- Đang online: 2
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 22172
- Tổng truy cập: 3,371,534
Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung
- 273 lượt xem
Phần 16
Biết Thái hậu bàn việc nạp cung vì nhà vua đã đến tuổi trưởng thành, cũng nhân đang vui, Đăng Dung tâu:
– Con gái Lân Mỹ hầu Mạc Quốc Trinh tên là Mạc Thị Kim Thoa năm nay tuổi vừa đôi tám, đẹp người đẹp nết, thần vẫn coi như con đẻ. Nay xin được tiến cung để hầu hạ nhà vua.
Thái hậu và nhà vua không nói gì. Ngự yến tan, vua bảo mấy quan đại thần thân tín ở lại, nói với họ:
– Trẫm những tưởng được Mạc Đăng Dung như người được cải tử hoàn sinh. Y lập được nhiều công lao ai cũng thấy, phía Đông làm cho chốn Hải Dương yên ổn làm ăn; phía Tây dẹp được dư đảng Trần Chân, quy hàng Nguyễn Kính, Hoàng Duy Nhạc, đánh tan Lê Do; phía Nam giữ vững Sơn Nam; phía Bắc đánh dẹp Trần Thăng thu về cả một miền rộng lớn cho triều đình. Bọn Phạm Gia Mô ca ngợi y như Chu công, Y Doãn, cũng không có gì quá đáng. Nhưng liệu y có noi gương của các vị ấy mãi mãi giữ lòng trung được hay không? Y không những cho người trong họ nắm hết quyền hành mà còn kiềm chế trẫm đủ đường. Trẫm ở ngoài cung Mạc Đăng Quyết đi theo, trẫm ở trong cung Mạc Đăng Doanh ở bên, cả khi trẫm lên giường cũng sẽ có Mạc Thị Thoa nằm cạnh, trẫm sống làm sao nổi? Nay Đăng Dung tự do ra vào nơi cung cấm không nể sợ ai, lại lấy cớ đánh giặc Thăng bị trẹo chân và bị thương ở đùi, để đi đường bộ thì ngồi xe che lọng phượng bông vàng, đi đường thuỷ thì dùng thuyền rồng dây lụa, đều là nghi trượng của thiên tử! Thà trẫm về với cái xó Lam Sơn như trước còn hơn.
Thái hậu bảo:
– Gái goá này cũng thà vậy cho xong!
Nguyễn Hiến, Phạm Thứ cùng khóc:
– Chúng thần bất tài, để Thái hậu và bệ hạ ngày đêm lo nghĩ, thật có tội!
– Hay ta dùng cái cách như với Trần Chân ngày trước, gọi Đăng Dung vào cung rồi cho người giết đi. Trẫm đã có Thị vệ Nguyễn Cầu, Đô lực sĩ Đàm Cử, mới đây Trịnh Tuy hối hận đã có thư xin được xá tội và cho Đô lực sĩ Nguyễn Thọ từ Thanh Hoa ra hầu. Ba người ấy không những đủ sức giết Đăng Dung mà kẻ nào theo hầu y cũng khó thoát.
Nguyễn Hiến thưa:
– Thần nghĩ cách ấy không xong. Đăng Dung thừa khôn để lấy bài học của Trần Chân mà nhắc mình. Bọn Mạc Quyết bên ngoài lại không như đám quân ô hợp của Trần Chân. Thần có kế này gọi là bắn mũi tên trúng hai đích: Một mặt cho người vào Thanh Hoa gọi Nguyễn Kim, Trịnh Tuy ra phò giá. Mặt khắc vì lâu nay Lê Bá Hiếu, Lê Khắc Cương ở Kinh Bắc sinh lòng dạ khác và bất bình với Đăng Dung, nay cho người xui y gọi là chống lại triều đình. Nhân đó cử Đăng Dung cầm quân đi đánh. Lúc đó sẽ cho Đàm Cử, Nguyễn Thọ mang quân tiếp ứng, tiếng là thế, kỳ thực đánh sau lưng Đăng Dung, hai mặt cùng đánh chắc chắn Đăng Dung sẽ không chống nổi. Thị vệ Nguyễn Cầu thì cố gắng giữ cung điện chống lại bọn Mạc Quyết, Mạc Đăng Doanh để chờ quân cần vương từ Thanh Hoa ra, việc lớn chắc xong. Còn bọn Bá Hiếu sau đấy ta sẽ phủ dụ vỗ về hắn, việc rồi cũng xong.
Vua Chiêu Tông nghe theo kế đó.
*
Cuối xuân năm ấy, các quan đại thần ai có con gái chưa chồng đều phải thông báo và vẽ tranh kèm theo gửi cho Bộ Lễ để Bộ Lễ chọn lấy khoảng 200 người trình diện Thái hậu và nhà vua. Mặc dù rất lo lắng về chuyện Đăng Dung, nhà vua vẫn cảm thấy rạo rực khi chỉ vài ngày nữa mình bỗng nhiên có một lúc mấy chục người vợ! Nhà vua cũng không lạ gì đàn bà, vì năm 12 tuổi đã được lâm hạnh. Người dạy nhà vua chuyện chăn gối tuổi chưa nhiều, chỉ hơn vua có sáu, bảy tuổi nhưng việc chỉ bảo rất thành thạo nên sau đó còn có mang. Từ đó đến nay cũng vậy, nhà vua gần đàn bà luôn, đấy là khi họ tắm, họ mặc quần áo, họ săn sóc cho vua và khi nào cũng làm cho vua thích thú, thỉnh thoảng họ lại chiều vua mà lên long sàng. Nhưng dù sao vẫn khác với chuyện này.
Trong lúc chờ hoạn quan đưa các cô gái vào, có lúc vua còn cương cứng đến nỗi tự xấu hổ với mình mà bỗng dưng đỏ mặt. Tuổi 17 ai mà chả vậy.
Trước mấy hôm đưa Kim Thoa vào cung, Đăng Dung bảo vợ chồng Mạc Quốc Trinh:
– Chúng ta hết lòng vì triều đình nhưng nhà vua lại đi nghe lời gièm pha mà có ý nghi ngờ thành tâm của chúng ta, bày đặt hết mưu này đến kế nọ. Có người trong nội cung nói với tôi như vậy. Chuyện lương thảo dềnh dàng hồi ta đi đánh Trần Thăng ngày trước chưa qua thì giờ lại đến chuyện có kẻ kích động Lê Bá Hiếu ở Kinh Bắc ra mặt chống đối. Ngay việc nhà vua đi đâu mấy đô lực sĩ cũng kè kè bên cạnh đủ biết điều đó. Vì thế cần có người luôn luôn ở bên vua để can gián, không can gián nổi thì biết được thái độ của vua mà thông báo, không thì có ngày chúng ta chết không có đất chôn. Họ ta và người làng ta không ít con gái xinh đẹp nhưng sở dĩ tôi chọn Kim Thoa vì nó là con cái trong nhà mà lại khôn ngoan. Thái hậu và nhà vua tất nhiên biết điều đó, chỉ vì bất đắc dĩ mà phải nghe tôi nên cho dù Kim Thoa được vào cung, Thái hậu cũng sẽ tìm cách không cho Kim Thoa với nhà vua gần nhau, nhà vua cũng kiếm cớ xa lánh Kim Thoa. Nên Kim Thoa có làm được việc giao cho hay không tuỳ thuộc vào chính nó. Đàn ông mười người thì chín người không thoát nổi ải mỹ nhân nên nó phải biết cách khiến cho nhà vua luôn luôn nhớ đến nó. Nhưng nó cũng cần phải biết đàn ông không phải ai cũng vì đàn bà mà để hỏng sự nghiệp nên lại phải làm sao khiến nhà vua thấy cần nó như cần một kẻ cận thần.
Mạc Quốc Trinh nói:
– Kim Thoa còn ít tuổi chưa biết gì, ngay như gặp đàn ông còn xấu hổ nên chuyện này phải bảo nó mới được. Nhà vua trước khi tuyển phi tần đều đã lâm hạnh từ mấy năm trước để cho quen chuyện đó. Tôi nghĩ có lẽ phải cho người dạy bảo con bé.
Sau đó Mạc Đăng Dung gọi riêng Kim Thoa tới nói:
– Con vào cung kỳ này rất hệ trọng. Có việc gì con cứ nói với quan nội thị là Nguyễn Thế An.
Đêm ấy, hai người một nam một nữ đến phủ Quốc Trinh, gã đàn ông vừa trông thấy Kim Thoa đã nhìn hau háu cho dù hắn biết chỉ nhìn thôi đã không được phép mà còn phạm trong tội. ả đàn bà thoáng trông đã biết là hạng gái lẳng lơ có tàn có tán. Mở đầu, ả đàn bà kể cho Kim Thoa sự tích Bà chúa Ngựa lưu truyền ở Vĩnh Trụ. Chuyện rằng bà này đêm nào cũng phải hơn chục người đàn ông cùng chăn gối, đêm không thoả bà bắt họ chăn gối cả ban ngày. Đàn ông thì ham vì bà ta đẹp, giàu có và con nhà quyền lực. Nhưng nhiều người vì kiệt sức mà chết, có người còn chết ngay trên bụng bà ta! Cuối cùng dân làng phải làm con ngựa bằng gỗ cho bà vào trong đấy giả làm ngựa cái. Thấy thế bà rất mừng, không ngờ chết vì không chịu nổi sức ngựa. Nghĩ bà là dị nhân nên dân chúng gọi là Bà chúa Ngựa và lập đền thờ. ả đàn bà kể xong, nói: “Tại sao biết có người đã chết vì bà ta mà nhiều gã đàn ông vẫn lao tới như thiêu thân? Họ ham tiền bạc ư? Quyền lực bà ta quá lớn ư? Cũng có nhưng cái chính bởi đàn ông vốn háu tính như vậy!”. Kim Thoa nghe mà nổi hết gai ốc. Gã đàn ông đi cùng thừa nhận đàn ông mười người thì chín người có tính ấy nhưng ngoài miệng họ lại nói khác đi, làm ra vẻ đạo mạo. Từ trước đến nay chỉ thấy vua nước Tống đời Xuân Thu là thực thà, chẳng những vậy khi ra trận trên cờ còn có chữ rằng mỗi đêm với chín, mười đàn bà, chư hầu thấy y khoẻ thế ai cũng khiếp!
Hai người giảng giải và thị phạm suốt đêm cho đến sáng. Lúc đầu Kim Thoa còn xấu hổ đỏ mặt, sau không những thích thú mà còn hỏi những điều đến hai người còn không ngờ.
200 người đẹp sau khi được các thái giám sơ chọn, chỉ còn 50 người. Ai cao quá, thấp quá, béo quá, gầy quá đều phải trở về quê. 50 người ấy tiếp tục được các thái giám thành thạo “nhất thẩm”. Họ ngắm nghía dung nhan, xem tóc, tai, mi, mày, răng lợi, đùi vế, cánh tay. Thêm 10 người nữa phải ra khỏi cửa Đại Hưng trở về quê. Tới “nhị thẩm” những người đẹp phải đi đi lại lại giơ tay giơ chân và nói để xem giọng nói thế nào. Chỉ còn 30 người được “tam thẩm”. Bây giờ thì họ được các cung nữ già và nữ quan đưa từng người một vào phòng kín xem xét hà hít khắp da thịt và xem cả chỗ kín. May sao cả 30 người đều được ở lại cung và được nuôi dạy trong vòng một tháng, từ cách đi đứng, nói năng, lễ nghi. Trong thời gian đó họ luôn luôn được các cung nữ già và nữ quan theo dõi. 6 người tưởng đã mừng không ngờ bị loại, một người ngủ thì ngáy, một người ngủ có tật nghiến răng, một người hay đánh trung tiện, một người có tính tắt mắt, một người lăng loàn đanh đá, một người có bệnh đái rắt. Đến đây vua Chiêu Tông phải kêu lên: “Những hai trăm người mà nay chỉ còn có hăm tư người, đến Thái hậu lựa nữa thì hết à?”. Phụng nghi thái giám Hoàng Quý Nhất nói: “Tâu Hoàng thượng, mùa xuân sang năm lại tuyển nữa, năm nào cũng tuyển một lần. Chuyện kinh giá đâu phải chuyện thường, xin Hoàng thượng chớ sốt ruột”.
Đích thân Thái hậu đứng ra lựa chọn lần cuối và cũng bà bước đầu phân họ theo chức phẩm, phong ai làm Hoàng hậu, Quý phi là việc sau này vì trải qua thời gian mới rõ được phẩm hạnh các cung tần. Thái hậu loại thêm 4 người nữa, cho xuống hàng cung nữ, trong đó có người chỉ vì bỗng dưng lại hắt hơi làm Thái hậu giật mình. Kim Thoa lần nào cũng qua được mà đúng ra thì nàng chỉ xong được “nhị thẩm” là cùng vì chỗ kín không được đẹp. Tuy nhiên trong văn bản cái chỗ ấy lại được khen: “Cái hoa khế tươi và thơm”. Thái hậu phong cho Kim Thoa là Chiêu dung, một chức phẩm khá thấp. Nàng biết Thái hậu cố tình hạ thấp nàng chỉ vì nàng là con gái họ Mạc. Nhưng nàng không lo, không buồn vì đấy mới là lựa chọn của Thái hậu, người quyết định cuối cùng vẫn là nhà vua, cho dù nhà vua không có quyền thay đổi thứ bậc mà chỉ được phép loại bỏ những người không vừa ý. Ngày trước bà Nguyễn Thị Cận mẹ vua Uy Mục cũng chỉ là Chiêu Nhân, hơn nàng một bậc; xưa nữa, bà Ngô Thị Ngọc Dao mẹ vua Thánh Tông lại còn là Tiệp dư, thấp hơn Chiêu Dung những sáu bậc!
Đến lượt những người được chọn, 20 người tất cả ra mắt nhà vua trẻ. Kim Thoa nhớ lại những gì người đàn bà từng trải đêm nào nói với nàng: “Em hãy đứng hơi tách khỏi bọn họ vì em không đẹp hơn hẳn họ, do đó phải làm cho vua chú ý. Em vừa phải tỏ ra quyến rũ vừa phải làm ra vẻ không quan tâm gì đến chuyện được làm vợ vua nên em cần hồn nhiên và ngây thơ như lúc em còn ở nhà với bố mẹ, em hãy đem theo gì đó ở nhà em vẫn thích. Em thích mèo à? Không được, nó lạ chỗ đông người sẽ chạy mất. Hoa hồng à, cũng được, em hãy tỏ ra chỉ biết có bông hoa ấy. Em nên nhớ, đàn ông không thích thứ tình yêu dễ dàng, họ thích những người đàn bà phải nhọc công mới chinh phục được nên em hãy tạo cho mình cái gì đó thật huyền ảo, xa vời và kiêu sa khiến nhà vua dù không muốn có em vẫn phải thèm khát em…”. Kim Thoa làm đúng như vậy. Tuy nhiên nàng lo lắng quá mức vì nhà vua chỉ sợ phi tần của mình không còn được bao nhiêu nên không loại một ai cả. Không những thế, nhà vua còn bảo hoạn quan cho nàng vào hầu vua ngay đêm đầu tiên. Thái hậu thấy vậy, ngạc nhiên bảo: “Đấy là con gái Đăng Dung, con không nhớ à? Dạo nọ con chả nói nằm bên cạnh nó thì sống làm sao nổi đó thôi!”. Chiêu Tông nói: “Nhưng con thấy thích. Những người khác cứ như hoa không có hương ấy, ai cũng nhạt nhẽo quá chừng! Con thề với mẹ chỉ gọi nàng một đêm rồi sau sẽ thôi.”.
Kim Thoa lại nhớ lời người đàn bà: “Hoa không thể đẹp mãi, em phải biết vậy. Đã thế đàn ông lại có tính có mới nới cũ, cả thèm chóng chán, có khi chán ngay khi em vừa trút bỏ xống áo và còn chưa lên giường, bởi vì em khi có quần áo thì da thịt tròn trĩnh, trông đàn ông chỉ muốn cấu véo nhưng bỏ quần áo ra thì thể nào cũng có chỗ khó coi. Em hãy quyến rũ nhà vua bằng ma lực của bản năng đàn bà khiến nhà vua quên đi cái xấu của em. Ma lực của đàn bà ư? Chuyện Bà chúa Ngựa chả nói với em đó sao, việc chị thị phạm, em chả đã thấy đó sao? Em thích chơi mèo, hẳn đã thấy mèo lúc động đực man dại làm sao…”.
Nhưng “người đàn bà thị phạm” không trải qua cuộc sống đầy quyền lực như Kim Thoa nên không ngờ rằng, khi tên hoạn quan đưa Kim Thoa vào hầu vừa đi khỏi, chỉ còn lại một mình với nàng, nhà vua bỗng cảm thấy sợ hãi, tới mức phải gọi hoạn quan quây quần bên giường, lúc đó mới dám ngả lưng bên Kim Thoa trong tâm trạng vô cùng căng thẳng, chỉ sợ bị giết. Kim Thoa sau khi giở hết cách, chỉ còn biết ngậm ngùi. Cứ thế rồi cả hai cùng thiếp đi lúc nào không biết. Sáng ra thấy con trai tỏ ra mệt mỏi, Thái hậu hỏi:
– Cái con lăng loàn ấy mà làm con mê mệt đến nỗi thế này ư?
– Thưa mẹ, không phải! Ngược lại là đằng khác. Con có làm gì đâu vì suốt đêm cứ sợ bị nó giết!
– Khổ thân con tôi! – Thái hậu thở dài – Không hiểu ngày trước khi Thuận Tông nhà Trần phải lấy con gái Hồ Quý Ly có khổ nạn như con bây giờ không! Được rồi, việc này con cứ để cho ta lo liệu.
Mấy tháng sau Chiêu Tông ban chiếu phong Phạm Thị Ngọc Quỳnh, người sách Cao Trĩ, huyện Thuỵ Nguyên làm Gia Khánh hoàng hậu. Phạm hoàng hậu là người hiền hậu và sâu sắc, biết mình tuy ở ngôi cao nhưng không có quyền lực nên cũng không dám đòi hỏi, được hầu vua lúc nào thì cố làm vua vui lúc ấy. Hoàng hậu còn tìm cách làm thân với Kim Thoa để khỏi bị nghi kỵ. Còn Kim Thoa, nàng được thăng làm Hoà tần, tuy chỉ lên hai bậc nhưng quyền thế vẫn không hề thay đổi!
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.