- Đang online: 1
- Hôm qua: 540
- Tuần nay: 19681
- Tổng truy cập: 3,374,360
HỘI THẢO KHOA HỌC PHẬT GIÁO THỜI NHÀ MẠC
- 595 lượt xem
HỘI THẢO KHOA HỌC PHẬT GIÁO THỜI NHÀ MẠC TẠI TỪ ĐƯỜNG HỌ MẠC CỔ TRAI 7/10/2020 (21/8 năm Canh Tý)
Trong không khí vui mừng, phấn khởi của nhân dân cả nước và thành phố Hải Phòng vừa tưng bừng kỷ niệm 75 năm ngày thành lập nước, Quốc khánh mồng 2 tháng 9; chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, giới trí thức khoa học – công nghệ thành phố rất vinh dự, tự hào một lần nữa được phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học về một chủ đề hết sức ý nghĩa “Phật giáo thời nhà Mạc” được thực hiện tại Từ đường họ Mạc Cổ Trai, Hải Phòng.
1. Sau đây là toàn văn Đề dẫn do TS. Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Thành phố Hải Phòng trình bầy:
BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC “PHẬT GIÁO THỜI NHÀ MẠC”
Kính bạch: – Các Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư;
Kính thưa: – Các học giả, các nhà khoa học;
– Các quý vị đại biểu khách quý.
Hôm nay, trong không khí vui mừng, phấn khởi của nhân dân cả nước và thành phố Hải Phòng vừa tưng bừng kỷ niệm 75 năm ngày thành lập nước, Quốc khánh mồng 2 tháng 9; chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, giới trí thức khoa học – công nghệ thành phố rất vinh dự, tự hào một lần nữa được phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học về một chủ đề hết sức ý nghĩa “Phật giáo thời nhà Mạc”.
Hội thảo càng ý nghĩa hơn khi Ban tổ chức quyết định lựa chọn địa điểm tổ chức hội thảo ở chính Từ đường họ Mạc Cổ Trai – một không gian văn hóa lịch sử, văn hóa Phật giáo linh thiêng, uy linh, nơi đang thờ thần tượng tất cả các bậc Tiên Đế, Tiên Vương, các Hoàng hậu, Hoàng phi, Hoàng Tử, Công chúa Vương triều Mạc, thời điểm tổ chức hội thảo lại đúng vào dịp Ban quản lý di tích cùng nhân dân địa phương, quý khách thập phương và con cháu họ Mạc, gốc Mạc cả nước tưng bừng tổ chức Đại lễ cúng giỗ lần thứ 479 năm ngày Hoàng đế Mạc Đăng Dung băng hà càng tôn thêm không khí tưng bừng, phấn khởi, trang nghiêm, cho Hội thảo của chúng ta hôm nay.
Nhà Mạc, với tư cách là một Vương triều, một triều đại phong kiến trong lịch sử ngàn năm hào hùng của dân tộc. Bước lên vũ đài chính trị của nước Đại Việt không nằm ngoài quy luật vận động của xã hội phong kiến nước nhà theo hình sin, lúc thịnh, lúc suy, đến khi không còn khả năng duy trì sự thống trị, quản lý đất nước khi đó sẽ xuất hiện một nhân vật lịch sử, đủ trí, dũng, được lịch sử giao phó sẽ thiết lập một triều đại mới, thay thế triều đại suy tàn.
Mạc Đăng Dung – một nhân vật lịch sử như vậy. Ông là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, Phủ Kim Môn xưa, Trấn Hải Dương (nay là xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) cháu 7 đời của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Cuối thời Lê Sơ dưới thời vua Lê Uy Mục và Lê Tương Dực xã hội rối ren, bên trong thì vua tôi bỏ bê việc nước, mải mê tửu sắc, quan lại thì thi nhau vơ vét, ức hiếp người dân, sưu cao thuế nặng đẩy họ vào cảnh khốn cùng, trộm cắp hoành hành khắp nơi. Bên ngoài thì giặc phương Bắc luôn nhòm ngó nước ta. Giờ Ngọ ngày 15 tháng 6 năm Đinh Hợi – 1527, thuận theo mệnh trời, lại hợp lòng dân, Thái Sư Mạc Đăng Dung nhận chiếu truyền ngôi, khai sáng vương triều Mạc, lấy Niên hiệu là Minh Đức, ông cho đúc tiền Thông bảo thay cho đồng tiền Triều đại trước.
So với các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, nhà Mạc tồn tại không dài trong lịch sử 4000 năm của dân tộc, chỉ vỏn vẹn 65 năm ở kinh đô Thăng Long, với 5 đời vua, sau đó theo chỉ dẫn của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lên cát cứ vùng núi biên cương hiểm trở Cao Bằng thêm 85 năm nữa cả thảy 150 năm. Song nhà Mạc vừa kế thừa những thành quả của các Triều đại trước, vừa thực thi nhiều chính sách cách tân, tiến bộ đóng góp tích cực cho tiến trình phát triển của quốc gia Đại Việt. Sử sách chính thống nước nhà đã ghi nhận những thành tựu nổi bật trong phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp với những sản phẩm gốm sứ nổi tiếng của làng gốm Chu Đậu, Bát Tràng; mở rộng buôn bán giao thương trong nước và nước ngoài; cải cách chính sách ruộng đất, hạn điền; khuyến khích người dân khai khẩn đất hoang, đắp đê, đào sông ngăn lũ nên “nhiều năm được mùa liên tiếp, khắp chốn cùng quê, ai ai cũng phấn khởi, trâu bò thả rông ngoài đồng không cần phải kiểm đếm, tối đến cổng ngoài không phải đóng cửa”, thời Mạc pháp luật được thượng tôn, giáo dục được quan tâm, khoa cử, tuyển chọn hiền tài (là nguyên khí quốc gia) được chú trọng, trong 65 năm trị vì ở Thăng Long, trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài, chiến tranh Nam – Bắc Triều liên miên Nhà Mạc vẫn 3 năm một lần đều đặn tổ chức được 22 kỳ thi, tuyển chọn được 13 Trạng Nguyên, 485 Tiến sỹ, tiêu biểu trong số đó là Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, Giáp Hải, Phùng Khắc Khoan, đặc biệt đã tuyển chọn được nữ tiến sỹ duy nhất trong lịch sử phong kiến nước nhà. Đó là bà Nguyễn Thị Duệ, thi đỗ Tiến sỹ khoa thi Hội năm Giáp Ngọ, 1594 dưới triều vua Mạc Kính Cung.
Dưới thời Mạc, Vương triều đã thực thi nhiều chính sách cởi mở, khoan dung, tiến bộ nên tôn giáo, tín ngưỡng nói chung được tự do phát triển, cùng hòa hợp trong đời sống xã hội đương thời. Trong đó Phật giáo được phục hưng, phát triển rực rỡ nhất, để lại nhiều dấu ấn trong đời sống xã hội nói chung, phát triển tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta nói riêng.
Hội thảo về Phật giáo, gắn với lịch sử một triều đại, phát đế ngay tại vùng đất địa linh, nhân kiệt, Dương Kinh xưa, Hải Phòng nay có vị trí đặc biệt quan trọng trong quá khứ, trong hiện tại và tương lai, nơi lần đầu tiên được tổ chức ngay trên mảnh đất này với những mục tiêu nghiên cứu mới được đặt ra, toàn diện, rộng lớn, mang nhiều ý nghĩa rất sâu sắc. Bởi vậy hội thảo đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của các Chư Tôn Thiền Đức Hòa Thượng, Thượng Tọa, các nhà khoa học, học giả, các nhà nghiên cứu trong giáo hội ở cả 3 miền đất nước, mà còn có sự quan tâm rất lớn của các nhà nghiên cứu, các học giả, các nhà khoa học ở cả trung ương, các tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ, các cấp, các ngành ở thành phố Hải Phòng: Đến trước ngày tổ chức Hội thảo hôm nay, điều thật bất ngờ Ban tổ chức đã nhận được 45 báo cáo tham luận khoa học không chỉ của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học cả trong và ngoài giáo hội. Điều trân trọng hơn là có nhiều học giả, Ban tổ chức không gửi thư mời đặt bài, nhưng khi được biết có hội thảo với chủ đề này đã viết bài gửi về Ban tổ chức. Bên cạnh đó có nhiều đại biểu sau khi nhận được giấy mời tham dự hội thảo đã đăng ký phát biểu, trao đổi tại hội trường. Điều đó cho thấy chủ đề của hội thảo hôm nay với các mục tiêu và nội dung khoa học đặt ra đã dành được sự quan tâm đặc biệt của các vị Chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, các học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, ở mọi miền đất nước. Đây là tín hiệu rất lạc quan báo hiệu sự thành công của hội thảo.
Thật vô cùng khó cho Ban Tổ chức khi nhận được số lượng rất nhiều các báo cáo khoa học nội dung rất phong phú, sẽ xây dựng đề dẫn thế nào để thể hiện được các nội dung khoa học của các học giả thật là một điều vô cùng, vô cùng khó với Ban Tổ chức chúng tôi. Một nhận xét rất tổng quan là các báo cáo khoa học đều được chuẩn bị hết sức công phu, nghiêm túc, trí tuệ và chất lượng, bằng kiến thức sâu rộng, sự dày công tìm tòi, tra cứu các tư liệu, sử liệu, hiện vật cả trong giáo hội và ngoài giáo hội kết hợp với điền dã, theo dõi, cập nhật quá trình diễn biến, biến động thực tế, các học giả, các nhà khoa học đã phác thảo được một bức tranh chân thực, sinh động, đa mầu sắc. Ở đó những mục tiêu, nội dung khoa học đặt ra đã được thể hiện bằng những gam màu sáng, đỏ tươi nổi bật trên nền toàn cảnh bức tranh. Đó là nét vẽ đậm về đặc trưng của Phật giáo Việt Nam dưới thời nhà Mạc, đó là nét vẽ về vai trò và những đóng góp của Phật giáo trong đời sống xã hội đương thời; về những chính sách cởi mở, khoan dung, tiến bộ hòa hợp của nhà Mạc có ảnh hưởng tích cực tới trung hưng Phật giáo. Đặc biệt lần đầu tiên qua hội thảo này chúng ta đã cập nhật và tổng hợp được những thông tin, số liệu mới nhất, sát thực tế nhất nhưng chưa phải là đầy đủ nhất về Hệ thống các di sản văn hóa Phật giáo vật thể và phi vật thể có nguồn gốc từ thời Mạc; hiện trạng bảo tồn, phát huy là những cơ sở dữ liệu hết sức quý giá để Hội thảo chúng ta đề xuất, khuyến nghị các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị phục vụ cho việc nghiên cứu, giáo dục truyền thống, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh cả trong giáo hội và ngoài giáo hội, phục vụ thiết thực phát triển kinh tế – xã hội bền vững của đất nước, thành phố và các địa phương trong vùng.
Ban tổ chức hội thảo rất trân trọng và đánh giá rất cao các bài viết sâu sắc, luận cứ khoa học chặt chẽ, đầy sức thuyết phục của:
– Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
– Hòa thượng TS Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch hội đồng trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự giáo hội Phật giáo Hải Phòng;
-Hòa thượng TS Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, TW Giáo hội phật giáo Việt Nam;
– Hòa thượng Thích Thanh Giác, Ủy viên Hội đồng trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng, Chủ nhiệm CLB Hải Phòng học;
– Thượng tọa TS Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự TW, Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
– Hòa thượng TS Thích Thanh Đạt – Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Phật giáo VN tại Hà Nội;
– Hòa thượng Thích Đồng Bổn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trụ trì chùa Phật học Xá Lợi;
– GS Lê Mạnh Thát, Phó Viện trưởng, Học viện Phật giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh;
– GS-TS Đinh Khắc Thuận, Chuyên gia bia ký, Viện nghiên cứu Hán Nôm;
– PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam;
– TS Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Nội;
– TS Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng;
Cùng nhiều học giả, các nhà nghiên cứu cả trong và ngoài giáo hội, ở cả TW, các tỉnh thành vùng châu thổ sông Hồng, trung du, miền núi, vùng biên và Hải Phòng – nơi phát đế của Vương triều Mạc.
Tất cả các bài viết trên của các Chư Tôn Đức Hòa Thượng, Thượng Tọa, các nhà nghiên cứu, các học giả đều là các công trình nghiên cứu khoa học hết sức nghiêm túc, sâu sắc và chất lượng với rất nhiều luận điểm mới, phát hiện khoa học mới về mối quan hệ biện chứng giữa Triều đại phong kiến nhà Mạc với tư cách là một nhà nước quân chủ tập quyền với Phật giáo với tư cách là một tôn giáo, một thành phần của xã hội, đồng hành cùng xã hội, đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Tuy rất khó nhưng đã giúp cho ban tổ chức hội thảo chắt lọc, tổng hợp, phân tích, làm sáng tỏ và khẳng định các nội dung khoa học mà hội thảo của chúng ta đặt ra, bước đầu Ban tổ chức chúng tôi khái quát được 6 nét đặc trưng nổi bật nhất của Phật giáo thời nhà Mạc:
– Một là: Khác với nhà Lý, nhà Trần và triều Lê Sơ, nhà Mạc đã thực thi chính sách tôn giáo, tín ngưỡng cởi mở, ôn hòa, khoan dung có ảnh hưởng tích cực tới phát triển, hòa hợp tôn giáo nói chung, trung hưng phật giáo nói riêng.
Phật giáo du nhập vào nước ta từ khoảng thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Thời Lý (thế kỷ XI-XII) rồi đến thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) phát triển mạnh trở thành quốc giáo, phát triển đỉnh cao thời vua Trần Nhân Tông, ông quyết định rời ngôi báu, xuất gia tu hành, lập Phật phái “Trúc lâm” trên núi Yên Tử. Trần Nhân Tông đã trở thành Đệ nhất Tam tổ, được dân gian tôn vinh là Phật hoàng, Vua bụt. Nhà Lê Sơ thay thế nhà Trần chỉ chú trọng đến nho giáo, thực thi chính sách trong bộ máy cai trị chỉ sùng đạo nho, lấy kinh điển nho gia để làm nền tảng cai trị. Vì vậy thời kỳ này ngoài sự tàn phá của giặc Minh, chính sách sùng nho, ức phật của nhà Lê Sơ, Phật giáo rơi vào giai đoạn suy vy. Chính vua Lê Thánh Tông đến thăm chùa Muống (Chùa Quang Khánh) ở Dưỡng Mông, Kim Thành, Hải Dương, ngôi chùa nổi tiếng thời Trần đã phải thốt lên “Chùa cũ hoang sơ quá nửa phần”.
Nhà Lê Sơ suy tàn, theo mệnh trời và được lòng dân nhà Mạc lên thay với sự xuất hiện của Mạc Đăng Dung. Cùng với nhiều cải cách, tiến bộ có tác dụng tích cực tới phát triển nhiều lĩnh vực đời sống xã hội đương thời, đồng thời cũng đã ảnh hưởng tích cực tới hòa hợp tôn giáo, 3 tôn giáo Nho – Phật – Đạo cùng chung sống hòa bình và hòa nhập cùng nhau (Tam giáo Đồng nguyên), trong đó Phật giáo có sự phục hưng, bừng phát, phát triển mạnh mẽ rực rỡ nhất. Thời kỳ này hàng trăm ngôi chùa, đình, đền, hội quán được xây dựng mới và tu bổ. Tuy thời gian trị vị ở Thăng Long không dài (65 năm) nhưng nhà Mạc đã để lại nhiều di sản phật giáo đặc sắc. Trong số 195 công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo dưới triều Mạc thì có tới 142 chùa, 8 ngôi đạo quán, tập trung ở Hải Phòng (27 chùa); Hải Dương – Hưng Yên (36 chùa), v.v.. Phần lớn là các công trình kiến thức lớn, sử dụng chất liệu bền vững; trang trí, chạm khắc tinh sảo, Phật điện được trang trí sắp đặt lộng lẫy.
– Hai là: Dưới Triều nhà Mạc, Phật giáo được trung hưng, phát triển rực rỡ, ngày càng khẳng định được vị thế chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa tinh thần trong đời sống xã hội đương thời.
Trong các bài viết của các Chư Tôn Hòa Thượng TS Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự TW, Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng, TS Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng TS Thích Gia Quang, Phó chủ tịch HĐTS TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thanh Giác, Ủy viên HĐTS TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng 1 số Chư Tôn Thiền Đức, các học giả, các nhà khoa học khác đã làm rõ, nổi bật vị thế chính trị, kinh tế – xã hội, văn hóa tinh thần trong đời sống xã hội đương thời: Vương triều Mạc, có nhiều chính sách cởi mở tác động tích cực tới phát triển Phật giáo và chính Phật giáo phát triển đã khẳng định được vai trò của sứ mệnh “Hộ quốc an dân”, đảm bảo chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, ổn định an ninh trật tự xã hội, quan tâm tới giáo dục, khoa cử, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Với những giá trị tư tưởng và triết lý của nhà Phật được lan tỏa sâu rộng trong dân chúng đã góp phần hun đúc và giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao ý thức chính trị, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm quốc gia của Phật tử và nhân dân đối với đất nước, dân tộc và triều đại.
Đối với đời sống văn hóa tinh thần trong đời sống xã hội đương thời dưới thời nhà Mạc các Chư Tôn Thiền Đức, Hòa Thượng, các nhà khoa học đã khẳng định Phật giáo thời kỳ này đã luôn thể hiện ưu thế vượt trội của mình, qua những đóng góp trong các lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể, cũng như trong lối sống, đạo đức của quần chúng nhân dân và triều đình. Từ những kiến giải trên, các học giả, các nhà nghiên cứu đi đến kết luận: Phật giáo dưới thời nhà Mạc có vị thế to lớn trong đời sống xã hội đương thời, cùng với Tam giáo Đồng nguyên (Nho – Phật – Đạo) đã tạo nên một xã hội, một thời đại với khát vọng sống hòa hợp, bình đẳng, đồng thuận, hướng thiện, không làm điều ác. Tinh thần, triết lý và những đóng góp của Phật giáo thời đó đã góp phần giúp nhà Mạc thịnh trị một thời, gặt hái được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực như sử sách đã ghi.
– Ba là: Hầu như cả Hoàng Tộc, đích thân các vị Vua, bà Chúa, Hoàng Thân Quốc Thích, nhiều quan lại Triều đình đều có tâm hướng phật, hướng thiện công đức tiền của, ruộng đất, hưng công xây dựng, trùng tu, tôn tạo nhiều chùa chiền, tam bảo, đình, đền, hội quán làm gương và dẫn dắt cho mọi thành phần xã hội đương thời, người dân làm theo.
Trong rất nhiều bài viết của các học giả, các nhà nghiên cứu, các Chư Tôn Thiền Đức, Hoà Thượng, Thượng Toạ như: Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Hòa thượng Thích Gia Quang, Hòa thượng Thích Thanh Giác, Thượng toạ Thích Đức Thiện; GS-TS Đinh Khắc Thuận; PGS-TS Tống Trung Tín; Ts Đoàn Trường Sơn; Ông Đỗ Xuân Trung – Phó Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng, Ông Nguyễn Đình Chỉnh – Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng, cùng nhiều học giả khác đã viện dẫn danh tính rất nhiều vị vua, bà chúa, các thành viên hoàng tộc, quan lại Triều đình đã cúng tiến nhiều ruộng, đất, vàng, bạc, tiền của, công sức hưng công xây dựng, tu bổ, tôn tạo hàng trăm ngôi chùa, đình, đền, hội quán trải rộng khắp các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ, trung du miền núi, vùng biên như: Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn, v.v…Tập trung nhiều nhất ở khu vực Dương Kinh xưa gồm các huyện Kiến Thuỵ, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Tiêu biểu là Đức Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ đích Thái tổ Mạc Đăng Dung đã công đức nhiều tiền bạc, ruộng đất. Ngay cả khi bà ở ngôi vị đỉnh cao danh vọng, bà đã dốc tâm, toàn ý cho công cuộc trung hưng Phật giáo. Bởi vậy bà đã được người đời, dân gian tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, “Phật sống ở trần gian”. Bà đã được khắp chốn, cùng quê đâu đâu cũng làm đền, tạc tượng lưu thờ. Ở Hải Phòng có Chùa Hoà Liễu (xã Thuận Thiên); Chùa Trà Phương (xã Thuỵ Hương) Kiến Thuỵ; Chùa Minh Phúc (xã Toàn Thắng) Tiên Lãng,…
Nghiên cứu các văn bia hiện còn lưu giữ tại các đền, chùa được xây dựng, trùng tu tôn tạo cùng thời, các nhà nghiên cứu xác nhận đích thân vua Mạc Mậu Hợp cúng tiến 20 lượng bạc vào chùa Hoa Tân, xã An Thắng, huyện An Lão, vợ chồng Thái Bảo Đà Quận công Mạc Ngọc Liễn và Phúc thành Thái trưởng Công chúa tham gia xây dựng hàng chục ngôi chùa và trở thành tín đồ của Đạo phật.
Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà nho học, một đại thần nhà Mạc, kiến thức uyên thâm ở nhiều lĩnh vực thiên văn, địa lý, triết học, dự báo học, cây đại thụ ở thế kỷ XVI của nước nhà. Khi về trí sỹ ở quê mở trường dạy học, không chỉ dạy chữ, kiến thức nho học cho học trò mà ông còn dạy đạo làm người có tâm hướng thiện theo đạo phật; Trực tiếp công đức xây chùa, cắm đất, chọn hướng cho dân làng làm chùa, dựng đền. Còn rất nhiều Hoàng thân, Quốc thích, quan lại trong bộ máy cai trị của nhà Mạc cúng tiến tiền của, bạc vàng, ruộng đất cho nhà phật. Theo GS-TS Đinh Khắc Thuận, tư liệu lấy từ văn bia và khảo sát thực địa ghi nhận trên dưới 100 thành viên Hoàng tộc nhà Mạc và đại thần triều đình cúng tiến xây dựng chùa Phật.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Bước đầu định nghĩa, luận giải 2 bia đá cổ cách đây hơn 2 năm được nhóm các nhà nghiên cứu xã hội độc lập tìm thấy tại thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng có bài Di ngôn chí được cho là chính cụ Trạng Trình soạn, học trò tin cẩn khắc vào ban đêm có 2 câu sấm cụ để lại cho lịch sử rằng Mạc Đăng Dung được Thần Tản đà chọn làm Hoàng đế nước Đại Việt thay thế Triều đại suy tàn vì có tâm hướng Phật, chỉ điều đó thôi cũng nói lên tất cả. Với một triều đại như vậy hỏi sao Phật giáo nước nhà lại không phát triển.
Noi gương việc làm đó của vua, quan nhà Mạc mà các giai tầng xã hội, các tầng lớp thần dân cùng có tâm hướng phật; cùng nhau công đức xây dựng chùa chiền, đình, đền, hội quán góp phần chấn hưng Phật giáo, để lại một kho tàng Di sản văn hoá vật thể và phi vật thể phật giáo đồ sộ vô giá cho chúng ta hôm nay.
– Bốn là: Đền, chùa, hội quán thời Mạc không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh thuần khiết của người dân và thập phương, nhiều nơi còn là nơi hành cung của Hoàng tộc, nơi nghỉ ngơi, vãn cảnh, sinh hoạt tâm linh, gửi gắm niềm tin lớn lao của các vị Vua, bà chúa, các vị quan lại trong bộ máy cai trị của nhà Mạc.
Theo kết quả nghiên cứu của các Chư Tôn, Thiền Đức, Hòa Thượng, Thượng Tọa, các nhà nghiên cứu cả trong giáo hội và ngoài giáo hội đã làm rõ từ quy mô to lớn và phong cách xây dựng các công trình Chùa chiền, Đình, Đền, từ nghệ thuật trang trí, tạc tượng, bài trí Phật điện, cũng như các hiện vật, cổ vật có giá trị đặc biệt, các sử liệu, tư liệu, truyền ngôn trong dân gian khẳng định nơi đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương mà còn là nơi hành cung của Vương triều, nơi vãn cảnh, nghỉ ngơi, hành lễ, sinh hoạt tâm linh, gửi gắm niềm tin của các thành viên Hoàng tộc, Hoàng thân quốc thích, quan lại trong bộ máy cai trị của nhà Mạc.
Điều đó cho thấy một điều là Quốc pháp cai trị đất nước của nhà Mạc bề ngoài, hình thức đã và vẫn kế thừa các Triều đại Lý – Trần – Lê Sơ trước đó, lấy tư tưởng Triết pháp đạo nho làm nền tảng, nhưng thực chất quản lý trật tự xã hội lại có sự hòa trộn với triết lý nhà Phật, đề cao tính hướng thiện, từ, bi, hỷ, xả trong các quan hệ xã hội ở cộng đồng, đáp ứng được nhu cầu và khát vọng của người dân đã mang lại hiệu quả cao trong quản lý đất nước, quản lý xã hội một thời.
– Năm là: Phật giáo dưới thời nhà Mạc mang đậm tính dân gian cao trong làng xã.
Trong các báo cáo tham luận của nhiều Chư Tôn, Thiền Đức, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học cả trong và ngoài giáo hội đều làm rõ và khẳng định đặc trưng rất riêng biệt này của Phật giáo dưới thời nhà Mạc. Nhờ chính sách cởi mở, khoan dung hòa hợp tôn giáo của Triều Mạc, đạo phật đã từng bị hạn chế dưới Triều Lê Sơ trước đó đã phục hưng phát triển không chỉ trong quần chúng bình dân, làng xã mà cả ở trong tầng lớp quý tộc, vua quan triều Mạc.
Dưới thời Mạc, có thể nói phần lớn chùa chiền, đền, hội quán đều được hưng công xây dựng, trùng tu, tu bổ bởi các thành viên trong Hoàng tộc và các quan lại Vương triều, nhưng đền, chùa vẫn thuộc về làng, xã, do làng xã quản lý. Các học giả và các nhà khoa học đều khẳng định điều này cho thấy việc phát tâm xây dựng tu bổ đền, chùa nhằm tích đức, làm phúc hơn là thể hiện quyền lực của hoàng gia ở địa phương như thời Lý, Trần. Đền, chùa gắn với làng là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của dân làng. Trong đó rõ nhất là việc bài trí ban thờ cũng như phép tắc tu hành mang đậm tính địa phương. Thời Mạc đã mở đầu cho quá trình dân gian hóa phật giáo.
Theo các Chư Tôn, Thiền Đức Hòa Thượng và GS-TS Đinh Khắc Thuận chuyên gia bia ký Viện Hán Nôm đã nghiên cứu 186 văn bia thời Mạc cho thấy có tới 168 ngôi chùa được xây dựng, tu bổ dưới thời Mạc, trong đó có khoảng 80 ngôi chùa được các thành viên Hoàng tộc và các quan lại triều đình công đức. Tuy nhiên, chùa vẫn thuộc về làng xã, do dân làng trông coi, quản lý, chăm lo hương khói và lo liệu việc trùng tu tu bổ. đặc trưng này của Phật giáo thời Mạc rất khác với thời Lý, Trần, nhiều ngôi chùa là sở hữu riêng của một số Hoàng thân Quốc thích, quan lại triều đình. Các học giả đi đến kết luận Chùa phật dưới thời Mạc đã chuyển thành sở hữu tài sản chung của cộng đồng làng xã, cho thấy Phật giáo thời kỳ này ngày càng được dân gian hóa, lan tỏa mạnh trong cộng đồng.
Đồng tình với quan điểm khoa học biện chứng của GS-TS Đinh Khắc Thuận nhưng Hòa thượng Thích Thanh Giác trong bài viết của mình có cách tiếp cận và diễn đạt rất mới, rất khoa học, biện chứng và thực tiễn. Ông cho rằng “Vương triều Mạc tồn tại tuy không dài so với các triều đại khác nhưng đã để lại dấu ấn vàng son trong lịch sử dân tộc Việt Nam”. Nhận định này được minh chứng tại 164 văn bia còn được lưu giữ, trong đó có hơn 130 văn bia Phật giáo (chắc còn nhiều hơn nữa) hơn hẳn các triều đại trước. Văn bia Phật giáo nhà Mạc cho thấy: Đây là thời kỳ Phật giáo đã nhường chốn cung đình cho Nho giáo để trở về làng xã. Đây đích thực là Phật giáo từ dân, của dân, do dân và vì dân. Nhà Mạc đã nêu cao tư tưởng triết pháp vì dân theo học thuyết Nho giáo “Dĩ dân vi bản”, nhưng lại khéo léo vận dụng lời Phật dạy “Tịnh Quốc Phật độ”, “Thành tựu chúng sinh”. Quốc pháp nhà Mạc dựa trên nền tảng hòa quyện giữa nho học và Phật học như trên, một mặt làm cho Quốc pháp thực thi dễ dàng đi vào cuộc sống, mặt khác đã đề cao vai trò thượng tôn quan trọng của Phật giáo, đặt nền móng sâu rộng, bền chặt trong đời sống xã hội, không ngừng phát triển mạnh mẽ qua nhiều thế kỷ như đến ngày hôm nay.
– Sáu là: Đặc trưng Phật giáo thời Mạc còn thể hiện ở quy mô, nghệ thuật, mỹ thuật các công trình kiến trúc Phật giáo, nghi lễ thờ cúng mang đậm tính nghệ thuật cung đình hòa quyện với nghệ thuật dân gian của vùng đất kinh đô Dương Kinh xưa.
Đặc trưng này được các nhà nghiên cứu, các học giả cả trong và ngoài giáo hội hết sức quan tâm. Điều đó cho thấy đặc trưng Phật giáo thời Mạc không chỉ thể hiện ở các hoạt động Phật pháp mà còn có dấu ấn đậm nét ở nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, tạc tượng bài trí điện Phật thờ cúng.
Theo các Chư Tôn, Hòa Thượng, Thượng Tọa, GS-TS Đinh Khắc Thuận, PGS-TS Tống Trung Tín, ông Đỗ Xuân Trung và các nhà nghiên cứu khác, kiến trúc các ngôi chùa thời Mạc thường có đủ các thành phần chủ yếu như: Tiền đường – Thiêu hương – Thượng điện và Hậu đường – Đó là bố cục công trình theo kiểu “Nội công, ngoại quốc”. Theo nghiên cứu của các học giả thì bố cục chùa theo kiểu “Nội công, ngoại quốc” hình thành từ thời Mạc có thể là rõ ràng nhất và lớn nhất trong lịch sử kiến trúc chùa Việt Nam. Về quy mô công trình Chùa thời Mạc, qua nghiên cứu các phế tích, di vật, hiện vật còn lưu giữ được, đặc biệt là các văn bia có ghi lại thì các chùa thời Mạc, trong đó thường có quy mô to lớn và trang trí rất đẹp. Qua mô tả ở các văn bia, các ngôi chùa được ví như các lâu đài. “Lâu đài mới mẻ hẳn lên, hiên mái rực rỡ, thềm trong gió đưa, rõ ràng một cảnh quan kỳ vỹ” – (Văn bia Sùng An 1578 – Tiên Lãng) hay “Mười hai lâu đài nguy nga, quy mô đẹp đẽ, chế độ tươi mới” – (Văn bia Chùa Linh Sơn 1583…)
Nghệ thuật điêu khắc tạc tượng Phật thời Mạc khá phong phú và độc đáo: Tượng Tam Thế, Tượng Quan âm tọa sen, Tượng Ngọc hoàng, Tượng các Vua, Tượng vương, Tượng hoàng hậu. Các Tượng phật thời Mạc có nét đặc trưng nổi bật là đều được làm bằng đá, tượng và bệ tượng làm liền khối, hình dáng mập khỏe, đường nét trau chuốt, khuôn mặt đầy đặn, áo cà sa choàng rộng, buông rủ mềm mại, cổ áo rộng lượn tròn trước bụng. Các tượng Tam Thế thời Mạc đều có đặc trưng nổi bật là nhục kế trên đỉnh đầu, biểu hiện trí tuệ phật và là 1 trong 32 quý tướng của đức Phật. Một số tượng thường ngồi khoanh chân xếp bằng. Tương tự các pho tượng Phật như mũ và trang phục đều thể hiện là trang phục của các vị Hoàng đế, tiêu biểu là tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung đang được thờ tại Chùa Trà Phương, Kiến Thụy. Một số tượng khác ngồi trên ngai rồng, được trạm khắc rất cầu kỳ, đội mũ “Bình Thiên”, phía trước mũ có chữ “VƯƠNG”. Tất cả các tượng chân dung trên đều thể hiện rõ dáng vẻ quý phái của tầng lớp quý tộc cao sang, nhưng vẫn mang dấu ấn đậm của nghệ thuật phật giáo, như những tín đồ nhà phật.
Kiến trúc dân gian thời Mạc ở các công trình phật giáo được trang trí nhiều hoa văn ở nhiều vị trí khác nhau trong công trình như trang trí bậc thềm, bộ thờ, tường, nền nhà, bờ nóc mái. Vật liệu xây dựng các công trình kiến trúc phật giáo thời Mạc cơ bản kế thừa các thời kỳ trước, nay có nét đặc trưng riêng khi xuất hiện các vật liệu trang trí mới mà nổi bật là gốm Chu Đậu, gạch gốm, sứ Bát Tràng được đưa vào trang trí các công trình làm cho nghệ thuật trang trí thời Mạc đa dạng và phong phú, mang phong cách riêng. Chính vì vậy mà nghệ thuật chạm khắc tại các cơ sở tín ngưỡng, phật giao thời Mạc phong phú với các hình linh thú và hoa lá cách điệu như: Hình rồng, chim phượng, cá hóa rồng, hổ, nghê, lân, ngựa, voi, hươu. Đề tài hoa lá gồm: Hoa mai, hoa sen, v.v… Sự kết hợp giữa hình linh thú và hoa đã cho thấy sự đa dạng trong nghệ thuật trang trí thời Mạc.
Một nét riêng biệt nữa là mỹ thuật thời Mạc tuy kế thừa mỹ thuật các thời trước, nhưng việc xuất hiện các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới mà tiêu biểu là gốm sứ nổi tiếng thời Mạc đã làm nên nét đặc trưng, riêng biệt mỹ thuật thời Mạc với những hình linh thú, hoa lá tinh ảo được phủ bằng một lớp men màu lam, màu xanh sẫm, màu ghi xám hay ngả vàng rất phân biệt.
Sự chấn hưng, phát triển mạnh mẽ của phật giáo thời Mạc cùng với những chính sách cởi mở, phóng khoáng của Vương triều Mạc đã tác động mạnh mẽ, làm nên nét đặc trưng riêng biệt của mỹ thuật thời Mạc. Đây là loại hình mỹ thuật hòa quyện giữa mỹ thuật cung đình và mỹ thuật dân gian, yếu tố dân gian dần dần chiếm ưu thế, gần hơn với cuộc sống.
Cũng qua các bài viết của các học giả, các nhà nghiên cứu nghi lễ, trang bài và thờ cúng tại các chùa Phật và cơ sở tín ngưỡng thời Mạc cũng mang tính đặc trưng riêng, có nhiều thay đổi so với các thời kỳ trước. Thời Lý, Trần, Lê Sơ trên Phật điện chỉ có bộ Di Đà Tam (A Di Đà); Đại Thế Chí; Quan Thế Âm. Nhưng đến thời nhà Mạc ngoài các tượng truyền thống như Thích Ca Sơ Sinh, xuất hiện thêm nhiều tượng đạo giáo khác như: Tam Thanh; Ngọc Hoàng; Nam Tào; Bắc Đẩu và các Tượng Thần khác.
Việc đưa Tượng Thần của các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau vào chùa và các cơ sở tín ngưỡng cho thấy tính cởi mở, phóng khoáng, tự do tín ngưỡng trong đời sống tôn giáo dưới thời nhà Mạc. Đây cũng là nét đặc trưng nổi bật của Phật giáo thời kỳ này.
Nhà Mạc tồn tại trong lịch sử đất nước không dài, chỉ 65 năm, mặc dù luôn ở thế luôn phải chống đỡ với thù trong giặc ngoài, song với nhiều chính sách cách tân, tiến bộ hợp thời cuộc, hợp lòng dân đã mang lại nhiều thành tựu đổi mới, phát triển không chỉ kinh tế – xã hội đương thời mà còn tác động tích cực tới phục hồi, trung hưng Phật giáo. Bằng chứng rõ rệt nhất là nhà Mạc đã để lại một kho tàng đồ sộ Di sản văn hóa Phật giáo vật thể và phi vật thể vô giá với hàng trăm ngôi cổ tự, đình đền, hội quán được hưng công xây dựng và trùng tu tôn tạo với những nét đặc trưng riêng về bố cục, kiến trúc, trang trí mỹ thuật, điêu khắc, tạc tượng tinh sảo, tỷ mỷ. Trải dài khắp các tỉnh vùng châu thổ sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc. Với giá trị đặc biệt nhiều công trình, hiện vật, tư liệu, sử liệu đã được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt cấp tỉnh thành; được công nhận là bảo vật quốc gia. Nhiều nghi lễ phật giáo, sinh hoạt văn hóa tâm linh được các thành viên hoàng tộc và chính người dân sáng tạo, được lưu truyền, bảo tồn, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Kho tàng di sản văn hóa phật giáo vô giá này đã và đang được bảo tổn, phát huy giá trị, phục vụ hiệu quả nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tìn ngưỡng, tâm linh của các tầng lớp nhân dân, nghiên cứu, giáo dục truyền thống phát triển kinh tế xã hội đất nước và các địa phương.
Tuy nhiên trong một số báo cáo khoa học của các Chư Tôn Thiền Đức, các chuyên gia, các nhà khoa học và quản lý vì nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau, nhiều công trình kiến trúc văn hóa phật giáo các thời kỳ này nói chung, trong đó có thời Mạc nói riêng đang bị xuống cấp nghiêm trọng; Thất lạc, mất mát tư liệu, hiện vật; nhiều công trình trùng tu, tái tạo không giữ được nguyên bản như xưa, mặt bằng, khuôn viên bị xâm hại, lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng, nhiều nghi lễ, phong tục dân gian theo thời gian, không được quan tâm đã bị mai một, thất truyền. Tất cả các vấn đề đó đã được các chư vị, các nhà nghiên cứu đề cập tới tại hội thảo này thực sự là những hồi chuông cảnh tỉnh, sẽ được chuyển thành các kiến nghị cụ thể tới các cấp có thẩm quyền để có các giải pháp khả thi trong việc bảo tồn, phát huy giá trị phục vụ phát triển bền vững đất nước.
Kính thưa các quý vị đại biểu !
Trên đây chỉ là những ý kiến tổng hợp bước đầu có thể còn thiếu nhiều nội dung từ các báo cáo khoa học của Chư Tôn Thiền Đức, Hòa Thượng, Thượng Tọa, các học giả, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu gửi tới Ban tổ chức hội thảo. Còn một số báo cáo tham luận gửi chậm và rất nhiều ý kiến sâu sắc đã được các đại biểu chuẩn bị sẽ được chia sẻ, phát biểu, trao đổi trực tiếp tại hội trường, nội dung sẽ còn rất phong phú, sinh động và hấp dẫn hơn nữa.
Do thời gian tổ chức hội thảo có hạn, chỉ diễn ra trong phạm vi một buổi sáng, nếu trình bày hết tất cả các báo cáo với trên 40 bài tham luận chắc chắn sẽ không đủ thời gian, chưa kể phần trao đổi và thảo luận tại hội trường. Vì vậy trân trọng đề nghị các Chư Tôn Thiền Đức, các quý đại biểu cho phép Ban tổ chức và chủ tọa chúng tôi lựa chọn một số báo cáo đại diện cho các khía cạnh nội dung khác nhau của hội thảo để trình bày ngắn gọn, cô đọng, súc tích tại hội trường. Vì lý do thời gian hạn hẹp các báo cáo còn lại chưa được trình bày tại hội thảo sẽ được tổng hợp, in toàn văn vào kỷ yếu tài liệu hội thảo và đều có giá trị khoa học trân trọng như nhau. Ban tổ chức và chủ tọa hội thảo rất mong nhận được sự cảm thông và chia sẻ của các tác giả và quý vị đại biểu.
Ban tổ chức và chủ tọa hội thảo xin trân trọng cảm ơn các Chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đến từ Hội đồng trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Giáo hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh; Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành không quản đường xá xa xôi, dành thời gian quý báu viết bài, đến dự hội thảo, cảm ơn Hòa thượng Ts Thích Quảng Tùng, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Hải Phòng; Hòa thượng Thích Thanh Giác, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban Hoằng pháp TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng cùng các chư tôn thiền đức Giáo hội Phật giáo Hải Phòng đã phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố chuẩn bị chu đáo chất lượng nội dung, các điều kiện cho việc tổ chức hội thảo này. Cảm ơn các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các quý vị đại biểu đã có bài viết, đến dự hội thảo từ các cơ quan TW; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh thành bạn, các sở, ban, ngành, các cơ quan đơn vị, quận huyện thành phố. Cũng xin cảm ơn cấp ủy, chính quyền xã Ngũ Đoan, Ban Quản lý di tích địa phương, Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng, Hội đồng Mạc tộc Cổ Trai đã tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ về địa điểm, cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ Hội thảo.
Cảm ơn và kính chúc sức khỏe các Chư Tôn Thiền Đức, các quý vị đại biểu !
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Hải Phòng, ngày 7 tháng 10 năm 2020
TS. Hoàng Văn Kể
Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Thành phố Hải Phòng
2. Toàn cảnh Hội thảo:
3. Nghi lễ dâng hương Tiên tổ họ Mạc tại Từ đường
4. Các diễn giả trình bầy tham luận:
TS. HOÀNG VĂN KỂ trình bầy Báo cáo Đề dẫn
Hòa thượng TS. THÍCH THANH ĐẠT, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Phật giáo VN tại Hà Nội trình bầy tham luận.
GS LÊ MẠNH THÁT, Phó Viện trưởng, Học viện Phật giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh.
Hòa thượng Thích Đồng Bổn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trụ trì chùa Phật học Xá Lợi.
Ô. ĐỖ XUÂN TRUNG, PGĐ Bảo tàng HP.
GS-TS. ĐINH KHẮC THUÂN, Chuyên gia Bia ký, Viện nghiên cứu Hán Nôm.
Ô. VŨ QUỐC TẾ, PCT Thường trực Hội đồng Vũ-Võ Hải Phòng.
Thực hành nghi lễ phóng sinh cá tại hồ Bán nguyệt trong khuôn viên Từ đường.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- LỜI KÊU GỌI ỦNG HỘ TỈNH HẢI DƯƠNG CHỐNG DỊCH COVID-19.
- ĐẠI LONG ĐAO LƯU THỜ TẠI KHU TƯỞNG NIỆM VƯƠNG TRIỀU MẠC Ở HẢI PHÒNG LÀ BẢO VẬT QUỐC GIA
- QUẢ ĐÁ PHẠT TRÊN TUYẾT TẠI THƯỜNG CHÂU, TQ VÀ TRẬN CẦU KINH ĐIỂN CỦA U23 VN TẠI ASIAD, INDONESIA.
- ĐẠI LỄ GẮN BIỂN TÊN PHỐ HAI VỊ VUA TRIỀU MẠC: MẠC THÁI TỔ VÀ MẠC THÁI TÔNG TẠI QUẬN CẦU GIẤY, TP. HÀ NỘI
- NGHỊ QUYẾT HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TP. HÀ NỘI VỀ VIỆC ĐĂT TÊN VÀ ĐIỀU CHỈNH ĐỘ DÀI MỘT SỐ ĐƯỜNG, PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TP. HÀ NỘI – KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 13.
- Ngắm phố ‘mới’ Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông, Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn tại Hà Nội
- 19 ĐƯỜNG, PHỐ HÀ NỘI ĐƯỢC ĐẶT TÊN MỚI
- HÀ NỘI: QUYẾT ĐỊNH ĐẶT TÊN PHỐ MẠC THÁI TỔ, MẠC THÁI TÔNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.