- Đang online: 2
- Hôm qua: 401
- Tuần nay: 11670
- Tổng truy cập: 3,388,090
CÔNG ĐỨC DÒNG HỌ TRUNG THÀNH TÂY KỲ VƯƠNG NGUYỄN KÍNH
- 1828 lượt xem
Đền Đà Quận ở Cao Bằng, thờ Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn
CÔNG ĐỨC CỦA TÂY KỲ VƯƠNG NGUYỄN KÍNH CÙNG CÁC CON, CHÁU… VỚI VƯƠNG TRIỀU MẠC
Ngày mồng 6 tháng Tư năm Kỷ Hợi (ngày 10 tháng 5 năm 2019) là ngày giỗ lần thứ 447 năm, ngày mất của cụ Tây Kỳ vương – Nguyễn Kính (1572-2019). Để bày tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Cụ với dòng tộc và đất nước. Là viễn duệ dòng thứ của cụ Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn (Mạc Ngọc Liễn), Nguyễn Quang Tình viết bài này để coi như thắp nén nhang thơm kính dâng lên Anh linh của cụ.
Là con dân của nước Đại Việt trước đây và hiện nay là Việt Nam, chúng tôi rất tự hào được sinh ra và lớn lên xuất phát từ vùng đất Xứ Đoài phía tây kinh thành Thăng Long được mệnh danh là vùng đất địa linh nhân kiệt với những vị vua nổi tiếng anh hùng trong lịch sử như Ngô Quyền, Phùng Hưng, các vị quan thanh liêm và tiết tháo như Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực, Trạng nguyên Nguyễn Khắc Trường, Trạng nguyên Nguyễn Thiến…Thám hoa Giang Văn Minh, tiến sỹ Phùng Khắc Khoan… Ngoài những vị vua, quan nổi tiếng kể trên, tại mảnh đất Dị Nậu thuộc huyện Thạch Thất đã có một người con ưu tú, một vị tướng tài mưu trí dũng lược mà cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng đã làm rạng danh cho quê hương và dòng họ. Đó là cụ Tây Kỳ vương Nguyễn Kính. Cụ Kính là cụ khởi tổ của tôn tộc dòng họ Nguyễn Kính.
Cụ Nguyễn Kính sinh năm Mậu Thìn (1508) quê ở làng Cổ Nậu (nay là xã Dị Nậu) huyện Thạch Thất – tỉnh Sơn Tây (cũ) Nay là xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
Thân sinh của cụ Kính là một nhà nho, am tường địa lý. Cuối thế kỷ XV cụ đã đi nhiều nơi để tìm đất, khi đi qua vùng Thạch thất, Cụ đã dừng chân và cư trú ở làng Cổ Nậu, xin khai phá một khu gò cây cối rậm rạp, vợ chồng làm ăn sinh sống tại đó (Khu gò này chính là làng Dị Nậu ngày nay). Các cụ sinh được một người con trai đặt tên là Nguyễn Kính. Từ khi con còn nhỏ, cụ ông thường nói với vợ :
” Người con này có diện mạo khác người, sẽ không phải là người thường. Phải nuôi con ăn học và lớn lên con làm gì tuỳ ý không nên cản trở ”
– Tuy xuất thân không phải từ một gia đình giầu có, song cụ vẫn được cha mẹ nuôi ăn học. Năm Mậu Tý -1528 cụ Kính 20 tuổi, thi đậu sinh đồ Nho học. Ngài Kính lớn lên diện mạo hùng vĩ, khí độ việt nhân, sức khỏe hơn người. Nhưng thời kỳ này đất nước rối loạn, nhà Lê suy đồi đến cực độ. Trong triều đình các tập đoàn phong kiến chống đối nhau quyết liệt. Ngoài xã hội, phong trào nông dân nổi lên khắp nơi do hoàn cảnh nghèo khó, khốn cùng, cơ cực. Trước tình hình đó cụ Kính không theo con đường khoa cử nữa, cụ đã đi chu du nhiều nơi và liên kết với nhiều hào kiệt, tổ chức lực lượng, rèn luyện sĩ tốt, trấn giữ một vùng, lực lượng ngày một lớn, tiếng tăm vang dội khắp vùng xứ Đoài. Triều đình đã nhiều lần thuyết phục, mãi về sau Cụ mới chịu ra làm quan với nhà Lê, là một võ tướng thuộc phái tể tướng Trần Chân .
Vua Lê Chiêu Tông nhu nhược, bất minh, nghe lời xiểm nịnh hãm hại tôi trung, đã giết Trần Chân, người đã có công đánh đuổi Nguyễn Hoàng Dụ để bảo vệ hoàng tộc nhà Lê. Cụ Kính cùng các tướng lĩnh của phái Trần Chân đã kịch liệt chống lại nhà vua. Đất nước trải qua binh lửa liên miên, cuộc nội chiến kéo dài, mỗi vị thủ lĩnh chiếm cứ một phương. Mặc dù rất yêu nước, thương dân cụ Kính tuy là một thủ lĩnh kỳ tài, văn võ song toàn, đất rộng dân đông. Cụ đã cai quản cả một vùng đất rộng lớn thuộc phía tây Thăng Long nhưng vẫn chưa tìm được một hướng đi đúng đắn. Sau nhiều lần tiếp xúc và theo dõi cách điều binh khiển tướng, cụ Kính đã nhận ra Mạc Đăng Dung một thủ lĩnh ở phía Đông đã từng nhiều năm làm quan đại thần nhà Lê, một người có sức khỏe phi thường đã đỗ đầu kỳ thi Trạng nguyên võ lại là người dòng dõi có học (cháu bảy đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi – Triều Trần) là người tuấn kiệt có tài an dân, trị quốc. Sau 5 năm suy nghĩ lấy việc nước là trên hết và qua theo dõi một cách rất thận trọng, năm 1537 cụ đã theo về nhà Mạc để góp phần ổn định đất nước. Vua Mạc phong chức Thị vệ sự Tây thành hầu. Cai quản toàn bộ vùng đất phía Tây (Nơi đóng quân chính ở trong thành Sơn Tây). Vào năm 1546 vua Hiến tông Mạc Phúc Hải mất, con trai trưởng là Mạc Phúc Nguyên còn nhỏ, quyền bính tập trung vào tay người chú là Mạc Kính Điển. Trước đó Mạc Kính Điển là người được vua Mạc Hiến tông chọn làm phụ chính. Nội bộ nhà Mạc có mâu thuẫn lớn vì các đại thần trong đó có Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi định đưa Mạc Chính Trung (con trai thứ của vua Mạc Thái tổ và là em của vua Mạc Thái tông đã trưởng thành lên ngôi vua). Nhưng Mạc Kính Điển không thuận, quyết phò Phúc Nguyên lên ngôi. Phạm Tử Nghi và Mạc Chính Trung khởi binh nổi loạn Một nhóm quan lớn khác trong đó có cụ Tây Kỳ vương Nguyễn Kính không phục đã đứng lên sát cánh đứng về phía Mạc Kính Điển chống lại, dốc sức phò tá vua nhỏ Mạc Tuyên tông. Hai bên đánh nhau kịch liệt, vốn trước đó một bộ phận nhà Mạc vẫn thần phục Nhà Minh nên phe Mạc Chính Trung và Phạm Tử Nghi được nhà Minh ủng hộ chiếm giữ phần lớn đất phía Bắc và thắng thế. Cụ Nguyễn Kính đã nhiều lần mang quân theo Mạc Kính Điển cùng đi đánh cho Phạm Tử Nghi bại trận. Tuy nhiên sau đó Tử Nghi vẫn nhiều lần mang quân tiến đánh Đông Kinh nhưng đều bị Nguyễn Kính và các con trai kiên cường chống trả nên Tử Nghi không thể chiếm được thành mà còn hao binh, tổn tướng phải đem Mạc Chính Trung bỏ chạy. Cụ Nguyễn Kính đã mang quân lên đánh đuổi và đánh sang cả Trung quốc, chiếm giữ châu Khâm, châu Liêm và một số châu, huyện khác của tỉnh Quảng Đông làm tắc nghẽn đường triều cống một bộ phận của nhà Mạc khiến nhà Minh lo sợ. Rất may là đến năm 1549 nội bộ Nhà Mạc đã giải quyết được mâu thuẫn. Cụ Kính được triệu về kinh làm phó tướng triều vương Kính Điển (Thảo tứ dương hầu) Cũng từ đó cụ đã điều binh, khiển tướng xông pha trận mạc đánh nhiều trận từ phía bắc vào phía nam, góp phần ổn định và giữ yên đất nước, bảo vệ hoàng tộc Nhà Mạc tại Thăng Long để các vua Nhà Mạc yên tâm trị vì đất nước.(Các trận chiến do cụ chỉ huy đã được ghi trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Vũ Trung tùy bút… và các cuốn sử khác thậm chí cả sử sách của nhà Minh ở Trung quốc cũng đã ghi về võ công của Cụ chiến đấu hết mình để bảo vệ đất nước Đại Việt).
Cụ Kính là một tướng lĩnh được nhà vua yêu mến và rất tin cậy. Cụ đã là một trong những vị quan đầu triều nhà Mạc từ khi còn trẻ cho đến khi chí sỹ, sống và phụng sự cả 5 đời Vua Mạc từ Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên và Mạc Mậu Hợp. Cụ là một tướng lĩnh trung thành, mưu lược, dũng cảm, một cận thần có nhiều công lao, một nhân vật nổi tiếng hồi đương thời được các triều vua Mạc và tôn thất nhà Mạc rất mực tin yêu, kính trọng, đã ban cho toàn Gia theo về họ Mạc được vua Mạc Thái Tông gả con gái là Thái trưởng Công chúa Phúc thành Mạc Thị Ngọc Lâm cho con trai thứ hai, lúc đó là Đô uý Ngạn quận công, Trưởng phù Tây vệ Nguyễn Ngọc Liễn. Cụ Kính đã nhiều lần được nhà vua tấn phong chức tước cao quý và giao trọng trách lớn lao trong triều đình ở Thăng Long.
– Năm 30 tuổi tấn phong Tây Quận công chỉ thành Tây vệ.
– Năm 1547 – Đinh Mùi, cụ Kính 40 tuổi được Vua phong phó tướng triều vương Mạc Kính Điển,
– Năm 1549 – Kỷ Dậu, là năm thứ 3 niên hiệu Vĩnh Định nhà Mạc cụ Kính 42 tuổi được phong chức Thái uý Tây quốc công .
– Năm 1560 – Canh Thân, cụ Kính 53 tuổi được vua Mạc phong Khai phủ sự, Chưởng quốc chính
– Năm 1567- cụ Kính 60 tuổi được phong đặc sai tiết chế Tây nam thuỷ bộ chi doanh, Thái uý thượng trụ quốc (Tài liệu Vũ trung tùy bút ghi là Đặc tiến công thần phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩn y vệ đô chỉ huy sứ).
– Năm 1568, cụ Kính 61 tuổi được vua cho chí sỹ (nghỉ hưu) được tấn phong Trung thành Tây Kỳ vương tự là Nhân Chiêu, hiệu là Mạc thành Công, Thuỵ là Nghĩa huân Thánh Vương. Nhìn lại suốt cuốc đời của cụ đã tận tụy chiến đấu, hy sinh quên mình bảo vệ vương triều Mạc suốt cả 5 đời vua Mạc trị vì ở Thăng Long. Đặc biệt là sau khi các vua giỏi như Mạc Thái tổ, Mạc Thái tông mất, các vua còn nhỏ nối ngôi đều dưới 10 tuổi gồm Mạc Phúc Hải (vua Hiến tông) 1540-1546, Mạc Phúc Nguyên (vua Tuyên tông) 1546-1561, Mạc Mậu Hợp (vua Mục tông) lên ngôi tháng 1/1562 mới 2 tuổi. Cụ Kính đã cùng các con trai Nguyễn Cung – Quận công, Bệ đề đốc (Mạc Ngọc Cung) và Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn kiên quyết bảo vệ các ấu chúa (vua nhỏ), dù phải chết, vật đổi sao dời… cũng không nao núng, quyết không thay đổi lòng trung quân.
Nhận định về cụ Kính, sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi cụ là một vị tướng có “Lòng trung quân, mài chí phục thù, dốc lòng trừ gian, liều mình cứu mạng cho chủ, trên là để báo lại ơn đức xưa nay, dưới là giải được mối oan khiên uất ức, phù trì chính khí cho ức vạn năm, diệt bọn gian hùng cho ngay lúc ấy, đạo thờ Vua đã sáng rõ lắm rồi”!
Từ khi được vua Mạc phong Tây Kỳ vương và mở phủ ở Liêu Kiều (nay là Cầu Liêu thuộc xã Thạch Xá, Thạch Thất, Sơn Tây) cụ đã dạy dân khai khẩn đất hoang, lập làng trị thủy, luyện rèn quân sỹ. Mỗi khi có biến hoặc việc cần kíp ở kinh thành cụ đã điều quân sỹ về tiếp ứng kịp thời.
Cụ Nguyễn Kính mất ngày mồng 6 tháng 4 năm Nhâm Thân (1572) hưởng thọ 65 tuổi. Cụ bà được phong là Vương phi được mở phủ Tây Kỳ vương tại La Kiều, huyện Thạch Thất (nay là Cầu Liêu). Mộ chí cụ Nguyễn Kính táng tại dãy Câu Nậu Sơn (dãy núi Tây phương). Nay đã tìm ra khu mộ của cụ tại Thung Vầu, núi Miễu, dưới chân núi Kim Long, chùa Kim Long. Nhân dân xã Cần Kiệm huyện Thạch Thất cùng dòng họ đã tổ chức xây dựng tôn tạo và khánh thành lại khu mộ cụ Tây Kỳ vương Nguyễn Kính vào mùa xuân năm 2013. Tại thôn Phú Đa, đình làng Phú Đa, trên đỉnh núi Miễu cũng có đền thờ Cụ. Do có nhiều công lao với quê hương, đất nước, lại có tấm lòng thương yêu nhân dân đặc biệt là những vùng đất thuộc xứ Đoài quê hương của cụ. Cụ Nguyễn Kính đã được nhân dân các nơi như làng Phú Đa, làng Phú Lễ thuộc xã Cần Kiệm huyện Thạch Thất, thôn Cổ Liễn, xã Cổ Đông thuộc thị xã Sơn Tây, làng La Gián, xã Cổ Đông và rất nhiều nơi đã tạc tượng và tôn thờ cụ làm Thành hoàng của làng, nhiều nơi ngoài đình làng còn lập miếu thờ cụ quanh năm nhang khói không dứt, trong đó có ngôi miếu thờ bên bờ sông Tích ở một địa thế rất đẹp, thuộc đất làng Phú Lễ (được khôi phục lại và khánh thành nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội -2010). Hàng năm đến ngày mồng 6 tháng 4 âm lịch đều tổ chức tế lễ trọng thể theo hình thức hội làng. Riêng hội làng Phú Đa, Phú Lễ tổ chức từ 11 đến 13 tháng Giêng với rất nhiều hình thức phong phú như thi gói bánh chưng thờ, thi gà thờ, thi đấu vật, têm trầu cánh phượng… Món cúng thờ tại đình làng là bún với rau cần được đặt trang trọng trên các mâm lễ để dâng tế mẹ con cụ Nguyễn Kính tại đình làng vào dịp hội làng.
Cụ Tây Kỳ vương Nguyễn Kính có hai con trai: Nguyễn Cung và Nguyễn Ngọc Liễn
(Tài liệu Đại Việt thông sử) viết là 3 con trai là đều mang họ Vua là: Mạc Nguyên chức Thái bảo, tước Phú Quốc công. Mạc Hữu Mệnh là võ tướng, Mạc Ngọc Liễn – Phò mã giữ chức Thái bảo Đà Quốc công, Chưởng phủ sự.
Cụ NGUYỄN CUNG
Cụ Nguyễn Cung, tự là Thân đức, Thuỵ là Cẩn tiết, con trai cả của cụ Nguyễn Kính, sinh năm Đinh Hợi (1527)
Cụ làm quan với nhà Mạc. Năm Nhâm tý (1552), niên hiệu Cảnh lịch nhà Mạc giữ chức Thị vệ sự triều đình. Năm Tân Dậu (1561) niên hiệu Bảo quang thứ tám nhà Mạc, được phong Quận công giữ chức Dân binh đẳng sự, quản huyện An Sơn (huyện Quốc Oai – tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội). Năm Tân mùi (1571) giữ chức Tham đốc, năm Mậu dần (1578) cụ 50 tuổi giữ chức Bệ đề đốc. Cụ Nguyễn Cung đã làm quan và tước phong Quận công, giữ chức Bệ đề đốc đến khi chí sỹ về quê và đất phong ở huyện Quốc Oai đến năm 1586.
Đến ngày 20 tháng 8 (Bính tuất ) cụ mất, thọ 60 tuổi. Năm đó là năm Diên Thành thứ 9 nhà Lê và nhà Mạc là năm Diên Thành thứ chín, cũng là năm cải niên hiệu thành Đoan Thái thứ nhất (Bính Tuất- 1586). Triều Mạc đặc phong Tiến Khai phủ, phụ Quốc Tướng quân – Đề đốc thần vũ, Tứ vệ quân sự vụ – Gia quận công Mạc tướng quân. Tên tự là Thận Đức, tên thụy là Cẩn tiết phủ thần quân.
Cụ NGUYỄN NGỌC LIỄN
Cụ Nguyễn Ngọc Liễn (Mạc Ngọc Liễn) còn gọi là Ngọc Huy, hiệu là Đức quảng thường gọi là cụ Đà .
Cụ Liễn sinh năm Mậu Tý (1528) con trai thứ hai của cụ Nguyễn Kính là phò mã và làm quan đại thần với nhà Mạc.
Khoảng hơn 20 tuổi cụ Liễn đã giữ chức Đô uý ngạn Quận công Chưởng phù tây vệ. Cụ lấy con gái trưởng của vua Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh) là Thái trưởng công chúa Phúc thành Mạc Thị Ngọc Lâm nên gọi là phò mã Ngạn quận công. Được vua Mạc ban quốc tính nên gọi là Mạc Ngọc Liễn.
Là một danh tướng và lại là người thân thiết của nhà Mạc, cụ đã hết lòng phò tá cho nhà Mạc, được các triều Mạc rất quý trọng và tin cậy, đã từng được phong chức tước cao cả và gánh vác những trọng trách lớn nhất với các triều Mạc .
Năm Giáp thân (1584) niên hiệu Diên thành thứ bảy nhà Mạc được phong tước Đà Quốc công. Năm Bính tuất (1586). Niên hiệu thứ nhất Đoan thái nhà Mạc, phong Cẩn lễ công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Trung quân đô đốc phủ, tả đô đốc , Chưởng phụ sự kiêm Tôn nhân phủ hữu tôn chính, phò mã đô uý Thái bảo Đà quốc công Thượng trụ quốc. Sau lại được phong Khai phủ phụ quốc công thần, tu nghị triều chính kiêm tôn nhân phủ, tôn nhân lệnh Thái phó Đà Quốc công.
Là người thân tín, có nhiều công lao đối với nhà Mạc. Năm (1592) khi nhà Mạc thất thế, cụ đã là tổng chỉ huy cuộc rút lui đưa tôn thất nhà Mạc về vùng đất Cao Bằng. Cả 6 con trai của cụ là Mạc Vạn, tức Đô đốc Vạn Quận công, Mạc Lập tức Lập Quận công, Mạc Sơn Đông – Phò mã đô úy, Mạc Ngọc Tòng tức Triều đông thị vệ, Mạc Ngọc Cẩn tức Thành Tây vệ – Đô chỉ huy xứ, Mạc Ngọc Hổ tức là phò mã Đô úy Cao Sơn hầu còn gọi là Ngọc Phách. Cả 6 vị quận công đều là võ tướng, chiến đấu cả trên bộ và trên sông, biển cùng cha phục vụ vương triều Mạc cả ở Thăng Long và Cao Bằng.
Trong đó có những vùng như ở châu Vạn Yên (Lạng Sơn) và Châu Yên (Bắc Giang )… Năm Quý Tỵ (1593) cụ Liễn đã tìm con trai của Khiêm vương Mạc Kính Điển là Mạc Kính Cung lên làm vua, cụ Liễn làm phụ quốc chính, đặt niên hiệu Càn thống năm thứ nhất. Khi việc lập vua và ổn định được nhà Mạc ở Cao Bằng. Năm Giáp Ngọ (1594) cụ Liễn rời về châu Vạn Ninh (tỉnh Quảng Yên nay là tỉnh Quảng Ninh) để chỉ huy việc xây dựng thành, lũy và các căn cứ phòng thủ, huấn luyện quân sỹ. Khu vực quân sự và hệ thống bảo vệ dần dần đi vào ổn định. Do việc đi lại và chỉ huy cùng với biết bao nhiêu công việc quan trọng khác cho một vương triều mới được thành lập tại phía bắc của nhà Mạc. Thời tiết cũng rất khắc nghiệt đã làm cụ Liễn bị ốm nặng rồi tạ thế vào ngày 02 tháng 7 tại đây (năm Giáp Ngọ ) thọ 67 tuổi.
Trước khi qua đời cụ Nguyễn Ngọc Liễn đã có thư để lại khuyên vua Mạc Kính Cung ” Khi số nhà Mạc đã hết, nhà Lê lại phục hưng, đó là số trời. Dân ta vô tội mà để cho mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế. Ta nên lánh mình ngoài cõi, dấu tiết đợi thời, chờ khi nào mệnh trời trở lại mới có thể làm được. Rất không nên lấy sức chọi sức, nếu hai hổ đánh nhau tất phải một con bị thương, không được việc gì. Nếu thấy quân họ đến ta nên tránh, chớ có đánh nhau, cốt phải giữ cẩn thận là hơn. Lại nên nhớ kỹ chớ có mời người Minh vào trong nước ta, để đến nỗi dân ta phải chịu lầm than, thì đó là một tội không gì nặng bằng”.
Bức thư này được ghi trong gia phả và các sử sách Việt nam qua các triều đại cho đến ngày nay (sách Đại Việt sử ký toàn thư trang 723 – tập II, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin năm 2004) . Những lời tâm huyết đó đã nói rõ sự hiểu biết về thời thế, lòng yêu nước thương dân, ý thức tự tôn dân tộc rất cao của cụ Liễn . Các nhà sử học đã nhận định “ Mạc Ngọc Liễn xứng đáng là con của danh tướng Nguyễn Kính. Hai đời cha con ông phò tá cả 5 đời vua Mạc, từ khi bắt đầu đến khi kết thúc một triều đại. Sau Mạc Kính Điển, có lẽ Mạc Ngọc Liễn là chỗ dựa lớn nhất của nhà Mạc. Mạc Ngọc Liễn một đời tận trung tuyệt đối với nhà Mạc. Các sử gia ngày nay vẫn đánh giá rất cao lời di chúc có một không hai trong lịch sử. Về mặt chiến thuật đó là phải tránh thế mạnh khi kẻ địch đang mạnh. Sự tài tình và am hiểu binh pháp của cụ lúc đó rất hợp lý đối với phe yếu như tương quan lực lượng giữa Lê và Mạc thời kỳ sau. Vua tôi nhà Mạc nhờ theo kế sách của cụ Liễn đã giữ được đất Cao Bằng trong mấy đời với gần 100 năm nữa sau khi cụ mất. Nhìn lại quá trình lịch sử cho thấy hậu quả của sự đô hộ của nước ngoài thật vô cùng thảm khốc, cụ Liễn hơn ai hết rất thấm thía bài học và nỗi đau của dân tộc về chiến tranh. Trước đó dù chỉ 20 năm đô hộ của nhà Minh(1407-1427) đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho đất nước. Suốt gần 200 binh hỏa liên miên, các nhân vật cao cấp của các chính quyền cai trị chỉ say sưa với chiến trận và bảo vệ quyền lợi của riêng mình, nhưng trong đó đã lóe sáng lời dặn của Mạc Ngọc Liễn. Kể từ khi Nguyễn Trãi mất, trong một khoảng thời gian dài của lịch sử đến khi nhà Mạc mất mới lại có một vị quan đại thần biết lo đến nỗi thống khổ của nhân dân Đại Việt về nạn binh đao và họa ngoại xâm, biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của mình. Nhà Mạc sau Thái Tổ và Thái Tông không có thêm vua giỏi, nhưng có bầy tôi như Mạc Kính Điển, Mạc Ngọc Liễn cứu vãn hình ảnh của nhà Mạc.Trong lịch sử rất nhiều vua và đại diện một số triều đại khi bị mất ngôi thì lại ra nước ngoài cầu cứu mượn viện binh về đánh người trong nước, gây nên bao cảnh huynh đệ tương tàn, đầu rơi, máu chảy. Riêng nhà Mạc khi bị mất ngôi, đã biết nghe theo lời dặn của cụ Liễn, biết cách rút lui khỏi chính trường và theo đó không để lại sự oán thoán, chê trách của hậu thế. Sử sách của Ngô Sỹ Liên và Lê Quý Đôn mặc dù trong quan điểm nhìn nhận về nhà Mạc còn có nhiều điểm hạn chế do tư tưởng trung quân gò bó gọi nhà Mạc là ngụy triều hoặc cướp ngôi nhà Lê … nhưng đều phải ghi nhận và khen ngợi một lời di chúc vô cùng đôn hậu và chứa chan tình yêu nước thương dân của một đại thần nhà Mạc là Phò mã Đô uý Thái phó Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn. Cụ Liễn có 6 con trai và 4 con gái đều được phong tước Quận công và Quận chúa.
Tuy làm quan đại thần, dưới một người, trên muôn vạn người, ngày đêm lo việc nước, việc quân và biết bao nhiêu nỗi lo khác cho quê hương, đất nước. Cha con cụ Kính đã hết lòng quan tâm xây dựng và để lại cho hậu thế nhiều công trình, đặc biệt trong vai trò trọng thần số 1 của triều Mạc, các cụ đã để lại những công trình tiêu biểu như:
- Chùa Bảo Quang tự – xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất quê hương của cụ với số tiền, vàng, ruộng còn ghi rõ tại văn bia nhà chùa bao gồm: 3 thửa đất các xứ An Trạch, Đồng Mai, Đồng Hòa, 01 thửa ao ở An Trạch xứ. Vàng, bạc là 10 cân để làm nơi thờ tự, cúng tế của dân làng. Bia công đức lập năm 1637.
- Năm 1544 – Giáp Thìn cụ Liễn đã cùng vợ là Phúc thành công chúa Thái trưởng Mạc thị Ngọc Lâm đã đại tu và xây dựng lại chùa Linh tiên quán (làng Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) ngoài số của cải để xây dựng còn có 10 mẫu ruộng cúng làm vật tam bảo quán Linh Tiên để lo đèn nhang lưu truyền mãi mãi. Đây là một di tích gắn liền với tể tướng Lữ Gia nhà Triệu nước Nam Việt, trước đó Linh tiên Quán đã nhiều lần được tu sửa nhưng tới lần vợ chồng cụ tu sửa mới để lại cho hậu thế một công trình văn hóa với quy mô bề thế bằng gỗ như ngày nay. Vợ chồng cụ Liễn còn có một tác phẩm nghệ thuật vô giá là đôi chân đèn men ngọc lam dòng gốm Chu Đậu thế kỷ XVI có ghi rõ tên, chức sắc của các cụ cúng tiến vào Chùa Linh Tiên. Hiện nay còn một chiếc đang lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại Hà Nội.
- Gia đình cụ Kính còn tu bổ đền Lũng Dâu (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) thờ Sỹ Nhiếp là ông tổ Hán học ở Việt Nam. Đền Lũng được xây dựng với quy mô to lớn từ khi cụ Liễn thực hiện, với 5 tòa nhà liền nhau, hai bên tả hữu có lầu, phía trước là hồ có cầu đá bắc qua, bên ngoài dựng môn lâu, ngoài nữa sát sông là Dâu là Vọng Giang Lâu.
- Những năm cuối khi nhà Mạc chuẩn bị rời Thăng Long, cụ Liễn cùng vợ là Thái trưởng công chúa Phúc Thành Mạc Thị Ngọc Lâm đã về ở tại chùa Phổ Minh (thành phố Nam Định) hai cụ đã cúng tiến rất nhiều của cải để xây dựng lại ngôi chùa. Trong đó sử sách còn ghi rõ là 36 cây gỗ tứ thiết (gỗ lim) toàn bộ số xà gồ trên mái vẫn ghi rõ tên tuổi của các cụ. Hiện nay các dòng chữ Hán khắc chìm vẫn còn đọc được.
Ngoài các điểm di tích chính đã nêu trên, các cụ còn có rất nhiều công lao xây dựng tôn tạo các công trình thờ tự như: Am Động Tiên ở Sài Sơn, Chùa Hưng Khánh ở Tây Tựu – Từ Liêm. Chùa Thiên Niên Cổ tự ở Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ (nay ở trung tâm của phố Lạc Long quân), đình Trích Sài thuộc phường Bưởi, quận Ba Đình, quán Hội Tiên ở Phượng Trì… và còn rất nhiều điểm di tích còn lại mà chúng tôi chưa thể thống kê hết được. Bên cạnh việc xây dựng, tu bổ các Đình, chùa, quán… các cụ còn đầu tư nhiều tiền của xây dựng cầu, cống, đường, xá đi lại cho dân.Trong các cầu lớn còn lại mà nhân dân vẫn gọi là cầu Cự Thạch ở huyện Thạch Thất. Hiện nay tại các xã Chàng Sơn, Thạch xá, Dị nậu … nhân dân vẫn thường thấy các tấm đá xanh rất lớn dùng đề làm cầu đi lại, nhân dân vẫn tôn kính gọi là đá của Cụ Kính và cụ Đà. Ngoài ra phải kể đến khi cụ Liễn đưa Nhà Mạc về Cao Bằng, cụ đã hết lòng quan tâm giúp dân chăm lo xây dựng cuộc sống. Nhớ ơn cụ một làng ở xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng đã mang tên Đà Quận, tức là đặt theo chức Đà Quận công. Dân làng đã lập một ngôi chùa để tưởng nhớ cụ. Hội chùa diễn ra vào ngày 9 tháng giêng hàng năm.
Lịch sử kể từ khi cha con cụ khởi tổ Tây Kỳ Vương Nguyễn Kính xuất thân từ ngôi làng Cổ Nậu đến nay đã đi qua hơn 5 thế kỷ, biết bao thăng trầm mà dân tộc và các thế hệ đã đi qua được chứng kiến. Chúng tôi những thế hệ con, cháu của các cụ được thừa hưởng những công lao và thành quả của các cụ để lại và cả những lời căn dặn của cụ Liễn khi qua đời làm bài học về tính nhân văn cao cả để càng thêm tự hào về người con của quê hương, xây dựng mối đoàn kết, tình thân ái, cố gắng làm được nhiều điều tốt, xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp để mãi mãi xứng đáng với quê hương xứ Đoài nổi tiếng địa linh, nhân kiệt. Như vậy trải qua gần 5 thế kỷ, từ một gia đình ban đầu ở làng Cổ Nậu đã phát triển đi nhiều nơi như các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Giang, Hòa Bình, thành phố Hồ Chí Minh… với hàng trăm nghìn cháu chắt. Nhiều sỹ quan cao cấp, trí thức, cán bộ lãnh đạo…đã nghỉ hưu và đang còn tại vị đều hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Do trình độ hiểu biết còn rất hạn chế, tư liệu gia phả để lại và tham khảo tư liệu lịch sử không được nhiều, cách trình bày còn không thứ tự và khoa học nên chắc có nhiều sai sót trong bài viết, kính mong được các quý vị bạn đọc thông cảm, bỏ qua. Nếu có điều kiện rất mong được trao đổi lại chủ đề này./.
Xứ Đoài, Làng Mộc, Chàng Sơn
Ngày 09 tháng 5 năm 2019 (5 tháng Tư năm Kỷ Hợi)
Ks. Nhà báo Nguyễn Quang Tình
Viễn duệ, dòng thứ Đà Quốc Công
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- HẢI PHÒNG TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH HỘI THI TRUYỀN THỐNG VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC 2025
- LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ LẦN THỨ 351 THỦY TỔ HỌ MẠC CỔ TRAI
- HỘI ĐỒNG DI SẢN VĂN HÓA QUỐC GIA THÔNG QUA ĐỀ ÁN VINH DANH CỤM DI TÍCH NHÀ MẠC TẠI HẢI PHÒNG
- TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI CÁC QUÝ VỊ ĐẠI BIỂU KHÁCH QUÝ, CÙNG BÀ CON CÔ BÁC HỌ MẠC, GỐC MẠC VỀ DỰ ĐẠI LỄ CÚNG GIỖ THỦY TỔ HỒNG PHÚC ĐẠI VƯƠNG MẠC HIỂN TÍCH 15/11/2024 TẠI ĐIỆN SÙNG ĐỨC( TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM)
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- ĐẠI HỘI MẠC TỘC VIỆT NAM KHOÁ IV ĐANG ĐƯỢC HĐMT VIỆT NAM, HĐMT TỈNH HẢI DƯƠNG TÍCH CỰC CHUẨN BỊ ĐỂ ĐÓN TIẾP CÁC ĐẠI BIỂU, CON CHÁU VỀ DỰ ĐẠI HỘI
- DANH SÁCH ỦNG HỘ ĐẠI HỘI MẠC TỘC VIỆT NAM LẦN THỨ IV NHIỆM KỲ 2024- 2029
- HỘI ĐỒNG MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TRIỂN KHAI, PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CHO CÁC THÀNH VIÊN PHỤC VỤ ĐẠI HỘI MẠC TỘC VIỆT NAM KHOÁ IV NHIỆM KỲ 2024- 2029 TẠI ĐIỆN SÙNG ĐỨC ( TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM)
- THÔNG BÁO HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH MẠC TỘC VIỆT NAM KHÓA III – Nhiệm kỳ 2019-2024.
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC LỄ KẾT NẠP HỘI VIÊN MỚI
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.