- Đang online: 1
- Hôm qua: 1218
- Tuần nay: 38251
- Tổng truy cập: 3,471,029
GÓC VĂN CUỐI TUẦN…
- 380 lượt xem
BÀI THƠ ĐƯỜNG NỔI TIẾNG
Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu
Có mấy bạn yêu thơ điện cho tôi hỏi “ Thấy anh cũng biết làm thơ và đã đọc thơ cho nhiều người nghe, anh có biết gì về thơ Đường không? và theo anh trong lịch sử thơ Đường có bài nào nổi tiếng nhất?”
Tôi xin cảm ơn bạn đã quan tâm, về đề tài bạn hỏi thật là rộng lớn quá sức hiểu biết của tôi. Song tôi sẽ cố gắng trả lời các bạn như tên của chuyên mục:
Trong lịch sử văn hóa Trung hoa, Thơ Đường chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Người ta nhận xét rằng chưa có một thời đại nào có một nền thơ ca rực rỡ bằng đời Đường. Trải qua thời gian và biết bao thăng trầm của lịch sử cho đến nay người ta vẫn còn lưu giữ được hơn 48.000 bài thơ của 2.300 thi sỹ. Tất cả những bài thơ còn sót lại với nội dung vô cùng phong phú và nghệ thuật trác việt cũng đủ để đánh dấu một thời đại hoàng kim của thơ ca Trung quốc. Suốt trong khoảng thời gian gần 300 năm từ năm 618 đến 901 là thời kỳ của thơ Đường gắn liền với lịch sử, kinh tế chính trị xã hội Trung quốc. Rất nhiều nhà thơ nổi tiếng mà những ai biết đọc thơ, thích thơ, yêu thơ đều biết tiếng như Bạch Cư Dị, Dương Quýnh, Vương Bột, Đỗ Phủ, Trần Tử ngang … Bạn hỏi về bài thơ nào nổi tiếng thì tôi xin chép ra một bài thơ mà nhiều người biết và cũng có thể gọi là nổi tiếng. Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của tác giả Thôi Hiệu. Nội dung bài thơ như sau:
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán- dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh- vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Dịch nghĩa : Hoàng hạc lâu
Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi rồi
Lầu hạc vàng còn trơ lại đây
Hạc vàng một khi đã bay đi, không trở lại nữa
Mây trắng nghìn thu lởn vởn hoài…
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán- dương rõ mồn một,
Cỏ thơm trên bãi Anh- vũ mơn mởn xanh tươi
Trời tối rồi, đâu là quê hương mình?
Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến người sinh buồn!
Dịch thơ : Tôi biết có hai bản dịch, một bản dịch theo thể thơ lục bát ,một bài dịch theo thể thất ngôn bát cú. Xin chép cả hai bản để bạn đọc thưởng thức.
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà đây Hoàng hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa!
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán dương sông tạnh cây bầy,
Bãi xa Anh- vũ xanh đầy cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
TẢN ĐÀ
Ai cưỡi hạc vàng đi mất hút,
Trơ lầu Hoàng hạc chốn này thôi!
Hạc vàng một đã đi, đi biệt,
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi.
Sông tạnh Hán- dương cây sáng ửng.
Cỏ thơm Anh- vũ bãi xanh ngời.
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dạ người.
KHƯƠNG HỮU DỤNG
Xin nói thêm. Tôi không giỏi thơ, không biết bình thơ. Bài thơ này được Thôi Hiệu đề trên Lầu Hoàng hạc, hay đến mức nhà thơ Lý Bạch đi qua đọc được bái phục lắm không dám đề thơ khác nữa, ông chỉ dám đề hai câu thơ ở bên cạnh:
“ Trước mắt có cảnh nói không được
Vì có thơ Thôi Hiệu ở trên đầu”
Nguyễn Quang Tình biên tập và giới thiệu
TẬP LÀM DÂN
Tôi có ông bạn vong niên, ông hơn tôi mươi tuổi. Cách đây hơn một năm lúc gặp tôi ông có tâm sự “ Mình sắp phải nghỉ hưu rồi, cả cuộc đời tham gia trận mạc rồi về làm quản lý từ quản đốc đến phó giám đốc rồi giám đốc. Không biết về nghỉ thì làm gì?”
– Tôi bảo “ Làm dân !”
– Làm dân?
– Đúng, làm dân chứ ai mà làm quan được mãi.
Vừa rồi gặp ông, ông bảo “ Tháng sau mình phải nghỉ hưu rồi” Tôi bảo: Quá tốt, anh về nghỉ chế độ mà trời cho anh mạnh khỏe thế này là quá mừng rồi còn gì hơn nữa ?
– Nhưng mà buồn lắm cậu ạ! Chả biết làm gì, chơi với ai cho hết ngày?
Anh ơi ! Tôi đã nói với anh từ năm ngoái, bảo anh tập làm dân dần đi cho nó quen để đến khi nghỉ hẳn không bị bỡ ngỡ, đột ngột. Vậy mà anh chả chịu tập. Không ai có thể làm lãnh đạo mãi, giỏi đến như cụ Nguyễn Văn Siêu làm quan chức Án sát, đại sứ tại Trung Hoa thế mà khi về già cụ vẫn ung dung tự tại, tập làm dân để sống sống khỏe lúc tuổi già.
Vì vậy nhân lúc Anh chuẩn bị từ biệt chốn quan trường, tôi xin chép tặng anh một đoạn trong bài thơ “ Về hưu” của cụ Nguyễn Văn Siêu.
Về hưu
Già về xóm cỏ làm dân
Về thì mong giữ tấm thân được nhàn
Việc đời nát ruột, bầm gan
Chỉ chưa nỡ bỏ mấy gian sách nhàu
Trời xanh đội đến bạc đầu
Chân lùa gió bụi chẳng mầu bùn nhơ
Gọi quan gọi lão cũng ờ
Đường xa một tấm thân giờ ta đi
Nói thêm một chút về cụ Nguyễn Văn Siêu ( 1796-1872) cụ có tên tự là Tốn Ban, hiệu Phương Đình, người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (cũ) sau dời sang Dũng Thọ, huyện Thọ Xương ( nay thuộc phố cổ Hà Nội), đỗ Phó bảng năm 1828 làm quan đến chức Án sát, đi sứ Trung hoa. Cụ là một trong bốn văn sỹ được suy tôn thơ văn hay nhất nước lúc đương thời. Dân gian suy tôn là “ Thần Siêu”. Cụ có nhiều tác phẩm như: Phương Đình thi loại, Phương Đình thi tập, Phương Đình tùy bút lục… Địa dư toàn biên…vv
Nguyễn Quang Tình biên tập và viết
Căn bệnh “ Ôm đồm”
Anh bạn tôi là giám đốc một công ty lớn, nhân kỷ niệm ngày sinh của anh, tôi gọi điện chúc mừng, chúc anh mạnh khỏe, hạnh phúc và thăng tiến. Vừa nghe xong lời chúc đã thấy anh phàn nàn và luôn miệng kêu khổ.
– Tôi bảo: Anh vừa có quyền lại có tiền, đơn vị thì làm ăn được, gia đình vợ con mọi mặt đều tốt thì còn kêu khổ cái nỗi gì?
– Anh nói : “ Khổ ở chỗ làm cán bộ quản lý hiện nay cái gì cũng phải lo. Từ lo công ăn việc làm cho công nhân, cán bộ, lo vật tư nguyên nhiên liệu đầu vào đến việc quảng cáo, chào hàng bán sản phẩm đầu ra… Nói chung là việc gì cũng đến tay lo liệu hết, cả ngày cứ trần mình ra mà lo, vậy mà không hết việc, vì vậy mà ăn cũng không ngon, ngủ không yên. Nhiều lúc cứ nghĩ hay là đã đến lúc phải xin nghỉ việc để về hưu sớm ? Cứ làm việc theo kiểu như hiện nay thì có lẽ chết sớm, quá vất vả và căng thẳng !”
– Nghe anh nói vậy tôi bảo: Anh bị bệnh rồi !
– “ Bệnh! Chú nói tôi mắc bệnh gì ?”
– Bệnh của anh là bệnh của người quản lý, cái gì cũng lao, việc gì cũng can thiệp. Bệnh “ Ôm đồm”
– “Chú nói tôi mắc bệnh, vậy bệnh này có chữa được không ?”
– Tôi không phải thầy thuốc, vả lại bệnh này không chữa được bằng thuốc mà phải biết bệnh của mình để tự chữa.
Vậy tôi xin kể câu chuyện sau đây để anh tự vận vào mình mà tự chữa nhé!
Thời Tam quốc, có ông Khổng Minh lúc chưa ra làm quan ông ở trong một lều cỏ trên đồi Ngọa Long, hàng ngày vừa cày ruộng vừa đọc sách. Vì vậy dân gian hay gọi ông là Ngọa Long tiên sinh. Ông có họ là Gia Cát, tên là Lượng. Tài của ông vào loại xuất chúng “ Kinh bang, tế thế” Việc gì ông cũng biết, đặc biệt là tài cầm quân, binh pháp và đạo trị quốc khó ai sánh kịp. Nghe tiếng ông, ba anh em kết nghĩa Lưu, Quan, Trương dẫn đầu là Lưu Bị ( tự là Huyền Đức) ba lần gội gió tuyết, mưa sa đến lều cỏ cầu kiến. Vì cảm mến ân đức của Lưu Bị mà ông đã xuống núi giúp cho nhà Thục gây dựng lại cơ đồ nhà Hán, tạo nên thế chân kiềng ( Tam quốc). Khi đã làm thừa tướng ông cũng mắc phải bệnh như anh bây giờ. Xin trích một đọan trong Tư tri thông giám.
“ Gia cát Lượng lúc mới làm thừa tướng, thường tự mình hiệu đính công văn giấy tờ. Phó tướng Dương Ngung thấy thế trực tiếp can rằng “ Thúc đẩy việc chính sự, điều rất quan trọng là phải dựa vào chế độ, trên dưới có phần quyền, không nên giẫm chân lên nhau. Tôi nay lấy công việc về nghề nông để đưa một ví dụ thử ngẫm xem. Nay có một hộ nông nghiệp, người chủ phái nông nô cày bừa, tì nữ xử lý việc bếp núc, gà trống trông coi việc báo sáng, chó thì trông coi việc canh trộm, bò thì trông coi việc kéo cày, ngựa thì trông coi việc kéo xe.
Như vậy công việc của họ nhất định điều hành việc rất tốt, đều có người phụ trách, chủ nhân của họ nói chung rất thoải mái, kê cao gối mà ngủ chẳng lo nghĩ mọi việc.
Nếu như, có một ngày đột nhiên ông ta nghĩ khác, việc gì cũng tự mình làm không chịu giao phó cho người khác, như vậy nhất định sẽ vất vả muốn chết, bởi những việc này rất phức tạp, mỏi mệt về thể xác lẫn tinh thần, cuối cùng vẫn không xong được một việc.
Ở đây không phải muốn nói trí tuệ của sáu người không bằng nô tì gà chó, mà muốn nói ông đánh mất chức trách người chủ cần có là chỉ huy đại cục! Câu châm ngôn xưa có nói, ngồi mà luận đạo, đã rằng chúa công, thi hành công việc đã rằng sỹ đại phu. Thời Hán Tuyên đế, tể tướng Bích Cát chẳng qua nhầm lẫn mà chết người, trái lại lo việc cày bừa lúc đầu xuân chưa bận rộn, thì không gấp gáp. Tể tướng Trần Bình thời Hán Văn đế, chẳng phải xem xét tiền tài trong kho tàng, mà nói “ đã có người chủ sự”, đạo lý ấy là chia thang bậc mà phụ trách.
Nay minh chủ tự mình rà soát giấy má văn thư, lo từ việc nhỏ hành chính, mồ hôi mồ kê suốt ngày, phải chăng phải quá vất vả như thế!”
Gia Cát Lượng lập tức đứng lên cảm tạ, tiếp thu kiến nghị của ông ta. Sau này Dương Ngung từ trần, Gia Cát Lượng còn nghĩ đến ông ta khóc lóc bi thương suốt ba ngày ròng rã. Từ câu chuyện trên anh thử xem anh có phần nào gần như thế thì tự sửa để phân công và điều hành công việc hợp lý, không ôm đồm nhiều việc. Làm quản lý nhiều lúc cũng phải thả lỏng đầu óc, làm mấy câu thơ, hát vài ba bài, buôn dăm ba câu chuyện đời thường cho cuộc sống thêm hương vị, chỉ có như vậy thì mới bớt được căng thẳng, công việc sẽ thuận lợi hơn lên. Kể chuyện cũ để ngẫm về việc mới, chúc anh sớm tự sửa mình để chữa được “ căn bệnh” đã mắc phải !
Nguyễn Quang Tình
Viết bình luận
Tin liên quan
-
Nhớ Hoàng Trần Cương lại nghĩ về trường ca “Long Mạch”
-
VỀ VỚI AO DƯƠNG
-
LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
-
CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
-
THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
-
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
-
LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
-
CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
-
TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
-
Chữ hiếu xưa và nay
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC