- Đang online: 3
- Hôm qua: 1066
- Tuần nay: 28497
- Tổng truy cập: 3,468,855
Gập ghềnh thiên lý trường chinh
- 307 lượt xem
Gập ghềnh
thiên lý trường chinh
Ghi theo hồi ức của
Đại tá Huỳnh Thúc Tuệ (*)
Bộ đội trên chiến trận Điện Biên Phủ
… Sau đại thắng ở chiến dịch Thượng Lào, mùa hè 1953 Trung đoàn 57 của chúng tôi về đóng quân tại miền trung Thanh Hoá, tiến hành đợt “chỉnh huấn”, “chỉnh quân” nhằm nâng cao tinh thần và kỹ năng chiến đấu cho bộ đội. Chiến sĩ ta hầu hết là con em nông dân lao động, họ chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc và cũng vì ruộng đất cơm áo của chính bản thân mình và gia đình mình. Được học tập chính sách giảm tô, tiến tới cải cách ruộng đất, một bước quyết định đưa ruộng đất về cho dân cày, những người ruột thịt của mình, các cán bộ và chiến sĩ hết sức phấn khởi và càng tin tưởng tuyệt đối vào con đường cách mạng mà Bác Hồ đã vạch ra. Đó là một động lực vô cùng to lớn để làm nên chiến thắng sau này. Song song với việc học tập chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ là việc huấn luyện chiến đấu. Từ chiến trường miền Tây và Thượng Lào, quen với chiến thuật phục kích và truy kích địch trên núi cao rừng thẳm, đơn vị chuyển sang học cách đánh “công kiên”, tiêu diệt từng bốt đồn, cứ điểm ngay trên đất đồng bằng, địa hình mà hầu hết chiến sĩ đều quen thuộc từ thuở ấu thơ. Tôi cũng muốn nói rõ thêm rằng, sau chiến dịch Hà Nam Ninh 1951, Trung đoàn được bổ sung một lực lượng lớn chiến sĩ mà hầu hết là quê ở vùng châu thổ sông Hồng. Thuận lợi cũng nhiều mà khó khăn cũng lắm. Chưa từng đánh công kiên, ai mà chẳng có ít nhiều băn khoăn lo lắng cho trách nhiệm của mình? Nhưng từ cán bộ tới chiến sĩ đều hầu như chắc mẩm kỳ này được về với đồng bằng, được gần gũi với những gì mà họ từng quen thuộc. Biết đâu họ chẳng có dịp được ghé thăm quê nhà và người thân sau nhiều năm xa cách! Cũng nói thật là có một nguyện vọng thầm kín không ai dám nói ra, đó là về đồng bằng thì điều kiện sinh hoạt vật chất chắc chắn là được đảm bảo hơn nhiều; mặt khác họ lại có điều kiện để chiêm ngưỡng và gần gũi với những … “đoá hoa đồng nội” mà bao lâu xa vắng họ vẫn hằng mơ ước!
Đã tới giữa mùa thu mà chưa có một dấu hiệu gì khác lạ. Tất cả vẫn cứ án binh bất động. Mùa thu – đông thường là mùa của các chiến dịch. Các cán bộ từ tiểu đội tới tiểu đoàn và đặc biệt là các vị “tham mưu con” liên tục tung ra hết nhận định này tới nhận định khác. Nhưng chung quy ai cũng khẳng định kỳ này chắc chắn là sẽ đánh ở đồng bằng, chủ yếu là đánh Hà Nam Ninh. Một sự kiện xẩy ra đã chứng minh cho “nhận định” trên là chắc chắn: ngày 15 tháng 10/1953 địch mở chiến dịch Hải Âu, đánh chiếm miền nam Ninh Bình, gần kề ngay Thanh Hoá, đồng thời chúng cho tàu chiến uy hiếp bờ biển Thanh Hoá! Tất cả cán bộ và chiến sĩ đều nóng lòng chờ xuất kích. Một số người quá nôn nóng còn tỏ ý trách móc cấp trên sao mà … chậm chạp! Thời gian này sư đoàn 320 đang giành thắng lợi dòn giã ở Rịa, ở Nho Quan, đập tan chiến dịch Hải Âu của địch. Lúc này trên các mặt trận Khu 5, Bắc Tây Nguyên, Trung Hạ Lào, Đông Bắc Căm Pu Chia, Nam Bộ … cũng hết sức sôi động. Nghe tin đơn vị bạn chiến thắng dồn dập mà khát thèm, mà náo nức chờ mong!
Việc cần đến ắt sẽ đến! Toàn trung đoàn được lệnh hành quân cấp tốc. Mọi người như quả bóng căng được xì hơi, náo nức, hối hả thu vén quân trang quân dụng, khẩn trương lên đường hành quân. Nhưng lệnh trên truyền xuống chỉ biết là hành quân, còn đi đâu, hướng tới mục tiêu nào thì không ai được biết! Các vị “tham mưu con” được dịp nói chắc như đinh đóng cột: “Chắc chắn là đi Hà Nam Ninh chứ còn đi đâu nữa!” Thế nhưng, ngay từ ngày đầu chúng tôi lại hành quân từ Quảng Xương đi về … hướng tây, lên Ngọc Lạc, Vạn Mai! Có lẽ đây là một cách đánh lạc hướng sự truy tìm của địch? Đồng bằng Hà Nam Ninh ngày càng trở nên xa lắc xa lơ! Các vị “tham mưu con” lại đưa ra nhận định mới là chúng tôi đang trở lại mặt trận Thượng Lào. Đó là nơi đơn vị rất thông thuộc địa hình, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu cũng như dân vận, nơi mà kẻ địch chỉ nghe tiếng trung đoàn 57 là đã bạt vía kinh hồn! Nhưng chắc đâu hướng đi đã là như vậy! Sự thật thì bộ đội chỉ biết hành quân và hành quân, không biết đích xác tới đâu và theo hướng mục tiêu cụ thể nào. Phải chăng đây là một cuộc hành quân theo chiến thuật nghi binh?
Thế rồi đột nhiên trung đoàn tách xa sông Mã, đi về phía Suối Rút, Mộc Châu. Chúng tôi được nghỉ tạm ở đây 2 ngày. Đêm tháng chạp tối mịt, trời Mộc Châu rét như cắt da cắt thịt. Chiếc áo trấn thủ và tấm chăn chiên không đủ che kín làn da tím tái. Đêm nghỉ không được đốt lửa, sợ máy bay do thám địch phát hiện. Mộc Châu là một vị trí ngã ba, nằm ngay trên trục đường số 6. Theo đường 6 lên hướng Tây là Sơn La, Lai Châu. Cũng theo đường 6 về hướng đông là Hoà Bình, Hà Đông, Hà Nội. Còn theo hướng bắc là qua Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang. Liệu chúng tôi sẽ theo hướng nào đây? Sau 2 ngày nghỉ lấy sức và củng cố đội hình hành quân, chúng tôi lại lên đường hướng chếch về đông bắc, theo một con đường mới mở, toàn đất bùn, đá sỏi, gồ ghề lổn nhổn. Thế là hướng hành quân đã rẽ ngoặt tới 90 độ. Chúng tôi cứ đi, đi miết. Thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp những đoàn dân công gồng gánh nặng trỉu đi ngược với hướng hành quân của đơn vị. Rõ ràng là chúng tôi đi ngược hướng tiền phương! Phải chăng chúng tôi đang rời khỏi chiến trường để về hậu phương, về vùng chiến khu Việt Bắc? Phân tích kỹ điều này thì thấy không có căn cứ, thậm chí là vô lý. Nhưng các “tham mưu con” đã hoàn toàn mất phương hướng “chiến lược”, không còn đưa ra được nhận định gì! Vượt qua không biết bao nhiêu núi cao, vực sâu, rừng rậm; bao thác ghềnh hiểm trở; vượt sông Đà, sông Thao mênh mông, chảy xiết, suốt một tháng ròng, đến cuối tháng 12 chúng tôi về tới Hạ Hoà, Lâm Thao, tới đất Phong Châu, gần kề kinh đô của các vị vua Hùng hơn 2 nghìn năm trước. Những năm thiếu thời còn đi học tại kinh đô nhà Nguyễn ở Phú Xuân tôi đã từng mơ ước được một lần đến viếng thăm mảnh đất thiêng liêng này. Không ngờ giữa cuộc hành quân niềm mơ ước xa xưa lại trở thành hiện thực! Chúng tôi thầm hứa với các bậc tiền bối: “Chúng con sẽ giốc hết sức mình để bảo vệ và gìn giữ mảnh đất thân yêu mà các vị vua Hùng đã dày công gây dựng”.
Trung đoàn chúng tôi đóng quân quanh khu vực Hạ Hoà, Lâm Thao. Để đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối, tất cả đều ở trong rừng, chỉ một số cán bộ được phép thay nhau ra ngoài tìm hiểu địa hình địa vật. Nhiệm vụ được xác định cụ thể là bí mật trú quân, có địch lên thì vận động nhanh, tiêu diệt gọn. Có lẽ đây là ý đồ của Bộ Tổng Tư lệnh, nhằm ngăn chặn âm mưu địch tấn công vào hậu phương ta khi một chiến dịch lớn được mở ra ở một nơi nào đó. Vì vậy trong thời gian trú quân tại đây, trung đoàn tập trung vào việc huấn luyện chiến thuật đánh vận động, bí mật chiếm lỉnh trận địa, tiêu diệt địch theo nhiều phương án khác nhau. Mọi người đều lầm tưởng là cuộc hành quân đã kết thúc và trung đoàn đã đến nơi … yên vị!
Ngày 5 tháng giêng năm 1954, bất ngờ Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trước lúc lên đường ra mặt trận đã ghé thăm Trung đoàn 57 ngay tại khu rừng trú quân ở Phong Châu. Đây là lần thứ 2 Đại tướng đến thăm Trung đoàn. Lần thứ nhất, Đại tướng thăm Trung đoàn tại Diễn Châu (Nghệ An) năm 1951, ngay sau chiến dịch Hà Nam Ninh. Tôi còn nhớ, lần ấy tôi được trung đoàn phân công đi đón Đại tướng. Đoàn “quân xa” hộ tống Đại tướng gồm trên một chục chiếc … xe đạp! Thấy tôi đeo kính trắng, Đại tướng vổ vai cười: “Đồng chí là trí thức à?” Tôi thưa, “chỉ là học sinh trung học, chưa kịp tốt nghiệp thì đúng lúc cách mạng sục sôi nên tôi đã đầu quân”. Sau gần 3 năm mới gặp lại, chúng tôi rất vui mừng khi thấy người anh cả của mình, Đại tướng Tổng Tư lệnh vẫn mạnh khoẻ và tràn đầy lạc quan. Bằng chất giọng miền trung trầm ấm mà âm vang, Đại tướng đã nói chuyện về tình hình thế giới, tình hình trong nước và tình hình trên các mặt trận, đặc biệt nhấn mạnh âm mưu địch đánh chiếm và thiết lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên. Đại tướng cũng đã điểm qua tình hình xây dựng và tác chiến của Trung đoàn 57, biểu dương những thành tích nổi bật mà trong 3 năm qua trung đoàn đã đạt được, “xứng đáng là một trung đoàn sinh ra trên quê hương Bác Hồ kính yêu”. Sau cùng Đại tướng đã hạ lệnh cho Trung đoàn 57 chuẩn bị hành quân cấp tốc lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Trần Đình (**) !
Khỏi phải nói là chúng tôi phấn khởi tới mức nào. Mục tiêu hành quân đã rõ, các “tham mưu con” hết việc để làm! Toàn trung đoàn khẩn trương chuẩn bị và hăm hở lên đường. Nhiều đồng chí đang ốm nằm trạm xá vẫn nằng nặc đòi xuất viện để hành quân theo đơn vị. Trước một chiến dịch lớn như vậy không ai muốn bị bỏ lại lúc này! Khẩu hiệu của chúng tôi là đảm bảo 100% quân số hành quân tới đích an toàn. Chúng tôi thực hiện “hậu cần trên vai”, mỗi người mang không dưới 30 cân, gồm quân trang quân dụng và quân lương. Trung đoàn hành quân lên Yên Bái, vượt sông Thao, qua Thu Cúc, nơi trước đó chúng tôi vừa mới đi qua. Lại đi tiếp tới Phù Yên rồi đến Gia Phù. Không trở lại hướng Mộc Châu, chúng tôi quẹo sang phải, theo đường 13A đi về phía Bắc Yên. Đây cũng là một con đường mới làm. Từ đây lên tới Tạ Khoa, vượt sông Đà rồi tới Cò Nòi phải qua nhiều đèo nhiều dốc cheo leo hiểm trở, đặc biệt là đèo Lũng Lô vừa dài vừa cao hun hút, nhiều đoạn dốc tới 30, 40 độ. Chúng tôi đã gặp lại ở một đoạn khác của con đường số 6 mà hôm nào chúng tôi vừa giã biệt. Theo đường số 6, chúng tôi đi tiếp lên Hát Lót, Nà Sản, Sơn La, Tòng Lệnh rồi Thuận Châu. Mặc núi cao đèo dốc, mặc đường xa vác nặng, chúng tôi vẫn hăm hở tiến bước không ngừng.
Gập ghềnh dốc ngược đèo xuôi
Ba lô níu xuống trận cười bùng lên!
Một trong những hình ảnh vô cùng hoành tráng mà tôi nhớ mãi là hôm vượt sông Thao ở một bến đò gần thị xã Yên Bái. Hàng trăm chiếc thuyền nan do địa phương huy động của dân ken kín một khúc sông, như những chiếc lá tre lấp loáng trong buổi chiều tà. Hoặc có buổi tinh mơ đoàn quân vượt đèo, đi men theo sườn núi, trông xa như một con rắn màu xanh khổng lồ uốn mình trườn lên phía trước. Thường khi trong rừng chúng tôi hành quân ban ngày, những đoạn đường trống trãi phải đi vào ban đêm. Toàn đơn vị triệt để thực hiện “3 nóng” là ăn nóng, uống nóng và ngâm chân trong nước nóng. Các chiến sĩ nuôi quân còn có sáng kiến gánh bếp trên vai, đảm bảo cho đơn vị có nước ấm để uống, có cơm sốt canh nóng để ăn trên suốt chặng đường dài hành quân cấp tốc. Lúc này yêu cầu tốc độ hành quân là càng nhanh càng tốt. Thần tốc và thần tốc như đoàn quân của Quang Trung Nguyễn Huệ năm nào. Tất cả sức lực và trí lực đều tập trung cho cuộc thiên lý trường chinh đầy gian nan thử thách này! Dọc đường hành quân đôi lúc chúng tôi bắt gặp và cùng đi trên một chặng đường với các đơn vị dân công hoả tuyến. Họ vận tải lương thực, đạn dược bằng đôi vai hoặc bằng chiếc xe đạp thồ đầy hiệu quả. Mỗi lần gặp nhau hai bên lại chuyện qua chuyện lại, nói cười và thậm chí trêu đùa nhau rất vui vẻ. Nhiều đoàn nữ dân công gồm các cô gái trẻ măng hay các chị tuổi trung niên vừa đi vừa hát vừa hò:
Ơ hò, Trời mưa ướt áo ướt quần
Ướt em thì em chịu, chứ ướt Vệ Quốc Đoàn thì em thương !
Không khí đường ra mặt trận cứ như đang trên đường trẩy hội. Cũng có những chuyện bất ngờ, cảm động như vợ chồng gặp nhau, người yêu nhận ra nhau trong khoảnh khắc. Tất cả cùng hướng ra tiền tuyến nhưng tốc độ khác nhau, cung đường khác nhau nên không thể có khoảng thời gian sum họp. Chỉ có thể hẹn nhau ngày chiến thắng! Có những đêm pháo sáng máy bay địch thả, sáng trưng như giữa hội hoa đăng. Không ai lo sợ mà chỉ thấy thú vị khi có cơ hội để nhìn rõ mặt những người bạn mới quen nhau qua tiếng nói, nhìn rõ những hàng lá nguỵ trang như hàng cây xanh ngắt, nhìn rõ những “con voi sắt” đang ghếch vòi ngạo nghễ hướng tới tiền phương. Không biết vì hành quân nặng nhọc hay vì niềm say mê phấn khởi mà tuy giữa tiết đại hàn rét buốt chiếc áo trấn thủ mỏng tang vẫn ướt đẫm mồ hôi !
Chúng tôi vượt đèo Pha Đin bằng xe cơ giới. Một đoàn xe GMC chiến lợi phẩm đã sẵn sàng chờ đón ở Thuận Châu, gần dưới chân đèo. Hầu hết cán bộ và chiến sĩ đều từ nông thôn mà ra nên việc đi xe ô tô là một điều hoàn toàn mới mẻ và đầy hấp dẫn. Lần đầu được lên xe ai cũng thấy háo hức, lâng lâng. Còn gì vui sướng hơn khi được ngồi trên chiếc ô tô băng băng về phía trước, vượt khoảng cách mà có khi phải mất hàng tuần trèo đèo vượt dốc. Xe bắt đầu chuyển bánh, mọi người reo hò ầm ĩ. Con đường đã lâu không được sửa chữa, đầy “ổ gà”, “ổ trâu” làm xe hết nghiêng bên này lại nghiêng bên nọ, xóc như hất tung người. Đứng trên xe, không đủ chỗ vịn tay, ai cũng bị xô ngang xô ngữa, có khi suýt bị bắn ra ngoài. Chỉ đi được độ chừng hơn cây số thì mọi người đã bắt đầu thi nhau … nôn mửa! Tiếng la hét lại rộ lên, nhưng là la hét đòi xe … dừng lại! Thế nhưng đây là cuộc hành quân chứ đâu phải đi chơi mà muốn dừng đâu cũng được? Thôi đành nhắm mắt buông xuôi. Đèo Pha Đin vừa cao vừa dài, tới hơn ba chục cây số, đường quanh co gấp khúc, nhìn xuống vực sâu đến rợn người. Càng lên cao mây mù càng như đặc quánh lại, chỉ nhìn xa được vài ba mét. Cái rét trên đèo cao như lưỡi dao sắc cắt da cắt thịt, làm chân tay nứt nẻ toé máu. Mọi người đều tê cứng, đều gần như mềm nhũn khi xe lên tới ngã ba Tuần Giáo! Bây giờ thì chắc không một ai còn dám bảo đi xe là … sướng! Tuy nhiên ai cũng thấy vui mừng vì con đường tới Điện Biên không chỉ về khoảng cách mà cả về thời gian đã được rút ngắn rất nhiều. Chúng tôi lại tiếp tục đi bộ theo con đường 41 lên Mường Ảng …
Mặt trận đã gần kề. Lúc này chiến dịch đang có một bước chuyển quan trọng, từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Không kịp nghỉ một ngày nào, chúng tôi bắt tay vào xẻ núi, san đường, đào hầm tránh bom cho pháo và tham gia trực tiếp vào việc kéo pháo vào kéo pháo ra đầy khó khăn vất vả. Mỗi đại đội được phân công phụ trách một khẩu pháo 105 ly. Từ chân đồi Nà Tấu, vượt hàng chục cây số trên con đường mới làm gấp, đất mượn, nhảo nhoét lầy trơn, phải vượt núi cao vực sâu để đưa những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vào trận địa. Có những đoạn đường dốc tới 40 độ, phải huy động tới 2 đại đội hợp lực mới kéo được pháo lên. Pháo vừa vào trận địa an toàn, chờ giờ khai hoả thì đột nhiên lại có lệnh kéo pháo ra, ngay trong đêm! Mọi người bàng hoàng, sững sờ như không thể nào tin được. Nhưng lệnh là lệnh, nhất nhất phải chấp hành. Kéo được pháo vào đã khó, kéo pháo ra lại càng khó khăn gấp bội. Đường trơn, xuống dốc, đưa được pháo ra hết sức khó khăn, gian khổ. Tuy vậy tất cả mọi người đều sẳn sàng hy sinh quên mình để hoàn thành nhiệm vụ. Gương hy sinh của đồng chí Giá, bị pháo chồm lên người, bị thương rất nặng vẫn cố chịu đựng để ghìm pháo, đã động viên cổ vũ tinh thần đồng đội rất nhiều. Mặc khó khăn gian khổ, mặc đạn pháo địch trút xuống liên hồi, sau hai đêm cả 4 khẩu pháo đã được kéo ra an toàn, dấu kín để chờ ngày xuất kích.
Sau khi kéo pháo ra an toàn, trung đoàn được lệnh tiếp tục hành quân đến phía tây Hồng Cúm, kết thúc cuộc thiên lý trường chinh. Cũng từ thời điểm này toàn trung đoàn bắt đầu những ngày “…khoét núi, mở hầm, mưa dầm, cơm vắt…”, những ngày dài nằm dưới mưa bom bão đạn của địch để giành từng tấc đất, đào đắp nên những chiến hào chằng chịt như những lưỡi kiếm dài sắc nhọn khoét sâu vào cụm cứ điểm và sân bay Hồng Cúm. Chính bằng những lưỡi kiếm sắc nhọn này đã dần dần băm nát chi khu Hồng Cúm, chia cắt địch thành từng mảnh, tiêu hao lực lượng chúng, tiến tới bức địch rút chạy tháo thân, tạo tiền đề cho đại thắng của toàn chiến dịch Điện Biên lịch sử !
Hoàng Gia Cương
(*) Đại tá Huỳnh Thúc Tuệ (1925-2004 – quê ở Minh Lệ, Quảng Minh, Quảng Trạch, Quảng Bình), gốc họ Mạc, là người đã từng chỉ huy trận đánh nổi tiếng ở Bến phà Phù Trịch (Rào Nậy – sông Gianh) trong Chiến dịch Lê Lai năm 1949. Ông đã kể lại cuộc hành quân lịch sử này vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2004). Ông mất sau đó không lâu.
(**) Trần Đình là mật danh của chiến dịch Điện Biên.
Bài này đã in trên ANTG cuối tháng 4/2009
Viết bình luận
Tin liên quan
-
Nhớ Hoàng Trần Cương lại nghĩ về trường ca “Long Mạch”
-
VỀ VỚI AO DƯƠNG
-
LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
-
CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
-
THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
-
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
-
LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
-
CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
-
TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
-
Chữ hiếu xưa và nay
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC