- Đang online: 3
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 22154
- Tổng truy cập: 3,371,528
CỔ TRAI XUẤT ĐỀ (tiếp theo)
- 218 lượt xem
CHƯƠNG 7
Tứ Dương hầu chia đôi nhà Mạc
Phụng quốc công phản chủ hàng Lê
Ngày Quý Hợi tháng 5 năm Bính Ngọ (1546) Mạc Phúc Hải ốm chết, Thái Tử Mạc Phúc Nguyên kế vị, lấy năm Đinh Mùi tới làm năm Vĩnh Định thứ nhất. Tôn tổ mẫu họ Phạm, con gái Phạm Gia Mô làm Thái hoàng thái hậu. Phong tam thúc Kiêm Vương Mạc Kính Điển làm nhiếp chính giải quyết mọi sự lớn nhỏ.
Ở kinh thành, Phạm Tử Nghi tôn lập Hoằng vương lên ngôi Hoàng đế, tuyên cáo thiên hạ, rồi bàn:
– Ở kinh thành ta ít quân, số người theo chưa đông, ngày mai Khiêm vương tất diều quân đánh chiếm lại, ta không thể giữ nổi. Chi bằng tạm lánh về Dương Kinh phát hịch cần vương, lấy quân An Bác, Dương Kinh, Sơn Nam đánh lấy kinh thành sau mới ổn định. Bấy giờ Khiêm vương còn phải lo đối phó với mặt sau là quân loạn ở Thanh Hoa, ta đánh ở mặt trước thế nào chả phải thần phục.
Hoằng vương nói:
– Ta nên ở kinh thành vài ngày, phát hịch cần vương để cho cả nước biết ngôi chính danh của ta có hơn không?
– Ta ở kinh thành ít quân, lại phải đối phó hai mặt thì bất lợi lắm. Nếu không đi ngay, Khiêm vương chiếm mất Dương Kinh thì ta còn biết đi đâu.
Hôm sau Tử Nghi cho người đưa bố cáo đi các trấn, kể tội phản nghịch của Nguyễn Kính, rồi đem Hoằng vương và quần thần về hành điện Hoa Dương. Tờ bố cáo viết:
“ Thuận đức thì thịnh đó là lẽ của trời
Vì nghĩa động binh để dương oai vô địch
Tên nghịch Kính kia vốn là tướng giặc, nhờ vua Thái Tổ lòng nhân trời che chở coi như con đẻ, đước các vua sau tỏ đức bể bọc xuân nuôi, ân thêm cố kết.
Đáng lẽ y phải ghi dạ khắc xương, tỏ tình khuyển mã, thế mà y lại sinh hung ác như hổ vào nhà, lật lọng trái nghĩa bầy tôi ngấm ngầm chứa lòng phản nghịch.
Tôi tự thẹn tài ngu nhờ ơn vua mến, vì nước bỏ nhà, tỏ chút lòng trung tướng Hán, tập binh nhiều trí, thẹn với tài giỏi tôi Tề. Kế mưu đều theo thành toán, hiên ngang xin nhận tiên phong. Thủy bộ tiếp liên bày, ra trận đường đường chính chính, can qua chỉ thẳng dương oai vũ sát khí đằng đằng. Đã chém kình dựng quán, dân trở lại vui tươi. Đó là trời giúp thì nên, đúng với kỳ thịnh trị. Binh hào thì thắng, đã định kế vẹn toàn. Sẽ thấu nhật nguyệt chói chang, giáp binh rửa sạch, nước nhà cường thịnh, cơ nghiệp vững bền”.
Khiêm vương giao cho Thượng thư Trần Phỉ hộ giá Phúc Nguyên, còn mình dẫn Nguyễn Kính đốc quân Kinh Bắc đi đánh Tử Nghi. Hai bên đối trận ở Cẩm Giàng. Tử Nghi ra trước trận mắng Kính Điển:
– Ta là cậu ngươi, Hoằng vương, Định vương là chú ngươi, toàn là bậc cha chú nội ngoại từng trải đứng ra bảo ban điều hay lẽ phải, giữ cho gốc rễ nhà Mạc vững bền, thế mà ngươi với bọn nghịch tặc không nghe, thực là đồ trẻ người non dạ, ngựa non háu đá, rồi cơ nghiệp nhà Mạc mất về tay ngươi thôi. Biết điều thì theo về chầu Hoằng vương kẻo ta không tha thì đừng có trách không nương ruột thịt.
Khiêm vương cũng đáp rắn rỏi:
– Hôm qua còn là cậu, là chú, hôm nay là việc thoán nghịch bất đạo thì đã là giặc, thật hổ thẹn cho người tự cho là từng trải, là hiểu biết lại làm ra những việc ấy. Những bậc trung thần nghĩa sĩ xưa nay một lòng thờ chúa, chúa mất thì phò ấu chúa giữ nghiệp lớn. Nay ta lấy quyền nhiếp chính bảo cho biết, nếu các ngươi nghĩ lại giải giáp quy hàng thì ta sẽ nương tình cho giữ nguyên chức tước, nếu không lấy đâu đất dung thân.
Phạm Tử Nghi gầm lên:
– Đồ nhãi ranh biết gì mà dạy khôn cha chú, hãy chịu chết vỡi cái chức nhiếp chính đi.
Tứ Dương hầu được học binh pháp với Mạc đế và cha đẻ từ nhỏ, sức khỏe lại hơn người nên Khiêm vương không địch nổi, may có Nguyễn Kính liều chết trợ chiến mới cứu được Khiêm vương.
Thái hoàng thái hậu thấy cảnh cậu cháu đánh giết lẫn nhau can Khiêm vương:
– Con à, cùng là người thân cả, thôi chia nửa nước cho các chú cùng hưởng phúc đi.
Khiêm vương nói:
– Cậu và các chú vẫn có quân có quyền, có ai chèn ép gì đâu, nay làm loạn sao để yên được. Nếu không sớm trừ bỏ, quân nhà Lê lại động binh thì biết tính làm sao? Nếu mẹ khuyên được cậu và các chú về phủ là tốt nhất, con cũng không muốn đánh, khỏi phải thiệt hại quân tướng nhà mình và dân tình cũng đỡ khốn đốn.
Thái hoàng thái hậu viết thư sai người đưa cho Phạm Tử Nghi. Tử Nghi viết thư phúc đáp vẫn một mực đòi lập Hoằng vương, sau này Phúc Nguyên trưởng thành sẽ trả ngôi. Thái hoàng thái hậu biết không thể bỏ được em, đành để mặc con điều binh đánh dẹp.
Khiêm vương và Tây quốc công dàn quân cầm chân ở Cẩm Giàng, và điều quân Sơn Nam dưới quyền tiết chế của Phụng quốc công Lê Bá Ly đánh hành cung Hoa Dương của Hoằng vương Chính Trung.
Lê Bá Ly nguyên quán xã Cổ Phạm huyện Đông Sơn trú quán tại làng Thịnh Liệt huyện Thanh Trì, người võ nghệ, sức khỏe hơn người, được Mạc Đăng Dung kết làm bạn hữu, giúp quản hạt Sơn Nam yên ổn tránh khỏi vạ loạn lạc, giặc giã nhiều năm. Khi Mạc Đăng Dung đoạt nước, cử Bá Ly làm Đô chỉ huy sứ vệ Kim Ngô, tước Mai Xuyên hầu, lại gả em gái là Lương Thượng côn chúa cho. Khi Mạc Đăng Doanh ở ngôi lại phong chú rể chức Đông quân đô đốc, tước Khiêm quận công. Năm Canh Tý (1540) Mạc Phúc Hải lại gia phong Bá Ly làm Nam quân đô đốc tước Phụng quốc công. Con trai Bá Ly là Lê Khắc Thận được kén làm phò mã, lấy trưởng công chúa Cẩm Hưng cũng được phong tước Phổ quận công, quyền tiết chế lộ Sơn Nam thượng. Con trai thứ của Bá Ly được phong Thuần Lương hầu quản lĩnh đội cấm binh. Con rể Nguyễn Quyện được phong Văn Phái hầu giữ vệ Phù Nam. Con nuôi Tả Ngự giữ vệ Cẩm y. Cháu nội cũng được kén làm phò mã, lấy trưởng công chúa Nghi Thái, phong Vạn An hầu, giữ về Kim Ngô.
Nhận được lệnh điều quân của Nhiếp chính vương, Lê Bá Ly sai con thứ Thuần Lương hầu trông coi công việc trong phủ, còn mình làm tiết chế điều quân của Phổ quận công Lê Khắc Thận, Quảng quận công Nguyễn Khải Khang, Phúc quận công Mạc Hữu Mệnh, Khổng Toàn hầu, Khang Phú hầu cùng tiến đánh Hoằng vương Chính Trung ở Hoa Dương.
Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi tuy là tay kiệt hiệt nhưng không thể đối phó với cả hai mặt một lúc, buộc phải bỏ Mạc Kính Điển lui về hộ giá Mạc Chính Trung và triều đình riêng rút về An Bác. Từ đây Tử Nghi thường đem quân đánhvề vùng Đồ Sơn và bị phục binh của Kính Điển bắn chết trong đám quân. Xác Tử Nghi trôi về An Lăng thì dừng lại, được dân địa phương vớt lên chôn cạnh lăng Mạc đế.
Mạc Chính Trung mất đại tướng buộc phải dẫn gia quyến hơn trăm người chạy sang Khâm Châu dựa vào người Minh, và tố cáo Nguyễn kính chuyên quyền, ruồng đuổi các cựu thần quốc thích. Đề đốc quân vụ Lưỡng Quảng là Trương Nhạc tâu về triều đình, Vua Minh cho gia quyến Mạc Chính Trung ở lại xứ Thanh Viễn, hàng năm cấp lương bổng như tước vương. Nhân cơ hội này Vua Minh cho quan sang trách cứ, ngờ Phúc Nguyên không phải dòng dõi Mạc Đăng Dung. Nhiếp chính vương cùng Lê Bá Ly phải đưa Phúc Nguyên lên cửa quan đối chất, làm tờ biểu xưng thần và cống nạp nhiều vàng bạc tơ lụa. Vua Minh nhận và phong Phúc Nguyên Đô thống sứ Nam An.
ﮪ
Khiêm vương Mạc Kính Điển hồi nhỏ bị thiếu sữa, ốm đau quặt quẹo luôn. Một hôm Lê Bá Ly đến chơi, chợt nhớ trong nhà có một gia nhân cũng sinh con trạc tuổi Kính Điển mới giới thiệu với Mạc Đăng Doanh.
– Chúa công hãy đón vú nuôi cho Chúa, trong nhà thuộc hạ có người làm được việc này.
– Vậy xin tướng quân lo giúp cho.
Bá Ly về phủ dẫn vợ người gia nhân đến phủ Đăng Doanh. Người này tối sữa, đủ nuôi cả con chủ nhân lẫn cả con mình. Kính Điển yêu kính nhũ mẫu, lại quý trọng con nhũ mẫu như em trai mình. Hai anh em cùng được đi học một thầy. Khi Khiêm vương giữ quyền Nhiếp chính nhũ mẫu vẫn thường khéo kêu ca:
– Vương gia, chẳng lẽ cứ để nhũ mẫu phụ làm gia nhân người ta mãi sao, như thế còn gì là thể diện của vương gia nữa.
Khiêm vương là người có hiếu, đức độ, nghe nhũ mẫu kêu ca, thì động lòng, hứa:
– Nhũ mẫu à, con sẽ thu xếp dần cho chú và em. Con đã thề với em có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu rồi, con không quên đâu. Hiềm nỗi bây giờ đang thời loạn, chú thì kiến thức nông cạn, làm tướng không thể cầm quân đánh trận, làm quan không có cách cai trị dân, con đang cân nhắc để chú làm gì cho hợp đây.
– Thì vương gia cứ ban cho cái chức quận công để chú hưởng lộc thôi. Còn em nó thì cho nó cái hầu, làm tướng dưới quyền vương gia, rồi em nó học tập trưởng thành dần.
– Vâng, con sẽ thu xếp như thế vậy.
Liền đó theo xếp đặt của Khiêm vương, Vua Mạc Phúc Nguyên phong Phạm Quỳnh tước Vịnh quận công, Phạm Dao tước Phú xuyên hầu.
Sau khi có công đánh dẹp Phạm Tử Nghi, Phụng quốc công Lê Bá Ly được thăng thái tể, chuyên giữ binh quyền tham dự triều chính. Nhũ mẫu lại kêu ca với Nhiếp chính vương:
– Người ngoài mà tin dùng thế không là cái họa của nước nhà sao. Nếu không nắm binh quyến thì cũng nên san sẻ cho nhiều người để dễ bề chế ngự chứ.
Mạc Kính Điển lại gia phong cho Phạm Quỳnh tước Thiệu quốc công, Pham Dao tước Văn quận công để làm vừa lòng nhũ mẫu. Quốc công cũng là cực phẩm của triều đình rồi.
Do việc nhiếp chính vương ban chức tước không theo công trạng, mà Phạm Quỳnh lại được tước Thiệu quốc công như Thái sư Lê Quảng Độ thời Tương Dực đế, cùng với các hiện tượng thiên tai bất thường, Thượng thư Văn Dương bá Tạ Đình Quang dâng tờ sớ rằng:
“Mới đây các phủ Nam Sách, Thượng Hạ Hồng, Khoái Châu, Lý Nhân, Trường An đương lúc ban ngày trời bỗng tối sầm, không gian bỗng nổi lên tiếng động ầm ầm, rồi mưa đá đổ xuống sầm sập; có hạt mưa to bằng hòn đạn, có hạt to bằng quả trứng gà, cũng có hạt to bằng cái đấu hoặc hộc đá, làm hư hại lúa màu ngoài đồng, cây cối trong vườn, phá hoại nhà ở, chết chim ngoài đồng, người và súc vật bị thương rất nhiều.
Xét sách “Xuân thu khảo dị” và “Văn hiến thông khảo” đều nói rằng: “Mưa đá là cái tượng khí âm lấn hiếp khí dương vậy”. Đó là ứng về sự bề tôi có thế lực chuyên quyền và cũng bởi sự những người hiền bị dìm, chỉ dùng người gian, nghe lời gièm, sưu cao thuế nặng, pháp lệnh đổi thay cho nên mới có tai dị đó.
Nay bệ hạ tuy đã lớn tuổi nhưng chưa đích thân điều khiển chính sự thì cái tai dị mưa đá kia chưa có thể đổ cả vì lỗi của Vua. Vị hoàng thúc thân vương không thể coi việc này làm thường được và các vị đại thần cùng bá quan văn võ há không tự nhẫn lỗi mà tìm phương cứu chữa ư? Kính mong bệ hạ ngày ngày chăm học theo các bậc vua thánh để làm nên sự nghiệp thánh, lúc nào cũng tôn trời và sợ oai trời.
Về phần Khiêm vương nên hết sức thành khẩn tự xét mình làm hết bổn phận phò tá. Đừng cho thiên hạ tạm định tạm yên làm đáng mừng, nên lấy công việc khó thành dễ bại đáng sợ. Xử quyết công việc thăng giáng các quan liêu đừng mếch lòng mà không quyết đoán, chỉnh đốn cấm binh, nén hãm kẻ quyền quý đừng cho là việc khó mà chỉ thờ ơ. Những kẻ gièm pha có hại đến người hiền tài và những kẻ xiểm nịnh chỉ chực cầu ơn đều nên ruồng bỏ hết thảy, để cho tà không lấn át chính, âm khỏi lướt dương, sẽ có thể chuyển tai họa thành điềm lành”
Vua Mạc đọc xong tờ sớ giao cho Nhiếp chính vương. Mạc Kính Điển là người đức độ, vội đên phủ Tạ Đình Quang quỳ lạy đại lễ nói:
– Kính xin thượng thư nhận đại lễ, Mạc Kính Điển xin được tôn thượng thư làm thầy. Lời nói ngay thẳng, sáng suốt của Thượng thư đã làm cho Kính Điển tỉnh ngộ. Kính Điển sẽ thu hết quân quyền của người không xứng chức, may ra làm sáng được chính sự thì phúc cho nhà nước lắm.
Thượng thư Tạ Đình Quang vội đỡ Nhiếp chính vương dậy và nói:
– Hiện nay Phụng quốc công giữ hết binh quyền là điều bất lợi, vương gia cần đoạt lại kẻo nếu xảy ra biến thì hối không kịp. Để Thiệu quốc công nắm binh quyền cũng không xong, điều này vương gia hẳn cũng rõ.
– Xin vâng. Học trò xin làm theo lời thầy ngay.
Nhiếp chính vương sau đó thu hồi binh quyền của cha con Phạm Quỳnh, chỉ để tước cho hưởng trọng lộc thôi. Cha con Phạm Quỳnh hận, quyết đoạt lại hết binh quyền của chủ cũ Lê Bá Ly và luôn tìm cớ hãm hại.
ﮪ
Bấy giờ uy danh của Phụng quốc công oai trùm trong triều ngoài trấn. Nhiếp chính vương chưa thể thu lại binh quyền. Phổ quận công Lê Khắc Thận làm tổng trấn Sơn Nam đương tuổi thanh niên cậy oai cha bắt đầu tỏ ra kiêu ngạo, càn rỡ. Nào xây cất nhà cửa lộng lẫy, nào sắm sửa kiệu son lọng vàng, đi đâu cũng dàn lính nghi vệ như vương tử. Ngày ngày Lê Khắc Thận chỉ lo tìm cách chơi bời ca hát, chẳng lo nghĩ tới công việc nhiệm sở.
Mặc dù đã giao binh quyền lại cho Lê Khắc Thận nhưng Phạm Dao vẫn còn nhiều người thân tín ở đó. Những việc làm của Thận đều được Phạm Dao nắm rõ. Đầu năm Tân Hợi (1551), Phạm Dao được một kẻ dưới xem tử vi nịnh nọt bảo năm nay là năm hợp, cung số đại phát, làm gì cũng đại lợi đại cát, nên làm được những việc lớn tỏ được khí phách xoay trời chuyển nước. Phạm Giao có được niềm tin ấy. Liền gặp Kính Điển tố cáo Khắc Thận.
– Sơn Nam là đất căn bản của Tiên đế, nay là nơi phên dậu ngăn cách quân Lê, thế mà Lê Khắc Thận bỏ ngỏ như vậy, hẳn là có âm mưu phản nghịch rồi.
Mạc Kính Điển ngạc nhiên bảo:
– Quốc gia trông cậy vào Phung quốc công như núi cao, chú không nên nói những lời vu hãm, chưa rõ như vậy.
– Thần với vương gia là tình như thủ túc nên mới tâu rõ phải trái, xin vương gia quyết đoán.
– Phụng quốc công tam đại phò mã đều là hàng quốc thích trọng thần sao có thể làm phản được. Chú cứ yên tâm. Để ta nhắc nhở là được thôi.
Phạm Dao thấy Kính Điển xử trí có vẻ dĩ hòa vi quý lại đem chuyện vào nói với vua Mạc.
– Tâu bệ hạ, Thái tể họ Lê người Đông Sơn đó, ai biết được ông ta bụng dạ thế nào với nhà Lê. Gia đình ông ta nắm 3 trong 4 vệ quân, con trưởng giữ Sơn Nam là phên dậu của nước nhà lại bỏ ngỏ suốt năm suốt tháng, nếu không có mưu làm phản thì là gì, xin bệ hạ mau quyết đoán.
Nghe nhắc đến Thái tể họ Lê, người gốc Thanh Hoa, vua Mạc quả nhiên rúng động. Phạm Giao nói tiếp:
– Chi bằng họ Lê không đề phòng, xin bệ hạ có mật chiếu giao cho thần điều quân vệ Hưng quốc, lấy quân Dương Kinh đến vây bắt trừ cả bọn đi, thần xin liều chết gắng sức.
– Nếu khanh xả thân vì xã tắc thì thật là công thần hàng đầu của trẫm.
Vua Mạc liền giao cho Phạm Dao mật chiếu. Nửa đêm ngày 12 tháng 2 cha con Phạm Giao điều quân vệ Hưng quốc vây phủ Phụng quốc công ở trại Hồng Mai, Nhiếp chính vương không hề hay biết gì. Phạm Dao sợ con rể Văn Phái hầu Nguyễn Quyện cũng đồng mưu nên điều quân vây luôn cả phủ Thư quận công Nguyễn Thiến, chờ trời sáng cùng hành động.
Gà gáy hôm đó, có tên gia nhân nhà Phụng quốc tên là Đồi dậy sớm lo việc thấy có quân lính vây kín phủ vội báo cho chủ nhân biết. Lê Bá Ly liền mặc áo giáp cầm gươm điều động quân lính và người nhà đóng cửa cố thủ chờ con em tới giải cứu. Phạm Dao đốc thúc quân lính phá cửa đốt nhà, nhưng chúng đều sợ oai Thái tể nên dè dặt chưa dám công phá quyết liệt. Tiếng huyên náo kinh động cả một vùng. Con rể, con nuôi, cháu nội Thái tể ở trong cung vội đưa 3.000 quân các vệ cấm binh đến giải cứu. Hai bên giao chiến ác liệt. Phạm Dao đánh không lại Văn phái hầu Nguyễn Quyện phải tháo chạy. Phổ quận công Lê Khắc Thận được tin cũng điểm quân từ đồn Vân Sàng kéo tới giải cứu. Thái tể dẫn con cháu mang quân về đóng tại Thịnh Liệt chờ Nhiếp chính vương đến giải thích. Nhưng Nhiếp chính vương thấy chuyện đã vỡ lỡ lại có ý bao che cho Phạm Dao, vì Phạm Dao hành động theo mật chỉ của vua Mạc, do đó không ra mặt hòa giải, lại ra lệnh điều quân Sơn Tây về khống chế. Thái tể sai con cháu dân quân chiếm giữ cửa Chu Tước. Vua Mạc sợ biến dẫn quần thần sang Bồ Đề, rồi sai sứ giả về phủ dụ Bá Ly bãi binh. Bá Ly nói:
– Nếu Hoàng thượng bắt trị tội cha con Quỳnh, Dao thì thần xin bãi binh ngay, kẻo nay mai chúng đâu để thần yên.
Sứ giả nói:
– Ông là Thái tể cầm quân cả nước, nay lại đem quân vây kinh thành, ép Hoàng thượng là cớ làm sao.
Lê Bá Ly nói:
– Tôi không có ý làm phản, chỉ vì kẻ gian gièm pha vô cớ định sát hại toàn gia, làm sao có thể tha chúng được.
– Ông làm thế khác nào quyền thần chứ đâu còn là trung thần nghĩa sĩ nữa.
Bấy giờ quân Tây Sơn do các tướng Vạn Đôn hầu, an Duệ hầu, Phù Long hầu, Văn Giáp hầu đã kéo về đến nơi, hai bên giao chiến ác liệt. Bá Ly sai con cháu cố thủ, rồi cho người cầu cứu Thụy quốc công Nguyễn Khải Khang, người bạn thân từ trước. Thụy quốc công sai thuộc tướng Đông Khang hầu dẫn quân giúp. Quân của Bá Ly ít, nhưng tướng dũng mãnh, lại ở thế cùng nên cố sức đánh, quân nhà Mạc lại thua chạy. Bá Ly dàn quân ở Cầu Hà cho người đưa thư sang cho vua Mạc rằng: ‘Cha con hạ thần thực không dám mưu tính sự gì, chẳng qua chỉ vì kẻ gian thần bức bách, vu cho hạ thần là phản nghịch, chúng định hãm hại, cho nên hạ thần phải dùng binh tự vệ. Xin bệ hạ bắt cha con Quỳnh, Dao giải đến để ưng dạ ba quân thì hạ thần xin bãi binh ngay”.
Vua Mạc giận mắng:
– Bá Ly hưởng lộc lớn của triều đình, được triều đình tin cậy cho ba đời làm phò mã mà ép trẫm quá lắm. Trẫm không thể làm theo yêu sách của kẻ dưới được, xem Bá Ly có dám càn rỡ nữa không.
Liền xuống chiếu cách hết quan chức của Bá Ly, rồi dẫn quần thần về Dương Kinh.
Bá Ly nhận được chiếu cách hết quan chức của vua Mạc, nổi giận mắng nhiếc Phúc Nguyên rồi bảo các tướng sĩ:
– Ta có chút tài mọn, nguyên thờ Quang Thiệu đế, vì bất đắc dĩ phải làm bầy tôi họ Mạc, một tay dựng 4 đời vua, hao phí biết bao tâm lực. Nay gặp hôn quân không biết minh đoán, chỉ nghe lời kẻ gièm pha, khiến cho bao nhiêu nghĩa biển tình non đều thành băng tan ngói trút. Sự thể đã đến nước này còn nói được gì nữa. Ta nghe vua Lê đã lên ngôi ở xứ Thanh Hoa, có Thái sư họ Trịnh là vị anh hùng tài lược chuyên ý phò tá, ra quân có danh, bốn phương quy phục, đó là cái số nhà Lê lại được trung hưng vậy. Nay ta muốn dẫn quân quy thuận, tiễu trừ giặc nghịch, tán trợ triều Lê, dựng nên nghiệp lớn để rửa lỗi trước mà cũng không mất sự giàu sang. Các ông nghĩ sao?
Các tướng sĩ cũng ở thế cùng đường đáp:
– Xin theo lệnh Thái tể.
Bá Ly mừng lắm, ra lệnh mở kho thóc phát chẩn cho dân nghèo, rồi sai Văn Ấp hầu cùng Tán lý Đổng Giang hầu Bùi Trụ đem thư tới hành điện vua Lê ở Ngọc Khê xin hàng. Vua Lê nhận rồi ban sắc khen ngợi Bá Ly. Thái sư Trịnh Kiểm nói:
– Bá Ly là tên phản chúa, đã phản Lê theo Mạc, nay phản Mạc theo Lê, kẻ bất trung ấy không thể dung được.
Vua Lê tuy còn trẻ nhưng đã biết suy xét nói:
– Bá Ly nắm giữ ba phần quân Mạc nay theo về, ta không dung thì ai còn dám theo nữa. Thái sư có ý ngờ thì cứ khéo xếp đặt ngầm khống chế là được.
Thấy vua đã quyết, lại được một lúc nhiều quân tướng, Thái sư Trịnh Kiểm nghe theo, nhưng trong bụng vẫn cảnh giác, sợ lại xảy ra kế trá hàng của Mạc Kính Điển để thừa cơ đánh úp triều đình nhà Lê.
Hết chương 7.
Còn tiếp…
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.