Mạc Đĩnh Chi (1286-1350) tự là Tiết Phu, quê ở Hải Dương. Ông đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304) thời Trần Anh Tông khi chưa đầy 20 tuổi. Thời xưa, người được chấm đỗ thi Đình có khi còn phải vào yết kiến để vua xét dung mạo rồi mới quyết định cho đỗ hẳn hay không. Mạc Đĩnh Chi vào ra mắt, nhưng vì Vua Trần Anh Tông thấy tướng mạo ông xấu xí nên có ý không muốn cho đỗ trạng.
Ông làm bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Hoa sen trong giếng ngọc), ca ngợi sự cao quý của bông sen, tự ví mình với hoa quân tử. Vua đọc xong rất đẹp ý, bèn thuận cho ông đỗ Trạng nguyên. Ông làm quan trải qua ba đời vua: Anh Tông (1293-1313), Minh Tông (1314-1328), Hiến Tông (1329-1340), làm đến chức quan Thượng thư. Trong hành trình quan lộ của mình, Mạc Đĩnh Chi đã hai lần được cử đi sứ sang Trung Quốc, ông thường tỏ ra có tài hùng biện, dùng văn chương áp đảo triều thần nhà Nguyên, những câu ứng đối tài tình của ông được chép nhiều trong sách sử Trung Hoa. Đặc biệt, ông từng được vua Nguyên khen tặng là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.
Bức tượng Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi trong đền thờ ở thôn Long Động. Đền thờ Mạc Đĩnh Chi tại quê nhà. |
Theo nguồn tài liệu trên trang mạng Mactoc.com (trang của dòng họ Mạc) thì hành trình tìm về nguồn cội của hậu duệ Mạc Đĩnh Chi ở Cao Ly bắt đầu từ khá sớm. Trang mạng này viết, năm 1926, ông Sơn Sa Lê Khắc Hoà cho biết rằng, chính ông đã gặp hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi từ Cao Ly về Việt Nam trên một chuyến xe về phủ Khoái Châu (Hưng Yên), nhân dịp ông về thăm cha mẹ ở quê. Khi xe chạy đến gần Đình Dù thì ôtô hỏng máy, ông cùng với người Cao Ly vào nghỉ trong một lều tranh bên đường, đem giấy và bút chì ra bút đàm cùng nhau.
Ông Khắc Hoà miêu tả, người đó trạc ngoài bốn mươi, râu ba chỏm, trán hói, có vẻ thông minh xuất chúng, thái độ đĩnh đạc. Người đó kể rằng, ông là người Cao Ly nhưng vốn là dòng dõi của Mạc Đĩnh Chi, là cử nhân, thi đỗ từ năm 16 tuổi, làm quan tới chức quận trưởng. Bởi không chịu nổi cảnh áp bức của người Nhật nên ông từ quan về cố quốc, đi buôn sâm cho qua ngày tháng. Ông cũng khoe rằng, ông thuộc thế hệ nhánh trưởng, thân ở Cao Ly mà hồn ở Việt Nam. Cao Ly là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng đất Việt mới là quê cha đất tổ. Hồn thiêng sông núi đất Việt luôn luôn gọi ông trở về.
Ông Mạc Văn Kết – Trưởng tộc họ Mạc ở Long Động – bày tỏ mong muốn: Cách đây 400 năm, do những biến động của lịch sử, họ Mạc đã phải phiêu tán đi nhiều nơi. Chính trong giai đoạn này, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có một câu sấm để đời: “Tứ bách niên tiền chung phục thủy/Thập tam thế hậu, dị nhi đồng” (Bốn trăm năm trước, cuối cùng trở lại như ban đầu/Mười ba đời sau, khác biệt mà vẫn cùng chung).
Quả thực sau 400 năm sau, con cháu họ Mạc đã dần tìm về cội nguồn. Họ Mạc đã tổ chức được Đại hội lần thứ nhất họ Mạc trên toàn quốc quy tập được nhiều hậu duệ ở nhiều nơi trong cả nước. Thôn Long Động chính là nơi phát tích đầu tiên của dòng họ Mạc Việt Nam, đây cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Vì vậy, ông rất mong qua phương tiện thông tin đại chúng mời các hậu duệ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ở Hàn Quốc nói riêng và trên toàn thế giới nói chung về thăm lại cội nguồn.