắm. Ông bảo có đủ thời gian, ông sẽ ghi lại cho con cháu hiểu thế nào là Tâm linh. Hào quang Tổ tiên.
Tôi nắm tay ông giữa không gian từ đường linh thiêng nói:
– Tổ tiên chọn những tâm hồn trong sáng của thế hệ chúng ta để hiển linh và giao sứ mệnh đi tìm Tinh hoa Việt, nếu mình không làm, thì con cháu sau này có thể bị thất lạc dòng chảy Tâm linh Tiên Rồng.
Bà Lương Thị Nga vợ ông Kể, níu tôi trò chuyện, làm tôi bị chậm lên ô- tô cùng đoàn. Bà bảo từ khi ông nghỉ hưu, dành hết thời gian, tâm sức cùng Mạc tộc làm tiếp cuộc hành trình đi tìm Tổ tiên, dòng họ mình. Nhiều việc ông phải làm, bà theo cùng nấu cơm, lái xe, bảo vệ cho chồng cuốc đất, bê gạch xây đền như “lão nông chi điền”.
Rời từ đường Mạc triều, gió nắng thênh thang dẫn chúng tôi về Đền tưởng niệm Vương triều Mạc trên nền Dương Kinh, cách từ đường vài cây số. Đoàn cung kính vào cổng, chúng tôi bất ngờ được đàn chim bồ câu rất đông, bay chụm rất đẹp, bay quanh Khu Đền chào đón. Ngắm đàn chim câu bay lượn hân hoan trên đầu mình, chúng tôi cảm nhận sự linh thiêng, Thần khí, Anh linh của ngôi đền thờ năm vị vua triều Mạc.
Thành kính dâng hương tri ân trước năm pho tượng tạc năm vua Mạc linh thiêng, chúng tôi hình dung rất rõ cuộc đời và sự nghiệp của năm vị vua triều Mạc, đã góp phần:
“Đất nước canh tân, trị thủy khai điền, nông tang trù phú, thợ thuyền tinh xảo, bến chợ, thị tứ mở mang, cảng thuyền buôn nhộn nhịp, danh thương Hợp Lễ, Chu Đậu, Bát Tràng gốm sứ đi khắp bốn phương, xã tắc trấn hưng, ngoài đường không nhặt của rơi, cổng ngoài đêm không phải đóng, thường được mưa to, trong cõi yên vui. Khi vận nước lâm nguy, bên trong phe phái giao tranh, giặc ngoài Bắc biên rình rập, dụng kế hoãn binh, cứu trăm họ tránh nạn binh đao, thoát cảnh nồi da nấu thịt. Nhưng rồi! Chinh chiến triền miên, vua trẻ kế vị đức chưa đầy, tài trí chưa cao, luật hưng vong sao tránh khỏi. Thăng Long thất thủ 1592…”
(Văn bia tưởng niệm triều Mạc)