Hoa Sen Trong Giếng Ngọc
Trên đường Hà Nội- Hạ Long, ta qua Chí Linh. Một trời gió nắng. Một vùng lúa thơm. Một không gian xanh địa linh nhân kiệt. Màu xanh trời, xanh lúa, xanh rừng choàng ôm hồn ai xanh tinh khôi nồng thắm.
Nắng gió thênh thang. Mây trời vời vợi. Tâm hồn bay bổng giữa núi sông, cánh đồng, làng xóm, ai đó cất lời ca:
“Chí Linh nơi tụ sơn hội thuỷ/ Kỳ thú thiên nhiên gấm lụa đào/ Sáu con sông tụ giao thoa/ Lục Đầu Giang nước múa dạt dào/ Sông Cầu, sông Đuống, sông Thương/ Sông Lục Nam, Kinh Thầy, Thái Bình/ Hội bốn dãy núi Tứ linh Long, Ly, Qui, Phượng/ Vòng cung Đông Triều núi thương sông/ Núi Rồng sừng sững đền Kiếp Bạc/ Núi Kỳ Lân- Côn Sơn ngàn thông vi vút/ Nguyễn Trãi thả tình “Côn Sơn ca”/ Trần Nguyên Đán mở Thanh Hư Động/ Núi Qui- Rùa Vàng chốn Tổ Thanh Mai/ Đệ Nhị Pháp Loa, Huyền Quang hiển Phật/ Chuông chùa hoà thơm gió Trúc Lâm/ Núi Phượng Hoàng Chu Văn An ở ẩn/ Dạy học trò nuôi “Chí” lớn sạch thanh/ Bà chúa Sao sa Nguyễn Thị Duệ/ Giả trai thi học thành nữ Trạng nguyên/ Đại bản doanh Kiếp Bạc Trần Hưng Đạo/ Đánh quân Nguyên tan nát tơi bời/ Chí Linh đất và người sinh tụ/ Những cánh đồng bát ngát màu xanh/ Những trang trại ngút ngàn hoa trái/ Những sản vật vải thiều mật ong/ Những gương mặt hiền hoà tuấn tú/ Anh linh ngời ngợi nét hào hoa/ Thiêng liêng hổ phụ sinh hổ tử/ Suối Khe Chè hoa nở trăng lên/ Chiến khu Đông Triều trạm quân y tiền phương/ Bến Tắm hổ vờn trăng nhạc suối/ Chí Linh ca hoà những dòng sông/ Những ngọn đồi xanh cây chim hót/ Những nhành hoa sim tím sườn non/ Hồn tan chảy giữa thiên nhiên thuỷ tú/ Gió ngàn thông vi vút đàn hương”.
Người Chí Linh đã tạc nên tám danh lam cổ kính. Chí Linh Bát Cổ nay còn mướt mát xanh, tụ linh khí Người hoà Trời Đất.
Phao Sơn Cổ Thành xây thời Hồ Hán Thương vây quanh một ngọn núi nhỏ bên bờ sông quân ta chống quân Minh kịch liệt.
Nhạn Loan Cổ Độ dịu dàng cây đa, bến nước, con đò. Bến chờ, bến đợi, bến Bình Than. Vua Lê Thánh Tông một đêm nghỉ trên bến Bình Than đã đề thơ, có câu:
“Lòng Đạo càng già càng cứng cỏi Linh đàn Tiên giới sánh sao tày”
Dược Lĩnh Cổ Viên vườn trồng cây thuốc Nam của Trần Hưng Đạo tại núi Nam Tào khu Đền Kiếp Bạc để chăm chữa bệnh cho hơn mười vạn quân sĩ đại bản doanh Trần Hưng Đạo.
Vân Tiên cổ động gọi là Động Huyền Thiên Thượng đế đã giáng hạ luyện đan ở đây. Thời Trần Huyền Vân cư sĩ đến luyện thuốc trường sinh. Vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Chu Văn An, Trần Nguyên Đán, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Phi Khanh… thường qua đây và để lại những bài thơ.
Tinh Phi cổ pháp là tháp mộ bà Nguyễn Thị Duệ (1590- 1670). Bà Chúa Sao Sa sinh ra ở cái thời đàn bà bị khinh rẻ không được tham dự vào trường văn, trận bút, bà phải giả trai thi học đỗ Trạng nguyên.
Thượng Tể cổ trạch là nhà cổ của Trần Quốc Chẩn bên tả ngạn sông Kinh Thầy. Một trong những danh tướng kiệt xuất nhà Trần từng bị hàm oan, nay là Đền Quốc Phụ rất thiêng.
Tiều Ẩn cổ bích là nhà cổ Tiều Ẩn núi Phượng Hoàng nay là đền thờ và lăng mộ Chu Văn An- Người Thầy của muôn đời.
Trạng Nguyên cổ đường là đền thờ Mạc Đĩnh Chi trên nền nhà cũ ông dạy học.
Chí Linh phong thuỷ diệu huyền sinh nhân kiệt. Người dân Chí Linh không quên Mạc Đĩnh Chi danh nhân triều Trần thế kỷ XIV sinh tại Chí Linh. Quê ông ở làng Lũng Động, huyện Chí Linh, nay là Nam Sách.
Người làng Lũng Động kể:
– Mạc Đĩnh Chi (1272- 1346) thuộc dòng dõi Mạc Hiển Tích. Họ Mạc phát tích ở làng Lan Khê, huyện Bàng Hà (Chí Linh), châu Nam Sách, lộ Lạng Giang. Sáu người họ Mạc kéo nhau về định cư tại làng Lũng Động. Nhóm này sinh sôi được sáu đời, đến đời Mạc Hiển Tích thì hiển đạt. Năm Bính Dần 1068, triều Lý Nhân Tông mở khoa thi chọn người giỏi văn chương chữ nghĩa vào Hàn lâm viện, Mạc Hiển Tích trúng tuyển, đỗ Trạng. Ông được bổ nhiệm chức Hàn Lâm học sĩ triều Lý Nhân Tông (1072- 1128). Mạc Hiển Tích có biệt tài chính trị, đi sứ Chiêm Thành làm vẻ vang quốc thể. Về sau ngài làm đến chức Thượng thư bộ lại. Em trai ngài là Mạc Kiến Quang cũng đậu Văn học thủ tuyển năm 1089. Hai anh em cùng làm Thượng thư đồng triều, sự nghiệp rạng rỡ. Sau năm đời xuất hiện Mạc Đĩnh Chi.
Mạc Đĩnh Chi có tài đức đặc biệt nên dân gian huyền thoại hoá về sự ra đời của ông.
Chuyện kể rằng cha mẹ Mạc Đĩnh Chi ngoài bốn mươi chưa có con. Họ rủ nhau đi cầu ở đền Chử Đồng Tử. Một đêm gió mát trăng thanh, người vợ mơ thấy một hình ảnh sáng ngời từ trên trời rơi xuống nhà, hoá thành con khỉ vàng đẹp xinh trốn chạy vào lòng bà. Bà âu yếm vuốt ve, nâng nựng hình ánh sáng ngày mỗi ngày, đêm từng đêm.
Đủ chín tháng mười ngày, vào giờ Thân, ngày Thân, năm Thân (năm 1272) bà sinh một bé trai. Tướng mạo bé trông nhanh nhẹn, nhưng hơi đen, hơi xấu một chút, nên mọi người càng tin vị Hầu tinh giáng thế.
Mạc Đĩnh Chi lớn lên từ mái nhà tranh, góc ao làng, ruộng lúa, bờ khoai. Cha mất từ khi cậu lẫm chẫm lên năm. Người mẹ goá bụa lần hồi nuôi con trong khốn khó. Mạc Đĩnh Chi nhanh như con sóc nhỏ giữa thôn làng. Cậu lọ mọ mò cua, bắt ốc, chăn trâu, cắt cỏ, nuôi gà lợn, hái củi trên rừng. Đến tuổi đi học, cậu theo trẻ đến nhà thầy đồ. Nhưng mẹ goá con côi không có tiền, gạo cho con đi học.
Bà rất thương con. Hai mẹ con phải lo từng bữa không đủ miếng ăn hằng ngày, nói gì đến chuyện cho con đi học.
Mạc Đĩnh Chi thông minh, láu lỉnh không chịu ngủ yên giữa thôn làng trời tối đen sâu thẳm. Cậu bắt những con đom đóm cho vào chai thuỷ tinh. Đom đóm đêm đêm lập loè toả ánh sáng. Cậu xách đèn đom đóm đến nhà có tiếng trẻ học bài, đứng ngoài học lỏm.
Mẹ thấy con ham học, mừng rơi nước mắt. Bà tất tả thức khua, dậy sớm, đi làm thuê, cuốc mướn, kiếm tiền gửi cậu đến ở nhà thầy đồ trong làng. Cậu học đâu nhớ đấy. Đọc sách một lượt là thuộc. Mẹ lại tìm thầy đậu bảng nhãn ở làng bên nhờ dạy.
Mạc Đĩnh Chi học giỏi nổi tiếng, được nhận vào trường của Chiêu Quốc Công, Hoàng tử nhà Trần. Chàng trở thành thần đồng giữa bụi chuối bờ lau.
Chiêu Quốc Công rất quí mến Mạc Đĩnh Chi.
Ông nói với vợ:
– Chàng thanh niên này đọc chữ bằng mắt và tinh nghịch đẩy chữ lên đầu cho chữ nhảy múa, nhào lộn như xiếc, rồi chuyển chữ xuống trái tim thành ánh sáng toả lan. Tôi muốn nuôi chàng trong phủ nhà ta, cùng ăn học, làm bạn đèn sách với các công tử. Đó là cách dạy con hay nhất. Nàng tính sao?
– Nếu được thế thì tốt cho các con phu quân ạ. Thiếp nghĩ cách dạy người tốt nhất bằng sự nêu gương. Người toả sáng bên Người. Ai mà chẳng mơ hướng về ánh sáng. Những nơi có ánh sáng lan toả, bóng tối sẽ phải lui. Có một người mẫu thần đồng bên cạnh các con, chúng sẽ noi theo lời nói, việc làm, cách học, cách nghĩ suy… thiếp cảm thấy thật là may mắn.
Vợ chồng Chiêu Quốc Công nhiệt tình, trân trọng mời Mạc Đĩnh Chi ở trong phủ với các công tử.
Không ngờ chàng từ chối:
– Thưa thầy, niềm mến trọng của thầy con xin ghi tạ. Nhưng gia cảnh nhà con neo bấn, con không thể để mẹ phải sống một mình. Mỗi ngày học xong, con xin được về nhà giúp mẹ hái củi, trồng khoai, giã gạo, nuôi gà lợn… Đói no có mẹ, có con.
Chiêu Quốc Công ngỡ ngàng cảm phục Mạc Đĩnh Chi hiếu thảo. Ông bàn với vợ đón cả hai mẹ con vào phủ nuôi.
Mạc Đĩnh Chi ơn thầy mẹ nuôi, đã ăn ở hết lòng, học hành chăm ngoan, hiếu thảo. Chàng sống nặng tình, sâu nghĩa với gia đình Chiêu Quốc Công.
Trải bao năm tháng dùi mài đèn sách, năm Giáp Thìn (1304) niên hiệu Hưng Long triều vua Trần Anh Tông mở khoa thi. Mạc Đĩnh Chi đậu Trạng Nguyên, tiếng tăm vang lừng khắp chợ cùng quê.
“Nhưng trớ trêu thay cái sự đời/ Người nhìn người bằng đuôi con mắt/ Khinh nhau xấu mọn, nghèo hèn/ Phân chia cấp này, đẳng nọ/ Không cần biết ai tài cao, đức trọng/ Cậy mình chức lớn, ngôi cao/ Tưởng mình luôn đứng trên thiên hạ/ Nghĩ mình nhất quả đất, địa cầu/ Làm những việc lình xình thất kinh/ Tràn linh tinh tàn phá nhân tình/ Coi người khác là cào cào châu châu/ Ếch nhái ao chuôm lấm láp bờ rào/ Nào đâu biết thiên thần trong bùn đất/ Thất vận sa cơ, ẩn mình chờ/ Thời khí đợi anh hùng xuất thế/ Đã là người ai cũng có thể/ Thành anh tài cứu độ nhân gian/ Chớ vội khinh thường mọi sinh linh”.
Khi Mạc Đĩnh Chi vào ra mắt nhà vua. Trần Anh Tông nhìn tướng mạo chàng không được đẹp. Ông lộ rõ ý không vui, cho chàng lui ra không tiếp.
Vua cho nội thị vời quan chủ khảo vào hỏi:
– Ngươi xem lại bài của người đỗ trạng Mạc Đĩnh Chi, có nhầm lẫn gì không? Trẫm nhìn tướng mạo anh chàng không có gì là thông thái, lòng chán ngán, sinh nghi.
Quan chủ khảo sợ toát mồ hôi, nhưng ông tin Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên là rất xứng đáng. Không một mảy may nhầm lẫn. Quan chủ khảo dâng bài văn của Mạc Đĩnh Chi cho đức vua đích thân xem xét.
Vua đọc bài văn, vừa đọc vừa gật đầu tán thưởng. “Những câu văn có hồn, toả hùng khí núi sông, con người Đại Việt. Người tầm thường không thể viết ra được bài văn như thế”.
Tuy vậy, vua vẫn không hài lòng về tướng mạo của Mạc Đĩnh Chi. Nhất là khi biết chàng là con nhà tiều phu.
Được tin này, Mạc Đĩnh Chi buồn uất giận. Chàng trở về quán trọ, trằn trọc suốt đêm không ngủ được. Chàng uất vì mình bị coi thường về dung mạo đã đành. Uất hơn cả là đức vua khinh thường cha mẹ chàng thân phận nghèo hèn. Một người con hiếu thảo như chàng, làm sao chịu nổi chuyện người khác coi rẻ, nhục mạ cha mẹ mình, chỉ vì họ nghèo đói, không chức tước.
Chàng uất ức, muốn trả hận. Dù người đó là vua thì cũng phải trả hận này.
Chàng yêu cha, luôn tự hào về người cha thân thương của mình. Cha như cây sậy giữa đầm lầy, rừng rú, đồng làng. Gió bão đẩy đưa, dập vùi, cây sậy vẫn hiên ngang đứng thẳng, tồn tại thanh sạch giữa đất trời. Một đời người ngắn ngủi, cha chưa từng gây tội ác với ai, dù chỉ là lời nói hay ý nghĩ. Một người cha như thế, là niềm kiêu hãnh tự hào, là khí chất luôn truyền sức mạnh cho chàng nén phận nghèo mà học, vươn về ánh sáng mặt trời. Hồn cha luôn ẩn hiện, dẫn đưa chàng bay lên.
Mạc Đĩnh Chi không thể đổi người cha tiều phu của mình lấy ông vua. Không thể đổi người cha tiều phu lấy ông tỷ phú. Không thể đổi người cha tiều phu lấy ông giàu sụ nước người. Không thể đổi người cha tiều phu lấy ông trọc phú. Chàng tôn thờ cha mình và mãi mãi tự hào về cha.
Chàng yêu mẹ đến mức nếu ai xúc phạm mẹ, chàng sẵn sàng vung gậy quật tới tấp không tha.
Nhưng kẻ sĩ không bao gìơ đánh người bằng gậy gộc. Mạc Đĩnh Chi bùng ý nghĩ nung nấu trong đầu:
– Phải tỏ rõ tài năng trác việt và phẩm giá thanh cao của mình, xoá tan tư tưởng trọng phú, khinh bần của các đức vua, buộc bề trên phải biết kính trọng người hiền, lương thiện.
Đêm thanh vắng. Tiếng vạc gọi đàn nghe não nuột. Mạc Đĩnh Chi đau cồn cào trong dạ, xót mẹ, thương cha. Chàng bật ngồi dậy, thắp đèn dầu hương Bưởi lờ mờ, viết một mạch bài Ngọc Tỉnh Liên Phú (Hoa Sen Trong Giếng Ngọc). Mạc Đĩnh Chi tưởng tượng mình như Sen trong Giếng Ngọc ở đầu núi Thái Hoà.
Ngọc Tỉnh Liên Phú gồm ba mươi hai câu. Trong đó có câu:
Chẳng phải như Đào Trần, Lý tục Chẳng phải như trúc cỗi, mai gầy Câu ký phòng tăng khó sánh Mẫu Đơn đất lạc nào bì Giậu Đào lệnh Cúc sao ví được Vườn linh quân lan sá kể gì Ấy là giống Sen Giếng Ngọc Ở đầu núi Thái Hoà vậy.
Sáng hôm sau, bài phú được gửi dâng lên vua Trần Anh Tông.
Vua chăm chú đọc Ngọc Tỉnh Liên Phú. Càng đọc ông càng sáng mắt, sáng lòng. Tâm hồn ông bỗng tràn hương Sen ngọt ngào thanh tịnh, cao sang mà dân dã.
Trần Anh Tông sửng sốt nói với quần thần:
– Trẫm chưa đọc bài phú nào hay đến thế. Câu văn đầy khí lực. Không câu nào, chữ nào thoát ra ngoài khuôn phép của đầu đề. Phải là người có học vấn uyên thâm, hồn thăng hoa, trí mẫn tiệp, tinh thông thiên văn, vũ trụ, hải hà và khí phách cao cường mới viết được như vậy. Người như thế lẽ nào ta lại không lấy đỗ Trạng nguyên. Người như thế ắt khẩu khí âm vang bốn biển, sơn khê, làm vẻ vang cho nước non Đại Việt.
Quan trạng Mạc Đĩnh Chi sống rất thanh bạch. Ra làm quan ở trong triều được mấy năm thì mẹ ông mất. Mạc Đĩnh Chi đau buồn xin vua cáo quan về chịu tang mẹ. Cái chết của mẹ đã lay động tâm trí ông về kiếp người ngắn chẳng tày gang. Công danh, phú quí, quan trường ganh đua… rồi tất cả cũng trở về hư vô.
Ông ở lại quê nhà, sống trong cảnh thanh bần, đạm bạc. Mạc Đĩnh Chi bình thản nhìn nước chảy, sông trôi, dòng đời cuồn cuộn. Cảnh thôn trang chiều chiều vi vút tiếng sáo diều theo hướng gió bay lên, làm cho ông dễ chịu thảnh thơi hơn là phải ra luồn vào cúi, công hầu đỏ đen nơi triều chính.
Nhà vua thấy Mạc Đĩnh Chi không về triều. Ông gọi một viên quan tới hỏi:
– Trẫm nghe nói lâu nay Mạc Đĩnh Chi chịu tang thờ mẹ rất có hiếu, chịu đựng sống trong thiếu thốn nơi thôn làng. Ta muốn trích một ít tiền trong kho, nhà ngươi mang về quê biếu ông ta, liệu có được không?
– Tâu bệ hạ, thần biết rõ Mạc Đĩnh Chi khí khái, thanh liêm, thanh bạch, đói sạch, rách thơm, nếu tự nhiên mình cho người đem tiền đến cho, e ông ấy không nhận.
Vua nhíu mày, phân vân hỏi:
– Vậy ta làm cách nào giúp Mạc Đĩnh Chi bớt khó khăn? Phải chăm sóc sức khoẻ, tinh thần quan Trạng và kéo hiền tài trở lại cung đình phụng sự quốc gia.
Viên quan cảm động trước tình cảm và tấm lòng trọng người hiền của đức vua, ông tâu:
– Chỉ có cách đang đêm, sai người đem tiền bí mật bỏ vào nhà Mạc Đĩnh Chi.
Vua nghe có lý, sai người mang mười quan tiền ban đêm bỏ vào nhà Mạc Đĩnh Chi.
Sáng hôm sau, Mạc Đĩnh Chi thức dậy, tự nhiên thấy món tiền lớn ai đặt ngay vào khe cửa ra vào, mở cửa ra, tiền rơi loảng xoảng. Mạc Đĩnh Chi lùi lại, kinh sợ về số tiền vô chủ đó.
Những ý nghĩ ngổn ngang trong đầu qua Trạng:
“ Cả đời ta chưa bao giờ nhìn thấy khoản tiền lớn thế này. Ai đã đặt tiền vào đây? Những người nghèo oan trái tụng đình được ta cứu giúp thì không bao giờ có tiền nhiều như vậy để trả ơn ta. Cùng lắm họ biếu nải chuối, quả cam vườn nhà, đặt lên bàn thờ mẹ ta. Thế cũng đủ cho lòng ta rưng rưng cảm động, trước nghĩa tình người, biết ơn, có trước, có sau. Chắc chắn món tiền lớn này phải là của một kẻ giàu có, tâm địa xấu xa, muốn biếu ta để nhờ vả, cầu cạnh, biến phải thành trái, đổi tội thành công, hoặc mua quan to chức lớn, hoặc kẻ trọc phú muốn làm nhục ta, vu oan đổ hoạ cho ta… Ôi! Những đồng tiền này thật đáng sợ. Ta không vì nghèo khó mà để cho đồng tiền nó sai khiến mình. Ta không vì nghèo khó mà biến thành kẻ nô lệ của đồng tiền. Ta không vì nghèo khó mà để bọn giàu nó làm nhục ta. Xưa nay, ta sống giữa cung đình như cây sậy hình bóng cha ta, ngả nghiêng không đổ gục ngã, không để bất kỳ kẻ nào xúc phạm đến ta, dù là lời nói, hay hành động. Ta lặng lẽ tránh xa bọn nó. Ta tránh xa những đồng tiền bội bạc, đảo điên”.
Mạc Đĩnh Chi cưa một cái ống tre già, cất những đồng tiền vào đó, gác lên mái nhà, xem sự thể những đồng tiền này, nó xoay vần ra sao? Nó có xoay thì cùng lắm nó chỉ làm mục cái ống tre, chứ không thể chạm đến thanh danh, nhân cách của Mạc Đĩnh Chi này.
Nhà vua nóng lòng mong đợi Mạc Đĩnh Chi trở lại cung đình. Ông lệnh vời Mạc Đĩnh Chi vào chầu.
Vua ân cần chia sẻ những khó khăn trong gia đình Mạc Đĩnh Chi, tang gia bối rối, túng quẫn, khó nghèo. Mạc Đĩnh Chi bình thản tâu vua:
– Tạ ơn bệ hạ. Những thiếu thốn khó khăn về tiền bạc, thần đã quen chịu đựng và sống vượt lên trên vật chất, của cải từ nhỏ đến giờ. Thần không có gì phải buồn khổ về chuyện đó. Mẹ thần mất đi là nỗi đau buồn, trống vắng lớn lao. Không gì bù đắp được. Thần bị hẫng hụt tinh thần nặng nề. Nhưng Kinh Phật đã dạy thần biết chấp nhận lẽ vô thường. Sinh Lão Bệnh Tử. Đời người ai cũng phải nếm trải. Sự chết là thiêng liêng. Sự sống là hữu hạn và cao cả. Trước sự chết, con người trở nên minh Đạo, hiểu giá trị những giây phút mình được sống trên đời. Sống an bình. Sống yêu thương. Sống có ích cho gia đình, quốc gia và đồng loại. Tâm hồn luôn trong sáng thanh cao như Ngọc Tỉnh Liên Hoa. Thần tuy có đau buồn, nhưng không u sầu dai dẳng bám theo tiếng nức nở của dàn bát âm tang lễ. Thần luôn vững vàng giữ nhịp sống thanh thản và hướng về ánh sáng từng ngay, từng ngày dâng hiến để đền ơn, đáp nghĩa mẹ, tình cha. Thần chỉ hơi băn khoăn tại sao đang đêm, có người lẻn vào gài cánh cửa liếp nhà thần mười quan tiền. Những đồng tiền ma đi trong bóng tối, thần sợ không dám đụng tới. Thần làm quan đã có lộc nước đủ sống bình thường. Nay tự nhiên thấy tiền, thần xin nộp vào kho sung quĩ để tâm hồn thần được thảnh thơi.
Đức vua hơi mỉm cười. Ngài sung sướng hạnh phúc biết bao khi có một vị hiền tài đức độ như thế bên mình. Vua thân thương nhìn Mạc Đĩnh Chi, chầm chậm nói:
– Thần Phật thương khanh hiếu thảo với mẹ nên bí mật cho người đặt tiền vào nhà giúp khanh vượt qua tang gia bối rối. Khanh cứ yên tâm mà nhận đi. Của đến nhà quan Trạng thanh liêm bằng tình cao nghĩa trọng đó.
Mạc Đĩnh Chi tạ ơn vua và say đắm dâng tài năng, đức độ của mình cho quốc gia Đại Việt.
Các vua Trần đều hỏi ý kiến Mạc Đĩnh Chi về đại sự.
Vua Trần Nhân Tông đã lên núi Yên Tử tu khổ hạnh, sáng lập Thiền Trúc Lâm Yên Tử, vẫn nhập thế, cùng con trai Trần Anh Tông lo giữ gìn và dựng xây đất nước. Trần Nhân Tông dứt ruột gả Huyền Trân, con gái yêu của mình mới mười sáu tuổi cho vua Chămpa là Chế Mân, đổi lấy hoà bình hai nước Chămpa- Đại Việt.
Trần Nhân Tông mang việc này hỏi ý kiến các quan đại thần. Mạc Đĩnh Chi muốn phản đối vua mà không thể.
Mạc Đĩnh Chi tuy không điển trai lắm, nhưng tiếng vang về quan Trạng tài năng và thanh liêm tràn khắp Đại Việt, sang cả nhà Nguyên ở Trung Quốc. Nhiều gia đình danh giá muốn gả con gái cho chàng. Nhiều bóng hồng lướt mắt lại qua đưa tình, mong chiếm lĩnh chàng.
Người đàn ông nào chẳng mê đắm mỹ nhân. Được các nàng mê muội, ve vuốt, gợi tình, hiến tình, ai chẳng thích. Mạc Đĩnh Chi cũng vậy. Lâng lâng trong tình ái. Nhưng chàng có mênh mông chữ trong đầu, và thuộc kinh Phật, nên tỉnh thức trước hương hồng quyến rũ.
Lúc tỉnh ra, chàng nghĩ chẳng hay ho gì cái cảnh chàng nàng lơi lả. Tình ơi tình, tình nhố tình nhăng. Chẳng có chuyện gì mà nói. Trống rỗng. Nhạt phèo. Không có gì mới. Quanh quẩn chỉ có thế mà thôi. Rồi chán. Rồi ốm. Rồi đau. Rồi mất nhà. Mất cơ nghiệp. Rồi ê chề. Rồi tai hoạ. Rồi gọt đầu bôi vôi…
Nhiều lúc Mạc Đĩnh Chi mỉm cười một mình. Không hiểu vì sao cái chuyện chàng nàng vớ vẩn ấy lại có sức tàn phá con người khủng khiếp đến như vậy. Nó chẳng là quái gì mà lại là quái nhân. Kinh khủng khiếp. Nó phá tan tất cả cái sự đời. Nó đẩy người đến chỗ đi không vững. Đứng không xong. Nằm không dậy được. Tình ơi tình, tình nhố tình nhăng. Ghê sợ thay hỡi cái tình!
Nắng gió kinh thành mơn man. Mạc Đĩnh Chi căng phồng lồng ngực hít một hơi dài và từ từ thở ra nhẹ nhõm. Chàng chưa đến nỗi hoá dại để phải vướng vào những cảnh ái tình muội mê.
Quan Trạng Mạc Đĩnh Chi yêu cái đẹp cao sang thánh thiện. Chàng choáng váng trước tin vua Trần Nhân Tông ép duyên, cắt ruột gả Huyền Trân cho Chế Mân, dù là để đổi hoà bình. Chàng thấy mình bất lực trước cảnh người đẹp gặp bước chông gai. Chàng muốn cứu Huyền Trân thoát cuộc duyên tình trớ trêu đầy bi thảm, mà không cứu nổi. Bóng hồng nhẹ bước vội ra đi. Quốc gia lâm nguy, nàng hiến thân vì đại nghĩa. Nàng hy sinh hạnh phúc cá nhân mình, cứu nước cứu nhà, cứu cha yêu.
Buồn bã, chàng vừa đọc kinh Phật vừa ngâm thơ tình:
Hoa hồng nở lúc rạng đông Thắm tươi vừa mới nở xong đã tàn Nụ xưa là tổ hồng nhan Vội chi vùi dập hoa tàn thương ôi!
Đức hạnh và tài năng của Mạc Đĩnh Chi vang tận xứ Trung Hoa. Vua tôi nhà Nguyên Mông đang cai trị Trung Hoa ở kinh đô Yên Kinh xôn xao bàn tán, muốn thử tài Mạc Đĩnh Chi xem hư thực thế nào. Vua Nguyên gửi thông điệp cho vua Trần yêu cầu cử đích danh Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang Trung Quốc.
Trần Anh Tông vời Mạc Đĩnh Chi vào cung cấm nói rõ yêu cầu của vua Nguyên:
– Nước ta tuy nhỏ mà hai lần đánh thắng giặc Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi. Nhà Nguyên chiếm được nước Trung Hoa lớn mạnh hơn ta. Họ vừa vênh vang tự mãn, nhưng cũng hận và kính nể dân Đại Việt quật cường, dũng mãnh, mưu lược. Nay họ đích danh mời khanh đi sứ sang đó. Khanh phải thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ của dân Đại Việt. Vừa mềm dẻo, vừa khôn khéo giữ mối bang giao hoà hiếu, nhưng không được để họ coi thường Người Đại Việt. Phải nâng cao vị thế của dân Đại Việt từng hai lần chiến thắng giặc Nguyên.
Mạc Đĩnh Chi biết cuộc đi sứ lần này thật gian khó, hiểm nguy. Họ muốn đối mặt với Trạng nguyên Đại Việt bằng sức mạnh của quyền lực đen tối. Mạc Đĩnh Chi chỉ có một mình với Trí Đức cao vời vợi của Đại Việt. Phải đấu Trí với họ thôi. Không thể đấu với họ bằng gươm đao, giáo mác.
Mùa Xuân năm 1308. Niên hiệu Hưng Long thứ 16 triều Trần Anh Tông. Mạc Đĩnh Chi nhận chức Chánh sứ dẫn đầu sứ bộ Đại Việt lên đường đi sứ nhà Nguyên.
Đường xa dặm dốc, núi cao, sông sâu cuồn cuộn, vực thẳm, nghìn trùng, hiểm nguy từng bước chân qua. Mạc Đĩnh Chi đơn thương, độc mã giữa vòng vây bủa vô hình của quan lại người Tàu thâm nho, hiểm ác, cạnh người Nguyên mưu mẹo, tinh quái. Mạc Đĩnh Chi luôn đứng thẳng, cao đầu, tin ở trí đức của mình. Hành trang của quan Trạng là sức mạnh của nhân dân Đại Việt, của hùng khí nước non. Mạc Đĩnh Chi quyết làm tròn thiên sứ.
Đoàn sứ bộ tới cửa ải. Trời buông tối. Cửa ải đóng. Mạc Đĩnh Chi nói thế nào họ cũng không mở cửa cho qua. Sau họ vứt từ trên chòi canh xuống một vế đối:
Qua cửa quan chậm, cửa quan đóng mời khách qua đường qua cửa quan”
Mạc Đĩnh Chi ứng khẩu:
Ra câu đối thì dễ, đối câu đối thì khó, xin tiên sinh đối trước.
Quan quân Nguyên chịu thua Mạc Đĩnh Chi có tài ứng biến, liền mở cửa ải để ông đi.
Có một bộ óc thông minh thôi chưa đủ. Điều quan trọng nhất là phải sử dụng nó đúng cách. Tài năng của Mạc Đĩnh Chi là vậy.
Mạc Đĩnh Chi ra mắt vua Nguyên cùng với sứ Cao Ly. Sứ thần Cao Ly dâng vua Nguyên chiếc quạt. Vua Nguyên bắt Mạc Đĩnh Chi và sứ thần Cao Ly làm thơ đề quạt.
Mạc Đĩnh Chi còn đang tìm tứ thơ đối thì sứ thần Cao Ly đã thoăn thoắt múa bút. Liếc theo quản bút, Mạc Đĩnh Chi đọc được:
Nóng nực oi ả như Y Doãn, Chu Công Rét mướt lạnh lùng như Bá Di, Thúc Tề
Mạc Đĩnh Chi liền phát triển ý ấy của sứ thần Cao Ly, viết một mạch:
Chảy vàng, tan đá, trời đất là lò lửa Người lúc ấy như Y Doãn Chu Công là những bậc cự nho Gió bấc lạnh lùng mưa tuyết đầy đường Người lúc ấy như Bá Di, Thúc Tề là những ông già chết đói Ôi, dùng thì truyền tay, bỏ thì xếp xó Chỉ có ta với ngươi là như thế này chăng?
Vua Nguyên không ngờ ý tứ của Mạc Đĩnh Chi Cao diệu đến thế. Tứ thơ nói về cái quạt, nâng thành biểu tượng liên tưởng về thân phận sứ thần Mạc Đĩnh Chi. Trạng nguyên Đại Việt tài cao, đức trí lớn hơn sứ thần Cao Ly nhiều quá. Vua Nguyên gật gù phê “Lưỡng quốc Trạng nguyên” phong Mạc Đĩnh Chi là Trạng nguyên của hai quốc gia Đại Việt và Trung Quốc.
Vua Nguyên trực tiếp ra vế đối để đo khí tiết của Trạng nguyên nước chư hầu:
Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng
Mạc Đĩnh Chi ứng khẩu đối ngay:
Trăng là cung, sao là đạn, chiều tối bắn rơi mặt trời.
Với khí tiết dũng mãnh và trí tuệ siêu việt, Mạc Đĩnh Chi làm cho vua quan nhà Nguyên phải kính phục, trong thế đứng hiên ngang, toả sáng Trí Dũng Đại Việt.
Một hôm, quan tể tướng mời Mạc Đĩnh Chi vào dinh đàm đạo. Tể tướng thuộc giống người Nguyên Mông dáng to sù sụ, mặt bự bành trông vừa lộ ngộ, vừa khùng khuỳnh, đưa mắt một mí trơn tuồn tuột, nhìn Mạc đĩnh Chi dáng thấp nhỏ, tỏ vẻ khinh bỉ ra mặt. Ông ta mời Mạc đĩnh Chi ngồi vào bàn trà nhưng, quay mặt đi, không nhìn khách quí. Mạc Đĩnh Chi giận sôi trong lòng trước vẻ ngạo mạn lố bịch ấy. Quan Trạng Đại Việt ngồi thẳng lưng, mắt nhìn thẳng, thở đều, chậm, sâu, giữ khí chất đại Việt.
Khi ấy đang là tháng năm, tháng sáu. Trong dinh tể tướng treo tấm màn mỏng che nắng bên thềm, trên thêu hình con chim sẻ vàng đậu trên cành trúc. Mạc Đĩnh Chi bỗng đứng bật dậy, chạy ra sờ tấm màn, giả vờ nhầm tưởng hình thêu trên tấm màn đó là con chim sẻ thật, giơ tay bắt. Người Nguyên cười ồ ồ, cho rằng Mạc Đĩnh Chi quê mùa, ngô nghê, ngốc nghếch.
Bất ngờ Mạc Đĩnh Chi kéo phựt tấm màn xuống, xé toạc. Mọi người kinh ngạc, lạ lùng hỏi:
– Cớ sao sứ thần Đại Việt dám làm như thế trong dinh quan lớn nhất triều Nguyên đang trị vì nước lớn Trung Hoa?
Mạc Đĩnh Chi điềm tĩnh trả lời:
– Tôi nghe nói người xưa có vẽ chim sẻ đậu cành mai, chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong màn trướng của quan tể tướng lại thêu con chim sẻ đậu cành trúc. Trúc là quân tử, sẻ tiểu nhân. Quan tể tướng đem chim sẻ đậu cành trúc mà thêu vào màn trướng. Thế là để tiểu nhân lên trên bậc quân tử. Tôi sợ rằng đạo của tiểu nhân ngày càng thịnh lên, đạo của quân tử ngày càng mòn mỏi đi, cho nên tôi trừ giúp bọn tiểu nhân cho thánh triều.
Quan quân nhà Nguyên đành chịu, chỉ biết liếc đi liếc lại đôi mắt một mí trơn tuồn tuột mà nhìn Mạc Đĩnh Chi đầy kính trọng.
Gần bảy trăm năm qua, Quan trạng, Thượng thư Mạc Đĩnh Chi sống mãnh liệt trong lòng dân tộc. Dân gian huyền thoại hoá Mạc Đĩnh Chi trong hình tượng một vị quan thanh liêm, trí tuệ phi phàm, một nhân cách Việt Nam ngời sáng thế gian.
Và hôm nay, anh linh Mạc Đĩnh Chi vẫn hiển hiện cùng con cháu trong tư thế đi sứ Trung Hoa “Lặng im, bản lĩnh, an bình”, làm cho nước láng giềng phải “Kính phục Đại Việt, Đại Nhân, Anh Hùng”:
Mạc Đĩnh Chi Đi Sứ Trung Quốc
Vua sai đi sứ nhà Nguyên Khinh chàng nước bé, thuyền con chòng chành Phủ tể tướng treo tấm mành Thêu con chim sẻ đậu cành trúc xinh Tài cao, Đức lớn, một mình Chàng mạnh tay xé, tấm hình trong dinh Quan quân hung hổ bực mình Cớ sao Mạc dám nghênh ngang cung đình Lặng im, bản lĩnh, an bình Chàng bảo chim sẻ rập rình cành mai Ai để lân la cành trúc Trúc quân tử, sẻ tiểu nhân sao sánh Đặt tiểu nhân trên quân tử Chính đạo mòn, thánh triều bất trị dân Tôi trừ tiểu nhân giúp cho Thánh triều phải tạ ơn to bội phần Tướng sĩ ngơ ngác tần ngần Kính phục Đại Việt, Đại Nhân, Anh Hùng.
Hồ Gươm Mùa Hoa Sen 2012. ___________________________________________
© Tác giả giữ bản quyền. . Đăng tải theo nguyên bản của tác giả từ Hà Nội ngày 08.07.2012. Trích đăng lại vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com
|