- Đang online: 1
- Hôm qua: 948
- Tuần nay: 15375
- Tổng truy cập: 3,539,846
CỔ TRAI XUẤT ĐẾ (Tiếp theo)
- 361 lượt xem
Chương 9:
Họ Trịnh thờ phật được ăn oản,
Khiêm vương dụng kế để giải nguy
Năm Bính Thìn (1556) vua Lê Trung Tông qua đời mà không có hoàng nam nối dõi. Thái sư Trịnh Kiểm phân vân có nên ở ngôi hay không. Nếu Trịnh Kiểm ở ngôi sẽ không có ai dám ra mặt phản đối, nhưng như thế thì còn đâu chính nghĩa nữa, do đó cũng không thu phục được nhân tâm. Mặt khác, sấm ký Trịnh gia nói rõ là “chẳng đế chẳng bá, quyền nghiêng thiên hạ” cơ mà. Để cho chắc chắn, Trịnh Kiểm cử người thân tín tìm về Cổ Am hỏi ý Trình Công. Trình Công dẫn học trò thăm đồng không tiếp. Người nhà Trịnh Kiểm cứ lẽo đẽo theo sau. Đến chân ruộng cao, lúa bị hạn còi cọc không lên được, Trình Công giơ tay bảo học trò:
– Vụ lúa này không được mấy chỉ tại thóc giống không tốt, các ngươi hãy tìm giống mới để gieo mạ, nghe.
Rồi Trình Công lại dẫn học trò ra chùa làng sai học trò quét dọn, đốt nhang, ngoài ra không đả động đến chuyện gì khác. Xong việc ở chùa, Trình Công dẫn học trò về am Bạch Vân đọc sách như thường. Người nhà Trịnh Kiểm cũng theo về am chờ xem Trình Công có chỉ bảo cho biết điều gì không.
Trình Công ngồi ngắm thiên tượng, đến nửa đêm ngài gọi cửa bảo hai học trò là Phùng Khắc Khoan và Nguyễn Dữ:
– Gà gáy rồi đấy sao các học trò chưa dậy nấu ăn còn nằm ỳ ở đó.
Hai học trò hiểu ý thầy, dậy nấu cơm và thu dọn hành lý. Cơm chín, Khoan đến gọi người nhà Trịnh Kiểm dậy cùng ăn. Ăn xong, hai người đến bái biệt thầy. Trình Công không nói gì, chỉ phẩy quạt lông ý bảo cứ đi đi. Hai người bảo người nhà Trịnh Kiểm:
– Thầy tôi đã nói hết ý rồi, sứ giả chưa hiểu hay sao mà còn ở lại.
Người nhà Trịnh Kiểm ngạc nhiên:
– Trình Công nào có tiếp tôi, nào có nói câu nào với tôi đâu mà hai anh bảo nói hết ý rồi.
Hai người bưng miệng cười, rồi nói:
– Sứ giả thấy thầy tôi đi đâu, làm gì, nói gì cứ về thuật lại cho Thái sư, người khắc hiểu phải làm gì thôi mà.
– Vậy đa tạ hai anh, đa tạ Trình Công đã chỉ dạy.
Người này định đi thì hai người lại bảo:
– Chúng tôi tuy ở đất Mạc, nhưng lòng hướng về chân chúa. Nay thầy đã cho xuất sơn, xin sứ giả dẫn chúng tôi về ra mắt Thái sư, may ra có thể giúp được chút tài mọn cho ngày Lê triều phục quốc.
– Thế thì may quá. Học trò của Trình Công đâu phải người thường. Nào chúng ta cùng đi.
Sứ giả đưa hai người đến sách Vạn Lại ra mắt Thái sư. Thấy hai học trò yếu ớt, trẻ tuổi, Thái sư tỏ vẻ xem thường. Hai người về nhà khách nghỉ. Nguyễn Dữ buồn chán, ghi chép các câu chuyện huyền hoặc nghe được thành một bộ sách, gọi là: “Truyền kỳ mạn lục”. Sách này có sự phủ chính cẩn thận của Phùng Khắc Khoan.
Sau khi chiếm được Thuận – Quảng, nhân tài vật lực dồi dào, Thái sư dâng biểu xin ra Bắc lần nữa. Vua Anh Tôn chuẩn tấu, và phê: “ Thái sư chịu khó nhọc một phen mở một trận tấn công đại quy mô ra miền đông để khôi phục cơ đồ, công ấy sánh ngang nhật nguyệt đó”. Thái sư tạ ơn, rồi hội các tướng bàn định mưu kế. Phổ quận công Lê Khắc Thận nói:
– Năm trước ta đi đường Sơn Nam, Sơn Nam Thượng, hợp với cánh quân của Gia quốc công từ Đại Đồng kéo về, chỉ một trận giành được kinh thành, nay ta cứ theo đường ấy mà tiến, hạ quan từng trấn giữ Sơn Nam, xin được làm tiên phong.
Thái sư gật gù chưa quyết. Hồi lâu không có tướng nào bàn thêm mới hỏi:
– Phải chăng các tướng bằng lòng với kế của quận Phổ à?
Mọi người đồng thanh đáp:
– Xin Thái sư định đoạt, chúng tôi nghe theo.
Bấy giờ có một người trẻ tuổi, dáng thư sinh bước ra nói:
– Thế trận mỗi năm mỗi khác, kế của quận Phổ đâu còn phù hợp nữa.
Mọi người ngỡ ngàng trước lời phản bác ấy. riêng Thái sư tỏ vẻ háo hức hỏi lại:
– Ngươi chỉ là học trò mới đầu quân mà dám mạo phạm các tướng kỳ cựu ư?
– Thưa Thái sư, Phùng Khắc Khoan tôi dù chưa có chức tước gì nhưng tấm lòng vì đại nghĩa đâu có kém gì ai. Nay Thái sư bàn định kế lớn, nếu mưu kế của tôi đắc dụng thì chẳng phải là đúng ý của tôi vì đại nghĩa đó ư?
– Ngươi nói hay lắm! Nếu mưu kế của ngươi hợp ý ta, ta phong ngay làm quân sư.
– Thưa Thái sư, nếu Thái sư cần quân sư thì hãy phong chức tước cần gì phong sau khi mưu kế đã bàn. Còn với tôi, việc bày mưu là vì xã tắc chứ đâu vì chức này chức khác.
– Vậy ta phong ngay chô ông chức Ngự doanh ký lục tri Tứ vệ. Xin ông bày mưu cho các tướng cùng nghe mưu lạ ắt các tướng tâm phục khẩu phục.
Phùng Khắc Khoan bấy giờ mới giở tấm địa đồ bố phòng của quân Mạc ra.
– Bức địa đồ của Phụng quốc khi xưa chỉ có ích lúc đó thôi. Nhà Mạc tất phải bố trí lại bố phòng cho phù hợp từng thời kỳ. Đây các ông xem. Đường từ Thanh Hoa ra kinh thành qua Sơn Nam là gần nhất, dễ đi nhất, dễ tải lương nhất. Ta biết thế thì địch cũng biết thế. Thạch quận công trấn giữ ở đây. Thủy binh của Kính Điển cũng bố trí ở đây. Mà thủy binh của Mạc hơn hẳn thủy binh của ta, điều đó ai cũng rõ. Vậy đường dễ đi nhất, và thiếu sự bất ngờ nhất. Đi đường này dù có đến được đích thì cũng bị thiệt hại nhất. Vậy thì chỉ còn đường thượng đạo Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang rừng rậm khó đi, quân địch ít phòng bị là đường hành binh giữ được bí mật, bất ngờ nhất, lần đưa quân này ta phải đi xa mà gần đó.
Phổ quận công đứng ra phản bác:
– Đi đường rừng vòng vèo như vậy thì tải lương làm sao, quân địch chặn đường rút thì sao?
Phùng Khắc Khoan tiếp tục giải trình:
– Để giữ được yếu tố bất ngờ cần phải giữ được bí mật hành quân. Trước hết phải tập trung quân ở hướng Giám Khẩu, lập nhiều đồn trại như chuận bị tiến công. Các đạo quân nhỏ theo lối Thiên Quan, Hưng Hóa, qua đò sông Thao hợp với quân của Gia quốc công tạm dừng chân. Trên đường đi phải thu phục các phiên mục thổ tù địa phương để tăng thế quân. Những nơi hiểm yếu sẽ để lại một đồn binh cùng quân địa phương chốt giữ. Các đồn binh này vừa giữ đường vừa khống chế các thổ tù địa phương. Về lương thảo có thể dựa một phần vào các thổ tù địa phương, vừa mang theo một phần. Đến được doanh Gia quốc công là không lo gì nữa. Từ Đại Đồng ta lại hành quân theo đường núi đánh lấy Thái Nguyên, Lạng Sơn rồi ba đường đánh về kinh bắc. Lấy được kinh bắc rồi, một đạo quân nhỏ ở nhà sẽ đánh chiếm Sơn Tây. Mất Tây Bắc địch sẽ bỏ kinh chạy về Hải Dương. Sơn Nam như vậy sẽ bị bỏ ngỏ, bấy giờ đạo quân Sơn Nam mới tấn công. Nếu địch chỉ lo đối phó hướng Kinh Bắc để giữ Hải Dương thì trong vòng nửa năm miền Đông sẽ bình định được. Nếu địch vừa đủ sức đem thủy binh đánh vào hậu phương của ta ở đây thì việc bình định chưa thể một sớm một chiều được. Bởi nêu để mất Thanh Hoa, đất căn bản của ta thì khó có thể nói trước điều gì. Cách hành binh đường vòng vừa rồi là cách Đặng Ngải chiếm Thành đô nhà Thục Hán. Mà cách hành binh đường biển của địchcũng là cách này. Ta kém thủy đánh bộ thì địch đánh bằng thủy thôi. Xin Thái sư định đoạt.
Các tướng chăm chú nghe Phùng Khắc Khoan bày kế mà không thể phản bác điều gì. Thái sư thì tỏ vẻ hài lòng.
– Hưng Tuyên Thái Lạng bấy lâu không có chiến tranh, dân giàu có, tiền dư thóc thừa, ta đến đâu có lương thực ngay ở đó còn lo gì về sự tải lương nữa. Vùng rừng núi rộng lớn địch ít quân, khó liên lạc thiếu đề phòng đã bị đánh bất ngờ làm sao chống nổi, ta đến khác nào vào chỗ không người. Hơn nữa, địa hình rừng núi áy địch làm sao biết thực hư quân tình của ta thế nào. Nếu địch dám đem quân lên cự thì ta sẽ bắt hết, chúng chẳng dám đâu. Ở các xứ lớn ta để lại một mãnh tướng, thế thì đầu đuôi liên lạc, ứng cứu kịp thời, đúng là thế “ Thượng Sơn Xà”, hiểm yếu lắm. Ta chỉ lo các cửa sông cửa biển Thanh Hoa thôi, Các quan trấn thủ phải đặc biệt cẩn thận, lo canh phòng, đắp thành lũy, thường xuyên liên lạc với nhau. Giao cho Đoan quận công lập đội chiến thuyền từ Thuận Hóa sẵn sàng ứng cứu Thanh Hoa. Giao cho Phong quận công Trịnh Quang làm đề thống ngự doanh bảo vệ Hoàng thượng. Giao cho Phù quận công Lê Chủng làm trấn thủ đạo Thanh Hoa, thuộc tướng Trào quận công Vũ Sư Thước và An quận công Lại Thế Khanh trấn giữ mặt biển. Giao cho Phù quận công Lê Khắc Đôn giữ đạo kỳ binh ở Sơn Nam. Giao cho đại tướng Nguyễn Hữu Liêu lãnh đội thứ yếu chế áp Sơn Tây bảo đảm đường hành binh của đại quân. Giao cho đại tướng Hoàng Đình Ái dẫn một vạn quân đi tiên phong.
Các tướng nhận mệnh chia nhau đi làm. Thái sư hội quân được 6 vạn nhưng nói phao lên 12 vạn, ngày Giáp Tuất tháng 10 làm lễ xuất quân. Thái sư nêu cao quân mệnh không được lấy của dân, quấy nhiễu dân. Vì thế quân đi như nước chảy qua các địa phương dân vẫn được yên ổn như thường. Bô lão các làng sai con cháu mang rượu thịt, bánh trái ra bên đường úy lạo quân sĩ. Đại tướng tiên phong đến Hưng Hóa cho người vào chiêu dụ. Trấn tướng Định quận công dẫn lính mở thành ra hàng. Thái sư sai Định quận công trấn thành như cũ. Quân đến địa giới Tuyên Quang đã thấy Gia quốc công và tùy tùng ra đón. Thái sư cử Gia quốc công ở lại Đại Đồng đốc suất dân phu làm đường thông về Thiên Quan và đường xuống Kinh Bắc. Đại quân tiếp tục đánh chiếm thái Nguyên, Lạng Sơn. Các tướng địch hoặc đầu hàng hoặc rút chạy, bỏ mặc đất đai, thành lũy cho đại quân. Đến cuối tháng thì Đại hành doanh của Thái sư đã đến phủ Thuận An. Mạc Kính Điển dàn quân giữ từ Cẩm Giàng. Xét thấy quân địch tuy mấtđất mất thành và một số tướng sĩ, nhưng về cơ bản lực lượng vẫn nguyên, cùng với quân tướng các trấn hội về, như vậy Hải Dương, Sơn Nam vẫn còn rất mạnh, Thái sư lại rút về giữ núi Tiên Du, rồi cho quân thường xuyên đi đánh các huyện Siêu Loại, Văn Giang, Khoái Châu, Nam Sách.
Mưu sĩ Phùng Khắc Khoan lại hiến kế:
– Quân địch mạnh về thủy, lại đang giữ Hải Dương, Sơn Nam, nếu ta đưa quân đánh chiếm vùng Chí Linh, Đông Triều, Hoành Bồ sẽ không khó nhọc gì. Chiếm được Chí Linh, Đông Triều rồi Dương Kinh bị uy hiếp nghiêm trọng, nhà Mạc khác nào cá nằm trong chậu.
Bấy giờ Phổ quận công Lê Khắc Thận trấn giữ Thái Nguyên thường bị quân Mạc từ Phú Bình, Văn Lan, Thất Nguyên tiến đánh, Thái sư điều Đại tướng Hoàng Đình Ái lên trấn giữ Lạng Sơn. Quân nhà Lê tuy chiếm được nhiều đất nhưng phải trải ra giữ các nơi nên chưa thể đủ sức đánh bại quân Mạc ngay được.
ﮪ
Vua Mạc Phúc Nguyên ở Dương Kinh bị uy hiếp, vội gọi các thân vương, đại thần đến bàn bạc. Khiêm vương vẫn tỏ ra ung dung bình thản như thường. Các tướng sĩ vì thế cũng vững dạ. Vua Mạc hỏi:
– An Bác đã mất, ta chỉ còn phần như Chính Trung ngày trước, các khanh tính sao?
Khiêm vương đáp:
– Tâu Hoàng thượng, quân địch như bát nước hất đi, lúc đầu ngấm nhanh, nhưng đã đến lúc hết sức, không thể loang xa hơn được nữa. Quân ta chủ trương tránh địch mạnh, giữ nơi căn bản, quân tướng hầu như chưa thiệt hại gì. Thạc quận công giữ mặt nam ngay sát đất căn bản của địch mà địch không dám tiến. Đà quận công giữ Sơn Tây vẫn vững như bàn thạch. Bây giờ là lúc ta vung chưởng. Đã đánh là phải đánh dập đầu. Đại doanh địch đóng ở núi Lam Sơn, thần sẽ dẫn đại binh theo Lục Đầu Giang đến đó bắt sống nay mai thôi.
Vua Mạc nghe vậy thì ban khen:
– Khiêm vương đúng là cột trụ đỡ trời của nhà ta.
Tháng 4 năm chính trị thứ ba (1560) Khiêm vương cử đại binh tiến đánh Vũ Ninh. Quân nhà Lê trải ra các nơi như bàn tay xòe, quân nhà Mạc chụm như nắm đấm, đấm thẳng vào chính doanh của Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm quân tướng ít, sai Đặng Huấn dẫn năm nghìn quân đón đánh ở núi Phượng Hoàng. Năm vạn quân Mạc bủa vây trùng trùng lớp lớp, Đặng Huấn đánh không lại, thu thập tàn quân hơn hai trăm người lên núi cố thủ. Quân Mạc sợ có mai phục chỉ dám vây ở dưới chân núi. Đặng Huấn thấy quân Mạc trễ nãi, bất ngờ hô quân ùa xuống cố đánh phá được vây chạy về Lãm Sơn.
Kính Điển thấy thế than:
– Một viên bộ tướng nhỏ nhoi mà can đảm thế đủ biết vượng khí quân địch đã mạnh lắm rồi.
Đoạn truyền hạ trại giữ Trâu Sơn, Phượng Hoàng, Thiên Thai và bến sông Lục Đầu Giang giữ nhau với Trịnh Kiểm chứ không dám tự tiện tiến đánh.
Thấy quân Mạc hạ trại phòng thủ, Trịnh Kiểm cười chê:
– Nếu Kính Điển thừa thắng tiến đánh, sĩ khí đang hăng, quân đông tướng mạnh không biết ta phải chạy đến đâu nữa. Thế này đủ biết vận số nhà Mạc đã tận rồi.
Thực ra Kính Điển cầm quân cả nước, tiến đánh thận trọng, không dám đi xa khỏi vùng đất mình sợ trúng mai phục, nếu vỡ trận nghĩa là mất nước. Hơn nữa ra quân thắng lớn ngay trận đầu cũng đủ tỏ oai dũng rồi. Kính Điển dâng biểu về triều báo tin thắng trận và xin vua Mạc đi Cổ Am hỏi kế phá giặc của Trình Công. Vua Mạc nghe theo, cử Ứng vương Đôn Nhượng đi hỏi kế. Trình Công bảo:
– Bên kia đánh bộ sao bên này không đánh thủy? Hãy dùng kế “ Vây Ngụy cứu Triệu” đánh gáp đi thì quân địch sẽ tự lui.
Vua Mạc được kế này liền cử Ứng vương trấn thủ Kinh Bắc thay Khiêm vương. Kính Điển huy động toàn bộ chiến thuyền, thuận gió đông bắc tiến quân gấp, bất ngờ ập vào đánh chiếm các cửa biển Thanh Hoa. Hai tướng Vũ Sư Thước, Lại Thế Khanh những ngày đầu phòng bị cẩn mật, nhưng về sau thấy quân Mạc rút về cố thủ Hải Dương, thì lại chểnh mảng, bấy giờ trở tay không kịp, phải rút quân về giữ sách Vạn Lại. Tướng Trịnh Quang phải hộ giá vua Anh Tông lên miền ngược.
Kính Điển đốc quân truy kích đến tận sách Vạn Lại. Hai tướng Vũ Sư Thước, Lại Thế Khanh vô ý để mất trận, sợ bị tội nên cố sức đánh chờ viện binh. Trấn thủ Lê Chủng đem quân cứu viện nhưng lại giương cờ của Đại tướng Hoàng Đình Ái khiến Kính Điển tưởng quân Trịnh đã kéo về phá vây cứu chúa nên thu quân rút về Dương Kinh.
Trong khi đó Thái sư cũng triệt quân về Thanh Hoa, chỉ lưu lại các tướng giữ Lạng Sơn, Thái Nguyên cúng Gia quốc công giữ Tuyên Quang, Định quận công giữ Hưng Hóa bảo vệ con đường Thiên Quan cần dùng về sau.
Kính Điển tiến quân chiếm lại các vùng đất đã mất và cử Thái bảo Nguyễn Phú Xuân dẫn quân đánh Lạng Sơn để thông đường sang cống nhà Minh. Tùy tướng của Hoàng Đình Ái thua trận phải rút vào rừng trốn về Thái Nguyên. Tướng giữ Thái Nguyên cũng không dám xuất quân ứng cứu vì châu Văn Lan vẫn do tướng Mạc chiếm giữ từ trước chặn đường.
(Còn tiếp Chương 10)
Viết bình luận
Tin liên quan
-
Nhớ Hoàng Trần Cương lại nghĩ về trường ca “Long Mạch”
-
VỀ VỚI AO DƯƠNG
-
LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
-
CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
-
THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
-
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
-
LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
-
CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
-
TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
-
Chữ hiếu xưa và nay
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC