- Đang online: 2
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 21611
- Tổng truy cập: 3,371,400
CỔ TRAI XUẤT ĐẾ (Tiểu thuyết Lịch sử)
- 332 lượt xem
Chương 4:
Giết Trần Chân, Quang Thiệu đế xuất cung,
Đuổi Trịnh Tuy, Mạc Đăng Dung nắm quyền
Trịnh Duy Sản dẫn quân đi, Nguyễn Hoằng Dụ cũng đem thủy quân đi, kinh thành bỏ trống. Nạn cướp bóc phát sinh. Cướp ở nhà, cướp ở đường. Phạm Gia Mô định đem vệ quân của mình về Sơn Nam với Mạc Đăng Dung, nhưng thấy tình trạng ấy đành ở lại để bảo vệ cung cấm. Phạm Gia Mô ra quân lệnh. Hễ ai vi phạm cướp bóc, trộm cắp sẽ bị xử chém. Hễ gặp kẻ cướp ở đường cũng chém ngay. Tiền trảm hậu báo. Bù lại, Phạm Gia Mô cấp lương bổng cao gấp mười lần bình thường vì thế thuộc hạ vẫn nghiêm lệnh. Hằng ngày có bốn toán quân thường xuyên tuần phòng ở bốn cửa thành. Dân thành đều cảm ơn đức Phạm Gia Mô. Tuy nhiên, lo sợ quân Đế Thích vào thành nên dân lần lượt sơ tán dần. Kinh thành trống huơ trống hoác, vắng ngơ vắng ngắt.
Ngày 11 tháng 4 năm quang Thiệu thứ nhất, Đế Thích đưa quân vào chiếm kinh thành. Đế Thích ở trong cung cấm. Lê Quảng Độ trông coi việc nước. Dân kinh thành thấy lời sấm ứng hợp nên quy thuận. Đế Thích tuyên bố đại xá thiên hạ, phủ dụ dân chúng yên phận làm ăn, các quan địa phương vẫn giữ nguyên chức. Quân sư Phan Ất bàn:
– Hiện nay quân đội nhà Lê lui cả về Tây Đô nguyên vẹn, nay không chia quân tiến đánh tận gốc thì sợ ta chỉ ngủ trọ ở hoàng thành vài hôm thôi.
Thái sư Lê Quảng Độ sợ đánh nên can:
– Hoàng đế đã ở ngôi báu, hiệu lệnh ban ra được quan dân thi hành cần gì phải gây chiến mãi.
Phan Ất nói:
– Ta nghe nói nhà Lê có ba danh tướng là Duy Sản, Hoằng Dụ, Mạc Đăng Dung, nếu ba người này theo về thì ta mới có thể yên tâm được.
Thái sư Lê Quảng Độ hớn hở:
– Duy Sản là con rể yêu của ta, ta có thể bảo lãnh được. Hoằng Dụ là con của bạn ta, ta có thể bảo được. Còn Mạc Đăng Dung là thuộc thân cận của ta, ta có thể sai khiến được.
Phan Ất nghe vậy thì yên tâm. Đế Thích xuống chiếu cho gọi ba người về. Thái sư cử người đi các nơi tuyên chiếu.
Lúc ấy có đoàn sứ bộ do Binh bộ hữu thị lang Nguyễn Trọng Quỳ dẫn đầu về kinh ra mắt. Đế Thích ban thưởng rất hậu. Thái sư tâu theo lệ cũ thưởng công người đi sứ. Đế Thích thăng Quỳ làm Binh bộ thượng thư, những người khác cũng đều thăng một bậc. Do có đoàn sứ về quy thuận, Đế Thích tin mình đúng là Thiên tử được định số an bài, suốt ngày ở trong cung cấm hưởng lạc cùng bọn cung nữ trẻ đẹp. Thái tử Trần Cung cũng bỏ cả việc quân hưởng lạc như vậy. Cha con Đế Thích giao việc nước cho Thái sư, việc quân cho quân sư mà không ngó ngàng gì đến.
Phan Ất thì chờ các tướng cũ nhà Lê đem quân quy thuận, nên tạm chia quân giữ thành thay cho cấm quân. Quân tướng chỉ lo vơ vét tiền của gửi về cho vợ con mà trễ nải công việc. Phan Ất cũng đành thả lỏng cho họ. Họ vốn toàn dân nghèo đi theo cả. Thắng lợi rồi cũng nên để họ hưởng phúc. Quân lính thường tụ tập đi ra ngoại thành sách nhiễu dân chúng. Một toán lính đến La Ninh vào một nhà giàu đòi của. Chủ nhà là Đô lực sĩ Trần Chân. Trần Chân nắm vệ Lực sĩ hữu đạo, tước Thiết Sơn bá, khi Duy Sản đem cấm quân đi Trần Chân không kịp theo, về quê để lo giữ nhà. Toán lính ngang nhiên vào nhà thấy đồ gì quý thì lấy. Trần Chân rút kiếm chém chết cả bọn, rồi hô dân đánh đuổi. Bọn sống chạy về thành báo Phan Ất biết sự việc. Phan Ất trách mắng:
– Các ngươi coi thường chính lệnh, làm việc kiểu quân ô hợp của giặc cướp, mới đụng tay cững cỏi đã sợ vãi đái cả rồi.
– Thưa quân sư, đấy là quan quân triều trước không quy thuận, việc không nhỏ đâu.
– Vậy thì các ngươi về doanh trại chuẩn bị khí giới đi.
Ở vùng La Ninh, thấy có tướng quân Trần Chân ra mặt chống đối, thanh niên trai tráng tự sắm khí giới theo về đông tới mấy nghìn người. Trần Chân chia thành đội ngũ, toan bất thần đánh úp kinh thành. Quân tiến đến Trường Bắn ở Giảng Võ thì gặp quân của Phan Ất điều đến. Hai bên giáp chiến. Quân của Trần Chân không thạo đánh trận, lai mất yếu tố bất ngờ nên núng thế phải lui. Trần Chân một mình xông pha, bị thương kha đau nhưng vẫn vững vàng chỉ huy khiến quân lính vững dạ. Phan Ất cũng không dám cho quân đi xa thành, sợ mắc mưu “lừa hổ khỏi rừng” mà bỏ trống kinh thành.
ﮪ
Đỗ Nhạc, Vũ Duệ cùng các quan ở Đông các và Hàn lâm viện đi thành một nhóm phía sau các vệ cấm quân. Quan xứ Sơn Nam thấy xóm làng bình yên, đồng ruộng tươi tốt, dân chúng ca ngợi quan Tổng binh Mạc Đăng Dung như chúa cứu thế thì không khỏi giật mình. Đỗ Nhạc bảo Vũ Duệ:
– Nghe nói Mạc Đăng Dung là danh tướng thời nay, mà tài trị dân cũng thật hơn người, thực đúng là văn võ toàn tài phi phàm, tiếc không được triều đình sử dụng đúng chỗ.
Vũ Duệ chợt nhớ chuyện cùng Mạc Đăng Dung theo Nghĩa công đi trấn mạch ở Đồ Sơn khi trước, kinh ngạc hỏi lại Đỗ Nhạc:
– Có phải Mạc Đăng Dung người Đồ Sơn không?
– Đúng vậy. Mạc Đăng Dung người Cổ Trai huyện Nghi Dương, là cháu tám đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đó.
Vũ Duệ kêu lên:
– Thế thì người này mới đúng là chân mệnh thiên tử ứng với câu “ Phương Đông xuất thiên tử” đó. Hồi xưa quan Trạng đi sứ Tàu có đối lại câu: “Lỵ Mỵ Võng Vượng tứ tiểu quỷ” bằng câu “Cầm Bà Tỳ Sắt bát đại vương”, người Tàu chả đoán cháu tám đời của quan trạng làm vua, ông còn lạ gì. Thảo nào trấn mạch xong tôi thấy thiên tượng vẫn không thay đổi gì. Ngôi Đế tinh lạ thì ngày một sáng tỏ. Hiện nay giặc Cảo vào thành, lên ngôi báu, ngôi Đế tinh lạ chưa sáng hơn, tôi vẫn lấy làm lạ không hiểu. Thì ra Trần Cảo chưa phải chân mệnh thiên tử nên thiên tượng như vậy. Tôi đoán Trần Cảo sẽ bị bại vong nay mai thôi.
Đỗ Nhạc bàn:
– Vào Tây Đô chậm mấy ngày chẳng việc gì, hay ta tạm nghỉ ở Sơn Nam, hỏi dò xem Mạc Đăng Dung có sự lạ không để còn có cách đề phòng chứ?
– Phải đấy.
Vũ Duệ và Đỗ Nhạc đều thi đỗ trạng nguyên và tiến sĩ, làm quan trải các triều cẩn trọng, vốn được danh sĩ, quan dân cả nước kính trọng. Vũ Duệ tự Nghĩa Chí, người làng Trịnh Xá huyện Sơn Vi đỗ Trạng nguyên năm Hồng Đức thứ 20 (1490). Hồi nhỏ Duệ bị bệnh đậu mùa đã chết bó chiếu đem chôn. Chưa đưa thì trời đổ mưa. Con chó già ngồi bên cạnh. Lúc trời tạnh mưa người nhà định vác bó chiếu đi chôn, thấy con chó già vẫy đuôi kêu ư ử quanh bó chiếu mới mở ra xem. Vũ Duệ lúc ấy cất tiếng khóc khe khẽ. May quá, nếu trời không thương làm mưa thì chôn mất rồi. Chẳng biết có phải do chết đi sống lại làm thay đổi trí não hay không, chỉ biết đi học Vũ Duệ nổi tiếng thần đồng, học một biết mười, thông minh lanh lợi, ứng đối trôi chảy. Có lần Vũ Duệ nghịch nặn đất sét ở sân, có người điền chủ đến đòi nợ, hỏi cha mẹ đi đâu, Duệ đáp:
– Thưa ông, cha mẹ cháu đi vắng.
– Lần nào tao đến cũng bảo đi vắng, định tránh mặt trốn nợ à?
– Không, cha mẹ cháu đi vắng thật mà.
– Thế đi đâu?
– Cha cháu đi giết người sống, mẹ cháu đi cứu người chết ạ.
Người điền chủ trợn mắt kinh sợ. Hóa ra nhà mày túng quá làm liều, định giết người cướp của à. Ông ta gặng hỏi:
– Nhưng mà ở đâu cơ?
Vũ Duệ ngần ngừ:
– Cháu không nói đâu. Ông phải cho cháu cái gì cháu mới nói.
Nghĩ bụng sắp phát giác được tội trạng, lập công lớn với triều đình, người điền chủ hứa:
– Cháu nói mau lên, ta hứa xóa hết nợ cho nhà cháu.
Vũ Duệ vẫn ngần ngừ:
– Nhưng mà cháu bé, ông nói lời không giữ lấy lời cháu làm sao cãi đươc!
– Ta thề vậy.
– Thề cũng thế thôi. Hay sẵn có đất sét đây, ông điểm chỉ vào cho cháu đi.
Người điền chủ nóng lòng muốn phát giác vội chỉ cả năm ngón tay vào. Vũ Duệ cất giấu cẩn thận hòn đất sét đi rồi ra sân bảo:
– Thưa ông, cha cháu đi giết người sống tức là đi nhổ mạ ở Đồng Bãi, còn mẹ cháu đi cứu người chết là đem mạ đi cấy ở Đồng Rộc ạ.
Người điền chủ mất nợ xuýt xoa tiếc của mà vẫn khen:
– Cháu quả là đứa trẻ thông minh hơn người, cháu chịu khó học sau này thế nào cũng đỗ tiến sĩ, trạng nguyên đấy.
– Vậy thì cháu xin cảm ơn ông đã chu cấp trước cho cháu tiền ăn học, sau này cháu không quên đâu ạ.
Buổi trưa người điền chủ quay lại, kể chuyện hứa xáo nợ với Vũ Duệ và khuyên cho đi học chu đáo, nếu khó khăn sẽ cho vay bao giờ Vũ Duệ thành tài mới trả cũng được.
Làm quan cựu trào trải đã năm triều, Vũ Duệ luôn canh cánh trong lòng về điềm trời thay ngôi đổi chủ. Triều chính đang ổn, bỗng đâm tai ương liên tiếp từ trong hoàng tộc lan ra. Đến nay mất cả kinh thành, lòng người ly tán, loạn lạc khắp nơi, dân lầm than rồi đây không biết cơ nghiệp nhà Lê rơi vào tay ai.
Đỗ Nhạc tự Đôn Chính hiệu Nghĩa Sơn tiên sinh, người làng Lại Ốc huyện Văn Giang, đỗ tiến sĩ cùng khoa với Vũ Duệ. Thời Hiến Tông từng làm chánh sứ sang Tàu, về nước thăng Lễ bộ tả Thị lang. Thời Hồng Thuận được thăng Thượng thư Đông các đại học sĩ nhập thị Kinh diên
Hai người vào phủ, thấy ngăn nắp quy củ, hiệu lệnh nghiêm cẩn càng biết Mạc Đăng Dung không phải tầm thường. Ban đêm quan sát thấy phủ Mạc Đăng Dung thường có đám mây màu vàng khi tán khi tụ như rồng vàng ẩn hiện. Vũ Duệ và Đỗ Nhạc bàn nhau phải tâu vua có cách khống chế hoặc trừ bỏ người này kẻo rước vạ về sau.
ﮪ
Ở Tây Đô, vua Quang Thiệu hội triều, lấy Văn quận công Trịnh Duy Đại làm tướng quốc để điều khiển công việc. Các quan bàn định kế sách chiếm lại kinh thành. Vua sai thảo hịch gửi cho các huyện trước:
“ Theo đạo của trời đất, kẻ thuận hưởng phúc, kẻ nghịch tiêu vong.
Đội quân của thiên tử diệt hung tàn, cấm ngăn bạo loạn.
Vì thiên địa chẳng dung gian đảng.
Nên cổ kim không chứa nghịch thần.
Hàn Xúc cướp ngôi nhà Hạ chẳng bao lâu phải chịu cực hình.
Chu Thư bội phản nhà Đường không mấy chốc cả bày bị diệt.
Gương cũ rành rành.
Phép xưa còn đó.
Kính nghĩ:
Đức Thái Tổ Cao hoàng đế ta thuận thời mở vận có số làm vua. Ơn ban khắp như mưa hòa giá ngọt, oai thi hành như sét nổ ầm vang. Hai mươi năm vũ trụ tối tăm, một sáng sớm nhục hờn rửa sạch.
Cứu nhân dân trong lửa bỏng nước sôi, đặt con đỏ trên nệm êm chăn ấm.
Cho ức vạn sinh linh Đại Việt được muôn năm vui hưởng hòa bình.
Đức trạch thấm khắp gần xa.
Nhân chính chép đầy sử sách.
Sáng nghiệp đàng hoàng, cháu con dài dặc, xưa nay chưa có thế bao giờ.
Khơi nguồn rộng lớn, cắm gốc vững vàng, đất nước đáng gọi là thịnh trị.
Đến các thánh nối dòng chính thống.
Theo phép hay gìn giữ nước nhà.
Khoảng Thái Hòa, Đại Bảo, Diên Ninh dân đông của lắm.
Đến Quang Thuận, Hồng Đức, Cảnh Thống bể lặng sông trong.
Mấy triều đại ban ơn nuôi nấng.
Khắp dân gian hưởng phúc thái bình.
Đạo đức sáng ngời, nhân dân kính sợ, ai dám ho he.
Kẻ gian bị diệt, kẻ nghịch bị tan, không đâu không phục.
Mấy đứa mang lòng bội quốc.
Thảy đều không thoát lưới trời.
Bọn hung đồ như giặc Tuân, giặc Tung, giặc Ngự xác bỏ vạc dầu.
Lũ phản phúc như tên Hy, tên Vị, tên Phong thây bày giữa chợ.
Giặc dù đông như lũ kiến họp đàn.
Đương sao nổi sức cá kình quẫy sóng.
Nghịch Cảo nay:
Thực loài chó lợn.
Mang dạ sói lang.
Quên ơn nuôi nấng của quốc gia, bội vong đại nghĩa.
Thừa cơ hội phiền hà thổ mộc, lừa dối dân lành.
Tụ họp bầy trộm cướp ở sơn lâm.
Rủ rê bọn đào vong nơi làng xóm.
Đình Ngạn, một tên dua nịnh, nó dựa vào cho được cầm đầu.
Công Uẩn là sư hổ mang, nó sử dụng để gây yêu quái.
Tên Thọ Sơn thêm nọc cho mãng xà.
Tên Đình Tá trổ tài làm ưng khuyển.
Chuột thối thây là bọn Công Chính nối giáo cho giặc.
Chó ăn vụng là tên Đình bảo rước voi giày mồ.
Bảo thiên hạ có thể dùng lực để mưu đồ.
Bảo quốc gia có thể dùng mưu mà chiếm đoạt.
Can danh phận, xưng bừa cháu chắt nhà Trần.
Tác quái tác oai, hại đến cả tôi con thiên tử.
Vạn vật vì thế mà đảo lộn.
Chín miếu vì chúng mà thất kinh.
Của cải trong thương lẫm kho tàng chúng thiêu ra tro ra bụi.
Tính mệnh của trẻ già trai gái chúng coi như cỏ rơm.
Tội ác đầy trời.
Ngông càn hết nước.
Xuy Vưu sao chổi bời bời báo hiệu hoàng thiên giáng họa.
Đom đóm ma chơi lấp ló dám tranh sáng với mặt trời.
Ác quá Lộc Sơn khi phạm khuyết.
Tội hơn Tô Tuấn lúc dấy binh.
Thờ vua này lại lật vua này, nó đã nỡ âm làm vậy.
Ra nhờ đấy lại phản ngay đấy, tội này giết không tha.
Nay bọn Lê Nghĩa Chiêu:
Mấy đời chịu ơn của thánh tổ thần tông.
Cùng mang ý chí của trung thần nghĩa sĩ.
Với giạc thù chẳng đội trời chung, những lắm tiêu diệt.
Thấy ngôi báu không thể đem nhượng, quyết chí bảo tồn.
Gắng với bước Trình Anh giúp Triệu.
Quyết noi gương Phương Thúc phog Chu.
Vào ngày 6 tháng 4 năm Bính Tý, rước cháu bốn đời của Thánh Tông Thuần Hoàng đế là con trưởng của Cẩm Giang đại vương vào nối đại thống.
Ngày 15 tháng này xuất phát từ Tây Đô.
Thống suất đội quân con em trong ba phủ.
Chiêu mộ dũng sĩ hào kiệt khắp bốn phương.
Nguyên quận công Trịnh Duy Sản thống lĩnh ức vạn quân hùm sói từ các phủ Thiên Quang, Ứng Thiên kéo ra.
An Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ chỉ huy muôn vạn đội cọp beo từ các phủ Thiên Trường, Lý Nhân xốc tới.
Chính dinh có Phú Bình hầu uy lực sấm rền sét nổ.
Phó dinh thì Bình Hòa hầu thế quân thác đổ triều dâng.
Đội ngũ điệp trùng, cuồn cuộn tựa trên trời đổ xuống.
Quân đông nghìn nghịt, ùn ùn như dưới đất chui lên.
Quân có danh nghĩa hễ đánh là giặc tan.
Mưu có thần bày hễ dùng là chắc thắng.
Giặc Cảo, giặc Uẩn chơi vơi như tổ yến trên màn hẹn đến lúc chúng bêu đầu ngoài đường phố.
Giặc Sơn, giặc Ngạn loay hoay như cá bơi trong chậu tính được giờ chúng nát thịt trước búa rìu.
Hỡi quan viên và trăm họ ở các xứ Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Lạng Sơn, An Bang!
Đã đội ơn ưu sủng của triều đình.
Đều mang lòng trung cần của liệt sĩ.
Trời không thể có hai mặt trời, dân không thể thờ hai vị vua, phải sáng suốt nhận chân điều đó.
Làm tôi quý nhất một chữ trung, làm con quý nhất một chữ hiếu, chớ manh tâm theo giúp đảng gian.
Phải nên:
Thấy việc nghĩa dũng cảm mà làm.
Việc cần vương xung phong hưởng ứng.
Hết lòng hết sức giúp cho quân đội nhà vua.
Dẹp bạo trừ hung quét sạch chông gai nhơ bẩn.
Kéo Ngân Hà mà rửa sạch giáp binh.
Mở Hoàng Đạo cho mặt trời lại sáng.
Đặt thế nước muôn năm vững bàn thạch.
Đem nhân dân bốn phương đến cõi thanh bình.
Sự nghiệp sẽ khắc vào chuông đỉnh.
Công danh được ghi ở sử xanh.
Thân với danh đều được hanh thông, mãi mãi, làm bề tôi trung nghĩa.
Nước và nhà đều chung hạnh phúc, giữ gìn nhau vui hưởng thái bình.
Làm được vậy.
Chẳng tốt lắm sao!
Ví bằng:
Bụng dạ tối tăm.
Lương tâm mờ ám.
Quên ơn nước, phụng thờ quân giặc, nỡ nhân tâm sấp mặt mà làm.
Theo phép vua, cứ chiếu luật hình, thì cắn rốn ăn năn sao kịp?
Họa phúc đó hãy cân nhắc kỹ.
Công danh kia thành được bởi mình.
Hịch đến như bay.
Khá nên gắng sức”.
Rồi chia quân làm ba đường cùng tiến: tả quân do Nguyên quận công Trịnh Duy Sản dẫn các vệ cấm quân theo đường Thiên Quan, Ứng Thiên; hữu quân do An Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ dẫn thủy quân từ cửa Thần Phù ra; trung quân do Vĩnh Hưng hầu Trịnh Tuy dẫn quân ba phủ Thanh Hoa theo đường Trường Yên, Lý Nhân tiến.
Ngày 19, xa giá vua đến đóng ở Vườn Chuối huyện Hoài An. Thiết Sơn bá Trần Chân ra mắt vua, được nhập vào quân của Trịnh Tuy. Trịnh Tuy là em họ Trịnh Duy Sản người Thủy Chú huyện Lôi dương. Do Văn quận công Trịnh Duy Đại ở chức tướng quốc nên lấy Tuy lên làm đại tướng để tăng thé lực họ Trịnh trong triều. Trần Chân trước từng là thuộc hạ của Trịnh Duy Sản nên rất được Tuy trọng dụng, cử luôn làm tiên phong.
Do trấn Sơn Nam thuộc về triều đình nên ba cánh quân tiến về Thăng Long rất thuận lợi. Trên đường đi được dân địa phương cung cấp lương thảo đầy đủ. Ngày 23, các cánh tiến quân đã áp sát kinh thành. Trịnh tuy đánh phá cửa Đại Hưng, Trịnh Duy Sản đánh phá cửa Tây, Nguyễn Hoằng Dụ đánh phá cửa Đông. Trần Cảo trách Lê Quảng Độ.
– Thái sư gọi tướng cũ về hàng hay để chiếm thành đây?
Lê Quảng Độ mặt cắt không còn hạt máu đáp:
– Muôn tâu Hoàng thượng, thần xin đến cửa Tây bảo con rể. Nó không dám hại thần đâu.
Trần Cảo cử con là Trần Cung giữ cửa Bắc phòng đường rút lui về căn cứ. Phan Ất giữ cửa Đong,bản thân tự lĩnh quân giữ cửa Đại Hưng. Cảo phất cờ lệnh quân tướng hò reo như sấm xông ra đánh giết. Trên cổng thành pháo lớn bắn trợ chiến. Trịnh Tuy không chống nổi phải lui vài dặm đóng quân ở cánh đồng Hồng Mai. Phái cửa Tây, thái sư Lê Quảng Độ cho gọi Trịnh Duy Sản đến nói chuyện. Trịnh Duy Sản nói:
– Nhạc phụ đã hàng giặc thì còn gì để nói nữa. Nhạc phụ nên tuẫn tiết tạ tội với triều đình may ra giữ được toàn mạng cho gia quyến. Bằng không nhạc phụ cứ dàn quân mà đánh thôi. Nếu nhạc phụ thua, con sẽ giúp nhạc phụ đường lui về phía Bắc.
Lê Quảng Độ thẹn giơ hai cánh tay lên trời than:
– Ta cứ ngỡ chân mệnh thiên tử xuất hiện như lời sấm mà làm theo. Thôi con nể ta hãy lui vài dặm để cho vua ta yên lòng.
Trịnh Duy Sản thấy quân Trịnh Tuy đã lui, sợ Trần Chân chuyển quân đến đánh nên nhận lời bố vợ lui ra. Vừa dàn quân xong thì thấy hậu quân náo loạn, quân cấp báo có quân lạ kéo đến, khí thế rất hăng, Trịnh Duy Sản tế ngựa đến hỏi:
– Tướng bên kia là ai?
– Ta là Hà Công Chân tưỡng cũ của Hậu Trần Thiên Vương đây. Phen này ta quyết tử chiến vơi ngươi để báo thù cho Thiên Vương.
Hà Công Chân nói xong, vấy tay, một tên lính tiến đến trao cho một khúc tre nhọn đầu như bắp cày. Chân lấy đà phóng mạnh về phía Trịnh Duy Sản. Sản vội quay ngựa chạy. Đoạn bắp cày lao trúng vào bụng ngựa, ngựa ngã hất Sản lộn mấy vòng. Hà Công Chân phóng liền mấy ngọn gốc tre khác giết chết mấy quân của Trịnh Duy Sản. Sản lấy ngựa khác thúc quan xông lên. Hà Công Chân tuy dũng mãnh nhưng những ngọn tre phóng đi không thể ngăn được quân đối phương. Trịnh Duy Sản cầm thương xông lên đâm, Hà Công Chân dùng đòn tre đánh trả. Do đã quá gần nên Hà Công Chân không dám phóng đòn tre đi để làm vũ khí chống đỡ. Trịnh Duy Sản cố sức đánh quyết liệt, Hà Công Chân không che đỡ nổi bị Sản đâm chết. Quân Hà Công Chân bị mất chủ tướng tan chạy hết cả. Trịnh Duy Sản đuổi một dặm giết thêm một số nữa rồi thu quân tiếp tục vây đánh cửa Tây. Ba cánh quân cùng công phá quyết liệt. Trần Cảo thấy bất lợi lệnh mở cửa Bắc rút quân chạy về căn cứ. Quân lính đã vơ vét được nhiều vàng bạc nên trốn vãn trên đường rút lui.
Ngày 25, vua về đến kinh thành. Tuy Trần Cảo không đốt phá cung cấm nhưng của cải, đồ quý đã bị vét sach, kho tàng trống rỗng, của nả mất quá nửa, cung điện tan hoang. Vua cử Trịnh Duy Sản tạm quyền chức tướng quốc thay anh trai sai cấm quân tu sửa cung điện. Phải hai ngày sau, ngày 27 tháng 4 năm Bính Tý (1516), nhà vua mới làm lễ đăng quang, tuyên bố đại xá thiên hạ.
ﮪ
Ngay sau khi lên ngôi, vua Chiêu Tông hội triều đình kế an bang trị quốc. Văn quận công Trịnh Duy Đại cáo ốm không ra. Văn quận công còn đang giữ Công tử Quang Trị có mưu đồ khác nên ở lại Tây Đô giữ đất. Vua cử Thái phó Hùng quốc công Lê Nghĩa Chiêu làm Tướng quốc thay quận Văn. Tướng quốc bàn việc tiêu diệt tận gốc Trần Cảo để hiệu lệnh triều đình đến khắp cả nước.
– Muôn tâu Thánh thượng, triều đình nên thưởng hậu cho quân sĩ đi đánh bắt Trần Cảo. Nếu như bắt được Trần Cảo thì thưởng tới năm mươi người. Người đứng đầu chức Hữu đô tòng nhị phẩm, tập ấm ba đời. Người đứng thứ hai chức Đô chỉ huy sứ chánh tam phẩm, tập ấm ba đời. Người đứng thứ ba chức Đô chỉ huy sứ đồng tri hàng tam phẩm. Mười người chức chỉ huy thiêm sự chánh tứ phẩm. Mười người chức chỉ huy đồng tri tòng tứ phẩm. Nếu bắt được Trần Cung thì thưởng cho hai mươi người, người đứng đầu chức Đô đốc đồng tri quân sĩ tất hăng hái xông trận lùng bắt đầu sỏ nghịch tặc, bình định thiên hạ. Nếu bắt được đại tướng thưởng tới mười người, người đứngđầu chức Đô chỉ huy sứ tòng tam phẩm. Nếu bắt được phó tướng giặc thưởng tới tám người, người đứng đầu chức Đô chỉ huy sứ đồng tri chánh tứ phẩm.
Vua xuống chiếu y theo. Các tướng truyền cho toàn quân biết lệ này.
Vua hỏi:
– Các tướng ai dám đi phá giặc?
Tổng quản cấm quân Nguyên quận công Trịnh Duy Sản xin đi.
Vua khen:
– Trịnh Duy Sản thực đứng là danh tướng thời nay. Còn ai dám đi nữa không?
Tiết chế trung quân Trịnh Tuy xin đi. Vua khen:
– Họ Trịnh thực là rường cột của triều đình. Còn ai dám đi nữa không?
Vua vừa hỏi vừa đưa mắt nhìn Tiết chế thủy quân Nguyễn Hoằng Dụ. Nguyễn Hoằng Dụ lặng thinh. Vua lại bảo:
– Ta nghe an Hòa hầu con nhà danh tướng cũng đáng mặt danh tướng thời nay sao không hăng hái lập công?
– Muôn tâu, thần chỉ nghe đánh thủy, chỉ xin dàn quân ở bến Bồ Đề phòng giặc thôi, đâu dám lên bộ tranh công với người khác.
Thực ra Nguyễn Hoằng Dụ muốn bảo toàn quân đội của mình nên tỏ ra khiêm nhường vậy. Đó là một tính toán xa xôi của họ Nguyễn.
Vua xuống chiếu cho Trịnh Duy Sản làm tiết chế, Phạm Khiêm Bính làm tham quân lĩnh mười nghìn quân đi đánh dẹp vùng Hải Dương, cho Trịnh tuy làm đại tướng, An Mỹ hầu Lại Thế Mậu và Đô lực sĩ Đàm Cử làm phó tướng lĩnh năm nghìn quân đi đánh dẹp vùng Kinh Bắc, cùng tiến về căn cứ giặc ở chùa Sùng Nghiêm để truy bắt đầu sỏ là cha con Trần Cảo.
Quận nguyên dẫn quân đến Đông triều gặp quân sư Phan Ất của giặc nghênh chiến. Phan Ất bấy giờ dẫn quân đi đốc lương, quân ít địch không nổi phải chạy về phái Chí Linh. Đến Phao Sơn thì bị bắt. Trịnh Duy Sản sai đóng cũi giải về kinh trị tội. Tham quân Phạm Khiêm Bính bàn:
– Trần Cảo mạnh ở quân sư điều binh khiển tướng có phép tắc, nay đã bắt được Phan Ất rồi ta nên đánh rát một trận có thể phá được giặc.
Trịnh Duy Sản nghe theo. Trần Cảo dựa vào núi rừng hiểm trở, đặt bẫy chông sẵn khiến cho quân Trịnh Duy Sản mỗi bước tiến đều thiệt hại mà vẫn không tìm thấy quân giặc đâu buộc phải lui quân giữ Phao Sơn chờ cánh quân Trịnh Tuy tiếp ứng.
Trịnh Tuy tiến quân ở hướng Kinh Bắc có phó tướng Lại Thúc Mậu nhiều lần giao chiến với Trần Cảo nên hỏi:
– Trần Cảo tuy bỏ kinh thành nhưng chưa thiệt hại gì đáng kể, tướng quân ở Kinh Bắc giữ nhau với giặc nhiều ngày có cao kiến gì chăng?
Lại Thúc Mậu đáp:
– Khi trước Trần Cảo chiếm Trâu sơn, quân ta đông vẫn thua. Nay Cảo giữ căn cứ quân ta ít, chi bằng cứ ở Kinh Bắc giữ chờ tin của Tiết chế, nếu thắng thì ta tiến quân, bằng thua thì ta cũng đủ sức ngăn được giặc tiến đánh kinh thành lần nữa.
Trịnh Tuy cho là phải nên đóng quân giữ Thị Cầu, cho Do Lễ bá Nguyễn Bá tuán đi chiêu dụ dân chúng. Bá Tuấn đi các huyện Đông Ngàn, Tiên Du, Gia Lâm vỗ về dân chúng an tâm làm ăn. Đến Quế dương thì Bá Tuấn bị dư đảng Trần Cảo bắt giết gửi đầu về cho Trịnh Tuy. Tuy cho rằng thế lực cảo còn mạnh chưa thể bình ngay được nên án binh bất động ở Thị Cầu.
ﮪ
Xuất quân từ tháng 8, qua ba tháng mà hai cánh quân vẫn chưa hợp được với nhau ở căn cứ Sùng Nghiêm của giặc, vua Quang Thiệu xuống chiếu trách cứ và thúc tiến quân. Lại sai Nguyễn Hoằng Dụ đưa thủy quân đến sông Lục Đầu trợ chiến cho quân bộ của Trịnh Duy Sản. Nguyễn Hoằng Dụ vừa nhổ neo thì thấy sao sa xuống dinh trung quân của Trịnh Duy Sản ở Phao Sơn, đoán Trịnh Duy Sản tất gặp đại nạn nên chùng chình tiến quân để nghe ngóng tình hình.
Bấy giờ Trịnh Duy Sản thấy ra quân đã lâu mà chưa đánh được giặc lấy làm lo lắng. Lại tiếp được chiếu trách cứ. Trịnh Duy Sản quyết dốc toàn lực công phá căn cứ giặc. Trước khi ra quân Trịnh Duy Sản viết một bài hịch để cổ động tinh thần quân sĩ.
“ Từng nghe:
Thánh chúa lập đàn phong tướng mong thu phục giang sơn.
Nam nhi kết tóc tòng quân chí hẳn coi thường tên đạn
Phải đâu, nay mới đặt bày.
Minh chứng đời xưa đã có.
Ba năm chinh phạt Tây Nhung chiến sĩ nhà Ân đâu từ lao khổ.
Mấy bận đánh miền Đông Thổ quân Chu thiên tử nào ngại đi về.
Vì chưng cùng đức cùng lòng nên đã hoàn thành việc lớn.
Kính nghĩ:
Thánh triều ta Vua Thái Cao Tổ hoàng thừa thời mở vận, diệt giặc cứu dân.
Hai mươi năm gội gió tắm mưa cứu thiên hạ khỏi tay giặc dữ.
Bốn mươi nước trèo non vượt biển sai sứ thần mang lễ tới chầu.
Gốc rễ vững bền, ngọn nguồn càng sâu rộng.
Sáng nghiệp công lớn, thể thống hẳn dài lâu.
Quy mô sắp đặt lớn lao.
Ngôi vị lưu truyền vô tận.
Nào Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông, Hiến Tông trải mấy đời thái bình thịnh trị.
Nào Thiệu Bình, Diên Ninh, Quang Thiệu, Cảnh Thống chín chục năm đạo ngĩa lưu hành.
Nơi nơi vui sống cảnh thanh bình.
Ơn huệ của tiên vương chưa cạn.
Sao ngày nay việc nước đa đoan?
Vua Đoan Khánh dùng hình thảm khốc, chim trong đầm cũng chẳng ngủ yên.
Vua Hồng Thuận xây dựng triền miên, vạ lang sói xảy ngay trước ngõ.
Đến nỗi giặc Cảo manh tâm dấy thành họa loạn.
Giả danh con cháu nhà Trần toan muốn lừa dân ngu ngốc.
Ngầm chứa mưu gian Vương Mãng những mong chiếm đoạt ngai vàng.
Họp đồ đảng đến hàng trăm bọn chiếm Đông Đô gần chẵn một tuần.
Vì tội bọn nghịch thần không ai dung được.
Nên toàn dân trong nước hợp sức tiễu trừ.
Kim thượng hoàng đế ngày nay.
Ra tay tái tạo, điềm ứng ngôi trời.
Như Thiếu Khang rộng ban đức chính, bày đặt mưu mô, quân một đội mà dẹp tan phản nghịch.
Như Quang Vũ giỏi liệu thời cơ, tính toán khởi nghĩa, rủi mười đời mà thoắt chuyển thành may.
Chính truyền lại nối nghiệp tổ tông.
Trải chiếu để kính mời hiền sĩ
Đoái nghĩ chúng ta:
Thẹn sinh ra làm con nhà tướng
Lạm được trao nắm giữ binh quyền.
Thiệu Thích bốn đời phò thiên tử, mong sao dốc hết dạ trung trinh.
Thần Mỹ một dạ giúp Thiếu Khang, nguyện giữ trước sau một lòng không đổi.
Dưới là mong cứu dân đen thoát khỏi cảnh tai ương.
Trên là muốn xã tắc vững như bàn thạch.
Cùng giúp việc diệt trừ hung bạo.
Phải có người chung sức lo toan.
Các tướng sĩ lớn nhỏ trong doanh.
Là những người tài năng kỳ lạ.
Là những người vì nghĩa sẵn lòng.
Hoặc xuất thân từ dòng võ tướng.
Hoặc xuất thân từ cửa văn thần.
Hoặc là tam phủ nghĩa binh thói quen nhanh mạnh đánh giặc thương như chim cắt bổ nhào.
Hoặc là các ty vệ dũng cảm có thừa, trận Hàn Tín như hùm beo vồ cắn.
Cho đến các anh hào tứ chiếng cùng anh em binh sĩ mười phương.
Mây theo rồng, gió theo hổ, vua hiền tôi giỏi, tấp nập đầy triều.
Xe đầy nội, cờ ngập đồng, hàng ngũ chỉnh tề trùng trùng muôn đội.
Đẩy xe rồng lánh về miền Tây Thổ.
Vung roi ngựa lập tức chiếm Đông Đô.
Sông Hà Thượng, sông Đồ Lỗ, sông Hoàng Kinh, sông Vĩnh Trụ, sông Tống Kỳ bao phen qua lại.
Huyện Thư Lâm, huyện Chí Linh, huyện Đông Triều, huyện Thủy Đường, huyện Hiệp Sơn lần lượt quét trừ.
Sấm rền mới nổ ở Bình Hà.
Chớp giật lại ngời bên Gia Phúc.
Tinh kỳ chói lọi, phủ Hạ Hồng chợt tắt khói lang.
Chiến hạm thuận buồm, huyện An Lão tăm kình yên lặng.
Cờ nghĩa tạm dừng nơi Nguyễn Xá.
Hung đồ lại họp ở Trâu Sơn.
Phát dương oai vũ của ta lên, dựng cờ súy đàng hoàng mà đánh.
Bắt lấy bọn hung đồ chúng nó, trói hàng xâu lũ lượt dong về.
Quân ta đến đâu, uy thanh vang dậy.
Khắp trong đất nước, ai dám không theo?
Quế Dương, Vũ Ninh thôn xóm muôn nhà đều đã theo về giáo hóa.
Bảo Lộc, Yên Thế núi rừng vạn dặm xông pha nào sợ hiểm nguy.
Dẫu mấy bận hết lương nhịn đói.
Vẫn hăng say đánh giặc không ngơi.
Tuyết đổ rừng sâu ăm sáu tháng trên đường gian khổ.
Uy linh lừng lẫy hơn trăm trận bình định non sông.
Đảng gian giơ tay chịu trói.
Giặc Cảo phủ phục đợi hình.
Đã bẻ gãy mũi tiên phong phá tan quân giặc dữ.
Đáng thết rượu ở Thái Miếu ghi công vào thẻ tre.
Nhưng đảng giặc vẫn chưa trừ sạch.
Nên việc vua đâu dám thư nhàn.
Việc binh nhung thế không đừng được phải gắng công rong ruổi xe quân.
Công lớn lao chưa kịp đền bù nào ai dám phụ lời thề trước.
Nhắc tới chuyện này lòng vui sao được.
Huống hồ: Ngày tháng dế trôi qua; núi sông sao khó vượt.
Ngắm cảnh làng quê gợi nỗi nhớ nhà da diết.
Nhìn bao bà cụ chạnh lòng xót mẹ cha.
Ngựa trận ùn ùn, gớm là tinh thần binh sĩ.
Xe quân rầm rập, ôi sao xúc động lòng ta.
Tình thương nhà dẫu rằng tha thiết.
Nghĩa vì nước vẫn sáng ngời ngời.
Nay ta khuyên các tướng sĩ:
Tiết tháo phải như tùng trúc.
Can trường phải là thép là gang.
Công phu ta đường đắp non cao, non đã cao chỉ cần sọt đất.
Sự nghiệp ta khác chi đào giếng, giếng đã sâu gần chạm mạch ngầm.
Chớ nhát sợ mà bỏ dở chừng.
Nên cố gắng để giành hậu quả
Kiếm Tang Mã, tên Giang Quý, Mâu Uất Trì hãy tôi luyện cho sáng ngời chớp lửa.
Đòng Phương Thúc, mộc Phàn Khoái, gió Lưu Kỳ, hãy đánh đâm cho gió nổi, mây bay.
Lấy dũng cảm của người nghĩa khí để làm thuyền chèo khi qua sông.
Lấy trung tín của kẻ chí nhân để làm đòng làm mộc khi chiến đấu.
Ơn vua ta trận gió mát lành thổi tơi đâu dân đều yên ổn.
Oai quân ta như cơn mưa đúng lúc giội tới đâu cây héo lại tươi.
Thế mạnh hùm beo vừa mới trổ
Cả bầy cáo chuột phải tan tành
Đặt sinh linh vào nơi êm ấm dưới đệm trên chăn
Giữ miếu đường phúc lộc bền lâu thành vàng ao nóng.
Khi tướng sĩ đã lập nhiều công tích
Thì triều đình đâu tiếc ban ơn.
Chỉ thấy: Luôn báo công cao, bèn cho chức trọng.
Nhỏ thì chỉ huy, hiệu úy, phó cũng nên mà chánh cũng nên
Lớn thì đô đốc, thượng thư, võ cũng được mà văn cũng được.
Há chỉ có ghi tên tre lụa, lại thêm còn phúc để cháu con.
Khấu, Đăng xưa hình vẽ ở đài mây, danh lưu sử Hán.
Anh, Vệ trước tượng treo trên gác khói, nổi tiếng đời Đường.
Đương thời ghi chép công đầu/ Hậu thế xứng danh vọng tộc.
Thiên hạ ấy xưa nay vẫn vậy, nếu mình sinh thời đó há thua ai.
Họ trượng phu ta cũng trượng phu, ai có chí công danh đều phải thê”.
Quân chưa kịp tiến lại nhận được tin tỳ tướng Đa sĩ giữ cấm quân ở kinh thành càn rõ hoàng thành, Trịnh Duy Sản bực bội sai con nuôi là tiên phong Trần Chân về kinh đánh dẹp. Tham tướng Phạm Khiêm Bính can:
– Trần Chân dũng mãnh, nay sắp đánh giặc sao Tiết chế lại cho nó đi?
Trịnh Duy Sản trả lời:
– Cấm quân là căn bản của ta. Nay bọn Đa sĩ làm bậy làm tổn hại thanh danh ta sao làm ngơ được. Đa Sĩ cũng là kiêu tướng, phi Trần Chân không thể địch được.
– Vậy Tiết chế hãy đợi quân thủy của Nguyễn Hoằng Dụ đến thủy bộ phối hợp tiến đánh mới dễ giành phần thắng.
Trịnh Duy Sản giận mắng:
– Ông làm tham quân chẳng bày kế đánh giặc lại chỉ bàn lùi. Một tên giặc cỏ thế cùng lực kiệt lẽ nào danh tướng như ta không hạ nổi ư, cần gì phải dựa vào kẻ khác.
Phạm Khiêm Bính thấy không can ngăn được đành nín lặng, mặc cho Trịnh Duy Sản dẫn quân đi.
Trần Cao dàn quân ở Nam Giản nghinh chiến. Thấy Cao vẫn mặc áo bào đen, cờ hiệu Thiên Ứng, Trịnh Duy Sản giận lắm, chỉ roi sang trận giặc hỏi:
– Có tướng nào sang trận bắt đầu sỏ giặc lĩnh thưởng không?
Tỳ tướng thân cận là Nguyễn Hạnh xin đi. Hạnh dẫn năm trăm quân kỵ vừa reo hò vừa múa giáo xông lên trước. Bên trận giặc có một viên tướng trẻ, mặc áo bào vàng cưỡi ngựa xông ra đón đánh. Mới giao chiến vài hiệp Hạnh bị viên tướng trẻ chém chết. Phía trận giặc tên bắn ra như mưa, số quuan kỵ binh đi theo Hạnh trúng tên quá nửa, số còn lại vội vàng tháo lui. Viên tướng trẻ chỉ gươm về phía Trịnh Duy Sản nói:
– Ta là Thái tử Trần Cung đây. Trịnh Duy Sản chỉ là danh hão, có giỏi thì ra đây đánh nhau với ta.
Trịnh Duy Sản nghe vậy thì đùng đùng nổi giận múa thương xông ra. Hai bên thúc trống inh ỏi trợ chiến. Trần Cung sử dụng song kiếm khi đỡ khi đánh không hề núng thế. Hai ngựa quần nhau mù mịt. Đánh nhau nửa canh giờ không phân thắng bại, Trần Cung bảo:
– Ngựa đã mệt, hãy về thay ngựa đã.
Hai bên cùng quay ngựa về trận. Trần Cung nói với Trần Cảo:
– Trịnh Duy Sản đang muốn thắng, lần này con ra đánh mươi hiệp rồi giả vờ núng thế thua chạy, thế nào Trịnh Duy Sản cũng truy sát, vua cha sai phục binh bắn tên độc chắc chắn hạ được tên này.
Trần Cung chờ phục binh nấp xong mới lên ngựa ra trước trận réo gọi:
– Trịnh Duy Sản mệt bở hơi tai rồi hả? Có còn dám đánh nhau với ta nữa chăng?
Trịnh Duy Sản hầm hầm lên ngựa. Tham quân Phạm Khiêm Bính thấy khí sắc Trịnh Duy Sản không tốt, sợ có điều gì bất lành can:
– Trần Cảo thế nào cũng có mai phục, Tiết chế không nên ra đánh nữa.
Trịnh Duy Sản không nghe cứ phóng ngựa ra.
Trần Cung tỏ ra hăng hái, liên tiếp ra đòn tấn công như vũ bão. Trịnh Duy Sản bình tĩnh đón đỡ rồi bất thần đánh ngược cán giáo trúng tay trái Trần Cung làm bay thanh kiếm trong tay ấy ra. Trần Cung vội vàng quay ngựa chạy về trận. Trịnh Duy Sản quát:
– Nghịch tặc chớ chạy! Hãy nộp mạng đi.
Đoạn quất ngựa đuổi theo. Tay phải cầm giáo giơ lên chực đâm. Trần Cung rạp mình trên mình ngựa. Bỗng có tiếng pháo lệnh trong trận vang lên, hàng trăm mũi tên vun vút phóng tới. Trịnh Duy Sản trúng tên ngã ngựa, bị Trần Cung quay lại chém chết.
Tham quan Phạm Khiêm Bính vội vã hạ lệnh lui quân. Quân Trần Cảo thừa thắng xông ra như ong vỡ tổ. Quân triều đình ai nấy chạy thục mạng chẳng còn nghĩ đến đội ngũ chiến đấu nữa. Trần Cảo đưa quân một mạch tới bến Bồ Đề. Kinh thành một lần nữa lại bị uy hiếp vì thủy quân của Nguyễn Hoằng Dụ đã rời bến tiến về hướng sông Lục Đầu.
Thiết Sơn Bá Trần Chân lúc này đã đánh dẹp xong bọn Đa Sĩ, nghe tin Tiết chế Trịnh Duy Sản chết trận, toàn quân tan vỡ muốn đánh báo thù xin vua cho đi. Vua nghe theo.
Trần Chân dẫn năm trăm cấm quân vượt sông nghênh chiến. Quân Trần Cảo chạy đến Bồ Đề mệt quá nằm la liệt không ra đội ngũ gì cả. Trần Chân bất ngờ xuất hiện giữa trận thả sức chém giết, quân Trần Chân đuổi đến Thị Cầu thì đóng quân lại cùng với Trịnh Tuy lập phòng tuyến cầm cự với quân Trần cảo.
Trần Cảo thấy con dũng lược đủ sức điều khiển quân mã nên truyền ngôi cho, còn mình lại làm sư lánh ở vùng rừng núi Phủ Lạng Giang. Trần Cung lên ngôi đổi niên hiệu là Tuyên Hòa.
ﮪ
Được tin Văn quận công Trịnh Duy Đại đem con là Trịnh Bá Quát về kinh phục mệnh và làm tang Trịnh Duy Sản, Quỳnh Sơn hầu Hộ bộ Thượng thư Nguyễn Văn Lữ vào cung bàn chuyện kín với vua. Nguyễn Văn Lữ là em thứ tám của Nghĩa vương Nguyễn Văn Lang, nhân dịp này tìm cách trừ bỏ quyền thần.
– Tâu Hoàng thượng, họ Trịnh chuyên quyền đại nghịch bất đạo, Trịnh Duy Sản thì giết vua Hồng Thuận, Trịnh Duy Đại bắt vua Quang Trị làm con tin rồi cũng tìm cách giết nôt, mọi sự rối loạn kỷ cương triều chính và đất nước đều do họ Trịnh gây cả. Trước đây cháu thần là Nguyễn Hoằng Dụ đã đánh báo thù Tiên đế, nhưng họ Trịnh đang giữ Hoàng thượng, mà giặc Cảo đang ở sau lưng đành lấy xã tắc làm trọng, cất giữ mối thù trong lòng. Nay Trịnh Duy Sản đã chết, Trịnh Duy Đại chỉ giữ đất ở quê, bây giờ về kinh là dịp may để trừ bỏ, giải oan cho Tiên đế, xin Hoàng thượng cả quyết cho.
Vua Qunag Thiệu nghe nhắc đến đó thì bưng mặt khóc.
– Họ Ngoại xưa nay luôn là chỗ dựa trụ cột của triều đình, thế mà từ khi Nghĩa vương mất đi triều đình nghiêng ngửa, cơ nghiệp tổ tông lung lay Trẫm đau lòng lắm, giận không biết bày tỏ cùng ai. Nay khanh nhắc đến mong khanh cởi bỏ nỗi oán hận này cho ta.
Nguyễn Văn Lữ bàn khi Trịnh Duy Đại và Trịnh Tuy vào chầu sẽ đặt sẵn phục binh, rồi kể tội họ Trịnh và bắt đem chém. Vua nghe theo, tự thảo tờ mật chiếu giao cho Nguyễn Văn Lữ giữ.
Bấy giờ Trần Chân với quan hệ là con nuôi Trịnh Duy Sản, lại có công đánh đuổi giặc Cảo nên được tiếp quản chức Tổng quản cấm quân. Trịnh Tuy nắm quân bộ đóng ở ngoài thành Đại La. Nguyễn Hoằng Dụ vẫn đóng quân ở Bồ Đề. Vua truyền cho Trịnh Duy Đại lập tức vào cung. Nguyễn Văn Lữ lấy ra tờ mật chiếu của vua, kết tội Trịnh Duy Đai, Trịnh Tuy rồi hô võ sĩ bắt đem chém. Cha con Trịnh Duy Đại và Lê Ích Cựu đều bị giết.
Nguyễn Hoằng Dụ đưa quân vào thành đánh Trịnh tuy. Trịnh Tuy sai Nguyễn Thế Phổ dàn quân chống cự ở thành Đại La, còn mình đem gia quyến chạy về quê. Nguyễn Hoằng Dụ chém được Nguyễn Thế Phổ tiếp tục truy sát Tuy. Trần Chân thấy vậy cất quân ngự lâm đánh Nguyễn Hoằng Dụ cứu chủ tướng. Nguyễn Hoằng Dụ sợ loạn kinh thành kinh động triều đình nên không ham đánh, vào cung bái biệt vua rồi nhổ thuyền lui về giữ cửa Thần Phù.
Chiến thuyên Nguyễn Hoằng Dụ về đến Sơn Nam thì gặp một đạo quân lớn chắn đường. Nguyễn Hoằng Dụ lo sợ lắm. Tướng chắn đường chính là Trấn thủ Mạc Đăng Dung. Nguyễn Hoằng Dụ thi lễ hỏi:
– Xin tôn huynh mở đường cho đệ về Thần Phù.
Mạc Đăng Dung thi lễ đáp lại:
– Ta được thư Trần Chân lấy danh nghĩa thiên tử sắp quân ở đây để chờ bắt quân hầu vì đã gây loạn ở kinh thành. Nhưng ta biết quân hầu giúp vua trừ bỏ quyền thần họ Trịnh nên ta ra đây chỉ để mời quân hầu lưu lại trò chuyện một đêm cho thỏa nỗi nhơ mong xa cách thôi, Quân hầu chớ nghi ngại gì.
– Đệ cũng rất nhớ tôn huynh, nhưng việc quân đang gấp, xin hẹn khi khác!
– Quân hầu vẫn chưa tin ta chứ gì. Ơn cứu mạng tình anh em lâu nay ta đâu dám quên, thực lòng khó có dịp gặp nhau vì việc quân việc nước nên ta tha thiết mời quân hầu thôi.
Khi ở kinh thành đang đánh nhau với Trần Chân, Nguyễn Hoằng Dụ đã từng thấy đám mây ngũ sắc lớn dài như hình con rồng vẫy lượn ở phương Đông, rồi đám mây tản về phía Sơn Nam thì mất. nay nhìn thấy Mạc Đăng Dung lại như có rồng vàng ẩn hiện sau lưng thì lạ lắm, liền sai hạ neo theo Mạc Đăng Dung về phủ.
Vùng Sơn Nam đồng trũng, sông lượn quanh co, lỵ sở của Trấn dựng trên bãi đất cao hơn hẳn. Riêng phủ của tổng trấn xây ở nơi co nhất. Đứng ở sân phủ có thể bao quát cả vùng rộng xung quanh hàng chục dặm. trong khi khắp nơi ly loạn thì nơi đây dân vẫn bình an sinh sống, cày cấy. Mạc Đăng Dung khoát tay hỏi Nguyễn Hoằng Dụ:
– Quân hầu thấy trấn này so với kinh thành thế nào?
– Thành nhỏ nhưng sản phẩm phồn thịnh, kinh thành to lớn nhưng tan hoang trống rỗng.
– Thà làm quan tốt một vùng còn hơn làm vua một nước loạn lạc trống không hả. Thế Quan hầu có biết làm sao không?
– Là tài cai trị của huynh chăng?
– Ta chẳng có tài gì đâu. Chỉ là có tâm thôi. Phải biết lo cho dân. Dân đói thì sinh biến. Dân khổ vì lao dịch thì sinh loạn. Trấn này đồng trũng ngập lụt liên miên, ta cho khơi dòng, khoanh vùng dẫn nước. Gặp khi mưa lớn nước to, ta cho dẫn về vùng Thanh Liêm, Bình Lục chịu mất trắng một vùng để cứu nơi khác. Dân nghe ta có chính sách bình lương, lấy thóc nơi được để bù cho nơi mất do đứng ra gánh chịu thiên tai. Dân yên thì quân mạnh, an ninh đảm bảo. Lại nói về tài. Ta nghe thiên hạ nói ngày nay chỉ có Trịnh Duy Sản, Quân hầu và ta. Quân hầu nghĩ sao?
– Trịnh Duy Sản thống lĩnh quân bộ, đệ thống lĩnh quân thủy, mỗi người chiếm nửa quân cả nước nếu gán cho chữ tài có thể hiểu được, còn huynh chỉ nắm quân một xứ mà được gắn chữ tài là đáng nói.
Trịnh Duy Sản có tài mà không có đức. Đem cái tài làm chuyện phế lập trái đạo là tự hủy hoại mình. Đó là dự dương oai càn rỡ. Trịnh Duy Sản giết vua. Trịnh Duy Đại giết chúa. Ta ngờ rồi đây Trịnh Tuy cũng đi vào vết đó thôi. Còn Quân hầu vừa có tài vừa có đức. Nếu tiên đường Nghĩa vương có tài trung lương lập quốc thì Quân hầu có tài rường cột chống đỡ giữ yên xã tắc. Họ Nguyễn của Quân hầu sẽ luôn là như thế kể từ thủy tổ Đinh Quốc công Nguyễn Bặc đến nay và về sau nữa. Còn ta tài hèn hơn họ Trịnh, đức mỏng hơn họ Nguyễn, nhưng ta có chí lớn bao trùm thiên hạ. Ta muốn trừ loạn bằng giáo hóa, bằng no ấm của dân. Từ đất Sơn Nam này ta sẽ nhân ra cả nước. Sẽ có kẻ đố kỵ, ngăn cản, chống đối, ta mong Quân hầu sẽ giúp ta một tay nhe.
– Huynh cần lúc nào đệ giúp. Làm lợi cho dân cho nước đệ không từ nan bao giờ.
– Hay lắm. Anh em ta lúc nào cũng là bạn tốt. Không biết sau này con cháu ta có giữ được tình thân này không đây.
Hai người đối tửu trò chuyện đến khuya. Mạc Đăng Dung mời Nguyễn Hoằng Dụ cùng ngủ một giường như anh em ruột. Đêm đó, Nguyễn Hoằng Dụ lại thấy có rồng vàng ấp ủ trên người Mạc Đăng Dung vậy. Nhưng khi tỉnh dậy thì không thấy nữa. Nguyễn Hoằng Dụ tự nghĩ: chẳng lẽ Mạc Đăng Dung là chân mệnh thiên tử tương lai, ứng hợp câu “ Phương Đông xuất đế” vẫn lan truyền bấy lâu nay. Nếu đúng vậy thì thật là điềm trời sắp đặt. Ngay lúc mới vào cung, mình thì phải cầm giáo bảo vệ vua còn Mạc Đăng Dung được đứng trong lọng của vua. Những năm loạn lạc các quyền thần chết vì gươm hoặc chết vì nhau, còn Mạc Đăng Dung cứ lặng lẽ ngoi lên bằng sự tin yêu quý mến của nhân dân nơi ốc đảo này.
ﮪ
Được tin Mạc Đăng Dung thả Nguyễn Hoằng Dụ về thanh Hoa, Trần Chân toan cất quân đi hỏi tội thì thuộc tướng quân vệ Thiên Vũ là Phạm Gia Mô can:
– Hoằng Dụ là con Nghĩa vương, anh em chú cháu đều làm tướng, việc chủ tướng truy sát không thành là điều may, vừa không mang tiếng giết bỏ trung thần vừa tránh được hiềm khích gây loạn xã tắc. Mạc Đăng Dung thả Nguyễn Hoằng Dụ đi có lẽ là thế. Hạ quan xin đến Sơn Nam xem sao đã.
– Ngươi nói cũng phải. Ta mới nắm quyền, làm quá ra lại mang tiếng chuyên quyền.
Phạm Gia Mô đem theo mấy người thuộc tướng của Trần Chân gồm Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính đi Sơn Nam. Nhạc, Kính đều là dũng sĩ nên Phạm Gia Mô muốn kết thân, lôi kéo về dưới trướng Mạc Đăng Dung. Đến nơi, Phạm Gia Mô lấy danh nghĩa chủ tướng trách cứ Mạc Đăng Dung, yêu cầu Mạc Đăng Dung giải thích cho cả bọn cùng nghe. Mạc Đăng Dung nói:
– Họ Trịnh họ Nguyễn hiềm khích đánh nhau là việc riêng của hai họ ấy. Nay Tổng quản có quan hệ với họ Trịnh mà lấy danh nghĩa triều đình để truy sát họ Nguyễn là không thỏa đáng. Ta thả cho Nguyễn Hoằng Dụ đi cũng vì muốn tốt cho Tổng quản, mong các ông về nói lại với Tổng quản như thế.
Bọn Kính, Nhạc cho là phải. Mạc Đăng Dung lại nói:
– Kể ra ai cũng vì chủ của mình. Trước đây lúc mới hợp binh, Tổng quản từng là thuộc tướng của Trịnh Tuy, nhưng sau lại thờ Trịnh Duy Sản, mà Trịnh Duy Sản thì bị bọn Trần Cung giết, Tổng quản phải đánh báo thù bọn giặc cỏ ấy mới hợp lẽ chứ.
Bọn Nhạc, Kính cho là phải.
Phạm Gia Mô tham gia:
– Quan tổng trấn sâu xa toàn nghĩ việc nước, việc này tôi đã tiên lượng và từng nói với Tổng quản lúc ở kinh rồi. Nay hai nhà nên kết thân làm chỗ dựa cho triều đình thì hay lắm. Tôi thấy Công tử Mạc Đăng Doanh đã trưởng thành, có tài thao lược, sao không nhân đấy hỏi tiểu thư Ngọc Hoa của Tổng quản, hai anh theo Tổng quản đã lâu, thấy có nên không?
Bọn Kính, Nhạc nghe theo. Mạc Đăng Dung mừng bảo:
– Vậy thì tôi xin nhờ hai tướng quân dẫn mối cho.
Mạc Đăng Dung sai sắm sửa lễ vật nhờ bọn Nhạc, Kính đi hỏi vợ cho con trai ngay hôm đó. Được các thuộc tướng thân cận nói tốt cho Mạc Đăng Dung, Trần Chân vui vẻ nhận lời kết thân với Mạc Đăng Dung. Bọn Nhạc, Kính trở thành thượng khách của Mạc Đăng Dung từ đó.
Sau đám cưới kết thân này, Phạm Gia Mô bàn với Mạc Đăng Dung:
– Hiện nay hai thế lực Trịnh – Nguyễn đã suy yếu lại đang giữ nhau ở Thanh Hoa không còn đáng ngại nữa. Kinh thành bây giờ toàn quyền Trần Chân. Nếu trừ bỏ nốt Trần Chân thì đại huynh sẽ nắm trọn binh quyền.
– Nhưng Trần Chân vừa kết thân với ta mà. Hai nhà dựa vào nhau chả tốt hơn ư?
– Hai con hổ không thể nhốt chung chuồng. Chẳng lẽ đại huynh chỉ muốn ở mãi xứ này chịu dưới trướng người khác sai bảo thôi ư?
– Vậy thì làm cách nào đây, đẹ nói đi.
– Huynh đã có uy danh ở xứ Hải Dương, nay giao cho Công tử coi giữ nơi đây, huynh đem binh mã vế Hải Dương trị nhậm sẽ được lòng dân, từ đó tảo trừ được bọn Trần Cung. Như thế khác nào giữ được nửa nước. Việc ở triều đình đệ chỉ dùng một kế nhỏ là có thể giải quyết được Trần Chân thôi.
Mạc Đăng Dung liền dâng sớ xin đi đánh Trần Cung. Vua mừng lắm, gia phong Mạc Đăng Dung làm Vũ Xuyên hầu tổng trấn Hải Dương đi dẹp giặc Trần Cung. Phạm Gia Mô xin cho Nguyễn Mậu làm tham quân. Mậu là bậc cao sĩ đất Bắc, có được Mậu uy thế càng cao.
Mạc Đăng Dung về Hải Dương không bao lâu gặp kỳ giáp hạt, các vùng thuộc Kinh Bắc, Hải Dương qua các cuộc hành quân của Trần Cảo người chết đói đầy đường. Mạc Đăng Dung sai tải thóc từ Sơn Nam sang cứu trợ giúp dân một phần. Vì thế lòng dân nhớ ơn đều theo về. Quân Trần Cung không dám ra khỏi căn cứ quấy nhiễu.
Ở trong kinh thành dân gian lưu truyền câu ca: “ Trần hữu nhất nhân, vi thiên hạ quân, thỏ đầu hổ vĩ, tế thế an dân”, nghĩa là:“ có một người họ Trần, làm vua thiên hạ, đầu thỏ đuôi hổ, trị nước yên dân”. Đây là câu do Phạm Gia Mô đặt ra và ngầm tung ra phố xá. Chờ cho bài thơ sấm lan rộng, Phạm Gia Mô mới vào cung tâu vua. Vua lo sợ cho gọi bọn đại thần là quốc cữu Chử Khải, Thọ quốc công Trịnh Hựu, Đô tướng Thụy quận công Ngô Bính vào hầu. Bọn họ cho rằng Trần Tuân, Trần Cảo đều lấy danh nghĩa khôi phục nhà Trần để dấy quân. Ngày nay một người họ Trần hẳn là Trần Chân vì chân tay đang nắm kinh thành và triều đình trong tay; đầu thỏ tức là cuối năm Dần đầu năm Mão, sợ rằng bây giờ đang là tháng mười một năm Dần rồi, có thể sự biến xảy ra nay mai. Vì thế họ khuyên vua mau ra tay trước. Vua nghe theo, sai phục võ sĩ trong cung, tan buổi chầu truyền cho Trần Chân vào hầu ở điện Kim Quang. Trần Chân vô tình dẫn năm bộ tướng vào hầu. Đô tướng Ngô Bính sai đóng cửa cung, hô người bắt chém cả bọn. Trần Chân bị giết mà không hiểu vì lý do gì.
Biết tin chủ tướng bị hại trong cung, bon thuộc tướng của Trần Chân là Nhạc, Kính nổi giận kéo quân vào cung hỏi nguyên do. Đến cửa Đại Hưng thấy đã đóng cửa, bọn Nhạc, Kính reo hò ầm ỹ đòi mở cửa. Vua thân dẫn quân cấm vệ đi tuần trên thành sai bêu đầu Trần Chân, bọn Nhạc, Kính hoảng sợ tháo chạy.
Bọn Nhạc, Kính tụ quân về chùa Láng bàn bạc, cho rằng không đánh tất sẽ bị vua chu di cả họ nên lại thúc chiêng đang đêm đánh vào thành. Vua sợ loạn quân hại phải theo đô lực sĩ Đàm Cử láng sang Súc Ý đường, nhà riêng của Đàm Cử, rồi sai người gọi Mạc Đăng Dung về cứu giá.
Mạc Đăng Dung dẫn thủy quân về đóng ở bến Bồ Đề, cho đón vua về Thuần Mỹ đường trên bến Bồ Đề để đi dụ quân cấm vệ gây biến trong thành, các quan ngự sử Đỗ Nhạc, Nguyễn Dự sợ vua về Thuần Mỹ đường gần loạn quân can ngăn vua. Mạc Đăng Dung mắng:
– Bọn Nhạc, Kính cũng là quan triều đình, chỉ vì chủ tướng bị giết không rõ nguyên do, sợ liên lụy mà gây biến, ta chỉ muốn hoàng thưởng gần để đi dụ bọn chúng, các ông nhát gan thế thì làm gì nên việc.
Đỗ Nhạc biết Mạc Đăng Dung có thể là người ứng với câu sấm “ Phương Đông xuất thiên tử”, nay Mạc Đăng Dung có quân, sợ nhân cơ hội này hại vua nên một mực can ngăn. Mạc Đăng Dung sợ lỡ việc quân sai tỳ tướng Đinh Mộng dẫn cả Đỗ Nhạc và Nguyễn Dự ra ruộng dâu ở Xuân Đỗ giết chết.
ﮪ
Vĩnh Hưng bá Trịnh Tuy ở Thanh Hoa cự nhau với Nguyễn Hoằng Dụ không ngó ngàng gì tới triều đình nữa. Đột có lính truyền tin chạy đến báo Trần Chân đã bị Quang Thiệu đế giết, liền cho gọi mưu sĩ Nguyễn Sư đến bàn. Nguyễn Sư:
– Trần Chân là tướng cũ của Chúa công, danh nghĩa lại là cháu nuôi được tiếp quản chức tổng quản cấm quân, nay hôn quân vô đạo vô cớ sát hại, hẳn là muốn triệt tận gốc họ Trịnh. Tôi ngờ rằng nay mai hôn quân sẽ cất quân hỏi tội Chúa công thôi. Chi bằng nhân bọn thuộc tướng của Chân đang gây loạn, Chúa công cho người ra dụ, rồi Chúa công giết bỏ hôn quân, tìm lập vua mới thì vừa yên thân, vừa nắm được toàn cục trong tay.
Trịnh Tuy nghe theo, tôn lập Công tử Bảng, con Tĩnh tu công lên làm vua, cải niên hiệu là Đại Đức, tự mình làm Tướng quốc. Tuy lấy danh nghĩa thiên tử chiêu mộ được hơn mười nghìn quân tiến về kinh thành. Trên đường hành quân, Công tử Bảng bị ốm, Trịnh Tuy lại lập Công tử Lê Do, em Công tử Bảng lên ngôi, lấy niên hiệu là Thiên Hiền. Mặc dù Quang Thiệu đế đã rời thành nhưng Tuy vẫn không dám vào mà đóng quân ở Do Nha huyện Từ Liêm, làm hành điện cho Do coi chầu ở đó.
Lúc này, Nguyễn Hoằng Dụ nhận được chiếu của vua Quang Thiệu cất quân về kinh phụng mệnh. Vua ở hành cung Bảo Châu có quân đội Mạc Đăng Dung bảo vệ. Khi Nguyễn Hoằng Dụ đến, vua hội triều bàn định kế sách. Nguyễn Hoằng Dụ có thù với Trịnh Tuy nên xin đi đánh. Mạc Đăng Dung dẫn quân lên Sơn Tây bình quân của Nhạc, Kính.
Nguyễn Hoằng Dụ bỏ thuyền dẫn quân lên bộ tiến đánh Trịnh Tuy ở Do Nha. Do Trịnh Tuy phóng tay ban phát quan chức cho dân địa phương nên được nhân dân ở đây ủng hộ, hợp với quân Trịnh Tuy đón đánh Nguyễn Hoằng Dụ tơi bời. Quân Nguyễn Hoằng Dụ không thuộc địa hình bị dẫn vào khu đầm lầy và bị chết rất nhiều. Nguyễn Hoằng Dụ thua to, phải mở đường máu xuống thuyền rút thẳng về Thanh Hoa. Nguyễn Hoằng Dụ viết một bức thư cho người đem đến cho Mạc Đăng Dung, đại ý :
“Đệ An Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ bất tài, đánh thua Trịnh Tuy đến nỗi hết quân hết tướng không thể cùng huynh phù giúp triều đình được nữa. Mong huynh cẩn thận bình loạn, giữ yên xã tắc. Cẩn bái”.
Mạc Đăng Dung dẫn quân đến vùng Canh Nậu, quê hương của Nguyễn Kính hạ trại, rồi cho con dâu đến gặp bọn Nhạc, Kính. Tiểu thư mặc áo tang cùng Phạm Gia Mô đi. Bọn Nhạc, Kính gặp tiểu thư Ngọc Hoa đều khóc lóc bái lạy. Nguyễn Kính lập bàn thờ Trần Chân ngay trong nhà. Tiểu thư Ngọc Hoa, Phạm Gia Mô cùng họ thắp hương khấn vái. Rồi cả bọn ngồi vào nói chuyện. Phạm Gia Mô nói:
-Các ông đều là quân tướng tâm phúc của Hoàng đế mà quay giáo chống lại triều đình thực là không phải. Có câu: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Tổng quản công lao hưng quốc số một triều đình, chẳng may bị bọn tiểu nhân ghen ghét gièm pha, nhà vua tuổi nhỏ không sáng suốt nghe theo hại chết công thần, nay đã hối hận lắm, muốn được tạ lỗi với người, xin có tiểu thư làm chứng. Nhà vua muốn các ông nghĩ lại, dẫn quân về nhiệm sở tránh làm suy yếu đất nước mà có lợi cho bọn Trần Cung. Hơn nữa, Trịnh Tuy lợi dựng danh nghĩa báo thù Tổng quản đã tuyên bố phế vua, lập vua mới đang đóng quân ở gần kinh thành chống nhau với quân triều đình. Các ông hãy vì triều đình, vì lê dân mà hợp sức đánh Trần Cảo, Trịnh Tuy, lập nên công nghiệp cho mình.
Nghe vậy Nguyễn Kính vừa khóc vừa nói:
– Phạm tướng quân nói phải lắm, anh em chúng tôi nghe ra cả. Trần Tổng quản chết oan, anh em chúng tôi cũng khó toàn tính mạng. Chúng tôi dấy binh cũng chỉ là việc bất đắc dĩ thôi. Nay chúng tôi đã làm kinh động triều đình, vua phải buôn tẩu thực là tội nặng lắm. Xin Phạm tướng quân về tâu với triều đình có chiếu tha tội thì chúng tôi mới dám quay về. Đồng thời xin nhà vua phải trị tội bọn tiểu nhân tạ lỗi với Trần Tổng quản nữa.
– Hoàng thượng thực lòng hối hận, hiện đã bắt cả bọn là Quốc cữu Chử Khải, Thọ quận công, Thụy quận công rồi, xin án binh chờ tôi đem tin trở lại.
Phạm Gia Mô để tiểu thư Ngọc Hoa ở lại, còn mình báo cho Mạc Đăng Dung biết thái độ của bọn Nguyễn Kính, Mạc Đăng Dung viết một bức tấu gửi cho Phạm Gia Mô về hành cung Bảo Châu. Quang Thiệu đế nhận được tờ sớ ấy đành gạt nước mắt chém ba cận thần, giao thủ cấp cho Phạm Gia Mô đêm về Canh Nậu. Bọn Nguyễn Kính lấy thủ cấp của ba người tế cáo chủ tướng, rồi đem quân theo Mạc Đăng Dung . Mạc Đăng Dung chúc mừng cả bọn rồi chia quân về đánh Trịnh Tuy. Mạc Đăng Dung nói:
– Việc quân cốt ở thần tốc. Sở dĩ Trịnh Tuy dám lập triều đình mới là do dựa vào các ông cầm chân quân của ta. Nay ta cử các ông làm tiên phong, tiến đánh bất ngờ, Trinh Tuy không thể trở tay kịp đâu. Phải bắt cho bằng được ngụy chúa Lê Do và nghịch thần Trịnh Tuy, cởi bỏ nỗi lo lâu dài cho nước.
Bọn Nguyễn Kính đều cảm động trước sự tin cậy của Mạc Đăng Dung, hăng hái đãn quân đi ngay.
Trịnh Tuy ở Do Nha có quân báo ra xem thấy cờ của Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính thì mừng bảo quân sĩ:
– Ta đang mong họ đến đó. Có được quân tướng cũ của Trần Chân, việc lớn của ta tất thành, còn lo gì nữa.
Trịnh Tuy thân tế ngựa ra trước đón, không phòng bị gì cả. Nguyễn Kính nhận ra Trịnh Tuy, liền chỉ roi bảo :
– Ai bắt được Trịnh Tuy ta thưởng.
Quân sĩ phấn khởi ào ạt xông lên. Lúc ấy Trịnh Tuy mới hiểu cấm quân đến đánh,vội vàng tế ngựa về trại, đón Lê Do cướp đường chạy về Thanh Hoa. Đến Minh Sơn lại gặp một toán quân cờ hiệu Mạc, Trịnh Tuy vội tránh đường chạy một mình. Nguyễn Sư hộ giá Lê Do bị bắt. Tưởng chỉ huy quân đón đánh đường chính là Công tử Mạc Đăng Doanh, con trưởng Mạc Đăng Dung đang chấn giữ Sơn Nam. Mạc Đăng Dung sai tỳ tướng giải ngay chúa Lê Do và Nguyễn Sư về kinh trị tội, còn mình dẫn quân về phủ.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.