- Đang online: 1
- Hôm qua: 830
- Tuần nay: 17624
- Tổng truy cập: 3,412,658
BÁO CÁO TỔNG KẾT MẠC TỘC HẢI DƯƠNG NĂM 2015
- 208 lượt xem
BÁO CÁO TỔNG KẾT MẠC TỘC HẢI DƯƠNG NĂM 2015
Kính thưa : Các quý vị Đại biểu về dự Hội nghị .
Trong năm 2015 HĐMT tỉnh Hải Dương trong việc thực hiện nhiệm vụ dòng họ đã đạt được kết quả chủ yếu như sau:
I/ Kết quả đã đạt được trong năm 2015:
+Trong năm 2015 HĐMT tỉnh Hải Dương đã đạt được một số kết quả như sau:
1/ Tổ chức thành công Hội thảo khoa học Phục dựng Điện Sùng Đức- Tổ đường Mạc tộc Việt Nam và triển khai các công việc tiếp theo
+ Đầu năm 2015 Thường trực HĐMT tỉnh Hải Dương đã cùng với Thường vụ HĐMT Việt Nam tổ chức 2 buổi làm việc với lãnh đạo ĐU – UBND xã Nam Tân và thôn Long động để xin chủ trương về việc phục dựng Điện Sùng Đức- Tổ đường Mạc tộc Việt Nam. Sau đó ngày 20/3/2015 ( 10/2AL năm ất Mùi ) nhân dịp giỗ tổ Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi đã tổ chức phát động công đức kinh phí đợt 1để phục dựng Điện Sùng Đức -Tổ đường Mạc tộc Việt Nam. Đồng thời ngày 6/9/2015 ( 24/7AL Ất Mùi ) HĐMT tỉnh Hải Dương đã tổ chức thành công hội thảo khoa học phục dựng Điện Sùng Đức- Tổ đường Mạc tộc Việt Nam.
-Về dự hội thảo có 177 đại biểu. Trong đó các đại biểu khách bên ngoài gồm: Lãnh đạo địa phương xã Nam Tân và thôn Long Động. Các nhà Khoa học Trung tâm bảo tồn và phát triển văn hóa kỹ thuật truyền thống thuộc Hội KHLS Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Hội KHLS Hải Dương, Hải Phòng, Ban quản lý KTN Vương Triều Mạc. Về dòng tộc gồm có: Lãnh đạo và cơ quan HĐMT Việt Nam. Lãnh đạo HĐMT / Ban liên lạc Mạc tộc ở 12 tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam – Đà Nẵng, Nghệ Tĩnh, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Còn lại là lãnh đạo HĐMT tỉnh Hải Dương, và các chi họ Mạc gốc Mạc tỉnh Hải Dương và các thế hệ hậu duệ tiêu biểu thành đạt trên các lĩnh vực: Chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế, y tế, học vấn, khoa học kỹ thuật thuộc các chi họ Mạc, gốc Mạc trong và ngoài tỉnh.
+ Mục đích của hội thảo: Để làm sáng tỏ gốc tổ họ Mạc Việt Nam được phát tích ở thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam sách, Hải Dương đã có từ hàng ngàn năm nay trong lịch sử Việt Nam ( từ khoảng cuối thế kỷ thứ IX- từ trước đời cụ Mạc Hiển Tích đỗ Trạng Nguyên Nhà Lý năm 1086- khoảng từ 6-7 đời ). Đồng thời xác định tại nơi đây nhà Trần đã ghi nhận và đánh giá công lao to lớn phục vụ 3 triều vua Trần của cụ Mạc Đĩnh Chi, nên đã cấp đất, cấp tiền để xây dựng tổ đường thờ phụng tổ tiên họ Mạc Việt Nam. Đặc biệt khi cụ Mạc Thái Tổ lên ngôi đã dựng Điện Sùng Đức để thờ phụng tổ tiên họ Mạc Việt Nam là có thực tế trong lịch sử của Nhà nước và dòng họ.
-Tại hội thảo đã tập trung thống nhất một số vấn đề chủ yếu sau:
+ Về địa điểm xây dựng: Đã đi khảo sát thực địa 2 địa điểm để xác định vị trí xây dựng. Trong đó 1 địa điểm dự kiến xây dựng là: Điện Sùng Đức trên nền nhà của cụ Mạc Đĩnh Chi trước đây . Còn lại 1 địa điểm là: Điện Sùng Đức nằm trên trên khu vực Miếu Sùng Đức nhỏ hiện nay ( trên nền đất Điện Sùng Đức do Thái Tổ Mạc Đăng Dung đã xây dựng trước đây), nhưng do chiến tranh (1592-1593) bị tập đoàn phong kiến Lê -Trịnh triệt phá hết. Sau đó về mặt tâm linh ( ngày 28/10/2015- tức ngày 17/9AL ) Thường trực HĐMT tỉnh Hải Dương xin kính thỉnh sự chỉ dẫn của tiên tổ linh ứng ( có 3 đại đức là con cháu các chi họ Mạc tại Hải Dương, Hải Phòng về dự. Đồng thời làm chủ lễ tâm linh là Đại đức Mạc Khoa Năng Trình ), đã chính thức chọn địa điểm: Phục dựng Điện Sùng Đức tại miếu Sùng Đức nhỏ hiện nay, do nhân dân và dòng họ mới xây dựng lại từ năm 1999.
-Mục đích của hội thảo còn để xin ý kiến rộng rãi trong HĐMT Việt Nam, HĐMT/BLL Mạc tộc các tỉnh, thành phố để tạo được sự đồng thuận nhất trí cao chủ trương về việc phục dựng Điện Sùng đức – Tổ đường Mạc tộc Việt Nam từ HĐMTVN đến các tỉnh, thành, và HĐGT các chi họ Mạc, gốc Mạc trong của nước. Từ đó động viên được tâm, trí, tài, lực của các thế hệ hậu duệ họ Mạc, gốc Mạc trong cả nước, các nhà hảo tâm, các doanh nhân, danh nhân, tăng ni phật tử đóng góp, công đức, ủng hộ kinh phí, hiện vật để phục dựng Điện Sùng Đức sau này.
+ Trong Hội thảo đã tạo sự nhất trí và đồng thuận cao về sự cần thiết tất yếu khách quan phải đầu tư phục dựng Điện Sùng Đức- Tổ đường Mạc Tộc Việt Nam. Vì các dòng họ lớn trên cả nước đều có tổ đường riêng của dòng họ mình, để các thế hệ hậu duệ con cháu thờ phụng tri ân tiên tổ. Nhưng riêng họ Mạc Việt Nam hiện tại chưa có Tổ đường chung của cả nước để thờ phụng Thủy tổ họ Mạc Việt Nam. Vì vậy việc xây dựng Tổ đường Mạc tộc Việt Nam là sự cần thiết tất yếu khách quan, đây truyền thống và đạo lý uống nước nhớ nguồn, là tín ngưỡng và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Điều đó phù hợp với đường lối quan điểm của Đảng về việc xây dựng con người, và văn hóa Việt Nam tiến tiến, mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời khi Vua Mạc Thái Tổ lên ngôi cũng đã truy tôn vương hiệu cho: cụ Mạc Hiển Tích là Thủy tổ Hồng Phúc Đại Vương, truy tôn đế hiệu cho: cụ Mạc Đĩnh Chi là Viễn Tổ Kiến Thủy Khâm Minh Văn Hoàng Đế.
+ Mặt khác tại hội thảo cũng báo cáo quy hoạch tổng thể của dự án, có quy mô khoảng 3000m2. Về dự án gồm các hạng mục chính là: Nhà chính Điện có hậu cung thiết kế theo kiểu chữ Đinh, nhà tiền điện, nhà tả vu, hữu vu, cổng tam quan, nhà vệ sinh, công trình phụ trợ để trông coi quản lý từ đường, sân, đường, tường bao, khu cây xanh, bãi đỗ xe.v.v…Trong hội thảo thống nhất lấy tên gọi là: Điện Sùng Đức hay cách gọi mới là Tổ đường Mạc tộc Việt Nam . Từ đó đến nay Thường trực HĐMT tỉnh Hải Dương đã tích cực làm việc với xã, huyện để xin đất đai xây dựng công trình trong phạm vi quy hoạch dự án.
+Thời gian dự kiến để thực hiện dự án: (2015-2020). Trong đó phân kỳ đầu tư để thực hiện là: Năm (2015-2016) hoàn chỉnh quy hoạch, thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công trình cấp có thẩm quyền duyệt. Đồng thời làm các thủ tục chuyển đổi mục đích đất cho dự án, san lấp mặt bằng, cắm mốc giới phạm vi quyền sử dụng đất của công trình, làm tường bao… Tiếp theo từ năm (2017-2019), căn cứ vào nguồn vốn đầu tư sẽ xây dựng các hạng mục chính của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Năm 2020 hoàn thiện các hạng mục phụ trợ còn lại của dự án như: bồn hoa, cây xanh, tiểu cảnh, sân đường nội bộ và mua sắm bổ sung nội thất thờ tự còn thiếu…
– Trong đó về ngày giỗ của Thủy tổ họ Mạc Việt Nam qua truyền ngôn của họ Mạc ở Long động là ngày giỗ thánh 15/11 AL. Đồng thời cùng với việc kính thỉnh các cụ tổ tiên họ Mạc về mặt tâm linh ( do Đại Đức Khoa Mạc Năng Trình chủ trì ), các cụ đã nhất trí cho phép lấy ngày 15/11 âm lịch hàng năm là ngày giỗ của Thủy tổ họ Mạc Việt Nam.
2/ Công tác phát triển tổ chức HĐMT tỉnh và kết nối các chi họ ở các Cụm huyện
– HĐMT tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Cụm huyện kết nối các chi họ Mạc, gốc Mạc trong tỉnh, đến nay đã có 55 chi họ Mạc, gốc Mạc tham gia sinh hoạt chung trong HĐMT tỉnh ( toàn tỉnh đã phát hiện có trên 62 chi họ Mạc, gốc Mạc ). Theo thống kê sơ bộ trong HĐMT tỉnh có khoảng 22.058 nhân khẩu, trong đó có 10.212 nam, nữ 11.846 người. Trong đó ở các cụm huyện như sau: Nam Sách = 22 chi họ, Kinh Môn = 12 , Thanh Hà = 5 , Chí Linh= 5 , Kim Thành = 4 , Thành phố Hải Dương và các huyện còn lại = 7 . ( Số còn lại đã phát hiện có 8 chi họ ở các cụm huyện nhưng chưa tham gia ).
– Năm 2015 là dịp kỷ niệm 20 năm ( 1995-2015) ngày thành lập Ban LL lâm thời Mạc tộc tỉnh Hải Dương. Cho đến nay đã phát triển mạnh mẽ về mặt tổ chức thành HĐMT tỉnh Hải Dương đã tổ chức ĐHĐB qua 2 nhiệm kỳ từ (2010 – 2014) và từ (2014-2019).
– Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện của các chi họ Mạc gốc Mạc cơ sở, Thường trực HĐMT tỉnh tiếp tục chỉ đạo các chi họ cơ sở từng bước kiện toàn HĐGT theo nhiệm kỳ mới và báo cáo kết quả kiện toàn HĐGT của chi họ về HĐMT tỉnh, để ra quyết định công nhận HĐGT theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của HĐMTVN, và quy chế hoạt động của HĐMT tỉnh nhiệm kỳ II đã quy định.
3/ Xây dựng Từ đường, Lăng Mộ tổ ở các chi họ cơ sở:
-Trong năm 2015 một số chi họ cơ sở đã tôn tạo lăng mộ tổ với gía trị hàng trăm triệu đồng như: Chi họ Nguyễn Xuân gốc Mạc ở Cổ Pháp Cộng Hòa, Nam Sách xây dựng lăng mộ tổ khoảng 255 triệu đồng. Chi họ Nguyễn gốc Mạc xã Hiệp An, Kinh Môn tôn tạo khu lăng mộ tổ khoảng 145 triệu đồng. Chi họ Mạc thôn Nam Hà huyện Kinh Môn đã tôn tạo nhà thờ trị giá 350 triệu đồng. Hiện nay để thực hiện chủ trương của trên Thường trực HĐMT tỉnh đề nghị các chi họ cơ sở tùy theo điều kiện khả năng của mình, cố gắng động viên con cháu trong họ người có của, người góp công, để xây dựng nhà thờ của chi họ mình dù to hay nhỏ, để thờ phụng tiên tổ được tôn nghiêm và uy linh.
4/ Các hoạt động tình nghĩa, khuyến học khuyến tài ở các chi họ cơ sở:
-Trong năm 2015 mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng HĐGT các chi họ cơ sở vẫn duy trì tổ chức lễ khuyến học, khuyến tài, tuyên dương khen thưởng cho các cháu đỗ Đại học (45 cháu ), Thạc sỹ (4 cháu ) tiêu biểu như: Chi họ Nguyễn Xuân gốc Mạc, chi họ Đặng gốc Mạc xã Cộng Hòa, chi họ Mạc thôn Long Động, Nam Sách. Chi họ Hoàng Văn, chi họ Nguyễn gốc Mạc xã Hiệp An, chi họ Mạc Huệ Trì, xã An Phụ, Chi họ Mạc Đích Sơn, xã Hiệp Hòa, Kinh Môn. Chi họ Mạc thôn Vũ La, P.Nam Đồng, TP.Hải Dương, chi họ Nguyễn Thế gốc Mạc xã Thúc Kháng, Bình Giang. Chi họ Mạc thôn Văn Mạc, xã Liên Mạc, Thanh Hà , Chi họ Nguyễn Đức gốc Mạc thôn Thanh Liên, xã Cộng Hòa, Kim Thành và nhiều chi họ khác… Trong đó một số chi họ đã có quỹ khuyến học từ 10-30 triệu đồng trở lên, để chi công tác khuyến học.Trong năm 2015 một số chi họ tổng kết khuyến học 10 năm ( 2005-2015) đã được tặng giấy khen của Hội khuyến học cấp huyện trở lên…
– Trong hoạt động tình nghĩa nhiều chi họ cơ sở còn xây dựng được quỹ hiếu, nghĩa số tiền từ 10-80 triệu đồng , để thăm hỏi khi ốm đau, thăm viếng khi qua đời, giúp nhau có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Đồng thời nhiều chi họ đã duy trì các hoạt động như: Tổ chức chúc thọ, mừng thọ nhiều cụ “ tuổi cao gương sáng ” từ 80; 85 tuổi trở lên. Trong đó một số chi họ cơ sở còn tôn vinh khen thưởng nhiều người tốt việc tốt, các tấm gương điển hình tiên tiến đã có công đóng góp xây dựng dòng họ. Trong đó dịp tết nguyên đán Ất Mùi – năm 2015 một số chi họ còn tặng quà tết cho các cụ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt ( Mỗi xuất quà trị giá 100–150 ngàn đồng ). Đây là những nghĩa cử cao đẹp: “ lá lành đùm lá rách, một giọt máu đào hơn ao nước lã ” thể hiện truyền thống đạo lý, uống nước nhớ nguồn, chúng ta cần nhân rộng và phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp ấy.
5/ Các hoạt động giỗ tổ theo chỉ đạo chung của HĐMT tỉnh
– Trong năm 2015 HĐMT tỉnh chỉ đạo các chi họ đã cử hàng trăm con cháu về dâng hương, dâng lễ giỗ Viễn tổ và dự lễ tưởng niệm 669 năm ngày mất ( ngày 10/2 ÂL Ất Mùi), của Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi tại Đền thờ của Ngài ở thôn Long Động, xã Nam Tân. Trong đó 2 chi họ Mạc thôn Long động, đã tổ chức đón tiếp chu đáo con cháu các chi họ Mạc gốc Mạc trong và ngoài tỉnh, cùng du khách thập phương về dâng hương giỗ tổ. Đồng thời HĐMT tỉnh còn chỉ đạo các chi họ cơ sở cử hàng trăm lượt con cháu về dự lễ giỗ tổ bà Thái Hoàng-Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn ( 15/6 ÂL Ất Mùi ) và Đại lễ giỗ Vua Mạc Thái Tổ ( 22/8ÂL Ất Mùi) ở Cổ Trai, Kiến Thụy. Trong đó năm 2015 HĐMT tỉnh lần đầu tiên tổ chức cúng giỗ Thủy tổ họ Mạc Việt Nam ngày (15/11AL-25/12/2015) có đại diện HĐMT Việt Nam, Hà Nội, Hải Phòng và các chi họ ở Hải Dương đã về dự. Trong năm HĐMT tỉnh chỉ đạo chi họ cơ sở duy trì giỗ Thủy tổ thường niên của chi họ mình. Trong giỗ tổ đã tuyên truyền lịch sử dòng họ, giáo dục truyền thống, động viên mọi con cháu trong họ cùng chung tay góp sức, để xây dựng ngôi nhà chung Mạc Tộc Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.
6/ Công đức Kinh phí để Phục dựng Điện Sùng Đức – Tổ đường Mạc tộc Việt Nam
+Từ đầu năm 2015 đến nay HĐMT tỉnh đã phát động công đức 3 đợt trong giai đoạn I như sau: Toàn bộ công đức 3 đợt = 159,1 triệu đồng. Trong đó Cụm Nam Sách =36,1 triệu đồng; Cụm Kinh Môn = 34,3 triệu đồng. Cụm Thành phố Hải Dương và các huyện = 20,5 triệu đồng. Cụm Kim Thành = 16 triệu đồng. Cụm Thanh Hà = 12,9 triệu đồng. Cụm Chí Linh = 1 triệu đồng. Còn lại là tiền công đức của HĐMT các tỉnh, thành phố khác về dự hội thảo Phục dựng Điện Sùng Đức- Tổ đường Mạc tộc Việt Nam.
+ Về thu hội phí từ đầu năm 2015 theo quy chế của HĐMT tỉnh Hải Dương. Tính đến ngày 30/11/2015 mới có 26/55 chi họ đã nộp đủ hội phí năm 2015 ( thu được 6,2 triệu đồng, đạt 47,3% ). Trong đó đã thu được của các cụm như sau: Cụm Nam Sách thu được 11/22 chi họ; Cụm Kinh Môn 6/12 chi họ; Cụm Kim Thành 2/4 chi họ; Cụm Thanh Hà 2/5 chi họ; Cụm TP Hải Dương 4/7 chi họ, Cụm Chí Linh 0/5 chi họ ). Do số thu từ hội phí còn hạn chế, nên các hoạt động chung của HĐMT tỉnh và các cụm huyện gặp rất nhiều khó khăn.
7/ Các hoạt động đối ngoại của HĐMT tỉnh
– Trong năm 2015 ( ngày 25/8 ) HĐMT tỉnh Hải Dương cũng đã cử đoàn đại biểu đi dự lễ gắn biển đặt tên đường phố Vua Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông trên địa bàn phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
+ Đánh giá chung: Trong năm 2015 HĐMT tỉnh và các chi họ cơ sở trong tỉnh đã có những bước phát triển mới cả về số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động việc họ. Trong đó đã có 5 tập thể và 7 cá nhân xuất sắc tiêu biểu tích cực đóng góp cho các hoạt động phong trào chung của HĐMT Hải Dương và các chi họ cơ sở, nên đã được Chủ tịch HĐMT tỉnh Hải Dương tặng “danh hiệu Mạc tộc tinh hoa”. Đồng thời 40 cụ “ tuổi cao gương sáng” được Chủ tịch HĐMT tỉnh tặng bằng chúc thọ. Đây là những bông hoa tươi thắm trong rừng hoa đẹp người tốt, việc tốt của dòng họ. Đề nghị toàn thể hội nghị chúc mừng thành tích của các tập thể và cá nhân thuộc Mạc tộc tỉnh Hải Dương trong năm 2015.
-Một số bài học kinh nghiệm cho thấy để thực hiện tốt phương châm chỉ đạo trong việc họ, trước hết mỗi thành viên trong HĐMT tỉnh và UVHĐGT các chi họ cơ sở phải là những hạt nhân trung tâm đoàn kết, là đầu tàu gương mẫu, miệng nói tay làm, là nòng cốt tiêu biểu để xây dựng dòng họ. Đồng thời từ lãnh đạo và UVHĐMT tỉnh , đến các lãnh đạo HĐGT và UVHĐGT ở các chi họ phải có: Có lòng nhiệt tình, tâm trong sáng, hướng thiện, có tinh thần đoàn kết, có trách nhiệm cao, để quy tụ kết nối xây dựng dòng họ, có trí tuệ hiểu biết, có tài lực và sức khỏe để phục vụ gia đình, phục vụ dòng họ và xã hội được tốt hơn.
+ Yếu điểm: Tình hình hoạt động của một số chi họ cơ sở chưa đều, phương pháp tuyên truyền vận động chưa thấu đáo, đến mọi người, nên chưa thu hút được các thành viên, con cháu nhiệt tình tích cực tham gia việc họ. Một số chi họ đi dự hội nghị tham gia các sinh hoạt chung với HĐMT tỉnh chưa nhiệt tình, nên thông tin, tuyên truyền từ HĐMT tỉnh xuống đến các chi họ chưa đầy đủ, kịp thời. Một số chi họ cơ sở chậm nộp hội phí năm 2015 và chưa tham gia công đức để Phục dựng Điện Sùng Đức- Tổ đường Mạc tộc Việt Nam. Riêng Cụm Chí Linh tham gia các hoạt động phong trào chung của HĐMT tỉnh còn yếu. Có lãnh đạo, và ủy viên vào HĐMT tỉnh đến nay mới được hơn 1 năm đã xin nghỉ việc, nhưng không lựa chọn được người thay thế. Một số ủy viên Ban Vận động của HĐMT tỉnh và các cụm huyện còn ngại đi tuyên truyền, vận động công đức kinh phí để phục dựng Điện Sùng Đức – Tổ đường Mạc tộc Việt Nam.
II/ Phương hướng hoạt động của HĐMT tỉnh năm 2016
1/- Trong năm 2016 HĐMT Hải Dương sẽ thực hiện tốt một số hoạt động chính như sau: Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong các chi họ Mạc, gốc Mạc trong và ngoài tỉnh Hải Dương về việc công đức, và đóng góp kinh phí Phục dựng Điện Sùng Đức – Tổ đường Mạc tộc Việt Nam giai đoạn II. Đồng thời tích cực xúc tiến các thủ tục pháp lý về đất đai với các cấp có thẩm quyền để có đủ điều kiện, nếu thuận lợi dự kiến chuẩn bị lễ động thổ vào dịp ngày 9-10/2 AL năm Bính Thân – 2016.
-Năm 2016 làm tốt các hoạt động đối nội và đối ngoại chung của HĐMT Việt Nam như: Chỉ đạo các chi họ cơ sở tích cực tham gia tổ chức lễ giỗ tổ 670 năm (10/2 Âm lịch) tại Đền thờ Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi. Đồng thời đón tiếp chu đáo đại biểu HĐMT các tỉnh thành và con cháu hậu duệ Mạc tộc trong và ngoài nước về dâng hương giỗ tổ. Mặt khác chỉ đạo các chi họ cơ sở động viên con cháu đi dự giỗ Vua Mạc Thái Tổ (22/8ÂL ) ở Cổ Trai và giỗ cụ Tổ bà Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn ( 15/6AL ).
2/-Trong đó từ năm 2016 trở đi HĐMT Hải Dương sẽ đề nghị Thường vụ HĐMT VIệt Nam công nhận và tổ chứcì ngày lễ giỗ Thủy tổ họ Mạc Việt Nam vào ngày 15/11 ÂL thành nề nếp thường xuyên. Mặt khác tiếp tục kết nối với Mạc tộc các nước để tìm hiểu chi nhánh con cháu hậu duệ của Cụ Viễn tổ Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi tại Hàn Quốc.
3/- Tiếp tục chỉ đạo các chi họ cơ sở kiện toàn Hội đồng gia tộc, theo hướng có đủ các thế hệ, lứa tuổi để kế cận giúp cho hoạt động của HĐGT ở cơ sở năng động và có chất lượng, hiệu quả hơn, theo đúng tinh thần: “ Hướng về cội nguồn, Tri ân tiên tổ, nề nếp kỷ cương, phát triển bền vững ”. /- Tiếp tục chỉ đạo các chi họ cơ sở kiện toàn Hội đồng gia tộc, theo hướng có đủ các thế hệ, lứa tuổi để kế cận giúp cho hoạt động của HĐGT ở cơ sở năng động và có chất lượng, hiệu quả hơn, theo đúng tinh thần: “ Hướng về cội nguồn, Tri ân tiên tổ, nề nếp kỷ cương, phát triển bền vững ”.
– Tiếp tục chỉ đạo các chi họ cơ sở làm tốt việc giỗ tổ thường niên của chi họ mình, đi vào nề nếp, theo đúng văn hóa tâm linh. Trong đó nếu có điều kiện nên tổ chức mời các chi họ trong cụm huyện về dự giỗ tổ của chi họ mình, để giao lưu học tập lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm, trong việc họ giữa các chi họ Mạc, gốc Mạc trong từng cụm huyện với nhau.
4/- Hướng dẫn giúp đỡ các chi họ cơ sở tiếp tục xây dựng quy ước dòng họ, bổ sung gia phả. Đồng thời sưu tầm và cung cấp tư liệu lịch sử và các tấm gương tiêu biểu của dòng họ, để giúp đỡ các nhà nghiên cứu đề tài khoa học lịch sử bổ sung tư liệu về nhà Mạc và họ Mạc trên đất Hải Dương để chiêu tuyết cho tổ tiên. Đồng thời chỉ đạo các chi họ cung cấp tư liệu gia phả để HĐMT Việt Nam và Ban liên lạc Mạc tộc Hà Nội bổ sung và tái bản cuốn Hợp biên thế phả họ Mạc. Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, động viên người tốt, việc tốt, nhân rộng và học tập các tấm gương điển hình tiên tiến trong việc họ. Mặt khác nghiên cứu bổ sung các mẫu bằng tôn vinh danh hiệu Mạc tộc Tinh Hoa, bằng chúc thọ tuổi cao gương sáng, bằng khuyến học, khuyến tài Mạc Đĩnh Chi, để thống nhất thực hiện trong các chi họ Mạc gốc Mạc trong HĐMT tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu để khi có đủ điều kiện, xây dựng mô hình HĐMT cấp huyện sao cho phù hợp và tăng cường hiệu quả hoạt động việc họ lên một tầm cao mới.
Trên đây là báo cáo một số kết quả những việc đã làm được của HĐMT tỉnh trong năm 2015 và phương hướng hoạt động chủ yếu năm 2016.Nhân dịp đầu xuân năm mới 2016 thay mặt lãnh đạo HĐMT tỉnh, xin kính chúc quý vị đại biểu khách quý và toàn thể hội nghị một năm mới sức khỏe, gia đình hạnh phúc, an khang thịnh vượng và thành công trong cuộc sống. Chúc cho dòng tộc chúng ta ngày càng phát triển bền vững. Xin trân trọng cảm ơn.
________________________________
HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI DƯƠNG Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
—————–&—————-
Hải Dương; ngày 03 tháng 01 năm 2016
THƯ KÊU GỌI PHÁT TÂM CÔNG ĐỨC
Phục dựng Điện Sùng Đức – Tổ đường Mạc tộc Việt Nam
Kính gửi: – Các thế hệ hậu duệ con cháu nội, ngoại, dâu rể họ Mạc, gốc Mạc, các doanh nhân danh nhân, tăng ni phật tử, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh Hải Dương
Nhớ khi xưa buổi hồng hoang từ thế kỷ thứ IX, tổ tiên họ Mạc đã về định cư tại khu vực sông Sách Giang, (nay là sông Kinh Thầy), làng Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương. Nơi tàng long, tọa hổ, tụ khí thiêng sông núi đã sản sinh ra 3 Trạng nguyên nhà Mạc là: Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quang huynh đệ đồng triều thực là hiếm có, làm quan đến chức: Thượng thư Bộ Lại, Bộ Công thời Vua Lý Nhân Tông. Tiếp đến Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi làm quan đại thần cho 3 đời vua Trần Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông. Sau đó Cụ được cử giữ chức quan cao nhất trong triều là: Đại liêu Ban Tả Bộc xạ ( tương đương với Tể tướng ). Kế tiếp là Trạng Nguyên Võ- Thái tổ Hoàng đế Mạc Đăng Dung đã sáng lập nên Vương triều Mạc với 12 đời vua: “một thời dày công với nước, nặng đức với dân”. Thái Tổ Mạc Đăng Dung khi lên ngôi Hoàng đế đã về Long Động truy tôn vương đức cho Cụ Mạc Hiển Tích là Thủy tổ Hồng Phúc Đại Vương, Cụ Mạc Đĩnh Chi là Viễn Tổ Kiến thủy Khâm Minh Văn Hoàng Đế và các liệt tổ liệt tông khác. Đồng thời Thái Tổ Mạc Đăng Dung cho dựng “Điện Sùng Đức”, để thờ cúng tri ơn tiên tổ họ Mạc Việt Nam. Tiếc thay do chiến tranh phong kiến năm 1592-1593 đã tàn phá hết.
Ngày nay thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan khoa học, để mang lại sự công minh của lịch sử và công bằng của xã hội. Trong đó hơn ¼ thế kỷ qua rất nhiều cuộc hội thảo khoa học ở cấp tỉnh, cấp quốc gia nghiên cứu về Vương triều Mạc và dòng họ Mạc trong tiến trình lịch sử dân tộc ( như ở Kiến Thụy năm 1994, Thăng Long 2010, Cao Bằng 2011, Hải Dương (Kinh Môn)2011, Vĩnh Phúc 2013, Nghệ An 2014) . Trong các cuộc hội thảo trên bằng sự khách quan, khoa học và công tâm của các nhà khoa học hàng đầu trên nhiều lĩnh vực như: Giáo sư Viện sỹ Vũ Khiêu, Phan Huy Lê, Giáo sư Văn Tạo,Trần Quốc Vượng, Trần Thị Vinh, Ngô Đăng Lợi, Tăng Bá Hoành, Lê Văn Hòe, Đinh Khắc Thuân, Trần Lâm Biển.v.v…Đặc biệt là các nhà khoa học lịch sử, xã hội nhân văn, hán nôm, khảo cổ học đã nghiên cứu về văn hóa giáo dục, kinh tế xã hội, thể chế chính trị, quốc phòng an ninh và bang giao thời Mạc, cùng với các danh nhân, danh tướng nổi tiếng thời Mạc nên đã có nhìn nhận đánh giá đúng về Vương Triều Mạc là một Vương triều chính thống có nhiều đóng góp tích cực trong tiến trình lịch sử 4000 năm của dân tộc Việt Nam. Vì vậy năm (2009-2010) Đảng và Nhà nước đã quan tâm cho xây dựng Khu Tưởng niệm Vương triều Mạc (Thái miếu nhà Mạc ) ở Cổ Trai, Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng và Đền thờ Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi ở Long Động, Nam Tân, Nam Sách Hải Dương khang trang bề thế do Nhà nước quản lý, được đưa vào là một trong những công trình trọng điểm kỷ niệm1000 năm Thăng Long. Nhưng đến nay vẫn còn nhiều công trình văn hóa lịch sử thời Mạc chưa được phục dựng, khai thác tôn vinh, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trong thời đại mới, để giáo dục truyền thống cho hậu thế.
Từ thực tế trên theo nguyện vọng tâm huyết của toàn thể bà con cô bác họ Mạc, gốc Mạc trong cả nước. Đồng thời qua hội thảo ngày 6/9/2015 tại Long Động về việc phục dựng “Điện Sùng Đức-Tổ đường Mạc tộc Việt Nam”, có đại diện HĐMT Việt Nam và HĐMT/BLL Mạc tộc 12 tỉnh, thành phố; cùng với 55 chi họ Mạc gốc Mạc tỉnh Hải Dương, đã thống nhất và đồng thuận rất cần thiết phải đầu tư phục dựng Điện Sùng Đức tại nơi phát tích gốc tổ họ Mạc Việt Nam đã có hàng ngàn năm trong lịch sử nước nhà. Được sự nhất trí củaThường trực HĐMT Việt Nam, lãnh đạo HĐMT tỉnh Hải Dương lập dự án “ Phục dựng Điện Sùng Đức ” tại nền Điện Sùng Đức cũ trước đây, do Thái Tổ Mạc Đăng Dung xây dựng năm (1527-1530) trên nền Từ đường cổ của Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi tại làng Lũng động xưa (hiện còn nền đất, có ngôi Miếu Sùng Đức nhỏ). Để khôi phục một công trình văn hóa cổ thời Mạc, trên vùng đất địa linh nhân kiệt là gốc tổ của họ Mạc Việt Nam, là nơi đã sản sinh cho đất nước nhiều hiền tài, trí thức kiệt xuất, làm rạng rỡ cho nền văn hóa và ngoại giao của Việt Nam. Đồng thời đây cũng là đất gốc tổ của Thái tổ Mạc Đăng Dung người đã có công lao to lớn xây dựng nên Vương Triều Mạc “ một thời dày công với nước, nặng đức với dân”. Trong đó có nhiều nhà hiền tài kiệt xuất hết lòng hết sức phục vụ cho Vương triều Mạc như: Trạng Nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Dương Xuân An, Nguyễn Thị Duệ…, các danh tướng Mạc Kính Điển, Mạc Phúc Tư, Mạc Ngọc Liễn, Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn.v.v… Đặc biệt có những thành tựu to lớn về cải cách kinh tế, văn hóa giáo dục, an sinh xã hội. quốc phòng an ninh, và bang giao.v.v… được lịch sử Việt Nam và thế giới ghi nhận, đánh giá cao không thể bị xóa nhòa, đã góp phần xứng đáng của Vương triều Mạc và dòng họ Mạc trong tiến trình lịch sử 4000 năm văn hiến của dân tộc Việt Nam.
Bản dự án đã được Thường Vụ HĐMT Việt Nam, và lãnh đạo Đảng ủy – UBND xã Nam Tân, và huyện Nam Sách cùng các cơ quan chuyên môn nhất trí. Kinh phí để “Phục dựng Điện Sùng Đức ”chủ yếu dựa vào nguồn vốn xã hội hóa, phát tâm công đức của các thế hệ hậu duệ con cháu họ Mạc, gốc Mạc trong cả nước, các nhà hảo tâm khác có cảm tình và yêu mến họ Mạc công đức kinh phí giai đoạn I để thuê thiết kế, hoàn chỉnh quy hoạch, trình duyệt dự án, thiết kế với cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời xin các cấp chính quyền ra quyết định thu hồi đất, đền bù hoa lợi trên đất và cấp đất để xây dựng công trình. Đến nay giai đoạn I đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị chuyển tiếp sang giai đoạn II. HĐMT Việt Nam và HĐMT tỉnh Hải Dương phát động công đức giai đoạn II đối với toàn thể HĐMT các cấp, các thế hệ hậu duệ các chi họ Mạc, gốc Mạc trong toàn quốc, để có kinh phí xây dựng công trình dự kiến đầu năm 2016 ( ngày 9-10/2 âm lịch năm Bính Thân) sẽ làm lễ khởi công động thổ “ Phục dựng Điện Sùng Đức – Tổ đường Mạc tộc Việt Nam”.
Được sự ủy nhiệm của HĐMT Việt Nam, HĐMT tỉnh Hải Dương tha thiết đề nghị HĐMT các cấp, HĐGT các chi họ Mạc, gốc Mạc toàn quốc, các thế hệ hậu duệ họ Mạc, gốc Mạc, các doanh nhân, danh nhân, tăng ni phật tử, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ, công đức kinh phí và vật chất để xây dựng công trình. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn và ghi nhận đánh giá cao các tấm lòng “Vàng , và nghĩa cử cao đẹp ” của các quý vị, đã giúp cho công trình nhanh chóng được khởi công và sớm đưa vào sử dụng đúng mục đích ý nghĩa. (Các quý vị ở xa có thể gửi tiền công đức qua tài khoản như sau:
– Tên Tài khoản: Hội đồng Mạc tộc tỉnh Hải Dương. Số tài khoản: 46010002828061
– Tại Ngân Hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam. Chi nhánh Hải Dương
– Loại tài khoản tiền gửi thanh toán, loại tiền VNĐ .
TM.HĐMT VIỆT NAM – HĐMT HẢI DƯƠNG
PHÓ CHỦ TỊCH HĐMT VIỆT NAM
CHỦ TỊCH HĐMT HẢI DƯƠNG
Đại tá: Trần Mạc Đăng Úy
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ CỦA HĐMT HẢI PHÒNG NĂM GIÁP THÌN 2024
- HẢI PHÒNG HỌP BÁO HỘI THI VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC 2025
- HỘI THI TRUYỀN THỐNG VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC, XUÂN ẤT TỴ 2025
- HẢI PHÒNG TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH HỘI THI TRUYỀN THỐNG VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC 2025
- LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ LẦN THỨ 351 THỦY TỔ HỌ MẠC CỔ TRAI
- HỘI ĐỒNG DI SẢN VĂN HÓA QUỐC GIA THÔNG QUA ĐỀ ÁN VINH DANH CỤM DI TÍCH NHÀ MẠC TẠI HẢI PHÒNG
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- HỘI KIẾN SONG PHƯƠNG HĐMT HẢI PHÒNG – CÁC DOANH NHÂN TRONG ĐOÀN KHÁCH DL TRUNG QUỐC VỀ THĂM ĐỀN THỜ CÁC VUA TRIỀU MẠC (TỪ ĐƯỜNG HỌ MẠC) TẠI NGŨ ĐOAN, KIẾN THỤY, HP 29.12.2023.
- ĐẠI LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ ĐỨC MẠC THÁI TỔ QUÝ MÃO 2023
- ĐẠI LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ THÁNH MẪU MẠC TRIỀU
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC