- Đang online: 1
- Hôm qua: 1218
- Tuần nay: 37079
- Tổng truy cập: 3,470,906
ĐỊNH MỆNH (tiếp theo)
- 485 lượt xem
ĐỊNH MỆNH (tiếp theo)
Chương Hai
Ghi về năm 1541
Ngày …tháng …năm 1641
Thế là người bạn vong niên của ta cũng đã về cõi gần mười năm rồi. Ta không oán trách gì Trạng Trình. Ông đã hết lòng với sự nghiệp của ta, đã chỉ cho con cháu ta cái vùng đất có thể dung thân 85 năm nữa. Thi thoảng ông có ghé thăm. Ông không có nhiều thì giờ. Trên trần mời ông dự nhiều đám tế. Cánh văn nhân lại hay bù khú bắt ông uống quá nhiều, lại có nhiều các nhóm thơ của làng xã đón rước ông. Nhưng ông cũng là người cố chấp. Ông bất đồng với ta về việc đúc tiền, có thể do ông bức xúc vì bọn thương gia, quan lại nhờ buôn bán mà giàu có, ăn chơi nghênh ngang coi thường học hành chữ nghĩa. Chỗ này thì ông chưa hiểu ta nước muốn giàu thì phải buôn bán phải có nhiều tiền. Muốn buôn bán giỏi cũng phải có người tài buôn bán, cũng phải coi trọng họ như các nhà nho vậy. Ông đã vô tình làm ta tổn thương khi ông bỏ về quê ở ẩn làm cho các đại thần hăng hái của ta xao xuyến.
Bước sang năm ấy ta thấy sức khỏe mỗi ngày một sa sút. Trong vòng mười năm ta đã phải chịu đựng những cái hạn kinh khủng. Thật là kinh khủng. Mẹ mất, con giai trưởng Mạc Đăng Doanh mất trên ngôi, vợ mất. Gánh nặng non sông xã tắc đè nặng hai vai ta. Nỗi ô nhục hiểu lầm của người đời dày vò ta. Mối đe dọa từ Thanh Hoa ám ảnh ta. Bệnh tật như lũ cá mương thi nhau rỉa rói ta.
Ngày …tháng…năm 1641
Ta rời cõi trần đã được 100 năm. Chà nếu triều đại của ta được 100 năm bình yên. Thực ra ta chỉ được có chưa đầy mười năm bình yên. Khi năm 1533 nghe tin bọn Nguyễn Kim Trịnh Kiểm dựng Lê Trang Tông lên ngôi ở Sầm Châu lẽ ra ta phải đưa quân sang trừ diệt.
Thế kỷ trước nhà Lê đã từng đưa quân sang đánh Trấn Ninh trừng trị tù trưởng Bồn man… rồi nhân tiện cảnh cáo vua Ai Lao đã tiến đến tận kinh đô Vạn Tượng. Ta đã coi đó là việc nhỏ vì ta tin vào mọi người ủng hộ sự nghiệp cải cách của ta vào sự phục hưng của đất nước. Ta tin tầng lớp trí thức sẽ không giao động khi khó khăn. Ta tin vào dân chúng nhưng dân chúng xứ Thanh thì vẫn hướng về minh chủ cũ của họ.
Năm nay ta cứ hay nhớ về cái năm bỏ con cháu ra đi ấy. Cáo chết ba năm quay đầu về núi. Một trăm năm vẫn quay đầu về núi . Đấy là bản tính của ta. Cũng là cái bản tính Trời đã đặt vào con người ta. Vẫn bắt ta nhớ về con đò dòng sông quê ta, bến đò làng Trà lần đầu tiên ta gặp nàng.
Ngày …tháng …năm…
Thời vận lại đang trở lại. Họ Trịnh ngày càng chuyên quyền hống hách. Đến mức các đại thần trung thành cùng nhà vua không thể tiếp tục kéo dài tình trạng này. Vua Lê cho người liên lạc với con cháu Vũ Văn Mật ở Tuyên Quang, với chúa Nguyễn ở trong Nam, cả với Mạc Kính Khoan ở Cao Bằng, với các trấn Sơn Nam, Sơn Tây, Yên Quảng mật hẹn ngày khởi binh trừ diệt chúa Trịnh.
Ngày tháng năm…
Lại phải nói tiếp về sự việc ải Nam Quan. Nhiều đại thần và dân chúng không hiểu ta. Người đời nhiều khi vụ lợi thiển cận đến mức khó hiểu. Lại bị bọn sử quan Lê Trịnh làm cái việc đổi trắng thay đen nữa. Ai hiểu cho ta ngoài nỗi nhục nhã cho một triều đại, một dòng họ văn hiến, một gia đình danh giá như ta…
Sau khi mất ngôi vua chính bọn họ Nguyễn họ Trịnh đã cho người sang gặp vua Minh cầu xin nhà Minh đem quân đánh nước ta. Triều ta nhiều năm không cống nạp làm chúng tức tối. Năm 1540… vua Minh sai Mao Bá Ôn thống lĩnh 50 vạn quân áp sát biên giới.
Cháu ta mới ở ngôi mấy tháng. Ta phải thay cháu dàn xếp. Vận nước ngàn cân treo sợi tóc. Ta đã cho tuyển thêm quân, cho Ninh vương Mạc Phúc Tư thống lĩnh các đạo quân Đông Bắc chuẩn bị binh lực lương thực ở Vân Đồn, Hoành Bồ, bố trí mai phục thủy quân ở đầm nhà Mạc Yên Hưng.
Song cuối cùng ta lại nghĩ rằng dù rằng quân lực Đại Việt có mạnh cũng khó lòng cản được một đạo quân 50 vạn tên. Trong lịch sử bài học của tiền nhân Hồ Quý Ly còn trước mắt. Ta phải xử sự khôn ngoan hơn, phải lấy thân mình che cho con cháu, đổi lấy vận nước. Đành phải dùng kế trá hàng. Tức là ta cầm đầu một phái đoàn mang thêm thằng cháu ruột của ta là Mạc Văn Minh, mỗi người phải thắt một sợi giây lụa ở cổ, làm lễ vái chiếc kiệu tượng trưng cho vua nhà Minh, phải giao cho họ sổ sách suất đinh và bốn động Liễu Cát, Tư Lẫm, Cổ sâm, La Phù. Bốn động này ở châu Yên Quảng trước đây thuộc nhà Đường cai quản. Sau bọn thổ tù theo nhà Lê. Trung Quốc đòi mãi nhà Lê chưa trả. Để cho yên chuyện ta trả họ bốn châu này trong đó có châu đã quay về với nhà Minh.
Điều quan trọng là nhà Minh đã lui quân, Đại Việt tránh được một cuộc xâm lăng mất nước một lần nữa. Ta ôm nỗi nhục một mình cho trăm họ không phải lầm than cũng không phải là điều nhỏ ư ?
Sau đó mọi việc đã được sử nhà Minh ghi lại, họ còn cay cú phê rằng Mạc Đăng Dung có dâng cho Đại Hán động nào đâu. Nhưng bọn sử quan nhà Lê Trịnh chỉ ghi chép những gì theo ý bề trên của chúng. Bộ sử của triều ta thì chúng đốt đi sau khi viết xong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
Sau đó sử thần Lê Quý Đôn đã không viết theo như thế, Nguyễn Siêu cũng cho rằng nhà Mạc không hề cắt một tấc đất nào cho nhà Minh cả. Rồi Lê Văn Hòe, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Đỗ Cung…cũng đã bênh vực nhà Mạc. Nhưng thật đáng buồn cho giới học giả nước ta cũng bị quan điểm ngu trung chi phối, chỉ lấy Đại Việt SKTT làm mẫu mực, những tên như Hoàng Cao Khải, Trần Trọng Kim, Hoàng Đình Long, Phạm Khang liên tục ca hát lại cái luận điệu của sử gia nhà Lê.
Ngày 22 tháng Tám năm 1641
Đúng 100 năm trước ta đã rời xa con cháu và thần dân. Ta đã dặn rằng hãy hỏa thiêu ta, cũng không làm đàn cầu siêu. Nhưng sau khi ta nằm xuống triều đình vẫn làm tang lễ long trọng lại còn bí mật táng ta ở một vùng núi xa xôi. Nghĩa là họ bắt ta phải tiếp tục làm nghĩa vụ với con cháu với triều đình.
Trịnh Tùng là người mưu lược, nham hiểm tàn bạo. Y đã cho binh lính đào bới các ngôi mộ ở Dương Kinh. Biết được đã thua họ Mạc một keo y cho tìm kiếm khắp nơi các mộ thật của ta và họ Mạc. Cuối cùng y cho trấn yểm các huyệt quan trọng ở Dương Kinh nằm trong cả vùng rộng lớn được làm thanh long, bạch hổ, minh đường cho Cổ Trai.
Trịnh Kiểm không ngờ rằng con cháu ta đã mang được 36 ngôi từ Cổ Trai về Cồn Kiên Lao trấn Sơn Nam. Cả những người bị hành hình cũng được lấy xác mai táng nơi bí mật rất xa. Có những vua Mạc họ đinh ninh đã bị bắt bị giết thì vẫn còn sống không xa kinh thành.
Ba mươi sáu ngôi ở Kiên Lao được táng lại tại cánh đồng Trà Lũ theo thế giữ được vượng khí. Tiếc rằng thời thế biến đổi, dân chúng sau đã đào bới xáo trộn, biến bãi Kiên Lao thành một cái tha ma khổng lồ. Con lạch mang lại vượng khí cho họ ta đã bị chặt đứt…
Rồi có một ngày nghiệp chúa sẽ sụp đổ, nhà Lê cũng hết vận. Các huyệt trấn yểm họ Mạc cũng mất thế hung dữ sau bốn trăm năm. Một dòng họ khác sẽ phục hưng cho họ ta.
Chương III
Lẽ của thịnh suy
Tôi đã quay xong Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn. Coi như đã xong phần cứng. Mãi vẫn không hình dung ra tứ phim. Một bộ phim không có tứ thì coi như không có hồn, không phải là bộ phim theo quan niệm của tôi. Hãy cứ quay đi đã dù rằng cái phần quay thứ hai này không gắn gì với phần quay thứ nhất. Càng đi về phía Nam các di tích của thời Mạc càng ít đi. Miễn rằng cứ có cái gì là quay, sẽ dùng cho nhiều việc sau này, cho cả trang web mactoc.net nữa.
Tôi bắt đầu khó tính. Vợ con đã biết được thói quen của tôi nên không lấy làm khó chịu vì sự thất thường đó. Mấy đêm liền không ngủ. Tôi ngồi một mình dưới phòng khách trong bóng tối ôn lại các bài thiền của môn học Nhân điện. Vẫn không thể nào thoát ra khỏi trạng thái bối rối.
Trong trạng thái hư thực tôi bỗng cảm thấy căn phòng ấm hẳn lên. Một quầng sáng từ xa hiện dần ra một bóng người. Bóng người trở thành người thực. Tôi nhận ra đó là Mạc Đăng Dung như tôi đã hình dung trong những ngày vừa rồi.
Vái chào cụ xong tôi đặt câu hỏi với cụ luôn: Ý cụ làm một bộ phim về Vương triều Mạc và dòng họ Mạc thì nên làm như thế nào.
Cụ cười sảng khoái. Thằng cháu khôn thế, thần đồng Thái Bình có khác. Cháu muốn ta làm phim thay cháu ư. Cứ nghĩ đi cháu sẽ biết phải làm như thế nào. Ta sẽ nói với cháu về những chuyện khác.
Ta bắt đầu bằng thịnh suy của dòng họ Mạc.
Thủy tổ họ Mạc có lẽ đã sang Việt Nam từ đời Đường. Đến thời nhà Lý năm Bính Dần 1086 Mạc Hiển Tích đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ tương đương như trạng nguyên sau này,được bổ làm Hàn lâm viện học sĩ, Thượng thư Bộ Lại, đi sứ Chiêm Thành năm 1094. Em ruột cụ là Mạc Kiến Quan đỗ tiến sĩ cùng khóa với anh làm đến Thượng thư Bộ Lễ dưới triều Lý Nhân Tông.
Đến thời Trần hậu duệ của Mạc Hiển Tích là Mạc Đĩnh Chi nổi tiếng thông minh từ nhỏ, đỗ Trạng nguyên năm 1304. Đi sứ Trung Quốc vua Nguyên phục tài đối đáp phong cụ là Lưỡng quốc Trạng nguyên.
Mang nặng ơn huệ với nhà Trần con cháu Quan Trạng đã chống lại Hồ Quý Ly. Họ cũng mơ hồ nhà Minh có thiện ý bảo vệ sự nghiệp nhà Trần. Họ làm quan cho nhà Minh. Rồi khi Lê Lợi thành công họ phải tản mát nhiều nơi làm dân thường. Trong chuyện này có một chút uẩn khúc. Lê Lợi đã cho trừng phạt rất nặng những người cộng tác với giặc Minh nhưng lại nương nhẹ với con cháu họ Mạc. Hình như vì trong số công thần của Lê Lợi cũng có người họ Mạc. Tiếc rằng điều này không còn dấu vết trong bất cứ văn tự nào có lẽ các nhà làm sử dưới triều Lê Trịnh đã xóa đi. Ta không biết được.
Nhánh họ Mạc của ta từ Kim Thành về Cổ Trai nhiều đời làm ăn chăm chỉ, biết thân biết phận, tu nhân tích đức. Chỉ làm nghề đánh cá, gắng đủ ăn, chữ nghĩa ít.
Từ khi đỗ Trạng nguyên võ cùng các em Mạc Đốc, Mạc Quyết ta cũng hết lòng phò rập triều Lê. Họ ta được mở mày mở mặt từ đấy. Ta thay thế nhà Lê. Họ ta cực thịnh. Rồi lại tan tác. Lần này thì đau lòng hơn, máu chảy nhiều hơn, kéo dài hơn. Không những thế nhiều dòng họ các chiến hữu của ta, của các đại thần, tướng sỹ trung thành với ta cũng đều chịu chung số phận bi thảm.
Thịnh suy tuần hoàn là lẽ đời, phải chấp nhận thôi. Ai có thể ngờ rằng sự nghiệp nhà Lê nửa sau lại trở nên thê thảm đến thế. Biết được vòng tạo hóa thì có thể giữ được sự bình yên thoái lui đúng lúc. Mọi việc sẽ là vui vẻ nếu thư thái với nhau, nếu không vì tư lợi, nếu sáng suốt công minh. Tuy vậy thật là khó nói vì người đời gồm cả các bậc quân vương không phải ai cũng làm được điều đó…
Trong các việc đã xảy ra ta thấy có mấy việc cần nói cho cháu rõ như sau.
Sự hẹp hòi làm cho người ta đánh mất nhân tài, tự làm mình yếu đi.
Đó là việc để cho Lương Hữu Khánh và Phùng Khắc Khoan đi theo nhà Lê.
Lương Hữu Khánh là con của Lương Đắc Bằng thầy dạy Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm thành đạt Lương Hữu Khánh lại được gửi đến học ông. Khánh học giỏi. Năm ….Khánh thi hội đỗ thứ nhì nhưng bọn chủ khảo nghĩ Khánh là người Thanh Hoa không cho trúng tuyển. Thế là Khánh bỏ thầy, bỏ thi đình, tìm đường trốn vào Thanh theo vua Lê. Sau Khánh làm đến Thượng thư Bộ Binh trong triều Lê.
Phùng Khắc Khoan cũng là học trò của Trạng Trình. Dân gian cứ thêu dệt Khoan là em cùng cha khác mẹ của Trạng Trình. Chắc chắn là không phải vì Khoan cách Trạng Trình đến ba mươi bảy tuổi. Năm 1552 Khoan chỉ đậu Tam trường, bỏ đi theo nhà Lê. Mãi đến năm 1557 Khoan mới thi đỗ đầu với nhà Lê. Người ta cứ nói Trạng Trình khuyên Khoan vào với nhà Lê Trung hưng. Cũng không phải như vậy, có lẽ đó là sơ suất của ban chủ khảo năm ấy đã không đánh giá đúng tài năng của Khoan.
Sự máy móc cố chấp làm cho mâu thuẫn gia đình triều đình trở nên căng thẳng đến mức đổ vỡ sự nghiệp.
Đó là việc chọn người kế ngôi Mạc Phúc Hải dẫn đến cuộc nổi loạn của Mạc Chính Trung và Phạm Tử Nghi.
Năm Mạc phúc Hải băng hà. Con trưởng Mạc Phúc Nguyên còn quá nhỏ. Nhà Mạc đang tìm cách tránh bài học của nhà Lê luật của dòng họ Mạc là kế vị theo ngôi trưởng để tránh tranh giành loạn ngôi. Tuy vậy cái trật tự ấy chỉ hợp lý với mấy đời đầu. Tuổi vua cứ trẻ dần, nhỏ dần đến mức bất hợp lý. Triều đình chia làm hai phe. Phe do Mạc Kính Điển cầm đầu ủng hộ Mạc Phúc Nguyên. Phe do Phạm Tử Nghi cầm đầu muốn đưa Mạc Chính Trung là em của Mạc Đăng Doanh đã lớn tuổi lại quen cầm quân trận mạc đánh đâu thắng đấy. Phạm Tử Nghi lại là tướng giỏi của triều đình có uy tín lón. Khi Mạc Phúc Nguyên lên ngôi Phạm Tử Nghi liền đưa Chính Trung về Hoa Dương, Thái Bình ngày nay xưng vương . Cuộc tranh giành ngôi vua này đã làm hao tổn nhiều sức lực của triều đình của dòng họ. Cùng một lúc mất Mạc Chính Trung, mất cả Phạm Tử Nghi.
Nhẹ dạ trước các âm mưu xúc xiểm thanh toán nhau vì tình riêng lại không vì đại cục càng làm hỏng việc.
Là việc nghe Lê Phi Thừa chia Thanh Hoa giao cho Lê Phi Thừa cai quản một nửa. Dương Chấp Nhất là bậc tướng giỏi. Năm 1543 Nhất bỏ đi theo Nguyễn Kim. Năm 1545 Nhất lại về với nhà Mạc. Bọn họ Trịnh tung tin là Nhất trá hàng đầu độc Nguyễn Kim. Thực ra Trịnh Kiểm âm mưu giết Nguyễn Kim để nắm trọn quân quyền. Bời vì sau đó chính Kiểm lại giết Nguyễn Uông con trưởng của Nguyễn Kim, em vợ của mình. Sau khi đánh đuổi được Nguyễn Kim trở lại đất Ai Lao, Dương Chấp Nhất được giao cai quản trấn Thanh Hoa. Lê Phi Thừa lúc đó xúc xiểm với ta rằng : Để cho một mình Nhất cai quản cả xứ Thanh thì nguy hiểm quá. Thế là ta bèn chia Thanh Hoa ra làm hai phần . Giao cho Dương Chấp Nhất các huyện miền Đông, còn Lê Phi Thừa cai quản các huyện Tây. Có ai ngờ rằng Thừa đánh úp Dương Chấp Nhất rồi đem quân về với vua Lê. Con cháu nhà Lê thì về với nhà Lê là lẽ thường tình mà trước đấy thì không ai nghĩ ra. Việc này đau xót hơn có lẽ mở đầu cho việc nhà Lê chiếm lại toàn bộ miền Thanh Nghệ dẫn đến nhà Mạc mất dần lợi thế sau này.
Chuyện mất đại cục còn bài học đau xót nữa.
Đó là việc Mạc Phúc Nguyên bao che cha con Phạm Quỳnh, Phạm Dao để mất Lê Bá Ly, Nguyễn Thiến, Nguyễn Miễn, Nguyễn Quyện, Nguyễn Khả Khang. Lòng thiển cận u tối của con cháu ta đã cùng một lúc làm mất hàng vạn tinh binh, hàng chục tướng giỏi, làm nhà Mạc không thể nào gượng lại nổi.
Là việc ăn chơi của Mạc Mậu Hợp để mất Bùi Văn Khuê…
Hết Chương III
Viết bình luận
Tin liên quan
-
Nhớ Hoàng Trần Cương lại nghĩ về trường ca “Long Mạch”
-
VỀ VỚI AO DƯƠNG
-
LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
-
CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
-
THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
-
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
-
LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
-
CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
-
TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
-
Chữ hiếu xưa và nay
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC