- Đang online: 3
- Hôm qua: 434
- Tuần nay: 14108
- Tổng truy cập: 3,368,161
QUY ƯỚC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA MẠC TỘC THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
- 3026 lượt xem
MẠC TỘC VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
Số: 01/2012/QƯ-MTHP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hải Phòng, ngày 11 tháng 02 năm 2012
QUY ƯỚC
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA MẠC TỘC
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Lời nói đầu
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao !”, lời di ngôn khuôn vàng, thước ngọc của cha ông mãi mãi vang vọng, răn dạy cho hậu thế chúng ta, cách sống, cách làm người; chỉ ra kết quả từ sự đoàn kết, gắn bó và đùm bọc lấy nhau, tạo nên sức mạnh, để chống trả thiên tai, địch họa, để bảo vệ mình, mỗi khi gặp chuyện chẳng lành, khi cuộc sống của con người, sự vẹn toàn của non sông đất nước bị đe dọa .
Hôm nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, non sông đất nước, di ngôn bất hủ ấy quả là quý giá biết bao ! Để mọi người dân nước Việt, từ già đến trẻ, là gái hay trai, nông thôn hay thành thị, miền xuôi hay miền ngược, học cao hay thấp, giầu hay nghèo, đều có thể thấu hiểu được lời ông cha ta răn dạy, Bác Hồ đã khái quát cao lời di ngôn vàng ngọc trên cho thật gần gũi với tất cả mọi người: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công !”
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, con cháu hậu duệ tộc Mạc Việt Nam nói chung và tộc Mạc Hải Phòng cùng sát cánh bên nhau, đoàn kết trên dưới một lòng, phát huy truyền thống nhân hậu, nghĩa cử bao dung “Lá lành đùm lá rách”, sống xứng đáng với công đức của Tổ tiên, với gương sáng của cha ông, trong truyền thống hào hùng đấu tranh dựng nước và giữ nước; bằng hành động cụ thể và thiết thực, là: xây dựng các liên chi họ, chi họ và dòng họ vững mạnh, tham gia đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc.
Căn cứ Nghị quyết Đai hội Mạc tộc Việt Nam, đồng thời dựa trên tình hình, đặc điểm riêng của tộc họ Mạc – gốc Mạc thành phố Hải Phòng, đã thống nhất chung lòng tâm huyết, xây dựng Quy ước của dòng họ, thực hiện di ngôn của Tiên tổ – lời dậy của Bác Hồ, đoàn kết bên các dòng họ khác của tộc Việt, cùng ước nguyện xây dựng quê hương, non sông đất nước, ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn !
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Về từ và nghĩa trong Quy ước
Họ Mạc hay gốc Mạc đều được hiểu một nghĩa như nhau và cùng là một dòng tộc Mạc trong cộng đồng người Việt, mang huyết thống Mạc. Tộc Mạc được tập hợp từ những cá nhân, gia đình riêng lẻ hoặc sinh sống quần tụ bên nhau, có chung huyết thống Mạc, thành những chi họ trong các làng, xã (hoặc đơn vị hành chính tương đương) gọi là các chi họ Mạc – gốc Mạc.
Điều 2. Đặc thù riêng của dòng tộc họ Mạc Việt Nam
Do biến cố của lịch sử xã hội phong kiến, dòng họ huyết thống Mạc, hiện nay chỉ có một số rất ít chi họ vẫn giữ nguyên được tên họ Mạc, còn hầu hết các chi họ Mạc trên khắp mọi miền đất nước, đều phải mai danh ẩn tích dưới tên các họ khác để tồn tại và phát triển; thậm chí có chi họ phải lưu vong ở nước ngoài để sinh tồn; nhưng dấu tích Mạc vẫn còn lưu chứng ở gia phả dòng họ, từ đường, hoành phi, câu đối, văn bia, di ngôn và các hình thức lưu chứng khác.
Vậy nên, cộng đồng dòng họ Mạc còn được gọi là họ Mạc và gốc Mạc.
Điều 3. Khái niệm Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng
Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng là một tổ chức xã hội dòng tộc, gồm các cá nhân, gia đình, các chi họ Mạc – gốc Mạc của Hải Phòng, tự nguyện tham gia sinh hoạt dòng tộc, trên cơ sở tuân thủ Quy ước của Mạc tộc Hải Phòng.
Chương II
TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH
Điều 4. Tôn chỉ của Mạc tộc Hải Phòng
Mạc tộc Hải Phòng được quy tụ và thực hiện các hoạt động dòng họ, theo văn hoá truyền thống của các dòng họ tộc Việt; tuân thủ đường lối của Đảng, chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động theo Quy ước của Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng và những định hướng của Hội đồng Mạc tộc Việt Nam.
Điều 5. Mục đích hoạt động của Mạc tộc Hải Phòng
Mục đích hoạt động của Mạc tộc Hải Phòng nhằm: Tập hợp, đoàn kết mọi người họ Mạc – gốc Mạc, cùng chung tâm nguyện “Vấn tổ tầm tông”, hướng về cội nguồn, kết nối dòng họ, tri ân Tiên tổ; giáo dục các thế hệ sau về tình cảm và nhân cách, hiểu biết thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc; những truyền thống văn hoá tốt đẹp, những cống hiến to lớn cho quê hương, đất nước của các thế hệ cha ông trong dòng họ Mạc, gốc Mạc; không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp, vinh danh những gương sáng trong học tập, lao động và chiến đấu, cho thế hệ sau noi gương làm theo, để dòng họ trường tồn và không ngừng phát triển, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Chương III
TỔ CHỨC MẠC TỘC HẢI PHÒNG
Điều 6. Tổ chức của Mạc tộc Hải Phòng
Tổ chức các cấp của Mạc tộc Hải Phòng, gồm: Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng, Hội đồng Mạc tộc các địa phương (huyện, xã và tương đương) và Hội đồng gia tộc (Ban liên lạc hoặc trưởng họ) của các chi họ Mạc – gốc Mạc của thành phố Hải Phòng.
Điều 7. Tổ chức dòng họ ở các cấp hành chính
Tổ chức dòng họ Mạc – gốc Mạc ở các huyện, xã (hoặc cấp tương đương) là Hội đồng Mạc tộc cấp huyện, xã (và tương đương) và cấp cơ sở thôn làng là Hội đồng gia tộc các chi họ. Hội đồng Mạc tộc, (Ban liên lạc trưởng họ) của địa phương (huyện, xã và tương đương) do đại hội cấp đó bầu và miễn nhiệm. Tổ chức dòng họ cấp cơ sở của Mạc tộc thành phố Hải Phòng là Hội đồng gia tộc các chi họ Mạc – gốc Mạc tại thành phố Hải Phòng.
Điều 8. Ngày giỗ Tổ và theo giỗ của Mạc tộc Hải Phòng
Ngày giỗ Tổ hàng năm của Mạc tộc Hải Phòng là ngày giỗ Đức Thái tổ Nhân minh Cao Hoàng đế Mạc Đăng Dung, tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng (vào ngày 22 tháng 8 âm lịch).
Mạc tộc Hải Phòng có trách nhiệm theo giỗ Thủy tổ Hồng phúc Đại vương Mạc Hiển Tích, Viễn tổ Kiến thủy Khâm minh Văn Hoàng đế Mạc Đĩnh Chi, tại thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (vào ngày 10 tháng 2 âm lịch), theo thông báo của Mạc tộc địa phương nơi tổ chức cúng giỗ.
Chương IV
TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
Điều 9. Vị trí của Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng
1. Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng là tổ chức cao nhất của Mạc tộc Hải Phòng và là đại diện của Mạc tộc thành phố Hải Phòng. Nhiệm kỳ của Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng là 4 (bốn) năm.
2. Thành viên của Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng, gồm: Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc, các Phó Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc và các uỷ viên phụ trách các mặt công tác của Mạc tộc.
Điều 10. Vai trò của Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng
Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng là trung tâm điều hành, hướng dẫn, giao lưu, kết nối dòng họ, trao đổi thông tin liên lạc, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hoạt động của Mạc tộc Hải Phòng; thực hiện việc tổ chức Đại hội đại biểu Mạc tộc Hải Phòng. Thay mặt Mạc tộc Hải Phòng thực hiện việc đối nội và quan hệ với các tổ chức chính quyền Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp ở địa phương. Đồng thời thực hiện quan hệ đối ngoại trong các hoạt động của dòng họ với Hội đồng Mạc tộc Việt nam và các tỉnh bạn.
Điều 11. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng Mạc tộc
1. Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng hoạt động theo Quy ước của Mạc tộc Hải Phòng, trên cơ sở; làm việc trên nguyên tắc: Tự nguyện, đoàn kết, dân chủ, tập trung, quyết định theo đa số, phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tôn trọng tập quán, gia phong, trọng nghĩa, chí công vô tư, nhiệt tình, tâm huyết với dòng tộc; tuân thủ đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2. Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng có con dấu, có tài khoản, có địa điểm văn phòng để làm việc.
Chương V
CƠ CẤU TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG MẠC TỘC
Điều 12. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng Mạc tộc
1. Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng gồm: Thường trực Hội đồng Mạc tộc và các uỷ viên phụ trách các mặt công tác của Mạc tộc. Hội đồng Mạc tộc có các ban và các bộ phận chức năng (ban) giúp việc. Số lượng thành viên của Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng, tối thiểu là 9 người, do Đại hội đại biểu Mạc tộc thành phố Hải Phòng quyết định.
2. Các phiên họp của Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng, từ 2 – 3 lần trong năm, do Thường trực Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng đề nghị, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc quyết định và chủ trì phiên họp. Các phiên họp đột xuất do Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc trực tiếp triệu tập và chủ trì phiên họp.
Điều 13. Thường trực Hội đồng Mạc tộc
1. Thường trực Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng là cơ quan đầu não, giúp việc cho Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng. Thành viên của Thường trực Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng, gồm: Chủ tịch Hội đồng và các Phó Chủ tịch Hội đồng phụ trách các mặt công tác của Mạc tộc Hải Phòng.
2. Các phiên họp của Thường trực Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng, do các thành viên của Thường trực Hội đồng Mạc tộc đề nghị, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc quyết định và chủ trì các phiên họp.
Điều 14. Ban kiểm tra
1. Ban kiểm tra của Mạc tộc Hải Phòng là cơ quan giúp việc cho Mạc tộc thành phố Hải Phòng. Cơ cấu tổ chức của Ban, gồm: Trưởng ban, một phó trưởng ban và các uỷ viên giúp việc về nghiệp vụ chuyên môn. Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc là người trực tiếp điều hành Ban kiểm tra. Trưởng Ban kiểm tra chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả công việc của Ban trước Mạc tộc. Trưởng Ban kiểm tra hoàn toàn độc lập khi thực hành nhiệm vụ và được đề xuất trưng dụng người tham gia (nếu cần), báo cáo danh sách để Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc quyết định.
2. Nhiệm vụ Ban Kiểm tra của Mạc tộc thành phố Hải Phòng: Kiểm tra quá trình thực hiện nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng Mạc tộc; trình tự và kết quả hoạt động tài chính của Mạc tộc; làm rõ và báo cáo kết quả kiểm tra các vụ việc (nếu có) tại các phiên họp của Hội đồng Mạc tộc. Báo cáo kết quả công tác năm trước Hội đồng Mạc tộc và báo cáo nhiệm kỳ trước Đại hội đại biểu Mạc tộc thành phố Hải Phòng.
3. Nhiệm kỳ của Ban kiểm tra là 4 (bốn) năm (đồng nhiệm kỳ với Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng).
Điều 15. Các ban giúp việc của Hội đồng Mạc tộc
– Ban Khánh tiết – Tế lễ
– Ban Tài chính – Hậu cần
– Ban Văn hoá – Xã hội
– Ban Cố vấn
– Câu lạc bộ Doanh nhân Mạc tộc
– Văn phòng
Các ban chức năng giúp việc cho Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng thực hành những công việc cụ thể của Mạc tộc Hải Phòng. Mỗi ban có trưởng ban, phó trưởng ban và các thành viên giúp việc.
Điều 16. Ban Khánh tiết – Tế lễ
1. Cơ cấu tổ chức của Ban Khánh tiết – Tế lễ, gồm: Trưởng ban và một phó trưởng ban, cùng một số thành viên giúp việc.
2. Nhiệm vụ của Ban Khánh tiết – Tế lễ:
a) Đề xuất và dự thảo chương trình tổ chức thực hiện các ngày cúng giỗ Tiên tổ; xây dựng kế hoạch, chương trình tế lễ của Mạc tộc vào ngày giỗ của Mạc Thái tổ; các ngày lễ quan trọng khác của dòng tộc hoặc các ngày lễ của địa phương hay dòng họ khác mà Mạc tộc Hải Phòng cần phải tham gia.
b) Phối hợp với Mạc tộc Cổ Trai, chăm lo việc quản lý từ đường, mộ tổ; dâng hương các ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng, những ngày Tết và một số ngày tiết của năm.
c) Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Ban Khánh tiết – Tế lễ tại các kỳ họp của Hội đồng Mạc tộc.
Điều 17. Ban Tài chính – Hậu cần
1. Cơ cấu tổ chức của Ban Tài chính – Hậu cần, gồm: Trưởng ban, một phó trưởng ban và một số thành viên giúp việc, trong đó có kế toán và thủ quỹ của Hội đồng Mạc tộc.
2. Nhiệm vụ của Ban:
a) Tổ chức vận động tài trợ, công đức trong dòng tộc, ngoài xã hội và các nguồn huy động hợp pháp khác, để tạo nguồn kinh phí phục vụ việc thực hiện các công việc của Mạc tộc.
b) Tổ chức phục vụ hậu cần trong các ngày cúng giỗ hoặc các ngày, các việc khác của Mạc tộc thành phố Hải Phòng nếu có nhu cầu.
c) Mở sổ sách ghi chép, theo dõi thu chi hàng ngày, từng việc, rõ ràng, minh bạch. Báo cáo tình hình tài chính, kết quả thu, chi sau mỗi lần tổ chức lễ, giỗ hoặc những việc có chi tiêu lớn. Báo cáo định kỳ tại các kỳ họp của Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng. Lập dự toán kinh phí cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Mạc tộc hàng năm.
Điều 18. Ban Văn hoá – Xã hội
1. Cơ cấu tổ chức của Ban Văn hoá – Xã hội, gồm: Trưởng ban và một phó trưởng ban, cùng một số thành viên giúp việc.
2. Nhiệm vụ của Ban:
a) Phụ trách công tác thi đua khen thưởng của Mạc tộc Hải Phòng.
b) Xây dựng nếp sống văn hoá Mạc tộc; củng cố các đội tế lễ của các chi họ trong Mạc tộc Hải Phòng, sẵn sàng phục vụ tốt việc tế lễ của Mạc tộc. Xây dựng nội dung, chương trình văn hoá, văn nghệ phục vụ các ngày cúng giỗ hoặc các công việc khác của Mạc tộc Hải Phòng khi có nhu cầu.
c) Phụ trách Quỹ Khuyến học – Khuyến tài, Quỹ Bảo trợ – Xoá đói giảm nghèo của Mạc tộc. Xây dựng nội dung kế hoạch triển khai thực hiện hai quỹ, để kịp thời động viên các cháu học sinh vượt khó học giỏi; giúp đỡ các thành viên, gia đình trong dòng tộc gặp khó khăn về tinh thần, vật chất, với tấm lòng nhân ái “Lá lành đùm lá rách”, theo di huấn của tiền nhân “Giọt máu đào hơn ao nước lã”.
d) Định kỳ báo cáo tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao của Ban tại các phiên họp của Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng.
Điều 19. Ban Cố vấn của Hội đồng Mạc tộc
1. Cơ cấu tổ chức Ban Cố vấn của Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng, gồm: Trưởng ban và các uỷ viên. Các uỷ viên là những bậc cao niên, đã cống hiến nhiều công sức và trí tuệ, vun đắp nhiệt huyết cho con cháu hậu duệ, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết dòng tộc, từ các chi họ cơ sở, đến ban liên lạc và tới Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng hôm nay.
2. Nhiệm vụ của Ban: Tiếp nhận kế hoạch, nội dung chương trình, ý kiến đề xuất và các giải pháp của Hội đồng Mạc tộc, trong việc thực hiện nghị quyết của Mạc tộc thành phố, để có những phản biện hoặc tư vấn hữu ích, giúp Hội đồng Mạc tộc thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Điều 20. Câu lạc bộ Doanh nhân Mạc tộc
1. Câu lạc bộ Doanh nhân Mạc tộc thành phố Hải Phòng là một tổ chức tự nguyện, trực thuộc Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng. Tôn chỉ – Mục đích hoạt động của Câu lạc bộ Doanh nhân Mạc tộc là cùng ước nguyện: “Thành tâm tri ân Tiên tổ”.
2. Thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân Mạc tộc thành phố Hải Phòng, gồm: Con cháu, hậu duệ nội, ngoại, dâu, rể tộc họ Mạc – gốc Mạc của thành phố Hải Phòng và những doanh nhân khác có thiện cảm với Mạc tộc; là lãnh đạo hoặc tham gia điều hành các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh … tự nguyện cùng nhau hội tụ dưới “Ngọn cờ hiếu – nghĩa”, đoàn kết giúp nhau phát triển, khơi dựng tấm lòng “Tri ân Mạc tộc”, vun đắp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Vấn tổ tầm tông” của hậu duệ tộc Mạc, cùng tham gia thực hiện nghị quyết của Đại hội Mạc tộc thành phố Hải Phòng và phát huy truyền thống tốt đẹp của doanh nhân đất Việt.
3. Câu lạc bộ Doanh nhân Mạc tộc thành phố Hải Phòng có quy chế hoạt động riêng, do phiên họp toàn thể thành viên Câu lạc bộ thống nhất thông qua và bầu ra chủ tịch, các phó chủ tịch Câu lạc bộ. Nhiệm kỳ của chủ tịch, các phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Mạc tộc Hải Phòng là 4 (bốn) năm, (đồng nhiệm kỳ với Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng).
4. Định kỳ báo cáo tình hình và kết quả hoạt động của Câu lạc bộ Doanh nhân Mạc tộc trong các kỳ họp của Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng. Kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, doanh nhân giỏi, để phát động phong trào thi đua trong Câu lạc bộ. Báo cáo Mạc tộc Việt Nam vinh danh trong dòng tộc họ Mạc trên phạm vi cả nước.
Điều 21. Văn phòng của Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng
1. Cơ cấu tổ chức của Văn phòng, gồm: Chánh Văn phòng, một Phó Văn phòng và một số thành viên giúp việc.
2. Nhiệm vụ của Văn phòng:
a) Đảm nhận việc lưu chuyển, tiếp nhận các văn bản, vật phẩm … của Mạc tộc thành phố Hải Phòng với các cơ quan, đơn vị hữu quan; in ấn và phát hành tài liệu theo yêu cầu của Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng; tham mưu giúp Hội đồng Mạc tộc soạn thảo các văn bản, xây dựng các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện nghị quyết của Mạc tộc, cũng như những công việc thường ngày mà Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng giao.
b) Lưu trữ và quản lý hồ sơ của Mạc tộc thành phố Hải Phòng theo quy định về công tác văn thư lưu trữ của Nhà nước.
c) Quản lý con dấu của Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng, dấu chức danh của Chủ tịch và các phó chủ tịch Hội đồng Mạc tộc.
d) Chánh Văn phòng được khắc dấu chức danh và trong các trường hợp cho phép theo quy định, được ký thừa lệnh Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng.
Chương VI
CƠ CHẾ TỔ CHỨC VÀ THÙ LAO CÔNG TÁC
Điều 22. Cơ chế tổ chức Mạc tộc thành phố Hải Phòng
1. Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc thành phố và Ban Kiểm tra Mạc tộc Hải Phòng, do Đại hội đại biểu Mạc tộc thành phố Hải Phòng trực tiếp bầu và bãi miễn theo tỷ lệ quá bán của số đại biểu có mặt tại Đại hội, bằng hình thức biểu quyết công khai.
2. Phó Chủ tịch thường trực, các phó chủ tịch phụ trách các mặt công tác của Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng và trưởng các ban, bộ phận trực thuộc Hội đồng Mạc tộc, do Thường trực Hội đồng Mạc tộc giới thiệu, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc quyết định. Các phó trưởng ban và các thành viên giúp việc tại các ban, bộ phận trực thuộc Hội đồng Mạc tộc, do trưởng ban, bộ phận đề xuất, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc thành phố quyết định.
Sau mỗi nhiệm kỳ, tổ chức bộ máy sẽ được kiện toàn, phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ mới của Mạc tộc thành phố Hải Phòng.
3. Cơ chế tổ chức của Hội đồng Mạc tộc, gia tộc (hoặc Ban liên lạc) tại các liên chi họ hoặc chi họ Mạc – gốc Mạc ở huyện, xã, thôn (hoặc các cấp hành chính tương đương), do đại hội của cấp đó độc lập quyết định, trên cơ sở tham khảo ý kiến của Thường trực Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng.
Điều 23. Thù lao công việc tại Mạc tộc Hải Phòng
Các thành viên Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng làm việc trên cơ sở tín nhiệm, tự nguyện, không hưởng lương. Tiền thù lao hoặc các phụ cấp (nếu có) cho những công việc có tính đặc thù riêng thì tuỳ theo khả năng tài chính của Mạc tộc Hải Phòng, trong từng thời kỳ và do Thường trực Hội đồng Mạc tộc đề xuất, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng quyết định.
Chương VII
TÀI CHÍNH CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC
Điều 24. Nguồn tài chính của Mạc tộc Hải Phòng
1. Nguồn tài chính của Mạc tộc thành phố Hải Phòng được hình thành từ sự đóng góp, công đức và tài trợ của Câu lạc bộ Doanh nhân Mạc tộc thành phố Hải Phòng; sự đóng góp tự nguyện của các chi họ Mạc – gốc Mạc, của con cháu, hậu duệ nội, ngoại, dâu, rể tộc họ Mạc – gốc Mạc thành phố Hải Phòng;
2. Từ tài trợ và công đức của các doanh nhân, danh nhân; các tổ chức xã hội, đơn vị, cơ quan, chính quyền địa phương; các nhà hảo tâm trong nước và ở nước ngoài;
3. Công đức của các chi họ, của con cháu hậu duệ dòng tộc và khách thập phương trong dịp cúng giỗ Mạc Thái Tổ (22/8 âm lịch hàng năm);
4. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 25. Xuất sứ và bối cảnh hình thành Quy ước
Quy ước của Mạc tộc thành phố Hải Phòng, do Đại hội đại biểu Mạc tộc thành phố Hải Phòng lần thứ nhất thông qua. Trong quá trình thực hiện, nếu nội dung chưa đầy đủ hoặc có điều chưa phù hợp, sẽ được bổ sung, chỉnh sửa. Nội dung bổ sung, chỉnh sửa, do Thường trực Hội đồng Mạc tộc thành phố dự thảo và thông qua tại Đại hội đại biểu Mạc tộc thành phố Hải Phòng, nhiệm kỳ tiếp theo quyết định.
Điều 26. Tổ chức thực hiện Quy ước
1. Mọi thành viên họ Mạc và gốc Mạc của thành phố Hải Phòng, đều có trách nhiệm và bình đẳng trong việc thực hiện Quy ước của Mạc tộc thành phố Hải Phòng. Người có nhiều công sức đóng góp cho dòng họ, sẽ được tôn vinh, khen thưởng; người vi phạm, làm tổn hại thanh danh của dòng tộc, sẽ bị nhắc nhở, phê bình; người làm tổn thất tài sản phải bồi hoàn hoặc khiển trách theo mức độ vi phạm và hậu quả mà họ gây ra. Hình thức khen thưởng hoặc mức độ xử lý vi phạm do Hội đồng Thi đua khen thưởng hoặc Hội đồng Xử lý vi phạm của Mạc tộc thành phố đề nghị, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng quyết định.
2. Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc các cấp và Chủ tịch Hội đồng gia tộc, trưởng họ, có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, vận động mọi thành viên trong cộng đồng Mạc tộc, nơi mình phụ trách, thực hiện tốt Quy ước này.
3. Quy ước của Mạc tộc thành phố Hải Phòng gồm 8 chương, 26 điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2012 ./.
TM. HỘI ĐỒNG MẠC TỘC TP. HẢI PHÒNG
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG
(Đã ký)
TS. Hoàng Văn Kể
Viết bình luận
Tin liên quan
- DANH SÁCH HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM KHÓA II ( NHIỆM KỲ 2014 – 2020 )
- THÔNG BÁO SỐ 1 của HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM KHOÁ I
- HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG BỔ NHIỆM THƯ KÝ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP CLB DOANH NHÂN MẠC TỘC HP
- TIN THÀNH LẬP BAN LIÊN LẠC MẠC TỘC KHÁNH HÒA
- DANH SÁCH HỘI ĐỒNG MẠC TỘC TP HỒ CHÍ MINH
- LỜI KÊU GỌI “PHỤC HỒI TÊN GỌI HỌ MẠC”
- Bổ nhiệm bổ sung Phó Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc tỉnh Hải Dương Nhiệm kỳ 2010-2015
- NGHỊ QUYẾT PHIÊN HỌP HỘI ĐỒNG MTHP LẦN THỨ NHẤT
- Nghị quyết đại hội Mạc Tộc thành phố Hải Phòng lần thứ nhất
- SỰ RA ĐỜI VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.