- Đang online: 2
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 16612
- Tổng truy cập: 3,369,187
CHI HỌ HOÀNG GỐC MẠC XÃ HIỆP AN, KINH MÔN, HẢI DƯƠNG
- 991 lượt xem
CỦA CHI HỌ HOÀNG GỐC MẠC XÃ HIỆP AN,
KINH MÔN, HẢI DƯƠNG
____________
Hoàng Minh Hiệp
(Chủ tịch Hội đồng Gia tộc Chi họ Hoàng gốc Mạc xã Hiệp An, Kinh Môn, Hải Dương)
I/ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CHI HỌ HOÀNG GỐC MẠC XÃ HIỆP AN
Dòng họ Mạc quê chính gốc tại thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Trải qua nhiều đời do mưu sinh cuộc sống nên có sự di chuyển về nơi ở qua các huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương; thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng…
Sau sự kiện vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi, ngày 15 tháng 6 năm Đinh Hợi 1527, Thái sư, Nhân Quốc công, An Hưng Vương Mạc Đăng Dung lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Minh Đức, vương hiệu là Cao Hoàng Đế, lập ra triều Mạc. Triều đại nhà Mạc tại Thăng Long kéo dài gần 66 năm (từ tháng 6/1527 đến hết tháng 01/1593), trải qua 6 đời vua là:
+ Thái tổ Nhân minh Cao Hoàng đế Mạc Mạc Đăng Dung,
+ Thái tông Khâm triết Văn Hoàng đế Mạc Đăng Doanh,
+ Hiển tông Hiển Hoàng đế Mạc Phúc Hải,
+ Tuyên tông Anh nghị Hoàng đế Mạc Phúc Nguyên,
+ Mục tông Hồng ninh Hoàng đế Mạc Mậu Hợp,
+ Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn.
Trong đó, Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn chính là Thủy tổ của Chi họ Hoàng xã Hiệp An, Kinh Môn, Hải Dương.
1. Sơ lược tiểu sử Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn:
Theo Hợp biên thế phả họ Mạc và các tài liệu lịch sử có giá trị khác cho biết, Mạc Toàn là con trai trưởng của Hoàng đế Mạc Mậu Hợp, được vua cha truyền ngôi vào ngày 26 tháng 11 năm Nhâm Thìn 1592 tại huyện Kim Thành, niên hiệu là Vũ An.
Ngài là vị hoàng đế có gương mặt sáng ngời, văn võ song toàn, là vị vua anh dũng quật cường, hiên ngang xông pha trận mạc, khí phách hào hùng. Từ thưở nhỏ đã được tôi luyện trong một môi trường đặc biệt để kế vị ngai vàng. Song thời vận xã hội khi ngài lên ngôi vua cũng là lúc khí vận nhà Mạc đã bị suy vy, kiệt lực. Tháng 11 năm Nhâm Thìn 1592 khi nghe tin vua cha bị thua trận ở Yên Dũng, Bắc Giang, ngài vội đem quân đến tiếp ứng và đã giáp công một trận ác liệt với quân Trịnh Tùng tại Kim Thành. Biết thế lực không chống đỡ nổi, ngài cùng 3 em là Mạc Cảnh Huân, Mạc Cảnh Thuần và Mạc Ngọc Dung rút tàn quân chạy về huyện Đông Triều nhưng không tránh được sự truy sát của địch. Hoàng đế Mạc Toàn và nhiều thân vương bị quân Trịnh giết hại tại bến Thảo Tân ngày 27 tháng Giêng năm Quý Tỵ 1593, sau được phong thụy hiệu Cảnh tông. Tương truyền, phải qua mấy ngày nhân dân mới chớp thời cơ đưa thi hài của Ngài xuôi sông Phú Thái vào lạch sông nhỏ ngã ba Cống Sừng, an táng tại khu Đống Dẹt. Đến năm 1968, thực hiện chính sách nông thôn mới, ruộng đất được quy hoạch lại, ông trưởng tộc Hoàng Văn Chòi và cụ Hoàng Văn Hừng, các ông Hoàng Văn Nhông, Hoàng Văn Lãng,… đã chuyển hài cốt của ngài lên chôn cất tại vành núi Cao sau chùa Lưu Thượng thôn Tây Sơn xã Hiệp An.
Ảnh 1: Ông Hoàng Văn Chòi (85 tuổi) là người trực tiếp tham gia chuyển mộ Tổ lên triền núi Cao.
Ngôi mộ Tổ của chi họ Hoàng xã Hiệp An chính là nơi yên nghỉ của Cảnh tông Hoàng đế Mạc Toàn. Điều này đã được các nhà chuyên môn sử học, tâm linh văn hoá, tín ngưỡng của Trung ương khảo sát, nghiên cứu và kết luận, cùng với sự lưu truyền tại cuốn gia phả cổ viết bằng chữ Hán của chi họ Hoàng. Trong tham luận tại Hội thảo khoa học về Vương triều nhà Mạc nhân chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức – Phó giám đốc thường trực Trung tâm Bảo trợ văn hoá kỹ thuật truyền thống thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã viết ” Mộ vua Mạc Toàn, cuốn gia phả cổ của họ Hoàng gốc Mạc…. là những di sản văn hoá cần được bảo tồn, tôn tạo và khai thác một cách hợp lý phục vụ việc nghiên cứu khoa học, sử học và văn hoá nước nhà. Mộ vua Mạc Toàn cần phải được tôn tạo và khai thác di sản văn hoá trong mối quan hệ tổng thể các di sản văn hoá của nhà Mạc để thiết lập các tua du lịch chuyên biệt về nhà Mạc gắn với các địa danh chủ yếu: Thăng Long – Kinh Môn( Hải Dương) – Long Động( Hải Dương) – Dương Kinh( Hải Phòng) – Quảng Ninh – Lạng Sơn – Cao Bằng – Tuyên Quang – Bạch Hạc( Vĩnh Phúc) – Sơn Tây… Đề nghị Sở Văn hoá, Du lịch và Thể thao tỉnh Hải Dương quan tâm nghiên cứu, lập hồ sơ và cấp bằng di tích lịch sử văn hoá về di sản văn hoá khu mộ vua Mạc Toàn. Đồng thời, thiết lập các mối quan hệ với di tích đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi và quần thể các di sản văn hoá trên địa bàn của tỉnh phục vụ việc phát triển du lịch sinh thái – văn hoá – tâm linh“.
Ảnh 2: Ngôi mộ Tổ chi họ Hoàng xã Hiệp An, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương
chính là nơi yên nghỉ của Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn.
Ngày 16 tháng 8 năm Tân Mão 2011, Linh vị Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn đã được rước vào thờ tại chính điện khu tưởng niệm các vua nhà Mạc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, đáp ứng nguyện vọng của đồng đảo con cháu trong Chi họ.
Ảnh 3: Linh vị Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn thờ tại Từ đường họ Mạc trước khi rước vào thờ tại chính điện khu tưởng niệm các vua nhà Mạc.
2. Sự hình thành của Chi họ Hoàng gốc Mạc xã Hiệp An:
Ngày 27 tháng Giêng năm Quý Tỵ 1593, Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn bị tử trận tại bến Thảo Tân (bến Thảo Tân thuộc thôn Cổ Tân, xã An Phụ, huyện Kinh Môn, giáp với xã Phúc Thành, huyện Kim Thành), kết thúc gần 66 năm trị vì tại Thăng Long của vương triều nhà Mạc. Sau sự kiện này, nhà Mạc bị truy sát, triệt diệt. Để bảo tồn dòng giống, theo lời di nguyện, con cháu họ Mạc phải phân tán, mai danh ẩn tích, cải thành các chi phái, dòng họ khác nhau (khoảng 37 họ, 500 chi phái), trong đó có chi họ Hoàng tại xã Hiệp An.
Ảnh 4: Cuốn gia phả cổ viết bằng chữ Hán của Chi họ Hoàng xã Hiệp An.
Chi họ Hoàng gốc Mạc xã Hiệp An, trong cuốn gia phả cổ viết bằng chữ Hán ghi lại thì Thủy tổ là Mạc Quý Công húy “Toàn”. Thủy tổ Mạc Quý Công chính là Hoàng đế Mạc Toàn, là vua thứ 6 và là vị vua cuối cùng triều Mạc tại Thăng Long, ngày giỗ 27 tháng giêng. Phần mộ Thủy tổ đặt tại triền núi Cao, thôn Tây Sơn, xã Hiệp An do chi họ Hoàng quản lý và phụng thờ. Họ Hoàng là dòng họ thứ hai, sau họ Trần về sinh cơ, lập nghiệp tại thôn Lưu Thượng, trở thành một dòng họ lớn của xã. Theo gia phả ghi chép lại thì thủy tổ Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn sinh được 3 người con trai: Chân Đạo, Giác Tính và Phúc An. Người con trưởng Chân Đạo sinh Duy Hiền, Duy Hiền sinh được 2 con trai: Phúc Khang và Phúc Ninh. Thượng tổ Phúc Khang sinh được 3 trai: Phúc Tửu (chưa tìm thấy), Phúc Thiện và Phúc Thụy; Thượng tổ Phúc Ninh sinh được 4 trai: Phúc Thịnh, Phúc Bản, Phúc Nguyệt, Phúc Ân và 2 gái.
Trước đây, chi họ Hoàng được chia thành 2 ngãnh, 5 ngành, cụ thể là:
* Ngãnh lớn thứ nhất (thờ Thượng tổ Phúc Khang, kỵ nhật 06 tháng Tư):
+ Ngành 1: Thượng tổ Phúc Thụy, kỵ nhật 06 tháng Tư do ông Hoàng Văn Lãng ở Hiệp An, Kinh Môn thờ cúng.
* Ngãnh lớn thứ hai (thờ Thượng tổ Phúc Ninh, kỵ nhật 15 tháng Chạp):
+ Ngành 2: Thượng tổ Phúc Thịnh, kỵ nhật 08 tháng Tám, do ông Hoàng Văn Tính ở Hiệp An, Kinh Môn thờ cúng.
+ Ngành 3: Thượng tổ Phúc Bản, kỵ nhật 15 tháng Hai, do ông Hoàng Văn Đông ở Hiệp An, Kinh Môn thờ cúng.
+ Ngành 4: Thượng tổ Phúc Nguyệt, kỵ nhật 03 tháng Bảy, do Hoàng Văn Hời ở Hiệp An, Kinh Môn thờ cúng.
+ Ngành 5: Thượng tổ Phúc Ân, kỵ nhật 12 tháng Giêng, do ông Hoàng Văn Hoà ở Hiệp An, Kinh Môn thờ cúng.
Ảnh 4: Mộ tổ Hoàng tộc ngành Ba (thờ Thượng tổ Phúc Bản) tại nghĩa trang Chùa Hang, xã Hiệp An.
Về sau, con cháu trong họ Mạc, gốc Mạc có điều kiện tìm hiểu cội nguồn gốc tích của mình, kết nối với nhau và tìm thêm được ngành thứ 2 của ngãnh 1 ở Kim Lương, Kim Thành thờ Thượng tổ Phúc Thiện, kỵ nhật 05 tháng Mười Một, do ông Hoàng Văn Tuấn thờ cúng. Do đó, chi họ Hoàng hiện nay có tất cả 6 ngành.
Như vậy, theo gia phả của họ thì chi họ Hoàng thì từ Thuỷ tổ Cảnh tông Hoàng đế Mạc Toàn đến nay đã phát triển tới 15 đời. Hiện nay đang tồn tại 7 thế hệ, với tổng số khoảng 2.500 khẩu, trong đó tại xã Hiệp An có khoảng 1.550 khẩu, còn lại phân tán ở các nơi như Kim Lương, Kim Thành, Hải Dương; Thị trấn Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh; Đại Bản, Lê Thiện thuộc huyện An Dương, TP Hải Phòng và nhiều nơi khác.
II/ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CHI HỌ HOÀNG GỐC MẠC XÃ HIỆP AN
1. Về sự phát triển của chi họ Hoàng xã Hiệp An:
Phát huy truyền thống dân tộc Việt Nam, để xứng danh với công đức xây dựng tổ nghiệp của các vị Đế vương nhà Mạc, với công lao trời biển của Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn đã khai sáng ra chi họ Hoàng gốc Mạc, các thế hệ con cháu họ Mạc, họ Hoàng gốc Mạc đã luôn luôn giữ vững truyền thống đoàn kết, tham gia tích cực vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc. Những tên tuổi như Anh hùng Liệt sỹ Phạm Hồng Thái, Mạc Thị Bưởi,… đã viết thêm những trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Thời kỳ chưa có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhân dân ta sống trong cảnh tăm tối, bần hàn. Con cháu chi họ Hoàng cũng như các chi họ khác cùng chung cảnh đói khổ, lao dịch, thuế khóa, điều kiện kinh tế khó khăn, cùng cực. Mặt khác, tư tưởng coi nhà Mạc là “ngụy triều” vẫn còn nặng trĩu trong đời sống xã hội, thậm chí còn in trên sách giáo khoa, đưa vào nội dung giáo dục trong nhà trường phổ thông và đại học, càng tạo thêm sự bí bách, mâu thuẫn trong các dòng họ. Thời kỳ này, chi họ Hoàng chưa phát triển lắm, các hoạt động hầu như chưa có gì ngoài việc cúng giỗ không thường xuyên, ngày giỗ Thủy tổ (ngày 24 tháng Chạp) cũng bị giấu kín và chỉ có một số ít các cụ cao niên mới được biết và tham dự.
Ảnh 6: Chi 6 (chi ông Hoàng Văn Nền) thuộc ngành Ba, duy trì có nền nếp việc cúng Tổ chi hàng năm.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cuộc sống của nhân dân ta bước sang trang mới: độc lập, tự do, hạnh phúc. Các chi họ trong mọi miền Tổ quốc có điều kiện phát triển, đóng góp vào nhiệm vụ chung của Cách mạng dân tộc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã có rất nhiều thanh niên là con cháu chi họ Hoàng tham gia quân ngũ. Chi bộ Đảng xã Hiệp An, tiền thân của Đảng bộ xã Hiệp An, được thành lập ngày 24/8/1947 tại chùa Lưu Hạ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình cách mạng của địa phương, trong đó có sự tham gia vận động sáng lập, lãnh đạo và hoạt động của một số đảng viên họ Hoàng. Ở thời kỳ này, nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của xã là thành viên chi họ Hoàng, đã đóp đáng kể cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Điển hình như các đồng chí Bí thư Đảng ủy: Hoàng Văn Quên, Hoàng Thế Dân; Chủ tịch UBND: Hoàng Văn Đắp, Hoàng Thế Dân, Hoàng Minh Tốp, Hoàng Minh Phụng, Hoàng Minh Hiệp. Có 19 liệt sỹ và nhiều thương binh, bệnh binh, 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp trong quân đội, công an là con cháu họ Hoàng gốc Mạc xã Hiệp An. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đã có rất nhiều con cháu của họ tiếp tục tham gia giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt trên nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, nhiều cấp độ khác nhau. Nhiều cháu đỗ đại học, cao đẳng, tham gia nghiên cứu sinh, làm luận án tiến sĩ, thạc sĩ khoa học. Ở cương vị nào, con cháu của họ cũng luôn giữ được đức tính khiêm tốn, hiền hoà và mực thước, phát huy cao độ tài năng trí tuệ, đóng góp tích cực cho Đảng và Nhà nước. Dòng họ Hoàng cùng với các dòng họ khác đã cùng nhau thi đua, sản xuất, góp phần quan trọng xây dựng xã Hiệp An trở thành xã Anh hùng Lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Mỹ, ngày càng giàu mạnh, văn minh.
2. Những kết quả hoạt động của Hội đồng Gia tộc:
Dưới ánh sáng của Đảng, theo quan điểm lịch sử đổi mới, những đóng góp của vương triều Mạc đối với dân tộc được đánh giá lại, chính xác hơn, thân thiện hơn. Con cháu trong chi họ Mạc được có điều kiện kết nối, giao lưu, nhận họ, không còn cảnh mai danh ẩn tích, giấu họ đổi tên. Ngày giỗ chính thức Thủy tổ được công khai: 27 tháng Giêng và ngày càng nhiều con cháu xa gần về tham dự.
Hội đồng Gia tộc chi họ Hoàng được kiện toàn, bổ sung các thành viên đủ về số lượng, cơ cấu, thành phần và hoạt động có hiệu quả, nhất là việc tra cứu, biên tập, bổ sung phả hệ và cung cấp nhiều thông tin, tư liệu quý phục vụ cho các cuộc Hội thảo khoa học nhà nước về “Vương triều Mạc trong Lịch sử Việt Nam” nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tháng 10/2010; ” Vương triều Mạc thời kỳ Cao Bằng” tổ chức tại Thị xã Cao Bằng tháng 7/2011; “Những di sản văn hoá về Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương”; về thân thế, sự nghiệp Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn, về ngôi mộ Thuỷ tổ và cuốn gia phả cổ của họ. Các thành viên Hội đồng Gia tộc họ đều gương mẫu, tích cực động viên con cháu trong họ tham gia đóng góp, ủng hộ cả về tinh thần và vật chất cho Hội đồng Mạc tộc TP Hải Phòng nhân ngày giỗ Nhân minh Cao Hoàng đế, Thái tổ Mạc Đăng Dung và việc xây dựng khu tưởng niệm các vua nhà Mạc tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ, TP Hải Phòng.
Ảnh 7: Giáo sư Văn Tạo – Nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam phát biểu tham luận tại hội thảo khoa học” Những di sản văn hóa về Vũ An hoàng đế Mạc Toàn”, tổ chức ngày 13/10/2011 tại huyện Kinh Môn, Hải Dương.
Hội đồng Gia tộc Chi họ đã duy trì và tổ chức có nền nếp việc dâng hương, cúng giỗ Thuỷ tổ vào ngày 27 tháng Giêng hàng năm. Các ngành, các chi đã làm tốt việc cúng giỗ Thượng tổ của ngành mình như ngành ông Hoàng Văn Tính, ông Hoàng Văn Đông, Hoàng Văn Hoà, chi ông Hoàng Văn Nền, Hoàng Văn Nghiệp,… Năm 2010 đã tuyên truyền, vận động con cháu trong họ ủng hộ với tổng kinh phí hơn 35 triệu đồng để tu tạo ngôi mộ và xây dựng con đường bằng bê tông đi lên mộ Thuỷ tổ. Trong cuộc vận động này, đã có rất nhiều con cháu trong họ thành tâm, tích cực ủng hộ, giúp đỡ, động viên cả về trí tuệ, vật chất, công sức và tinh thần, tiêu biểu như gia đình cụ Hoàng Văn Ý, gia đình ông Dương Tấn Hiệp, cá nhân ông Hoàng Văn Xưởng, anh Hoàng Văn Tiến, anh Hoàng Minh Côi,…
Ảnh 7: Quang cảnh Lễ tưởng niệm 418 năm ngày mất Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn
tại Chi họ Hoàng xã Hiệp An, ngày 27 tháng Giêng năm Tân Mão 2011.
Ảnh 8: Hội đồng Gia tộc tuyên dương, khen thưởng cho các gia đình, cá nhân tiêu biểu.
Ngoài ra, công tác thăm hỏi, động viên người ốm đau, hoàn cảnh khó khăn hoặc phúng viếng người qua đời, phát tâm công đức cho các bậc cao niên tròn 70, 80 và từ 90 tuổi trở lên được duy trì tốt, kịp thời, chu đáo, được lãnh đạo địa phương, các chi họ khác và các gia đình đánh giá cao. Hội đồng Gia tộc làm tốt công tác khuyến học. Hàng năm, kết hợp với Hội Khuyến học xã tổ chức trao quà, tặng thưởng cho các cháu đạt thành tích cao trong học tập, đạt danh hiệu học sinh gỏi cấp tỉnh trở lên; các cháu trúng tuyển đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Công tác khuyến học của họ Hoàng được Hội Khuyến học huyện Kinh Môn ghi nhận, đánh giá cao và tặng Giấy khen năm 2009, Bằng khen năm 2010 cho ” Dòng họ khuyến học” .
Ảnh 9: GS, TSKH Phan Đăng Nhật, Chủ tịch HĐMT Việt Nam cùng đoàn đại biểu MTVN, Mạc tộc tỉnh Hải Dương, HĐGT chi họ Mạc ở Cổ Trai, Long Động, BQL di tích Mạc Đĩnh Chi dâng hương tưởng niệm 418 năm ngày mất Cảnh tông Hoàng đế Mạc Toàn tại Chi họ Hoàng xã Hiệp An.
Ảnh 10: Tiến sĩ Hoàng Văn Kể, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng
cùng đoàn đại biểu Mạc tộc TP Hải Phòng, BQL Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc ở Hải Phòng
dâng hương tưởng niệm 418 năm ngày mất Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn tại Chi họ Hoàng xã Hiệp An
Ảnh 11: Gia đình ông Thạch Quốc Dũng, 37 Lương Khánh Thiện, TP Hải Phòng dâng hương tưởng niệm 418 năm ngày mất Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn tại Chi họ Hoàng xã Hiệp An
Tuy nhiên, trong hoạt động của chi họ vẫn còn một số khó khăn, hạn chế là chưa có nhà từ đường để làm nơi thờ cúng Thuỷ tổ Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn và tổ chức các hoạt động khác của chi họ.
Trong không khí phấn khởi, trang nghiêm thành kính tưởng niệm 470 năm ngày mất của Nhân minh Cao Hoàng đế, Thái tổ Mạc Đăng Dung, chúng ta ôn lại lịch sử vương triều Mạc, thân thế và sự nghiệp Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn, quá trình hình thành và phát triển của chi họ Hoàng gốc Mạc xã Hiệp An, nghiêm túc đánh giá kết quả hoạt động đã qua và đề ra nhiệm vụ mới là tình cảm thiêng liêng, là trách nhiệm lớn lao của cả lớp lớp con cháu chi họ Hoàng gốc Mạc đối với các Tiên vương nhà Mạc. Với niềm phấn khởi đó, chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào sự phát triển của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương anh hùng, giàu mạnh, văn minh.
_____________________________
( Chuyên đề phục vụ Hội thảo khoa học “Những di sản văn hoá về Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương”)
Viết bình luận
Tin liên quan
- THƯ KÊU GỌI TIẾP TỤC CÔNG ĐỨC ĐIỆN SÙNG ĐỨC 2021
- KẾT NỐI DÒNG HỌ MẠC – Mạc Xuân Kỷ – Mạc tộc TP.HCM
- NHÀ THỜ HỌ PHẠM VIẾT NINH BÌNH ĐÓN NHẬN BẰNG DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ
- TÌM LẠI CỘI NGUỒN
- HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI DƯƠNG CHÚC TẾT
- HỌ ĐẶNG THÔN CHI ĐIỀN XƯA VÀ NAY
- CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2013
- DÒNG DÕI HỌ MẠC VÀ HẬU DUỆ Ở MÊ LINH – HÀ NỘI
- CHI HỌ HOÀNG GỐC MẠC XÃ HIỆP AN, KINH MÔN, HẢI DƯƠNG
- CHẮP NỐI CÁC CHI HỌ GỐC MẠC HUYỆN QUỲNH LƯU- NGHỆ AN
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.