- Đang online: 1
- Hôm qua: 401
- Tuần nay: 12111
- Tổng truy cập: 3,388,301
Phát hiện mới tư liệu bản đồ cổ về hai quần đảo Hoàng Sa
- 422 lượt xem
PGS.TS NGÔ ĐỨC THỌ
(Nguyên cán bộ Viện nghiên cứu Hán Nôm)
(ĐCSVN)- Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về căn cứ lịch sử, cơ quan chính phủ đã lưu giữ được hệ thống cứ liệu đầy đủ có niên đại từ thế kỷ thứ XV (Lê sơ) cho đến nay.
Tuy vậy việc sưu tầm phát hiện các tư liệu liên quan về vùng hải đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc Việt Nam là công việc mà nhiều người nghiên cứu trong và ngoài nước vẫn thường xuyên chú ý thực hiện. Mới đây tôi phát hiện được thêm một tài liệu là bằng chứng chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Trong bài viết này tôi nêu lên các tìm kiếm khảo cứu về tài liệu và bằng chứng ấy.
Trong khi nghiên cứu hệ thống bản đồ cổ biên vẽ về Hoàng Sa – Trường Sa tôi lưu ý muốn tìm thêm các cứ liệu về thời kỳ cuối Mạc – đầu Lê Trung hưng. Tôi chợt nhớ trên Tạp chí Xưa và Nay gần đây có đăng một bản đồ nước ta thời Mạc[1]. Tôi đã hỏi lại đồng nghiệp là PGS.TS Đinh Khắc Thuân là người đã sưu tầm giới thiệu bản đồ ấy và được anh Thuân cung cấp cho các bản sao chụp cuốn sách.
Đó là cuốn An Nam đồ chí 安南圖誌 của soạn giả Đặng Chung 鄧鐘. Sách này là Tập thứ nhất của bộ “Thiện bản tùng thư” do Bắc Bình Đồ thư quán (tức Thư viện Quốc gia Bắc Kinh nay) ấn hành trong khoảng năm 1930 bằng phương pháp in ảnh theo nguyên văn cổ thư. Trang tên sách ghi rõ “Căn cứ theo bản sao ở Thuật Cổ Đường của họ Tiền”. Thuật Cổ Đường là tên thư viện của Tiền Đại Hân – nhà khảo chứng học nổi tiếng đời Thanh. Họ tên soạn giả An Nam đồ chí được ghi cuối bài Tựa: Phân thủ Quảng Đông Quỳnh Nhai Phó Tổng binh Ôn Lăng Đặng Chung (Phó Tổng binh trấn thủ châu Quỳnh Nhai tỉnh Quảng Đông là Đặng Chung, người huyện Ôn Lăng).
Bài Tựa nói đại ý: tác giả ở đảo lâu ngày nhớ nhà, chỉ biết tu tập vũ bị. Mùa xuân năm nay (tức Vạn Lịch Mậu Thân, 1608) nhân việc dư đảng họ Mạc ở Giao di (chỉ An Nam) kéo sang đánh phá, châu thành cáo cấp, bèn lục tìm sách vở, tìm được bản An Nam quốc đồ và cuốn An Nam khảo của Diệp tướng quân. Người này trước làm quan ở phủ Đô hộ, từng soạn sách Bình Giao đồ thuyết, Việt thông chí v.v…Đó là mấy nguồn tham khảo chính để Đặng Chung soạn sách này. Sau đến An Nam đồ thuyết nói về sách bản đồ An Nam do người Trung Quốc biên soạn. Tờ cuối là bản đồ châu Vĩnh Yên (giáp trại Như Tích của Trung Quốc).
Qua tên sách, chủ nhân tàng thư, chức vụ của Đặng Chung – Phó tổng binh chỉ huy châu Quỳnh Nhai, tức huyện đảo Hải Nam ngày nay, chúng ta có thể biết đại thể An Nam đồ chí là một tập sách bản đồ có các khảo chú về toàn quốc và các địa phương của Việt Nam. Một nội dung như vậy là một tài liệu tham khảo sử địa học quan trọng mà giới nghiên cứu Việt Nam cả trong nước và quốc tế cho đến nay chưa từng trích dẫn hoặc biết tới. Niên đại soạn sách ghi sau bài tựa càng là một giá trị quý hiếm: Vạn Lịch Mậu Thân thanh minh nhật 萬曆戊申清明日.Vạn Lịch (1573-1620) là niên hiệu vua Minh Thần Tông, năm Mậu Thân Vạn Lịch là năm 1608, cách nay đúng 400 năm. Tiếp đến là AN NAM ĐỒ 安南圖.
Bản đồ vẽ theo phương pháp truyền thống, tức là ghi địa danh theo một tuyến bắt đầu từ đỉnh trang tiến từ trái sang phải (hoặc ngược lại), hết một khổ giấy, hoặc một khung cột quy ước thì lượn quay trở lại, do đó trên một trang giấy các địa danh như chồng nhau theo một trục đứng, vì thế chúng ta có thể thấy tên phủ Thanh Chương, Anh Đô của Nghệ An chồng ngay trên Ti thừa chính Thuận Hoá v.v…
Nghiên cứu cuốn sách bản đồ ày là cả một chuyện lớn, trong bài này tôi chỉ bàn đến duy nhất một địa danh là tên cửa biển Đại Truờng Sa, tuyệt đối không thiệp cập đến bất cứ một vấn đề hay thông tin nào khác của cuốn sách.
Để trình bày các chứng cứ, chúng tôi cho in nguyên văn AN NAM ĐỒ (xem ảnh 2) và trích phóng to một mảnh có vấn đề khảo sát để tiện theo dõi (ảnh 3). Ở mép dưới trang hai của bản đồ có vùng cửa biển có chữ trong khung đề là 大長沙海口ĐẠI TRƯỜNG SA HẢI KHẨU, đó là vấn đề chính tôi xét tới trong bài này (Độc giả có thể đọc rõ được 4 chữ Hán của nguyên văn)
AN NAM ĐỒ安南圖誌. Biản vẽ: Đặng Chung 鄧鐘(Phú Tổng binh trấn thủ châu Quỳnh Nhai tỉnh Quảng Đông)
|
大長沙海口ĐẠI TRƯỜNG SA HẢI KHẨU
I. Qua xem xét tra cứu, tôi xác định soạn giả cùng trong một vùng có 4 chỗ sai địa danh (3 sai 1 sót) (ảnh 2:cắt trích vùng có các địa danh được khảo sát)
a. Nhầm cả tên và địa điểm của phủ Tư Nghĩa: Trong khung cắt, ta thấy có địa danh đánh số 1 ghi là Tư Nghĩa 思義. Trên trục trái sang phải (tức từ nam ra bắc), có các địa điểm: Quảng Nam thừa chính (tức Thừa chính sứ ti), Thuận Hoá, rồi đến Tư Nghĩa思義 (phủ): Đời Hồ Hán Thương (1402) và thời thuộc Minh là đất Tư Châu và Nghĩa Châu phủ Thăng Hoa; Đời Lê Thánh Tông đặt phủ Tư Nghĩa gồm 3 huyện Nghĩa Giang, Bình Sơn và Mộ Hoa thuộc Quảng Nam thừa tuyên, đại thể là tương đương với phần lớn tỉnh Quảng Ngãi hiện nay. Thế mà An Nam đồ theo chiều từ phía nam ra lại đặt phủ Tư Nghĩa ở phía ngoài (bên phải) Thuận Hoá! Đó là một điều sai đã rất rõ ràng, có thể nói bất cứ ai hiểu biết địa danh lịch sử miền Trung Việt Nam đều có thể nhận biết. Ở vị trí tôi đánh số 1 đó phải là Tư Dung 思容, tên huyện đời Trần – Lê, hoặc Tư Khách 思客(đời Mạc kiêng huý chữ Dung, đổi là Tư Khách). Cửa biển ở huyện đó cũng gọi theo tên huyện là Cửa Tư Dung, hoặc Cửa Tư Khách, sau đổi là Cửa Tư Hiền, nay thuộc huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên – Huế, cách Huế 60 kim và cách Quảng Ngãi trên 200 km. Trên An Nam đồ của Đặng Chung, tên phủ Tư Nghĩa đáng phải đặt bên trái lị sở Quảng Nam thừa chính (chỗ có đánh dấu + ). Và vì nhầm Tư Nghĩa thành Tư Dung (đều có chữ Tư ) nên bản đồ cũng bỏ sót luôn tên huyện và tên cửa biển Tư Dung đáng phải ghi ở vị trí số 1 và số 2.
b. Đặt nhầm cả tên và địa điểm của Cửa Eo (tức cửa Thuận An):
Ở vị trí đánh số 2, nguyên văn đề:
“ 小女…海口 Tiểu nữ…hải khẩu”. Sau chữ “nữ” còn một chữ rất mờ, không đọc được. Tôi xét các cửa biển nước ta không có cửa nào tên là “Tiểu nữ…” cả. Sau khi tra cứu, tôi xác định chữ mờ đó là chữ “背 bối” (trên ảnh cũng còn vài nét mờ hợp với chữ bối). Bối là lưng, nói chung,- quả núi, quyển sách v.v… đều có lưng. Nhưng nói đến nhiều nhất vẫn là lưng người con gái, với thành ngữ: “Thắt đáy lưng Eo” quen thuộc. Chính xác ở vị trí số 2 đó tên Nôm người địa phương gọi là Cửa Eo. Tên cửa biển này có ghi hầu hết trên các bản cồ cổ Việt Nam. Từ năm 1904 nó bị xói lở mở rộng, tạo nên cử Thuận An ở Huế ngày nay.
Đến đây có thể xác định: Soạn giả Đặng Chung dịch tên cửa EO của Việt Nam thành chữ Hán là “ 小女背海口Tiểu nữ bối hải khẩu” là có thể hiểu được. Nếu đặt tên dịch ấy vào cửa sông Thuận Hoá (vị trí đánh số 3) thì hoàn toàn đúng, nhưng nhưng đặt Cửa Eo (Tiểu nữ bối hải khẩu) vào vị trí số 2 đã dẫn là điều chắc chắn nhầm thứ hai.
II. Đặng Chung (trong An Nam đồ) là người đầu tiên gọi vùng biển Cửa Eo là Cửa biển ĐẠI TRƯỜNG SA:
Do soạn giả An Nam đồ đặt nhầm tên phủ Tư Nghĩa (thuộc Quảng Nam) vào vị trí huyện Tư Dung (Thuận Hoá), lại không biết rằng tên cửa biển ấy cũng dùng chung tên huyện là Tư Dung, nên đã dịch và đặt nhầm tên Cửa Eo(dịch ra chữ Hán là “ 小女背海口Tiểu nữ bối hải khẩu” ) vào đó. Do cả dãy cửa biển của An Nam từ nam ra Bắc thiếu một cửa biển này không biết tên Việt gọi là gì. Vì lý do đó, Đặng Chung phải tìm biện pháp riêng của mình để ghi cho đủ hệ thống tên gọi các cửa biển của An Nam.
Truyền thống quốc tế có nhiều tiền lệ các nhà hàng hải trên hành trình nhiều khi đến những miền đất, sông biển xa lạ mà chưa từng có sách vở bản đồ nào nói tới, do đó họ lâm thời đặt ra một tên gọi nào đó để tiện ghi chép. Nhiều trường hợp dùng lâu thành chính thức. Ở đây ông Phó tổng binh đảo Hải Nam cũng lâm vào trường hợp như vậy. Nhưng Đặng Chung không thể lấy tên vùng biển mà Trung Hoa gọi là Nam Hải để đặt là “Nam Hải hải khẩu” được, vì ông Phó tổng binh hiểu rất rõ vùng biển tận cùng của Trung Hoa chỉ cách hòn đảo mà ông trấn thủ một khoảng không quá xa. Ông ta cũng không lấy tên Đông Hải (biển Đông) như người Việt thường gọi, nên soạn giả An Nam đồ đã ghi cửa biển ấy bằng một tên gọi theo sự hiểu biết của mình.
Vì là nhà quân sự thạo việc hoạ đồ, ông biết rõ từ chỗ cửa sông Thuận An nhìn hết tầm ra biển khơi thì tia rẽ quạt phía nam đến tận quần đảo Đại Trường Sa của An Nam (ảnh 4), cho nên Phó tổng binh Đặng Chung cho rằng ghi tên ĐẠI TRƯỜNG SA hải khẩu ở vị trí ấy là thích hợp nhất. Cửa biển là Đại Trường Sa hải khẩu, cả vùng biển có quần đảo Đại Trường Sa của An Nam là biển Đại Trường Sa (Đại Trường Sa hải).
Do lý giải được những vấn đề rất riêng biệt ở bản đồ của Đặng Chung, chúng ta có thể xác định:
a.Trước Đặng Chung (1608), tên Cửa biển Đại Trường Sa chưa từng có trong các thư tịch cổ của Trung Quốc. An Nam đồ chí là thư tịch bản đồ đầu tiên của Trung Quốc ghi tên cửa biển ĐẠI TRƯỜNG SA trong tờ bản đồ vẽ nước An Nam tức Việt Nam.
b.Do soạn giả An Nam đồ là người chỉ huy quân sự châu Quỳnh Nhai (tức huyện đảo Hải Nam), sách của Đặng Chung được coi là tương đối có thẩm quyền, các triều đại từ Minh đến Thanh đều thừa tiếp sử liệu của An Nam đồ, chính thức thừa nhận cửa biển Đaị Trường Sa hải khẩu là cửa biển để đi ra quần đảo Đại Trường Sa – Sau Đặng Chung người Trung Quốc bổ sung chi tiết thêm Tiểu Trường Sa hải khẩu cũng thuộc lãnh thổ và vùng biển thuộc Việt Nam là cửa biển đi ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Việc phát hiện, khảo sát, phân tích, chứng minh của tôi trên đây thiết nghĩ đã rất rõ ràng, có kèm theo ảnh chụp nguyên văn bản đồ và cách trích dẫn tham chiếu, từ đó đi đến xác định 2 điểm (a), (b) đã nêu trên.Chúng ta đồng thời có thể nói một cách tổng quát: Bất cứ vì lý do gì, việc một viên quan binh của nhà Minh giữ chức Phó Tổng binh châu Quỳnh Nhai (tức đảo Hải Nam) ghi tên Cửa biển ĐẠI TRƯỜNG SA của Việt Nam trên bản đồ An Nam chứng tỏ người Trung Hoa từ trước và từ triều Minh triều Thanh đều thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa là thuộc Việt Nam.
———————
[1] Tạp chí Xưa và Nay, số 113, tháng 2 năm 2002.
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.