- Đang online: 1
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 21655
- Tổng truy cập: 3,371,414
Chùm thơ
- 399 lượt xem
|
|
TÁC GIẢ: Sinh năm 1942. Quê quán: Thôn Ngọc Tỉnh, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Thường trú: Số 6/22, Ngô Quyền, TP Nam Định. Nguyên Uỷ viên BCH Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh – Nam Hà – Nam Định, khoá II, III, IV, V (5/1983 -3/2006); Thư ký Toà soạn tạp chí Văn nghệ Hà Nam Ninh; Trưởng bộ môn Thơ. Nghỉ hưu từ tháng 4/2006 tại Nam Định. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1998.
TÁC PHẨM: Thơ: Khúc hát tặng nhau, in chung (NXBTác phẩm mới – 1983), Mùa hạ đi tìm (NXB Hội Nhà văn – 1990); Lá bay (NXB Hội Nhà văn -1993); Gió trầm (NXB Văn học,1997); Thác trời (NXB Quân đội Nhân dân – 2000); Tứ tuyệt đường trường (NXB Thanh Niên – 2002). Văn: Thức cùng trang viết, bút ký (NXB Hội Nhà văn – 2008).
Thác Trời (Tặng thưởng Thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội-1976)
Sáu ki-lô-mét thác Trời dài Núi rừng nghiêng Sông Đồng Nai nghiêng Thác Trời reo Thác Trời gầm thét Tiếng thác dài như một tầm đại bác Cây cầu vồng từ đất vọt lên Mây-nắng-sương chộn rộn vang rền
Dưới dòng sâu đá lồng lên phi ngược Đá tung bờm trắng muốt Nước gồ ghề nhảy bậc Rừng sôi hay biển sôi Ùn ùn cơn-bão-nước sôi trời
Thác Trời Con cá sấu váng đầu bỏ trốn Con cá lăng không kịp ngoắt đuôi Một chùm hoa cháy đỏ Treo sau cành bằng lăng Dây mây leo quấn xác trực trăng Chân bến Cự lũ xuồng bay vỡ vụn Tiếng thác đầy nòng súng Chiến sĩ miền Đông đánh vỗ mặt quân thù Cửa ngõ đi về chiến khu Bật dậy là tiếng hô Tràn xuống đồng bằng Thần tốc !
Trở về đây sau ngày truy quét giặc Trong tôi nhiều tiếng reo Lấp lánh lên trời trong veo Tiếng hát và dòng thác Chúng tôi đi đánh thức đất đai miền Đông ơi ! Vẫn con đường xung kích Bộ đội hành quân ngược thác Trời
Đồng Nai Thượng, tháng 8-1975
Buổi ấy Đại Hành Hoàng đế đi cày
Núi Đọi bên trời như quả ấn (*) Trải trước chân mây cảnh tịch điền Trẻ hát sắc bùa bên xướng mạ Vua về buổi ấy đã nghìn năm !
Đây lối người đi gió mở cờ Bình Chiêm, phạt Tống chuyện năm xưa Vua chẳng quên đâu mùa vỡ đất Cho đồng trĩu hạt, nắng hong tơ…
Người muốn trường xuân đất nước này (**) Nên dời điện ngọc trở về đây Đã từng lam lũ nơi bùn đất Người giục trâu đi thẳng xá cày
Tít tắp đường cày – Tôi ngỡ thấy Chiến bào nửa vạt nhuốm bùn non Mồ hôi trên trán Vua khi ấy Lấp lánh như sao những hạt tròn…
1981
————————- * Năm 987, lần đầu tiên, Lê Hoàn đi cày tịch điền ở Đọi Sơn, nay thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, biểu thị việc khuyến nông của nhà vua. ** Lê Hoàn xây cung Trường Xuân ở Hoa Lư, Ninh Bình
Mùa bướm Cành dâu cao, lá dâu cao Lênh đênh bóng bướm trôi vào mắt em NGUYỄN BÍNH Phấn hương tiền sử Ngủ trong đá già
Cánh bướm Trang Tử Chập chờn bên ta
Dập dìu giấc nắng Bờ mương mây xa
Hoa vàng ngõ cũ Bướm còn nhởn nha
Bướm bay không lời Để cho người hát
Làm kẻ đưa thư Nẻo đường thơm ngát
Xứ Hoa nước Bướm Đai châu tàn vàng
Lạ mùa bướm nở Học trò đông hơn
Đỗ Phủ xa khuất Nhân Tông thiền đường
Tìm về Nguyễn Bính Lại màu hoa cương !
Cành dâu bóng bướm Dìu nhau xanh vườn
Mắt em trong quá Trời vừa tan sương…
Hạ chí – Ngày dài (Giải Ba cuộc thi sáng tác văn học “Tầm nhìn thế kỷ” báo Tiền phong ,1999-2001)
Ngày bừng dậy nửa mùa hè Vòm cây cao đẩy tiếng ve cao vời Quả còn xanh nữa hay thôi Vườn quê đã ngọt bao lời đất đai !
Ngày nồng nã ở bên vai Cảm ơn ngọn gió bay dài làn hương Cầu vồng bông lúa đầm sương Lá dâu xanh quá, chừng đương đợi tằm
Có ngày dài rộng tháng năm Nón em với mặt trăng rằm sóng đôi Có ngày thương giọt mồ hôi Nửa đầm vạt áo, nửa sôi dưới trời
Những khi vắng cả tiếng cười Thời gian nhân hậu đắp bồi khát khao Lặng thầm đêm hạ gầy hao Đêm là bóng mát. Đêm thao thức nhiều
Ngày dài là của tình yêu Em đi – nắng sớm mây chiều tìm đi Ồn ào hoa phượng ngoài kia Trời thì cao ngất, chim về ríu ran…
Đèo
Đỉnh trời mây trắng dăng ngang Triệu năm sóng biển cây ngàn ùa reo Dắt em chiều bước qua đèo Lòng ta thương bạn hồn neo góc rừng
Trở lại Dương Kinh
Vẫn núi Voi xa trầm mặc trước sân chầu Mây lớp lớp gió Đồ Sơn dào dạt Sông Văn Úc chiều về giăng cánh quạt Hoa lúa rung rinh thả sóng mặt hồ thu
Nghi Dương đây…dâu bể tấm lưng rùa Bia Minh Đức dẫu rêu phong chìm nổi Dương Kinh lặng dưới trời xanh bóng khói Mường tượng thềm rồng nghi trượng bừng lên !
Hàng bạch đàn thao thiết bóng ru êm Lầu Ngự Lãm bây giờ vang tiếng trẻ Tờ Kim Sách chói vàng trong ánh lửa Cổng Tiền Môn lá trúc tiếng chim thưa
Bốn trăm năm trên đất nước nghìn xưa Lâu thuyền khuất – Biển Đông còn toả sáng Ơn đức Tiên vương vì đời dẹp loạn Vằng vặc tấm lòng lo nước thương dân
Trang sử thời nào lúa chín cùng trăng Người mặc của rơi, trời không vội tối (*) Một thuở trị bình hoa văn nắng rọi Thoái lỗ thi bút hoạ hãy còn tươi (**)
Thành kính Trà Phương: thần vũ, văn khôi Tổ tiên ngự trong cõi thiền thơm ngát Con cháu đứng đầy thềm chật đất Một Dương Kinh hội cả núi sông về …
Cổ Trai, tháng 8-1987 ———————— * Đại Việt sử ký toàn thư, Lê triều hưng quốc công nghiệp đều chép cảnh thái bình những năm đầu triều Mạc:”Trong mười năm liền, đi đường không nhặt của rơi, cửa ngoài không cần đóng kín”. ** Năm 1538, một vị Trạng nguyên vương triều Mạc hoạ lại bài thơ Vịnh bèo (Phù bình), làm lui ý đồ xâm lược Đại Việt của đạo quân Minh, do bọn Cừu Loan, Mao Bá Ôn cầm đầu .
Kể về các cụ làng tôi
Bạn có như tôi, năm đôi bận về quê Mừng quấn quít làng mỗi ngày mỗi trẻ Chợt lúng túng ngỡ ngàng như khách lạ Giếng bên đình mắt sắc những ai kia ?
Rồi chợt nhận ra thiếu hụt điều gì Khi mặt trời lên lúc chiều bảng lảng Bóng gậy trúc cứ xa dần…thưa vắng Các cụ già…các cụ già ơi !
Cây các cụ trồng là gạo, là đa Cau với lúa thành ca dao, tục ngữ Bánh rán, bánh đa, con tò he cho trẻ Dựng cây nêu, làng thắm lại môi trầu
Chuộng nết ăn làm, ưa cái bền lâu Guốc gộc, áo nâu, cày kiền, cối đá Đời các cụ, ngẫm ra, toàn cái khó Có nghĩa, có nhân làm gốc cho làng
Dấu hoa tay trên khoảnh ruộng, xứ đồng Quen mưa nắng, thuộc tuần trăng con nước Các cụ thương cái cò, cái vạc Hiểu nghĩa bạn nghèo tỉnh Bắc, tỉnh Đông
Suốt một đời được mấy lúc thong dong Con cháu đi xa có nhớ về cội rễ Con cháu nên người, để cái mừng trong dạ Lo cả mai sau là các cụ già !
Làng tôi ơi, bao mùa xuân đi qua Thành cổ tích là cuộc đời các cụ Ta bước xuống từ bàn tay têm trầu, đào sông, lấn bể Các cụ bây giờ, các cụ ngày xưa…
Xuân Thuỷ, 1989
Anh hề con gái (Giải khuyến khích Cuộc thi Thơ tạp chí Văn nghệ quân đội, 1989-1990)
Cái nghề chọn mặt tài trai Chứ sao em thích sắm vai làm hề ? Má hồng chịu cái ngô nghê Môi son phải luỵ mặt hề. Khổ chưa !
Đêm chèo như thực như mơ Say như điếu đổ là “cưa” cột đình Anh hề gàn, chú hề xinh Cười cho thế thái nhân tình tốt tươi !
Khúc kha khúc khích là cười Ai người nông nổi, ai người tầm phơ Tiếng cười từ xửa từ xưa Thế gian nghiêng ngả đến giờ chưa thôi
Vầng trăng cười tít lưng trời Còn bông hoa nở thì cười con ong Thác cười trắng xoá đầu sông Bồng bồng cô ấy cõng chồng đi chơi
Lạ lùng câu hát thì xuôi Bàn tay nói ngược, mắt thời liếc ngang Hề mồi, hề gậy đa đoan Đau ông hề hoạn bấm gan làm người
Anh hề ơi ! Em hề ơi ! Tích trò thêm cả tiếng cười vòm hang Cái ngày vượt dốc Ba Thang Vai đeo cơn sốt băng ngàn mà đi…
Gửi sông Tiền
Dòng sông nao nao chân trời tiền duyên Năm tháng bay vòng cánh chim vần vũ Em còn giữ cây dầm qua xoáy lũ Đêm hoả châu sóng lửa quét ngang người
Nghe rao rao gió chướng thổi sao trời Bông điên điển thả sang mùa nước nổi Rạch chớp loé vàm xa lắng dội Chiều tím lục bình xa khuất hạt nàng tiên
Chân đạp rào gai máu đỏ lòng thuyền Chiếc bồng nhỏ ngút ngàn lau lách Câu thơ chạm mạch nguồn trong mát Nắng sông Tiền chuốt sáng ngọn tầm vông
Ai theo sông về rẫy ăn còng Thong thả chín những miệt vườn bông trái Thong thả vỗ nét bình nguyên mềm mại Trở lại câu hò phía sau vầng trăng
Cây cải về trời con sáo sang sông Đất nước ngát thơm cơi trầu của má Người hướng rừng tràm người trông biển cả Hỡi bờ xa bãi khuất bạn ta nằm !
Ngược sông Tiền mong đợi bấy nhiêu năm Mắt ta gặp dải Ngân Hà đồng vọng Sông là bến của dòng chiều lồng lộng Ở phương này mây trắng cũng vừa bay…
Đồ Sơn, một ngày hè
Sóng Tưởng nhớ một nhà thơ
Chợt dừng nghe tiếng sóng Xô nhẹ vào trời đêm Trót tan thành khát vọng Biển làm sao ngủ yên ?
Đi dọc bờ cát ướt Bắt gặp cái vô cùng Một chút gì rợn ngợp Sóng muôn trùng cô đơn !
Còn vỗ mãi ngày sau Niềm yêu và nỗi đau… Vừa vui như trẻ nhỏ Thoắt thôi đã bạc đầu !
Hải Thịnh, hè 1988
Chim phượng bay về
Phố chiều nối đuôi từng con diều giấy những đứa trẻ yêu trời vừa thả lên chín mươi chín ngọn núi – những đầu hồi khấp khểnh chín mươi chín cây thông – hàng cơm nguội bụi bặm cõi thiêng trời rộng những con chim-diều-giấy lượn lờ bay lên
Chim phượng, chim phượng đã dời tổ về phía sau mặt trời ? Những đường lượn của sải cánh ngũ sắc đã vòng qua mấy trùng khơi ?
Giã biệt ngọn tùng cao lao xao truyền thuyết hồi ức toát mồ hôi hột đường nhấp nhổm vũng ổ gà chóng mặt đâu là những ban mai xoè cánh con mách khách đuôi dài – sứ giả của mẹ con chích choè học bài dậy sớm tiếng vàng anh rơi rơi bay theo chim là dải nắng vàng trời
Giã biệt cửa rừng chiến trận những cành sao cháy đen khoảng trống không ngầu bụi trảng cỏ đế tàn tro nghi ngút khói những người lính chiều đông nhớ nhà nhìn đỉnh rừng mây tụ bóng chiều xa xa xa ai khẽ reo: chim phượng bay về !
Đất lặng phắc là khi tấm khăn rằn em gái phương Nam ủ về lán chú chim non kêu lí nhí trở dạ sau cơn hồng thuỷ nghe sáng trời thảng thốt giọng từ quy
Thứ lỗi cho ta những sinh thể bay cao hơn ý tưởng của ta nhìn xa hơn ta mặt đất bộn bề… xin đừng giã biệt !
Vực trời sâu hút mù sương quái chiều chim phượng, chim phượng thả cái bóng thuở nào cho lũ trẻ đùa reo…
Con đường rắc vỏ trấu vàng
Ngược con đường lúa về làng Con đường rắc vỏ trấu vàng mưa sa Trập trùng ngày tháng lùi xa Cha ơi, chén rượu quê nhà tiễn đưa
Cha đi từ mái nhà xưa Hàng hiên khóm cúc lưa thưa khói trầm Mưa xuân mắt mẹ giọt thầm Đường trơn làm nhịp bát âm chuyển làn
Cho con đồng vọng Lên đàng Cờ bay phố huyện, người sang đường này Làng mình nam bắc đông tây Những là nghiên bút cuốc cày với nhau
Những là tre trúc trầu cau Giọt xuyên lá rách mà đau lá lành Bể cồn bãi cạn dâu xanh Nôn nao rau má hũ sành buồn vui Ngọn đèn chong bếp lửa vùi Đắng cay cùng sẻ ngọt bùi cùng san Gốc đa ướm ngọn nồm nam Trống đình ai đánh còn vang những ngày…
Trên vai làng nước mình đây Cha đi, bến lặng sông đầy diễu qua Bay nghiêng hạt sáng thiên hà Đường quê bỗng hoá đường xa tận trời !
Nhẹ nhàng vỏ trấu vàng rơi Bước người như sóng, chân người chói chang Mương dài nở trắng hoa trang Cỏ xuân nét thảo hai hàng thiết tha
Ở đâu hơn thế quê nhà Nẻo đường ân nghĩa nối qua nghìn đời Trấu vàng rắc dặm vàng phơi Hạt thơm của đất còn nuôi tình làng …
Xuân Thuỷ, 1994
Lặng lẽ cánh đồng
Mẹ ơi, Con gọi mẹ trên cánh đồng thơ bé, tháng Chín thì thào ruộng tám trổ hương, trời trở heo may lạnh chốn mẹ nằm. Cơn bão hôm qua tan sau cồn Lau, thân chuối thân tre hãy còn xơ xác, cây gạo đầu làng ngơ ngác, một mình đứng nhớ đao đình mây bay. Con gọi mẹ như ngày xưa sợ lạc, mẹ đi cấy gió lùa cắt ruột, qua cánh Thổ Tây, Thổ Phụ, Hậu Đồng, dảnh mạ cóng run run hàng lúa xuống. Con lũn cũn đầu bờ lo ếch ộp. Cha lùa trâu đi ngọn roi quất khẽ, để đó nùn rơm ngún lửa, sợi khói cay xúm xít đám cỏ gà. Mơ về ngõ nắng nhà ta, trưa thả bướm bay, lá trúc xoè tay nhử con công cống, bầu bí đu đưa mướp thì đánh võng. Con mèo vàng trèo cây cau nghe ngóng, gió phẩy hiên ngoài, chú cà cuống uống rượu tăm đồng trũng, la đà trong cơn say nghìn năm. Rập ràng cửa tổ, cò trăng dăng hàng ngược lên Đồng Đăng, sương nắng một đời hai vai gánh gạo. Phú Xuân cũng từng , Đồng Nai cũng trải, đất nước bình yên trong dáng mẹ ngồi. Mẹ sinh chúng con thương mến thốt lên lời, đất nước bi bô ấy là tiếng trẻ, những câu ca trên cánh đồng làng có từ nơi mẹ. Mẹ dạy ngọn đèn thức sáng, sợi nắng đưa văng, mở cửa chân trời gió chơi gió chạy, tiếng sấm ù ì cối xay nặng nhọc, vụng Vọng mây lồng cá tôm trẩy hội, sông Hồng dựng vũ môn thác trắng đầu nguồn. Quê hương…lối này hoa xoan lấm chấm, tháng Giêng sang chằn chặn cơi trầu, làng ta cũng hiền như mẹ, chẳng thiếu câu chào, nói thì nói nhẹ, câu thơ con lẽo đẽo ở phương nào ! Mẹ ơi, lối này mẹ đi vầng trăng khuất bóng, cầu kiều bắc qua một miền nhân thế, giọt sáng rưng rưng tiếng trúc, tiếng bầu; nhịp chấp hiệu giáng vào con từng nhát, sông Ninh buồn sóng chạy khuất bờ dâu. Trông lên chùa nào thấy mẹ đâu, vẫn tượng Phật Bà nghìn tay nghìn mắt. Đường quanh quất lại những người về chợ, nón lá qua cầu nào bóng mẹ xưa… Chỉ vuông đất chưa hồi ngọn cỏ, chỉ cánh đồng dập dờn như bể, con giật mình tóc bạc đã mồ côi ! Quê nhà, thu 1996
Ngoảnh lại Giang Đình (*)
Rặng bần áp bến đò ngang Để sông Lam chẳng lẫn sang sông Tần Đỉnh Hồng gấp cánh phù vân Chín mươi chín ngọn in ngần trời quê
Bên sông buổi ấy người về Mon men tùng cúc thu kề ngoài song Giang Đình kề mảnh trăng trong Tiếng chày ánh lửa động lòng cố hương
Vớt lên khói sóng Tiền Đường Trăm năm này cõi vô thường người ta Bụi hồng bạc xoá lau xa Tiếng Kiều đồng vọng cỏ hoa cúi đầu
Sông in núi chẳng thay màu Ngả dài điệu sóng thuyền câu bập bềnh Giang Đình ngày rộng thênh thênh Cánh buồm xa thoắt qua ghềnh triều lên
Cỏ thơm vạt áo Tiên Điền Thi nhân chừng mới như biền biệt đây ! Chiều tà buộc nắng lưng cây Biết đâu mây trắng còn ngây lối về…
1998
———————————- (*) Một trong tám cảnh đẹp của tỉnh Hà Tĩnh, quê hương đại thi hào Nguyễn Du.
Cỏ may
Trở lại triền đê lối cỏ Mùa thu chừng cũng thăm nhà Một dải sông Hồng cát sáng Chi chút tâm tình cỏ hoa
Chẳng biết vì ai líu ríu Những bông cỏ dọc đường đời Vạt áo heo may dìu dịu Phải lòng nhau đấy , người ơi !
Ai biết lối này thi sĩ Để vương cả gió một chiều Thu tiễn em về đến ngõ Hãy còn hoa tím bao nhiêu…
Thành phố Nam Định, 27-8-2009 |
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.