- Đang online: 2
- Hôm qua: 401
- Tuần nay: 12149
- Tổng truy cập: 3,388,321
Các hoàng đế Đại Việt phát triển thủy quân ra sao?
- 514 lượt xem
Các hoàng đế Đại Việt phát triển thủy quân ra sao?
(Nguoiduatin.vn) – Thủy quân là một trong những lực lượng quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, đã góp phần lập nên những chiến công oanh liệt trong lịch sử nước nhà.
Lực lượng thủy quân đã được nhiều vị hoàng đế nước Việt quan tâm phát triển và có những câu chuyện thú vị liên quan đến điều này mà không phải ai cũng rõ.
Lâu thuyền
Hồ Quý Ly, hoàng đế đầu tiên cải cách thủy quân
Nhằm tăng cường hơn nữa sức chiến đấu của thủy quân, sau khi lên ngôi, Hồ Quý Ly đã tiến hành nhiều cải cách quân sự. Về thủy quân, bên cạnh các loại chiến thuyền theo mẫu cũ như lâu thuyền (thuyền lầu), lưỡng phúc thuyền (thuyền hai đáy), mẫu tử thuyền (gồm thuyền mẹ và thuyền con, chuyên dùng đánh hỏa công)… ông còn bí mật cho đóng một loại thuyền lớn là thuyền đinh sắt gọi là Trung tàu tải lương, Cổ lâu thuyền tải lương.
Đến năm Giáp Thân (1404) con ông là Hồ Hán Thương lúc này đã nối ngôi, tiếp tục cho làm nhiều thuyền đinh sắt để phòng quân Minh.
Loại thuyền Trung tàu tải lương, Cổ lâu thuyền tải lương có hai tầng, tầng trên lát ván sàn tiện cho việc đi lại, chiến đấu. Tầng dưới chia làm hai ngăn với nhiều khoang, phía trên để giấu lính, phía dưới dành cho đội lính chèo với hàng dãy mái chèo dọc theo 2 bên thân thuyền. Điều đặc biệt, đây là loại thuyền vừa vận tải quân lương, vừa được trang bị nhiều thần cơ pháo khiến thủy binh của giặc Minh nhiều phen khiếp đảm kinh hồn, bị nhiều tổn thất.
Tiếc thay, vì không được lòng dân ủng hộ nên cuộc kháng chiến của nhà Hồ nhanh chóng thất bại, nước ta bị giặc Minh đô hộ, lực lượng quân đội nói chung và thủy quân nói riêng dù mạnh nhưng không đủ sức cứu nổi vương triều này.
Lê Thái Tổ, hoàng đế đầu tiên quy định nghi thức, cờ hiệu thủy quân
Ngay trong năm đầu tiên ở ngôi vua, Lê Thái Tổ đã ban hành quy chế cụ thể cho lực lượng thủy quân cũng như vũ khí cho binh lính.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết vào ngày mồng 10 tháng 8 năm Mậu Thân (1428), vua “định các khí vật như cờ xí, nghi trượng cho các quân, chiến khí và thuyền ghe: trung đội cờ vàng, thượng đội cờ đỏ, hạ đội cờ trắng. Mỗi vệ một lá cờ lớn của chủ tướng. Mỗi quân một lá cờ hạng trung, 10 lá cờ đội và 40 lá cờ nhỏ. Thuyền chiến dùng vào hỏa công 10 chiếc, thuyền nhỏ đi tuần thám hai chiếc.
Ngoài ra, ống phun lửa loại đại tướng quân một chiếc, loại lớn 10 chiếc, loại trung 10 chiếc, loại nhỏ 80 chiếc. Nỏ mạnh 50 cái, câu liêm 50 cái, giáo dài 50 cái, phi liêm 40 cái, mộc mỗi người một chiếc. Phi tiêu hạng nhất dùng mỗi người bốn chiếc, hạng nhì dùng mỗi người 3 chiếc; dao to mỗi người 1 con. Mỗi quân dùng một người làm Sao quân (người thư lại biên chép –TG), mỗi đội dùng một người làm Sao đội”.
Sử sách còn cho biết ngoài trang phục chung giống như các lực lượng khác, thủy quân thời Lê sơ đội nón thủy ma và nón sơn đỏ để có sự phân biệt.
Hải cốt thuyền
Lê Thánh Tông, người đầu tiên ban hành quân lệnh thủy trận
Hoàng đế Lê Thánh Tông có lần nói với quần thần rằng: “Phàm có nhà nước tất có võ bị”, do đó vua rất quan tâm đến việc xây dựng quân đội để trấn áp nội loạn và bảo vệ đất nước. Bên cạnh bộ binh, kị binh, tượng binh… thì thủy binh cũng đã trở thành một binh chủng độc lập với việc chia thành nhiều phiên hiệu rõ ràng như: Thiện Hải thuyền, Đấu thuyền, Lâu thuyền, Tẩu Kha thuyền, Khai Lãng thuyền, Hải Cốt thuyền…với hình dáng, cấu trúc, chạm khắc, màu sắc, cờ hiệu khác nhau.
Năm Ất Dậu (1465), lần đầu tiên phép duyệt thủy trận và quân lệnh thủy trận được ban hành cụ thể, sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Ban hành phép duyệt tập trận đồ thủy bộ. Về thủy trận thì có những đồ pháp như: Trung hư, Thường sơn xà, Mãn thiên tinh, Nhạn hàng, Liên châu, Ngư đội, Tam tài hành, Thất môn, Yến nguyệt… Lại ban 31 điều quân lệnh về thủy trận…”.
Chính nhờ sự quan tâm đến xây dựng quân đội, trong đó có thủy binh nên thời Lê Thánh Tông, đội chiến thuyền lớn nhất lịch nước ta đã được hình thành; vào năm Kỷ Sửu (1469), Lê Thánh Tông đã huy động một phần trong số đó đi chinh phạt Chiêm Thành. Theo sử sách, ngoài lực lượng bộ binh thì có tới 25 vạn thủy quân và 5000 chiến thuyền do nhà vua đích thân chỉ huy trong cuộc Nam chinh đó.
Lê Chân Tông từng sai thủy quân Bắc tiến, cứu được vua Thanh
Khi thấy triều đình nhà Minh ngày càng suy yếu, phía Bắc liên tục bị người Mãn Thanh tấn công uy hiếp, nhận thấy đây là cơ hội có thể thu lại một số vùng đất bị xâm lấn từ trước nên vào năm Bính Tuất (1646), vua Lê Chân Tông sai Trịnh Lãm làm Thống lĩnh, Ngô Sĩ Vinh làm Đốc đồng đem 300 chiến thuyền vượt biển sang đánh Quảng Đông.
Tình cờ khi chiến thuyền Đại Việt tới, gặp lúc vua Thanh đang bị quân Minh vây khốn, hai tướng liền dẫn quân xung trận giúp giải vây. Sau này nhớ ơn cứu mạng, vua Thanh Thế Tổ đã gửi vật phẩm ban thưởng.
Riêng Ngô Sĩ Vinh vì có công lớn nhất nên vua Thanh sai Đốc học Hứa Khải Mông mang sang tặng ba bức trướng gấm và phong làm “Lưỡng quốc công thần”. Ngoài ra còn có bài thơ tặng riêng vị tướng này trong đó có câu: “…Cô ảnh thượng linh đao vị đoạn/Ngưng nghiêm do hỷ phát như sơ/Mông hưu cường hặng do kinh lộ/ Mộc ảnh cô can độc khoái dư…” (Giáo thiêng bị chặn thân còn sống/Mái tóc y nguyên vui chiến công/ Quân địch hùng cương đà run sợ/ Công ông sáng tựa áng mây hồng).
Thủy quân của vua Gia Long khiến Anh quốc kinh hoàng
Thủy quân nước Việt thời chúa Thượng (Nguyễn Phúc Lan) đã đụng độ và đánh bại chiến thuyền của Hà Lan, một trong những quốc gia có lực lượng thủy quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Sự kiện này được ghi chép nhiều trong các tài liệu, sách sử của Việt Nam và cả của các nhà buôn, giáo sĩ phương Tây. Tuy nhiên có một trận thủy chiến khác cũng oanh liệt không kém nhưng ít được sử sách và người đời nhắc đến. Trong trận chiến này, thủy quân Anh quốc, cũng là một lực lượng hùng mạnh trên thế giới, đã phải nếm mùi thất bại.
Theo sách Việt sử toàn thư, do nhiều lần đưa thư xin ngoại giao, thông thương đều bị khước từ nên năm Qúy Hợi (1803) nước Anh Cát Lợi (Anh) cho một hạm đội gồm 7 chiếc tàu từ biển Đông theo đường sông vào Hà Nội gây hấn, bị quân ta vây đánh, đốt cháy nhưng không dám lên tiếng phản đối.
Một tài liệu khác là cuốn Thanh triều sử lược của Tá Đằng Sở Tài thì cung cấp một thông tin rất thú vị: “Bấy giờ người cầm đầu binh lính Anh Cát Lợi đóng ở Ấn Độ nghe biết bên nước An Nam, họ Nguyễn mới tân tạo, ở chỗ sơ hở có thể thừa cơ được, bèn đem hơn 10 chiếc tàu chiến kéo vào cửa sông Phú Xuân. Người An Nam rút hết thuyền núp ở trong nội cảng. Vài trăm dặm không có bóng người…
Đêm đến, thình lình có tới 110 chiếc thuyền nhỏ tiến ra miền hạ du của nội cảng, theo chiều gió thuận, nhân dòng sông xuôi, đánh hỏa công. Người Anh không có đường chạy! Bảy chiếc tàu vào trước đều bị đốt cháy, những chiếc còn ở ngoài biển cũng sợ sệt trốn nốt. Thẹn không dám về nước, bọn người Anh ấy kéo sang Quảng Đông toan chiếm Áo Môn song không trôi, lại rút đi”.
Vua Gia Long
Vua Minh Mạng đóng tàu thuyền theo mẫu của châu Âu
Minh Mạng là vị hoàng đế rất quan tâm đến việc học hỏi, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật của phương Tây, trong đó có việc cải tiến kỹ thuật đóng thuyền. Không chỉ chú trọng gia tăng số lượng, mà vua còn cho tăng chủng loại tàu thuyền. Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, năm Mậu Tý (1828) vua ấn định số lượng các loại thuyền cần đóng ở các địa phương.
Tinh thần tiến bộ của Minh Mạng được sử sách ghi nhận rõ. Ví dụ cuốn Quốc sử di biên cho biết vào tháng 4 năm Canh Dần (1830) “vua nghe nói ngoại quốc có xe hỏa, tàu thủy và nhiều vật lạ, sai lũ (Đặng) Khải đi Lã Tống, Tây dương để mua”.
Quy chế thủy quân cũng được Minh Mạng cải tiến, ông định kích thước và kiểu dáng cho từng hạng thuyền, thống nhất trong phạm vi cả nước để các xưởng thuyền theo các quy thức đó mà đóng. Đặc biệt, Minh Mạng đã cho đóng thuyền bọc đồng theo mẫu của người Pháp. Vào năm Nhâm Ngọ (1822), vua cho mua một chiếc thuyền bọc đồng của Pháp đưa về Huế, đặt tên là Điện Dương, để làm mẫu cho các xưởng đóng thuyền tại kinh đô nghiên cứu, triển khai đóng theo mẫu.
Sách Khâm định Đại Nam thực lục cho biết tháng 6 năm ấy, vua “sai Thống chế thủy sư Phan Văn Trường coi đóng thuyền hiệu theo kiểu Tây dương”. Chiếc thuyền bọc đồng đầu tiên hoàn thành được đặt tên là Thụy Long; sau đó hàng hoạt thuyền bọc đồng được đóng thêm chủ yếu là thuyền chiến, một số là thuyền dùng trong các chuyến công cán ở nước ngoài.
Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết thuyền bọc đồng được phân thành 4 hạng khác nhau là hạng rất lớn, hạng lớn, hạng vừa, và hạng nhỏ.
Ngoài thuyền bọc đồng, năm Mậu Tuất (1838) Minh Mạng cho mua một chiếc tàu máy hơi nước cũ của Pháp đem về tháo ra nghiên cứu để lấy mẫu đóng thử, đến tháng 4 năm sau chiếc tàu máy hơi nước đầu tiên của nước ta đóng xong và chạy thử thành công. Tháng 10 cùng năm đó chiếc tàu máy hơi nước thứ 2 cũng được hoàn thành. Từ đó, vua xây dựng quy thức đóng tàu máy hơi vào năm Canh Tý (1840) với “thân rộng 7 thước 5 tấc, dài trên dưới 4 trượng, nhưng thân không quá sâu, khoảng 1 trượng, để dễ dàng di chuyển trên các dòng sông” (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ).
Ảnh minh họa trân Bạch Đằng
Vua Thiệu Trị cho diễn tập đường thủy ra nước ngoài
Lên ngôi đầu năm Tân Sửu (1841), Thiệu Trị tiếp tục cho tiến hành đổi mới thủy quân như thời vua cha Minh Mạng. Ông đã cho sửa chữa một số tàu, nâng vận tốc lên cao hơn, cho đóng thêm 2 chiếc tàu máy hơi nước và mua một chiếc tàu máy hơi nước mới dài 9 trượng 5 thước 7 tấc, rộng 1 trượng 5 thước 1 tấc, sâu 6 thước, đặt tên là Điện Phi. Đây là chiếc tàu máy hơi nước lớn nhất mà triều Nguyễn sở hữu.
Điều thú vị là với mục đích kiểm tra khả năng của tàu thuyền bằng việc diễn tập thủy trình với tuyến đi xa, kết hợp với hoạt động thương mại nên vào năm Bính Ngọ (1846) vua Thiệu Trị sai Thị lang bộ Hộ là Tôn Thất Thường và Lang trung Nguyễn Công Nghĩa dùng thuyền lớn đi sang Giang Lưu Ba (Batavia thuộc Indonesia ngày nay); Thự lang trung bộ Công là Vũ Đình Ý và viên ngoại lang Đỗ Tuấn Đại đáp thuyền to sang Tân Gia Ba (Singapore ngày nay) để “diễn tập đường thủy, nhân tiện mua các thứ hàng hóa”.
Vua Tự Đức thành lập đội tuần duyên đầu tiên
Trước sự hoành hành của cướp biển Tầu Ô, nhận thấy thủy quân triều đình kém khả năng trong việc truy quét cướp biển nên sau khi nhận được bản tấu của đại thần Bùi Viện gửi ngày mồng 8 tháng 7 năm Bính Tý (1876) đề nghị lập một “đội hải quân đi tuần khắp miền duyên hải nước ta” với nhiệm vụ “vận tải lương tiền của nhà nước, hộ vệ các nhà buôn và trừ diệt những giặc bể còn đương hoành hành ở Đông hải”, vua Tự Đức đã đồng ý cho lập lực lượng Tuần dương quân thuộc Nha tuần hải do chính Bùi Viện phụ trách với chức phong Thương chính tham biện kiêm Tuần hải nha chánh quản đốc.
Thuyền chiến, thuyền buồm, thuyền chỉ huy thời Vua Tự Đức (1847- 1883)
Lực lượng Tuần dương quân có quân luật riêng gồm 12 điều và được chia làm hai nhóm là Thanh đoàn đội mũ vải mặc áo nẹp xanh và Thủy dũng đội nón dấu mặc áo nẹp đỏ, thuyền của họ gọi là thuyền tuần dương dùng để tuần tiễu, canh phòng mặt biển và chống hải tặc. Tuần dương quân còn được bố trí tại các chi điếm của Nha tuần hải ở nhiều thương cảng, cửa biển trọng yếu.
Từ khi thành lập, Tuần dương quân đã giao chiến nhiều trận với giặc biển Tầu Ô, có lần truy đuổi chúng đến tận đảo Hải Nam. Dần dần các tuyến hàng hải trở lại yên ổn, các cửa biển trở nên sầm uất, tàu thuyền ra vào buôn bán ngày một nhiều. Tiếc rằng lực lượng tuần duyên đầu tiên của nước ta tồn tại không được lâu, ngay sau cái chết đột ngột của Bùi Viện vào ngày mồng 1 tháng 11 năm Mậu Dần (1878), không ai có đủ khả năng và uy tín kế thừa vị trí của ông nên lực lượng này đã tan rã nhanh chóng.
T. Dũng
* Bài đăng trên trang chuyên đề báo ĐSPL
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.