- Đang online: 1
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 18687
- Tổng truy cập: 3,369,948
DIỄN VĂN KỶ NIỆM 470 NĂM NGÀY MẤT CỦA THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG
- 988 lượt xem
DIỄN VĂN KỶ NIỆM 470 NĂM NGÀY MẤT
CỦA THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG
(Do ông NGUYỄN DUY BÌNH Chủ tịch UBND
huyện Kiến Thụy trình bày tại
Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, sáng ngày 18/9/2011- (21/8 Tân Mão)
Trong không khí Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Kiến Thụy đang ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2011 lập thành tích chào mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 470 năm ngày mất của Thái Tổ Mạc Đăng Dung. Thay mặt Huyện ủy, UBND huyện tôi nhiệt liệt chào mừng và kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo trung ương, lãnh đạo thành phố, các quý vị đại biểu, các vị khách quý, cùng toàn thể nhân dân, chúc Lễ hội kỷ niệm 470 năm Ngày mất của Thái Tổ Mạc Đăng Dung thành công tốt đẹp.
Kính thưa các các quý vị đại biểu, thưa toàn thể nhân dân !
Kiến Thụy một mảnh đất “Địa linh nhân kiệt”, là một huyện ven biển nằm về phía Đông Nam thành phố Hải Phòng. Vùng đất Kiến Thụy xưa được tạo lập do quá trình bồi lắng phù sa của hai con sông lớn Văn Úc và Lạch Tray và kết quả khai hoang, lấn biển của nhiều thế hệ qua hàng ngàn năm lịch sử. Ở Thời Hùng Vương, vùng đất này thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Thời Trần thuộc Lộ Hải Đồng. Thời thuộc Minh là đất của Phủ Tân An. Đời Lê đặt vào phủ Kinh Môn xứ Hải Dương. Thời Mạc là huyện Nghi Dương, Thái Tổ Mạc Đăng Dung chọn nơi đây làm kinh đô thứ hai của Vương triều Mạc lấy tên là Dương Kinh. Thời vua Minh Mạng đặt là Phủ Kiến Thụy. Năm 1909 là huyện Nghi Dương, sau gọi là huyện Kiến Thụy. Từ năm 1969 đến nay huyện Kiến Thụy qua nhiều lần sáp nhập và chia tách, đến nay huyện có 18 đơn vị hành chính, gồm 17 xã và 1 thị trấn.
Mảnh đất và con người Kiến Thụy đã trải qua với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử; Người dân Kiến Thụy “Nơi đầu sóng ngọn gió”, “Nơi đầu mặn cuối chua”, từ bao đời nay đã biết vươn ra biển khơi làm chủ vùng trời, vùng biển, họ luôn hăng say, cần cù, sáng tạo, biết vượt lên trên khó khăn, thách thức để gây dựng cơ đồ. Có lẽ từ trong muôn vàn gian khó, phải đối chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và giặc giã ấy mà con người Kiến Thụy từ bao đời đã hội tụ nên những khí chất phi thường, sản sinh ra những hào kiệt, những nhân vật mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc, như: Trương Nữu – công thần bậc nhất của triều Bố cái Đại Vương chống quân đô hộ nhà Đường thế ký thứ 7; Vũ Hải – một danh tướng thời Trần chống quân Mông Nguyên xâm lược thế kỷ thứ 13 và đỉnh cao là Tiên vương Hoàng đế Thái Tổ Mạc Đăng Dung dựng lên vương triều Mạc trị vì đất nước suốt 65 năm (1527-1592).
Thái Tổ Mạc Đăng Dung sinh giờ Ngọ, ngày 23 tháng 11 năm Quý Mão (1483) – mất ngày 22/8 năm Tân Sửu (1541). Ông sinh ra tại Làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kim Môn, trấn Hải Dương, nay là xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Thời trẻ Mạc Đăng Dung có sức khỏe phi thường, tướng mạo khôi ngô, đi thi võ ở Kinh đô trúng đô lực sỹ được sung làm Túc vệ. Từ đó ông thăng tiến trên con đường quan lộ, năm 29 tuổi (1511) được phong tước Vũ Xuyên Bá, đến năm 34 tuổi (1516) được cử làm trấn thủ Sơn Nam. Sau đó được phong Thái Sư Nhân Quốc Công, rồi đến An Hưng Vương.
Vào đầu thế kỷ 16, Triều Lê sơ suy tàn, triều chính rối ren, giặc giã nổi lên khắp nơi, trăm họ không yên, lầm than cực khổ. Trước sứ mệnh lịch sử, trước xã tắc giang sơn, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai đem quân về kinh đô dẹp loạn. Trước vận mệnh của đất nước, vua Lê Cung Hoàng viết Chiếu nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung. Ông lên ngôi Vua vào ngày 15 tháng 6 năm Đinh Hợi (1527) đến hết năm (1529) với niên hiệu là Minh Đức. Sau đó nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh và lui về làm Thái Thượng Hoàng.
Tuy thời gian làm vua rất ngắn, nhưng với tầm nhìn và tài năng kiệt suất của mình, ông đã xây dựng một triều đại Nhà Mạc thịnh trị có nhiều tiến bộ đổi mới trong lịch sử Việt Nam.
Về kinh tế: Mạc Đăng Dung đưa ra một số quy chế về ruộng đất gồm: binh điền, lộc điền, quân điền dựa trên các quy chế có từ thời Hồng Đức và cho đúc tiền Thông bảo. Ông cho xây dựng kinh đô Dương kinh, là kinh đô thứ 2 của Triều Mạc và là kinh đô duy nhất ở Việt Nam được xây dựng hướng ra phía biển. Mạng lưới giao thông được mở rộng, giao thương phát triển với bên ngoài. Kinh tế hàng hóa phát triển, các chợ đô thị, cảng thị ven sông, ven biển được hình thành như: Phố Hiến, Dương Kinh, cảng thị ở Tiên Lãng, Hải Phòng, Trấn Sơn Nam hạ thuộc vùng Nam Định, Thái Bình… Nghề thủ công mỹ nghệ phát triển, như: Gốm sứ Bát Tràng, Chu Đậu…
Về an ninh trật tự: Thời kỳ Mạc Thái Tông trị vì là đỉnh cao của Nhà Mạc. Trật tự an ninh được đảm bảo. Không có người cầm giáo mác và binh khí đi ngoài đường, không còn trộm cướp ban đêm. Người đi lại buôn bán được an toàn. Trâu bò thả chăn không phải mang về. Như sách Đại Việt Sử ký toàn thư đã viết: “Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên”.
Về ngoại giao: Trong thời gian trị vì 65 năm, mặc dù liền kề với thế lực phong kiến mạnh, thường xuyên nhòm ngó xâm lược, nhưng Nhà Mạc đã tránh được mọi hiểm họa xâm lăng, nạn binh đao nồi da nấu thịt… giành thời gian củng cố, xây dựng kinh tế, âu cũng là công đức với dân với nước.
Về văn hóa – xã hội: Những thành tựu của văn hóa giáo dục thời Mạc, đó là không độc tôn nho giáo, bởi vậy đạo giáo, Phật giáo được phục hồi và phát triển. Như lời Giáo sư Trần Lâm nhận xét: “Nhà Mạc đã xóa bỏ nhiều cấm đoán khắt khe thời Lê Sơ, Phật giáo nhất là đạo giáo, nhân gian được thở trong bầu không khí mới”.
Về giáo dục và dùng người: Dưới triều đại Mạc đã mở được 22 khoa thi Hội, lấy đỗ 485 tiến sỹ, tuyển chọn 13 trạng nguyên, trong đó có nhà trí thức kiệt suất Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đến gần 50 tuổi Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mới chịu đi thi và chọn Nhà Mạc làm minh chủ. Chính sách dùng người của Nhà Mạc được đời sau mãi ca ngợi. Như sách Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ cuối thời Lê Trung Hưng có ghi: “Cái đức chính của thời Minh Đức và Đại chính của Nhà Mạc vẫn cón cố kết ở lòng người chưa quên”.
Sau khi bị thất thế, Nhà Mạc tiếp tục cát cứ tại Cao Bằng, nhưng tuyệt nhiên không mượn ảnh hưởng của ngoại bang. Trong suốt 85 năm ở Cao Bằng, Nhà Mạc đã bảo vệ, giữ yên bờ cõi của vùng đất cực Bắc của đất nước. Phải chăng việc cát cứ ở cao Bằng nếu không được lòng người ủng hộ thì không thể tồn tại đến 85 năm.
Có thể nói, công lao của Thái Tổ Mạc Đăng Dung và Vương triều Nhà Mạc đối với tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là vô cùng to lớn. 65 năm Vương triều Mạc định đô ở Thăng Long là một giai đoạn lịch sử không thể tách rời trong một mạch liền lịch sử nghìn năm Thăng Long – Hà Nội và lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Để ghi nhận vai trò lịch sử và công lao to lớn của Vương triều Mạc, Đảng và Nhà nước ta đã cho phép huyện Kiến Thụy xây dựng Khu Tưởng niệm Vương triều Mạc, với quy mô 10,5 ha, nằm ngay trên vùng đất thiêng của kinh đô Dương Kinh xưa. Đây là một trong 3 công trình của thành phố được Chính phủ lựa chọn là công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đặc biệt, từ sau khi khánh thành giai đoạn 2, Khu Tưởng niệm đã đón gần 20 nghìn lượt khách đến thăm quan và dâng hương tưởng niệm. Trong đó có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, du khách trong nước, quốc tế và con cháu Mạc tộc muôn phương.
Kinh thưa các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu, cùng toàn thể nhân dân!
Kế thừa và phát huy truyền thống của vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và tinh thần yêu nước của cha ông, trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân huyện Kiến Thụy đã vững bước, kiên trung trong trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; bền bỉ, sáng tạo trong lao động sản xuất. Đó là đỉnh cao của phong trào Kim Sơn kháng Nhật giành chính quyền đầu tiên của vùng Duyên hải Bắc Bộ. Đó là nơi đầu tiên đi đầu phong trào khoán sản phẩm trong nông nghiệp, nông thôn; mở ra thời kỳ đổi mới cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam. Trong kháng chiến, Kiến Thụy cùng với thành phố là pháo đài thép bên bờ biển khơi của vùng Duyên hải Bắc Bộ. Trong hai cuộc kháng chiến, quân và dân huyện Kiến Thụy có 12 xã và 3 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 119 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hàng ngàn gia đình và cá nhân được tặng thưởng Huân chương, Huy chương các loại và Bằng khen có công với nước. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, trong thời kỳ đổi mới, quân và dân Kiến Thụy tiếp tục vươn lên giành được thành tích xuất sắc, được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1999; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2002; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2004, Huân chương Độc lập Hạng Nhì năm 2009.
Những năm gần đây, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự chỉ đạo, giúp đỡ của thành phố, Đảng bộ, quân và dân Kiến Thụy quyết tâm đoàn kết, thống nhất, từng bước triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng và phát triển huyện Kiến Thụy đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 23 Đảng bộ huyện. Trong đó, việc xây dựng Khu Tưởng niệm Vương triều Mạc là một trong những công trình lịch sử – văn hóa trọng điểm, đã góp phần quan trọng, tạo tiền đề phát triển du lịch, dịch vụ của huyện và thành phố. Đây thực sự là điểm nhấn quan trọng, ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của quê hương Kiến Thụy, phấn đấu sớm trở thành đô thị vệ tinh của thành phố.
Hôm nay, ngay tại Khu Tưởng niệm Vương triều Mạc, được sự đồng ý của UBND thành phố, sự phối hợp giúp đỡ của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và các Sở, ngành thành phố, UBND huyện Kiến Thụy long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 470 năm Ngày mất Thái Tổ Mạc Đăng Dung nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của cha ông ta trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc; tôn vinh thân thế, sự nghiệp, những đóng góp to lớn của Mạc Thái Tổ và Vương triều Mạc trong lịch sử dân tộc. Đồng thời quảng bá di tích Vương triều Mạc, phát huy những nét văn hóa độc đáo, những lễ hội tâm linh, những trò chơi dân gian đặc sắc của vùng đất Dương Kinh.
Lễ hội kỷ niệm 470 năm ngày mất của Thái Tổ Mạc Đăng Dung là sự kiện quan trọng của huyện Kiến Thụy và thành phố Hải Phòng trong năm 2011; đồng thời sẽ là tiền đề để xây dựng, duy trì, phát triển trở thành Lễ hội truyền thống hàng năm của huyện Kiến Thụy trong thời gian tới. Lễ hội sẽ tạo nên không khí phấn khởi tự hào của người dân Kiến Thụy và thành phố quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 14 và Đại hội Đảng bộ huyện Kiến Thụy lần thứ 23.
Nhân dịp này, thay mặt Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy, tôi xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo trung ương và thành phố; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố; các doanh nghiệp; các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa; các nhà hảo tâm trong cả nước, con cháu họ Mạc, gốc Mạc trong toàn quốc; các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương đã dành sự quan tâm đặc biệt và những tình cảm tốt đẹp với Đảng bộ và nhân dân huyện Kiến Thụy trong suốt thời gian xây dựng dự án Khu Tưởng niệm Vương triều Mạc cũng như Lễ hội kỷ niệm 470 năm Ngày mất của Thái Tổ Mạc Đăng Dung.
Cuối cùng, thay mặt các đồng chí lãnh đạo huyện, tôi xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo trung ương, lãnh đạo thành phố, các Sở, ban, ngành thành phố, lãnh đạo các quận, huyện bạn, các quý vị đại biểu xa gần, các vị khách quý, cùng toàn thể nhân dân đã về dự Lễ kỷ niệm trọng thể hôm nay.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẠC TỘC VIỆT NAM DIỄN RA THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP
- HĐMT HẢI DƯƠNG DỰ LỄ KHÁNH THÀNH HỌ PHẠM GỐC MẠC KIM BẢNG, HÀ NAM
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC LỄ KẾT NẠP HỘI VIÊN MỚI
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC TRAO THƯỞNG QUỸ KHUYẾN HỌC KHUYẾN TÀI MẠC ĐĨNH CHI CHO CÁC CHÁU CÓ THÀNH TÍCH TRONG HỌC TẬP NĂM HỌC 2023-2024
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- HỘI KIẾN SONG PHƯƠNG HĐMT HẢI PHÒNG – CÁC DOANH NHÂN TRONG ĐOÀN KHÁCH DL TRUNG QUỐC VỀ THĂM ĐỀN THỜ CÁC VUA TRIỀU MẠC (TỪ ĐƯỜNG HỌ MẠC) TẠI NGŨ ĐOAN, KIẾN THỤY, HP 29.12.2023.
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- ĐẠI LỄ HÚY KỴ – KỶ NIỆM ĐỨC MẠC THÁI TỔ – QUÝ MÃO 2023
- ĐẠI LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ ĐỨC MẠC THÁI TỔ QUÝ MÃO 2023
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.