- Đang online: 3
- Hôm qua: 999
- Tuần nay: 20889
- Tổng truy cập: 3,371,633
Kể về di tích Chùa Hương và một bài thơ hay
- 217 lượt xem
Kể về di tích Chùa Hương và một bài thơ hay:
Cô hái mơ của Nguyễn Bính
Trong chuyến công tác xuống Quảng Ninh tháng 5 vừa qua, sau một ngày làm việc công việc tiến triển tốt, anh bạn là Giám đốc Trung tâm xuất nhập khẩu có mời chúng tôi ăn trưa, quán ăn trên biển vừa thơ mộng vừa mát mẻ. Nhìn những ngọn núi đá nhấp nhô trên vịnh Bái Tử Long và xa hơn một tý là Vịnh Hạ Long. Sau công việc chuyên môn, các bạn có hỏi tôi về khu du lịch thắng cảnh chùa Hương Tích ( chả là quê tôi ở Hà Tây cũ). Tôi bảo: Nếu nói về thắng cảnh chùa Hương thì báo chí, sách vở đã nói nhiều, cũng có người đã ví von “ Chùa Hương như một vịnh Hạ Long trên cạn”.
Chùa Hương là một quần thể di tích văn hóa tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật và các ngôi đền thờ thần. Trung tâm của chùa nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, nằm bên bờ phải của sông Đáy. Trung tâm chính của chùa nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Chùa được xây dựng với quy mô lớn từ thế kỷ 17. Từ trên đi xuống hang gồm 120 bậc đá. Trên vách động chính có 5 chữ đại tự “ Nam Thiên đệ nhất động” khắc năm 1770, là bút tích của chúa Trịnh Sâm. Ở trong động chính có rất nhiều nhũ đá tạo dáng lên những hình ảnh mô phỏng như: Đụn Gạo, Núi Cô, Núi Cậu, Cây Bạc, Cây Vàng. Trên trần động thạch nhũ còn nhô thành hình chín đầu rồng sinh động gọi là tòa Cửu Long. Đặc biệt trong hệ thống chùa ở Hương Sơn là có pho tượng Phật Quan Âm bằng đá xanh được tạc vào thời Tây Sơn, tượng có dáng hình rất đẹp, nét mặt thanh tú, đầu đội mũ tì lư. Trong động còn có quả chuông đồng cao 1,24 m, đường kính đáy 0,63m, được đúc năm Thịnh Đức thứ 3 (1655).
Để nhớ lại một di tích lịch sử của quê mình, tôi chỉ muốn kể cho các bạn nghe đôi chút về địa danh này và cũng kể về một kỷ niệm gắn liền với bài thơ nổi tiếng của nhà thơ đồng quê Nguyễn Bính, bài thơ “ Cô hái mơ”. Sau đây là chuyện của tôi :
Vào khoảng đầu tháng hai âm lịch năm Nhâm Tuất (1982) tôi được cơ quan cho đi nghỉ điều dưỡng ở Viện điều dưỡng Quế Võ. Thời gian nghỉ là mười ngày, trong đó có ba ngày được đi chơi chùa Hương. Buổi chiều ngày thứ nhất tôi đi chùa Trong, chiều ngày thứ hai tôi đi chùa Hinh Bồng. Chùa được dựng trên đỉnh núi cao, người hành hương lên chùa gian khổ lắm, nhiều người phải bỏ cuộc, tôi nhìn thấy rất nhiều cụ già vừa đi vừa niệm Phật. Đường lên rất hiểm trở, mũi của người phía sau chấm giầy của người phía trước. Vì có quyết tâm nên tôi và một số bạn cũng lên được tận chùa, thắp hương lễ Phật xong thì trời đã về chiều, tôi xuống núi. Một mình nhẩn nha vừa đi vừa ngắm cảnh, khí trời về chiều lành lạnh, dạo ấy người đi chùa vắng lắm. Tôi cứ đi, thế rồi không hiểu sao mà lại bị lạc vào một khu rừng cây cối xanh um, nhìn lên cây thì hóa ra đây là khu rừng mơ, một thung lũng xung quanh toàn núi đá, nhiều cây mơ già cổ thụ, nỗi sợ hãi tự nhiên chợt đến mà không biết được lối về. Mãi đến lúc trời gần tối hẳn mới gặp được một cô gái đi hái củi, cô chỉ cho tôi lối ra, nhìn lên cây mơ thấy quả mơ đã to đậm hơn hạt lạc, lá mơ già còn lại trên cây thỉnh thoảng lại rụng, không gian tĩnh mịch lạ thường như nghe được cả tiếng lá rơi, tôi nghĩ chắc là mơ sắp vào giai đoạn chín. Tình cờ ở trong không gian này tôi sực nhớ đến bài thơ nổi tiếng của thi sỹ đồng quê Nguyễn Bính vậy nên tôi xin chép cả ra đây để bạn đọc cùng thưởng thức.
Cô hái mơ
Thơ Nguyễn Bính
Thơ thẩn đường chiều một khách thơ
Say nhìn xa rặng núi xanh lơ
Khí trời lặng lẽ mà trong trẻo
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ
Hỡi cô con gái hái mơ già
Cô chửa về ư, đường thì xa
Mà ánh chiều hôm dần vụt tắt
Hay cô ở lại về cùng ta
Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát hương thơm
Cô hái mơ ơi, cô gái ơi
Chẳng trả lời nhau lấy một lời
Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi !
Đỗ Phủ và bài thơ KHÚC GIANG
Một số bạn đọc của trang Mactoc.com, sau khi đọc bài tôi viết giới thiệu bài thơ Hoàng Hạc Lâu của nhà thơ Thôi Hiệu đã điện cho tôi hỏi : “ Tôi nghe nói nhà thơ Đỗ Phủ cũng là một người làm thơ nổi tiếng đời nhà Đường, anh có biết gì về thân thế và bài thơ nổi tiếng của ông mà đã được Bác Hồ trích thơ để ghi vào trong bản di chúc của Người năm 1969 không ?”
Tôi xin cảm ơn các bạn đã quan tâm, đề tài các bạn hỏi thì rộng lớn, sự hiểu biết của tôi còn nông cạn với lại khuôn khổ của trang Văn học có hạn nên tôi chỉ nêu một số chi tiết và xin trích phần II trong bài thơ Khúc Giang nổi tiếng của nhà thơ Đỗ Phủ để các bạn đọc thưởng thức.
Trước hết nói về nhà thơ Đỗ Phủ, ông sinh năm 712 mất năm 770. Xuất thân từ một gia đình quan lại nhỏ, thuở bé ông rất chăm học và đã làm được thơ. Để gây thanh thế cho mình trước khi bước lên vũ đài chính trị, năm hai mươi tuổi ông đi du lịch đến các tỉnh Chiết Giang, Giang Tô. Năm hai mươi bốn tuổi, thi tiến sỹ ở Lạc dương, không đỗ. Mười năm sau vua Đường Minh Hoàng mở khoa thi đặc biệt lấy thêm nhân tài, Đỗ Phủ lại ứng thí. Nhưng tể tướng Lý Lâm-phủ đánh hỏng tất cả không để sót một ai. Không có chỗ nương tựa, nhà thơ sống lang thang hết nơi này đến nơi khác. Đầu xuân năm 751 ông trở lại Trường An và dâng lên vua bài Tam đại lễ phú nhân dịp Đường Minh Hoàng tổ chức ba cuộc thi lớn, mặc dù tác phẩm được nhà vua tán thưởng nhưng ông chỉ được ghi tên vào Viện Tập Hiền, chờ dịp bổ nhiệm. Quá cùng cực ông lại đi lang thang, mãi đến năm 755 ông mới được bổ đi giữ một chức quan nhỏ. Những năm tiếp theo của đời ông là vào những năm tháng loạn lạc, khi được làm quan thì lại bị bọn loạn thần công kích phải bỏ chức quan. Năm 764 một người bạn thân là Nghiêm Vũ làm Tổng đốc tỉnh Tứ Xuyên mời ông tới làm giúp việc, nhưng năm 765 Nghiêm Vũ chết, Đỗ Phủ lại trở lại cuộc đời lưu lãng, đi hết châu ( huyện) này đến châu khác và đến năm 770 thì mất trên một chiếc thuyền rách nát từ Đàm- châu trẩy Nhạc Dương. Đời sống cơ cực của Đỗ Phủ và nhân dân Trung Quốc qua những năm loạn lạc là một kho đề tài vô tận được thể hiện trong ngót 1.400 bài thơ của ông trong đó hàng trăm bài là kiệt tác. Đó là những mẫu mực của thơ ca hiện thực phê phán về sau được Bạch Cư dị và phái Tân nhạc phủ noi theo. Có một nhà phê bình văn học Trung quốc đã nói về ông như sau: “ Đỗ Phủ đọc hết các sách, làm thơ giỏi, mênh mông, bát ngát, đủ cả muôn hình vạn trạng” Tưởng như thế cũng đã đánh giá được phần nào nhà thơ hiện thực lớn nhất của Trung quốc từ xưa đến nay. Với Đỗ Phủ, kết thúc thời kỳ Thịnh Đường.
Sau đây tôi xin giới thiệu phần II của bài thơ Khúc Giang ( Sông khúc) của tác giả Đỗ Phủ. Nội dung bài thơ như sau:
SÔNG KHÚC
Triều hồi, nhật nhật điển xuân y,
Mỗi nhật giang đầu tận túy qui.
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu,
Nhân sinh thất thập cổ lai hi.
Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện,
Điểm thủy thanh đình khoản khoản phi.
Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển,
Tạm thời tương thưởng mạc tương vi.
Dịch nghĩa:
Ở triều đình về, ngày ngày đem cầm áo xuân,
Mỗi buổi, uống thật say ở bến sông rồi mới về.
Nợ rượu thường thường đến đâu cũng mắc,
Người đời xưa nay ít được tuổi bảy mươi.
Bươm bướm luồn hoa thấp thoáng hiện,
Chuồn chuồn chấm nước dập dìu bay.
Nhắn cho: phong cảnh đều thay đổi,
Hãy tạm cùng nhau thưởng ngoạn, đừng phụ phàng.
Dịch thơ:
Khỏi bệ vua ra cố áo hoài,
Bến sông say khướt, tối lần mai.
Nợ tiền mua rượu đâu không thế?
Sống bảy mươi năm đã mấy người?
Bươm bướm luồn hoa phơ phất lượn,
Chuồn chuồn rỡn nước lửng lơ chơi.
Nhắn cho quang cảnh thường thay đổi,
Tạm chút chơi xuân kẻo nửa hoài.
TẢN ĐÀ
Nguyễn Quang Tình biên tập và giới thiệu
“MỐT THỜI THƯỢNG” ?
Mấy năm gần đây ở Hà Nội và một số địa phương lân cận có một số thứ “Mốt” lạ và có vẻ hơi kỳ quặc.
Thứ nhất. Điện thoại di động. Ai cũng cảm thấy thuận lợi và biết ơn nền khoa học kỹ thuật tiên tiến đã mang đến cho cuộc sống sự tiện ích bởi sự liên lạc không giới hạn. Cái lợi thì ai cũng đã biết, song cái bất lợi và bất tiện thì cũng có nhiều điểm phải bàn. Nhiều người đã dùng điện thoại di động để chửi nhau, nhắn tin và xúc phạm nhân phẩm của nhau, quấy rối cuộc sống sinh hoạt và riêng tư của người khác … kể thì mãi cũng không thể hết được. Nhiều người cho rằng điện thoại di động chơi để thể hiện đẳng cấp, có cái dùng để liên lạc bình thường cho người lao động với mục đích chỉ để liên lạc thì chỉ có giá một vài trăm nghìn đồng. Song cũng có cái gọi là hàng độc, hàng xách tay, hàng thủ công gắn đá quý có giá trị đến hàng trăm triệu đồng. Người ta đeo vào thắt lưng, người thì treo vào cổ, người thì bỏ vào các túi quần, túi áo có từ hai đến bốn chiếc, thậm chí có người dùng đồng thời một lúc những sáu chiếc một lúc. Khi liên lạc thì có người vừa đi vừa nói, đang lái ô tô cũng nói, đi xe máy cũng nói, có người lại còn sành điệu đến mức một tay cầm lái, mắt thì nhìn vào điện thoại và dành một tay để bấm vào phím nhắn tin. Có người đã phải trả giá quá đắt bằng chính tính mạng của mình khi vừa đi xe máy vừa sử dụng điện thoại di động. Trong một sô cuộc họp, học tập quan trọng, người chủ tọa đã yêu cầu mọi người tắt điện thoại hoặc để chế độ rung để khỏi ảnh hưởng đến người khác nhưng để tỏ vẻ sành điệu, có một số người cài đặt chuông báo với đủ các loại âm thanh như tiếng gà gáy te te, chỏ sủa nhăng nhẳng, tiếng phanh xe ô tô cực gấp rít đến rợn người. Thậm chí có những chính khách hẳn hoi lên trao phần thưởng mà cứ kè kè bên sườn một chiếc điện thoại to bằng bàn tay, đang phát biểu hoặc trao quà có tiếng chuông reo lại lấy điện thoại ra trả lời tại chỗ, người được chứng kiến thì cảm thấy ngượng hoặc xấu hổ lây sang cả mình. Một sô nam thanh, nữ tú bây giờ ra đường là đeo vào hai tai hai chiếc tai nghe, chẳng hiểu họ nói gì, nghe gì mà sang đường không chú ý gì đến xe cộ, cứ để mắt ở đâu mặc cho ô tô, xe máy cứ lao vun vút ! Ngồi trên xe ô tô cộng cộng thoải mái nói chuyện yêu đương, thậm chí bầy tỏ cả sự hờn ghen, cãi vã thật to hơn phát thanh viên đài VOV- 91 mê ga héc hướng dẫn giao thông. Có lúc còn vừa nói vừa nói vừa cười, vung chân, múa tay cứ như ở chốn không người ? Nếu người khác không hiểu thì tưởng rằng cái người vừa đi vừa nói, vừa cười ở trên đường kia có lẽ thần kinh không bình thường ? Biết bao nhiêu sự : sung sướng – vui vẻ – đau khổ- nghi ngờ như ngày xưa các cụ đã tổng kết “ Hỷ, nộ, ái, ố” hiện nay đều nằm trong chiếc điện thoại di động. Vậy nên người viết chỉ nêu một số chi tiết nhỏ để mọi người cùng luận bàn.
Thứ hai “ Mốt đeo khẩu trang” Sau cái vụ dịch SÁT, dịch cúm … tất cả mọi người được khuyến cáo là hãy đeo khẩu trang khi ra đường hoặc đi đến công sở để phòng tránh lây nhiễm. Sau các đợt dịch kết thúc, chiếc khẩu trang hiện giờ đã trở thành vật “ bất ly thân” của một số người. Đi trên đường phố vào những ngày nắng thì bụi, ngày rét thì lạnh, xe cộ đông khói bụi đậm đặc thì việc đeo khẩu trang là cần thiết, đặc biệt cần thiết. Nhưng việc sử dụng thế nào thì cũng có điều phải bàn như học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức đi xe buýt vé tháng mà khi lên xe cứ đeo sùm sụp một cái khẩu trang kín hết cả mặt đến mũi, giơ vội cái vé tháng rồi cất vội vào túi thì người phụ xe có tài giỏi đến mấy cũng không thể nào nhận dạng nổi. Khẩu trang cũng đủ loại, cái thì nhỏ, cái thì to, có cái lại còn kéo dài ra hai bên tai như trẻ con đóng kịch ở lớp mẫu giáo. Trong ngày đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội tổ chức tại quảng trường Ba Đình sáng ngày 10/10/2010 ở khán đài khu vực dành cho đại biểu mời phía bên phải nhìn từ dưới lên có một nữ đại biểu đeo khẩu trang nhìn xuống đoàn duyệt binh. Cả một đoàn quân đi nghiêm trang ngoảnh mặt lên chào đoàn chủ tịch và các đại biểu, vậy mà người được chào lại đeo khẩu trang, chẳng lẽ người ấy quên hay là có tính cẩn thận một cách thái quá ! Một hình ảnh mà người được chứng kiến qua màn hình trực tiếp thấy hết sức phản cảm ?
Thứ ba “ Mốt đeo chìa khóa”. Các đại gia, các vị đàn ông là cán bộ, viên chức, nhà kinh doanh, lái xe cho sếp … dạo này ra đường cứ đeo lủng lẳng bên sườn một đùm chìa khóa, ít thì vài ba cái, nhiều thì hàng chục thậm chí mười lăm đến hai mươi cái. Chìa khóa càng dài, càng nhiều khía cạnh càng thể hiện đẳng cấp như ta là người có ô tô riêng đời mới, ta là người quan trọng được nắm giữ nhiều tài sản của nhà riêng và cơ quan. Khi đi đường, khi đi họp lúc nào cũng kè kè bên mình một xâu kim loại, nào móc khóa to, chìa khóa lớn, bé, dài, ngắn thậm chí cả chiếc đót giày bằng I nốc cũng được gài cả vào cho đồng bộ.
Một mẫu người đàn ông hiện nay khi ra đường thì bên sườn trái là chiếc điện thoại di động cỡ to, bên phải thì treo một đùm chìa khóa, mặt thì được bao phủ bởi chiếc khẩu trang chỉ còn hở đôi con mắt.
Một mẫu người hiện đại, phải chăng với các mốt thời thượng như đã sơ bộ kể trên. Chắc còn nhiều điểm phải bàn, tôi mạnh dạn nêu lên để mọi người cùng trao đổi tiếp.
Nguyễn Quang Tình
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.