- Đang online: 1
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 21624
- Tổng truy cập: 3,371,404
CỔ TRAI XUẤT ĐẾ (Tiểu thuyết lịch sử)
- 400 lượt xem
Chương 3
Cửu trùng đài chưa kịp chạm mây
Ngôi vua đã thuộc về kẻ mạnh
Sau khi trừ bỏ Mẫn Lệ Công báo thù cho gia đình và bè lũ quần thần ác bá, Công tử Dinh được quần thần tôn làm Hoàng đế, đổi niên hiệu là Hồng Thuận. Bọn đại thần theo hầu đều được thăng thưởng. Nghĩa Quận công được tôn làm Á phụ tước quốc công. Con cháu nhà Á phụ cũng được thăng tước hầu. Nguyễn Hoằng Dụ là An Hòa hầu. Trịnh Duy Sản do biết thuận theo nghĩa lớn góp phần làm thay đổi chiến cuộc có lợi cho nghĩa quân nên cũng được thăng là Mỹ Duệ hầu. Mạc Đăng Dung không được thăng thưởng. Thấy vậy Á phụ dâng biểu tâu công lao khi trước giúp đỡ thoát hiểm nên được thăng Vũ Xuyên bá, giữ nguyên chức cũ là Đô chỉ huy sứ vệ Thiên Vũ.
Bấy giờ có một người hình thù quái dị, tóc dài, tay to, chân nhỏ, khi đi dáng như đười ươi đến cửa cung xin được thăng thưởng. Á phụ Nghĩa quốc công cho vào hỏi. Người đó thưa:
– Dám bẩm thượng quan, tôi là Nguyễn Chí, quê ở huyện Đông Ngàn, thi hội trúng trường, được Mẫn Lệ Công cho làm Thiếu doãn Phụng Thiên. Thấy bọn ngoại thích ỷ thế làm càn, tôi thường dẫn lính tuần thành dẹp bỏ. thế rồi tên Nguyễn Tung người nhà Khương Chủng đã cho quân chống lại bắt tôi giam vào ngục đình úy, tra tấn đến chết, vứt xác ra ngoài thành. Người nhà đi lấy xác, bó chiếu đem về quê, sắp chôn thì tôi hồi, rên lên khe khẽ, may có người nghe được nên cứu sống. Mấy năm qua tôi phải sống chui sống lủi, ngày ở dưới hang, đêm ở trên cây tránh sự nhòm ngó của bọn người nhà Khương Chủng ở quê. Nay vua mới đã từ bỏ lũ ác thần, tôi xin trình diện để được về nhiệm sở.
Nghĩa quận công nghe vậy than:
– Đại thần triều đình mà phải chịu cảnh như vậy thì thật quá lắm. Nay xin tạm vào làm ở bí thư xá nhân chờ được vua bổ nhiệm.
Vua Hồng Thuận biết chuyện đã cho Nguyễn Chí vào cung ban thưởng và ban cho tên mới là Hoàn Sinh.
Trong số đại thần khai quốc chỉ có Bảng nhãn Lương Đắc Bằng là không nhận quan tước. Lúc mới dấy binh, Lương Đắc Bằng được cử ra thảo hịch, và tạm giữ chức Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm chức Hàn lâm viện Chưởng sự. Nay gia phong thêm chức Lại bộ tả thị lang. Lương Đắc Bằng thấy vua Hồng Thuận nhẫn tâm đem xác vua Đoan Khánh đưa vào nòng pháo để bắn cho tan xác là điều bất nghĩa nên biết không thể chung hưởng phú quý, học theo Phạm Lãi lui về quy ẩn. Bạn hữu là Tổng binh Thiêm sự Thừa tuyên sứ, tham chính ở Thanh Hóa đén hỏi thăm Lương Đắc Bằng chỉ nói:
– Các tôn huynh có công đầu, nay đều được ở chức thượng thư, tước bá, sự nghiệp mới bắt đầu nên gắng sức phò vua giúp nước. Tôi vốn không thích cảnh chen lấn quan trường, mới rồi vì nghĩa mà dấn thân, nay việc đã hoàn thành muốn quay về cố hương mở trường dạy học, may ra có kẻ hậu sinh gánh thay việc nặng.
– Thế ông về mà không để lại cao kiến gì phò vua an bang định quốc hay sao?
– Tôi cũng đã chuẩn bị rồi. Vừa may có các tôn huynh, đủ Lễ bộ, Lại bộ, Ngự sử đài, xin các tôn huynh dâng lên Hoàng thượng thì may lắm.
Lương Đắc Bằng giao cuốn “Trị bình sách” cho Đô ngự sử Nguyễn Thì Ung, dặn bao giờ mình đi khỏi kinh thành hãy dâng lên vua.
“ Trị bình sách” đại ý viết:
“ Bệ hạ khoan nhân đại độ, không thích giết người, khôi phục cơ nghiệp của Cao Tổ, cứu giúp sinh mệnh cho muôn dân. Khắp trong bốn biển như gỡ được nạn treo ngược, ai cũng vươn cổ kiễng chân, ngóng trông chính sự mới được hoàn thành, hân hoan mừng thái bình thịnh trị. Nhưng từ lúc lên ngôi đến nay hòa khí chưa thuận, can qua chưa dứt, kỷ cương triều đình chưa dựng đặt, việc quân việc nước chưa sửa sang. Tai dị xảy ra luôn, sợ đạo trời chưa thuận, núi đá bị sụt lở e đạo đất chưa yên. Tệ tham nhũng ngấm ngầm phát triển, bọn nghịch tặc lén lút manh nha, sợ đạo người chưa ổn. Thần thẹn là bề tôi cũ mà không có cơ hội dốc sức dốc lòng phò chúa, nay kính cẩn tấu trình mười bốn kế sách trị bình:
- Phải cảnh giác, răn người để chấm dứt tai biến.
- Dốc lòng hiếu thảo đẻ khuyến khích lòng trung hậu
- Xa thanh sắc để làm chân chính gốc của tâm.
- Đuổi tà nịnh để làm trong sạch ngọn nguồn muôn việc.
- Dè dặt trao quan tước để thận trọng việc khuyến khích răn đe.
- tuyển bổ công bằng để đường làm quan trong sạch.
- Tiết kiệm tiêu dùng để khuyến khích phong tục kiệm phác.
- Nên khen người tiết nghĩa để ca tụng đạo cương thường.
- Cấm hối lộ để trừ bỏ thói tham ô.
10. Sửa sang võ bị để vững thế thành đồng hào nóng.
11. Lựa chọn quan can gián để gây khí thế dám nói.
12. Nơi nhẹ việc lực dịch để thỏa lòng mong đợi của dân.
13. Hiệu lệnh phải tín thực để thống nhất ý chí bốn phương.
14. Luật pháp chế độ phải thận trọng để mở nền thịnh trị thái bình”.
Vua Hồng Thuận nhân được sách, biết Lương Đắc Bằng là bậc cao sĩ, vội cho người mời vào cung nhưng Lương Đắc Bằng đã về quy ẩn rồi. Vua than:
– Ta để mất Lương Đắc Bằng khác nào mất một người thầy lớn, tiếc thay!
Danh tiếng Lương Đắc Bằng được lan truyền từ đó.
Ở vùng Hải Đông xa xôi có một chàng trai trẻ là Nguyễn Văn Đạt quê Cổ Am đã khăn gói tìm về Thanh Hoa xin được theo học. Văn Đạt chính là con trai tiểu thư Nhữ Thị Lan, cháu ngoại Nhữ Thượng thư, thầy dạy Mạc Đăng Dung hồi nhỏ. Văn Đạt sinh ra có vượng tướng khác người. Hồi bốn tuổi chơi ở bến sông có chủ thuyền người Tàu thấy tướng mạo chú bé khác thường, mới hỏi thử tài:
– Cháu bé con nhà ai?
– Con cha trời mẹ đất.
– Vì sao mặt trơi mọc?
– Mặt trời không tự mọc, chẳng qua đất và người tự hướng đến mà thôi.
– Thế phía sau mặt trời là gì?
– Phía sau mặt trời còn có mặt trời khác.
Người khách Tàu kinh ngạc, đoán đứa bé sau này ắt trở thành Khổng Minh tái thế của nước Nam.
Văn Đạt vào ra mắt thầy, Lương Đắc Bằng hỏi:
– Ta giờ là kẻ thất phu nơi rừng vắng ngươi làm gì phải nhọc công tìm đến?
Văn Đạt cung kính đáp:
– Thưa thầy, học để làm quan thì con học ai cũng được, còn học để làm thầy vua thì chỉ có thể học riêng thầy thôi ạ.
Lương Đắc Bằng lắc đầu ngán ngẩm:
– Thật đáng tiếc cho tài học của ngươi. Rồi đây cuộc đời ngươi sẽ lật đật long đong thôi. Thật đúng là duyên trời đã định, khó cưỡng lại được.
ﮪ
Từ ngày ở ngôi, vua Hồng Thuận thường đến thăm phủ Nghĩa Quốc công, vua tôi xướng họa vui vẻ và hỏi về kế sách trị nước. Nghĩa Quốc công với Trường Lạc Thái hậu là chị em thúc bá, nhưng vua luôn chỉ gọi là á phụ để vừa gần gũi, vừa tôn kính người có công đầu phò giúp lên ngôi. Gia đình Á phụ chủ yếu làm tướng, nắm nhìn vị trí quan trọng trong quân đội vua càng tin cậy có chỗ dựa. Phủ quốc công gần Hồ Tây, bài trí phong cảnh khá thanh thoát, u tịch. Vua tự tay ngự phê lưu lại nhiều bài thơ ở đây.
Bài 1:
Mãn mục sơn xuyên vạn vật xuân
Thử đình hạnh đắc ngộ nhân quân
Đình tiền thảo đấu lư kỳ diễm
Uyển lý hoa tranh cầm tú quân
Tần thiệp vịnh thi dung khoái lạc
Tương hồi tích cảnh túc thuân tuần
Đồng lương kiên cố thiên niên tại
Chiêm đác vô cùng quý giả thân
HỒ THIÊN ĐỘNG CHỦ đề
Dịch nghĩa
Đầy mắt núi sông vạn vật đều xuân
Đình này may được gặp người quân tử
Trước sân cỏ đua tươi với cờ xí
Trong vườn hoa tranh đẹp với gấm thêu
Nảy hứng ngâm thơ dáng mặt hớn hở
Sắp về tiếc cảnh chân bước ngập ngừng
Rường cột vững bền nghìn năm còn đó
Chiếm được gần giũ người quý vô cùng.
Bài 2:
Xuân thiên đạm đăng nhật quang tinh
Giá hạnh tân gia duyệt hứng thành
Từ cố vân sơn dao yểu nhiễu
Nhất hồ hoa thảo cân phu vinh
Ân tình trường dữ càn khôn thịnh
Công nghiệp tranh đồng nhật nguyệt minh
Chí hạnh Thái, Bàn tăng củng cố
Quân thần ngưỡng vọng trị phi binh.
HỒ THIÊN ĐỘNG CHỦ đề
Dịch nghĩa
Ngày xuân phơi phới ánh sáng mặt trời
Xa giá đến nhà mới đẹp lòng nảy hứng
Bốn mặt núi mây vây quanh xa xa
Một bầu cây cỏ tốt tươi kề cận
Ơn sâu tình nặng thịnh mãi với càn khôn
Công danh sự nghiệp đua sáng cùng mặt trời mặt trăng
May sao Thái sơn, Bàn thạch thêm phần bền vững
Vua tôi mong mỏi nghiệp lớn trị bình.
Một lần vua bảo:
– Thưa Á phụ, Trẫm biết Á phụ chưa có chức vụ xứng đáng, nay mong muốn phục lại chức Tướng quốc để mời Á phụ đảm nhiệm, Á phụ tính sao?
Nghĩa quốc công đáp:
– Tâu Hoàng thượng, thần là võ tướng không đảm nhiệm nổi chức to ấy, xin Hoàng thượng nhằm người khác ạ.
Vua gặng ba bốn lần, Nghĩa Quốc công đều từ chối. Về sau vua giao chức Tướng quốc cho Thiện quốc công Lê quảng Độ.
Bấy giờ ở phía Đông, các đại học sĩ Vũ Duệ cùng Lê Thuần Phong vẫn quan sát ngôi sao lạ, thấy ngôi Đế tinh vẫn sáng tỏ nhưng ngôi sao lạ cũng ngày một sáng hơn thì càng lo lắng. Ở dân gian bài đồng dao nói về việc phương Đông xuất thiên tử vẫn phổ biến. Vũ Duệ đem viêc Lê Quảng Độ nhận chức Tướng quốc đã đến phủ Nghĩa Quốc công trách:
– Quốc công sao để chức to vào tay người khác? Hạ quan xem tướng biết Thiệu công là kẻ bạc nhược, phản chủ, chỉ nghĩ đến bản thân chứ không lo việc xã tắc. Hơn nữa điềm phương Đông xuất thiên tử hãy còn, để kẻ tiểu nhân giữ chức to khác nào gây mần họa từ đây.
Nghĩa công hỏi lại:
– Luận công ngày trước Thiệu công đứng tên thứ hai, không ông ta thì ai vào chức ấy được?
– Chỉ người là xứng thôi. Nay sự đã rồi sao có thể dễ dàng thay đổi được.
– Vậy còn điềm phương Đông xuất thiên tử phải làm sao trừ được?
– Hạ quan đoán Đế tinh lạ chiếu xuống mạch đất Đồ Sơn vậy xin ngài tâu với Hoàng thượng cho thuật sĩ ra đó trấn yểm, may ra khống chế được chăng.
Nghĩa công đem lời Vũ Duệ tâu vua, vua sai làm theo.
Nhân tiết thanh minh, Nghĩa Công cùng Vũ Duệ, Lê Thuần Phong và các thuật sĩ ra Đồ Sơn, có Đô chỉ huy sứ vệ Thiên Vũ Mạc Đăng Dung dẫn đường. Vũ Duệ và Lê Thuần Phong tính toán rồi cho đào chín cái hố sâu ở chín huyệt đất quan trọng.
Những ngày sau đó, Vũ Duệ cùng Giám ty Thiên giám Lê Thuần Phong quan sát thiên tượng, thấy không có gì thay đổi khác trước, biết cơ trời khó vững, đành âm thầm theo dõi diễn biến, bởi cũng chưa tỏ ngôi đế tinh thuộc về ai.
Trong khi Nghĩa Công đi trấn yểm ở Đồ Sơn thì bọn quan cũ trung thành với vua Đoan Khánh trong ngoài phối hợp làm loạn. Bên ngoài có tiến sĩ Thân Duy Nhạc dấy binh ở Đông Ngàn. Bên trong có hoạn quan Nguyễn Khắc Hài khống chế vua, cho người đi mời Hoa Khuê Vương vào cung làm chuyện thoán nghịch. Đến đêm, viên hoạn quan trẻ là Nguyễn Lĩnh liều dẫn vua trốn về phủ Nghĩa Công đi thoát. Vua sai Đô kiếm điểm Điện tiền chỉ huy sứ Trịnh Hựu đem quân vây bắt Khác Hài. Lưu thủ Đông Kinh là Ngô Bính và Trịnh Bá Quát đi đánh bọn Duy Nhạc. Sau sự biến này vua cho đổi tất cả hoạn quan, chỉ giữ lại Nguyễn Lĩnh làm Tổng quản nội thị.
Từ ngày Lượng công Lê Quảng Độ ở ngôi Tướng quốc dưới quyền một người trên muôn người, tự biết kẻ dưới nhiều người không phục nên ngấm ngầm tìm cách lôi kéo vây cánh. Người đầu tiên Lượng công chú ý là Mỹ Lệ hầu Trịnh Duy Sản, người đã phản Mẫn Lệ Công như mình. Trịnh Duy Sản lại giữ chức Đô chỉ huy sứ vệ Thánh Uy, kiêm Đô sứ ty Thiên Bảo Đao trực điện Kim Quang, thường xuyên được ở gần hoàng đế. Anh Trịnh Duy Sản là Trịnh Duy Đại được chức Hộ bộ thượng thư. Có được Trịnh Duy Sản là có được Trịnh Duy Đại, thế lực chiếm nửa nước, không thua gì phủ Nghĩa Công. Vì thế Lượng công làm tiệc rượu cho mời Trịnh Duy Sản đến. Không biết có việc gì, Trịnh Duy Sản vội vã đến ngay:
– Thưa tướng quốc, chẳng hay người có gì sai bảo?
Lượng công thân ra đón tiếp, ân cần mời vào nhà.
– Ta hâm mộ tướng quân trí dũng hơn người, ở cạnh ta đã lâu mà chưa có dịp thăm hỏi, nay nhân lúc nhàn muốn cùng tướng quân đối ẩm lai rai thôi, chớ giữ lễ.
Lượng công tự tay giúp Trịnh Duy Sản cởi bỏ giáp trụ rồi sai bày tiệc khoản đãi. Trịnh Duy Sản vừa uống vừa dè chừng. Thấy Trịnh Duy Sản mất tự tin. Lượng công bày tỏ:
– Tướng quân cứ tự nhiên đi. Ta thực tình chỉ muốn kết thân thôi. Chả giấu gì Tướng quân ta có đứa hát mới tuyển vừa xinh đẹp, vừa đàn hay hát giỏi, muốn Tướng quân cùng thưởng ngoạn thôi.
Liền đó Lượng công vỗ tay. Một cô gái trẻ tha thướt tiến ra theo một vũ điệu nhẹ nhàng thanh thoát. Rồi cô gái tiến đến nơi đặt cây đàn tranh tấu lên, đoạn cất tiếng hát du dương, điệu đào liễu, đường trường thu không. Tiếp đến là những điệu sôi nổi hơn là lưu thủy hành vân, săp qua cầu. Lượng công thấy Trịnh Duy Sản ngây ra nhìn thiếu nữ thì khẽ bảo:
– Tướng quân! Tướng quân!
Trịnh Duy Sản một lúc sau mới nghe thấy, vội thưa:
– Tướng quốc dạy gì ạ?
– Nếu Tướng quân bằng lòng thì ta gả cho. Thúy Lan con về hầu Tướng quân đây nhé.
Thiếu nữ e lệ cúi đầu. Trịnh Duy Sản vội vàng đáp:
– Tạ ơn nhạc phụ! Con xin hết lòng che chở cho hiền thê của con ạ.
Lượng công gọi Thúy Lan đến lạy Trịnh Duy Sản. Sau đó hai người cùng lạy Lượng công rồi ra về.
Hôm sau Trịnh Duy Đại lấy danh nghĩa huynh trưởng đưa thiếp mời Thiệu công đến phủ đáp lễ. Trong tiệc rượu Lượng công hỏi:
– Văn quận công ở chức Thượng thư bộ Hộ, chẳng hay có kế gì giúp vua an bang trị quốc chưa?
Trịnh Duy Đại khiêm nhường đáp:
– Hạ quan tiếp quản sổ sách của người tiền nhiệm cũng đã nắm được dân tình, quân đội, lương thực. Triều chính thực vẫn chưa ổn định, hai quan thấy Tướng quốc nên định lệ ban thưởng quân dân có công dấy nghĩa, bổ sung quân cám vệ, củng cố tuần phiên các điếm ở các xã ngoài thành. Việc trong cung thì nên tu sửa lại một số nơi hư hỏng như điện Kim Quang, cửa Đại Hưng. Lại thông cáo chuẩn bị kỳ thi Hội thí bình thường đúng lệ.
– Ông bàn chính hợp ý tôi.
Có được anh em Trịnh Duy Sản, Trịnh Duy Đại, Thiệu công Lê Quảng Độ mới cảm thấy yên ổn ở ngôi Tướng quốc. Thiệu công luôn khéo léo đón bắt chiều ý vua. Nhân buổi khánh thành điện Kim Quang, Lượng công ca tụng:
– Tâu hoàng thượng, với công nghiệp vĩ đại của người thì ngôi điện này thức quá nhỏ bé. Người đã để lại cho hậu thế công nghiệp vĩ đại cũng nên để lại một công trình vĩ đại. Thần thấy các vua triều trước chỉ dựng được những cung, các, quán chưa xứng tầm, chưa có thứ gì sánh được với cung A Phòng hay Vạn Lý Trường Thành.
– Tướng quốc nói hay lắm. Nay đang là thời thái bình thịnh trị, ta nghĩ cũng nên làm một công trình ra tấm ra miếng, là biểu tượng, là kỳ vĩ của ta cho mai sau. Tướng quốc nên tìm các thợ giỏi thiết kế giúp.
– Tâu vâng.
Thiệu công cho người thông báo khắp cả nước, nếu ai có khả năng xây được cung điện lớn với kiểu dáng độc đáo, thể hiện sự kỳ vĩ, bền vững lâu dài thì đến phủ Tướng quốc trình báo. Những ngày đầu thợ cả kéo đến khá đông, nhưng chưa ai làm nhà to quá ngôi đình làng hoặc điện Kim Quang mới đây. Dù không được duyệt nhưng mỗi thợ cả đều được tặng mười quan tiền và mười mét lụa. Do đó thợ cả các nơi vẫn cố nghĩ ra các kiểu nhà lạ to trăm buồng dâng lên.
Bấy giờ ở xã Minh Quyết huyện Cẩm Giàng có người thợ Vũ Như Tô là người khéo tay, chí lớn, luôn muốn xây được một công trình to lớn hơn cả cung A Phòng hay Cô Tô Đài. Như Tô thường lấy nứa dựng nhiều kiểu điện hơn trăm nóc gọi là Cửu Trùng đài để làm mẫu. Như Tô luôn ước ao có được đủ tiền để đem mẫu thi công. Theo mẫu này, phải ghép đá tấm làm nền chịu lực. Gỗ cột ở tầng một phải to chín tấc. Như Tô tính gộp: để làm công trình này cần lấy hết đá núi Tràng Kênh, chặt hết gỗ rừng Tam Đảo. Số nhân công cần lớn gấp trăm lần dựng cung A Phòng. Người vùng Cẩm Giàng bảo Như Tô là kẻ điên. Mỗi khi Như Tô đi làm thợ ở đâu đều bị người nơi đó nói mát trêu tức. Như Tô chỉ bảo:
– Kẻ thiển cận sao hiểu được chí trượng phu. Nay mai gặp kỳ chúa tất kỳ nhân sẽ làm được kỳ tích. Hãy chờ xem.
Tiếp được cáo thị kén thợ giỏi xây cung lớn, Vũ Như Tô đang chỉ đạo xây dựng chùa Giám, có tháp gỗ Cối Kinh mô phỏng Cửu Trùng đài thu nhỏ liền giao cho phó hai trông nom để lên kinh dâng kiểu. Chỉ thoạt nhìn thấy mô hình Thiệu công đã rất bằng lòng. Thiệu công đón vua đến xem và xin cho xây dụng. Vua cũng rất ưng ý, gia phong Vũ Như Tô là Tổng đốc công, giao cho bộ Hộ, bộ Công đứng ra chỉ đạo cung cấp nhân lực, vật lực xây dựng. Trấn Hải Dương phải cung cấp đá, Trấn Hưng Hóa phải cung cấp gỗ. Thợ đá đại Bái trấn Kinh Bắc ghép đá làm nền. Phủ tướng quốc điều vệ Thắng Dực do Đô chỉ huy Phạm Gia Mô cai quản đến trông nom xây dựng.
Vùng bãi sông Nhị Hà trở thành công trình xây dựng mênh mông. Bè gỗ, thuyền đá cập bến. Thợ mộc phát gỗ, thợ tạc đá đục mộng, bẩy đá ghép vào nền. Dân Thăng Long chưa từng thấy một công trường xây dựng nào nhộn nhịp đông đúc đến như thế, kể cả khi Cao Vương xây thành Đại La hay Lý Thái Tổ xây dựng Hoàng Thành.
Đến đầu năm Hồng thuận thứ năm, Cửu Trùng đài mới xây dựng xong một tầng. Thế mà dân phu cả nước đã quá khổ cực vì công trình. Lại thêm hạn hán mất mùa năm trước, nên đến kỳ giáp hạt dân đói to. Xóm làng tiêu điều, người dân ngơ ngác.
Nghĩa quốc công Nguyễn Văn Lạng thấy vua phạm vào “Trị bình sách” của Lương Đắc Bằng thì hết lòng can gián. Vua lờ đi. Nghĩa công than:
– Nhà vua không khoan thư sức dân, ham xây dựng lớn giống Lý Cao Tông ngày trước, tất họa xảy ra nay mai thôi.
Nghĩa công buồn rầu mắc trọng bệnh. Trước khi mất kịp dặn con cháu chăm luyện quân mã để dùng nay mai. Đặc biệt thủy quân phải đặt các trạm liên lạc từ kinh đô đến của Thần Phù, có thể tiến lui đều được. Nguyễn Hoằng Dụ nghe theo, cử anh em đóng giữ những nơi hiểm yếu.
Vua Hồng Thuận tặng phong Nghĩa công tước Nghĩa Huân vương, sai làm tang lễ theo nghi thức vương hầu, lại sai đúc tượng vàng thờ ở Gia Miêu.
Nghĩa công chết, Thiệu công bớt một gánh lo, càng ngày càng độc đoán chuyên quyền, đốc thúc dân phu gấp gáp làm Cửu Trùng đài. Lòng oán trong dân ngày một lớn. Bấy giờ có sứ Tàu sang sác phong. Gặp vua, sứ Tàu bảo nhau: “ Quốc vương nước Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, tướng vua lợn, loạn sẽ không lâu đâu” nên vua tặng lễ vật rất hậu đều từ chối cả.
ﮪ
Từ ngày có công trường xây dựng Cửu Trùng đài, người tứ xứ dồn về, triều đình phải cắt thêm mấy dãy phố cho thợ nghỉ. Quán “ Vọng Tiên Lâu” lúc nào cũng đông khách. Mạc Đăng Dung và Phạm Gia Mô bảo dẹp quán nhưng nữ chủ nhân bảo không chịu, các anh biết gì về lòng người. Vọng Tiên Lâu của tôi còn “bền lâu hơn cả Cửu Trùng đài đấy. Rồi xem”.
Phạm Gia Mô thường ở trên công trình, mắt nhìn bao cảnh tai nạn gỗ đè, đá sập, tai nghe bao lời ta thán nỗi việc thổ mộc nặng nhọc kéo dài. Vậy mà triều đình chỉ biết thúc dân bỏ cả ruộng đồng đi phá đá, hạ gỗ tháng này qua tháng khác. Sau lễ tang Nghĩa công, Phạm Gia Mô khuyên Mạc Đăng Dung:
– Đệ thấy mầm loạn đang lên, huynh nên xin chuyển ra ngoài dưỡng quân chờ thời, chứ cứ giữ chức quan ở dây e rằng bất lợi.
– Nhưng còn phủ đệ đã xây dựng bấy lâu cho chuyển làm sao được.
– Mưu việc lớn có được giang sơn thì tiếc gì một phủ đệ nhỏ nhoi kia. Chị không chịu đóng cửa Vọng Tiên Lâu thì cứ giao phủ đệ cho mấy đứa gia nhân cũng được Đệ ở lại kinh thành , nếu có tin thì đệ báo cho huynh ngay.
– Vậy ta nên đi đâu cho yên thân đây?
– Xứ Thanh Hoa là đất của họ Nguyễn, xứ Hải Dương, Kinh Bắc, Hưng Hóa khổ vì lao dịch tất có loạn, chỉ còn xứ Nam Sơn là còn tạm yên, huynh nên lui về đó.
Việc Mạc Đăng Dung xin chuyển đi khỏi thành khiến Thiệu công không khỏi bất ngờ. Vệ Thiên Vũ tuy cũng là cấm vệ quân, nhưng chức cao hơn các vệ khác một bậc. Đô chỉ huy sứ được dùng kiểu mũ đỏ có cánh nạm vàng thêu phượng đỏ không kém gì chức của Thượng thư. Ra ngoài làm Tổng binh thiêm sự khác nào tự giáng hai bậc, lại xa Hoàng đế. Vì thế Thiệu công hỏi lại:
– Sao Tướng quân tự chịu thiệt thòi vậy?
– Thưa Tướng quốc, hạ quan luôn ở cấp vệ chưa từng ra ngoài đâu hiểu dân tình cũng như cách cai trị dân, nay xin đi chính là muốn có thêm kiến thức thôi ạ.
– Nhưng đi rồi chớ có hối đấy.
– Thưa vâng.
Mạc Đăng Dung về Sơn Nam lập tức tuyển quân, huấn luyện đỗi ngũ nghiêm chỉnh. Quan dân đều tin cậy, khắp cả xóm ngõ yên ổn làm ăn.
Bấy giờ tin đồn có triều đại mới đã loang ra cả nước, không ít người đi cày ruộng mà vẫn mơ số trời giáng phúc vào mình. Những nhà có thế lực ngấm ngầm chiêu binh mãi mã, giấu quân nơi gò bãi kín đáo. Ở vùng Bất Bạt có Trần Tuân là con tiến sĩ Trần Cận có thầy võ Phan Ất dạy bảo võ nghệ hơn người, chí lớn. Trần Tuân mở lò dãy võ cho hàng nghìn tráng đinh trong vùng. Phan Ất vốn là tướng Chiêm bị bắt làm tù binh, tên là Đồng Lợi. Năm Đoan Khánh Vua sai giết tù binh người Chiêm mua vui, Trần Cận có Đồng Lợi dãy võ nên bao che, cho đổi tên là Phan Ất và ngầm đưa về quê. Phan Ất mang nặng thù nhà và nợ nước canh cánh trong lòng muốn lật đổ triều Lê. Sau nhiều năm luyện quân chờ thời, đến khi Vua xây Cửu Trùng đài liền năm chưa xong. Phan Ất xui Trần Tuân dấy binh. Ất nói:
– Chúa công họ Trần, nếu lấy danh nghĩa khôi phục triều trước do nhà Lê bội ước dối trên lừa dưới, giết chủ đoạt ngôi gần trăm năm nay, dân đói khổ tất ngóng về, sợ gì việc không thành.
Trân Tuân nghe theo, tự xưng là Hậu Trần thiên vương, tôn Phan Ất làm quân sư, cử binh đánh chiếm các phủ huyện vùng Sơn Tây. Tuân đi đến đâu cũng được hưởng ứng, thế như chẻ tre tiến về kinh thành.
Tướng quốc Lê Quảng Độ thấy có biến bối rối không biết xử trí ra sao. Trong buổi thiết triều, Thiệu công khuyên Vua tạm lánh về Lam Sơn. Vua bực dọc mắng:
– Mới có một tên giặc cỏ mà tướng quốc đã sợ như vậy, Trẫm thất vọng lắm. Trẫm mà lánh đi kinh thành tất hỗn loạn, Cửu Trùng đài liệu có còn không? Thế mà hiệu lệnh của ta vẫn đến cả nước, quân đội chưa thiệt hại gì, tướng quốc sao không sớm điều binh đi.
Thiệu công sợ toát mồ hôi, chỉ sợ Vua giận thu hết áo mũ, vội vâng dạ lui ra. Mỹ Huệ hầu Trịnh Duy Sản xin lĩnh sáu vệ quân Điện tiền và hai vệ quân Thiên Vũ, Thảnh Vũ đi đánh. Thiệu công lo lắng hỏi:
– Ta nghe Trần Tuân vũ dũng lắm, con liệu có địch nổi không? Quân lính đồn là Hạng Vũ, Lã Bố tái thế đó.
Trịnh Duy Sản khảng khái đáp:
– Nhạc phụ Tướng quốc an tâm, con nghĩ ở đời chẳng có ai là địch thủ của con đâu.
Đoạn hăm hở dẫn quân ra ngoài thành nghênh chiến.
Thấy Trần Tuân đã đến Nhật Tân uy hiếp kinh thành, hàng ngày tiếng reo dậy đất, dân chúng nháo nhác cất giấu đồ đạc, cho vợ con sơ tán về quê cũ. Dân nháo nhác thì quan cũng rối loạn không còn lòng dạ đánh nhau. Thiệu công sai Hộ bộ hữu thị lang Lê Đĩnh Chi dẫn quân thuộc đi dán cáo thị cấm sơ tán và khám xét nhà dân, ai đã cho vợ con về quê thì xử tội nặng. Để tránh tội, dân phố phải tìm cách đút lót và thuê người đến nhà nói dối là cợ con mình. Lê Đĩnh Chi nhận lễ tha cho. Biết thực hư dân tình, Lê Đĩnh Chi cũng thu xếp cho vợ con về quê trước. Việc bại lộ, tướng quốc sai đem chém ngang lưng ở ngã ba phường Đông Hà thị uy. Từ đó dân tình mới tạm yên.
Lại nói Trịnh Duy Sản đem quân ra thành chưa kịp dàn trận đã bị quân Trần Chân vây đánh. Cấm quân ngày thường tác oai tác quái, nay gặp quân địch hăng hái thì sợ, bỏ chạy tán loạn. Trịnh Duy Sản phải bỏ voi xuống đánh bộ, mở đường máu rút lui. Vào trong thành Sản kiểm lại chỉ còn hơn 30 thủ hạ thân cận. Sản bảo:
– Tướng thua trận sao giữ được mạng sống. Nay giặc đã thắng tất chủ quan ăn uống khao thưởng tướng sĩ. Tối nay anh em ta thừa cơ lẻn vào trại giặc giết chết chủ tướng của chúng, việc lớn ắt xong.
Bọn thủ hạ dạ ran, bèn xé áo buộc vào cánh tay làm hiệu lệnh chờ trời tối hành động.
Quả nhiên chờ quá nửa buổi chiều không thấy quân trong thành ra. Trần Tuân hạ lệnh cho quân sĩ nghỉ ngơi, ban rượu thịt khen thưởng. Đầu giờ Dậu các đội lính vào mâm ăn uống. Khi trời nhá nhem tối, Trịnh Duy Sản dẫn thủ hạ cầm giáo ngắn lẻn vào trại địch. Trần Tuân mặc áo đỏ ngồi uống rượu trên giường, xung quanh chỉ có mấy tên lính hầu hạ. Duy Sản cầm giáo bất ngờ nhảy vào đâm chết Tuân. Rồi lấy ngay pháo hiệu của trại Tuân đốt lên. Duy sản cùng ba mươi quân tả xung hữu đột giết rất nhiều quân địch. Quân Trần Tuân đang ăn uống say sưa trở tay không kịp, số bị giết, số hoảng loạn bỏ chạy. Quân ngự lâm còn lẩn trốn ngoài thành thấy trại giặc nhốn nháo bỏ chạy cũng xông vào đánh giết. Phan Ất thấy chủ tướng đã chết, hàng ngũ tan vỡ, phải cởi bỏ trang phục, dẫn mấy tên tướng tâm phúc vượt sông Nhị Hà bằng thuyền nhỏ trốn về vùng Đông Triều tìm Trần Cảo, chú ruột Trần Tuân cũng đang tuyển mộ quân khởi binh.
Trịnh Duy Sản dẫn thủ hạ truy đuổi quân địch đến hàng chục dặm, thỏa sức đâm chém, thây chết đầy đồng, đầy khe.
Lối đánh thọc sâu, bất ngờ, tiêu diệt ngay chủ tướng địch nay chưa từng có trong binh pháp Tôn Tử, về sau được gọi là “Đánh rắn dập đầu”. Trịnh Duy Sản được mệnh danh là Hổ Oai tướng quân. Thiệu công dâng sớ ban thưởng. Vua Hồng Thuận phong Trịnh Duy Sản là Tổng quản cấm quân tước Nguyên quận công. Ba mươi thủ hạ của Duy sản cũng được thăng chức Đô chỉ huy đồng tri.
ﮪ
Ngày 6 tháng 3 năm Hồng Thuận thứ 8 tin dữ từ Hải Dương cấp báo về triều: Trần Cảo người trang Dưỡng Chân, Thủy Đường tự xưng là Đế Thích giáng sinh, đặt niên hiệu là Thiên Ứng tế cờ dấy binh. Trần Cảo nói với tướng sĩ và dân chúng: “ Thiên hạ này là của nhà Trần. Lê Lợi tôn thờ minh chủ Trần Cảo, được nhà Minh phong là “An Nam quốc vương” sau lại hại, nay ta tái thế đòi lại giang sơn về chính chủ, ai dám không theo”. Dân Hải Dương, An Bác khổ về lao dịch theo về như nước. Cảo mặc áo bào lụa đen, quân tướng đều cạo trọc đầu, trên dưới đều tôn Đế Thích là người ứng hợp với lời sấm phương Đông xuất thiên tử, triều đình tuy cử Thuật sĩ đi trấn mạch ở Đồ Sơn nhưng chỉ là việc làm che mắt thế gian thôi. Quan quân vùng Đông Triều, Thủy Đường tự nộp ấn quy thuận Đé Thích. Đến đây các quan tào Đông các và các ty Thiên giám mới thở phào nhìn nhau vỡ lẽ. Cuối cùng nhân vật ứng hợp ngôi sao lạ đã lộ diện. Tuy nhiên, họ vẫn thấy ngôi Đế tinh sáng tỏ, ngôi Đế tinh lạ chưa thể lấn át, từ đó đoán định Trần Cảo chỉ có thể chiếm cứ được vùng Đông Bắc mà thôi.
Quân đội Đế Thích hùng mạnh nhanh chóng. Đế Thích lấy Phan Ất làm quân sư; cử con trai là Trần Cung là Thống soái; có các đại tướng là Định Ngạn, Đinh Nghệ, Đing Bảo, Công Uẩn, Đoàn Bố. Phan Ất điều binh có phép tắc cẩn thận, rút kinh nghiệm thất bại của Trần Tuân khi trước. Khi hành binh có tiên phong, tiềm quân, trung quân, hậu quân, tả quân, hữu quân. Khi bất lợi thì đổi tiền quan làm hậu quân, tiên phong thành đoạn hậu. Khi đóng quân thì chiếm giữ địa lợi, các doanh cắt cử tuần canh luân phiên, thống nhất tín hiệu báo động.
Đầu tháng 4, Đế Thích làm lễ xuất quân tiến đánh Thăng Long. Quan quân vùng Quế Dương, Tiên Du, Gia Lâm nơi quân đội Đế Thích đi qua đều nộp ấn quy thuận. quân Đế Thích tiến thẳng về bến sông Bồ Đề đóng trại tìm cách vượt sông.
Vua Hồng Thuận vội vã thiết triều ở điện Tường Thọ bàn định kế sách lui địch. Hổ Oai tướng quân Trịnh Duy Sản xin đi đánh. Nhà vua không bằng lòng bảo:
– Đánh Trần Chân người tổng quản cấm quân chặn địch ở sát chân thành mà thua trận, suýt nguy cho xã tắc, nhưng ngươi liều chết may mà phá được giặc lập công chuộc tội. Lần này giặc Cảo quân mạnh, tướng nhiều, khí thế đang hăng cũng đã áp sát kinh thành, nếu ngươi ra trận lại thất thế chẳng phải là hại triều đình sao.
Trịnh Duy Sản bị vua mắng, tự thẹn lui xuống. Vua hỏi:
– Tướng quốc có kế sách gì không?
Thiệu công cúi đầu không đáp.
Thấy cả quần thần lặng phắc, vua than:
– Tiếc rằng Á phụ không còn, nếu không việc đánh dẹp giặc cỏ này có gì phải bận tâm đến cả triều đình.
Phía ban văn có người tiến ra tâu:
– Thần xin hiến kế!
Quần thần nhìn lại, thấy người đó là Đông các đại học sĩ Đỗ Nhạc. Tuy không phục nhưng chưa ai nói ra, còn chờ kế sách của Nhạc ra sao. Đỗ Nhạc nói:
– Quân giặc đông tới mười vạn, đội ngũ nghiêm chỉnh thực không thể xem thường. Để phòng địch vượt sông xin bệ hạ hãy điều ngay thủy quân của An Hòa hầu dàn quân ở bến Chương Dương. Lại điều quân năm phủ qua sông dàn trận, lấy Đại tướng Định quận công Phùng Tiến tiết chế thủy bộ cùng tiến đánh mới có thể phá được giặc.
Đỗ Nhạc tuy là quan văn nhưng đã nhiều lần lãnh chức tham quân cho các tướng đi đánh dẹp nên bàn việc đánh trận đâu ra đấy. Các quan không ai phản đối. Vua xuỗng chiếu thi hành theo kế ấy.
An Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ được chiếu liền điều chiến thuyền về bến Chương Dương, thuyền đậu chật sông. Các tướng Đông Nham bá Lại Thúc Mậu, quảng Phúc bá Nguyễn Khắc Nhượng, Minh Vũ bá Trịnh Hồng đem quân ba phủ qua sông trước. Vua sai bắn pháo lệnh làm hiệu, các đội quân mãnh liệt xông lên. Hai bên giáp chiến kịch liệt ở ngay bến Bồ Đề, Lâm du. Quân triều đình do Định quạn công Phùng Tiến lũ lượt qua sông vào trận. Phan Ất thấy tình thế bất lợi bàn với Đế Thích lui quân giữ địa lợi ở vùng Tiên Du, Quế Dương. Đế Thích phát lệnh lui quân, bèn đổi hậu quân thành tiền quân, tiền quân thành hậu quân từ từ rút lui, chỉ để lại quân đoạn hậu giao chiến cản bước quân triều đình. Các tướng Lại Thúc Mậu, Nguyễn Khắc Nhượng, Trịnh Hồng thấy vậy không dám manhđộng truy đuổi, sợ rơi vào mai phục. Tiết chế Phùng Tiến qua sông chỉnh đốn quân mã tiếp tục đánh Phan Ất bỏ Tiên Du lui về Trâu Sơn. Đến đây khá xa kinh thành, quân Phùng Tiến không có tiếp viện, không có thủy quân của Hoằng Dụ tiếp ứng nên Phan Ất quyết một trận được thua, sai ba tướng họ Đinh nghênh chiến, dặn đánh phải thua để dụ quân Phùng Tiến vào trong thung lũng Trâu Sơn, rồi đổ quân ba mặt vây đánh. Phùng Tiến sai Trịnh Khổng Chiêu, Trịnh Ngạc đối trận. Giao đấu vài hiệp, ba tướng họ Đinh núng thế rút chạy. Phùng Tiến vội thúc quân đuổi sát muốn mau giành toàn thắng. Đến chân núi Trâu Sơn, Phùng Tiến hô:
– Giặc cùng đường rồi ba quân cố lên!
Cùng lúc đó vang lên tiếng pháo lệnh. Phan Ất và Đế Thích đứng trên đỉnh núi phất cờ hiệu. Quân ở ba mặt đứng dậy tên bắn như mưa, rồi ào ạt xông ra chém giết. Phùng Tiến, Khổng Chiêu chết trong đám loạn quân. Trịnh Ngạc bị Trần Cung đâm trúng tay phải chịu bị bắt. Bọn Lại Thúc Mậu tiến lên tiếp ứng cứu được một số quân sĩ, còn lại đều bị bắt hoặc bị giết cả. Mậu không dám đánh phải lui về Tiên Du.
Tin bại trận về triều làm chấn động kinh thành. Vua Hồng Thuận sai tướng quốc Lê Quảng Độ dẫn quân tiếp ứng bọn Lại Thúc Mậu. Để lấy lại sĩ khí, Tướng quốc học theo Hưng Đạo vương truyền hịch tướng sĩ, ban bố cả nước.
Phan Ất biết Lê Quảng Độ không có tài cầm quân, liền cử một đạo quân do tướng Đoàn Bố chỉ huy mai phục ở vùng Lãm Sơn, đón đánh quân tiếp viện của Tướng quốc và bắt sống đưa về ra mắt Đế Thích. Lê Quảng Độ chấp nhận đầu hàng, được Đế Thích giao cho chức Thái sư trông coi chính sự, giấy tờ, lương thảo.
Trịnh Duy Sản ở kinh nghe tin Tướng quốc bị bắt, sợ vua bắt tội mới bàn với Trình Chí Sâm bàn việc phế lập. Trình Chí Sâm sợ thế lực Duy sản nắm cấm quân ở kinh thành nên miễn cưỡng nghe theo. Đêm mồng 6, Duy Sản điều quân các vệ Kim Ngô và Hộ Vệ vào cửa Bắc Thần. Nhà vua tưởng quân giặc đã vào thành, vội vàng chạy về cửa Đại Hưng, chỉ có quan Hàn lâm viện Thừa chỉ Nguyễn Vũ chạy theo. Chạy đến phường Bích Câu, gặp được Tổng quản cấm vệ Duy sản, vua định thần hỏi:
– Giặc đã vào thành sao Tướng quân còn ở đây?
Trịnh Duy Sản không trả lời, quay nhìn chỗ khác cười ầm lên. Vua giành ngựa của Trịnh Duy Sản định quất ngựa chạy thì bị tên vệ sĩ của Trịnh Duy Sản đâm chết. Nguyễn Vũ cả giận mắng:
– Có Hình bộ Thượng thư ở đây mà ngươi dám làm chuyện đại nghịch bất đạo à?
Trịnh Duy Sản lại cười ầm lên giễu:
– Thượng thư hầu rượu hầu bạc “ Trư Đế” mà có nghĩa khí đấy nhỉ?
– Ta ăn lộc vua, thà chết vì nạn của vua sẽ được lưu danh sử sách chứ đâu thèm theo kẻ ác ngươi.
– Thế thì cho ngươi toại nguyện.
Đoạn dùng giáo đâm chết Nguyễn Vũ. Nguyễn Vũ còn kịp kêu lên:
– Hoàng thượng, thần theo hầu người đây.
Trịnh Duy Sản đặt thi hài vua lên yên ngựa đưa về phủ Tướng quốc, còn bản thân đến phủ Văn quận công tìm Trịnh Duy Đạu bàn bạc. Đại bàn lập công tử Y, con trưởng Cẩm Giang vương là thuận lẽ hơn cả. Cẩm Giang vương là dòng trưởng, bản thân chịu nạn vì Giản Tu Công dấy binh mượn danh nghĩa. Duy Sản cho rằng Công tử Y còn nhỏ, khó lo được việc nước lúc này muốn lập con Mục Ý Vương Lê Doanh, anh ruột vua Hồng Thuận. Đại bằng lòng.
Duy sản hội các bậc tôn thất nhà Lê và các đại thần để tôn lập Mục Ý Vương lên ngôi. Các đại thần bàn ngược bàn xuôi không thống nhất. Vũ Tá hầu Phùng Mai đòi lập Công tử Ý. Tường quận công Phùng Dĩnh muốn lập Công tử Quang Trị, con vua Hồng Thuận kế vị. Hai người cãi lộn không ai chịu ai. Phùng Dĩnh giận đâm chết Phùng Mai, ép các vương thân đại thần phải tôn lập Công tử Quang Trị. Mọi người thuận theo một cách miễn cưỡng. Công tử Quang Trị khi ấy mới 8 tuổi, lên ngôi mới ba ngày chưa kịp cải niên hiệu thì Văn quận công Trịnh Duy Đại tạm quyền tướng quốc đưa về Tây Đô để ép quần thần phải lập Công tử Y, trả ngôi cho dòng trưởng, Trịnh Duy Đại đi rồi, Trịnh Duy Sản cùng quần thần đành phải đón Công tử Y lên điện lập làm vua.
Trong cung xảy ra sự biến lớn như vậy mà Hoằng Dụ đóng quân ngay dinh Bồ Đề không biết. Phạm Gia Mô cho người báo tin cho Mạc Đăng Dung , Dung khuyên Phạm Gia Mô cũng báo cho Dụ biết. Vua Hồng Thuận có mối quan hệ đặc biệt với họ Nguyễn, nay vua bị quyền thần sát hại, Dụ tự trách mình đã không làm tròn lời gửi gắm của thân phụ, lòng hận trào dâng, lệnh cho quân sĩ mặc áo tang vua đổ bộ lên kinh thành đánh báo thù. Qua công trường xây Cửu Trùng đài, Hoằng Dụ nghĩ Vũ Như Tô là ngọn nguồn cuả tai họa hiện nay liền bắt đem chém. Vũ Như Tô trước khi chết còn kêu:
– Ta có thể chết nhưng chớ có phạm vào kỳ công của ta.
Như Tô xin được lên đỉnh công trình chịu chém. Dụ chiều lòng. Ngắm nhìn công trường một lượt, Như Tô hỏi:
– Tướng quân có đồng ý với tôi rằng cả nước Nam này chỉ có Cửu Trùng đài đáng lưu danh hậu thế không?
– Ngươi cuồng vọng quá làm khánh kiệt đất nước, dân đói khổ sinh loạn, tôi ngươi đáng chết lắm lắm. Ngươi đâu biết nước nhỏ dân nghèo suy nghĩ bạc nhược, chỉ nên có công trình nhỏ xinh vừa tầm thôi. Ta cũng tiếc cho ngươi chí lớn mà không có đất dụng võ. Thôi ta tiễn ngươi về nơi chứa chất mộng ước của ngươi.
Đoạn rút kiếm đâm chết. Một dòng phun thẳng lên trời, cao hơn cả tòa Cửu Trùng đài đang dở dang. Thợ thuyền chứng kiến cái chết của Vũ Như Tô đều reo mừng không ngớt, rồi thu dọn hành lý, đồ đạc về quê cũ.
Hoằng Dụ giết Vũ Như Tô rồi tiếp tục dẫn quân đến đốt phá phủ Tướng quốc, phủ Văn Quận công và phủ Tổng quản cấm vệ. Trịnh Duy Sản sai lực sĩ Đàm Cử và phò mã Lê Nghĩa Chiêu phò vua lánh về Tây Đô dựa vào thế lực Trịnh Duy Đại, còn mình tự dẫn cấm quân đi sau. Dụ đánh vào cung cấm thấy Trịnh Duy Sản đã đưa vua đi cũng kéo quân xuống thuyền lui về giữ cửa Thần Phù, hợp với quân của chú Nguyễn Văn Lữ trấn giữ từ trước.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.