- Đang online: 2
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 22190
- Tổng truy cập: 3,371,538
Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung
- 244 lượt xem
Phần 15
Hai đại thần là Nguyễn Hiến, Phạm Thứ cùng hai Đô lực sĩ là Nguyễn Thọ, Đàm Cử một hôm vào gặp Chiêu Tông.
Họ nói: Quanh kinh đô có bốn trấn thì hai nơi Sơn Tây, Hải Dương tay chân Đăng Dung nắm giữ; Sơn Nam thuộc Dung một nửa, chỉ còn mỗi Kinh Bắc là không. Nếu nhà vua không có cách chặt bớt vây cánh của Đăng Dung thì sau này tai hoạ sẽ khó lường. Chiêu Tông bảo:
– Nguyễn Bỉnh Đức ở Hải Dương, Vũ Hộ ở Sơn Tây tuy là người của Đăng Dung, Nguyễn Quốc Hiến ở Sơn Nam cũng là người của Đăng Dung, sao trẫm lại không biết cơ chứ. Nhưng họ có được những quyền ấy là do triều đình, do trẫm chứ đâu do Đăng Dung. Họ mang ơn trẫm chứ không mang ơn Đăng Dung nên điều các khanh nói trẫm lưu ý nhưng không lo. Đăng Dung có công với triều đình, chỉ trong vòng ba năm mà đánh đông dẹp bắc, thu phục Sơn Tây, diệt được Lê Do, đuổi được Trịnh Tuy. Vũ Hộ thì lấy lại được Tuyên Quang khiến thiên hạ hơn một năm nay yên ổn, nay vô cớ rút dây động rừng, khác nào đang không lại đi xui người ta nổi loạn!
Nguyễn Hiến tâu:
– Dẫu sao bệ hạ cũng nên phòng xa. Con người ta thường có tính tự kiêu, mấy năm nay Đăng Dung lập nhiều công lao, không thể không tự kiêu mà sinh thói càn rỡ. Y chẳng đã giết Đỗ Nhạc, Nguyễn Dự vì làm trái ý y đó sao! Cho nên cần phải ngăn ngừa trước thói càn rỡ của y đi. Nay con Trần Cảo là Trần Thăng đang chiếm giữ Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, chi bằng hãy điều Đăng Dung đi đánh dẹp ngay vào mùa đông này. Mạn ấy giá rét, quân sĩ sẽ cực kỳ gian khổ, có khi còn chết vì rét nên dẫu có thắng được Trần Thăng hay không họ cũng sẽ đem lòng oán giận Đăng Dung, gây tiếng xấu cho y khiến y bớt huyênh hoang, tự kiêu, tự mãn, lúc đó triều đình sẽ dễ bề sai khiến, tay chân của y triều đình cũng dễ bề điều khiển.
Nhà vua nghe theo, bèn triệu Đăng Dung vào cung bàn về việc chinh phạt Trần Thăng. Đăng Dung tâu:
– Trần Thăng không thể không đánh dẹp nhưng chờ tới hơn tháng nữa mới ra quân thì đúng vào mùa đông, mạn Bắc rất rét, thần e quân sĩ sẽ gian khổ. Vậy nên bây giờ còn đang thu, xin bệ hạ cho thần hành quân ngay.
Chiêu Tông không ngờ Đăng Dung lại sốt sắng như vậy nên bảo:
– Liệu chuẩn bị có kịp không?
– Thần nghĩ là kịp. Quân triều đình vừa đánh thắng quân phản loạn mấy xứ nên khí thế đang hăng, năm nay lại được mùa nên thóc lúa nhiều, quân lương đầy đủ.
Chả nhẽ lại cản trở nên Chiêu Tông bằng lòng, trong bụng nghĩ sẽ tìm cách dềnh dàng cung cấp lương thảo để Đăng Dung phải lưu lại lâu dài trên mạn Bắc, ít nhất là hết cả mùa đông sang đầu mùa xuân. Ngay hôm sau, Đăng Dung đến điện Quỳnh Vân nhận chỉ đi đánh Trần Thăng.
Mạc Đăng Dung bàn với Lễ Bộ thượng thư Phạm Gia Mô:
– Tôi sắp cầm quân lên mạn Bắc, nơi ấy vừa xa vừa lạ, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, lâu dài. Việc ở kinh đô đã giao cho Đăng Doanh, có gì cậy ông một tay. Tôi cũng đã dặn Vũ Hộ, Nguyễn Bỉnh Đức và Nguyễn Quốc Hiến các điều, có việc ông và Đăng Doanh sẽ gọi họ.
Phạm Gia Mô nói:
– Làm gì cũng phải chính danh mới thuận. Tôi tiếng là đứng đầu một bộ, hàm nhị phẩm nhưng chỉ trông coi việc lễ nghi, tế tự, yến tiệc, học hành, thi cử, khâm thiên, y viện chứ các việc quốc gia đại sự đâu có được tham gia, bởi từ xưa đến nay quyền ấy thuộc về năm phủ, các văn thần không liên quan đều không được tham dự. Nhưng năm phủ lâu nay làm được gì? Từ khi ông tham gia bàn chính sự còn khá chứ trước đây toàn hạng bất tài, xiểm nịnh và vụ lợi nên sinh ra những lời sàm tấu, vua càng nghe càng làm cho đất nước kỷ cương rối loạn. Sắp tới tướng quân đi xa, nhiều chuyện các phủ bàn bạc Đăng Doanh và tôi không được biết thì làm thế nào?
– Tôi sẽ tâu với vua sung ông vào Chính sự viện, Mạc Quyết giữ đạo Túc vệ, Đăng Doanh giữ điện Kim Quang.
Gia Mô nói:
– Được thế thì tốt. Còn tướng quân phải có quyền lực mạnh mới được, mặc dù quyền lực ấy tướng quân đã có nhưng cũng phải danh chính ngôn thuận. Mai tôi vào triều sẽ dâng bản bảo cử tướng quân làm Tiết chế, toàn quyền điều binh khiển tướng trong thiên hạ, có thế mới được.
Phạm Gia Mô đem việc bàn với một số đại thần, cùng nhau viết bản bảo cử tâu vua phong cho Mạc Đăng Dung làm Tiết chế các doanh thuỷ lục quân 13 đạo. Vua nghe theo và còn ban thêm cho Đăng Dung chức Thái phó.
Xong xuôi, chọn ngày tốt, Mạc Đăng Dung cất quân chia làm ba ngả lên đường. Đăng Dung đích thân dẫn một cánh quân, sai Đinh Mông làm tiên phong, Lê Bá Ly làm Tán lý quân vụ, tiến đánh thành Xương Giang. Mạc Đốc, Nguyễn Kính đánh Thái Nguyên, sau đó theo lối Võ Nhai sang hội quân cùng Đăng Dung ở Cần Trạm để cùng tới Chi Lăng. Mạc Quốc Trinh, Mạc Đĩnh Khoa đánh Lục Nam, Lục Ngạn, sau đó theo đường tiểu mạch tới Hữu Lũng rồi cũng hội quân cùng đánh Chi Lăng. Mạc ích Trưng đôn đốc quân lương.
Bị thua ở Đông Triều, Trần Cảo chạy lên mạn Bắc, chiếm mấy huyện ở Bắc Giang, sau đó đánh sang Thái Nguyên và tiến lên Lạng Sơn. Triều đình lúc này đang rối ren, hết Trần Chân lại Lê Do, Trịnh Tuy, Nguyễn Kính làm phản nên Trần Cảo lập cung điện ở Lạng Nguyên mặc sức tung hoành suốt 5 năm trời. Sau đó Cảo học theo vua Nhân Tông đời Trần, truyền ngôi cho con là Trần Thăng rồi cạo đầu làm sư, cùng với sư cũ của chùa Quỳnh Lâm là Công Uẩn lên núi đi tu, không ai biết tu ở chùa nào, từ đấy hoàn toàn mất tăm mất tích. Trần Thăng còn có tên là Cung, là con trưởng của Trần Cảo sau khi lên ngôi, cùng đám tay chân cũ của Cảo là Công Chinh, Thọ Sơn, Đình Tá lại càng hoành hành hơn trước, chẳng bao lâu đã có trong tay hàng vạn binh mã, chiếm cả một vùng rừng núi rộng lớn, hiểm trở.
Hơn một tháng trời, dọc đường quân triều đình đi qua, nơi nào địch chủ tâm kháng cự mới tiêu diệt còn thì dùng lời lẽ quy hàng những kẻ làm phản và phủ dụ dân chúng; quan lại trước đây chỉ những kẻ thông đồng làm phản mới bắt giết, còn những ai không cố ý, chỉ vì sợ hãi mà theo thì dùng lại. Do vậy ba đạo quân chẳng mấy chốc đã gặp nhau ở Hữu Lũng.
Nói chuyện với Đăng Dung, Mạc Đốc khen Nguyễn Kính:
– Không có Nguyễn tướng quân chưa chắc hôm nay em tới được đây. Đường toàn đường núi rậm rạp, tướng quân đi trước mở đường. Tới Thái Nguyên, Thân Anh Kiệt và Nông Văn Toàn cố thủ trong thành không chịu ra đánh. Nguyễn tướng quân bảo làm cho mình một chiếc xe cao ngang mặt thành, rồi cùng mười dũng sĩ chỉ mang mã tấu và mộc lên xe; người bên dưới đẩy xe tới sát tường thành, giặc bắn tên, Nguyễn tướng quân và các dũng sĩ lấy mộc đỡ được hết rồi tất cả nhảy lên thành quyết chiến, mười một người chống lại trăm người và xuống mở cổng thành cho đại quân tràn vào.
Nguyễn Kính nói:
– Tôi vốn có tội với triều đình, được Tiết chế tướng quân xin với nhà vua tha mạng, lại thu nạp làm tướng dưới trướng, ơn ấy không sao kể xiết, một chút công lao thì đáng kể gì. Mạc Đốc tướng quân mới thực sự là dũng tướng khó ai bì nổi.
Đăng Dung bảo:
– Ta được Nguyễn tướng quân thật như Lưu Bị ngày trước được Triệu Tử Long vậy. Cánh quân của ta đánh thành Xương Giang nếu không có tướng quân Đinh Mông cũng chưa chắc xong nổi bởi Xương Giang ngày trước giặc Minh đóng nên củng cố thành quách vững chắc lắm. Đinh tướng quân bắc thang trèo lên thành, dùng dây xích đeo truỳ quăng đâu trúng đó, giặc cách xa đến hơn mười bước chân vẫn chết như thường, khi quay xích thành vòng tròn quanh mình thì không một kẻ nào dám gần, bao nhiêu tên bắn tới đều bị dây xích đánh văng đi hết. Thật ta chưa thấy một ai giỏi đến thế.
Hành quân tới Chi Lăng thì trời đã tối, Đăng Dung cho quân hạ trại trên cánh đồng ruộng bậc thang. Mùa này khô cạn nên ruộng để không, lác đác mới có nơi trồng ngô. Lúc ấy đã gần cuối thu, dưới xuôi còn chưa lạnh nhưng ở đây đêm đến sương xuống rất buốt, nhiều người rét không ngủ được phải trở dậy đốt lửa sưởi, sáng ra thấy cành cây ngọn cỏ phủ một lớp trắng mới biết là sương muối.
Đầu giờ tị hôm sau quân triều đình đến cửa ải thúc trống khiêu chiến. Quân Trần Thăng đóng kín cửa ải nhất định không ra, quân triều đình đến gần thì chúng bắn tên xuống dày như lông nhím và còn chọc tức rằng: “Đây rừng tre rừng vầu bạt ngàn, tên của chúng ta vô số, bắn hàng chục năm không hết nhá! Tên lại đem ngâm nước đái lâu ngày, kẻ nào trúng phải chỉ có thối thịt mà chết!”. Chúng nói không sai, nhiều người bị tên dù chỉ bị nhẹ và đã được rịt thuốc, chỗ bị thương vẫn sưng đỏ lên rồi mưng mủ. Bị thương ở tay còn chịu được, bị ở lưng ở ngực ở bụng và nhất là ở đầu có người sau đó khoảng chục ngày đã chết. Năm sáu hôm liền như vậy. Trong khi đó lương thảo sắp cạn mà mãi không thấy Mạc ích Trưng cho xe lương lên. Bữa ăn phải bớt dần. Bụng đói cật rét, nhiều người tưởng không thể cầm nổi vũ khí. Quân sĩ bắt đầu hoang mang. Có người bàn sai quan bản xứ lấy thóc gạo của dân. Mạc Đăng Dung nói:
– Mạn ngược ruộng ít, thóc gạo chỉ đủ ăn nên chưa bao giờ triều đình bắt dân chúng cung nạp cho triều đình, mà thay bằng các sản vật trên rừng. Nay đi lấy thóc gạo của dân, dân sẽ ta thán, vô tình đẩy họ theo giặc Thăng.
Lê Bá Ly bảo:
– Tôi về kinh đô một chuyến xem sao.
Đang lúc ấy xe lương từ dưới xuôi lên tới nơi nhưng chẳng được bao nhiêu, áng chừng chỉ qua được vài ba ngày. Họ chuyển lời Mạc ích Trưng nói rằng bị Bộ Hộ gây khó khăn. Phạm Gia Mô kêu với vua, nhà vua bảo đấy không phải là việc của Bộ Lễ! Phạm Gia Mô và Mạc ích Trưng đành bó tay, chỉ biết cho người nói với Đăng Dung, bàn hãy rút quân.
Đăng Dung nín lặng hồi lâu rồi nói:
– Chúng ta vất vả ở đây cũng là vì triều đình, mấy kẻ ở Bộ Hộ không biết sao? Phạm Gia Mô đã lường trước chuyện này, nay quả nhiên không sai.
Đăng Dung liền viết tấu để Lê Bá Ly mang về kinh dâng vua đồng thời sai người đi gấp về Hải Dương yêu cầu Tổng trấn Nguyễn Bỉnh Đức điều gấp tới hai vạn thạch lương.
Lê Bá Ly đi được dăm hôm thì một chiều, có đoàn sứ giả triều đình từ kinh đô lên, Đăng Dung tiếp ở bản doanh. Chánh sứ trao cho Đăng Dung sắc chỉ của vua. Sắc viết:
“Trẫm thường nghe: Vì nước trừ bạo tàn, không quản nơi nguy hiểm, đó là chức trách của người làm tướng. Cho nên Điền Đan nước Tề dấn thân nơi tên đạn mà nước Địch quy hàng; Lý Tố nhà Đường xông pha gió sương mà bình định Hoài Sái. Các tướng ấy đều bảo vệ xã tắc và có công lớn với thiên hạ.
Khanh là người trẫm trông cậy. Nay giặc Thăng tụ tập dư đảng, chiếm cứ vùng Thái Nguyên, Lạng Sơn, triều đình phong cho khanh làm đô tướng, tiết chế các doanh thuỷ lục trong thiên hạ, chia đường đi đánh dẹp, vượt sông núi, gội gió mưa, phá quân giặc ở huyện Phượng Nhãn và Bảo Lộc, những nơi khanh đi qua binh sĩ không hề xâm phạm của dân một mảy may, các dân xã đó đều đã hàng phục. Đã mấy lần nhận được thư tâu thắng trận, trẫm rất khen ngợi.
Về việc quân lương chậm trễ trẫm đã trách cứ Bộ Hộ, mấy hôm nữa lương sẽ tới nơi, không thiếu một hạt gạo.
Nay sai Thiếu bảo Binh bộ thượng thư Cẩm Sơn hầu Lê Thúc Hựu, Tư lễ Tổng thái giám kiêm Tài dụng khố sự Lê Khoái và Tả thị lang Đông các đại học sĩ Nguyễn Quýnh đem tờ sắc chỉ này úy lạo khanh cùng tướng sĩ các doanh và 100 lạng bạc để khanh thưởng cho kẻ có công.
Khi nhận tờ sắc này, khanh nên thể theo ý trẫm: Lấy điều trung nghĩa khiách lệ tướng sĩ, đồng tâm hiệp lực, lập kế bắt giặc. Chỉ cốt bắt cho bằng được chính tên giặc Thăng, còn những kẻ a tòng đều tha cho hết thảy. Quét sạch tận sào huyệt bọn giặc ẩn núp đã lâu năm; cứu vớt dân địa phương khỏi lầm than, được an cư lạc nghiệp, để thông đường đi sứ, để trọn vẹn chiến công. Như vậy thì công danh của khanh sẽ vang lừng vũ trụ, tước lộc của khanh sẽ lưu truyền mãi mãi tới con cháu đời sau.”.
Đăng Dung nhận chỉ, mời đoàn sứ giả cùng ngồi bàn việc. Đăng Dung nói:
– Hoàng thượng ban thưởng cho tướng sĩ tuy chỉ có 100 lạng bạc nhưng thật đúng lúc. Tuy nhiên cái lúc này tôi cần là lương thảo chứ không phải tiền bạc, sao việc ấy lại chậm vậy?
Đám sứ giả bảo họ không biết chuyện ấy.
Đúng lúc đó xe lương của Hải Dương tới, đủ hai vạn thạch; Tổng trấn Nguyễn Bỉnh Đức còn có thư gửi theo. Đăng Dung xem thư gật đầu tâm đắc rồi nói:
– Trước mặt là Chi Lăng, chính là nơi xưa vua Thái Tổ đánh mười vạn quân Minh không còn mảnh giáp, tướng giặc là Liễu Thăng bị chém chết bên sườn núi Mã Yên, chính sử nhà Minh viết chỉ còn mỗi Chủ sự là Phạm Hậu thoát chết về được nước. Ta thắng lớn thế một phần cũng bởi địa thế Chi Lăng hiểm yếu, thủ dễ mà công thì khó. Hãy xem, thung lũng nhỏ hẹp, một bên núi đá dựng đứng, một bên là con suối nhỏ bên kia suối là cánh đồng và năm ngọn đồi thấp. Nay Trần Thăng chiếm giữ cửa ải và cả núi cao cùng năm ngọn đồi nên chúng giữ lợi thế. Cũng như cha y trước đây là Cảo, Thăng quyết chí phản Lê phục Trần nên liều chết. Triều đình cũng quyết không tha cho y. Thuyết hàng không được, đánh cũng không được, vậy các tướng ai có mưu kế gì không?
Các tướng không ai nói gì. Đăng Dung gạn hỏi mấy lần, Mạc Đốc mới thưa:
– Dọc đường các tướng có bàn: Chúng ta vừa hành quân vừa chinh chiến dọc đường, suốt gần hai tháng nay đã vô cùng mỏi mệt, đến đây lại không quen thung thổ, nhiều người không chịu được rét, nhiều người đã bị ngã nước, mấy hôm rồi lại ăn uống dè dặt vì sợ lương không đủ. Giặc lại nhất định không chịu ra đánh. Chi bằng hãy tạm rút về, sau rồi sẽ liệu.
Các tướng một số người hùa theo Mạc Đốc. Đăng Dung nói với đoàn sứ giả:
– Các ông nghe cả rồi đấy, để các ông về tâu với nhà vua. Tôi muốn đánh, các tướng không muốn thì biết làm sao. Không phải các tướng thoái chí mà bởi Chi Lăng hiểm yếu quá, thời tiết lại không chiều người!
Binh bộ thượng thư Lê Thúc Hựu xụt xịt vì cảm lạnh, nói:
– Hoàng thượng cho tôi đi với đoàn sứ giả là có ý giúp Tiết chế. Hôm qua tôi có xem xét địa thế, thấy một bên núi đá dựng đứng, một bên là suối, giữa là con đường độc đạo rộng chỉ vừa năm người dàn hàng ngang đi sát nhau. ải xây chắn ngang đường, cửa ải nếu mở toang cũng chỉ chiếc xe ngựa đi lọt. Giặc trên ải do vậy mười người chống nổi trăm người. Dẫu có qua được ải thì cũng bị giặc phục kích trên núi bắn tên hay lăn đá xuống, mười phần phải chết đến chín! Thật khó! Tất nhiên có thể qua suối sang bên kia dàn quân trên cánh đồng nhưng năm ngọn đồi lại bị giặc chiếm giữ, có chiếm được cũng khá tổn thất. Vậy nên lui binh chờ ra Giêng ấm áp quay lại đánh cũng là một cách.
Đăng Dung bảo:
– May Thượng thư có lời không thì tôi lại mắc tội với triều đình vì không cố gắng. Nay tôi cho quân lui, về nghĩ thêm cho chu đáo, sang năm hứa lại bắc phạt cho đến khi diệt được giặc Thăng mới thôi.
Tổng thái giám Lê Khoái phản đối:
– Chính tôi tâu với Hoàng thượng xuất kho lấy bạc thưởng cho tướng sĩ, tưởng tướng sĩ quyết tâm hơn ai ngờ lại bàn lùi, thật uổng công của tôi và phụ lòng mong mỏi của Hoàng thượng!
Đăng Dung đứng dậy:
– Ông bảo uổng công của ông, vậy máu xương của quân sĩ đổ ra họ có kể công không?
Đám sứ giả không ngờ Đăng Dung lại cho rút quân nên kẻ chê người trách Đăng Dung, trách cả Lê Thúc Hựu vẽ đường cho hươu chạy.
Trưa hôm sau chờ cho nắng lên, Đăng Dung đổi hậu quân thành tiền quân rồi rút lui. Đi gần hai canh giờ thì dừng lại cho quân lính thổi nấu và nghỉ ngơi, mỗi người còn được phát nắm cơm lớn nhưng có lệnh mới được ăn. Khoảng gần sáng phía Chi Lăng bỗng sáng rực, Đăng Dung liền thúc trống, lệnh cho quân sĩ cấp tốc quay lại, ai đói lấy cơm nắm mà ăn.
Thì ra Đăng Dung giả cách rút quân nhưng cho một trăm quân tinh nhuệ mặc thật ấm nằm phục dọc theo bụi rậm bên bờ suối, đến gần sáng địch thấy quân triều đình rút đã xa liền mở cửa ải, lập tức một trăm quân mai phục do Mạc Đốc, Đinh Mông, Nguyễn Kính chỉ huy nhất tề xông lên quyết chiến chiếm lấy ải và đốt lửa gọi đại quân quay lại.
Bởi đã cách ải khá xa nên phải tới gần canh giờ đại quân triều đình mới đến nơi. Lúc đó một trăm binh sĩ chết chỉ còn chưa đầy mười người nhưng đã chiếm được ải và một dải ven suối. Trần Thăng đốc quân chiếm lại ải. Đinh Mông đứng giữa đường dùng truỳ xích ngăn địch nhưng rồi có đứa nắm được dây xích, Đinh Mông phải bỏ truỳ dùng dao ngắn đánh địch nhưng vì chúng đông quá nên không chống lại nổi và bị giết. Địa thế chặt hẹp, có lúc không thể dùng nổi vũ khí nên quân hai bên cứ thế ôm nhau dồn vào vách núi, đẩy xuống sông, nhặt đá đập nhau đến chết, dìm nhau xuống nước cho ngạt thở. Đến trưa, vì đại quân triều đình tới đông nên Trần Thăng núng thế bỏ chạy. Quân triều đình tràn xuống thung lũng đánh chiếm năm ngọn đồi và truy đuổi Trần Thăng đến cùng. Trần Thăng chạy lên châu Thất Nguyên, sau đó bị quân tuần tiễu của triều đình bắt được, bỏ cũi giải về kinh sư. Đăng Dung không dừng lại, vượt sông Kỳ Cùng, tiến lên tận ải Nam Quan.
Bây giờ Đăng Dung mới đưa cho mọi người xem thư của Nguyễn Bỉnh Đức. Bỉnh Đức bày kế “giấu trời qua biển”, “ngầm vượt bến Trần Thương” giả cách lui quân và cho phục binh chiếm ải. Đăng Dung đã nghĩ đến kế đó từ trước và bày cho Mạc Đốc và các tướng làm như thoái chí để lừa giặc. Tổng thái giám Lê Khoái lấy làm bực vì Đăng Dung bí mật kế ấy với mình. Đăng Dung bảo:
– Ở đây lạ nơi lạ chốn, tai vách mạch dừng, xin quan Tư lễ nghĩ đến việc lớn mà bỏ qua chuyện nhỏ nhặt.
Quân triều đình khải hoàn trở về kinh sư.
Một ông lão cùng con cháu và mấy người địa phương đợi bên núi suốt mấy ngày chờ cho kỳ được quân triều đình về qua để dâng rượu.
– Đã lâu lắm, – Ông lão nói – cách đây 21 lần cái rét đến rồi lại đi, có một quan triều đình chạy ngựa lưu tinh lên đây để gặp đoàn sứ giả sang Bắc quốc, con ngựa mệt đứt ruột chết! Quan ấy hỏi rượu Mẫu Sơn, chúng tôi không có sẵn, chỉ có rượu hoẵng nên bị chê là chua và nhạt, nước rượu không trong. Chúng tôi ân hận mãi từ đó đến giờ, vậy nên quyết kiếm rượu Mẫu Sơn ủ sẵn bao nhiêu năm nay để chờ. Nay đại quan lên đây đánh giặc, cho chúng tôi được dâng rượu và gửi một ít nhờ đại quan mang về kinh đô cho vị quan ngày trước.
Bên cạnh ông lão quả có năm bình rượu lớn cùng mấy cái sừng trâu dùng làm đồ uống rượu, gọi là giác. Mạc Đăng Dung quay về phía Lê Thúc Hựu có ý hỏi. Thúc Hựu lại nhìn Nguyễn Quýnh. Quýnh là Đông các đại học sĩ nên đọc nhiều, nhớ giỏi, đi đâu, thấy gì cũng ghi chép. Nguyễn Quýnh nói:
– Năm vua Hiến Tông băng, triều đình sai Nguyễn Bảo Khuê đi sứ Bắc quốc báo tang và cầu phong, chưa đến ải Nam Quan thì Lê Kỳ đuổi kịp, báo tin vua mới là Túc Tông cũng đã băng hà. Viên quan khi ấy hỏi rượu là Đô lực sĩ Lê Kỳ.
Mạc Đăng Dung bảo:
– Vua Túc Tông mất, Uy Mục đế kế vị mở khoa thi Tiến sĩ võ, anh em tôi cùng đi thi, năm ấy tôi mới ngoài 20, bây giờ đã 43 tuổi. Cuộc đời sao mà ngắn ngủi vậy!
Đăng Dung nhận rượu, uống một giác rồi truyền các tướng cùng uống.
– Rượu Mẫu Sơn thật ngon! – Đăng Dung khen – Nhưng mỗi loại rượu một vị riêng, tại sao ngày xưa Lê Kỳ lại chê rượu hoẵng nhỉ?
Ông lão nói:
– Rượu hoẵng nhạt và có vị chua, không hợp với người ưa rượu nặng nhưng uống vào bữa ăn rất tốt. Nên trong nhà chúng tôi lúc nào cũng sẵn. Nếu tướng quân không chê thì chúng tôi lại xin dâng thứ rượu ấy.
Ông lão đem rượu hoẵng ra. Đăng Dung và các tướng mỗi người lại uống một giác nữa, cùng khen rượu có vị riêng rất lạ. Đăng Dung tặng ông lão tấm chiến bào khoác trên người rồi tạm biệt, dọc đường bảo tướng sĩ: “Người mạn ngược thật thà, tốt bụng, thật là chỗ dựa vững chắc cho phên giậu quốc gia!”.
Đinh Mông tử trận. Mạc Đốc bị trọng thương, dọc đường thì mất. Nguyễn Kính cũng bị thương. Một trăm dũng sĩ có công chiếm ải không còn một ai. Đăng Dung ngồi xe ôm xác em suốt một ngày trời mới cho người khâm liệm mang về kinh đô. Bản thân Đăng Dung cũng bị mấy vết thương, nặng nhất là vết giáo đâm ở đùi.
Nhà vua thân ra tận bến sông Nhị Hà đón Mạc Đăng Dung rồi xe vua đi trước, xe Đăng Dung đi sau, cùng về điện Vạn Thọ dự ngự yến. Các Thượng thư Lê Thúc Hựu, Trình Chí Sâm, Nguyễn Thì Ung, Phạm Gia Mô và nhiều đại thần hết lời ca ngợi Đăng Dung, so sánh Đăng Dung với với Y Doãn phò nhà Thương, Khương Tử Nha, Chu công Đán phò nhà Chu. Đăng Dung cảm tạ, nói rằng cũng như chim cắt chim ó, bay cao bay xa được là nhờ đôi cánh rộng, đôi cánh ấy là trăm quan văn võ trong triều. Nhân đó Đăng Dung tâu vua ban thưởng và phong bổ cho gần hai chục tướng sĩ có công dẹp giặc và giữ vững kinh đô, ban tiền bạc làm ma cho Mạc Đốc, Đinh Mông cực hậu.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.