- Đang online: 1
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 19934
- Tổng truy cập: 3,370,304
Báo cáo của Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng tại Đại hội
- 340 lượt xem
MẠC TỘC VIỆT NAM HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
Số: 01/BC-HĐMT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hải Phòng, ngày 11 tháng 2 năm 2012 |
BÁO CÁO
Hoạt động của Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng thời gian qua,
phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2012 – 2015
Phần thứ nhất
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘ ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG THỜI GIAN QUA
I. Bối cảnh khó khăn và những thuận lợi bước đầu:
– Do biến cố của lịch sử, dòng họ huyết thống Mạc, hiện nay chỉ có một số rất ít chi họ vẫn giữ nguyên được tên họ Mạc, còn hầu hết các chi họ Mạc trên khắp mọi miền đất nước, đều phải mai danh ẩn tích dưới tên các họ khác để tồn tại, phát triển. Thậm chí có dòng họ phải phiêu bạt, lưu vong sinh tồn ở nước ngoài.
Xuất phát từ nguyện vọng tha thiết tự đáy lòng của các dòng họ gốc Mạc tìm về gốc tổ, ngay từ những năm 1925 – 1926, đã có hậu duệ họ Mạc từ Cao ly tìm về Việt Nam “Vấn tổ tầm tông”, mà Lê Khắc Hòe đã viết trên An Nam Tạp Chi (số 4 tháng 8/1926). Việc đó lại tái diễn vào năm 1965, mà Vũ Hiệp đã viết trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử (số 2.1996). Còn trong nước, từ thế hệ này qua thế hệ khác, năm này qua năm khác, ở nơi này hay nơi khác, con cháu dòng tộc họ Mạc vẫn âm thầm, lặng lẽ diễn ra việc tìm kiếm cội nguồn.
Ở Hải Phòng, cố hương phát tích của triều Mạc, ngay từ những năm 1980 trở lại đây, đã có Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 400 năm ngày mất của Nguyễn Bỉnh Khiêm – Trạng nguyên thời Mạc, được tổ chức vào năm 1985; tiếp đó là năm 1991, ở Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức kỷ niệm 500 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm. Rồi ngày 18/7/1994, UBND TP. Hải Phòng đã phối hợp với Hội KHLS và Viện sử học Việt Nam, tổ chức Hội thảo về Vương triều Mạc ngay trên quê Hương Kiến Thụy, mảnh đất phát tích vương triều…; Tất cả các sự kiện đó, như một luồng gió mới thổi căng cánh buồm dòng tộc họ Mạc.
Trong bối cảnh chung ấy, đã nhiều năm qua, những bậc tiền bối của tộc Mạc Hải Phòng, không quản tuổi cao, sức yếu, đường xá xa xôi, đã dày công lận lội, tìm kiếm, kết nối dòng tộc. Sau nhiều năm tìm kiếm họ hàng, biết bao vui buồn, khổ đau lắng đọng, và các cụ đã liên lạc chắp nối được nhiều chi họ, cùng nhau hội tụ về gốc tổ Cổ Trai, như: Các chi họ Mạc, họ Đào – họ Lê – họ Cù gốc Mạc ở huyện Thuỷ Nguyên; họ Hoa gốc Mạc ở Đằng Lâm, Hải An; họ Đỗ Đăng – họ Phạm gốc Mạc ở huyện Kiến Thụy; họ Nguyễn – họ Phạm gốc Mạc ở huyện An Dương; họ Hoàng gốc Mạc ở huyện An Lão – huyện Dương Kinh; họ Phạm – họ Hoàng – họ Vũ – họ Dương gốc Mạc ở huyện Tiên Lãng .v.v… có chi họ lưu lạc sang tận Kim Thành, Hải Dương, chịu tiếng là dân ngụ cư mất gốc đã trên mười đời, đến tận năm 2011 mới tìm về được gốc tổ. Và cứ như vậy, thời gian trôi qua, lại có thêm con cháu dòng tộc họ Mạc tìm về gốc tổ mỗi ngày một đông.
– Về đầu mối liên lạc, Hải Phòng vẫn chưa có Hội đồng Mạc tộc được bầu qua đại hội. Đến năm 1994, để đáp ứng yêu cầu của họ tộc, Hải Phòng mới cử được một số bác có điều kiện tham gia, hình thành Ban liên lạc họ Mạc và đã trở thành địa chỉ tin cậy trong việc kết nối dòng tộc. Và cũng từ đấy, ngày giỗ Thái Tổ Mạc Đăng Dung đã trở thành điểm sáng, hội tụ con cháu lưu lạc phương xa trên mọi miền đất nước “Vấn Tổ tầm tông”.
– Gian chuân chồng chất gian chuân trên bước đường minh sáng cho tiên tổ. Họ tộc chưa có một Ban liên lạc thống nhất đầy đủ cơ sở pháp lý, sức mạnh, để tập hợp đoàn kết, hướng dẫn các địa phương; chưa có kinh nghiệm và điều kiện hoạt động, chưa xây dựng được quy ước dòng họ, thiếu kinh phí, phương tiện, chưa có địa điểm làm việc v.v…
– Song, bước đầu đã có những khởi sắc động viên con cháu vượt khó đi lên, đó là mấy thập kỷ gần đây, dưới ánh sáng đổi mới của Đảng, giới học thuật nước nhà đã dựa trên những vấn đề thuộc quy luật phát triển lịch sử xã hội, gắn với vận mệnh dân tộc, lợi ích của nhân dân, để đánh giá công lao của nhà Mạc và các vua Mạc. Nhờ có sự đánh giá khách quan, công tâm, giới sử học đã từng bước làm rõ thêm vai trò, công lao và những đóng góp to lớn của Vương triều Mạc trong tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển lịch sử đất nước. Và từ đó, Nhà nước đã đầu tư xây dựng công trình Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, trên mảnh đất phát tích khi xưa. Con cháu dòng tộc họ Mạc đã hào hứng cùng nhau góp công, góp của tham gia công trình. Và cũng từ đây, lịch sử đã bắt đầu một trang mới cho họ Mạc và nhà Mạc; một triều đại chính thống trong giai đoạn phát triển lịch sử phong kiến Việt Nam.
II. Kết quả hoạt động trong thời gian qua:
– Từ khi ra đời, Ban liên lạc Mạc tộc thành phố Hải Phòng đã phát huy tốt vai trò tập hợp, kết nối dòng họ. Đến nay, trên địa phận Hải Phòng đã có 21 chi họ Mạc, gốc Mạc được quy tụ. Tình cảm tương thân, tương ái đã được tăng cường; một số chi họ đã chủ động xây dựng được quy ước, quỹ khuyến học, quỹ bảo trợ của dòng họ; xây dựng, tu bổ từ đường, mộ tổ, như: Chi họ Mạc ở Câu Tử Nội, Hợp Thành, Thuỷ Nguyên; chi họ Hoàng gốc Mạc ở Trâm Khê, Đại Thắng, Tiên Lãng; chi họ Hoa gốc Mạc ở Trung Hành, Đằng Lâm, Hải An; chi họ Hoàng gốc Mạc ở Quý Kim, Tân Thành, Dương Kinh … tạo nếp sinh hoạt văn hoá trong quần thể dòng tộc ngày càng tốt đẹp hơn trong cộng đồng xã hội. Động viên, khích lệ các chi họ, dòng họ tổ chức chu đáo, đông vui và thành kính các ngày giỗ, lễ, tết. Ngày giỗ của Thái tổ (22 tháng 8 âm lịch) hàng năm, tại Từ đường họ Mạc ở Cổ Trai ngày càng rộng mở, đông vui, ấm cúng, thực sự là dịp để giáo dục các thế hệ sau về tình cảm và nhân cách, hiểu biết thêm về cội nguồn, về lịch sử hào hùng của dân tộc, những truyền thống văn hoá tốt đẹp, những cống hiến to lớn cho quê hương, đất nước, của các thế hệ cha ông; không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp, vinh danh những gương sáng trong học tập, lao động và chiến đấu, cho các thế hệ sau noi gương và làm theo, để dòng họ trường tồn và không ngừng phát triển, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
– Trong những thành quả đã đạt được vừa qua, việc đáng ghi nhận mà chúng ta tự hào hôm nay, đó là: Dòng họ đã tích cực tham gia xây dựng Khu tưởng niệm Vương triều Mạc. Ngay từ những ngày đầu của dự án, dòng họ đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan chức năng; vận động các tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm, đắc biệt là con cháu, hậu duệ họ Mạc, gốc Mạc trong, ngoài thành phố và cả ở nước ngoài, tích cực tham gia công đức xây dựng Khu tưởng niệm Vương triều Mạc; cử con cháu tham gia Ban vận động xây dựng Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, giám sát thi công công trình, mua sắm, quản lý vật tư nguyên liệu, gia công đồ thờ tự, quản lý kinh phí công đức xây dựng công trình, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa công trình vào sử dụng đúng tiến độ kế hoạch, đảm bảo chất lượng tốt.
Đây là một sự kiện trọng đại, có một không hai mà dòng họ chúng ta được tham gia thực hiện: Dự án xây dựng Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (Đền thờ các Tiên đế, Tiên vương, bách quan văn võ, khai quốc công thần Mạc triều). Chúng tôi xin phép báo cáo thêm một số việc cụ thể mà dòng họ đã tham gia trong vinh dự to lớn này:
Thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân địa phương, con cháu họ Mạc – gốc Mạc cả nước, cùng với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Dự án Đầu tư xây dựng công trình Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, được phê duyệt tại Quyết định số: 1881/QĐ-UBND, ngày 24 tháng 9 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng. Công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Và chủ quản đầu tư của dự án là Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Uỷ ban nhân dân huyện Kiến Thụy được giao làm chủ đầu tư, công trình do Công ty TNHH Một thành viên Tôn tạo, phục dựng các công trình văn hoá Việt thiết kế; với 4 tổ chức phối hợp thực hiện là: Ban vận động xây dựng Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, Hội đồng Mạc tộc Việt Nam, Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng, Gia tộc họ Mạc Cổ Trai, Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng cùng 9 Đơn vị cung ứng vật tư và tham gia thi công, 6 đơn vị tham gia làm đồ thờ tự.
Với sự cố gắng tột bậc của chủ đầu tư, của con cháu dòng tộc họ Mạc, chính quyền và người dân địa phương, công trình đã được khởi công vào ngày 10/10/2009 (tức 22/8 Kỷ Sửu), trong khi tài khoản chưa có nổi một đồng. Khi giải phóng mặt bằng, nhiều con cháu các chi họ Mạc, gốc Mạc Hải Phòng, đã phải thế chấp đất đai, nhà ở để vay tiền, đền bù cho dân, giải phóng mặt bằng, lấy đất triển khai dự án. Những tấm lòng son, những nghĩa cử cao đẹp, đại hiếu, tận trung ấy, mà không cầu lưu danh, chẳng màng tư lợi. Được thấy công trình khởi công, nước mắt họ rơi, nhưng miệng lại cười; một sự hoà trộn giữa cái chua chát, tủi hận, bùi ngùi còn khê đọng trong tâm trí, với niềm vui khôn tả của cháu con dòng tộc trước một sự thật những tưởng trong mơ.
Gian chuân chồng chất gian chuân, nói sao cho xiết. Song, được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các cơ quan trung ương, Đảng và chính quyền thành phố Hải Phòng, huyện Kiến Thụy, người dân địa phương, cùng tấm lòng hảo tâm công đức của các cơ quan, đơn vị, danh nhân trong và ngoài nước, của con cháu dòng tộc họ Mạc, gốc Mạc … Ngay trong ngày khởi công, số tiền mặt công đức đã được: 596.120.000 đ – đăng ký công đức: 9 tỷ 060 triệu đồng và 300 tấn xi măng, tổng cộng đã lên tới: 9 tỷ 656 triệu 120 ngàn đồng và 300 tấn xi măng; trong đó, bà Thái Thị Hương, chi họ Thái gốc Mạc ở Nghệ An, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á, là 5 tỷ đồng. Và dòng công đức sẽ còn dài mãi theo thời gian cùng với tấm lòng người dân và cháu con họ tộc.
Rồi ngày đại vui đã đến, sau 11 tháng 18 ngày, với tốc độ thi công “thần tốc” không quản mưa gió, ngày đêm, ngày 28/09/2010 (tức 21/8 Canh Dần), nhà Chính điện Khu tưởng niệm Vương triều Mạc đã được long trọng khánh thành; một kỳ quan về lịch sử văn hoá tâm linh đã hiện hữu trên nền đất Dương Kinh, kinh đô thứ 2 của Vương triều Mạc, trong dịp kính lễ chính kỵ lần thứ 469 của Mạc Thái Tổ, tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Một vinh quang và tự hào đến tột cùng, khi Tiên tổ chúng ta được đất nước, dân tộc vinh danh trong trường tồn lịch sử văn hoá Việt, mà đã trải bao đời, chúng ta lặng lẽ, ngậm ngùi, ngưỡng vọng, những tưởng không thành !
Và từ đấy, chân linh thần tượng Tiên tổ tộc Mạc của chúng ta – Tiên đế của trăm họ, đã uy phong ngự lẫm trong Thánh điện khang trang, được dòng đời ngưỡng mộ, ba trăm sáu mươi năm ngày trong năm, đều “ấm hơi nến toả – đượm ngát hương thơm …”, ban phúc cho cháu con, cho bách nhân trăm họ.
Từ khi thần tượng các Tiên đế được an vị và phụng thờ tại Thánh điện Khu tưởng niệm, nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể, người dân, con cháu hậu duệ tộc Mạc trên cả nước và ở nước ngoài, được tin, nô nức về thăm, dâng hương tưởng niệm, cảm kích công đức to lớn của các Tiên đế triều Mạc trong những năm trị vì đất nước, đã một thời: “Dầy công với nước, nặng đức với dân”. Với văn giáo, quốc pháp dựng nước và giữ nước: “Dùng võ công mà định đoạt thiên hạ, lấy văn giáo để luyện nhân tài, mở thêm trường cho dân học chữ, ban học quy cổ vũ lòng người. Trau dồi nhân văn, thường xuyên khoa cử, tuyển kẻ sỹ, trọng hiền tài”. Vương triều Mạc đã canh tân đất nước, từ: “Tiểu nông quảng canh – tới thủ công kỹ nghệ”; từ: “Bế quan tỏa cảng – sang giao thương hải ngoại”; Rồi tới đô thị miền biển đầu tiên của nước Việt, đã hiện hữu vươn mình trên đất Dương Kinh.
Thật xứng đáng với sự tôn vinh của lòng người, nối đời truyền ngôn tri ân ca tụng:
Mạc triều canh tân, khơi dậy tiềm năng Việt
Đất nước chuyển mình, Đại Việt sánh năm châu !
Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, một kiệt tác lịch sử văn hoá tâm linh của miền duyên hải Bắc Bộ, hiện hữu của những ước mơ, của sự ngưỡng vọng bao đời cháu con tộc Mạc, xứng tầm là nơi lưu giữ những giá trị to lớn về lịch sử, văn hoá, tinh thần, vật chất của cha ông; phục vụ giáo dục tuyền thống, thăm viếng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tâm linh của nhân dân, của du khách trong và ngoài nước … là di sản thiêng liêng, vô giá, là báu vật của Liệt tổ Liệt tông, của Tiên đế, để lại cho muôn đời con cháu mai sau, cho bách nhân trăm họ.
+ Hoà cùng với thành quả viên mãn như đã báo cáo ở trên, trước đó, đã có bao việc phải đồng thời cùng làm, như: Mua ngay 100 m3 gỗ lim nhập từ Nam Phi, để kịp thời có gỗ phát mộc xây dựng nhà Chính điện; tiến hành các công đoạn tạc tượng các tiên đế, làm ngai, khám, câu đối, tìm thợ làm trống, đúc chuông, mua sắm các đồ thờ tự; cử người 4 lần hội kiến với chi họ Phạm gốc Mạc ở Ngọc Tỉnh, Xuân Trường, Nam Định, nơi lưu thờ thanh Đại long đao của Mạc Thái Tổ 418 năm, để thoả thuận nghinh rước về phụng thờ tại Khu tưởng niệm; rồi đến việc dựng bia tưởng niệm triều Mạc. Văn bia đã thực sự là một kiệt tác, là tinh hoa trí tuệ của các giáo sư, tiến sỹ, các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về văn bia, có chiều sâu trong việc nghiên cứu lịch sử triều Mạc và bề dày kiến thức về Hán Nôm, như: PGS-TS Hán Nôm Đinh Khắc Thuân, PGS-TS Trần Đình Ngôn, TS Hoàng Lê, GS Văn Tạo, GS Vũ Khiêu, TS Hoàng Văn Giáp, TS Hoàng Văn Kể, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Hải Phòng Ngô Đăng Lợi, Ths Thái Khắc Việt, Ths Nguyễn Ngọc Thao, cùng lãnh đạo huyện Kiến Thụy, Bảo tàng Hải Phòng, đại diện hậu duệ tộc Mạc…, tham dự hội thảo văn bia ngày 31/10/2010, tại trụ sở Uỷ ban nhân dân huyện Kiến Thụy; đã khắc họa đậm nét và thể hiện tính trung thực, khách quan của lịch sử, lòng thành kính, ngưỡng vọng thiêng liêng từ chân tâm vi diệu của người Việt, phụng thờ các bậc tiên tri, thánh hiền của non sông đất nước. Hiện nay, văn bia tưởng niệm triều Mạc là tâm điểm khảo cứu và ngưỡng vọng của các bậc cao niên, chí sỹ, mỗi khi đến viếng thăm Khu tưởng niệm Vương triều Mạc trên nền đất cổ Dương Kinh.
+ Tiếp đến việc phối hợp cùng các cấp, các ngành thành phố Hải Phòng và chính quyền các cấp huyện Kiến Thụy tổ chức Đại lễ kỷ niệm 470 năm, ngày giỗ Mạc Thái Tổ. Trước Đại lễ, được sự chỉ đạo và uỷ nhiệm của Hội đồng Mạc tộc Việt Nam, Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng đã tiến hành triển khai xây dựng bài vị các Tiên vương hậu triều Mạc ở Thăng Long. Ngày 16/8 Tân Mão – 2011, đã tổ chức nghinh thỉnh bài vị các Tiên vương về phụng thờ tại Khu tưởng niệm, đó là các cụ:
1) Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn
2) Đường An Vương Mạc Kính Chỉ
3) Đôn Hậu Vương Mạc Kính Cung
4) Khánh Vương Mạc Kính Khoan
5) Thuận Đức Vương Mạc Kính Vũ
Con cháu dòng tộc các chi họ Mạc, gốc Mạc Hải Phòng đã thành kính thực hành lễ an vị và tế lễ long trọng theo nghi thức cổ truyền.
+ Tiếp đến đêm ngày 19/8 Tân Mão – 2011, phối hợp với Thành hội Phật giáo Hải Phòng, thực hành Đại lễ cầu siêu vong linh các Tiên đế, Tiên vương, thân vương, đại thần, bách quan văn võ, tướng sỹ vị quốc vong thân và chiều ngày 20/8 Tân Mão – 2011, Hội đồng Mạc tộc Việt Nam, cùng Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng, phối hợp với Ban quản lý di tích Khu tưởng niệm các Vua nhà Mạc, thực hành Lễ tiến vua tại Khu tưởng niệm.
+ Đây là lần đầu tiên Lễ tiến vua được tổ chức tại Khu tưởng niệm và cũng ít nơi thực hiện tổ chức nghi lễ truyền thống này. Tại buổi lễ, các đoàn đại biểu thành phố, huyện Kiến Thụy, các doanh nghiệp, khách thập phương; các đoàn con cháu họ Mạc – gốc Mạc từ mọi miền đất nước, thành kính báo công và dâng lên các bậc Tiên đế, Tiên vương những mâm sản vật đặc sắc, do chính địa phương mình, đơn vị mình, con cháu dòng họ mình làm ra, với lời nguyện ước quyết tâm phấn đấu rèn luyện, học tập, thi đua làm ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, góp phần xoá đói, giảm nghèo, làm giầu cho gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị, địa phương và đất nước.
Với ý nghĩa cao quý ấy, Lễ tiến vua sẽ được duy trì tổ chức hàng năm vào dịp giỗ Mạc Thái Tổ, 22/8 âm lịch và sẽ trở thành lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống của nhân dân, thể hiện lòng tri ân sâu nặng của hậu thế với các bậc Thánh Đế, hiền Vương.
+ Tiếp nữa, chúng ta đang từng bước triển khai công tác chuẩn bị cho việc xây dựng khu lăng mộ các bậc Tiên đế của vương triều. Đây là công việc gian chuân, nhiều khó khăn, phức tạp. Tất cả còn đang ở phía trước. Song, bằng sự quyết tâm cao độ của cả họ tộc, với cách làm tận tâm, thành kính và cẩn trọng, với sự giúp đỡ của nhân dân và chính quyền địa
phương, khó khăn dần được tháo gỡ, cùng với sự hiển linh chỉ dẫn của Tiên tổ, hiệu quả đang đến dần theo mỗi việc làm của cháu con dòng tộc. Vừa qua, tại phần mộ Mạc Thái Tổ, các chi họ Mạc, họ Đào, họ Lê, họ Cù gốc Mạc huyện Thuỷ Nguyên, đã tự nguyện quyên góp công sức, vật liệu sửa sang phần mộ gọn gàng, sạch đẹp để đón Tết Nhâm Thìn. Một công việc chưa lớn, nhưng đã khởi đầu thể hiện nghĩa cử cao đẹp và lòng thành kính, hiếu nghĩa của con cháu với liệt tổ liệt tông.
+ Tích cực tham gia đóng góp vào các hoạt động của Mạc tộc Việt Nam, trao đổi và kết nối dòng họ muôn phương. Trong thời gian qua, hầu hết những hoạt động của chính quyền, cơ quan, đoàn thể, người dân địa phương ghi ơn công đức Mạc triều; những hoạt động của con cháu Mạc tộc tại Hải Phòng tri ân Tiên tổ, đều được kịp thời viết bài đưa tin trên trang web, để bà con trên cả nước và ở nước ngoài, biết đến những hoạt động trên mảnh đất phát tích Cổ Trai, đang hướng về tiên tổ. Tính đến nay, đã có trên 40 tin được đăng trên trang web của Mạc tộc Việt Nam. Đồng thời đã hoàn thành xây dựng một số tập gấp để ghi nhớ và tuyên truyền thông tin về dòng tộc, như các tập gấp: Vương triều Mạc; Định Nam Đao – Huyền tích một báu vật quốc gia trên 500 năm tuổi; Huyền tích Dương Kinh – Những giai thoại siêu linh thần bí và Những tâm nguyện khắc cốt ghi xương của hậu duệ tộc Mạc; đã xây dựng đĩa DVD: Phóng sự ảnh về quá trình xây dựng Khu tưởng niệm Vương triều Mạc – lồng tiếng bài ca Mạc tộc, kịp thời phục vụ họ tộc và nhân dân trong dịp lễ khánh thành giai đoạn I, Khu tưởng niệm Vương triều Mạc vào ngày 25/12/2010 tại Cổ Trai; phục vụ Đại hội đại biểu Mạc tộc Việt Nam lần thứ nhất tại Hà Nội và du khách thập phương, mỗi khi viếng thăm Khu tưởng niệm Vương triều.
+ Thường xuyên phối hợp với Ban quản lý di tích Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, thực hiện việc dâng hương, cúng lễ các ngày giỗ của các Tiên đế, Tiên vương và các ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng tại Khu tưởng niệm.
Những việc đã làm trong thời gian qua của Mạc tộc Hải Phòng, không chỉ là sự tri ân sâu nặng của con cháu dòng tộc với tiên tổ, mà còn góp phần cùng với Mạc tộc Việt Nam, con cháu họ Mạc, gốc Mạc trên cả nước, gột rửa nỗi oan khuất, tủi hận bao đời; góp phần tôn vinh những giá trị đích thực cho Vương triều Mạc, một triều đại đã có nhiều công lao đóng góp to lớn trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Quả là: Thái tổ đăng quang, Mạc triều khởi nghiệp
Năm đời thịnh trị, quốc thái dân an !
Ắt hẳn nơi vĩnh hằng, các Tiên đế, Tiên vương, cùng các bậc thân vương, đại thần, khai quốc công thần, bách quan văn võ … Vương triều Mạc, phần nào đã nhẹ lòng, mát dạ !
III. Những tồn tại, hạn chế:
– Về tổ chức bộ máy Hội đồng Mạc tộc đã được hình thành, củng cố từ tiền thân là Ban liên lạc Mạc tộc Hải Phòng; song, hoạt động chưa đều, chưa mạnh; sự phân công trong thường trực chưa rõ ràng, trách nhiệm còn chồng chéo. Chưa xác định được nhiệm vụ chiến lược, chưa xây dựng được kế hoạch, chương trình công tác cụ thể, còn bị động trong công việc.
– Về kết nối, tập hợp các dòng họ còn bề bộn, chưa có sổ sách lưu trữ số liệu cụ thể, chính xác và cập nhật thường xuyên. Các đầu mối thông tin từ các chi họ chưa được thống kê đầy đủ, rõ ràng. Mỗi khi tổ chức các phiên họp còn lúng túng về thành phần tham dự, về nội dung triển khai …
– Về đoàn kết, thống nhất nội bộ đã tốt, nhưng chưa mạnh, chưa huy động được sức mạnh tổng thể toàn họ tộc về tinh thần, kinh phí và công sức, để giải quyết những công việc trọng đại; hầu hết chỉ tập trung vào một số ít con cháu tâm huyết; nếu cứ như vậy, sẽ không thể bền vững và lớn mạnh được. Chưa quy tụ, huy động được lực lượng to lớn các con cháu hậu duệ đang tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, để hỗ trợ kinh phí và các nội dung cần thiết thực hiện các nhiệm vụ cơ bản của dòng họ.
– Chưa xây dựng được các quỹ để kịp thời động viên, khen thưởng con cháu trong học tập, cũng như giúp đỡ các thành viên, gia đình họ tộc gặp hoạn nạn, khó khăn …
– Chưa xây dựng được quy ước để thống nhất tuyên truyền, phổ biến tôn chỉ, mục đính và các quy định cần thiết trong các lĩnh vực hoạt động, công tác của dòng họ.
Phần thứ hai
PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NHIỆM KỲ 2012 – 2015
Thời gian gần đây, đã có nhiều tiến triển tốt trong việc tập hợp, kết nối, đoàn kết và tự hào từ sự ghi nhận, tôn vinh của Nhà nước; có cơ sở vật chất là Khu tưởng niệm Vương triều Mạc để tổ chức các hoạt động lớn; Đại hội Mạc tộc Việt Nam đã định hướng về tổ chức và hoạt động cho Ban liên lạc/Hội đồng Mạc tộc các địa phương. Trước bối cảnh đó, Mạc tộc Hải Phòng đề ra nhiệm vụ và đẩy mạnh các mặt công tác cụ thể:
– Trước hết thực hiện việc kiện toàn Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng, là cơ quan đầu não, tập hợp và phát huy sức mạnh đoàn kết, thực hiện thành công các nhiệm vụ của dòng họ;
– Hướng dẫn các chi họ, dòng họ kiện toàn hội đồng gia tộc, xây dựng quy ước hoạt động; đẩy mạnh kết nối dòng họ, tập hợp, đoàn kết, phát triển; phát động và đẩy mạnh các hoạt động hiếu nghĩa, khuyến học, khuyến tài, giáo dục truyền thống tương thân, tương ái, trách nhiệm xoá đói giảm nghèo, giúp nhau vượt khó, tri ân tiên tổ. Không để nơi nào có con cháu, hậu duệ họ Mạc, gốc Mạc mà không được kết nối, không biết đến cội nguồn tiên tổ.
– Tổ chức mừng thọ các bậc cao niên trong dòng tộc, có tuổi từ 90 trở lên, theo tuổi chẵn năm năm một lần. Lễ mừng thọ do Hội đồng Mạc tộc thành phố Hải Phòng tổ chức tại Từ đường Cổ Trai, vào dịp cúng giỗ Mạc Thái Tổ 22/8 âm lịch hàng năm. Các cụ có tuổi dưới 90, do các chi họ tự tổ chức mừng thọ.
– Hướng dẫn, động viên, khích lệ các chi họ, dòng họ xây dựng, sửa chữa, tu bổ từ đường, nơi thờ tự, mộ phần tiên tổ khang trang, uy linh, ấm cúng. Chăm lo hương hoả, giỗ lễ tiên tổ tại từ đường chi họ, tại từ đường Cổ Trai và Thế miếu, đảm bảo thường xuyên, nền nếp với trách nhiệm cao.
– Nghiên cứu, thu thập xây dựng cây phả hệ họ tộc; biên soạn, ghi lại các hoạt động của nhà Mạc tại Hải Phòng; của các chi họ Mạc, gốc Mạc, của cả Mạc tộc Hải Phòng từ nay về sau, để làm tài liệu ôn lại và giáo dục truyền thống cho hậu thế.
– Thành lập và đẩy mạnh hoạt động Câu lạc bộ Doanh nhân Mạc tộc Hải Phòng; tuyên truyền, vận động để cùng hội tụ dưới “Ngọn cờ hiếu – nghĩa”, khơi dựng tấm lòng “Tri ân Mạc tộc”, vun đắp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Vấn tổ tầm tông” của hậu duệ tộc Mạc; tham gia thực hiện nghị quyết Đại hội Mạc tộc; phát huy truyền thống tốt đẹp của doanh nhân đất Việt.
– Từ đường họ Mạc ở Cổ Trai, tuỳ điều kiện thực tế, sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền, cho phép quy hoạch mở rộng khuôn viên, tôn tạo, xây dựng thêm khu từ đường, để hàng năm, con cháu hậu duệ trên mọi miền đất nước về giỗ tổ, có đủ điều kiện vật chất phục vụ việc dâng hương, tế lễ; có nơi ăn, chốn nghỉ, sinh hoạt tiện lợi.
– Tích cực vận động con cháu, hậu duệ họ Mạc, gốc Mạc trong, ngoài thành phố, các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị phát tâm công đức xây dựng khu lăng tẩm các Tiên đế, Tiên vương triều Mạc, với quy mô xứng tầm công đức của tổ tiên. Đây là ước nguyện lớn lao, không riêng của Mạc tộc Hải Phòng, mà là nghĩa vụ thiêng liêng, trọng đại của con cháu, hậu duệ Mạc tộc trên cả nước.
– Tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, phối hợp với chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, làm tốt nhiệm vụ quản lý, thờ cúng và từng bước nâng cao chất lượng, nghiệp vụ của thuyết minh viên, phối hợp tổ chức các hoạt động văn hoá, lễ hội ngày càng đông vui, để Khu tưởng niệm triều Mạc, trở thành điểm du lịch về lịch sử văn hoá tâm linh lớn của Hải Phòng và khu vực, phục vụ du khách trong và ngoài nước, với chất lượng ngày càng cao.
– Tăng cường và mở rộng quan hệ kết nối dòng họ với Hội đồng Mạc tộc hoặc Ban liên lạc Mạc tộc các tỉnh, thành phố trong cả nước.
– Tích cực tham gia các hoạt động chung của Mạc tộc Việt Nam; thường xuyên và kịp thời đưa tin, viết bài trên trang web của Mạc tộc.
Và cuối cùng, chúng tôi, con cháu hậu duệ Mạc tộc Hải Phòng, ước nguyện Đại hội dương cao ngọn cờ đoàn kết, mọi người đồng tâm xây dựng khối thống nhất trong cộng đồng Mạc tộc, trong khối đại đoàn kết trăm họ Việt Nam. Phát động cao trào công đức, góp công, góp của, góp trí tuệ của từng thành viên, từng chi họ, hợp thành sức mạnh và trí tuệ tổng hợp, lựa chọn những công việc có lợi ích sâu sắc và hoàn thành thật tốt, thể hiện lòng thành kính, hiếu nghĩa với tổ tiên. Mạc tộc chúng ta sẽ trở thành cây đại thụ, trường tồn trong rừng đại thụ trăm họ của dân tộc Việt Nam.
Thưa các quý vị đại biểu, thưa toàn thể Đại hội, chúng ta họp mặt trong ngày hội lớn hôm nay, như thể có sự hiển linh phù trợ linh ứng sấm Trạng từ 400 năm trước, nay cháu con tộc Mạc sum vầy, cùng sát cánh bên nhau, chung vui đoàn kết trong cộng đồng trăm họ.
Xin kính tặng Đại hội vần thơ:
Hôm nay ngày hội giữa Dương Kinh,
Cổ Trai phát đế tổ họ mình,
Con cháu chung vui cùng hội tụ,
Hết “dị”, Mạc ta một chữ “đồng” !
Cuối cùng, tôi xin kính chúc quý vị đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc; chúc đại hội thành công tốt đẹp, thực sự là ngày hội lớn của tộc Mạc Hải Phòng.
Xin trân trọng cảm ơn !
TM. HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG (Đã ký) TS. Hoàng Văn Kể |
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG ĐẠI HỘI:
Ảnh 1: Ông Thái Khắc Việt, Phó Chủ tịch Thường trực HĐMTVN cùng các Đại biểu xem sơ đồ Quy hoạch Lăng mộ các vua Mạc (Ông Hoàng Văn Kể chỉ dẫn)
Ảnh 2: Ông Đỗ Xuân Trịnh, PCT UBND huyện Kiến Thụy tặng hoa chúc mừng Đại hội.
Ảnh 3: Lễ trao Bằng Tri ân công đức tại Đại hội.
(Tin và ảnh: Hoàng Sơn Hiền
Chánh Văn phòng HĐMT HP)
Viết bình luận
Tin liên quan
- ĐIỀU LỆ SỐ 01/NQ-HĐMTVN VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐMTVN
- NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-HĐMTVN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẠC TỘC VIỆT NAM KHÓA IV, NHIỆM KỲ 2024 – 2029
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẠC TỘC VIỆT NAM DIỄN RA THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP
- HĐMT HẢI DƯƠNG DỰ LỄ KHÁNH THÀNH HỌ PHẠM GỐC MẠC KIM BẢNG, HÀ NAM
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC LỄ KẾT NẠP HỘI VIÊN MỚI
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC TRAO THƯỞNG QUỸ KHUYẾN HỌC KHUYẾN TÀI MẠC ĐĨNH CHI CHO CÁC CHÁU CÓ THÀNH TÍCH TRONG HỌC TẬP NĂM HỌC 2023-2024
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- HỘI KIẾN SONG PHƯƠNG HĐMT HẢI PHÒNG – CÁC DOANH NHÂN TRONG ĐOÀN KHÁCH DL TRUNG QUỐC VỀ THĂM ĐỀN THỜ CÁC VUA TRIỀU MẠC (TỪ ĐƯỜNG HỌ MẠC) TẠI NGŨ ĐOAN, KIẾN THỤY, HP 29.12.2023.
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.