- Đang online: 1
- Hôm qua: 960
- Tuần nay: 20721
- Tổng truy cập: 3,371,594
Kỷ niệm 472 năm ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung: Đồng lòng hướng về cội nguồn
- 172 lượt xem
Những ngày này, Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ hội kỷ niệm 472 năm ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung. Nhà chính điện, các công trình phụ trợ sáng rực màu đỏ của đèn lồng, rợp màu cờ hội. Đại hồng chung 1,5 tấn, lư hương thời Mạc, chiêng đồng đều sáng bừng cùng những kiến trúc chạm khắc sơn son thiếp vàng…
Tưng bừng lễ tiến vua
Ông Ngô Minh Khiêm, Trưởng Ban quản lý khu tưởng niệm các vua nhà Mạc cho biết: “Điểm nhấn lễ hội kỷ niệm 472 năm ngày mất Thái tổ Mạc Đăng Dung là Lễ tiến vua vào ngày 26-9 (tức 22-8 âm lịch). Từ muôn phương, con cháu họ Mạc, gốc Mạc tề tựu về đây, bái vị đức vua khai sáng triều Mạc. Họ dâng lên Thái tổ Mạc Đăng Dung và các vua nhà Mạc những vật phẩm đặc trưng vùng miền nơi sinh sống”.
Tượng voi, ngựa được đặt trong khuôn viên. |
Lễ hội bắt nguồn từ phong tục làng Cổ Trai. Thuở xưa, làng thờ vua Mạc Đăng Dung là Thành hoàng làng và tổ chức lễ hội vào ngày 22 – 8 âm lịch hằng năm (ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung). Vào ngày hội, mỗi họ trong làng đều dâng lễ vật gồm sản vật đặc trưng của địa phương, những món ăn chế biến từ tôm, cá dâng thành hoàng, tưởng nhớ đến thuở thiếu thời. Phần tế lễ ngày hội được các cụ cao tuổi, các chức dịch và hội tư văn đảm nhận. Trong ngày hội tưởng nhớ thành hoàng Mạc Đăng Dung ở Cổ Trai, dân làng Trà Phương nhân ngày hội này cũng tổ chức một đám rước kiệu của Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản từ Trà Phương sang Cổ Trai và ở lại cùng dự hội với người dân nơi đây. Từ khi có Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, lễ hội tiến vua được làm với quy mô lớn, con cháu họ Mạc trên toàn quốc cùng tề tựu về đây. Hiện Hội đồng Mạc tộc Việt Nam đang phân công công việc cụ thể cho các chi họ Mạc trên toàn quốc. Mỗi chi nhận một phần công việc để bảo đảm việc tế lễ, diễu rước trong ngày lễ tiến vua thành công. Trong các mâm lễ tiến vua có những vật phẩm lạ, đặc trưng như vải thiều, nhãn lồng của chi họ Mạc ở Hưng Yên, bánh gai, bánh đậu xanh của chi họ Mạc Hải Dương, bánh dày của chi họ Mạc Phú Thọ, “Mạc trà cung đình ẩm”, bưởi thơm Lâm Động, thuốc lào tiến vua của chi họ Mạc Hải Phòng, bưởi thanh trà của chi họ Mạc ở Huế, chuối ngự từ Hà Nam… BQL khu tưởng niệm các vua nhà Mạc gấp rút chuẩn bị lễ hội. Hơn 200 người được huy động luyện tập diễu rước theo kịch bản. Bài chúc văn ca ngợi công lao Mạc Thái tổ và các Tiên đế Vương triều Mạc được chuẩn bị công phu. Hằng ngày, đội văn nghệ luyện tập xướng ca với hai loại hình nghệ thuật diễn xướng được nhà Mạc coi trọng, phát triển ở Dương Kinh và Cao Bằng là chèo và hát then. Năm nay, việc tế lễ trong lễ tiến vua tổ chức bài bản hơn. Sau khi tế lễ Từ đường họ Mạc ở Cổ Trai, đoàn rước về khu tưởng niệm các vua nhà Mạc. Sau đó, mâm lễ vật của từng chi họ Mạc, gốc Mạc và 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đi theo đoàn tế lễ vào khu vực Thái miếu theo thứ tự tế lễ đăng ký ban tổ chức. Đoàn tế lễ mặc trang phục truyền thống dân tộc, đi trên nền nhạc dân tộc, đọc lời tế lễ trang trọng.
Ngoài phần tế lễ trang nghiêm, trong 3 ngày (từ 24 đến 26-9), tại khu tưởng niệm các vua nhà Mạc diễn ra phần hội với nhiều trò chơi dân gian. Điểm nhấn là giải đấu cờ tướng với sự tham gia của 32 kỳ thủ, thi đấu trong 3 ngày. Buổi tối có chương trình văn nghệ, hát chầu văn, ca trù của CLB dân gian khu tưởng niệm các vua nhà Mạc.
Nhiều hoạt động hướng về cội nguồn
Cùng với việc chuẩn bị cho lễ tiến vua, BQL khu tưởng niệm các vua nhà Mạc phối hợp với Trung tâm câu đối và hán nôm học Hải Phòng triển khai kế hoạch xây dựng “Thạch thư viên”, vườn thư pháp đá tại khu tưởng niệm các vua nhà Mạc. Vườn thư pháp đá sẽ ghi những câu ngạn ngữ, thành ngữ dân gian, những lời giáo huấn, răn dạy của thánh hiền, nhà tư tưởng, các lãnh tụ, nhà hiền triết. Mỗi bức thư pháp trên đá đều là một tác phẩm nghệ thuật với nét chữ rồng múa phượng bay. Hiện nay, BQL khu tưởng niệm các vua nhà Mạc đã làm nghiên bằng đá xanh nguyên khối nặng 7 tạ, rộng 80m2 và bút bằng đá cao 3 m, đồng thời vận động xã hội hóa để làm cây đá chủ, cây cảnh chủ và các bức thư pháp bằng đá. Ngay sau lễ kỷ niệm 472 năm ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung, BQL khu tưởng niệm các vua nhà Mạc sẽ khởi công xây dựng “Thạch thư viên”.
Cùng với đó, Hội đồng Mạc tộc Việt Nam đang vận động các chi họ Mạc, gốc Mạc tiếp tục đóng góp kinh phí tôn tạo quy mô lớn khu từ đường họ Mạc ở đất Cổ Trai. Nhân dịp kỷ niệm 472 năm ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung, Hội đồng Mạc tộc Việt Nam sẽ tiến hành nghi thức khánh thành nhà Thủ từ, cổng ngoài và đường vào từ đường họ Mạc, động thổ nhà thờ Thái mẫu Mạc triều.
Nhân dân và du khách dâng hương tại Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc. |
Với mục tiêu kết nối những người trẻ tuổi họ Mạc, gốc Mạc trên cộng đồng mạng xã hội, định hướng cho họ về truyền thống lịch sử dân tộc, ngày 21-9, tại Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc đã diễn ra buổi họp mặt offline lần đầu của các thành viên trong Gia tộc họ Mạc và Hội những người yêu họ Mạc. Chương trình “Offline Mạc tộc” lần thứ nhất diễn ra trong không khí đầm ấm, thu hút sự tham gia của 40 bạn trẻ đến từ các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh…Các bạn trẻ được nghe nhà sử học Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch hội sử học Hải Phòng nói chuyện về lịch sử nhà Mạc, nghe BQL di tích giới thiệu về quá trình xây dựng khu tưởng niệm các vua nhà Mạc; Nhà thư pháp Lê Thiên Lý, Giám đốc trung tâm Câu đối –Hán nôm học Hải Phòng tặng chữ thư pháp. Chương trình đã phần nào đáp ứng được nhu cầu cần giao lưu trao đổi, hướng về lịch sử, về nguồn cội của thế hệ trẻ họ Mạc.
Hoàng Yên
Viết bình luận
Tin liên quan
- ĐIỀU LỆ SỐ 01/NQ-HĐMTVN VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐMTVN
- NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-HĐMTVN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẠC TỘC VIỆT NAM KHÓA IV, NHIỆM KỲ 2024 – 2029
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẠC TỘC VIỆT NAM DIỄN RA THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP
- HĐMT HẢI DƯƠNG DỰ LỄ KHÁNH THÀNH HỌ PHẠM GỐC MẠC KIM BẢNG, HÀ NAM
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC LỄ KẾT NẠP HỘI VIÊN MỚI
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC TRAO THƯỞNG QUỸ KHUYẾN HỌC KHUYẾN TÀI MẠC ĐĨNH CHI CHO CÁC CHÁU CÓ THÀNH TÍCH TRONG HỌC TẬP NĂM HỌC 2023-2024
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- HỘI KIẾN SONG PHƯƠNG HĐMT HẢI PHÒNG – CÁC DOANH NHÂN TRONG ĐOÀN KHÁCH DL TRUNG QUỐC VỀ THĂM ĐỀN THỜ CÁC VUA TRIỀU MẠC (TỪ ĐƯỜNG HỌ MẠC) TẠI NGŨ ĐOAN, KIẾN THỤY, HP 29.12.2023.
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.