- Đang online: 2
- Hôm qua: 1110
- Tuần nay: 21313
- Tổng truy cập: 3,371,744
AI PHÁ THÀNH NHÀ MẠC Ở TUYÊN QUANG?
- 3449 lượt xem
Mactoc.com: Trước tình hình Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn đang bị đe dọa, chúng tôi xin đưa lại hình ảnh thành nhà Mạc ở Tuyên Quang đã bị “trùng tu, tôn tạo” như thế nào! Việc làm thiếu trách nhiệm của những người quản lý các di tích lịch sử quốc gia ở Tuyên Quang đã làm dấy lên một làn sóng phản đối và nỗi lo lắng sâu sắc của các nhà Văn hóa, Lịch sử và đông đảo người dân. Xin chân thành cám ơn tác giả Nguyễn Thúy Quỳnh, Lê Quang Hòa, Phạm Viết Đào và rất nhiều tác giả khác đã có những bài viết sâu sắc về sự kiện đau buồn không riêng của công đồng Mạc tộc mà của Lịch sử Văn hóa nước nhà!
AI LÀ THỦ PHẠM PHÁ THÀNH NHÀ MẠC Ở TUYÊN QUANG ?
Thành nhà Mạc trước khi trùng tu. |
PHẠM VIẾT ĐÀO
Vừa đọc 1 comment trên Blog của Thúy Quỳnh của bạn Lê Quang Hòa, không biết bạn Lê Quang Hòa là ai mà thông tỏ quy trình đầu tư và tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa thành nhà Mạc ở Tuyên Quang khá là cụ thế đến chân tơ kẽ tóc đến thế ? Qua những ý kiến của bạn Lê Quang Hòa nếu xác thực, tôi đoán bạn là người trong bộ máy công quyền của tỉnh Tuyên Quang.
Nếu ai không tận mắt chứng kiến những hình ảnh được chụp lại, được “ bắt tận tay day tận trán…” mà chỉ đọc ý kiến của bạn Lê Quang Hòa thì người đọc sẽ hiểu: Những người có trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa ở tỉnh Tuyên Quang đâu đến nỗi không biết cách bảo vệ và tôn tạo di tích, họ đâu có không hiểu Luật Di sản, họ rất thuộc bài bản đầu tư, tôn tạo, trùng tu một di tích cổ…
Tóm lại, việc đầu tư, tôn tạo di tích thành nhà Mạc ở Tuyên Quang không phải do đám ” ú ớ Việt gian ” làm mà do những người có trọng trách, có hiểu biết về luật pháp, về chuyên ngành văn hóa làm. Thế thì tại sai lại để xảy ra cơ sự này ? Có mà trời hiểu?
Qua ý kiến của bạn Lê Quang Hòa nếu xác thực thì một số người ở những cơ quan sau đây phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì đã có đủ bằng chứng về các hành vi vi phạm Luật Di sản, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phá hoại thành nhà Mạc-một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Những hành vi này có thể xếp vào khung hình phạt: Tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng… được quy định tại Điều 174 của Bộ Luật Hình sự và Tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…vì đã biến một di tích được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du tích xếp hạng thành một cái lò gạch…
Theo Điều 34 của Luật Di sản quy định: “Việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải được xây dựng thành dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải bảo đảm giữ gìn tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích.”
Điều 5 của Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam, thắng cảnh ( QCBQDT )-(Ban hành kèm theo Quyết định số: 05/2003/QĐ-BVHTT, ngày 06 tháng 02 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin) quy định: Nguyên tắc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích
“1. Chỉ tiến hành bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trong trường hợp cần thiết và phải lập thành dự án (Trường hợp tu sửa cấp thiết di tích thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Quy chế này). Dự án và thiết kế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích hoặc báo cáo tu sửa cấp thiết di tích phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Bảo đảm tính nguyên gốc, tính chân xác, tính toàn vẹn và sự bền vững của di tích.
3. Ưu tiên cho các hoạt động bảo quản, gia cố di tích trước khi áp dụng những biện pháp kỹ thuật tu bổ và phục hồi khác.
4. Việc thay thế kỹ thuật hay chất liệu cũ bằng kỹ thuật hay chất liệu mới phải được thí nghiệm trước để bảo đảm kết quả chính xác khi áp dụng vào di tích.
5. Chỉ thay thế một bộ phận cũ bằng một bộ phận mới của di tích khi có đủ những chứng cứ khoa học chuẩn xác và phải có sự phân biệt rõ ràng giữa bộ phận mới thay thế với những bộ phận gốc.
Điều 11 của QCBQDT quy định về Quy trình và giới hạn tu sửa cấp thiết di tích:
“1. Việc tu sửa cấp thiết di tích chỉ được tiến hành sau khi có quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Giới hạn phạm vi tu sửa cấp thiết di tích bao gồm: sửa chữa các bộ phận, cấu kiện hỏng bằng cách nối, vá, chống đỡ hoặc thay thế cấu kiện mới tương tự.
3. Sở Văn hóa – Thông tin hoặc cơ quan quản lý di tích cấp tỉnh chịu trách nhiệm thành lập và trực tiếp quản lý tổ tu sửa cấp thiết di tích. Tổ tu sửa cấp thiết di tích bao gồm 01 cán bộ quản lý di tích ở tỉnh và 01 kiến trúc sư hoặc kỹ sư xây dựng (được quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Quy chế này) có nhiệm vụ sau đây:
a) Lập báo cáo tu sửa cấp thiết di tích trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
b) Thực hiện giám sát công tác tu sửa cấp thiết di tích sau khi nhận được quyết định phê duyệt báo cáo tu sửa cấp thiết của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Báo cáo tu sửa cấp thiết di tích có các nội dung sau đây:
a) Tài liệu viết bao gồm:
– Đánh giá hiện trạng kỹ thuật kiến trúc;
– Đề xuất công việc và biện pháp cần phải tiến hành tu sửa cấp thiết;
– Kiến nghị.
b) ảnh chụp hiện trạng bao gồm:
– ảnh chụp vị trí hiện trạng công trình bị xuống cấp;
– ảnh chụp chi tiết thành phần cần tu sửa cấp thiết.
c) Bản vẽ kiến trúc bao gồm:
– Bản vẽ vị trí;
– Bản vẽ hiện trạng;
– Bản vẽ phương án tu sửa cấp thiết.”
Điều 12 quy định: Thẩm định dự án và thiết kế:
“1. Dự án và thiết kế phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa – thông tin thẩm định.
2. Việc thẩm định dự án và thiết kế được thực hiện theo Điều 35 Luật Di sản văn hóa, Điều 17 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11-11-2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Quy chế quản lý đầu tư xây dựng của Chính phủ.”
Điều 13. Phê duyệt dự án và thiết kế:
Cơ quan chủ quản đầu tư chỉ phê duyệt dự án hoặc thiết kế sau khi hồ sơ dự án hoặc thiết kế có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa – thông tin.
Điều 14. Hồ sơ dự án và thiết kế đề nghị thẩm định hoặc phê duyệt
Hồ sơ dự án và thiết kế gửi cơ quan có thẩm quyền về văn hóa – thông tin đề nghị thẩm định hoặc phê duyệt bao gồm:
1. Hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế trình cấp có thẩm quyền thẩm định hoặc phê duyệt:
a) Hồ sơ dự án và thiết kế, dự toán và tổng dự toán;
b) Công văn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của tổ chức, cá nhân đề nghị Bộ Văn hóa – Thông tin thẩm định hoặc phê duyệt (đối với di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt) kèm theo văn bản đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin hoặc cơ quan quản lý di tích cấp tỉnh;
c) Công văn của tổ chức, cá nhân đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc đề nghị Sở Văn hóa – Thông tin hoặc cơ quan quản lý di tích cấp tỉnh thẩm định (đối với di tích cấp tỉnh);
d) Văn bản thẩm định hồ sơ dự án hoặc thiết kế của các tổ chức có tư cách pháp nhân về thẩm định dự án và thiết kế;
đ) Các tài liệu liên quan khác.
2. Bộ Văn hóa – Thông tin, Sở Văn hóa – Thông tin hoặc cơ quan quản lý di tích cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản không quá 30 ngày (đối với dự án nhóm B) và không quá 20 ngày (đối với dự án nhóm C) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thẩm định hoặc phê duyệt.
Điều 35 của Luật Di sản quy định: “Thẩm quyền phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích được thực hiện theo Luật này và các quy định của pháp luật về xây dựng.
Khi phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hoá – thông tin.”
Như vậy dự án tu bổ di tích thành nhà Mạc được cấp vốn đầu tư theo chương trình mục tiêu của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, tất yếu đã hoàn thành các quy trình và thủ tục pháp lý kể trên. Do đó nếu ai đó nói rằng mình không biết, mình bị bất ngờ và mình không chịu trách nhiệm gì về vụ việc làm vi phạm Luật Di sản và Quy định hiện hành của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch là nói lấy được, bất chấp luật pháp, bất chấp phải trái ?!
Như vậy việc biến thành nhà Mạc ở Thái Nguyên thành một cái lò gạch đã vi phạm Luật Di sản và các quy định pháp luật hiện hành là đã rõ: Hành vi đã rõ ràng, chủ thể hành vi vi phạm pháp luật đã được xác định, dư luận chờ đợi các cơ quan hữu trách vào cuộc xử lý nghiêm minh vụ vi phạm pháp luật về di sản này!
Sau đây mời bà con đọc ý kiến comment của bạn Lê Quang Hòa trên blog của nhà thơ Thúy Quỳnh:
CỐNG THÀNH PHÍA TÂY THÀNH NHÀ MẠC ĐANG ĐƯỢC TU BỔ
Bài, ảnh: Lê Quang Hòa
Trải qua gần 5 thế kỷ, thành Nhà Mạc chỉ còn lại hai cổng thành phía Tây (gần cầu Nông Tiến), phía Nam (gần chợ Tam Cờ) và đoạn tường thành dài 114 m (khu vực bên ngoài Trường THPT Tân Trào). Do thời gian, đến nay phần di tích còn lại đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Để bảo vệ di tích đặc biệt này, năm 2007, UBND tỉnh đã có chủ trương tu bổ chống xuống cấp thành Nhà Mạc.
Ngày 2-1-2009, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 05 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ chống xuống cấp thành Nhà Mạc, trên cơ sở đã có sự thỏa thuận với Cục Di sản (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) và sự thẩm định dự án của Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư công trình, Trung tâm Tư vấn kiến trúc và xây dựng thuộc Viện nghiên cứu kiến trúc – Bộ Xây dựng tổ chức tư vấn lập dự án đầu tư. Nguồn vốn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Công ty cổ phần Xây dựng công trình văn hoá, thể thao và du lịch (Hà Nội) là đơn vị thi công. Giai đoạn 1 được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp trên 3,2 tỷ đồng để đầu tư tu bổ, chống xuống cấp 2 cổng thành và đoạn tường thành còn lại. Giai đoạn 2 tiếp tục tiến hành giải phóng mặt bằng di dời, tái định cư 5 hộ đang ở bên trong sát tường thành, nhằm bảo đảm đúng quy định của Luật Di sản và sự trường tồn của di tích cấp Quốc gia. Hiện nay đơn vị thi công đã bắt đầu thi công công trình tu bổ, chống xuống cấp thành Nhà Mạc giai đoạn 1 từ ngày 8-11-2009, dự kiến trong 4 tháng sẽ hoàn thành. Nguyên tắc khi tu bổ, chống xuống cấp thành Nhà Mạc là không được làm thay đổi, biến dạng di tích gốc và phải bảo đảm giữ nguyên di tích gốc hiện có. Đơn vị thi công phải tận dụng, sử dụng loại vật liệu xây dựng giống như vật liệu của di tích gốc đã có.
Đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư đã đưa ra nhiều phương án tu bổ chống xuống cấp thành Nhà Mạc. Giải pháp thiết kế được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó giải pháp bảo tồn là diệt cây dại mọc tự nhiên trên tường thành, cổng thành bằng phương pháp cưa cắt và xử lý hoá chất để triệt tận gốc. Phun hoá chất để hoá cứng bề mặt khối xây tường thành, cổng thành. Đối với những khối xây liên kết vữa bị bong, lở, phân rã (thoái hoá) hoàn toàn được xây lại bằng gạch, đá nguyên chỗ. Tường thành những chỗ vết nứt quá nghiêm trọng, không tháo dỡ khối xây, chỉ xây chèn những viên chốt có cường độ tốt vào những vết nứt cần thiết, phía ngoài xây ốp bằng đá ong hoặc gạch nung. Giải pháp tu bổ, phục hồi là cổng thành phía Tây phục hồi lại phần vòm cuốn theo di tích gốc, phần còn lại giữ nguyên trạng; cổng thành phía Nam phục hồi cổng, hai trụ cổng trên cơ sở nguyên trạng di tích gốc (bằng phương pháp đối chiếu), không phục hồi tháp canh trên mái, làm lan can theo truyền thống cổng thành ngạch Việt Nam. Hoàn chỉnh hệ thống thoát nước trong, ngoài tường thành, cổng thành tránh úng đọng, xói mòn ảnh hưởng đến di tích. Giải pháp tôn tạo là cổng thành phía Tây vị trí nằm trên đảo xuyến giao thông, xung quanh đảo trồng cây cảnh, bố trí hệ thống đèn chiếu sáng mỹ thuật vào ban đêm, kết hợp hài hoà giữa lịch sử và hiện đại. Cổng thành phía Nam vị trí nằm trong khu dân cư, cổng này được tu sửa, tôn tạo không tách biệt với sinh hoạt đi lại của người dân, nhưng được quản lý, bảo đảm vệ sinh, văn minh đô thị, bố trí hệ thống đèn chiếu sáng mỹ thuật vào ban đêm. Đoạn tường thành giải toả hai mặt tường thành, tạo một đưxờng dạo và vườn hoa nhỏ phía trong tường thành.
Thành Nhà Mạc được tu bổ, chống cấp sẽ tạo ra cảnh quan đẹp cho thị xã Tuyên Quang. Nét cổ kính cùng với những đổi thay của thành phố trẻ trong tương lai sẽ là điểm tham quan hấp dẫn du khách gần xa. Với lịch sử xây dựng từ thế kỷ XVI, thành Nhà Mạc là một di tích quý, cần sự giữ gìn và bảo vệ của các cơ quan chức năng và ý thức của người dân.
L.Q.H.
Nguồn: Blog Phạm Viết Đào.
Nguyễn Xuân Diện:
Như thế là đã rõ: Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang thì cố ý làm trái. Cục trưởng Cục Di sản thì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong khi chờ “gươm giời búa nguyệt”, đề nghị Pháp luật ra tay!
“BỖNG DƯNG MUỐN KHÓC” VỚI THÀNH TUYÊN |
|
Nguyễn Thúy Quỳnh |
|
|
|
TNc: Hồi đầu năm tôi lên Tuyên họp và đã đưa tin về chuyện phá thành xây lô cốt trên trang nhà. Nay gặp bài của Thúy Quỳnh không thể không đưa lên để cùng Bỗng dưng muốn khóc với sự mê muội của văn hóa xứ Tuyên
Lần đầu tôi đến Tuyên Quang là năm 1987. Quyên chở tôi bằng xe đạp đi qua tường thành rêu phong khuất lấp sau những rễ si tua tủa đầy vẻ cổ kính, kiêu hãnh giới thiệu: Thành nhà Mạc đấy! Quyên sinh ra và lớn lên ở Tuyên nên tự hào về cái thị xã xinh đẹp này lắm. Mà hình như tất cả những người Tuyên tôi gặp đều giống Quyên. Thành nhà Mạc là một phần niềm tự hào của họ.
Thành nhà Mạc ở Tuyên Quang được xây dựng từ thời nhà Mạc vào khoảng năm 1552, còn gọi là thành Tuyên Quang. Thành được xem là một biểu tượng lịch sử của vùng đất Tuyên Quang, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Những năm sau đó, tôi còn nhiều dịp trở lại thị xã Tuyên Quang, và nhìn thành nhà Mạc với cái nhìn của bạn tôi, thành kính ngưỡng mộ một thời lịch ử mà nhờ nó một phần của cái thị xã bé nhỏ này có một cái tên rất ấn tượng : Thành Tuyên. Hôm qua trở lại, tôi và những người cùng đi bất ngờ đến sửng sốt trước cái vật thể này:
Mấy văn nghệ sĩ Tuyên Quang đi cùng gọi là cái lò gạch. Dấu ấn cổ kính nhất của thành Tuyên hơn 450 năm tuổi bây giờ là cái lò gạch 1 tuổi. Bao giờ được 450 năm nữa để nó bằng tuổi nó của… năm ngoái? Quyên bây giờ theo chồng, không còn ở Tuyên nữa. Lướt blog của mình, nhìn thấy mấy cái ảnh này, Quyên có bỗng dưng muốn khóc không nhỉ? (xin lỗi nhé, lười nghĩ nên mượn cụm từ này!) Chả lẽ tại mình dân trí thấp nên nhìn gà hóa cuốc thế, vì người ta bỏ gần chục tỉ chắc phải dự án dự iếc ngon lành lắm, chứ di tích quốc gia, ngân sách nhà nước, niềm tự hào của địa phương… có phải chuyện oẳn tù tì ra cái gì ra… cái lò đâu. Chẳng biết hay dở, đúng sai thế nào…Chỉ thấy mình bỗng dưng muốn… post cho Quyên xem! Nguồn: Blog Nguyễn Thúy Quỳnh. |
|
Thứ 4 ngày 22/9/2010 |
Viết bình luận
Tin liên quan
- ĐIỀU LỆ SỐ 01/NQ-HĐMTVN VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐMTVN
- NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-HĐMTVN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẠC TỘC VIỆT NAM KHÓA IV, NHIỆM KỲ 2024 – 2029
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẠC TỘC VIỆT NAM DIỄN RA THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP
- HĐMT HẢI DƯƠNG DỰ LỄ KHÁNH THÀNH HỌ PHẠM GỐC MẠC KIM BẢNG, HÀ NAM
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC LỄ KẾT NẠP HỘI VIÊN MỚI
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC TRAO THƯỞNG QUỸ KHUYẾN HỌC KHUYẾN TÀI MẠC ĐĨNH CHI CHO CÁC CHÁU CÓ THÀNH TÍCH TRONG HỌC TẬP NĂM HỌC 2023-2024
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- HỘI KIẾN SONG PHƯƠNG HĐMT HẢI PHÒNG – CÁC DOANH NHÂN TRONG ĐOÀN KHÁCH DL TRUNG QUỐC VỀ THĂM ĐỀN THỜ CÁC VUA TRIỀU MẠC (TỪ ĐƯỜNG HỌ MẠC) TẠI NGŨ ĐOAN, KIẾN THỤY, HP 29.12.2023.
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.