- Đang online: 2
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 21529
- Tổng truy cập: 3,371,383
Củ khoai ngày ấy Thầy cho
- 324 lượt xem
Củ khoai ngày ấy Thầy cho
Ảnh minh họa
Hồi ức của Hoàng Gia Cương
Lâu lâu tôi lại về quê. Trời miền Trung nắng loá, gió Lào rát bỏng cháy da. Đang cuối mùa thu hoạch. Những ruộng lúa đã trơ gốc rạ. Những ruộng khoai bới dở, rải rác đan xen trên cánh đồng thoai thoải kế chân đồi. Khoai quê tôi ngon lắm, có lẽ khó tìm được một nơi nào có giống khoai ngon đến thế. Đi xa tôi cứ ao ước kiếm được một củ khoai vàng, dáng hao hao củ đậu, chín bở, mịn vàng như nhân bánh đậu xanh, giống khoai mà ở quê tôi quen gọi “khoai tây”, không phải khoai tây mà ta vẫn dùng làm thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày. Giống khoai này nghe nói bây giờ đã “tuyệt chủng” vì năng suất thấp, thật đáng tiếc! Có thể coi đó là một đặc sản mà khó có giống khoai nào sánh được. Với tôi, khoai không những là món ăn quen thuộc, ưa thích, gắn với tuổi ấu thơ, mà còn là một cái gì đó có tính biểu trưng cho một quảng đời …
Sau hòa bình lập lại (1954) ít lâu, hồi tôi đang học lớp 5 thì quê tôi phát động “giảm tô”, bước đi đầu tiên của “cải cách ruộng đất”. Đó thực sự là một cuộc cách mạng mà bao đời nay nông dân hằng mong ước. Như bao bạn trẻ hồi đó, tôi cũng tham gia đi tuyên truyền cổ động, viết khẩu hiệu, đốt lửa trại và đi đến từng nhà tuyên truyền cho một chủ trương lớn của đảng và Bác Hồ. Nhưng rồi bỗng nhiên tai hoạ ập đến với gia đình tôi và với chính bản thân tôi! Do sai lầm của “đội giảm tô” mà tuy chỉ có hơn một mẫu ruộng, một nhà Nho nghèo như cha tôi vẫn bị quy là địa chủ! Cũng xin nói luôn là sau ngày “sửa sai” người ta xác định lại thành phần gia đình tôi là … trung nông kém! Cha mẹ và tất cả năm anh trai anh tôi đều tham gia cách mạng, đều đi kháng chiến, vì thế gia đình tôi được xếp vào loại “địa chủ kháng chiến”, nhờ thế mà thời gian này cha tôi tạm thời chưa bị đấu tố, chỉ phải đi tập trung “học tập cải tạo”. Mẹ và anh cả tôi đã mất, tôi không có chị em gái, năm anh khác đều thoát ly đi kháng chiến, chỉ một mình tôi còn nhỏ ở nhà nên bỗng nhiên tôi trở thành một đứa trẻ bơ vơ không nơi nương tựa! Trong nhà không còn một hột gạo, củ khoai, chỉ còn trơ trọi một chiếc chõng tre và cái niêu đất sứt mẻ! Ngày ngày dù no, dù đói tôi vẫn cố đi học đều, chưa chịu bỏ buổi nào, mặc dù trường xa trên 5 cây số. Hồi ấy, hoà bình mới được lập lại chưa bao lâu, việc đi học ban ngày là một niềm vui lớn đối với bọn trẻ chúng tôi nên tôi không thể nào bỏ học được. Trong lớp tôi vẫn “bình đẳng” như các bạn, nghĩa là cùng học, cùng chơi, không có gì ngăn cách. Nhưng ra khỏi lớp thì tôi là “con địa chủ”, thuộc “giai cấp bóc lột” nên buộc mọi người phải lánh xa như tránh một người … bệnh hủi! Chuổi ngày ấy thật nặng nề làm sao! Suốt buổi chiều tôi cặm cụi đi mót khoai mót lạc như một cái bóng đơn côi trên cánh đồng cháy nắng. Cái nắng miền Trung như đổ lửa, cháy bỏng da, thế mà một cái nón mê cũng không kiếm đâu ra mà đội. Một cái quần nâu cộc buộc bằng sợi chuối khô là “thời trang” tối thiểu mà tôi phải có trên người. Người ta đi mót khoai đã cực, tôi còn cực hơn vì không được phép bén mảng tới những nơi mà nông dân đang thu hoạch. Tôi chỉ được phép kiếm tìm ở những nơi mà các bạn “thuộc thành phần cơ bản” đã mót qua, chỉ còn một vài mẩu rể hoặc mảnh sứt sót lại. Vậy mà có lần tôi may mắn tìm được một củ khoai khá to, mừng quá, mải cầm lên ngắm nghía thì bị một ông lớn tuổi từ đâu chạy lại, giật ném đi, chỉ vì tôi là … con địa chủ! Tôi không tiếc, chỉ thấy tủi thân, im lặng đi sang ruộng khác. Cái “kỷ niệm” ấy cứ in đậm mãi trong tôi dù thời gian đã qua đi trên bốn chục năm! Hàng ngày sản phẩm mà tôi thu lượm được hầu như chỉ là mảnh vụn và rể cái nhưng cũng chẵng có bao nhiêu. Những thứ này tôi đem cạo vỏ, rửa sạch, băm nhỏ rồi nấu hỗ lốn với các loại rau nhặt nhạnh trong vườn như nấu cho … heo ăn! Khi mà cái bụng lép kẹp từ tối hôm trước tới tận tối hôm sau thì mọi thứ đều trở nên ngon tuốt! Cũng có hôm đói quá, tôi nhai luôn khoai sống, chẳng kịp nấu nướng gì. Đêm không dầu đèn vẫn phải “cấm cung” vì là … con địa chủ! Giữa một khu vườn um tùm cây lá, tuy không xa cách gì mà tôi như một Rô Bin Xơn hoàn toàn cô độc! Tôi ngồi thu lu trong bóng tối, run rẩy lắng nghe từng tiếng chuột kêu, tiếng gián chạy; lén nhìn ánh lập loè của con đom đóm khi ẩn khi hiện trong nhà cho tới lúc thiếp đi …
Trong những ngày khốn khổ ấy, có một người vẫn theo dõi tôi từ xa. Đó là Thầy Mai Xuân Thu – một thầy giáo dạy tôi từ hồi cấp 1. Tuy thầy ở làng Thọ Linh, thuộc xã khác nhưng vẫn dạy học ở làng tôi nên không thể “công khai” gặp tôi được. Thầy thường dò hỏi các bạn cùng học để biết và luôn nhắn gửi những lời động viên thăm hỏi tôi. Thầy cứ lo tôi đói, bỏ học giữa chừng! Nhà thầy ở gần kề con đường ngày ngày tôi đi học thường qua. Trước đây tôi là học trò cưng của thầy, vì ngoài việc học giỏi tôi đã từng giúp thầy dạy một lớp dưới khi trường thiếu giáo viên, mà dạy khá tốt. Hàng chục năm sau thầy còn tấm tắc khen với cha tôi là thầy chưa từng có một học trò nào được như thế. Khi thi hết cấp 1 tôi đổ đầu toàn huyện, thầy mừng như chính em trai thầy đoạt giải. Trong thâm tâm tôi cũng quý thầy như một người anh ruột thịt mặc dầu chưa bao giờ tôi dám nói ra điều đó với thầy.
Hàng ngày trên đường đi học về, khi mới ra khỏi lớp thì tôi còn đi cùng các bạn, nhưng một lát sau là phải “tự nguyện” đi tách ra một mình, bắt đầu sống kiểu Rô Bin Xơn. Tôi cứ lầm lũi đi, không nhìn ngang liếc dọc, không dám chạm mặt một ai và bất cứ thứ gì trên đường, chỉ mong chóng về tới “đảo” của mình! Vào một buổi trưa nóng bức và im ắng như thế, khi đang đi qua thôn Thọ Linh, thất thểu vì buồn và đói, men theo một con đường nhỏ, tôi bổng bị một bàn tay túm chặt và một bàn tay bịt miệng, lôi đi. Thì ra là Thầy! Ngõ xóm rất vắng vẻ nhưng thầy vẫn cẩn thận nhìn trước ngó sau rồi kéo tuột tôi về nhà. Thầy dẫn tôi xuống bếp, khép cửa lại, chưa kịp nói một lời nào đã vội chạy lên nhà trên dặn dò ai điều gì đó. Một lát sau thầy bê xuống một rá khoai luộc và giục tôi ăn. Mùa này ở vùng quê tôi, bữa ăn thường chỉ có khoai, hầu như chẵng mấy nhà có cơm, dù là cơm độn. Nhà thầy cũng thế. Tôi ngồi ăn, chẳng biết nói gì, cổ ứ nghẹn không rõ do khoai bở hay do xúc động. Lâu lắm, chắc đã hàng thế kỷ rồi tôi mới được ăn trưa, một bữa ăn thật no nê. Sau một bát nước chè xanh, bụng tôi căng phồng đến khó thở! Cho đến bây giờ, có lẽ trong đời tôi chưa có bữa ăn nào cảm thấy ngon lành và no nê đến thế. Thầy cầm chiếc quạt mo phẩy nhẹ cho tôi ăn, không nói gì nhưng mắt nhìn rơm rớm. Hình như thầy muốn nói điều gì đó mà không nói ra được. Nhìn đôi mắt hiền từ và trìu mến, tôi như đọc được tất cả những gì thầy định nói. Trước khi tôi ra về, thầy chỉ dặn hai điều, rất ngắn gọn và dễ nhớ. Điều thứ nhất là “dù no dù đói cũng đừng bỏ học, gắng chờ đợi, sẻ có ngày đổi khác” Điều thứ hai là “Phải cố giữ cho được bản chất và truyền thống của một gia đình cách mạng, hiếu học mà tiếng tăm được khắp vùng mến yêu, kính trọng…” Tôi lặng lẽ gật đầu khi thầy hỏi có hiểu ý thầy không. Tôi hiểu thầy như hiểu chính lời của cha anh tôi căn dặn. Là một nhà Nho, bao giờ cha tôi cũng dạy tôi những điều như thế. Thực ra, trước lúc gặp thầy, có những lúc chán nản, tôi đã có ý nghĩ là phải bỏ học để lo kiếm thêm cái ăn dự phòng cho kỳ giáp hạt . May mà thầy nhắc nhở, động viên kịp thời. Thầy dặn khi nào đói thì cứ vào nhà thầy, có gì ăn nấy, đừng ngại. Thầy cho tôi giấy bút và một rổ khoai đem về, nhưng tôi không dám nhận khoai vì sợ dọc đường lỡ gặp ai lại sinh rắc rối. Thấy thầy cứ dùng dằng không nỡ để tôi đi với cái đói còn treo lơ lửng, rình rập và đe doạ, tôi đành nhận một củ khoai và nói một cách rắn rỏi như người lớn: ” Em xin nhận một củ để khi nào lỡ không kiếm được gì ăn thì sẻ ăn mà đi học. Củ khoai này sẻ nhắc em không được bỏ học chừng nào em chưa phải ăn đến nó!” Tôi oà khóc, không kịp nén nhịn, chạy vụt đi… Tôi đâu ngờ đó lại là lần cuối cùng tôi gặp người thầy yêu quý!
Củ khoai thầy cho, tôi treo lên mái nhà bằng một sợi dây chuối nhỏ vừa để tránh chuột, vừa để… ngắm hàng ngày mà giữ tròn lời hứa. Bây giờ tôi cũng không tài nào nhớ nỗi tôi đã ăn gì mà sống được suốt thời gian tám tháng dài như vô tận ấy, trong khi củ khoai cứ mọc mầm, vẫn vẹn nguyên trên sợi dây mỏng mảnh! Tôi đã giữ tròn lời hứa, không bỏ học và trong một chừng mực nào đó có thể nói là luôn học tốt vì khi ra Hà Nội tôi vẫn đủ sức theo kịp bạn bè. Hôm lặng lẽ rời nhà, bí mật theo anh đón ra Hà Nội, do quá đột ngột nên tôi đã không biết để mang theo củ khoai thầy cho, thật tiếc! Củ khoai ấy là một báu vật đã tiếp cho tôi sức mạnh vượt qua được thử thách khắc nghiệt đầu đời, tôi có thể nào quên!
Ngót bốn chục năm đã qua, thầy Thu đã theo cha tôi về cõi vĩnh hằng, còn tôi cũng đã vượt qua bao sóng gió cuộc đời, đã trưởng thành, đã từng là người lính, là nhà giáo, là nhà khoa học, là nhà thơ, và bây giờ cũng đã kín đầu tóc bạc, nhưng củ khoai ngày ấy thầy cho như vẫn còn treo lơ lửng đâu đây, ngay trong ngôi nhà khá đầy đủ thực phẩm và tiện nghi giữa Thủ đô phồn hoa mà tôi đang sống!
Hè 1994
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.